HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN HẠN CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA ÁN TRONG CƠ CHẾ BẢO VỆ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ Ở VIỆT NAM
3.3. Hạn chế và nguyên nhân hạn chế hoạt động của Tòa án trong cơ chế bảo vệ quyền của phụ nữ ở Việt Nam
3.3.1 Hạn chế
Ở Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ quyền phụ nữ được thực hiện bởi nhiều cơ quan, tổ chức, bao gồm cả những cơ quan, tổ chức chung trong việc bảo vệ quyền con người và
những cơ quan, tổ chức hoạt động với tính cách là thiết chế chuyên biệt bảo vệ quyền phụ nữ. Trong đó, Tòa án là thiết chế có trách nhiệm chủ đạo, là “chốt chặn” cuối cùng đối với các hành vi vi phạm quyền phụ nữ.
Tuy nhiên hiện nay, hoạt động của Tòa án trong cơ chế bảo vệ quyền của phụ nữ ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể:
Thứ nhất, bảo vệ quyền của phụ nữ thông qua hoạt động xét xử của Tòa án chưa thực sự đạt được mục tiêu mong muốn.
Tình trạng kết tội oan, sai vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, số lượng các vụ án bị hủy, sửa ở giai đoạn phúc thẩm và qua thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa giảm mạnh. Vẫn còn không ít trường hợp người phụ nữ bị xâm hại quyền nhưng chưa thực sự thoả mãn với phán quyết của Tòa án, dẫn tới niềm tin vào công lý bị giảm sút, thậm chí đôi khi còn dẫn tới những hành động tiêu cực.
Đơn cử như trong xét xử các vụ án hình sự, sai sót của các Tòa án khi giải quyết các vụ án có liên quan đến quyền phụ nữ. Nhất là đối với việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục mà chứng cứ của vụ án là dấu vết, kết quả giám định được kiểm tra, xác lập thời gian lâu sau khi gây án hoặc trong trường hợp phạm tội chưa đạt thì Tòa án thường lúng túng, khó khăn trong việc định tội và đánh giá đúng tính chất, mức độ vi phạm, dẫn đến tình trạng có vụ án phải điều tra lại nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết.
Thứ hai, việc tuân thủ các thủ tục tố tụng xét xử và giám sát thực hiện thủ tục tiền xét xử theo hướng bảo vệ các quyền phụ nữ của Tòa án còn tồn tại nhiều bất cập.
Trong một số vụ án vẫn có vi phạm trong thủ tục xét xử, tiến hành hỏi đáp, điều khiển phiên tòa. Chẳng hạn: đối với một số vụ án hiếp dâm, bạo lực đối với phụ nữ. Việc đặt câu hỏi, xác định chứng cứ nhằm phục hồi và củng cố sự tự chủ, tự trọng và tôn trọng sự riêng tư của phụ nữ, tránh để nạn nhân bị tổn thương một lần nữa chưa được thực hiện tốt. Cá biệt có trường hợp cách đặt câu hỏi, khiến người bị hại lâm vào tình trạng phải chứng minh đã bị bạo hành, bị quan hệ tình dục “ngược lại mong muốn” dẫn đến tình trạng bị tổn thương tự trọng và ảnh hưởng tâm lý của người bị hại.
Bên cạnh đó, Tòa án còn thiếu sự phối hợp với các tổ chức như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và gia đình để kết hợp trong việc bảo vệ, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cho nạn nhân của tội phạm tình dục, bạo hành, xâm phạm nhân phẩm... trong quá trình giải quyết vụ án nên việc lấy lời khai người bị hại, xác minh sự thật của Tòa án còn thiếu hiệu quả.
Thứ ba, hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật, giáo dục nhân quyền thông qua hoạt động của Tòa án chưa cao.
Hoạt động chủ động thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Tòa còn ít nhiều mang tính hình thức; chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt như mong muốn; năng lực và kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của một số cán bộ còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu chung; công tác phối hợp giữa TAND các cấp với cơ quan truyền thông đại chúng đưa tin về các phiên tòa để nhân dân theo dõi nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân thông qua phiên tòa còn ít.
Kinh phí công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được Bộ Tài chính cấp nên không có nguồn kinh phí để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Thứ tư, hoạt động xây dựng và ban hành án lệ của TAND tối cao chưa đóng góp được nhiều cho mục tiêu bảo vệ quyền con người nói chung, quyền phụ nữ nói riêng.
