KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ CÁC LOẠI HÒA GIẢI TRỰC TUYẾN
2.1. Khái niệm, đặc điểm và các loại hòa giải trực tuyến
2.1.1. Khái niệm về hòa giải và hòa giải trực tuyến
2.1.1.1. Khái niệm về hòa giải
Trong nhiều thế kỷ, Hòa giải đã được sử dụng như một hình thức GQTC. Trong xã hội phương Tây hiện đại, nó thường được mô phỏng như một hình thức GQTC “thay thế” (Alternative Dispute Resolution - ADR), là một nét đặc trưng nổi bật của xu hướng này đang được áp dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong luật pháp của nhiều quốc gia cũng như trong các điều ước quốc tế, Hòa giải được chính thức công nhận là một phương thức, một công cụ để GQTC, thể hiện bằng việc thiết lập các quy tắc Hòa giải như Quy tắc Hòa giải mẫu (về Hòa giải thương mại quốc tế) của UNCITRAL 2002, quy trình Hòa giải không bắt buộc của Phòng Thương mại quốc tế tại London, Hoa Kỳ và Australia đã thiết lập chế định GQTC thay thế dưới hình thức Hòa giải (conciliation) hoặc trung gian Hòa giải (mediation), và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, Hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó” (Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020). Theo Công ước Liên Hợp Quốc về các thỏa thuận GQTC quốc tế thông qua hòa giải thì hòa giải là một quá trình, không phụ thuộc vào thuật ngữ được sử dụng hoặc cơ sở mà quá trình này được thực hiện, theo đó các bên nỗ lực GQTC một cách ôn hòa với sự trợ giúp của một hoặc một số người thứ ba (hòa giải viên) không có thẩm quyền áp đặt một giái pháp cho các bên tranh chấp (Điều 1.3, Phần 1, Phụ lục II, Luật Mẫu UNCITRAL về Hòa giải Thương mại Quốc tế và Thỏa thuận Hòa giải Quốc tế, 2018 (sửa đổi Luật mẫu UNCITRAL về Hòa giải Thương mại Quốc tế, 2002).
Có nhiều khái niệm về hòa giải và cũng chưa có sự thống nhất trong các khái niệm đưa ra về hòa giải. Quan điểm thứ nhất định nghĩa Hòa giải là sự can thiệp, sự làm trung gian Hòa giải; hành vi của người thứ ba làm trung gian giữa hai bên tranh chấp nhằm thuyết phục họ dàn xếp hoặc GQTC giữa họ. Việc GQTC thông qua người trung gian Hòa giải (bên trung lập) . Tương tự, theo L.Mulcahy, Hòa giải là “việc GQTC giữa hai bên thông qua sự can thiệp của bên thứ ba, hoạt động một cách trung lập và khuyến khích các bên xóa bớt sự khác biệt”. Từ các quan điểm trên, Hòa giải được định nghĩa là một phương thức GQTC với sự giúp đỡ từ bên thứ ba trung lập, các bên tranh chấp được tự nguyện thỏa thuận GQTC phù hợp với quy định của pháp luật, truyền thống đạo đức xã hội, nhưng đồng thời, ở một quan điểm khác, bên thứ ba cũng có quyền đưa ra quyết định cuối cùng của quá trình Hòa giải.
Từ điển pháp lý của Rothenberg định nghĩa Hòa giải là “hành vi thỏa hiệp giữa các bên sau khi có tranh chấp, mỗi bên nhượng bộ một ít”. Định nghĩa này đã nêu được bản chất của Hòa giải, nhưng lại chưa nêu được hành vi cụ thể của bên thứ ba như khái niệm đã đề cập ở trên. Trong khi đó, theo định nghĩa của từ điển Black’s Law, Hòa giải được hiểu là “sự can thiệp, sự làm trung gian hòa giải; hành vi của người thứ ba làm trung gian giữa hai bên tranh chấp nhằm thuyết phục họ dàn xếp hoặc giải quyết tranh chấp giữa họ, việc giải quyết tranh chấp thông qua người trung gian hòa giải (bên trung lập)”.
