Nội dung pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp
2.2.5. Nội dung pháp luật về tiền lương trong doanh nghiệp
Tiền lương được hình thành trên cơ sở sự thương lượng thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Hệ thống tiền lương trong doanh nghiệp là do người sử dụng lao động quyết định. Chính vì vậy, pháp luật chỉ điều chỉnh tiền lương ở những mức độ nhất định. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội mà các quốc gia có sự điều chỉnh tiền lương ở những mức độ khác nhau, song nhìn chung pháp luật của các quốc gia thường điều chỉnh tiền lương ở các nội dung sau đây:
Tiền lương tối thiểu
Tiền lương tối thiểu hay mức lương tối thiểu được hiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Có thể nói, tiền lương hay tiền công tối thiểu có tác dụng tái sản xuất giản đơn sức lao động, đảm bảo nhu cầu tối thiểu cần thiết về sinh hoạt và xã hội, thông qua việc đáp ứng những chi phí sinh hoạt cần thiết của người lao động và dùng một phần vào tái sản xuất mở rộng sức lao động của người hưởng lương. Mức lương tối thiểu phải do Nhà nước quy định, có ý nghĩa bắt buộc đối với cả hai bên trong quan hệ lao động, trong đó có hàm nghĩa rằng mức lương tối thiểu không thể bị hạ thấp bởi cả người sử dụng lao động và người lao động, dù họ có tự nguyện, bằng thỏa thuận cá nhân hay thỏa thuận tập thể, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quy định khác trong trường hợp đặc biệt.
Tiền lương tối thiểu có một số đặc trưng như: nó được trả cho một lao động ở trình độ giản đơn nhất, cường độ lao động nhẹ nhàng nhất, lao động diễn ra trong điều kiện bình thường; Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu tiêu dùng ở mức tối thiểu, cần thiết cho bản thân người lao động và gia đình họ; tiền lương tối thiểu được xác định theo giá sinh hoạt ở vùng có mức giá sinh hoạt trung bình.
Để xác định mức lương tối thiểu, trong khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế nhấn mạnh: “Trong chừng mực có thể và thích hợp, xét theo thực tiễn và điều kiện quốc gia, những yếu tố cần lưu ý để xác định mức lương tối thiểu gồm: Những nhu cầu của người lao động và gia đình họ, xét theo mức lương chung trong nước, giá sinh hoạt, các khoản trợ cấp an toàn xã hội và mức sống so sánh giữa các đối tượng khác nhau; Những nhân tố về kinh tế, kể cả những đòi hỏi của phát triển kinh tế, năng suất lao động và mối quan tâm đạt tới và duy trì một mức sử dụng lao động cao”.
Ở đa số các quốc gia, mức tiền lương tối thiểu được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước. Thông thường có hai loại tiền lương tối thiểu là tiền lương tối thiểu vùng và tiền lương tối thiểu ngành.
Tiền lương tối thiểu vùng là mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định, được áp dụng cho người lao động làm việc ở từng vùng lãnh thổ nhất định. Những căn cứ hay yếu tố cơ bản để phân vùng và xác định mức lương tối thiểu vùng là điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, mức sống của người dân địa phương, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật… Một cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề tiền lương sẽ nghiên cứu và tham mưu, khuyến nghị cho Chính phủ quyết định và công bố mức tiền lương tối thiểu vùng trong từng thời điểm nhất định.
Tiền lương tối thiểu ngành là mức tiền lương tối thiểu được áp dụng cho người lao động làm việc trong một hoặc một nhóm ngành nhất định. Pháp luật lao động quy định về tiền lương tối thiểu ngành để khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động trong cùng ngành vận dụng vào xây dựng mức lương tối thiểu ngành mình, thông qua con đường thương lượng tập thể ngành. Ngoài ra, Nhà nước còn khuyến khích các doanh nghiệp, người sử dụng lao động với tư cách độc lập tự xây dựng và vận dụng mức tiền lương tối thiểu cho người lao động của mình cao hơn mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định ở cùng thời điểm.
