Nhận xét thực trạng hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
3.2.4. Nhận xét thực trạng hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
3.2.4.1. Ưu điểm
Sau nhiều năm triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT và 06 năm thực hiện Nghị quyết số 88-NQ/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, Ngành, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông nên công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông. Tình hình TTATGT đã được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm liên tục cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với giai đoạn trước;
Có được những kết quả trên là do các ngành, lực lượng chức năng đã tích cực triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp trong đó hoạt động phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi VPHC trong lĩnh vực GTĐB đóng vai trò quan trọng.
Các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này (CSGT đường bộ, Thanh tra ngành GTVT) đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tham mưu cho lãnh đạo các bộ, ngành kịp thời ban hành cũng như tổ chức thực hiện các vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo trật tự ATGTĐB. Trong phạm vi chức năng của mình, lực lượng CSGT đường bộ, Thanh tra ngành GTVT đã tăng cường tổ chức có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ góp phần kéo giảm các hành vi VPHC trong lĩnh vực GTĐB. Chỉ tính trong 5 năm (từ 16/11/2010 đến 15/10/2015), lực lượng CSGT đườ ng bộ đã xử lý 27.570.844 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; kho bạc Nhà nước thu 12.214,4 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 945.395 trường hợp; tạm giữ 55.368 ô tô, 1.241.174 mô tô. Tổng cục, các Cục chuyên ngành của Bộ GTVT và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện 399.125 cuộc thanh tra, kiểm tra; lập biên bản 786.212 vụ vi phạm; quyết định xử phạt 705.437 vụ vi phạm với số tiền trên 1.272 tỷ đồng; tạm giữ 3.295 ô tô; giám sát 3.962 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 4.348 kỳ sát hạch lái xe mô tô
3.2.4.2. Khó khăn, hạn chế, vướng mắc Thứ nhất, trong hoạt động xử phạt
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hình thức xử phạt áp dụng đối với các VPHC trong lĩnh vực GTĐB có thể là: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC. Mặc dù theo quy định về hình thức xử phạt của Luật xử lý VPHC năm 2012, thì hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền chỉ được coi là hình thức xử phạt chính; còn các hình thức xử phạt khác có thể được coi là hình thức xử phạt chính. Tuy nhiên theo Nghị định 146/2016 thì cảnh cáo; phạt tiền được coi là hình thức xử phạt chính còn các hình thức xử phạt còn lại vẫn chỉ được coi là hình thức xử phạt bổ sung. Hiện nay trong xử lý đối với VPHC trong lĩnh vực GTĐB, hình thức chủ yếu được áp dụng vẫn là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này là 40.000.000 đối với cá nhân và 80.000.000 đối với tổ chức. Trong áp dụng các hình thức, mức phạt hiện nay gặp nhiều khó khăn do việc quy định mức phạt cũng như thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp ngăn chặn cũng như bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt là chưa thực sự phù hợp, dẫn đến các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử phạt. Cụ thể như sau:
Về mức phạt đối với một số vi phạm theo quy định hiện nay chưa thực sự phù hợp. Có hành vi tính nguy hiểm cao, uy hiếp trực tiếp đến ATGTĐB thì mức phạt lại thấp (như hành vi lùi xe từ đường hẻm, đường phụ mà không giảm tốc độ và không quan sát thì mức phạt chỉ là từ 300.000 đ đến 400.000đ). Còn có những hành vi thì mức phạt lại quá cao, nên trong một số trường hợp không tổ chức thực hiện được quyết định xử phạt (như quy định về vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển mô tô có thể bị phạt tới 3.000.000 đ, tước giấy phép lái xe 02 tháng).
Một vấn đề cũng gây khó khăn cho công tác xử phạt của các lực lượng chức năng đó là các công cụ hỗ trợ cho hoạt động xử lý như xe ô tô, mô tô chuyên dùng; các loại máy móc hỗ trợ như súng bắn tốc độ; máy đo nồng độ cồn; camera lưu động; cân lưu động kiểm tra tải trọng , chưa được trang bị đầy đủ vì vậy rất khó khăn cho các lực lượng chức năng trong hoạt động xử lý.
Thứ hai, trong áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các VPHC trong lĩnh vực GTĐB chưa đạt được kết quả như mong đợi. Nguyên nhân chính vẫn là hoạt động kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả của các chủ thể có thẩm quyền không tốt, các lực lượng chức năng dường như quá tập trung vào biện pháp xử phạt mà ít chú ý đến việc giám sát việc khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này cũng còn những vấn đề mâu thuẫn, như trong trường hợp phương tiện vi phạm về tải trọng thì theo quy định phải hạ tải, tuy nhiên do không có kho bãi để hạ tải, nên khi tiến hành xử lý các chủ thể có thẩm quyền thường “quên” đi yêu cầu này, với lý do nếu hạ tải mà gây thiệt hại cho chủ hàng hoặc chủ phương tiện thì sẽ không có kinh phí đền bù. Tuy nhiên theo quan điểm của NCS, việc phương tiện vi phạm quy định về tải trọng là hành vi trực tiếp uy hiếp tới trật tự, ATGTĐB, vì vậy cần phải quyết liệt trong buộc đối tượng vi phạm phải thực hiện biện pháp này. Trong trường hợp có xảy ra thiệt hại từ việc hạ tải, thì người vi phạm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Thứ ba, trong áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC
Hạn chế lớn nhất làm ảnh hưởng tới biện pháp này đó là quy định của pháp luật về thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện hiện nay là không phù hợp. Theo quy định của pháp luật hiện hành thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC thuộc về người có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đó, trừ trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của người đang thi hành công vụ có quyền tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Khoản 3,4 Điều 125 Luật xử lý VPHC năm 2012). Vì vậy trong trường hợp cần tạm giữ tang vật, phương tiện để bảo đảm cho hoạt động xử lý VPHC thì cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành công vụ lại không thể tạm giữ; đây là một bất cập cần được tháo gỡ. Bên cạnh đó do thiếu về kho bãi để quản lý và bảo quản các phương tiện bị tạm giữ, vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng phương tiện bị hư hỏng, việc giải quyết đền bù cho chủ phương tiện gặp nhiều khó khăn.
Theo: Đinh Phan Quỳnh
Link luận án: Tại đây