Khái niệm vai trò của hương ước đối với quản lý nhà nước tại thôn, làng vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam
2.2.2. Khái niệm vai trò của hương ước đối với quản lý nhà nước tại thôn, làng vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam
Có thể thấy, hiện nay, pháp luật đã vươn tới từng nhà, từng người, tuy nhiên, pháp luật với tính chất là quy phạm mang tính phổ biến, nên các quy định trong pháp luật vẫn có sự khái quát chung nhất định, hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật đến từ phía quản lý nhà nước cũng chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Trong khi đó, làng là một cộng đồng tự quản, tính chất cố kết hàng nghìn năm của làng không dễ gì biến mất ngay được. Nhiều khía cạnh của cuộc sống ở thôn, làng vẫn do dân làng tự tổ chức, tự quản lý, thực hiện. Chẳng hạn, việc tổ chức lễ hội truyền thống; việc hiếu, hỷ; giữ gìn vệ sinh; xây dựng những công trình phúc lợi của thôn, làng; quản lý đường làng ngõ xóm; cách thức phân chia ruộng đất… Đối với những vấn đề này, chính quyền nhà nước cũng như hệ thống pháp luật của nó không thể quản lý tốt nếu bỏ qua tính chất của cộng đồng với những cách thức ứng xử riêng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ. Nói cách khác, để có thể quản lý thôn, làng một cách hiệu quả nhất, nhà nước không thể bỏ qua vai trò của hương ước - một “cương lĩnh tinh thần đối với mọi tổ chức khác nhau trong làng xã” như Giáo sư Từ Chi đã nhận xét.
Trong ngôn ngữ đời thường và trong khoa học pháp lý, “vai trò” là khái niệm phức tạp, đa nghĩa.
Thứ nhất, Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa vai trò là “tác dụng, chức năng trong sự hoạt động, sự phát triển của cái gì đó”. Theo cách hiểu này, vai trò của một sự vật, hiện tượng chính là công dụng, tác dụng của sự vật hiện tượng đó đối với sự vật hiện tượng khác. Đồng thời, cũng theo cách hiểu này, vai trò của một sự vật hiện tượng còn được hiểu là “chức năng” của nó, đó chính là việc của nó, việc nó phải làm, gắn với sự ra đời, tồn tại của nó, trên cơ sở phù hợp với khả năng của nó.
Thứ hai, nói đến vai trò của một sự vật, hiện tượng là nói đến mức độ quan trọng, tầm quan trọng của sự vật, hiện tượng đó. Chẳng hạn, người ta có thể nói, sự vật (hiện tượng) này có vai trò khá quan trọng, hoặc sự vật (hiện tượng) này có vai trò rất quan trọng, đặc biệt quan trọng, hết sức quan trọng…
Thứ ba, một số tác giả cho rằng, “vai trò” vốn là một khái niệm được sử dụng trong lĩnh vực sân khấu, sau đó nó được mở rộng và sử dụng một cách rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống. Theo cách hiểu này, “vai trò” là thuật ngữ chỉ việc người nghệ sĩ “đóng vai” một nhân vật nào đó (vai), trong một vở diễn (trò) nào đó (trong tiếng Anh, “role” được định nghĩa là “(1) function or importance of sb/st; (2) actor's part in a play”. Như vậy “role” có hai nghĩa, một là để chỉ chức năng hoặc tầm quan trọng của ai đó hoặc cái gì đó; hai là để chỉ vai diễn của diễn viên trong một vở kịch). Diễn giải cách hiểu này, người ta cho rằng, bất kỳ sự vật, hiện tượng nào trong quá trình tồn tại và phát triển của mình cũng đóng rất nhiều vai trò, tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, tùy thuộc mối quan hệ cụ thể. Chẳng hạn, một con người, trước bố mẹ mình, người đó có vai trò là con; nhưng trước con cái họ, họ lại có vai trò là bố/mẹ; trước chồng/vợ mình, họ lại có vai trò là người vợ/chồng; đến cơ quan họ lại trở thành thủ trưởng/cấp dưới… Một sự vật, hiện tượng có thể đóng nhiều vai trò, tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh, mối quan hệ mà nó tham gia. Tuy nhiên, suy cho cùng, cho dù đóng vai trò gì thì tất cả đều thể hiện công dụng, tác dụng của nó trong mối quan hệ hay trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể nào đó.
