Khái niệm và đặc điểm của hoạt động xét xử
3.1.1. Khái niệm và đặc điểm của hoạt động xét xử
Hoạt động xét xử của Tòa án có liên hệ mật thiết với quyền tư pháp.
Trước hết, xét xử theo giải thích thuật ngữ pháp lý, có nghĩa là “hoạt động của Tòa án tại phiên tòa để xem xét các chứng cứ và căn cứ vào pháp luật, xử lý vụ án bằng việc ra bản án và các quyết định của Tòa án” [77]. Việc phân xử các cáo buộc, tranh chấp là một trong những phương thức thực hiện quyền lực nhà nước đã tồn tại từ xa xưa, khi mà Tòa án chưa được tổ chức thành một hệ thống và chưa trở thành một lĩnh vực hoạt động độc lập trong bộ máy nhà nước. Ngày nay, trên cơ sở học thuyết phân chia quyền lực nhà nước, hoạt động xét xử là hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, tách ra khỏi hai nhánh quyền lập pháp và hành pháp trong hoạt động quyền lực nhà nước. Hoạt động xét xử của Tòa án gắn với quyền tư pháp, như Hiến pháp Hoa Kỳ quy định: “Quyền lực tư pháp của Hợp chủng quốc sẽ được trao cho Tòa án tối cao và những Tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp”, “quyền lực tư pháp theo bản Hiến pháp này sẽ có hiệu lực đối với tất cả các vụ việc trên phương diện luật pháp và công lý” [28,tr.559].
Tư pháp, theo nghĩa Hán-Việt được hiểu là “trông coi, bảo vệ pháp luật; là “pháp đình y theo pháp luật mà xét định các việc ở trong phạm vi pháp luật” [25]. Hiểu theo nghĩa này, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng quyền tư pháp là hoạt động bảo vệ pháp luật do các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thực hiện [80,tr.14]. Ở góc độ khác, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, tư pháp được dịch từ với thuật ngữ tiếng Anh - “justice”, ngoài nghĩa là xét xử; còn có nghĩa là lý tưởng cao đẹp về một nền công lý, ở đó mọi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh, mọi tranh chấp trong xã hội được giải quyết hợp với lẽ phải và sự công bằng, các quyền tự do, dân chủ cơ bản của con người được đảm bảo, lòng tin của nhân dân vào pháp luật được duy trì [84,tr.4]. Chẳng hạn: “Quyền tư pháp không chỉ thực hiện chức năng không thể thiếu của quyền lực nhà nước - chức năng bảo vệ pháp luật mà còn thực thi chức năng xã hội thiêng liêng là bảo vệ, duy trì công lý, công bằng xã hội” [52,tr.22].
Trong thực tiễn thực hiện quyền lực nhà nước hiện đại, có thể thấy, quyền lập hiến, lập pháp là quyền làm Hiến pháp, làm luật để thể chế hóa nhu cầu xã hội thành quy tắc chung; quyền hành pháp là quyền hoạch định chính sách, tổ chức thực thi chính sách, hay gọi là tắt là quyền hành chính. Như đã trình bày tại phần trước, việc thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp thường xảy ra những vấn đề tranh cãi pháp lý cụ thể cần phải được giải quyết một cách thận trọng, thấu đáo, thuyết phục. Do đó, quyền tư pháp khi thực hiện việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ trật tự hiến pháp, tất yếu phải hướng tới việc bảo vệ công lý, tức là làm nổi bật, sáng tỏ, gìn giữ “những lẽ chung đúng đắn” - “những hạt nhân hợp lý” của thuộc tính xã hội trong pháp luật, thì mới có thể thuyết phục được xã hội đồng tình, chấm dứt mọi tranh cãi. Như GS.TSKH Lê Cảm đã nhận định: “ Vai trò của quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền chính là tác dụng của nhánh quyền lực nhà nước thứ ba (quyền xét xử) trong toàn bộ hoạt động của bộ máy công quyền nhằm thực hiện chức năng bảo vệ những giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung của nền văn minh thế giới tránh khỏi sự xâm hại của các vi phạm pháp luật, góp phần khẳng định sự thắng lợi của tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại (công bằng, nhân đạo, dân chủ và pháp chế), cũng như của chính nghĩa đối với tàn bạo, của công lý đối với bất công, của cái thiện đối với cái ác, hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh phòng và chống các vi phạm pháp luật” [48]. Hoặc như GS.TS Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó, con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể qua các sự kiện pháp lý cụ thể” [110,tr.16].
Như vậy có thể hiểu, hoạt động xét xử của Tòa án chính là hoạt động thực hiện quyền tư pháp - nhánh quyền lực có chức năng bảo vệ công lý; hay ngược lại, quyền tư pháp chính là hoạt động xét xử của Tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý. Như Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, “có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Luận giải một cách cụ thể, hoạt động xét xử của Tòa án là quá trình áp dụng pháp luật, diễn ra tập trung tại phiên tòa, được tiến hành theo một trình tự thủ tục tố tụng nhất định, để giải quyết các cáo buộc và tranh chấp pháp lý nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ trật tự hiến pháp và bảo vệ công lý.
Hoạt động xét xử của Tòa án (được gọi tắt là hoạt động xét xử, xét xử) có các đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hoạt động xét xử là hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết các cáo buộc và tranh chấp pháp lý nhằm bảo vệ pháp luật và bảo vệ trật tự hiến pháp.
Bảo vệ pháp luật là hoạt động áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể vi phạm pháp luật, xác định các quyền và nghĩa vụ của các bên. Bảo vệ trật tự hiến pháp là hoạt động vô hiệu hóa những QPPL trái với Hiến pháp, trái với trật tự thứ bậc hiệu lực pháp luật trong quá trình giải quyết các cáo buộc và tranh chấp pháp lý. Các hoạt động này được tiến hành trên cơ sở pháp luật và trật tự hiến pháp, không thể vượt quá giới hạn, phạm vi của pháp luật và trật tự hiến pháp.
Thứ hai, hoạt động xét xử còn nhằm mục đích bảo vệ công lý. Bảo vệ công lý là hoạt động làm nổi bật, sáng tỏ, gìn giữ “những lẽ chung đúng đắn” - “hạt nhân hợp lý” của thuộc tính xã hội trong pháp luật, để các phán quyết của Tòa án có sức thuyết phục, kết thúc được các vụ việc tranh cãi pháp lý, qua đó góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, ổn định trật tự xã hội (sẽ được trình bày kỹ ở phần sau).
Thứ ba, hoạt động xét xử được thực hiện tập trung tại phiên tòa, với sự bình đẳng của các bên trước Tòa án; do chủ thể xét xử tiến hành theo một trình tự thủ tục tố tụng nhất định, xem xét đánh giá chứng cứ, lựa chọn QPPL… và từ đó nhân danh nhà nước và pháp luật phán quyết giải quyết các cáo buộc và tranh chấp pháp lý. Theo nhu cầu phát triển của xã hội và theo sự phân công, phối hợp trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, ngoài hoạt động xét xử tại phiên tòa, Tòa án còn thực hiện các hoạt động xét việc thông qua các phiên họp để giải quyết các yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động xét xử vẫn chiếm vị trí chủ yếu và là đặc trưng khi đề cập đến thực hiện quyền tư pháp của Tòa án.
Thứ tư, hoạt động xét xử không thể tách rời các hoạt động liên quan có tính chất tiền đề, kiểm sát, bổ trợ và thi hành án để đảm bảo cho phán quyết được ban hành hợp pháp và thực thi trên thực tế. Các hoạt động có tính chất tiền đề là hoạt động điều tra, truy tố; có tính chất kiểm sát là hoạt động kiểm sát; có tính chất bổ trợ là hoạt động bào chữa, bảo vệ, công chứng, giám định; có tính chất hành chính là hoạt động thi hành án. Theo góc độ này, các CQĐT, Công tố sẽ được xem là cơ quan tiền tư pháp; Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát tư pháp; tổ chức luật sư, công chứng, giám định sẽ là cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp và Thi hành án sẽ là cơ quan hành chính tư pháp. Chỉ có duy nhất Tòa án mới được gọi là cơ quan tư pháp, còn các cơ quan, tổ chức khác (CQĐT, Viện kiểm sát, Thi hành án, tổ chức luật sư…) được xem là các cơ quan, tổ chức thuộc về hệ thống tư pháp. (Cách quan niệm này cũng tương tự như quan niệm về hệ thống chính trị, chỉ có Đảng Cộng sản là tổ chức chính trị, còn Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác… là thuộc về hệ thống chính trị).
Theo Trần Trí Dũng
Link: Tại đây