
Lý thuyết hành vi ra quyết định theo tiêu chí (MCDM)
2.1.3 Lý thuyết hành vi ra quyết định theo tiêu chí (MCDM)
Lý thuyết MCDM (multiple-criteria-decision-making) mô tả hành vi ra quyết định dựa trên nhiều tiêu chí là, được ứng dụng cho hành vi cá nhân và tổ chức. Quan điểm về quyết định dựa trên tiêu chí ban đầu là do Keeney et al.,(1979) đặt nền móng trong nghiên cứu về đa tiêu chí trong quyết định, sau đó Hwang & Masud (1979) cũng đưa ra bổ sung với khái niệm đa mục đích trong ra quyết định tương tự gọi là MODM (Hwang & Masud, 2012). Tuy nhiên, Dyer et al., (1992) kế thừa các nghiên cứu trước đưa ra khái niệm MCDM như một lý thuyết hoàn chỉnh tập trung vào tiêu chí chọn lựa (criteria) thay vì mục tiêu như các tác giả trước và được sử dụng làm cơ sở lý thuyết rộng rãi cho các nghiên cứu hành vi ra quyết định trong rất niều lĩnh vực (Wallenius et al., 2008).
MCDM định nghĩa là một người ra quyết định sẽ chọn trong một hay một số tiêu chí mà người đó đánh giá dựa trên các thuộc tính. Các tiêu chí lựa chọn có tính thay thế và có thể liên quan đến rủi ro hoặc không chắc chắn. Người ra quyết có các hành động tuần tự vào các thời điểm khác nhau dựa trên tập hợp các lựa chọn thay thế. Lý thuyết MCDM giả định rằng người ra quyết định phải chọn trong số một tập hợp các lựa chọn thay thế mà các giá trị hoặc thuộc tính mục tiêu được biết một cách chắc chắn nhất. Trong những trường hợp đơn giản nhất, người ra quyết định hành động để tối đa hóa một vài các tiêu chí. Đặc điểm của MCDM là tính thứ tự của các tiêu chí ưu tiên theo giá trị, các tiêu chí không thể hiện rõ tính chính xác và các tiêu chí không chắc chắn có giúp người ra quyết định giải quyết vấn đề của mình. Bên cạnh đó, khi áp dụng MCDM trong những tình huống cụ thể cần phải xem xét so sánh các tiêu chí, đánh đổi và những ràng buộc trong các lựa chọn. Zavadskas& Turskis (2011) cho rằng nghiên cứu MCDM cần mô hình hoá tính đa mục tiêu khi ra quyết định, sắp xếp các tiêu chí theo lựa chọn thay thế, cách đánh giá tiêu chí và so sánh tính lặp lại khi ra quyết định dựa trên tập hợp nhiều tiêu chí (Wallenius et al., 2008).
Lý tuyết MCDM được kế thừa và phát triển ra nhiều phương pháp ứng dụng trong hành vi ra quyết định trên nhiều tiêu chí. Phương pháp ra quyết định lựa chọn thay thế và ưu tiên tốt nhất AHP (Analytical Network Process) do Saaty (1988, 2013) đưa ra là công cụ phổ biến nhất về phát triển quan điểm lý thuyết của MCDM. Đặc điểm nổi bật của AHP là sự phân cấp các ưu tiên tiêu chí, các phân tích tiêu chí phụ thuộc lẫn nhau, có thể chi tiết các thuộc tính vô hình và hữu hình. Phương pháp VIKOR được cho là phát triển để tối ưu tiêu chí xếp hạng ưu tiên trong hệ thống các tiêu chí phức tạp (Opricovic & Tzeng, 2004), hệ thống này tập trung xếp hạng tiêu chí trong tập hợp đa tiêu chí thông qua đo mức độ lý tưởng của người ra quyết định. Đối với phương pháp TOPSIS do Chen & Hwang (1992) đưa ra giải thích phương án chọn phải có khoản cách ngắn nhất hướng đến giải quyết vấn đề cho người ra quyết định. Ngoài ra, DEMATEL (Decision Making Trial and Evaluation Laboratory Model) là phương pháp xác định mối liên hệ lẫn nhau của các tiêu chí, sự phụ thuộc mạnh/yếu của các tiêu chí từ đó chọn lựa tối ưu (Gabus & Fontela, 1972; Chen et al., 2008). Đối với lựa chọn nhà cung cấp có phương pháp COPRAS được đưa ra do Zavadskas et al., (1994) nhằm giúp đánh giá chỉ số tối đa hoá/tối thiểu trong các chỉ tiêu lựa chọn riêng biệt, kết quả có thể tối ưu rủi ro các chỉ tiêu khi chọn lựa (Chai et al., 2013; Wetzstein et al., 2016; Kannan & Tan, 2003; Ugala & Eggert, 2006; Bruno et al., 2012).