Để nhận thức rõ hơn về khái niệm vai trò, thiết nghĩ cần nhận thức rõ hơn các khái niệm có liên quan như “chức năng”, “nhiệm vụ”, “trách nhiệm”, bởi ở những mức độ nhất định, khái niệm “vai trò” gắn liền với một loạt các khái niệm khác như “chức năng”; “nghĩa vụ” , hay “nhiệm vụ”, “trách nhiệm”…
“Nghĩa vụ” hay “trách nhiệm” suy cho cùng đều là những việc mà sự vật, hiện tượng phải làm, đó thực chất là những cách ứng xử của chủ thể trong những mối quan hệ xã hội nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu của chủ thể khác. Với nghĩa này, “nghĩa vụ” hay “trách nhiệm” được hiểu tương đồng với “vai trò”, tất cả chúng đều được hiểu là “tập hợp những ứng xử của mỗi cá nhân mà người khác chờ đợi ở nó”. Một lẽ hiển nhiên, người ta thường chỉ chờ đợi từ ngươi khác những ứng xử có tác dụng, có ý nghĩa đối với mình.
Nói đến “nhiệm vụ” của một sự vật hiện tượng là nói đến tất cả những công việc mà nó phải làm , bất kể đó là công việc cấp bách, trước mắt, nhất thời hay công việc có tính chất chiến lược, lâu dài, bất kể gắn với thuộc tính vốn có của nó, với sự ra đời tồn tại của nó hay gán cho nó trong những hoàn cảnh nào đó. Theo cách hiểu này, nhiệm vụ là khái niệm có phạm vi rộng hơn so với khái niệm chức năng, bao hàm trong đó khái niệm chức năng. Trong khi đó, chức năng của một sự vật hiện tượng là khái niệm dùng để chỉ những việc mà nó phải làm, trong phạm vi khả năng của nó; gắn liền với những thuộc tính vốn có của nó, gắn liền với sự ra đời, tồn tại của nó. Theo đó, chức năng của một sự vật hiện tượng không phải tất cả những công việc mà một sự vật, hiện tượng phải làm. Đó chỉ là những việc cơ bản, quan trọng, xuyên suốt gắn liền với sự ra đời, tồn tại của sự vật, hiện tượng, nó trả lời câu hỏi: sự vật, hiện tượng đó được sinh ra là để làm gì?
Như vậy, “vai trò” và “chức năng”, “nhiệm vụ” là những khái niệm khác nhau, không đồng nhất với nhau, tuy nhiên chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vai trò được thể hiện thông qua chức năng, nhiệm vụ; vai trò là cái tiềm ẩn, thông qua chức năng, nhiệm vụ mà nó được bộc lộ ra. Tác giả Nguyễn Khắc Viện khẳng định, vai trò không phải là cái gì có sẵn, nó là kết quả của một quá trình hoạt động. Thông qua chức năng, nhiệm vụ, thông qua những việc làm, những hoạt động, sự vật, hiện tượng thể hiện, bộc lộ ra những vai trò nào đó, qua đó người ta phát hiện ra và có thể phát huy các vai trò đó. Thông qua các mối quan hệ cụ thể, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, sự vật, hiện tượng thể hiện vai trò của nó đối với sự vật, hiện tượng khác trong mối quan hệ đó hay trong điều kiện, hoàn cảnh nào đó.