Hiện nay, ở Việt Nam, số lượng án lệ được ban hành chưa nhiều, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử.
Số án lệ được công bố cũng chỉ tập trung vào lĩnh vực luật dân sự và luật kinh doanh, thương mại, các lĩnh vực pháp luật khác chiếm số lượng ít, đặc biệt rất ít trong lĩnh vực hình sự so với tổng số vụ án hình sự đưa ra xét xử.
Trong khi thực tế số lượng vụ án các Tòa án trong toàn quốc xét xử hàng năm là rất lớn, có nhiều vụ án được giải quyết liên quan đến việc bảo vệ quyền của phụ nữ trong vụ án tranh chấp ly hôn, phụ nữ có thai là người là bị hại trong vụ án hình sự hay phụ nữ nghỉ thai sản là người bị chấm dứt hợp đồng lao động...với những tình tiết chưa được pháp luật điều chỉnh hoặc quy định chưa rõ, còn có cách hiểu khác nhau đặt ra yêu cầu cần tiếp tục tăng cường đề xuất, lựa chọn và công bố án lệ liên quan đến bảo vệ quyền phụ nữ.
Thứ năm, những biện pháp do Tòa án tiến hành nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ chủ động tiếp cận công lý, chủ động bảo vệ các quyền trong tố tụng của mình còn chưa đủ và thiếu hiệu quả dẫn đến kết quả chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu.
Trong nhiều trường hợp, do Thẩm phán thiếu quan tâm, giải thích nên người phụ nữ không biết đưa ra yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình. Chẳng hạn: pháp luật tố tụng dân sự quy định Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình thì Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự.
Tuy nhiên, do trình độ hiểu biết pháp luật của nhiều phụ nữ còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn không mời được luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình nên nếu Thẩm phán giải quyết vụ án không quan tâm, giải thích cho họ thì tuy rằng khởi kiện nhưng họ sẽ không biết cách đưa ra yêu cầu hợp pháp và có căn cứ và cũng không biết đưa ra yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ.
3.4.2. Nguyên nhân của hạn chế
Một là, nguyên nhân từ nhận thức
Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách hết sức tiến bộ và đúng đắn về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người cũng như ưu tiên giới nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước nhưng trên bình diện toàn xã hội vẫn tồn tại những sai lệch nhất định trong nhận thức trên cả hai chiều cạnh: nhận thức về vị trí, vai trò và tính tất yếu của việc bảo vệ quyền phụ nữ và nhận thức về vai trò và tính độc lập của Tòa án trong bảo vệ quyền con người.
Hai là, nguyên nhân từ pháp luật.
Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến những khó khăn trong áp dụng pháp luật tại Tòa án dẫn đến chất lượng xét xử không cao, bản chất thực sự của Quyền phụ nữ không được bảo vệ. Hạn chế của pháp luật có thể nhận thấy trên một số phương diện chủ yếu sau: Một số thẩm quyền cơ bản của Tòa án chưa được ghi nhận; Pháp luật ghi nhận một số quyền của phụ nữ chưa rõ, khó thực hiện; Một số quy định về thủ tục xét xử các vụ án liên quan đến bảo vệ QPN của Tòa án chưa phù hợp.
Ba là, nguyên nhân từ trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ Thẩm phán.
Xét về số lượng, đội ngũ Thẩm phán hiện nay vẫn còn thiếu, nhất là khối Tòa án cấp huyện, dẫn đến tình trạng quá tải về công việc khiến cho số vụ án tồn đọng vẫn còn nhiều, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc do sức ép công việc đã dẫn đến những sai sót không đáng có về nghiệp vụ hoặc không có điều kiện quy hoạch, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
Bốn là, các nguyên nhân khác.
Vị thế của Tòa án trong cơ chế bảo vệ quyền phụ nữ chưa đạt như mong muốn còn do nhiều nguyên nhân khác với các mức độ tác động khác nhau như: trình độ văn hoá nhân quyền chưa cao; ý thức pháp luật của các bộ phận xã hội trong đó có phụ nữ và những người thực thi công quyền chưa tốt; mức độ hiểu biết và xử lý các vấn đề xã hội của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa.
Theo: Phạm Thị Bích Phượng
Link luận án: Tại đây