Các nguyên tắc cơ bản của tiền lương
3.1.1. Về các nguyên tắc cơ bản của tiền lương
Các nguyên tắc cơ bản của tiền lương được ghi nhận trong pháp luật về tiền lương thực sự là kim chỉ nam, là tư tưởng chỉ đạo, làm nền tảng cho việc áp dụng pháp luật về tiền lương trong quan hệ lao động. Trong đó có các nguyên tắc: Trả lương phải trên cơ sở sự thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động; Không được trả hoặc thoả thuận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước qui định; Tiền lương phải được thoả thuận và trả theo năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc; Tiền lương phải được trả bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho công việc có giá trị ngang nhau; Lương được trả bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản của cá nhân người lao động được mở tại ngân hàng. Các nguyên tắc này đều hướng tới việc tạo lập sự công bằng, bảo vệ người lao động trong mối quan hệ yếu thế đối với người sử dụng lao động. Trong khi đó, người sử dụng lao động, cũng có nhiều rủi ro trong sản xuất, nhiều trường hợp phải giãn sản xuất, ngừng sản xuất, thua lỗ…. Vì vậy, nguyên tắc không được trả hoặc thỏa thuận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước đã quy định có thể cần phải nghiên cứu điều chỉnh. Trong trường hợp đặc biệt để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, người lao động có thể chấp nhận giảm lương của mình thấp hơn mức lương tối thiểu, nhưng không vượt quá một kỳ hạn thời gian nào đó.
3.1.2. Pháp luật về tiền lương tối thiểu
Nội dung pháp luật về tiền lương tối thiểu hay mức lương tối thiểu là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong Bộ luật lao động của Nhà
nước Việt Nam năm 2012. Nó có ảnh hương rất lớn không chỉ về mặt lập pháp, lập quy và còn ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo sự ổn định xã hội, tạo ra sự cân bằng trong quan hệ mua sức lao động và bán sức lao động.
Với tầm quan trọng đó, pháp luật về tiền lương hay tiền công tối thiểu có tác động rất lớn đến toàn thể xã hội, được xây dựng thông qua nghiên cứu, điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt tiêu dùng cần thiết của người lao động và khả năng đáp ứng về mặt tài chính của người sử dụng lao động. Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương thường được điều chỉnh thông qua đàm phán tự nguyện, giữa cá nhân hoặc tập thể người lao động với người sử dụng lao động. Do phải bảo vệ người lao động là một bên yếu thế trong quan hệ lao động - những đối tượng dễ bị tổn thương bởi mức lương tối thiểu thấp và tránh sự bóc lột lao động, các chính sách pháp luật về tiền lương tối thiểu của Nhà nước quy định về tiền lương tối thiểu bắt buộc phải được thiết lập ở hầu hết các quốc gia. Mặt khác, đám phán tự nguyện giữa người sử dụng lao động với người lao động dù mang tính cá nhân hay tập thể (thương lượng tập thể) cũng cần phải được kiểm soát và can thiệp bởi các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế sự bất bình đẳng giữa các bên và bảo đảm chính sách kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của Nhà nước.
Ở Việt Nam, những tiêu chí cơ bản để xác định mức lương tối thiểu là cán cân cung cầu lao động, khả năng kinh tế của người sử dụng lao động và chỉ số giá sinh hoạt theo từng thời kỳ; Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố tác động đến việc xác định mức lương tối thiểu như: mức tăng năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức sống của người dân trong phạm vi toàn quốc hay từng vùng miền, tốc độ lạm phát của nền kinh tế, trình độ chuyên môn của người lao động…
Việc thực hiện và áp dụng pháp luật về tiền lương tối thiểu từ việc căn cứ vào một số yếu tố khách quan của đời sống kinh tế, mức độ lạm phát, mức chi tiêu sinh hoạt tối thiểu,... đã chuyển sang việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu dựa trên cơ sở bằng chứng. Việc thực hiện và áp dụng pháp luật về tiền lương tối thiểu phải đáp ứng một số điều kiện như: i) các số liệu thống kê thường xuyên và độ tin cậy về mức lương và thị trường lao động, chúng giúp cho các cơ quan nhà nước và các bên có thể đánh giá các tác động dự kiến của tiền lương tối thiểu đối với vấn đề tiền lương và việc làm; ii) năng lực và thẩm quyền của Hội đồng tiền lương quốc gia trong việc thu thập và phân tích các số liệu thống kê về tiền lương, việc làm và soạn thảo các báo cáo kỹ thuật cho các bên trong cơ chế ba bên để ra quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu dựa trên các bằng chứng thực tiễn.
Hội đồng tiền lương quốc gia có nhiệm vụ định kỳ đưa ra một mức tiền lương tối thiểu cho người lao động. Cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu vùng có những thay đổi quan trọng, từ chủ quan, cứng nhắc của Nhà nước sang dựa trên thương lượng 3 bên cấp quốc gia theo nguyên tắc thị trường, thông qua kết quả thương lượng và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
3.1.3. Pháp luật về thang lương, bảng lương
Trong chính sách tiền lương đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng thang lương, bảng lương là nội dung quan trọng. Trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động. Trong quá trình xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, người sử dụng lao động cần lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở, công bố công khai rộng rãi tại nơi làm việc của người lao động. Sau đó, gửi thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về lao động cấp huyện, nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Việc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương và xác định hợp lý các mức phụ cấp theo lương phải xuất phát từ đặc điểm khác nhau trong từng ngành nghề và trong từng điều kiện lao động cụ thể.
- Thang lương
Cơ cấu của thang lương bao gồm: Bậc lương - Hệ số tiền lương - Bội số của thang lương. Mỗi bậc trong thang lương nói lên mức tiêu hao lao động và mức độ phức tạp của công việc. Bậc thấp nhất hay còn gọi là khởi điểm áp dụng với những công việc tiêu hao ít năng lượng và ít phức tạp nhất. Bậc khởi điểm trong thang lương của các doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất kinh doanh gọi là bậc một. Mức bậc một phải cao hơn mức lương tối thiểu.
Mỗi bậc trong thang lương thể hiện một hệ số của bậc đó so với bậc khởi điểm. Chênh lệch giữa bậc cao nhất và bậc thấp nhất của thang lương được gọi là bội số của thang lương. Trong một thang lương có một hoặc một số nhóm lương thể hiện điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại khác nhau của từng ngành nghề. Mỗi nhóm lương có hệ số mức lương bậc một thể hiện yêu cầu đào tạo ban đầu của nghề và hệ số bậc cao nhất thể hiện mức độ phức tạp của công việc trong nghề. Số bậc và bội số thang lương phán ánh mức độ phức tạp kĩ thuật của mỗi ngành, nghề được xác định, căn cứ vào nội dung công việc theo tiêu chuẩn cấp bậc kĩ thuật.
- Bảng lương
Trong các doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất kinh doanh, bảng lương được xây dựng áp dụng cho các lao động quản lý như các chức danh lãnh đạo (giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng trong các doanh nghiệp); lao động chuyên môn, nghiệp vụ (chuyên viên, kinh tế viên, kĩ sư, kĩ thuật viên, cán sự), lao động thừa hành phục vụ (nhân viên văn thư, nhân viên phục vụ), lao động trực tiếp sản xuất ở những công việc hay những ngành nghề không quy định rõ ràng tiêu chuẩn cấp bậc kĩ thuật (sản xuất điện, vận tải biển, hàng không…)
Theo: Phạm Thị Ngọc Liên
Link luận án: Tại đây