
Khái niệm và đặc điểm của buộc thực hiện đúng hợp đồng theo CISG
2.1 Khái niệm và đặc điểm của buộc thực hiện đúng hợp đồng theo CISG
2.1.1 Khái niệm buộc thực hiện đúng hợp đồng theo CISG
Vấn đề pháp lý đặt ra khi nghiên cứu khái niệm BTHĐHĐ theo CISG là việc xác định phạm vi nội hàm của khái niệm này và thông qua đó xác định được các yếu tố mà CISG đặt trọng tâm và hướng đến bảo vệ khi áp dụng biện pháp BTHĐHĐ. Theo đó, nội hàm của khái niệm này được mở rộng hay thu hẹp tùy thuộc vào việc đặt trọng tâm vào yếu tố nào sau đây: (a) việc bảo vệ lợi ích có được từ việc hợp đồng được thực hiện hay (b) việc bảo vệ yếu tố hiệu quả trong thực hiện hợp đồng. Vấn đề này có nguồn gốc từ lịch sử hình thành quy định về BTHĐHĐ theo CISG. Do vậy, việc nghiên cứu nguồn gốc hình thành quy định về BTHĐHĐ theo CISG cho phép xác định nội hàm của khái niệm BTHĐHĐ theo CISG dưới sự tác động của hai hệ thống pháp luật tiêu biểu (hệ thống thông luật và hệ thống pháp luật châu Âu lục địa) và quá trình hài hòa hóa pháp luật giữa hai hệ thống này. Trong tiến trình đó, các giá trị pháp lý tiến bộ xuất phát từ pháp luật nội địa của một số quốc gia thuộc các hệ thống pháp luật nêu trên được thừa nhận và đưa vào CISG, nhằm bảo vệ triết lý nền tảng mà CISG hướng đến – xây dựng các biện pháp khắc phục hướng các bên đến việc thực hiện hợp đồng theo cách thức hiệu quả nhất.
2.1.1.1 Nguồn gốc hình thành quy định về buộc thực hiện đúng hợp đồng theo CISG
Quy định của CISG về BTHĐHĐ là kết quả lập pháp có được từ nỗ lực của các quốc gia tuy có sự khác biệt về truyền thống pháp lý nhưng đều có cùng mục đích hướng đến nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hợp lý, đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên. Đằng sau các quy định về BTHĐHĐ của CISG là các triết lý nền tảng liên quan có nguồn gốc từ các hệ thống pháp luật tiêu biểu trên thế giới, bao gồm hệ thống thông luật và hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Do vậy, việc nghiên cứu khái niệm BTHĐHĐ theo CISG gắn liền với việc nghiên cứu khái niệm này theo hệ thống thông luật và hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, bởi lẽ việc xác định nội hàm của khái niệm BTHĐHĐ theo CISG chịu sự tác động từ cả hai hệ thống pháp luật này.
Dựa trên cách tiếp cận của hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, BTHĐHĐ theo CISG được áp dụng như một biện pháp pháp lý nhằm hướng các bên đến việc thực hiện đúng hợp đồng, đồng thời bảo vệ lợi ích của bên có quyền một cách đầy đủ nhất từ chính việc hợp đồng được thực hiện đúng. Tuy nhiên, quy định về BTHĐHĐ theo CISG cũng đồng thời chịu ảnh hưởng của hệ thống thông luật với việc giới hạn áp dụng BTHĐHĐ dựa trên nguyên tắc xem xét yếu tố hiệu quả. Việc nghiên cứu khái niệm BTHĐHĐ dưới sự tác động của hệ thống thông luật và hệ thống pháp luật châu Âu lục địa cho thấy nội hàm của khái niệm này được mở rộng nếu trọng tâm được đặt vào yếu tố bảo vệ lợi ích có được từ việc hợp đồng được thực hiện; ngược lại, nội hàm của khái niệm này sẽ thu hẹp tương ứng nếu chú trọng bảo vệ yếu tố hiệu quả trong thực hiện hợp đồng. Việc hiểu rõ vấn đề này cho phép hiểu rõ khái niệm BTHĐHĐ theo CISG, bởi lẽ khái niệm này được xác định tương thích với các yếu tố mà CISG đặt trọng tâm và hướng đến bảo vệ, trên cơ sở chịu ảnh hưởng đồng thời từ hai hệ thống pháp luật tiêu biểu trên.