Thực nghiệm trong trong hành vi lựa chọn nhà cung cấp từ MCDM rất đa dạng và ứng dụng linh hoạt (Mardani et al., 2015). Cebi & Bayraktar (2003) nghiên cứu chọn tiêu chí vô hình và hữu hình đối với nhà cung cấp, Kokangul & Susuz (2009) dùng mô hình xác định lựa chọn nhà cung cấp dựa trên chi phí mua và tối ưu giá trị, Ha & Krishnan (2008) đưa ra tiêu chí chọn nhà cung cấp dựa trên bộ tiêu chí nguồn cung (giá, chất lượng, giao hàng). Tương tự, Kang & Lee (2010) ứng dụng trong đánh giá nhà cung cấp bằng nhóm tiêu chí định tính và định lượng, Bruno et al., (2016) đưa ra tiêu chí chọn nhà cung cấp thông qua đánh giá, đối chiếu nhiều mô hình lý thuyết gồm 4 tiêu chí; quy trình và chất lượng sản phẩm, mức độ dịch vụ, quản trị và đổi mới sáng tạo, vị trí tài chính nhà cung cấp. Ho, Feng, Lee & Yen (2012) đưa ra 14 tiêu chí chọn nhà cung cấp, DeBoer, Labro & Morlacchi (2001) đưa ra các tiêu chí như; chất lượng, năng lực giao hàng và giá cả, danh tiếng, cam kết dịch vụ xoay quanh khách hàng (Luthra et al., 2017). Kannan & Tan (2003) đưa ra lựa chọn nhà cung cấp dựa trên đánh giá nhà cung cấp thông qua xem xét dựa trên lợi ích bên mua muốn (ví dụ như bên mua xem xét chất lượng sản phẩm, giá thấp nhất, thời gian giao hàng ngắn nhất, điều kiện mua hàng) và tiêu chuẩn (DeBoer, Labro & Morlacchi, 2001; Luthra et al., 2017; Ho et al., 2010).
Sử dụng lý thuyết MCDM trong luận án này nhằm phục vụ cho cơ sở khoa học của mục tiêu nghiên cứu. Theo đó, lý thuyết này áp dụng cho cả hành vi cá nhân khi quyết định lựa chọn với nhiều tiêu chí được đưa ra đánh giá, mô hình nghiên cứu hướng đến mục tiêu chính là xem xét tập hợp các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp trong bối cảnh hành vi mua. Thứ nữa là thực nghiệm trong lĩnh vực nhà ở, doanh nghiệp được chọn là nhà cung cấp nhà ở và người mua phải thông qua nhiều tiêu chí xem xét để ra quyết định. Người mua hàng nhà và nhà cung cấp có mối quan hệ kinh tế, người mua sẽ xem những tiêu chí chọn nhà cung cấp có thể liên quan đến tiêu chí như; chất lượng, năng lực, giá cả, danh tiếng, cam kết dịch vụ, quản lý, rủi ro và các tiêu chí liên quan khác.
Theo Huỳnh Phước Nghĩa
Link: Tại đây
