Một số quy định về tiền lương khác
3.1.5. Một số quy định về tiền lương khác
* Chế độ phụ cấp lương
Phụ cấp lương là khoản tiền mà doanh nghiệp sử dụng lao động hỗ trợ người lao động để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, mức độ phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt,... chưa được tính đến hay tính chưa đầy đủ trong mức lương. Như vậy, phụ cấp lương bổ sung vào tiền lương, nhằm bù đắp những yếu tố không ổn định hoặc vượt quá giới hạn trung bình hoặc chưa được tính đến khi xác định tiền lương cơ bản và nhằm đền bù, khuyến khích lao động tích cực hơn.
Doanh nghiệp có quyền quy định các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương do Chính phủ quy định để thu hút hoặc khuyến khích người lao động làm theo giờ, công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn hoặc trong điều kiện môi trường độc hại nhưng chưa xác định trong mức lương của thang lương, bảng lương mà doanh nghiệp đã xây dựng. Doanh nghiệp đăng ký các khoản phụ cấp lương cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước lao động tại địa phương.
- Chế độ phụ cấp khu vực nhằm bù đắp cho người lao động làm việc ở những vùng khó khăn như khí hậu xấu, xa xôi, sinh hoạt khó khăn. Việc xác định phụ cấp khu vực dựa vào hai yếu tố: yếu tố địa lý tự nhiên và địa giới hành chính (xã, huyện).
- Chế độ phụ cấp thu hút nhằm khuyến khích người lao động đến các vùng kinh tế mới, những khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn như miền núi, vùng sâu vùng xa, đảo xa đất liền, nơi cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu tinh thần và vật chất cơ bản của người dân. Mức phụ cấp được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên lương cấp bậc, chức vụ, chuyên môn của người lao động.
- Chế độ phụ cấp trách nhiệm nhằm bù đắp cho những người lao động vừa trực tiếp sản xuất hoặc làm công tác chuyên môn nghiệp vụ vừa kiêm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức vụ lảnh đạo, bổ nhiệm, hoặc làm những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao nhưng chưa xác định được trong mức lương.
- Chế độ phụ cấp lưu động nhằm bù đắp cho ngưới lao động làm một ngành nghề hoặc một công việc phải thường xuyên thay đổi nơi ở và nơi làm việc, điều kiện làm việc không ổn định, khó khăn, như xây dựng, vệ sinh phòng dịch, xây đắp đường dây thông tin liên tỉnh, khảo sát, đo đạc, khí tượng, hóa chất….
- Chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm được áp dụng đối với người làm nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm mà chưa xác định trong mức lương.
Ngoài các loại phụ cấp trên còn có các loại phụ cấp khác như: Phụ cấp di chuyển, phụ cấp đi đường… Tuy nhiên, việc đặt ra nhiều loại phụ cấp dễ dẫn đến việc lợi dụng để hạch toán vào chi phí sản xuất, trên thực tế, người lao động không được hưởng mà vẫn bị một số doanh nghiệp tận dụng để đưa vào các khoản chi cho người lao động trên sổ sách, đồng thời, không đánh giá được đầy đủ thu nhập thực tế của người lao động. Do đó, trong Đề án cải cách tiền lương năm 2018, trong tương lai Nhà nước ta sẽ tiến tới xóa bỏ các loại phụ cấp nói trên và có hình thức tính lương mới phù hợp.
* Chế độ thưởng
Tiền thưởng là một loại thù lao lao động bổ sung cho lương theo thời gian hoặc lương theo sản phẩm, tăng thêm thu nhập lao động để kích thích người lao động nỗ lực thường xuyên trong công việc, là một hình thức khuyến khích vật chất có tác dụng tích cực. Chế độ tiền thưởng bao gồm những quy định của Nhà nước bổ sung cho chế độ tiền lương trên cơ sở phân phối lại lợi nhuận nhằm điều tiết một cách hợp lý thu nhập cho người lao động nhằm khuyến khích họ làm việc có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tiền thưởng được xác định phù hợp với tiền lương cơ bản và làm sao tiền lương không mất đi tác dụng của nó đối với người lao động. Do tính chất quan hệ lao động khác nhau mà viêc trả lương khác nhau. Từ đó, việc quy định chế độ tiền thưởng có sự khác nhau giữa khu vực hành chính và khu vực sản xuất kinh doanh. Chế độ tiền thưởng đối với khu vực sản xuất kinh doanh rất đa dạng và phong phú về hình thức. Quỹ tiền thưởng được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau của doanh nghiệp: Hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt hợp đồng kinh tế, chất lượng sản phẩm... Chế độ thưởng đối với người lao động gồm nhiều chế độ: Thưởng hoàn thành định mức, thưởng sản phẩm có chất lượng cao, thưởng tiết kiệm nguyên liệu... Cơ sở thưởng là hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, với làm lợi của người lao động cho doanh nghiệp.
Qua quá trình phân tích và tìm hiểu sự điều chỉnh của pháp luật về tiền lương, đó là nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng cơ chế tiền lương và cơ chế trả lương trong các doanh nghiệp, xây dựng thang lương, bảng lương và góp phần vào việc bảo vệ được lợi ích cho người lao động.
* Trả lương khi người lao động ngừng việc
Khi gặp sự cố trong sản xuất (sự cố điện nước; không đủ nguyên vật liệu sản xuất; máy móc thiết bị hư hỏng, tai nạn lao động, hỏa hoạn...) sẽ áp dụng chế độ lương ngừng việc cho người lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, thì trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau: Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương; Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định
Tiền lương được trả trong thời gian ngừng việc là tiền lương theo hợp đồng lao dộng của tháng trước liền kề và được tính tương ứng với hình thức trả lương theo thời gian do pháp luật quy định. Quy định về tiền lương khi ngừng việc là hành lang pháp lý để giải quyết những xung đột về tiền lương khi người lao động phải ngừng việc do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, do các lý do bất lợi, việc vẫn phải trả lương dễ dẫn đến thiệt hại cho người sử dụng lao động, vì vậy cần phải có quy định để nội dung này thuộc về thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, với ý nghĩa người lao động chia sẻ khó khăn giúp người sử dụng lao động vượt qua khó khăn.
* Trả lương khi người lao động làm thêm giờ
Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Được sự đồng ý của người lao động;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
- Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2012, thì người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương như sau:
+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
+ Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
+ Làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Theo: Phạm Thị Ngọc Liên
Link luận án: Tại đây