Một số vấn đề lý luận về pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp
2.2. Một số vấn đề lý luận về pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp
2.2.1. Khái niệm pháp luật tiền lương trong doanh nghiệp
Pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp là một bộ phận cấu thành và không thể tách rời của pháp luật lao động, là một trong những nội dung quan trọng mà Nhà nước phải điều chỉnh nhằm xác lập sự cân bằng về vị trí của các bên trong quan hệ lao động. Trên thực tế, người sử dụng lao động, với tư cách là người nắm giữ sức mạnh tư bản, luôn muốn áp đặt, chi phối tiền lương đối với người lao động, nhằm có thể tiết kiệm chi phí, đem lại lợi nhuận cao nhất có thể, trong khi đó, người lao động, ở vị thế yếu hơn, với số lượng đông, chỉ có thể bán sức lao động của mình để sống, dễ bị chèn ép, buộc phải chấp nhận những áp đặt, bất công về tiền lương. Vì thế, Nhà nước, bằng pháp luật, điều chỉnh khoa học và hợp lý đối với tiền lương trong doanh nghiệp, giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhằm bảo đảm không bên nào sử dụng được lợi thế của mình để gây bất lợi đối với bên kia về tiền lương trong quan hệ lao động.
Pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng của pháp luật lao động, mặc dù tiền lương là một yếu tố kinh tế, được người chủ doanh nghiệp hoặc nhà quản trị doanh nghiệp đưa vào cấu thành giá trị và giá thành sản phẩm, tuy nhiên, không thể đưa vào một cách tùy tiện, và tiền lương dù phản ánh chân thật trong giá trị, giá thành sản phẩm cũng không thể trả một cách tuyệt đối hay tùy tiện cho người lao động. Nhà nước cần phải kiểm soát tiền lương trong doanh nghiệp dưới nhiều giác độ, trong đó có giác độ coi tiền lương là giá cả sức lao động, và cần phải kiểm soát để bảo vệ người lao động có vị trí yếu thế trong thỏa thuận về bán sức lao động, đảm bảo mục tiêu xã hội khác là tránh tình trạng bóc lột, đảm bảo các chức năng tái sản xuất sức lao động và tích lũy; dưới giác độ khác là kiểm soát các chi phí đầu vào của người sử dụng lao động, của doanh nghiệp, hay nói cách khác, kiểm soát việc hạch toán các chi phí sản xuất đúng chế độ của nhà nước.
Việc ban hành các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh vấn đề tiền lương trong doanh nghiệp sẽ hình thành pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp, như vậy, Pháp luật về tiền lương là tổng hợp các quy định do Nhà nước ban hành để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong lĩnh vực tiền lương, lương tối thiểu và điều chỉnh các nguyên tắc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương và định mức lao động.
2.2.2. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp
Đối tượng điều chỉnh của pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp là các quan hệ pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp, trong đó căn cứ vào chủ thể tham gia có thể chia làm hai nhóm:
Thứ nhất là quan hệ hệ pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp giữa người lao động và người sử dụng lao động; Đây là hai chủ thể chính, chủ yếu trong quan hệ pháp luật này, được hình thành dựa trên cơ sở nhu cầu bán sức lao động của người lao động và nhu cầu mua sức lao động của người sử dụng lao động.
Thứ hai là quan hệ pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp giữa người lao động với người sử dụng lao động cùng sự tham gia của nhà nước; Nhà nước tham gia với tư cách là một chủ thể có trách nhiệm và quyền hạn bảo vệ quyền và lợi ích của cả hai bên trong quan hệ lao động, có xét đến vị thế đặc thù của cả hai bên để có những giám sát, can thiệp nhằm bảo vệ bên có vị thế yếu hơn trong quan hệ, đồng thời góp phần đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo an sinh, an toàn lao động, xác lập các nguyên tắc, tiêu chuẩn và điều kiện về tiền lương, mức lương tối thiểu đảm bảo chính sách an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
Nội dung điều chỉnh của pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp bao gồm các vấn đề về các nguyên tắc tiền lương, mức lương tối thiểu, thang bảng lương, phụ cấp lương, khấu trừ lương, quyền và nghĩa vụ của các bên trong lĩnh vực tiền lương...
2.2.3. Các nguyên tắc cơ bản của tiền lương
* Tiền lương trong doanh nghiệp là do người sử dụng lao động quyết định
Xuất phát từ bản chất của hoạt động quản trị doanh nghiệp, chủ doanh
nghiệp có quyền xác định các yếu tố thuộc về vấn đề kinh doanh, thuê mướn lao động, quyết định các chi phí sản xuất, đặc biệt là xác định cấu thành tiền lương trong giá trị, giá thành sản phẩm… để từ đó tìm kiếm lợi nhuận cao nhất có thể, bên cạnh quyền lực mạnh mẽ của vấn đề điều hành doanh nghiệp. Trong bối cạnh Nhà nước, thông qua các nhà lập pháp ngày càng cởi mở hơn đối với vấn đề quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề thuê mướn và sử dụng lao động, đã gỡ bỏ nhiểu quy định, bớt nhiều rào cản, điều kiện, nhất là trong lĩnh vực tiền lương. Thông qua đó, Nhà nước không can thiệp vào việc trả lương của doanh nghiệp, mà chỉ ban hành và giám sát mức lương tối thiểu nhằm bảo vệ người lao động, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.
Tiền lương trong doanh nghiệp do người sử dụng lao động quyết định, đó có thể là việc xác định các hình thức tiền lương, các mức lương khác nhau tương ứng với các loại hình lao động có trình độ đào tạo chuyên môn nhất định hoặc lao động phổ thông. Căn cứ vào các mức lương đề xuất, khi tuyển dụng hoặc ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có quyền ấn định hoặc thông qua thỏa thuận tiến hành điều chỉnh phù hợp với đòi hỏi của người lao động và trên cơ sở chất nhận được của người sử dụng lao động. Nguyên tắc này đảm bảo quyền năng của người sử dụng lao động, song cũng không mất đi khả năng kiểm soát của Nhà nước thông qua quy định mức lương tối thiểu và cũng không làm mất đi khả năng thương lượng, thương thuyết, đòi hỏi của người lao động khi người lao động có những lợi thế nhất định.
* Trả lương của người lao động phải trên cơ sở sự thỏa thuận với người sử dụng lao động theo năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định
Nguyên tắc này đã được hiểu: Tiền lương của người lao động do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc, nhưng mức tiền lương đó không được thấp hơn lương tối thiểu được Nhà nước quy định.
Tính chất của quan hệ lao động do pháp luật lao động điều chỉnh là tự do thỏa thuận. Nhìn chung, những vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên đều do họ tự quyết định bằng cách thỏa thuận không trái luật, trong đó có tiền lương. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc và quy định của Nhà nước về tiền lương là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thỏa thuận tiền lương. Bên cạnh đó, tương quan cung cầu lao động trên thị trường, mức sống chung của nhân dân địa phương, sức mạnh của công đoàn, tình trạng tài chính của đơn vị sử dụng lao động cũng là những nhân tố ảnh hưởng tới việc thỏa thuận tiền lương ở những mức độ khác nhau.
Theo: Phạm Thị Ngọc Liên
Link luận án: Tại đây