Áp dụng mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật tạm thời và mức dư lượng tối đa mặc định
3.1. Áp dụng mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật tạm thời và mức dư lượng tối đa mặc định
Do khoa học kỹ thuật có sự phát triển nhanh chóng, điều kiện thổ nhưỡng và kỹ thuật canh tác ở mỗi khu vực, quốc gia là khác nhau, nên danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở mỗi quốc gia cũng khác nhau, song song đó là quy trình đăng ký thuốc mới hoặc sửa đổi, bổ sung một loại thuốc đã đăng ký sẽ tốn khá nhiều thời gian. Để giải quyết các vấn đề phát sinh từ những sự khác biệt trên, các quốc gia trên thế giới đã xây dựng các quy định về mức dư lượng thuốc BVTV tạm thời và mức dư lượng thuốc BVTV mặc định nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn sức khoẻ của người tiêu dùng và có biện pháp hợp lý để xử lý các lô hàng nhập khẩu chứa thuốc BVTV không thuộc danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng của quốc gia nhập khẩu.
Hoa Kỳ hiện nay không có quy định về MRL thuốc BVTV mặc định, tuy nhiên nước này vẫn có quy định về MRL thuốc BVTV tạm thời. Theo đó, Điều 40 CFR 180.31 quy định việc thiết lập MRL thuốc BVTV tạm thời như sau:
Thứ nhất, người nộp đơn yêu cầu về MRL thuốc BVTV tạm thời phải là người đã có hoặc đang xin giấy phép thử nghiệm đối với thuốc BVTV theo quy định của Luật về thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và thuốc diệt chuột của Liên bang (Federal Insecticide, Fungicide, and Rodenticide Act). Người nộp đơn phải kèm theo các tài liệu được quy định tại Điều 40 CFR 180.7(b) (như trường hợp đăng ký mới) và nộp trước một khoảng phí cho việc xem xét hồ sơ theo quy định tại Điều 40 CFR 180.33.
Thứ hai, MRL thuốc BVTV tạm thời có thể được ban hành trong một khoảng thời gian hợp lý để các mặt hàng nông sản thô được sản xuất trong quá trình thử nghiệm thuốc theo giấy phép thử nghiệm do Cơ quan Thuốc trừ sâu,
Thuốc diệt nấm và Thuốc diệt chuột của Liên bang cấp. Quy định tạm thời về MRL của một thuốc BVTV nhất định có thể bị thu hồi nếu giấy phép thử nghiệm bị thu hồi, hoặc có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào nếu đơn đăng ký có sai sót nghiêm trọng hoặc có bằng chứng từ dữ liệu khoa học mới cho thấy rằng MRL đã được thiết lập tạm thời đã không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Như vậy, do Hoa Kỳ không quy định về MRL thuốc BVTV mặc định và không có quy định về dẫn chiếu đến mức dư lượng được khuyến cáo của Codex, nên trong trường hợp có một loại thuốc BVTV mới mà các công ty sản xuất thuốc BVTV muốn sử dụng hoặc hàng hoá nhập khẩu có chứa dư lượng của loại thuốc này thì trước hết phải nộp đơn đến Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ để được xem xét thiết lập MRL tạm thời. Mặc dù Hoa Kỳ không quy định MRL mặc định, nhưng lại có quy định mức dư lượng bằng không (zero tolerances) đối với những loại thuốc chưa được cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ, không cho phép sử dụng hoặc được sử dụng nhưng không được phép có tồn dư dư lượng thuốc, quy định này cũng được đánh giá là gây trở ngại rất lớn đối với hoạt động thương mại.
Đối với vấn đề này, Liên minh Châu Âu có cả quy định về mức dư lượng tạm thời và mức dư lượng mặc định cho thuốc BVTV không thuộc danh mục thuốc được quy định tại Quy định (EC) 396/2005. MRL tạm thời cho các thuốc BVTV sẽ được quy định đối với loại thuốc không được liệt kê trong Phụ lục I và II Quy định (EC) 396/2005 và các quốc gia thành viên của EU cũng chưa có quy định MRL ở cấp độ quốc gia của loại thuốc đang xem xét. Mức dư lượng tối đa tạm thời sẽ được đặt ở mức thấp nhất có thể đạt được ở tất cả các quốc gia thành viên trên cơ sở thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Bên cạnh đó, nếu các hoạt chất chưa được đưa vào Phụ lục I của Chỉ thị 91/414/EEC và không có trong Phụ lục II của Quy định (EC) 396/2005, thì việc thiết lập hoặc sửa đổi các MRL tạm thời sẽ được thực hiện và liệt kê trong Phụ lục III của Quy định (EC) 396/2005. Trường hợp MRL tạm thời được thiết lập như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Quy định (EC) 396/2005, thì quy định tạm thời này sẽ bị xóa khỏi Phụ lục III của Quy định (EC) 396/2005 một năm sau ngày đưa hoặc không đưa vào Phụ lục I của Chỉ thị 91/414/EEC của thuốc BVTV liên quan theo quy trình quy định tại khoản 2 Điều 45 Quy định (EC) 396/2005. Tuy nhiên, khi một hoặc nhiều quốc gia thành viên yêu cầu, quy định tạm thời về MRL có thể được duy trì thêm một năm trong khi chờ xác nhận rằng mọi nghiên cứu khoa học cần thiết để hỗ trợ đơn đăng ký thiết lập MRL đã được thực hiện.
Một vấn đề cần lưu ý khi đưa MRL tạm thời vào Phụ lục III Quy định (EC) 396/2005 là sẽ dựa trên ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, dữ liệu giám sát và đánh giá chứng minh rằng không có rủi ro không thể chấp nhận được đối với người tiêu dùng hoặc động vật. Hiệu lực tiếp tục của các MRL tạm thời được đề cập trong các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 16 Quy định (EC) 396/2005 sẽ được đánh giá lại ít nhất 10 năm một lần và bất kỳ MRL nào như vậy sẽ được sửa đổi hoặc xóa bỏ khi thích hợp. Ngoài ra, các MRL được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 16 Quy định (EC) 396/2005 sẽ được đánh giá lại khi hết thời hạn sử dụng thiết yếu được cho phép; các MRL được quy định tại điểm f khoản 1 Điều 16 Quy định (EC) 396/2005 sẽ được đánh giá lại khi các nghiên cứu khoa học đã được hoàn thành và đánh giá, nhưng không muộn hơn bốn năm sau khi chúng được đưa vào Phụ lục III.
Với những loại thuốc bảo vệ thực vật không thuộc Phụ lục II và III của Quy định 396/2005, EU áp dụng một mức MRL mặc định là 0,01 mg/kg. Điều này đặc biệt quan trọng liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu được trồng bên ngoài EU và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục được EU quy định.
Theo: Trần Vang Phủ
Link luận án: Tại đây