Xác định các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
1.2.1.1. Xác định các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
Qua khảo cứu có thể thấy luật cạnh tranh nhiều nước không đưa ra khái niệm hành vi lạm dụng VTTLTT, tuy nhiên, có liệt kê các hành vi nhất định mà nếu được thực hiện bởi doanh nghiệp có VTTLTT thị sẽ bị coi là lạm dụng VTTLTT. Chẳng hạn trong Luật Canh tranh EU, Điều 82 EC (nay là điều 102 TFEU) liệt kê các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bao gồm:
- Áp đặt một cách trực tiếp hoặc gián tiếp giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc các điều kiện thương mại bất hợp lý khác
- Giới hạn sản xuất, thị trường hoặc sự phát triển kỹ thuật mang lại lợi ích cho người tiêu dùng
- Áp dụng các điều kiện khác nhau cho các giao dịch tương tự với các bên giao dịch khác nhau để đặt chúng vào vị trí cạnh tranh bất lợi;
- Giao kết hợp đồng trong đó buộc các bên khác chấp nhận các nghĩa vụ bổ sung mà xét về bản chất giao dịch hay tập quán thương mại đều không có liên quan đến đối tượng của hợp đồng.
Đạo luật Cạnh tranh của Vương quốc Anh cũng đưa ra các hành vi tương tự như trong Luật EU mà nếu các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thực hiện sẽ dẫn đến lạm dụng VTTLTT
Tại mục 4(2) Luật Cạnh tranh Ấn Độ 2002 liệt kê các hành vi:
- Trực tiếp hoặc gián tiếp áp đặt một cách bất hợp lý hoặc phân biệt đối xử các điều kiện mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc giá mua bán hàng hóa, dịch vụ
- Hạn chế hoặc cản trở sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc sự phát triển khoa học kỹ thuật mang lại lợi ích cho người tiêu dùng;
- Thực hiện một hoặc một số hành vi dẫn đến cản trở việc gia nhập thị trường;
- Giao kết hợp đồng trong đó buộc các bên khác chấp nhận các nghĩa vụ bổ sung mà xét về bản chất giao dịch hay tập quán thương mại đều không có liên quan đến đối tượng của hợp đồng;
- Sử dụng vị trí thống lĩnh trên một thị trường liên quan để gia nhập, bảo vệ, mở rộng vị trí trên thị trường liên quan khác.
Trong khi đó, pháp luật Australia lại không đề cập đến bất kỳ hành vi nào bị cấm một cách rõ ràng mà chỉ đề cập đến các mục đích mà một công ty không được tận dụng sức mạnh thị trường đáng kể mà nó có trong thị trường liên quan để đạt được. Mục 4 Đạo luật cạnh tranh và tiêu dùng 2010 nêu rõ “hành vi lạm dụng quyền lực thị trường bị cấm là lợi dụng sức mạnh thị trường đáng kể trong một thị trường cụ thể cho một hoặc nhiều mục đích bị cấm: cụ thể là để loại bỏ hoặc gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh thực tế hoặc tiềm năng, để ngăn chặn một người tham gia vào thị trường, đe dọa hoặc ngăn chặn một người tham gia thực hiện hành vi cạnh tranh”.
Có thể thấy mặc dù có thể có những điểm khác biệt nhất định nhưng pháp luật cạnh tranh các nước đều quy định những hành vi bị cấm là những hành vi mang tính chất lạm dụng vị trí thống lĩnh, sức mạnh thị trường để gây ra tác độ loại bỏ, ngăn cản đối thủ cạnh tranh, HCCT và gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác trên thị trường. Các hành vi lạm dụng bị cấm theo pháp luật các nước có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, cách phân loại xuất phát từ pháp luật Châu Âu chủ yếu dựa trên các tác động do hành vi gây ra được thừa nhận rộng rãi. Theo cách phân loại này, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh/ độc quyền có thể được chia thành hai nhóm hành vi chính như sau:
(i) “Hành vi lạm dụng mang tính loại bỏ đối thủ” là hành vi có tác động ngăn cản cạnh tranh hiệu quả trên thị trường liên quan bằng cách loại bỏ hoặc cản trở các đối thủ cạnh tranh hiện tại và/hoặc tăng các rào cản gia nhập thị trường đối với các đối thủ tiềm năng. Hành vi mang tính loại bỏ trước hết về mặt bản chất phải có khả năng phong tỏa các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường và trong bối cạnh thị trường cụ thể, còn có khả năng phát sinh tác động phong tỏa, bóp méo thị trường. Việc phong tỏa thị trường có thể là ngăn cản việc gia nhập hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh của các đối thủ hoặc thúc đẩy họ rút lui khỏi thị trường. Sự phong tỏa bị coi là bóp méo thị trường nếu nó có khả năng cản trở việc duy trì mức độ cạnh tranh hiện có hoặc ngăn chặn sự phát triển cạnh tranh trên thị trường và do đó có khà năng tác động khiến giá cả tăng lên hoặc duy trì trên mức giá cạnh tranh.
(ii) “Hành vi lạm dụng mang tính trục lợi/bóc lột” là hành vi đối xử không công bằng hoặc bất hợp lý đối với những bên bị phụ thuộc vào doanh nghiệp thống lĩnh trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trên thị trường liên quan. Hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh có thể được coi là hành vi mang tính bóc lột khi hành vi này là không công bằng và bất hợp lý đối với những đối tượng phụ thuộc vào doanh nghiệp thống lĩnh. Những đối tượng này có thể là các khách hàng (khi doanh nghiệp thống lĩnh định giá quá cao) hoặc các nhà cung cấp của doanh nghiệp thống lĩnh (khi nó trả một mức giá quá thấp).
Trong hai nhóm hành vi nêu trên, hành vi lạm dụng mang tính loại bỏ được coi là nghiêm trọng hơn và phản ánh mức độ tác động kinh tế lớn hơn của hành vi lạm dụng. Tuy nhiên, bảo vệ người tiêu dùng cuối cùng là mục tiêu quan trọng của pháp luật cạnh tranh và do đó rất cần thiết phải xem xét, đánh giá liệu một hành vi mang tính loại bỏ trên thực tế có gây thiệt hại cho người tiêu dùng cuối cùng hoặc có dẫn đến việc tăng giá hoặc hạn chế sản lượng, hạn chế sự lựa chọn hay không. Bởi vậy, không có sự phân biệt một cách tuyệt đối giữa hai loại hành vi trên và một số hành vi lạm dụng khác, chẳng hạn như việc áp dụng điều khoản bán kèm có thể vừa mang tính bóc lột, vừa mang tính loại bỏ.
Theo: Trần Thùy Linh
Link luận án: Tại đây