THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN THỰC PHẨM
THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN THỰC PHẨM
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP chính là giấy phép kinh doanh ngành nghề có điều kiện (giấy phép con) đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm.
Vậy nên, thủ tục đăng ký chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện sau khi cơ sở sản xuất, kinh doanh đã hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp hoặc thành lập hộ kinh doanh.
Thủ tục cấp giấy vệ sinh an toàn thực phẩm gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin giấy vệ sinh an toàn thực phẩm
Bộ hồ sơ xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm bao gồm:
- Bản sao y chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Đơn xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm;
- Bản thuyết minh về trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện VSATTP theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Giấy xác nhận chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện về sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất được cấp bởi cơ sở y tế cấp huyện trở lên.
Bước 2: Nộp hồ sơ xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm
Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ theo hướng dẫn bên trên, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiến hành nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng với loại hình kinh doanh cụ thể của đơn vị.
➨ Nộp hồ sơ về Bộ Y tế
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh các thực phẩm như yến sào, nhân sâm, linh chi, đông trùng hạ thảo…;
- Cơ sở chế biến các thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, các chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh sách các chất phụ gia được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm được quy định bởi Bộ Y tế.
➨ Nộp hồ sơ về Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Sở Y tế
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán cà phê, quán ăn…;
- Cơ sở kinh doanh khách sạn;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá;
- Cơ sở chế biến các thực phẩm nhập khẩu;
- Bếp ăn tập thể (nếu cơ sở có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm).
➨ Nộp hồ sơ về Bộ Công thương
- Cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có quy mô lớn như:
- Cơ sở sản xuất rượu: Từ 3 triệu lít/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất bia: Từ 50 triệu lít/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất nước giải khát: Từ 20 triệu lít/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất sữa chế biến: Từ 20 triệu lít/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất dầu thực vật: Từ 50 ngàn tấn/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất bánh kẹo: Từ 20 ngàn tấn/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất bột và tinh bột: Từ 100 ngàn tấn/năm trở lên.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao bì dùng đóng gói chuyên dụng chỉ sử dụng cho các sản phẩm thực phẩm kể trên.
➨ Nộp hồ sơ về Sở Công thương
- Cơ sở sản xuất thực phẩm có quy mô vừa và nhỏ như:
- Cơ sở sản xuất rượu: Dưới 3 triệu lít/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất bia: Dưới 50 triệu lít/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất nước giải khát: Dưới 20 triệu lít/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất sữa chế biến: Dưới 20 triệu lít/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất dầu thực vật: Dưới 50 ngàn tấn/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất bánh kẹo: Dưới 20 ngàn tấn/năm trở lên;
- Cơ sở sản xuất bột và tinh bột: Dưới 100 ngàn tấn/năm trở lên.
- Cơ sở kinh doanh thực phẩm với nhiều loại sản phẩm như: cửa hàng tiện lợi, siêu thị…;
- Cơ sở sản xuất các chất phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ để chế biến thực phẩm;
- Cơ sở kinh doanh thực phẩm của thương nhân, đại lý bán buôn trên địa bàn 1 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ sở bán lẻ thực phẩm tại tỉnh, thành phố đó.
➨ Nộp hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản:
- Cơ sở kinh doanh rau, củ, quả;
- Cơ sở sản xuất cà phê;
- Cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh chè;
- Chợ đầu mối, đấu giá nông sản;
- Cơ sở sản xuất muối.
Lưu ý:
Đối với trường hợp cấp giấy phép VSATTP thuộc thẩm quyền của cả Bộ Công thương và Sở Công thương, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan thụ lý hồ sơ và cấp giấy chứng nhận cho cơ sở.
Bước 3. Nhận kết quả
Sau khi nhận đủ bộ hồ sơ hợp lệ từ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong vòng 15 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở và trả kết quả về đề nghị cấp giấy phép VSATTP:
- Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (cơ sở đạt điều kiện VSATTP);
- Từ chối cấp giấy phép an toàn thực phẩm và gửi văn bản nêu rõ lý do (cơ sở chưa đạt điều kiện VSATTP).
Lưu ý:
Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực sử dụng là 3 năm. Trường hợp cơ sở vẫn muốn tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm sau khi giấy phép hết hạn thì phải thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm trước ngày hết hạn tối thiểu 6 tháng.
Câu hỏi:
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm?
Có 3 cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là:
- Bộ Y tế;
- Bộ Công thương;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tùy vào lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của cơ sở kinh doanh mà cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ khác nhau
2. Giấy vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị thu hồi vì những trường hợp nào?
Giấy an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ bị thu hồi nếu thuộc 1 trong 4 trường hợp sau:
- Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vệ sinh thực phẩm;
- Cho thuê, mượn giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm;
- Tự ý sửa đổi nội dung của giấy an toàn thực phẩm;
- Cơ sở đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh.