Thực trạng thực hiện pháp luật về bảo lãnh của ngân hàng thương mại đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây lắp ở Việt Nam.
3.2. Thực trạng thực hiện pháp luật về bảo lãnh của ngân hàng thương mại đối với trách nhiệm của nhà thầu trong đấu thầu xây lắp ở Việt Nam.
Giống như tất cả các hoạt động sinh lời khác của ngân hàng, tuy là một công cụ sử dụng rộng rãi, BLNHXL luôn tiềm ẩn những vấn đề ảnh hưởng theo các góc độ khác nhau. Mặc dù các văn bản pháp luật quy định liên quan tới BLNHXL (Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng ...) đã ra đời từ rất sớm nhưng còn chưa đồng bộ và đầy đủ dẫn đến xuất hiện những kẽ hở gây ảnh hưởng không tốt cho hoạt động bảo lãnh cũng như chất lượng của hoạt động bảo lãnh.
Mặc dù có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhưng vấn đề thực thi pháp luật đối với hoạt động BLNHXL hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Pháp luật về với hoạt động BLNHXL cho đến thời điểm hiện nay chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy hết vai trò của nó. Do vậy, BLNHXL muốn phát huy được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững cần có một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, khoa học để điều chỉnh các hoạt động diễn ra trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện.
Thực tế cho thấy, sự tương tác giữa các bộ phận pháp luật là không tránh khỏi vì bản thân các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh có sự đan xen, tương tác lẫn nhau và bản thân một văn bản pháp luật không thể điều chỉnh hết một lĩnh vực cụ thể. Do các văn bản pháp luật cùng điểu chỉnh một lĩnh vực nên sự tương thích hay xung đột sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả pháp luật.
Nhìn chung, rất khó có thể đánh giá hết những yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật vì sự đa dạng và đan xen của những yếu tố tác động này. Tuy nhiên, ở mức độ khái quát nhất, pháp luật hoạt động BLNHXL chịu chi phối của các yếu tố: Chủ trương của nhà nước trong việc phát triển hoạt động bảo lãnh ngân hàng; thực trạng hoạt động bảo lãnh ngân hàng; luật pháp quốc tế và tập quán quốc tế; sự tương tác giữa các bộ phận pháp luật trong hệ thống pháp luật quốc gia và khả năng áp dụng pháp luật của các chủ thể trong xã hội.
Khả năng áp dụng pháp luật phụ thuộc vào hai nguyên nhân cơ bản là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của chủ thể. Nếu các chủ thể nhận thức đúng mà cụ thể là hiểu biết và vận dụng đúng pháp luật thì sẽ đảm bảo hiệu quả pháp luật. Ngược lại, nếu các chủ thể cố ý áp dụng sai hoặc không thực hiện đúng quy định của pháp luật sẽ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của pháp luật trong thực tế.
Như vậy, khả năng áp dụng pháp luật của chủ thể tác động đến pháp luật hoạt động bảo lãnh ngân hàng nói chung và BLNHXL nói riêng ở các khía cạnh sau:
Một là, nhận thức pháp luật của chủ thể tham gia giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện pháp luật hoạt động BLNHXL. Đối với những quốc gia có kinh tế phát triển, hầu hết người dân và DN đã hiểu biết về hoạt động cũng như pháp luật hoạt động BLNHXL nên việc áp dụng luật được thuận lợi và ít tranh chấp hơn. Ngược lại, đối với các nền kinh tế còn chậm phát triển, nhận thức pháp luật của người dân và DN chưa cao nên dễ dẫn đến những hành vi vi phạm cũng như tranh chấp trong hoạt động BLNHXL.
Hai là, khả năng kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả pháp luật. Nếu hệ thống giám sát và xử lý vi phạm này được thực hiện tốt thì sẽ hạn chế được các vi phạm pháp luật trong hoạt động bảo BLNHXL, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan và ngược lại.
Ba là, việc bảo vệ pháp luật của các cơ quan tài phán. Hầu hết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động BLNHXL được thực hiện thông qua tòa án nên khả năng xét xử của tòa án là một trong những yếu tố quan trọng giúp bảo đảm thực hiện pháp luật. Nếu các vụ án được giải quyết đúng bản chất sự việc, áp dụng đúng quy định pháp luật thì sẽ bảo vệ được quyền lợi chính đáng của các bên tranh chấp, đảm bảo hiệu quả pháp luật, đồng thời là biện pháp phổ biến pháp luật hiệu quả. Ngược lại, các quyết định giải quyết không chính xác của tòa án sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động này.
BLNHXL luôn có khả năng chịu ảnh hưởng từ hoạt động của Bên được bảo lãnh và Bên nhận bảo lãnh. Cụ thể là Bên bảo lãnh phải chịu rủi ro về tín dụng xuất phát từ khả năng tài chính của Bên được bảo lãnh và rủi ro về chứng từ (do chỉ có quyền kiểm tra trên bề mặt chứng từ) từ phía Bên nhận bảo lãnh. Bên nhận bảo lãnh cũng chịu ảnh hưởng từ giao kết của Bên được bảo lãnh và ngân hàng, cũng như rủi ro xuất phát từ khả năng tài chính của Bên được bảo lãnh và ngân hàng.
Xuất phát từ thực tế, luận án xin nêu một vài vụ việc tiêu biểu phản ánh thực trạng thực hiện pháp luật về BLNHXL. Mặc dù các quy định của pháp luật về hoạt động này đã được xây dựng một cách khá chặt chẽ và chi tiết nhưng việc tuân thủ hoàn toàn theo pháp luật trong nội bộ các ngân hàng lại là một câu chuyện khác.
Theo: Võ Hoàng Quân
Link luận án: Tại đây