Thực trạng về tổ chức và hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh theo pháp luật
3.1. Thực trạng về tổ chức và hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh theo pháp luật
Có thể nói, không giống như việc thành lập bất kỳ một Doanh nghiệp thông thường nào, việc thành lập/đăng ký hoạt động của TCHNLS (Văn phòng luật sư và công ty luật) trên phạm vi cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng, phải hội đủ các điều kiện không chỉ được quy định bởi pháp luật chuyên ngành, mà còn phải tuân thủ những quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
3.1.1. Điều kiện của chủ thể được quyền thành lập TCHNLS
Chủ thể nào muốn đăng ký hành nghề luật sư chuyên nghiệp, gia nhập thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý dưới hình thức VPLS hoặc công ty luật phải hội đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, chủ thể này đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và lựa chọn gia nhập một Đoàn Luật sư theo quy định để được cấp Thẻ luật sư. Bởi, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35, Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 (viết tắt là Luật Luật sư hiện hành) thì: Hồ sơ đăng ký hoạt động của TCHNLS bắt buộc phải có: “Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư của luật sư thành lập văn phòng luật sư, thành lập hoặc tham gia thành lập công ty luật”. Đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến một trong các tiêu chí mà các chủ thể được pháp luật cho phép đăng ký hoạt động. Vì vậy, điều kiện này là một nội dung mặc nhiên xuất hiện khi bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động được công nhận là hợp lệ.
Thứ hai, trước khi thành lập/đăng ký hoạt động trong một TCHNLS, thì chủ thể này phải gia nhập Đoàn Luật sư và đã làm việc theo hợp đồng lao động cho TCHNLS, hoặc đã hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức ít nhất là hai (02) năm. Nghĩa là, trước khi nộp hồ sơ đăng ký hoạt động dưới hình thức VPLS hoặc công ty luật, thì chủ thể đó phải là luật sư và đã hành nghề luật sư trong hai (02) năm liên tục. Do vậy, có thể nói rằng nếu như việc
gia nhập Đoàn Luật sư là “điều kiện cần”, thì thời hạn đủ hai (02) năm hành nghề liên tục là “điều kiện đủ” để luật sư đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập một TCHNLS (điểm a khoản 3 Điều 32, Luật Luật sư hiện hành). Thực sự đây là quy định không cần thiết vì không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, vào ngày 08/06/2018, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định số 1319/QĐ-BTP về việc cắt giảm điều kiện này nhằm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tạo điều kiện cho cá nhân thành lập/đăng ký hoạt động TCHNLS (xin lưu ý: hiện chưa có hiệu lực).
Thứ ba, một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một Tổ chức hành nghề luật sư. Sở dĩ có quy định điều kiện này trong Luật Luật sư hiện hành bởi vì: Trong trường hợp luật sư thành lập VPLS hoặc công ty luật TNHH-MTV thì chỉ cần một luật sư có đủ điều kiện theo quy định, thì có thể thành lập một TCHNLS. Ngoài ra, khi cần thành lập công ty luật hợp danh hoặc công ty luật TNHH hai thành viên trở lên thì, phải có ít nhất là hai luật sư thành viên mới đủ điều kiện thành lập một TCHNLS (khoản 4 Điều 32, Luật Luật sư hiện hành). Theo tác giả nhận thấy, quy định này là hợp lý và cần thiết, bởi sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì TCHNLS còn được “quy định mở”của luật này là được quyền thành lập chi nhánh ở trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được thành lập Văn phòng giao dịch trong phạm vi tỉnh/thành phố trực thược Trung ương nơi TCHNLS đăng ký hoạt động.
Thứ tư, trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, các luật sư thành lập, tham gia thành lập VPLS hoặc công ty luật, không phải là thành viên của Đoàn Luật sư nơi VPLS hoặc công ty luật được thành lập, phải chuyển về gia nhập Đoàn Luật sư nơi có TCHNLS hoặc chi nhánh của TCHNLS (khoản 5 Điều 32, Luật Luật sư hiện hành). Theo cách tiếp cận về điều kiện ràng buộc luật sư phải chuyển về gia nhập Đoàn Luật sư ở địa phương nơi có TCHNLS hoặc chi nhánh của TCHNLS mà bản thân luật sư đó là sáng lập viên thành lập hoặc cùng với luật sư thành viên khác tham gia thành lập, Luận án cho rằng quy định này là “rào cản” không cần thiết và là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân đối về số lượng luật sư giữa các Đoàn Luật sư khác nhau trong phạm vi cả
nước. Vì thế, tác giả đề nghị rà soát và bãi bỏ quy định tại khoản 5 Điều 32 có nội dung nêu trên.
Thứ năm, VPLS hoặc công ty luật dự kiến thành lập, thì cần phải có địa chỉ giao dịch rõ ràng. Tiêu chí này được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35, Luật Luật sư hiện hành. Về giấy tờ chứng minh trụ sở của TCHNLS, đã có tác giả [79, tr.91] lý giải như sau: (i) Trường hợp luật sư dùng nhà riêng của mình làm trụ sở, thì giấy tờ chứng minh về trụ sở là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc sổ hộ khẩu kèm theo giấy đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình về việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà để làm trụ sở của TCHNLS; (ii) Trong trường hợp TCHNLS phải đi thuê nhà làm trụ sở, thì giấy tờ chứng minh về trụ sở là hợp đồng thuê nhà có xác nhận của chính quyền địa phương về việc người cho thuê nhà là chủ sở hữu thực sự và ngôi nhà không có tranh chấp.
Về tiêu chí phải có là: “Giấy tờ chứng minh về trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư” là quy định bắt buộc và là điều kiện để xem xét, quyết định cấp giấy đăng ký hoạt động cho TCHNLS. Theo tác giả Luận án nhận thấy, điều kiện nay không phải là quy định có tính khoa học, bởi vì, khi nghiên cứu đề tài luận án, qua tham khảo các quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 (tại các điều 20: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân; Điều 21: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty hợp danh; Điều 22: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty TNHH; Điều 23: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần) có thể xác định Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định buộc chủ thể đăng ký Doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh phải có giấy tờ chứng minh địa chỉ đặt trụ sở chính của doanh nghiệp. Vì vậy, theo tác giả thì không cần thiết phải có quy định này, nên chuyển sang chế độ hậu kiểm và hướng tới nội dung đơn đề nghị đăng ký hoạt động có cam kết về việc có trụ sở giao dịch và hoạt động.
- Các tiêu chí về hồ sơ đăng ký hoạt động
Khi các luật sư đủ điều kiện theo quy định (như đã trình bày trên) và có nhu cầu đăng ký hoạt động dưới hình thức VPLS hoặc công ty luật, thì tiến hành các thủ tục, trình tự cần thiết theo pháp luật chuyên ngành để được nhận Giấy đăng ký hoạt động cho TCHNLS của mình từ phía cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Tư pháp cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (theo Điều 35 Luật Luật sư hiện hành và theo các quy định từ Điều 6 đến Điều 10, Nghị định 123/2013/NĐ-CP, ngày 14/10/2013 của Chính phủ và quy định chi tiết tại Thông tư số 02/2015/TT-BTP, ngày 16/01/2015 của Bộ Tư pháp). Hồ sơ đăng ký bao gồm: a) Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo mẫu thống nhất; b) Dự thảo Điều lệ của công ty luật; c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư của luật sư thành lập văn phòng luật sư, thành lập hoặc tham gia thành lập công ty luật; d) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư
Theo: Trần Văn Công
Link luận án: Tại đây