Hoạt động quản trị nội bộ của Quỹ đầu tư chứng khoán
3.2.3. Hoạt động quản trị nội bộ của Quỹ đầu tư chứng khoán
Các quy định về QĐTCK theo Luật Chứng khoán đã chỉ rõ các chủ thể tham gia vào QĐTCK bao gồm: CTQLQ thành lập QĐTCK (Điều 83), Nhà đầu tư có các quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào QĐTCK (Điều 84) và Ngân hàng giám sát (Điều 98). Mỗi chủ thể có chức năng và vai trò đặc trưng riêng.
3.2.3.1.Quyền quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán của công ty quản lý quỹ
Công ty quản lý quỹ được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc CTCP theo quy định của Luật doanh nghiệp. CTQLQ thực hiện nghiệp vụ kinh doanh sau: quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán [4]. Công ty quản lý quỹ là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ quản lý QĐTCK, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán [24]. Như vậy, quản lý QĐTCK là nghiệp vụ kinh doanh chính của CTQLQ. Nội dung quyền quản lý QĐTCK của CTQLQ thể hiện:
Quyền thành lập các loại hình QĐTCK: Việc thành lập và chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng của quỹ đại chúng do CTQLQ thực hiện và phải đăng ký với UBCKNN; Việc thành lập quỹ thành viên do CTQLQ thực hiện và phải báo cáo với UBCKNN.
Quyền liên quan đến tổ chức quản trị của QĐTCK: CTQLQ triệu tập họp Đại hội NĐT; Chương trình và nội dung họp Đại hội NĐT được CTQLQ xây dựng theo quy định pháp luật về doanh nghiệp. Khi giải thể QĐTCK, CTQLQ cùng NHGS hoàn tất việc thanh lý tài sản quỹ và phân chia tài sản quỹ.
Quyền liên quan đến hoạt động đầu tư của QĐTCK: NĐT – người sở hữu QĐTCK, không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. CTQLQ xác định mục tiêu hoạt động, lĩnh vực đầu tư, trực tiếp quản lý và sử dụng nguồn vốn của quỹ để đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản. Bên cạnh đó, CTQLQ còn có một số quyền khác như: chỉ định thành viên quản lý quỹ theo những tiêu chuẩn mà pháp luật quy định để trực tiếp điều hành hoạt động quỹ, xác định giá trị tài sản ròng của QĐTCK, xác định lợi nhuận và phân phối lợi nhuận.
Đối với hoạt động công bố thông tin của QĐTCK: CTQLQ có nghĩa vụ công bố thông tin đối với quỹ đại chúng và công ty đầu tư chứng khoán đại chúng về nội dung công bố, phương tiện công bố và nguyên tắc công bố theo quy định.
Có thể khẳng định, lý do tồn tại của CTQLQ chủ yếu là hoạt động quản lý QĐTCK để thu lợi nhuận. Do đó, quyền của CTQLQ đối với QĐTCK rất rộng, từ phát hành chứng chỉ quỹ huy động vốn thành lập quỹ tới quá trình tổ chức quản trị nội bộ và hoạt động của QĐTCK. Bên cạnh đó, CTQLQ còn có quyền được hưởng các khoản phí quản lý và những khoản thu khác theo thỏa thuận với NĐT.
Với phạm vi quyền quản lý QĐTCK rất rộng, để hạn chế khả năng CTQLQ có thể gây thiệt hại đến QĐTCK, Điều 73 Luật Chứng khoán quy định về các hạn chế đối với CTQLQ nhằm bảo vệ NĐT tham gia vào QĐTCK.
3.2.3.2. Quyền giám sát Quỹ đầu tư chứng khoán của ngân hàng giám sát
Ngân hàng giám sát là ngân hàng thương mại có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán có chức năng thực hiện các dịch vụ lưu ký và giám sát việc quản lý quỹ đại chúng. NHGS có trách nhiệm chính là bảo quản các tài sản của quỹ, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý quỹ của CTQLQ, đảm bảo hoạt động của công ty phù hợp với Điều lệ quỹ. Mối quan hệ giữa NHGS với CTQLQ liên quan đến việc thực hiện chức năng giám sát QĐTCK được quy định tại Điều 98 Luật Chứng khoán. Có thể khái quát nội dung quyền giám sát của NHGS theo hai nhóm sau:
Quyền bảo quản các tài sản của QĐTCK: NHGS thực hiện lưu ký tài sản của quỹ đại chúng; quản lý tách biệt tài sản của quỹ đại chúng và các tài sản khác của NHGS; Thực hiện hoạt động thu, chi, thanh toán và chuyển giao tiền, chứng khoán liên quan đến hoạt động của quỹ đại chúng theo yêu cầu hợp pháp của CTQLQ; Xác nhận báo cáo do CTQLQ lập có liên quan đến quỹ đại chúng; Báo cáo UBCKNN khi phát hiện CTQLQ và tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ QĐTCK; Định kỳ cùng CTQLQ đối chiếu sổ kế toán, báo cáo tài chính và hoạt động giao dịch của quỹ đại chúng. Đối tượng kinh doanh chính của ngân hàng thương mại là tiền tệ. Bằng nghiệp vụ chuyên môn và cơ sở vật chất của ngân hàng thương mại, NHGS có đủ điều kiện để thực thi quyền bảo quản tài sản của QĐTCK một cách chuyên nghiệp.
Quyền kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý QĐTCK: NHGS giám sát để bảo đảm CTQLQ quản lý quỹ đại chúng tuân thủ quy định pháp luật và Điều lệ QĐTCK; giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo và công bố thông tin của CTQLQ. Cơ chế tách bạch giữa quyền quản lý QĐTCK và quyền nắm giữ tài sản,
giám sát hoạt động quản lý QĐTCK được hầu hết các quốc gia ghi nhận trong pháp luật về chứng khoán. Hoạt động quản lý QĐTCK được NĐT ủy thác cho CTQLQ. NHGS thay mặt NĐT tiến hành giám sát hoạt động CTQLQ liên quan đến QĐTCK. Việc thực thi mỗi quyền năng đòi hỏi CTQLQ và NHGS phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ do pháp luật quy định. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính độc lập Luật Chứng khoán còn quy định hạn chế về tiêu chuẩn như sau:
NHGS, thành viên Hội đồng quản trị, người điều hành và nhân viên trực tiếp của NHGS làm nhiệm vụ giám sát hoạt động quỹ đại chúng và bảo quản tài sản quỹ của NHGS không được là người có liên quan hoặc có quan hệ sở hữu, vay hoặc cho vay với CTQLQ và ngược lại.
Theo: Nguyễn Thị Hồng Phước
Link luận án: Tại đây