Theo nghĩa rộng nhất, BTHĐHĐ là biện pháp mà bên bị vi phạm áp dụng để có được đối tượng mà bên này hướng đến khi xác lập hợp đồng, nhằm đạt được mục đích đặt ra vào thời điểm giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, hiểu theo một nghĩa nào đó, nếu nhằm đảm bảo để bên bị vi phạm có được đối tượng của hợp đồng thì mục đích này có thể đạt được bằng cách này hay cách khác. Biện pháp buộc bồi thường thiệt hại cũng có thể được hiểu là biện pháp hướng đến việc thực hiện hợp đồng theo nghĩa đặt bên bị vi phạm vào vị trí như khi hợp đồng được thực hiện đúng. Nói cách khác, trên cơ sở được bồi thường một khoản tiền, bên bị vi phạm bằng một cách thức khác vẫn có thể có được đối tượng mà bên này hướng đến khi xác lập hợp đồng. Do vậy, BTHĐHĐ cần được hiểu theo nghĩa hẹp, theo đó bên bị vi phạm có được đối tượng mà bên này hướng đến khi xác lập hợp đồng bằng cách yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ. Nếu hiểu theo nghĩa này, bên bị vi phạm được đặt vào vị trí như khi hợp đồng được thực hiện đúng thông qua việc thực hiện nghĩa vụ của bên vi phạm. Như vậy, BTHĐHĐ là biện pháp mà bên bị vi phạm áp dụng để có được đối tượng mà bên này hướng đến khi xác lập hợp đồng bằng cách yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm BTHĐHĐ có thể được tiếp cận với phạm vi khác nhau, tùy thuộc vào hệ thống pháp luật khác nhau. Về cơ bản, BTHĐHĐ theo hệ thống thông luật có phạm vi hẹp hơn so với BTHĐHĐ theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa BTHĐHĐ theo hệ thống thông luật được hiểu là quyết định của tòa án xuất phát từ luật công bằng, buộc bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Biện pháp này chỉ được áp dụng khi biện pháp bồi thường thiệt hại không đủ để đặt bên bị vi phạm vào vị trí như khi hợp đồng được thực hiện đúng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy tòa án còn đặt ra điều kiện áp dụng nghiêm ngặt hơn khi việc áp dụng biện pháp BTHĐHĐ còn phụ thuộc vào sự phù hợp của chế tài này (appropriateness) trong các điều kiện cụ thể.
Để áp dụng BTHĐHĐ, thay vì chỉ xem xét liệu rằng biện pháp bồi thường thiệt hại có đủ để bù đắp cho bên bị vi phạm, đặt bên này vào vị trí như khi hợp đồng được thực hiện đúng hay không, thì tòa án còn phải giải quyết câu hỏi hẹp hơn: việc áp dụng biện pháp BTHĐHĐ có thực sự hợp lý hơn và công bằng hơn biện pháp bồi thường thiệt hại hay không? Điều này có thể dẫn đến việc biện pháp BTHĐHĐ vẫn có thể không được áp dụng, cho dù biện pháp bồi thường thiệt hại không đủ để bù đắp cho bên bị vi phạm, đặt bên này vào vị trí như khi hợp đồng được thực hiện đúng.
Tư duy tiếp cận này đặt nền tảng cho một vấn đề pháp lý rất quan trọng – việc giới hạn phạm vi áp dụng của biện pháp BTHĐHĐ. Theo đó, tòa án vẫn có thể từ chối áp dụng biện pháp BTHĐHĐ dựa trên lẽ công bằng, chẳng hạn như trong trường hợp việc áp dụng biện pháp BTHĐHĐ dẫn đến việc bên vi phạm phải chịu khoản chi phí bất hợp lý quá mức so với lợi ích mà bên bị vi phạm đạt được22. Do vậy, có thể nhận thấy việc hạn chế biện pháp BTHĐHĐ theo hệ thống thông luật về cơ bản phụ thuộc vào nguyên tắc giới hạn dựa trên việc xem xét yếu tố hiệu quả (efficiency-based limitation). Theo đó, yếu tố hiệu quả được xem là yếu tố quan trọng để cân bằng giữa quyền của bên bị vi phạm (được đảm bảo lợi ích có được từ việc thực hiện hợp đồng) và việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên vi phạm.