Mức tiền lương tối thiểu được xác định như thế nào là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của mỗi quốc gia, mà Tổ chức Lao động quốc tế cũng quan tâm bằng cách xác định những định hướng chung. Trong Công ước số 131 năm 1970 của Tổ chức này có ghi nhận rằng trong chừng mực thích hợp, xét theo thực tiễn và điều kiện quốc gia, những yếu tố cần lưu ý để xác định mức lương tối thiểu phải bao gồm: a) những nhu cầu của người lao động và gia đình họ, xét theo mức lương chung trong nước, giá sinh hoạt, các khoản trợ cấp an sinh xã hội và mức sống so sánh của các nhóm xã hội khác; b) những yếu tố về kinh tế, kể cả những đòi hỏi của phát triển kinh tế, năng suất lao động và mối quan tâm trong việc đạt tới và duy trì một mức sử dụng lao động cao hơn.
Ở Vương quốc Thái Lan, có tất cả 16 mức lương tối thiểu áp dụng cho các vùng khác nhau và không phân biệt theo khu vực kinh tế. Căn cứ để xác định tiền lương tối thiểu giữa các vùng là dựa trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng.
Ở Sinh ga po không có luật về tiền lương tối thiểu do cầu về lao động luôn lớn hơn cung, việc bảo vệ người lao động thông qua các quy định chặt chẽ về điều kiện lao động, các chính sách khác kèm theo và áp dụng chế độ tiền lương linh hoạt. Cũng theo quốc đảo này, các mức lương được áp dụng thông qua thương lượng tập thể, với sự tham gia của đại diện người lao động, người sử dụng lao động và Chính phủ.
Hầu hết các quốc gia khi ban hành chính sách tiền lương tối thiểu, trong đó nêu phương pháp xác định về tiền lương tối thiểu đều dựa theo căn cứ của Tổ chức Lao động quốc tế: “Khi xác định tiền lương tối thiểu, các yếu tố sau nên được xem xét tối đa và phù hợp với từng trường hợp cụ thể như, nhu cầu của người lao động và gia đình của họ được xem xét vào tiền lương chung quốc gia, mức sống, trợ cấp xã hội và chất lượng cuộc sống. Các yếu tố kinh tế bao gồm các điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế và các yêu cầu đối với việc đạt được và duy trì các mức cao của năng suất và việc làm”.
Một số nước châu Âu như Ý, Đức, Thụy Điển, Na Uy thì không có mức lương tối thiểu do pháp luật quy định, thay vào đó là mức lương tối thiểu ngành do hiệp định giữa phía kinh doanh và phía lao động (công đoàn) tại ngành đó xác định. Chế độ này cũng thực hiện nguyên tắc “công việc giống
nhau hưởng được mức lương giống nhau”. Vì thế, tại các nước này thì vai trò công đoàn ngành rất quan trọng trong việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu.
Sau đây là chính sách tiền lương tối thiểu tại một số quốc gia khác hiện đang áp dụng.
Hàn Quốc có Luật Tiền lương tối thiểu, trong năm đầu thực hiện, từ 1988, Luật có thể được áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất từ 10 lao động thường xuyên trở lên. Kể từ ngày 24/11/2000, Luật đã mở rộng tới tất cả người lao động hưởng lương (lao động thường xuyên, thời vụ, bán thời gian và lao động nước ngoài) làm việc cho bất kỳ một doanh nghiệp nào có đủ điều kiện thuê mướn lao động. Hội đồng tiền lương tối thiểu là cơ quan thường trực thực hiện các cuộc trao đổi về tiền lương tối thiểu cũng như các vấn đề khác gắn liền với tiền lương tối thiểu. Hội đồng gồm 27 thành viên, 9 thành viên từ phía đại diện người lao động; 9 thành viên từ phía đại diện người sử dụng lao động và 9 thành viên từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Có một ban thư ký hỗ trợ các hoạt động của Hội đồng. Nhiệm kỳ của các thành viên Hội đồng là 3 năm và được chỉ định bởi Tổng thống Hàn Quốc theo đề cử của Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động. Hoạt động của Hội đồng bao gồm: Trao đổi, xem xét tiền lương tối thiểu; phân loại doanh nghiệp áp dụng mức tiền lương tối thiểu; nghiên cứu và đề xuất triển khai kế hoạch tiền lương tối thiểu; trao đổi các vấn đề quan trọng liên quan tới tiền lương tối thiểu và khuyến nghị với Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động.
Theo: Phạm Thị Ngọc Liên
Link luận án: Tại đây