Thực trạng các quy định của pháp luật hải quan Việt Nam về kiểm soát hàng hóa nhập khẩu qua biên giới
3.1. Thực trạng các quy định của pháp luật hải quan Việt Nam về kiểm soát hàng hóa nhập khẩu qua biên giới
3.1.1. Các quy định chung về kiểm soát hàng hóa nhập khẩu qua biên giới của pháp luật hải quan Việt Nam
Thứ nhất, về nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan
Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đã được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật hải quan 2014 [61]: “Hàng hoá, phương tiện vận tải phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; vận chuyển đúng tuyến đường, đúng thời gian qua cửa khẩu hoặc các địa điểm khác theo quy định của pháp luật; Kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Hàng hoá được thông quan, phương tiện vận tải được xuất cảnh, nhập cảnh sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan; Thủ tục hải quan phải được thực hiện công khai, nhanh chóng, thuận tiện và theo đúng quy định của pháp luật; Việc bố trí nhân lực, thời gian làm việc phải đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh”. Theo đó, những quy định trên cơ bản đáp ứng được yêu cầu về quản lý hải quan hiện đại, quản lý chính sách mặt hàng, quản lý thuế, thực thi quyền sở hữu trí tuệ hài hòa trong các quy định về chuẩn mực hải quan quốc tế hiện nay. Đặc biệt, Luật hải quan 2014 đã quy định rất rõ về quá trình kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phù hợp với các yêu cầu hải quan hiện đại. Những quy định pháp lý nêu trên góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu, tạo ra sự minh bạch đối với quản lý kinh tế xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường vị thế về môi trường đầu tư, khuyến khích thương nhân gia tăng hoạt động mua bán hàng hóa.
Thứ hai, về hiện đại hóa hải quan trong kiểm soát hàng hóa nhập qua biên giới
Quy định này được thể hiện trong Điều 8 Luật hải quan 2014 [61]: “Nhà nước ưu tiên đầu tư thiết bị kỹ thuật, phương tiện hiện đại, công nghệ tiên tiến để bảo đảm hiệu quả quản lý hải quan; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để bảo đảm áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại. Tổ chức, cá nhân hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu có trách nhiệm tham gia xây dựng, thực hiện giao dịch điện tử và thủ tục hải quan điện tử; Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trao đổi dữ liệu điện tử, giá trị pháp lý của chứng từ điện tử trong việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”. So với các quy định trước đây tại Luật hải quan 2001 về kiểm soát hàng hóa nhập khẩu qua biên giới, Luật hải quan hiện hành đã thể hiện tính hợp lý, tạo hành lang pháp lý để các cá nhân, tổ chức phát triển công nghệ, phương tiện, kỹ thuật nhằm thúc đẩy việc áp dụng quản lý hải quan hiện đại, giao dịch điện tử và thủ tục hải quan điện tử.
Ngoài ra, hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế về hải quan hiện đại đã được cụ thể hơn qua quy định về áp dụng các tiêu chuẩn hải quan quốc tế hiện đại vào quản lý, yêu cầu nội luật hóa được thực hiện mạnh mẽ các cam kết về hải quan mà Việt Nam là thành viên như áp dụng hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hải quan, áp dụng cơ chế hải quan một cửa, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu bằng quản lý rủi ro tăng cường rộng rãi như: Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan (Hệ thống VCIS); Hệ thống thông quan điện tử tập trung (Hệ thống V5); Hệ thống thông tin quản lý rủi ro (Hệ thống RM); Hệ thống thông tin vi phạm (Hệ thống QLVP14); Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế (Hệ thống GTT02). Tính đến hết tháng 12/2016, có 10/14 Bộ chuyên ngành đã kết nối cơ chế một cửa quốc gia với 36 thủ tục, xử lý 236 nghìn bộ hồ sơ hành chính, với hơn 8,7 nghìn doanh nghiệp. Về cơ chế một cửa ASEAN (Association of Southeast Asian Nations): Từ tháng 9/2015, cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước Asean để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu; Sẵn sàng để chính thức kết nối khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa Asean có hiệu lực; 6/10 nước đã phê duyệt Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa Asean.
Thứ ba, nhiệm vụ của Hải quan trong kiểm soát hàng hóa nhập khẩu qua biên giới
Đối với ngành hải quan, lực lượng nòng cốt trong bảo đảm việc thực thi pháp luật và chính sách về xuất nhập khẩu luôn đặt ra những thách thức không nhỏ trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình. Những quy định về chức năng, nhiệm vụ, của công chức hải quan đã được quy định rõ ràng tại Điều 12 Luật hải quan 2014 [61]: “Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hoá, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu”.
Thứ tư, về hợp tác, phối hợp kiểm soát hàng hóa nhập khẩu qua biên giới
Điều 9 Luật hải quan 2014 [61] nêu rõ: “Cơ quan hải quan có trách nhiệm chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện pháp luật về hải quan; Cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan hải quan hoàn thành nhiệm vụ”. Ngoài ra, các chế định về thời gian thông quan, thời gian tiếp nhận và xử lý các quy định đối với hàng hóa lưu thông qua biên giới đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Trách nhiệm và đạo đức công chức của lực lượng hải quan ngày được đánh giá cao. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện quyền tự do kinh doanh, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và thượng tôn pháp luật. Pháp luật hải quan đã quy định về liêm chính hải quan, ghi nhận sự cấp thiết trong quá trình giám sát công vụ của công chức hải quan giúp ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng khi thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực hải quan.
Theo: Trần Viết Long
Link luận án: Tại đây