Xét từ góc độ yếu tố hiệu quả, việc thực thi quyền không gây hại quá mức cho lợi ích của bên có nghĩa vụ. Do vậy, cho dù biện pháp bồi thường thiệt hại không thực sự bảo vệ hoàn toàn lợi ích có được từ việc thực hiện hợp đồng của bên bị vi phạm thì biện pháp này vẫn được áp dụng (thay vì áp dụng BTHĐHĐ) nếu việc BTHĐHĐ gây hại quá mức cho lợi ích của bên có nghĩa vụ, chẳng hạn như chi phí mà bên vi phạm phải chịu để thực hiện đúng hợp đồng vượt nhiều lần so với lợi ích mà bên bị vi phạm nhận được. Cho nên, việc quyết định áp dụng biện pháp BTHĐHĐ không chỉ phụ thuộc vào việc xem xét liệu rằng biện pháp bồi thường thiệt hại có đủ để bù đắp cho bên bị vi phạm hay không; mà còn phụ thuộc vào việc biện pháp này có thực sự phù hợp hay không. Bởi lẽ, biện pháp BTHĐHĐ được xem là phù hợp nếu (i) dẫn đến việc thực hiện đúng hợp đồng như các bên đã thỏa thuận và đồng thời (ii) không đặt gánh nặng bất hợp lý lên bên còn lại của hợp đồng. Điều này xuất phát từ việc hệ thống thông luật đã chọn cách tiếp cận thực tế hơn, hướng đến biện pháp mà khi áp dụng phải mang đến những kết quả có lợi nhất về mặt kinh tế. Vì vậy, các học thuyết kinh tế học trong pháp luật hợp đồng rất chú trọng yếu tố hiệu quả, dẫn đến hệ quả là việc áp dụng biện pháp BTHĐHĐ theo hệ thống thông luật rất hạn chế, mà thay vào đó là việc áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây, hệ thống thông luật cũng từng bước hướng đến một sự tiếp cận cân bằng, có tính đến nhiều yếu tố tác động khác nhau, hơn là chỉ chú trọng đến các hiệu quả kinh tế thuần túy. Cơ sở của sự thay đổi này có nguồn gốc từ lý thuyết hợp đồng dựa trên quyền chủ thể (rights-based theory of contract) được phát triển bởi Charles Fried29. Theo đó, các cam kết tạo lập nghĩa vụ có tính ràng buộc đối với các bên; từ đó lợi ích tương ứng của bên có quyền được đảm bảo khi hợp đồng được thực hiện đúng. Lợi ích đến từ việc hợp đồng được thực hiện đúng (performance interest) phải được bảo vệ ở mức cao nhất, vì tính toàn vẹn về mặt giá trị mà lợi ích này mang lại cho chủ thể có quyền, chứ không chỉ là lợi ích mong đợi đạt được nếu hợp đồng được thực hiện đúng (expectation interest). Bởi lẽ về mặt bản chất, lợi ích mong đợi thường chỉ phản ánh các giá trị kinh tế mà một bên đạt được nếu bên kia thực hiện đúng hợp đồng. Trong khi đó, lợi ích đến từ việc hợp đồng được thực hiện đúng lại gắn với lợi ích có được khi chính hợp đồng được thực sự thực hiện. Nếu so sánh, giá trị mà lợi ích này mang lại được đánh giá ở mức đầy đủ và toàn vẹn nhất, do vậy sẽ không chỉ là các giá trị kinh tế, mà còn bao hàm các giá trị khác mà chủ thể có quyền hướng đến nhưng khó có thể quy đổi thành các giá trị kinh tế. Nếu nghiêng về bảo vệ lợi ích có được từ việc thực hiện hợp đồng của các bên thì biện pháp BTHĐHĐ đóng vai trò rất quan trọng. Trong tiến trình phát triển và hài hoà hoá pháp luật, các nghiên cứu gần đây cũng đã ghi nhận sự thay đổi trong cách tiếp cận của hệ thống thông luật về việc áp dụng biện pháp BTHĐHĐ. Theo đó, hệ thống thông luật hướng đến nhiều hơn việc bảo vệ lợi ích có được từ việc thực hiện hợp đồng của các bên và cũng chính vì vậy mà mở rộng hơn các trường hợp áp dụng BTHĐHĐ, thay thế xu hướng thiết lập các điều kiện nghiêm ngặt nhằm hạn chế việc áp dụng biện pháp này như trước đây. Điều này thực sự thu hẹp sự khác biệt và đưa các quy định về BTHĐHĐ của hệ thống thông luật đến gần hơn cách tiếp cận theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa.
Trong khi đó, theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, BTHĐHĐ được hiểu là biện pháp cho phép bên bị vi phạm có được đối tượng của hợp đồng bằng cách yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc dùng biện pháp để hợp đồng được thực hiện bằng chi phí của bên vi phạm. Cách tiếp cận này theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa dựa trên nền tảng lý thuyết về sự ràng buộc của nghĩa vụ hợp đồng, nghĩa là cam kết được giữ đúng thông qua chính việc hợp đồng được thực hiện bằng những cách thức khác nhau. Theo đó, BTHĐHĐ theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa có phạm vi rộng, bao gồm cả việc hợp đồng được thực hiện không chỉ bằng sự khắc phục vi phạm của bên vi phạm, mà còn bằng cách thức khác như việc tự khắc phục của bên bị vi phạm hoặc việc thực hiện một giao dịch thay thế mà chi phí do bên vi phạm gánh chịu. Chẳng hạn như bên bị vi phạm tự sửa chữa khiếm khuyết của hàng hóa hoặc mua hàng của một bên khác để thay thế và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan.
Theo cách hiểu này, BTHĐHĐ được chia theo hai cách thức: (i) buộc bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng (actual specific performance) và (ii) dùng biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện (virtual specific performance hoặc specific performance by equivalence). Về mặt lý thuyết, việc BTHĐHĐ theo cách thức nào cũng đều dẫn đến hệ quả hợp đồng được thực hiện, tuy nhiên sự khác biệt ở điểm: nếu theo cách thức thứ nhất thì chi phí do bên vi phạm trực tiếp gánh chịu, nhưng nếu theo cách thức thứ hai thì chi phí này trước hết do bên bị vi phạm chịu, sau đó mới có thể yêu cầu bên vi phạm hoàn lại. Do vậy, việc BTHĐHĐ theo cách thức thứ hai có thể dẫn đến những rủi ro pháp lý nhất định liên quan đến việc yêu cầu hoàn lại chi phí này. Cho nên ngay cả trong trường hợp hàng hóa là hàng cùng loại, bên bị vi phạm có thể mua hàng khác trên thị trường để thay thế nhưng việc yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ vẫn là cách hiệu quả để đạt được mục đích với chi phí và rủi ro được giảm thiểu ở mức thấp nhất đối với bên bị vi phạm. Bởi lẽ, trong trường hợp đó, mong đợi của bên bị vi phạm vẫn là việc bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng như đã cam kết. Việc khởi kiện yêu cầu hoàn trả khoản tiền làm phát sinh chi phí và thời gian; hơn nữa, việc thực hiện giao dịch thay thế để mua được lượng hàng hóa với số lượng, chất lượng như yêu cầu trong hợp đồng ban đầu trong khoảng thời gian cần thiết cũng không phải luôn khả thi đối với bên bị vi phạm. Cho nên, việc BTHĐHĐ theo cách thức thứ hai thông thường được áp dụng khi đã áp dụng cách thức thứ nhất nhưng bên vi phạm không thực hiện đúng hợp đồng. Hoặc bên bị vi phạm có thể áp dụng cách thức thứ hai trong trường hợp mà thời hạn thực hiện hợp đồng là yếu tố quan trọng và do vậy, không thể gia hạn để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nữa.
Trong trường hợp bên bị vi phạm BTHĐHĐ bằng cách thực hiện giao dịch thay thế, sau đó đòi lại khoản tiền chênh lệch và chí phí hợp lý khác, một số quan điểm cho rằng cần được hiểu là một hình thức khác của việc áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại40. Nói cách khác, khoản tiền chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá trong giao dịch thay thế được xác định là thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm và nếu hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra khoản thiệt hại này thì bên vi phạm phải bồi thường. Tuy nhiên, cho dù xét về hệ quả áp dụng có thể dẫn đến sự trùng lặp trong nhiều trường hợp, nhưng về bản chất có sự khác biệt. Xét về mặt lý luận, cần phân mua có khả năng nhận hàng hóa từ bên bán với giá $4/1 giạ, giao cho bên thứ ba và hưởng lợi 50¢/1 giạ. Nếu bên mua mua hàng thay thế với giá thị trường $4.25/1 giạ, giao cho bên thứ ba để hoàn thành hợp đồng với bên này thì có quyền yêu cầu bên bán hoàn lại tiền chênh lệch (25¢/1 giạ). Như vậy, tính cả lợi nhuận bên mua có được từ hợp đồng với bên thứ ba (25¢/1 giạ) và khoản tiền chênh lệch được bên bán hoàn lại (25¢/1 giạ) thì khoản tiền mà bên mua thu về không có sự khác biệt. Tuy nhiên, các chi phí liên quan đến việc yêu cầu hoàn lại thường không được tính đến và các rủi ro trong trường hợp không thể đòi lại khoản tiền đã trả để hợp đồng được thực hiện cũng phần nào cho thấy BTHĐHĐ theo cách thức dùng biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện không phải lúc nào cũng mang lại hệ quả như khi hợp đồng được thực hiện đúng bởi chính bên vi phạm. Về vấn đề này, tách giữa (a) khoản tiền có tính chất thay cho việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm (monetary substitute for performance) và (b) khoản tiền có tính chất bồi thường cho tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu (compensatory awards).
