PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI TRỰC TUYẾN
2.1. Pháp luật về hòa giải trực tuyến
2.1.1. Khái niệm pháp luật về hòa giải trực tuyến
Pháp luật là những qui tắc điều chỉnh hành vi của con người, do nhà nước ban hành và có tính cưỡng chế . Theo đó pháp luật chính là những chuẩn mực, những mô hình được xác lập xuất phát từ những nhu cầu khách quan của xã hội khi đã chín muồi, đã mang mang tính phổ biến, tính chấn lý cần phải thể chế hóa thành công lý. Sự phát triển của hòa giải nói chung và HGTT nói riêng trên thế giới và ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu GQTC trong hoạt động thương mại là cơ sở để nhà nước phải ban hành những qui định, qui tắc điều chỉnh cho mối quan hệ xã hội này.
Dựa trên các khái niệm về pháp luật và HGTT thì có thể hiểu pháp luật về HGTT là “tổng thể các qui phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận để điều chỉnh quan hệ hòa giải các tranh chấp xảy ra bằng phương tiện trực tuyến”.
Vấn đề đặt ra rằng có nên ban hành các quy định về HGTT hoặc có thể thực hiện được hay không khi ban hành, đã được nhiều chuyên gia thảo luận. Sarah Cole và Kristen Blankley cho rằng “Các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh hòa giải truyền thống cố gắng cân bằng bốn mục tiêu chung: công bằng, hiệu quả, chất lượng và tiếp cận. Trong phạm vi quy định về HGTT là cần thiết, các cơ quan quản lý về HGTT nên thêm vào danh sách đó: khả năng tiếp cận công nghệ, hiệu quả của quy trình so với hòa giải truyền thống và chất lượng của các dịch vụ hòa giải."
Trong khi đó thì Cole và Blankley cũng như Ebner cho rằng cần phải cẩn trọng khi ban hành các qui định về HGTT bởi vì trong môi trường internet thì các qui định này có thể bị thách thức, đồng thời họ đề nghị rằng các cơ quan quản lý ưu tiên một cách cẩn thận và hướng đến những lợi ích nhỏ chứ không phải quy định sâu rộng về lĩnh vực này.
2.1.2. Đặc điểm của pháp luật về hòa giải trực tuyến
Pháp luật về HGTT sẽ có những đặc điểm kết hợp giữa pháp luật về hòa giải và pháp luật về giao dịch điện tử, vì vậy nó sẽ có những đặc điểm như sau:
Thứ nhất, quá trình hình thành các qui phạm pháp luật HGTT được ra đời do sự phát triển của công nghệ thông tin và internet: hòa giải đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực từ hôn nhân gia đình, lao động, thương mại. Các qui phạm pháp luật về hòa giải cũng hình thành theo sự phát triển này, với sự điều chỉnh cho phù hợp đối với từng lĩnh vực. Tuy nhiên, HGTT chỉ thực sự được áp dụng khi internet ra đời, đã hỗ trợ cho con người có thể liên lạc thông qua môi trường trực tuyến, chính vì vậy nó đã tạo ra một cách thức hòa giải được triển khai trên nền tảng trực tuyến và để phát triển, triển khai cách thức này thì các qui phạm pháp luật điều chỉnh về giao dịch điện tử nói chung và các mối quan hệ pháp luật trong HGTT nói riêng đã được thiết lập.
Thứ hai, các qui định của HGTT phải dựa trên sự lựa chọn của các bên: Hòa giải là phương thức GQTC được lựa chọn vì vậy khi triển khai trong môi trường trực tuyến thì đặc điểm này vẫn không thay đổi. Quyền lựa chọn này thuộc các bên trước khi xảy ra tranh chấp cho đến khi đi đến được kết quả cuối cùng.
Thứ ba, các quan hệ tranh chấp được giải quyết bằng HGTT bao gồm cả trực tuyến và ngoại tuyến: mặc dù xuất phát từ nhu cầu giải quyết các tranh chấp thương mai điện tử là nguyên nhân dẫn đến HGTT ra đời, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ, HGTT không chỉ áp dụng giải quyết cho các tranh chấp trực tuyến mà còn ngoại tuyến. Do đó, các qui định về HGTT sẽ điều chỉnh theo hướng áp dụng để giải quyết các tranh chấp bao gồm trực tuyến và ngoại tuyến.
Thứ tư, các qui định về chủ thể tham gia HGTT sẽ đa dạng hơn: hòa giải là phương thức GQTC có sự xuất hiện của bên thứ ba, nhưng khi được triển khai trong môi trường trực tuyến thì sự xuất hiện của bên thứ tư là nhà cung cấp dịch vụ mạng và bên thứ năm là bên cung cấp công nghệ. Các qui phạm pháp luật điều chỉnh chủ thể của HGTT sẽ bao trùm lên tất cá các bên có tham gia vào quá trình GQTC này.
Thứ năm, qui định về HGTT phải tạo ra sự thân thiện, linh hoạt với các bên. Nến tảng của hòa giải là tạo ra không gian thân thiện, thoải mái để các bên tham gia tranh chấp có thể tiếp tục cùng nhau đi tìm tiếng nói chung, vì vậy những qui định về HGTT sẽ không bó buộc, tạo sự linh hoạt cho các bên tham gia.
Thứ sáu, qui định chặt chẽ về an ninh mạng, an toàn, bảo mật. Nguyên tắc bảo mật đã được qui định trong pháp luật hòa giải, khi triển khai trong môi trường trực tuyến, nguyên tắc này sẽ bị đe dọa xâm phạm từ các đối tượng là tin tặc đồng thời các thông tin được chuyển thành thông điệp dữ liệu hoặc thông tin chuyển tải bằng kỹ thuật tương tự (Analog) nên tất cả đều tiềm ẩn các rủi ro như: Sập hệ thống, trục trặc kỹ thuật, bị mất dữ liệu hoặc bị đánh cắp dữ liệu cho các mục đích khác, vì vậy các qui định về an ninh mạng, an toàn, bảo mật cần chú trọng trong pháp luật HGTT. Thực tiễn nguyên tắc bảo mật đã được ghi nhận tại pháp luật về hòa giải ở nhiều quốc gia, tại Điều 8 của Luật mẫu về hoà giải của Hoa Kỳ (The U.S. Uniform Mediation Act); Điều 7 Chỉ thị số 2008/52/EC của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu về hoà giải trong dân sự và thương mại (Directive 2008/52/EC of the European Parliament and of the Council of 21 May 2008 on certain aspects of mediation in civil and commercial matters); Điều 9 Luật mẫu UNCITRAL về hoà giải thương mại quốc tế năm 2002 (UNCITRAL Model Law on International Commercial Conciliation) và Điều 10 Luật mẫu UNCITRAL về hoà giải thương mại quốc tế và thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hoà giải năm 2018 (UNCITRAL Model Law on International Commercial Mediation and International Settlement Agreements Resulting from Mediation).
Các văn bản pháp luật trên quy định tính bảo mật trong hoà giải thương mại bao gồm hai khía cạnh: (i) cơ chế hoà giải thương mại phải bảo đảm bí mật thông tin vụ việc với những bên không tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp; (ii) hoà giải viên thương mại phải bảo đảm bí mật về quan điểm xử lý tranh chấp của mỗi bên mà không được tiết lộ cho bên kia. Trên cơ sở hai khía cạnh này, thông tin mà các bên cung cấp trong quá trình hoà giải không được sử dụng làm chứng cứ tại các thủ tục giải quyết tranh chấp khác. Điều này đặt ra cho các nhà làm luật khi qui định về HGTT phải có những qui định nhằm bảo mật cho các bên. Như vậy, so với trọng tài thương mại thì nguyên tắc bảo mật của hoà giải thương mại cần phải được quy định chặt chẽ hơn (về chủ thể có nghĩa vụ bảo mật, về phạm vi bảo mật và về các trường hợp ngoại lệ).
Theo: Hà Công Anh Bảo
Link luận án: Tại đây