Từ những lập luận trên, có thể thấy, chức năng của hương ước là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong phạm vi thôn, làng. Các cộng đồng làng sản sinh ra hương ước là để điều chỉnh, uốn nắn cách ứng xử giữa các thành viên trong thôn, làng với nhau, nhằm thiết lập, duy trì, củng cố, bảo vệ trật tự trong phạm vi thôn, làng theo mục đích, định hướng của cộng đồng làng. Trong quá trình tồn tại, phát triển, điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong đời sống cộng đồng làng, hương ước bộc lộ những công dụng, tác dụng của nó. Những công dụng, tác dụng này có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, trong những mối quan hệ nhất định, gắn với những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Nói cách khác, hương ước có thể có vai trò khác nhau, tùy thuộc vào góc độ, khía cạnh, mối quan hệ trong cách tiếp cận. Tựu trung lại, cho dù hương ước có đóng những vai trò gì, thì đó cũng đều là công dụng, tác dụng của nó, gắn với một chủ thể, trong một mối quan hệ, trong một điều kiện, hoàn cảnh nhất định nào đó. Từ đó, nói đến vai trò của hương ước đối với quản lý nhà nước tại thôn, làng là nói đến công dụng, tác dụng, ý nghĩa tích cực của nó đối với hoạt động quản lý nhà nước tại thôn, làng. Thông qua chức năng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng làng, điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cộng đồng làng, hương ước thể hiện công dụng, tác dụng của nó đối với hoạt động quản lý nhà nước tại thôn, làng, giúp cho việc quản lý nhà nước đối với thôn, làng trở nên thuận lợi hơn, thu được những kết quả tích cực hơn.
Để nhận thức rõ hơn vai trò của một sự vật hiện tượng, nói chung, của hương ước nói riêng, trong nhiều trường hợp còn cần phải xác định rõ vị trí của nó. Bởi, vị trí luôn phản ánh vai trò; ở mỗi vị trí nhất định sẽ thể hiện các vai trò tương ứng. Do vậy, vai trò của hương ước đối với quản lý nhà nước tại thôn, làng còn cần được xem xét, đánh giá thông qua vị trí, tính chất của nó trong hệ thống công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong đời sống cộng đồng làng. Điều chỉnh quan hệ xã hội, quản lý xã hội, có nhiều công cụ khác nhau, bao gồm pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán, tín điều tôn giáo, hương ước, luật tục, kỷ luật, nội qui của cơ quan, tổ chức… Trong mỗi giai đoạn lịch sử, do điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, các công cụ trên đây có vị trí, vai trò khác nhau, tuy nhiên giữa chúng luôn có mối quan hệ, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Pháp luật với tư cách là công cụ để nhà nước thực hiện việc quản lý các mặt của đời sống xã hội nói chung, trong đó có thôn, làng nói riêng, có mối quan hệ chặt chẽ tác động qua lại với hương ước cũng như các công cụ khác. Thông qua sự tác động đến pháp luật, hương ước tác động đến hoạt động quản lý nhà nước tại thôn, làng. Nói cách khác, thông qua mối quan hệ với pháp luật, hương ước thể hiện vai trò của mình đối với hoạt động quản lý nhà nước tại thôn, làng.
Ở nước ta, trước năm 1945, trong điều chỉnh các quan hệ xã hội tại thôn, làng, hương ước đóng vai trò rất quan trọng, nó như là công cụ chủ yếu, quan trọng bậc nhất, giữ vị trí hàng đầu trong điều việc chỉnh các mối quan hệ trong đời sống thôn, làng, đúng như dân gian đã tổng kết “phép vua thua lệ làng”. Có thể nói, trong đời sống cộng đồng thôn, làng, hương ước thay thế cho pháp luật và các công cụ khác, hàng ngày, hàng giờ người dân trong làng ứng xử với nhau theo hương ước, trên cơ sở của hương ước. Hương ước có mặt ở mọi nhà, chi phối hành vi ứng xử của các cá nhân, tổ chức trong làng. Với vị trí như vậy, hương ước có vai trò to lớn đối với quản lý nhà nước tại thôn, làng. Có thể nói, nhờ có hương ước, quản lý nhà nước tại thôn làng thời kỳ này được giảm tải cả về công việc, cả về nhân lực, cả về yếu tố vật chất, kinh phí… Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng bộc lộ rõ, thể hiện ở chỗ, hương ước được đề cao có nghĩa là tính độc lập, tự quản của thôn, làng là rất cao. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ dài, nhà nước chỉ quản lý thôn làng một cách gián tiếp, thông qua bộ máy chức dịch của làng như Hội đồng kỳ mục, Lý trưởng…
Theo: Lại Thị Phương Thảo
Link luận án: Tại đây