ĐỀ XUẤT CÓ BIỆN PHÁP HỮU HIỆU BẢO VỆ NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG BỊ LỢI DỤNG TÊN TUỔI ĐỂ GẮN VÀO QUẢNG CÁO SẢN PHẨM HÀNG HÓA
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tới đây. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, nhiều đại biểu, nhà quản lý đề xuất là cần lưu ý hơn và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng là người của công chúng, có chức danh, địa vị trong xã hội bị lợi dụng tên tuổi để gắn vào quảng cáo sản phẩm hàng hóa.
DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4
Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Phiên họp toàn thể lần thứ 4 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây là cần lưu ý hơn và có biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng là người của công chúng, có chức danh, địa vị trong xã hội bị lợi dụng tên tuổi để gắn vào quảng cáo sản phẩm hàng hóa.
Cho rằng hiện nay, người tiêu dùng không chỉ giao dịch trực tiếp mà còn mua bán hàng hóa, giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, bên cạnh những thuận lợi do giao dịch trên mạng lại thì người tiêu dùng cũng đang đối mặt với những rủi ro. Đó là người tiêu dùng có thể bị bán hàng không đảm bảo chất lượng, bị lợi dụng tên tuổi để gắn vào quảng cáo sản phẩm hàng hóa… Thực tế là trong thời gian qua đã có một số vụ việc người của công chúng, có địa vị uy tín trong xã hội bị lợi dụng cắt ghép hình ảnh vào quảng cáo thuốc tây, mỹ phẩm, hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó đối với công chúng trong xã hội.
Với những lý do nêu trên, ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần xem xét kỹ đối với những vấn đề trên để có những quy định chặt chẽ hơn đến bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng tới công chúng.
Nêu quan điểm về vấn đề trên trên, đại biểu Lê Thị Nguyệt – Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, trong dự án Luật cần quy định bảo vệ tên tuổi, thông tin của người tiêu dùng có chức danh, địa vị hay là người của công chúng như thế nào. Ngoài ra, cần có thêm sự đánh giá tác động đối với giao dịch điện tử đối có sự thay đổi với người dân ra sao. Liệu hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin đã đáp ứng được đồng bộ về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng chưa?
Đồng thuận với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Lan-Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, ban soạn thảo dự án Luật cần đề cập quy định rõ hơn về bảo vệ thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi giao dịch, mua bán hàng hóa. ngoài ra, việc bảo vệ người tiêu dùng không chỉ là cá nhân mà còn cần quan tâm đến đối tượng là các tổ chức, nhóm người tham gia mua bán sản phẩm, hàng hóa thông qua giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng…
Cho ý kiến tổng quan về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022. Qua những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, cơ quan liên quan, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo thẩm tra, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp, cũng như ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trong thời gian tới./.