CÁC NGUYÊN TẮC CỦA GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI BẰNG HÒA GIẢI TRỰC TUYẾN
2.1.1. Các nguyên tắc của giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải trực tuyến
HGTT là một quy trình tích hợp giữa yếu tố con người và yếu tố công nghệ. Để bảo đảm cho quy trình HGTT được thực hiện một cách đúng luật, minh bạch, hiệu quả và nhanh chóng thì các cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình HGTT và các yếu tố trực tuyến được sử dụng luôn phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Có thể chia những nguyên tắc của HGTT thành hai nhóm dựa vào bản chất của HGTT đó là nguyên tắc của quá trình ADR và nguyên tắc ứng dụng hình thức trực tuyến.
Trước nhất, quá trình HGTT cần duy trì và đảm bảo những nguyên tắc của Hòa giải truyền thống mà quan trọng là nguyên tắc tự nguyện, trung lập, bình đẳng, tự định đoạt và chung thẩm. Đây được xem là nguyên tắc nền tảng cho quá trình GQTC bằng phương thức Hòa giải, nên quá trình Hòa giải dù có được diễn ra dưới hình thức, cơ chế nào thì những nguyên tắc nguồn cội này vẫn cần được chú trọng.
- Nguyên tắc tự nguyện: Nguyên tắc này được đánh giá là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự thành công của một vụ Hòa giải. Tự nguyện được biểu hiện việc các bên không bị ép buộc tham gia Hòa giải (các bên sẵn sàng tham gia thảo luận không có sự bắt buộc); tiến trình Hòa giải nên được các bên cùng tham gia kiểm soát ở mọi thời điểm; và kết quả Hòa giải nên được nhất trí đồng thuận. Khi các bên đã đồng ý thảo luận thì Hòa giải không phải là nhằm mục đích buộc các bên phải đi đến một thỏa hiệp cuối cùng. Các bên có quyền quyết định cuối cùng về việc tranh chấp có được giải quyết bằng một thỏa thuận hoà giải thành hay không. Nguyên tắc này loại trừ tất cả các hình thức cưỡng ép.
Tuy nhiên, bên liên quan tới quá trình Hòa giải không phải luôn tán thành nhu cầu bắt đầu quá trình Hòa giải. Vì vậy, nếu chính quyền của một số quốc gia đưa ra những qui định bắt buộc phải thực hiện hòa giải theo các trình tự được đưa ra, liệu có thể xem điều này là xâm phạm thủ tục Hòa giải và nguyên tắc tự nguyện hay không? Ở đây, tưởng chừng như là một sự vi phạm nguyên tắc tự nguyện khi mà những người đang ở trong mâu thuẫn thường có những cảm xúc tiêu cực đối với bên kia, và không thể có những phản hồi mang tính xây dựng nhưng chính vì những qui định bắt buộc như vậy sẽ giúp cho các bên bước vào một quá trình GQTC mang tính thân thiện như hòa giải. Ngoài ra, nguyên tắc tự nguyện vẫn đúng khi sự tự nguyện của các bên được thể hiện thông qua thái độ hợp tác hay không trong quá trình hòa giải. Nguyên tắc tự nguyện không chỉ được áp dụng đối với các bên mà còn đối với cả Hòa giải viên bởi thái độ, tâm lý và cách tiếp cận sẽ đảm bảo quá trình Hòa giải thành công. Sự tự nguyện là nguyên tắc cơ bản của Hòa giải, bởi không có sự tự nguyện thì quá trình sau này của thỏa thuận GQTC sẽ không thể thực hiện được. Việc đồng ý Hòa giải ban đầu của các bên sẽ giúp tranh chấp có khả năng được giải quyết một cách tự nguyện mà không có sự can thiệp của nhà cầm quyền và những thủ tục bắt buộc.
- Nguyên tắc trung lập: đây là nguyên tắc Hòa giải viên buộc phải tuân thủ, hay nói cách khác, nguyên tắc trung lập dường như được tạo lập để Hòa giải viên thực hiện đúng trách nhiệm và chức năng của mình. Việc tiến hành Hòa giải một cách công bằng là nghĩa vụ của Hòa giải viên. Hòa giải viên phải luôn đối xử hoàn toàn công bằng với các bên, làm như vậy sẽ xem xét được cụ thể tình huống tranh chấp. Mặc dù vậy, sẽ có 2 yếu tố của quá trình Hòa giải có thể dẫn đến sự thiên vị của Hòa giải viên: Thứ nhất là những cuộc đối thoại giữa một bên và Hòa giải viên không (thường thì sẽ không thực hiện) được biết đến bởi bên còn lại; Thứ hai, hệ thống Hòa giải không thể loại bỏ thực tế là Hòa giải viên có thể có thành kiến cá nhân không được bộc lộ đối với một Bên và ngược lại, ưu ái bên còn lại hơn từ đó sẽ dễ tạo ra việc ủng hộ một bên trong quá trình Hòa giải.
- Nguyên tắc bình đẳng: Nguyên tắc này bao gồm sự bình đẳng về địa vị pháp lý, và cơ hội tham gia Hòa giải của các bên. Điều này không được ưu tiên hay bị giới hạn bởi chủng tộc, màu da, thể chế chính trị, tôn giáo, giới tính, tài sản và ngôn ngữ. Lưu ý rằng những nguyên tắc này cần được áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức. Các bên tham gia quá trình Hòa giải có quyền ngang nhau.
- Nguyên tắc tự định đoạt: Nguyên tắc này đảm bảo quyền lợi của các bên trong việc nhận diện và bảo vệ quyền và lợi ích theo sự định đoạt của họ, sử dụng cách thức tố tụng và biện pháp bảo vệ được luật quy định. Sự tự chủ về ý chí là yếu tố chính của nguyên tắc tự định đoạt. Tự chủ ý chí được biểu hiện qua việc lựa chọn cách thức, điều kiện, hình thức,... của việc GQTC. Nguyên tắc tự định đoạt phụ thuộc vào sự hợp tác của các Bên, và nó là điểm nhấn của Hòa giải, vì các bên phải cùng tích cực tìm ra giải pháp và sự đồng thuận chung. Hòa giải viên tham gia GQTC với vai trò trung lập, Hòa giải viên không đề ra giải pháp cho vấn đề mà chỉ giúp các bên thương lượng và tự tìm ra thỏa thuận chung.
- Nguyên tắc chung thẩm: Nguyên tắc này được đưa ra để đảm bảo thỏa thuận Hòa giải sẽ có giá trị ràng buộc và thi hành bởi các bên trong tranh chấp. Mặc dù kết quả của quá trình Hòa giải không có giá trị ràng buộc pháp lý cao như một bản án của Tòa hay như một phán quyết của Trọng tài, song việc các bên tham gia quá trình Hòa giải nên hiểu và tuân thủ nguyên tắc chung thẩm sẽ giúp kết quả Hòa giải có ý nghĩa thực tế. Bất kỳ thảo thuận Hòa giải chính thức nào, dù là toàn bộ hay một phần thỏa thuận, cũng cần được hợp pháp hóa một cách nhanh chóng.
Bên cạnh những nguyên tắc đã đề cập ở trên, với sự tham gia của dạng thức trực tuyến sẽ làm cho một số nguyên tắc của hòa giải trở nên đặc thù khi áp dụng vào HGTT. Các nguyên tắc được liệt kê sau đây có vai trò quan trọng tương đương và được coi là một khuôn khổ đan xen và phụ thuộc lẫn nhau.
- Nguyên tắc đạo đức: Việc việc can thiệp của CNTT và áp dụng nhanh chóng các hệ thống HGTT đặt ra một yêu cầu bức thiết phải thiết lập và đảm bảo duy trì các nguyên tắc đạo đức. Các nguyên tắc đạo đức cho HGTT được thiết kế để nâng cao chất lượng, hiệu quả và phạm vi của các quy trình GQTC với các yếu tố công nghệ. Được kết hợp với nhau, chúng có thể cung cấp một nền tảng cho các thực tiễn, tiêu chuẩn, quy tắc, trình độ và nỗ lực chứng nhận tốt nhất trong GQTC và các lĩnh vực liên quan giải quyết các quy trình và thực tiễn GQTC.
- Nguyên tắc tiếp cận: Khả năng tiếp cận, việc thiết kế và thực hiện quy trình HTTT không chỉ tính đến phạm vi, số lượng người có thể tham gia mà còn cần tính toán đến sự khác biệt về văn hóa, khu vực pháp lý trên thực tế, cũng như những rào cản khác có thể cản trở sự tiếp cận quá trình HGTT và các quy trình công lý, cho dù chính thức hay không chính thức. Các hệ thống và quy trình HGTT tạo điều kiện thuận lợi và không giới hạn quyền đại diện cho các bên trong các quy trình GQTC [139].
- Nguyên tắc trao quyền: Hệ thống và quy trình HGTT được thiết kế và thực hiện theo cách tìm kiếm sự phát triển và thay đổi tích cực cho cá nhân, tập thể, các mối quan hệ xã hội, từ đó tăng khả năng tiếp cận công lý và tăng sự hiệu quả trong việc lựa chọn và ra quyết định.
- Nguyên tắc bảo mật: việc phát triển và triển khai các hệ thống, quy trình và người thực hành HGTT duy trì bảo mật theo tất cả các nghĩa vụ pháp lý và theo cách phù hợp, đặc biệt, với các nguyên tắc nghĩa vụ pháp lý, tham gia có hiểu biết, bảo mật và minh bạch. Tất cả các nỗ lực cần thiết và hợp lý phải được thực hiện để đảm bảo rằng dữ liệu và liên lạc giữa các bên và các thực thể khác liên kết với quy trình HGTT được bảo mật đến mức tối đa theo luật pháp.
- Nguyên tắc trung thực, các quy trình HGTT được thiết kế và thực hiện với mục đích dữ liệu được thu thập, quản lý và trình bày theo cách để đảm bảo dữ liệu không bị trình bày sai hoặc trình bày ngoài ngữ cảnh.
- Nguyên tắc hiểu biết: trong quá trình phát triển và triển khai các hệ thống và quy trình HGTT, nỗ lực tích cực được thực hiện để đảm bảo (1) công bố rõ ràng cho người tham gia về tất cả thông tin về rủi ro và lợi ích của quy trình, (2) năng lực của người tham gia để đánh giá thông tin về việc tham gia vào quy trình , (3) sự hiểu biết của những người tham gia thông tin, (4) bất cứ khi nào có thể, sự chấp nhận tự nguyện của những người tham gia về những rủi ro khi tham gia; và bất cứ khi nào sự đồng ý tự nguyện là không thể do tính chất bắt buộc của sự tham gia hơn là điều đó được minh bạch.
Theo: Hà Công Anh Bảo
Link luận án: Tại đây