Các giải pháp phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
4.4. Các giải pháp phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
4.4.1. Các giải pháp khắc phục những hạn chế về kinh tế - xã hội
Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, ngày 24/11/2017 “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh”. Mỗi năm, kinh tế TPHCM phải đạt được mức đóng góp trên 22% GDP và 28% tổng thu ngân sách cho cả nước; tăng trưởng kinh tế bình quân 10,7%/ năm, gấp 1,6 lần bình quân của cả nước; năng suất lao động của thành phố phải đạt gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân của cả nước. Đến năm 2020, TPHCM không còn hộ nghèo theo chuẩn trên, còn hộ cận nghèo theo chuẩn có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/ người/ năm [8]. TPHCM tiếp tục phát triển mạnh 3 khu vực: khu vực dịch vụ; khu vực công nghiệp- xây dựng và khu vực nông nghiệp. Phát triển mạnh 04 nhóm ngành công nghiệp: cơ khí; điện tử, công nghệ thông tin; hóa dược- cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng; phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may- da giày, công nghiệp thiết kế; chuyển dần từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động sản xuất. Xây dựng TPHCM thành trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ lớn nhất nước; là đầu mối hợp tác liên vùng và quốc tế. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao. Xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, hợp lý, bao gồm hệ thống kho bãi, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại . Nhằm giảm tỉ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
TPHCM cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đồng đều trên từng quận/ huyện và cả thành phố, để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm sự chênh lệch về phát triển kinh tế, đời sống người dân giữa các quận/ huyện, giảm tỉ lệ thất nghiệp, góp phần hạn chế các tội XPSH có tính chất chiếm đoạt. Đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 11/NQ- CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Thực hiện cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ và nâng cao thu nhập của người dân, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống. Giải quyết việc làm cho người lao động; xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt an sinh xã hội…vv. Chính quyền mỗi quận/ huyện cần tạo cơ chế, chính sách phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình; phát huy các chính sách ưu đãi cho vay vốn; xây dựng cơ chế của riêng của từng địa phương cho phù hợp với ngành nghề và trình độ lao động tại chỗ. Hỗ trợ cho người dân đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu cung ứng nguyên liệu công nghiệp chế biến, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở tại chỗ và xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh tại các vùng nông thôn, sử dụng các nguyên liệu của địa phương làm sản phẩm thế mạnh. Chuyển giao công nghệ cho các cơ sở nhỏ, các hộ gia đình, để các hộ gia đình ứng dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Tạo công việc làm cho mỗi hộ gia đình và giải quyết được nguồn lao động tại địa phương.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lao động ổn định về số lượng và chất lượng, tạo cân bằng về cung và cầu trong thị trường lao động tại TPHCM; tập trung đào tạo mới, đào tạo lại, dạy nghề cho người lao động theo nhu cầu của cơ sở sử dụng lao động (TPHCM hiện có 290.000 công nhân). Khuyến khích mở rộng liên kết, hợp tác giữa các đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo. Mở các trường dạy nghề trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để tự đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân. Tập trung đào tạo các ngành mang tính bền vững, nâng cao chất lượng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, quản lý tốt thị trường lao động. Ngoài ra, chính quyền các cấp nên thường xuyên tổ chức công tác dự báo lao động theo các ngành nghề, trình độ lao động. Giảm tỉ lệ thất nghiệp ở các quận/ huyện ngoại thành, nhằm góp phần giảm các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ công việc làm, ổn định cuộc sống người dân bằng các chính sách trợ giúp về đất đai, nhà ở, vay vốn tín dụng, dạy nghề, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo khung pháp lý phù hợp để kích thích thị trường lao động phát triển. Xây dựng cơ chế bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Ưu tiên phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện kinh tế của từng quận/ huyện để giải quyết việc làm tại chỗ. Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng và phát triển thị trường lao động ra nước ngoài. Quy hoạch có tính bền vững, lâu dài để xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở các huyện nông thôn, vùng xa, như: Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh.
Theo: Đoàn Công Viên
Link luận án: Tại đây