Bên cạnh đó, định nghĩa về Hòa giải cũng được các nhà nghiên cứu, học giả trình bày tường minh và chi tiết trong những công trình nghiên cứu của mình. Theo Gergely L.Szoke, “Hòa giải là một phương thức GQTC mà ở đó hai hay nhiều bên tranh chấp đề nghị một hay nhiều bên thứ ba hỗ trợ họ GQTC bằng một thỏa thuận tự nguyện. Hòa giải được xem là một phương thức GQTC thay thế khi không sử dụng phương thức kiện tụng tại Tòa án. Thỏa thuận cuối cùng là một hợp đồng và vì vậy nó không chịu ảnh hưởng của phán quyết có hiệu lực pháp luật. Tham gia quá trình Hòa giải không làm cản trở các bên đưa tranh chấp ra Tòa án, kể cả khi đã Hòa giải thành công” .
Theo Dafna Lavi thì “Hòa giải truyền thống nhìn chung là một quy trình mang tính chất tự nguyện cho phép các bên tranh chấp GQTC giữa họ với sự hỗ trợ của bên thứ ba trung lập là Hòa giải viên, người không được ủy quyền quyết định những vấn đề liên quan đến tranh chấp đó. Hòa giải viên sẽ đối thoại với các bên và cố gắng đưa ra một thỏa thuận đáp ứng được lợi ích của mỗi bên (thỏa thuận “win-win”), Trên thực tế, cốt lõi của quy trình là các bên thương lượng với nhau với sự hỗ trợ của Hòa giải viên để xác định những vấn đề còn bất đồng và sự quan tâm chính của họ, từ đó đưa ra các lựa chọn giải pháp và xem xét các phương án thay thế hiện có để đạt được một giải pháp làm hài lòng các bên”.
Như vậy, có thể hiểu Hòa giải được diễn ra dựa trên sự tham gia tự nguyện của các bên, trong đó một bên trung gian không có quyền hạn xét xử (Hòa giải viên), đối thoại với mục đích hỗ trợ, định hướng, giúp đỡ các bên trong tranh chấp đi đến một nhận thức chung. Hòa giải viên là người không có lợi ích cá nhân trong cuộc đàm phán, không có quyền áp đặt suy nghĩ, giải pháp của mình cho các bên; quyền quyết định về việc tranh chấp có được giải quyết hay không, giải quyết tại thời điểm nào, biện pháp tháo gỡ xung đột là gì hoàn toàn thuộc về các bên trong tranh chấp. Hòa giải không nhằm phân định ai đúng ai sai trên cơ sở các bằng chứng và quyền, nghĩa vụ pháp lý để ra phán quyết như trọng tài hay tòa án, Hòa giải viên cũng không đưa ra các giải pháp mà chỉ giúp các bên thương lượng tìm được lợi ích chung, hướng đến giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận và tự nguyện tuân thủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp giữa các bên, Các đặc điểm cốt lõi của việc Hòa giải là tính bảo mật của thủ tục và tính trung lập của bên thứ ba .
Ở đây, Hòa giải được nghiên cứu theo ý nghĩa tương ứng với từ Mediation là Hòa giải trung gian. Do đó, cần phân biệt Hòa giải với các phương thức GQTC khác, điển hình là trọng tài, thủ tục giám sát viên, Hòa giải (conciliation) và đàm phán có cấu trúc (structured negotiation). Để phân biệt các phương thức GQTC trên với Hòa giải, trước tiên dựa vào các đặc điểm đặc trưng của Hòa giải: bản chất tự nguyện và linh hoạt, Hòa giải viên không có thẩm quyền xét xử và quyền được tự quyết của các bên. Trong khi đó, trọng tài viên và giám sát viên có thẩm quyền ban hành (ít nhất là một phần) các quyết định ràng buộc, còn trong Hòa giải, như đã được định nghĩa ở trên, quyết định về việc GQTC phụ thuộc vào các bên, và Hòa giải viên không có quyền quyết định tranh chấp có được giải quyết hay không và cách GQTC ấy như thế nào. Bên cạnh đó, Hòa giải viên (conciliator) là người có ảnh hưởng lớn hơn đến kết quả của việc GQTC so với Hòa giải viên trung gian (mediator), ví dụ, Hòa giải viên (conciliator) có quyền công bố quyết định của việc Hòa giải (không ràng buộc), còn Hòa giải viên (mediator) trao mọi quyền cho các bên để các bên có toàn quyền quyết định về việc GQTC.
Tại Việt Nam mặc dù không có khái niệm về hòa giải nói chung nhưng pháp luật Việt Nam tiếp cận hòa giải dưới 3 góc độ đó là hòa giải cơ sở, hòa giải tại tòa án và hòa giải thương mại. Dưới góc độ thương mại thì hòa giải được hiểu là phương thức GQTC thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ GQTC theo quy định của Nghị định này. (Điều 3.1 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).
2.1.1.2. Khái niệm về hòa giải trực tuyến
Khái niệm hòa giải được qui định tại các văn bản pháp luật ở quốc gia và quốc tế nhưng chưa có văn bản pháp luật nào qui định về HGTT. Khái niệm HGTT chủ yếu được đưa ra dựa trên quan điểm của các nhà nghiên cứu.
Theo Lawson thì “HGTT” là hình thức hoà giải mà hai bên hoà giải sử dụng các phương tiện điện tử như email, tin nhắn trực tuyến, gọi điện thời gian trực tuyến hoặc gọi hội thảo video trực tuyến thay vì sử dụng các phương thức liên lạc thông thường như gặp mặt trực tiếp hay sử dụng điện thoại liên lạc. Trong khi đó, Ethan Katsh và Janet Rifkin nhận định HGTT là một phần của GQTC trực tuyến, nó là quá trình tự nguyện mà ở đó tranh chấp giữa các bên được tạo điều kiện giải quyết bằng một bên thứ ba, bên hòa giải (mediator) nhằm tìm tới một thỏa thuận chung.
Đến năm 2017, tác giả Dorcas Quek Anderson khi nghiên cứu về hòa giải tại Singapore đã cho rằng hòa giải được hiểu nghĩa rộng đó là bao gồm cả hòa giải thực hiện trực tuyến thông qua phương tiện điện tử, do đó Đạo Luật Hòa giải của Singapore có thể tiềm năng áp dụng cho cả quá trình GQTC bằng trực tuyến bao gồm sự tham gia của bên thứ ba tạo điều kiện để giải quyết.
Theo Gergely L. Snzoke, HGTT của thể được hiểu là quá trình Hòa giải mà áp dụng công nghệ thông tin và đối thoại từ xa cho một phần hoặc toàn bộ quá trình. Vậy nên, HGTT vừa là một dạng đặc biệt của phương thức Hòa giải; vừa là một hình thức của phương thức GQTC trực tuyến.
Tóm lại, HGTT được hiểu là việc sử dụng các dạng thức trực tuyến như đã đề cập ở trên vào một phần hay toàn bộ quá trình Hòa giải. Và việc thêm các yếu tố công nghệ thông tin vào quá trình Hòa giải khiến nó có tính trực tuyến không làm ảnh hưởng đến bản chất của Hòa giải. Có chăng, vấn đề ở đây là phương thức giao tiếp giữa các bên đàm phán, giữa các bên trung gian với các bên còn lại.
2.1.2. Lịch sử hình thành hòa giải trực tuyến
Nguồn gốc ra đời của HGTT gắn liên với sự ra đời của phương thức GQTC trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR), có thể truy nguyên từ đầu những năm 1990, là khoảng thời gian Internet phát triển và bùng nổ mạnh mẽ. Đây là thời kỳ thay đổi đáng kể trong môi trường trực tuyến với World Wide Web được phát minh vào năm 1989, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISPs) và các trình duyệt đồ họa đầu tiên cũng xuất hiện vài năm sau đó. Netscape, Netscape Communications là công ty dịch vụ máy tính của Mỹ, sản phẩm được biết đến nhiều nhất là trình duyệt web, trình duyệt thân thiện với người dùng phổ biến nhất lúc đó, cùng với sự tăng lên của người dùng trực tuyến do việc truy cập Internet trở nên dễ dàng hơn vì người ta phát hiện ra rằng việc giao tiếp cũng như có được lượng thông tin trực tuyến lớn là tương đối dễ dàng khi có sự xuất hiện của những ứng dụng cũng như trình duyệt này.
Theo: Hà Công Anh Bảo
Link luận án: Tại đây