Theo đó, mục đích của khoản tiền (a) thực chất là để thay cho việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm, bảo vệ quyền được thực hiện hợp đồng, do vậy, tương ứng với việc BTHĐHĐ, mà không phải nhằm vào bù đắp tổn thất của bên bị vi phạm.
Để làm rõ sự khác biệt này, các nghiên cứu đã tập trung phân tích một số trường hợp liên quan, trong đó điển hình là trường hợp khoản chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá mua thay thế đã được bên bị vi phạm (bên mua) chuyển vào giá bán lại hàng hóa; do vậy, thiệt hại thực tế không xảy ra hoặc không tương thích với khoản tiền yêu cầu hoàn lại.
Chẳng hạn như trường hợp: Bên B mua hàng từ Bên A với giá 1 đồng/1 đơn vị hàng hóa để bán lại cho Bên C. Tuy nhiên, do Bên A vi phạm nghĩa vụ giao hàng nên Bên B đã mua hàng thay thế từ Bên D (theo giá thị trường của hàng hóa là 3 đồng/1 đơn vị hàng hóa) để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng với Bên C. Phần chênh lệch giữa giá hàng hóa trong hợp đồng giữa A – B và giá hàng hóa trong hợp đồng giữa B – D (2 đồng/1 đơn vị hàng hóa) được Bên B cộng dồn và chuyển vào giá bán cho Bên C. Trong quá trình thương lượng, Bên B đã thuyết phục Bên C chấp nhận mức giá này. Nếu xét đến thiệt hại thực tế của Bên B thì thiệt hại này đã được khắc phục bởi hành vi xảy ra sau vi phạm (post-breach event). Do vậy, nếu xem yêu cầu hoàn trả khoản tiền chênh lệch này có tính chất là yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Bên A không có nghĩa vụ phải trả, vì cần tính đến khoản lợi phát sinh (extra profitability) mà Bên B có được từ việc bán lại hàng hóa thay thế.
Tuy nhiên, nếu bên bị vi phạm đặt ra yêu cầu hoàn trả khoản tiền chênh lệch này với tính chất là khoản tiền thay cho việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm thì khoản này phải được chấp nhận. Bởi lẽ tính chất của khoản hoàn trả này tương ứng với biện pháp BTHĐHĐ và không bị ảnh hưởng bởi hành vi xảy ra sau vi phạm, cho dù hành vi này thực tế làm giảm thiểu hoặc loại trừ tổn thất thực tế của bên bị vi phạm44. Mục đích của khoản hoàn trả này vì vậy có tính chất thay thế cho việc thực hiện hợp đồng hơn là bồi thường tổn thất cho bên bị vi phạm. Điều này cũng phù hợp với việc bên bị vi phạm có quyền chọn áp dụng biện pháp khắc phục theo hướng có lợi nhất cho mình.
Trên thực tế, nếu hành vi xảy ra sau vi phạm (như ví dụ ở trên là nỗ lực đàm phán và bán lại hàng hóa với mức giá tối ưu của Bên B) đem lại lợi ích cho Bên B thì lợi ích này nên được hiểu thuộc về Bên B (do phát sinh trên cơ sở nỗ lực của bên này). Chính vì mục đích của biện pháp BTHĐHĐ hướng đến việc bảo vệ lợi ích có được từ việc thực hiện hợp đồng, nên trong trường hợp này lợi ích đó phải tương ứng với giá trị mà đối tượng của hợp đồng mang lại nếu hợp đồng được thực hiện đúng. Điều này khác với việc bù đắp tổn thất phát sinh do chênh lệch giá giữa hợp đồng mua thay thế và hợp đồng giao kết giữa các bên.
Như vậy, BTHĐHĐ theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa có phạm vi rộng, được hiểu là biện pháp khắc phục chủ yếu mà bên bị vi phạm được áp dụng nhằm bảo vệ lợi ích có được từ việc hợp đồng được thực hiện, bằng cách yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc dùng biện pháp để hợp đồng được thực hiện bằng chi phí của bên vi phạm
Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền
