Định hướng hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
4.1. Định hướng hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế chung của thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang tới nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức cho Việt Nam. Một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 chính là SHTT.
Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt nam hiện nay, SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng. Không chỉ là công cụ để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, SHTT còn là một trong những công cụ đắc lực để phát triển kinh tế đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT trong nền kinh tế tri thức, đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra một chính sách bảo hộ quyền SHTT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở Việt Nam cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này được thể hiện rõ trong chính sách bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, trong đó: “Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” [119, điều 8]. Khai thác thương mại quyền SHTT đã trở thành nhu cầu và xu hướng tất yếu không chỉ trên thế giới nói chung mà còn ở Việt Nam nói riêng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, cũng như mở rộng phạm vi kinh doanh ra khỏi phạm vi quốc gia, đòi hỏi các chủ thể phải tập trung tạo ra, sử dụng và khai thác thương mại đối với quyền SHTT. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay đang thiếu một hành lang pháp lý vững chắc để đảm bảo cho hoạt động khai thác thương mại quyền SHTT nói chung và góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT nói riêng, cũng như thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua hình thức đầu tư, góp vốn. Do đó, với mục tiêu phát triển hệ thống SHTT của Việt Nam một cách đồng bộ và hiệu quả ở tất cả các khâu, đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, lần đầu tiên ở Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030. Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra đó là “hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến giao dịch tài sản trí tuệ: góp vốn, giao dịch bảo đảm, định giá, kế toán, kiểm toán tài sản trí tuệ; ban hành cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng và các ưu đãi khác để thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước”. Hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT là yêu cầu tất yếu hiện nay để đảm bảo quyền hợp pháp của các chủ thể quyền SHTT, đảm bảo cho hoạt động khai thác thương mại quyền SHTT được thuận lợi và hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, đồng thời thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ để giúp Việt Nam nắm bắt kịp thời các cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT, tác giả đề xuất ba định hướng cơ bản sau: (i) Hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền quyền SHTT phải phù hợp với đặc trưng thương mại của quyền SHTT; hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh và chuyển hóa quyền SHTT thành vốn kinh doanh; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Doanh nghiệp, Luật SHTT và các lĩnh vực pháp luật có liên quan khác.
4.1.1. Hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ phải phù hợp với đặc trưng thương mại của quyền sở hữu trí tuệ
Pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT là một bộ phận của pháp luật về góp vốn thành lập công ty. Mặc dù quyền SHTT thuộc một trong các loại tài sản có thể dùng để góp vốn, tuy nhiên đây là một loại tài sản có sự khác biệt, đặc trưng riêng so với những loại tài sản khác. Đặc trưng của tài sản quyền SHTT thể hiện ở một số điểm sau:
(i) Quyền SHTT là loại tài sản mà cùng một thời điểm có thể có nhiều chủ thể cùng sử dụng tài sản này. Đây là đặc điểm rất riêng biệt của quyền SHTT mà ít loại tài sản nào có được. Bởi lẽ, đối với các tài sản thông thường khác, ở một thời điểm nhất định thường chỉ có một chủ thể có thể sử dụng tài sản. Tuy nhiên, việc sử dụng quyền SHTT của chủ thể này sẽ không loại trừ việc sử dụng của các chủ thể khác và cả những chủ thể không được cho phép nhưng theo luật định họ vẫn có quyền sử dụng.
(ii) Quyền SHTT là loại tài sản không xác lập quyền sở hữu vĩnh viễn cho chủ sở hữu mà thường chỉ xác lập trong một khoảng thời gian nhất định. Có nghĩa là, việc bảo vệ các quyền khác nhau theo luật quy định chỉ trong thời hạn nhất định, thời hạn bảo hộ có thể giống nhau hoặc có thể không giống nhau đối với mỗi quốc gia. Quyền SHTT chỉ là tài sản thuộc sở hữu của chủ sở hữu trong thời hạn bảo hộ. Khi đã hết thời hạn bảo hộ, thì tài sản này không còn thuộc về riêng chủ sở hữu mà bất kỳ một chủ thể nào đều có thể sử dụng tài sản này mà không bị coi là xâm phạm.
(iii) Quyền SHTT chỉ bảo hộ cho chủ thể trong giới hạn phạm vi không gian nhất đinh. Quyền SHTT chỉ bảo hộ trong phạm vi quốc gia cụ thể. Trong những trường hợp bình thường, quyền SHTT được cấp bởi một quốc gia chỉ được luật pháp bảo vệ trong lãnh thổ của quốc gia khi đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại quốc gia đó và tuân theo các trình tự, thủ tục luật định để xác lập quyền SHTTở quốc gia đó.
(iv) Quyền SHTT là loại tài sản không xác lập quyền sở hữu chắc chắn. Sở dĩ như vậy bởi vì, ngay cả khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ để xác nhận về tư cách chủ sở hữu đối với quyền SHTT thì quyền sở hữu đối với tài sản đó vẫn có thể bị chấm dứt trong trường hợp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực. Và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hay hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đó chính là tư cách chủ sở hữu chấm dứt và hoặc là bất kỳ chủ thể nào đều có quyền sử dụng quyền SHTT hoặc là tư cách chủ sở hữu quyền SHTT sẽ được xác lập cho một chủ thể khác với chủ thể ban đầu.
(v) Quyền SHTT được luật pháp quốc gia bảo vệ và có bản chất kép. Bản chất kép của quyền SHTT được thể hiện ở chỗ, không chỉ được bảo vệ dưới khía cạnh quyền dân sự mà quyền SHTT còn được bảo vệ ở khía cạnh thương mại là tài sản hợp pháp của các chủ thể. Khi khai thác thương mại tài sản SHTT, các chủ thể chỉ khai thác đối với các quyền được phép chuyển giao và không được ảnh hưởng đến các quyền của chủ thể khác đối với cùng một đối tượng SHTT. Các quyền SHTT khác gắn liền với đối tượng nhưng không mang tính chất là tài sản thì không được phép khai thác thương mại.
Xuất phát từ những đặc trưng nói trên của quyền SHTT mà việc hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Thứ nhất, phân định được tư cách các chủ thể của của quyền SHTT để từ đó xác định đúng chủ thể có quyền sử dụng quyền SHTT để góp vốn; đồng thời đảm bảo quyền góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT nhưng không được xung đột với quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền SHTT khác cũng như không ảnh hưởng đến quyền SHTT của các chủ thể khác đối với cùng một đối tượng. Bên cạnh đó, pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTTcòn phải đảm bảo hài hoà lợi ích của chủ thể quyền SHTT với lợi ích công cộng.
Thứ hai, cần có cơ chế kiểm soát được tính hợp pháp quyền SHTT góp vốn để đạt được mục đích của hoạt động góp vốn khi thành lập công ty. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng để đảm bảo cho hoạt động góp vốn nói riêng và thành lập công ty nói chung. Tính hợp pháp của quyền SHTT góp vốn thể hiện ở các khía cạnh: chủ thể góp vốn là chủ thể quyền hợp pháp, đối tượng góp vốn phù hợp và không bị hạn chế góp vốn, đối tượng góp vốn đáp ứng đủ các điều kiện bảo hô, đối tượng góp vốn không bị tranh chấp với chủ thể thứ ba, đối tượng góp vốn đang trong thời hạn bảo hộ, phạm vi góp vốn phù hợp với giới hạn khu vực bảo hộ của đối tượng góp vốn.
Thứ ba, dự liệu được các rủi ro phát sinh từ hoạt động góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT để có cơ chế đảm bảo phù hợp. Có bốn rủi ro pháp lý khi góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT có thể xảy ra bao gồm: rủi ro về tính hợp pháp (chủ thể, đối tượng góp vốn không hợp pháp), rủi ro về tính ổn định (văn bằng bảo hộ bị chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực hoặc tranh chấp của chủ thể thứ ba), rủi ro về tính kịp thời (quyền SHTTgần hết hoặc đã hết thời hạn bảo hộ), rủi ro về khu vực sử dụng quyền SHTT (sử dụng quyền SHTT ngoài phạm vi quốc gia được bảo hộ). Khi xảy ra một trong các rủi ro pháp lý thì vốn của công ty sẽ bị ảnh hưởng, quyền lợi của các chủ thể góp vốn và công ty nhận góp vốn cũng như các chủ thể khác liên quan cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần thiết phải có một cơ chế đảm bảo để phòng ngừa, ngăn chặn các rủi ro pháp lý cũng như xử lý khi có các rủi ro pháp lý trong hoạt động góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT xảy ra.
4.1.2. Hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh và chuyển hóa quyền sở hữu trí tuệ thành vốn kinh doanh
Khái niệm quyền tự do kinh doanh đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Quyền tự do kinh doanh xuất phát từ lý thuyết chủ nghĩa tự do kinh tế được phát triển trong thời đại Khai sáng, và Adam Smith được coi là học giả đầu tiên xây dựng trên ý tưởng này. Ý tưởng về "nền kinh tế tự do" là trung tâm của toàn bộ lý thuyết kinh tế của Adam Smith. Ông lập luận rằng sự can thiệp của chính phủ trong nền kinh tế nên được giữ ở mức tối thiểu, nhưng ông cũng không phản đối việc cung cấp một số tài sản công cộng cơ bản của nhà nước. Nội dung của tự do trong kinh tế theo Adam Smith là việc tự do chọn nghề, tự do hành nghề, tự do sở hữu, tự do cạnh tranh được pháp luật bảo đảm.
Ở Việt Nam, quyền tự do kinh doanh là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Quyền tự do kinh doanh không phải là một quyền mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, so với các quy định trước đây, thì nội dung quyền tự do kinh doanh của các chủ thể đã được mở rộng hơn. Điều này được thể hiện thông qua các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn. Qua đó, quyền tự do kinh doanh thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau: quyền tự do sở hữu; quyền tự do hợp đồng; quyền tự do thành lập doanh nghiệp; quyền tự do cạnh tranh; quyền tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và rút lui khỏi thị trường. Trong đó, quyền tự do hợp đồng, quyền tự do thành lập doanh nghiệp là tiền đề cho quyền tự do góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT.
Với việc ngày càng mở rộng quyền tự do kinh doanh kết hợp với chính sách thông thoáng mà Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều đầu tư trong nước và nước ngoài. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực tuy nhiên, thống kê cho thấy tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn thấp so với rất nhiều quốc gia khác trong cùng khu vực. Trong đó, đầu tư thông qua chuyển giao công nghệ nói riêng và quyền SHTT nói chung chiếm một tỷ lệ rất thấp. Đây là một tình hình rất đáng lo ngại, bởi lẽ, trong nền kinh tế tri thức, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, SHTT và công nghệ đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hôi cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho các công ty. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy chuyển hóa quyền SHTT thành vốn kinh doanh ở Việt Nam?
Ngày nay, nhận thức về SHTT đã có nhiều thay đổi. Không chỉ là một quyền sở hữu đơn thuần, quyền SHTT đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong hình thành vốn trong các công ty. Trước đây, quyền SHTT chỉ được xem xét dưới khía cạnh đơn thuần là các quyền dân sự. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế tri thức đã mang lại một khía cạnh mới của quyền SHTT đó là nghiên cứu SHTT dưới góc độ vốn. Trong nền công nghiệp truyền thống, các hình thức vốn nổi tiếng, chẳng hạn như vốn hữu hình như tiền bạc, nhà ở, đất đai và các phương tiện sản xuất khác, đã mang lại lợi nhuận to lớn cho các doanh nghiệp. Nhưng tỷ lệ với sự phát triển kinh tế-xã hội và công nghệ, bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu, bí quyết và tài sản vô hình khác, vốn cổ phần trong công ty đang phát triển. Theo thống kê từ các cơ quan chứa năng, vốn tài sản vô hình nói chung tăng từ khoảng 20% lên khoảng 80% vốn trong doanh nghiệp. Ở một nghĩa nào đó, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp đã được chuyển thành cạnh tranh cho SHTT như công nghệ cốt lõi và các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, việc chuyển hóa quyền SHTT thành vốn kinh doanh ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Sở dĩ như vậy là bởi vì trong một thời gian dài ở Việt Nam, trọng tâm nghiên cứu bảo vệ quyền SHTT tập trung vào khía cạnh dân sự của quyền SHTT mà bỏ qua nghiên cứu về quản lý quyền SHTT dưới góc độ vốn. Các nghiên cứu về các vấn đề lý thuyết cơ bản như giá trị vốn SHTT và quản lý vốn SHTT không nhiều. So với vốn vật chất truyền thống như nhà ở và vật liệu sản xuất, quyền SHTT là vô hình. Giá trị của vốn vật chất có thể được xác định dựa trên “thời gian lao động cần thiết về mặt xã hội”, nhưng giá trị của tài sản trí tuệ không thể được xác định bởi “thời gian lao động cần thiết” để sản xuất nó. Bên cạnh đó, vốn SHTT có đặc điểm khác với vốn vật chất truyền thống. Vì vậy, việc sử dụng các phương pháp quản lý vốn truyền thống để quản lý vốn SHTT là không phù hợp. Mặt khác, dù luật doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập hệ thống đầu tư quyền SHTT nhưng chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng cho các câu hỏi cụ thể về loại quyền SHTT nào có thể được đầu tư và cách đóng góp.
Theo: Nguyễn Thị Phương Thảo
Link luận án: Tại đây