Những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thực hiện pháp luật về chế độ hưu trí và nguyên nhân
3.2.2. Những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thực hiện pháp luật về chế độ hưu trí và nguyên nhân
Quá trình thực hiện pháp luật về CĐHT ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu như: tỷ lệ tham gia CĐHT và nguồn thu của quỹ hưu trí và tử tuất gia tăng qua các năm; số người hưởng lương hưu không ngừng phát triển về số lượng; mức lương hưu hàng tháng được cải thiện,... Mặc dù vậy, thực tiễn thực hiện pháp luật về CĐHT đã phát sinh một số hạn chế, bất cập như:
- Tỷ lệ tham gia CĐHT (BHXH) còn thấp, diện bao phủ của BHXH tăng chậm với hơn 15 triệu người tham gia BHXH, chiếm 29% trong tổng số 51 triệu người đang tham gia hoạt động kinh tế (trong độ tuổi lao động). Số lượng người tham gia BHXH tự nguyện chỉ bằng 1,7% so với BHXH bắt buộc, chiếm 0,6% so với lực lượng lao động thuộc diện tham gia của khu vực phi chính thức và bằng 0,4% tổng lực lượng lao động [120]. Điều này chưa thực sự tương xứng với tiềm lực của thị trường lao động.
- Tỷ lệ người cao tuổi được đảm bảo thu nhập thông qua các hình thức còn thấp, trong đó, tỷ lệ NLĐ được hưởng CĐHT chiếm tỷ lệ nhỏ. Theo báo cáo của ILO, Việt Nam hiện có khoảng gần 11 triệu người cao tuổi, trong đó 2,3 triệu người đang hưởng CĐHT theo hai loại hình BHXH (bắt buộc và tự nguyện) .
- Tính bền vững của quỹ hưu trí thấp, có khả năng mất cân đối trong tương lai. Tình trạng trốn đóng, nợ BHXH của đối tượng tham gia còn diễn ra phổ biến, chậm trong công tác khắc phục.
- Vẫn còn tồn tại sự bất công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia các loại hình CĐHT.
Có thể thấy, những hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ 02 nhóm nguyên nhân cơ bản gồm: từ công tác tổ chức thực hiện pháp luật; và từ quy định pháp luật.
3.2.2..1. Về mặt tổ chức thực hiện pháp luật
Thứ nhất, việc triển khai thực hiện mở rộng đối tượng tham gia BHXH ở khu vực phi chính thức còn gặp nhiều khó khăn. Nông dân, cá nhân, NLĐ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chiếm tỷ lệ lớn trong khu vực phi chính thức ở nước ta. Do đó, còn một tỷ lệ lớn cá nhân, NLĐ chưa tham gia BHXH và chưa được hưởng lợi từ việc tham gia này. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện ở nước ta còn thấp, diện bao phủ của BHXH không cao.
Thứ hai, tình trạng cá nhân, NLĐ yêu cầu nhận BHXH một lần ngày một tăng trong những năm gần đây. Bảng số liệu 3.7 về tình hình giải quyết quyền lợi CĐHT cho thấy tỷ lệ cá nhân, NLĐ yêu cầu nhận BHXH một lần ngày một tăng. Đặc biệt, có khoảng 80% trường hợp yêu cầu giải quyết để được hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2007-2014, trong khi đó tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ chiếm 20%. Xu hướng NLĐ lựa chọn hưởng BHXH một lần gia tăng qua các năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên: do NLĐ gặp khó khăn về kinh tế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện để tiếp tục đóng BHXH cho đến khi được hưởng lương hưu; cũng có trường hợp NLĐ sợ không sống được đến tuổi nhận lương hưu,... Thực trạng này đã làm cho mục tiêu đảm bảo thu nhập cho người nghỉ hưu chưa đạt được. Điều đó còn cho thấy nhận thức về vai trò của việc tham gia CĐHT của cá nhân, NLĐ còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến việc mở rộng “diện bao phủ” của BHXH nói chung, CĐHT nói riêng.
Thứ ba, tình trạng các đơn vị, NSDLĐ vi phạm pháp luật về BHXH diễn ra thường xuyên. Trong đó, chủ yếu là hành vi vi phạm về trốn đóng BHXH cho các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH tại nhiều địa phương cho thấy, có nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng BHXH với thời gian kéo dài và số tiền nợ lớn. Tính đến tháng 02/2019: nhiều đơn vị nợ tiền BHXH trên 07 năm với số tiền nợ cao diễn ra tại nhiều địa phương:
Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... Trước ngày 01/01/2016, nhiều doanh nghiệp “lách luật” bằng cách xây dựng thang, bảng lương nhiều bậc, chia tiền lương thành nhiều khoản khác nhau: trợ cấp, phụ cấp, lương, các khoản bổ sung nhằm mục đích trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến .
Đó là chưa kể đến tình trạng doanh nghiệp, NSDLĐ chưa tuân thủ pháp luật trong việc đăng ký tham gia BHXH với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, toàn quốc có 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 230.000 doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký tham gia BHXH. Như vậy, còn hơn 250.000 doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia BHXH với trên 1.000.000 NLĐ không tham gia BHXH nói chung, CĐHT nói riêng [10]. Thêm vào đó, không chỉ NSDLĐ có tâm lý muốn trốn đóng vào quỹ BHXH (trốn đóng vào quỹ hưu trí) cho NLĐ mà trong nhiều trường hợp, NLĐ cũng “bắt tay” với NSDLĐ để cùng thỏa thuận không tham gia BHXH. Đó là chưa kể, một số ít cá nhân đã lựa chọn các loại hình bảo hiểm niên kim (bảo hiểm nhân thọ) thay vì tham gia BHXH trong hệ thống ASXH.
Hay một chiêu thức mà các doanh nghiệp thường áp dụng để giảm tải thời gian đóng BHXH là ký hợp đồng thử việc, hợp đồng học việc, hợp đồng đại lý, hợp đồng chuyên gia, hợp đồng tư vấn kỹ thuật ,...Hoặc giao kết HĐLĐ với NLĐ bằng lời nói cũng là hình thức để doanh nghiệp trốn đóng BHXH..
Thứ tư, tình trạng các “chủ doanh nghiệp bỏ trốn” tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; hoặc có chủ sở hữu, người đại diện hợp pháp bỏ trốn hoặc vắng mặt, không điều hành quản lý doanh nghiệp lâu ngày, khiến doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Kèm theo đó là việc nợ lương, nợ tiền đóng BHXH cho NLĐ. Theo thống kê, số tiền nợ đóng BHXH cho NLĐ trong tổng số 203 doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam là 55 tỷ đồng . Bên cạnh đó, nhiều loại vi phạm khác cũng diễn ra như: doanh nghiệp, NSDLĐ có tham gia đóng BHXH nhưng đóng với mức thấp hơn hoặc đóng thiếu thời gian quy định. Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ (do nợ lương, nợ tiền BHXH), mà còn tác động đến hoạt động thu chi của quỹ hưu trí và tử tuất nói riêng, quỹ BHXH nói chung. Thực trạng này cũng phần nào phản ánh nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận NLĐ, NSDLĐ về vai trò, mục đích của BHXH nói chung, CĐHT nói riêng.
Thứ năm, công tác thu hồi nợ thông qua việc khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp, NSDLĐ còn nợ tiền đóng BHXH đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Hoạt động khởi kiện của công đoàn còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện.
3.2.2.2. Về măt quy định pháp luật
Thứ nhất, còn tồn tại nhiều quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến việc gia tăng tỷ lệ tham gia CĐHT, mở rộng diện bao phủ của BHXH ở nước ta. Cụ thể:
Một là, có sự khác khác biệt về quyền lợi được hưởng giữa các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Theo quy định hiện hành, dù cùng được hưởng quyền lợi của CĐHT nhưng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc còn được hưởng 04 chế độ khác (chế độ ốm đau; chế độ thai sản; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ tử tuất), còn đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 02 quyền lợi: CĐHT và chế độ tử tuất [89, Chương III, Chương IV]. Điều này cho thấy quyền lợi dành cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn ít, không có các chế độ BHXH ngắn hạn. Trong khi đó, các chế độ BHXH ngắn hạn (chế độ ốm đau, chế độ thai sản) có ý nghĩa quan trọng, là những quyền lợi thiết yếu, sát sườn gắn với mỗi cá nhân, NLĐ, đặc biệt là lao động nữ ở cả khu vực chính thức và phi chính thức. Đây cũng là một trong những lý do mà BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, thu hút các đối tượng tham gia; dẫn đến diện bao phủ của CĐHT trong loại hình BHXH tự nguyện còn thấp.
Hai là, một số đối tượng chưa được quy định về nghĩa vụ tham gia BHXH.
- Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã vào đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, theo pháp luật về BHXH hiện hành thì có một số đối tượng không có nghĩa vụ tham gia BHXH bắt buộc. Điển hình là chủ hộ kinh doanh. Trường hợp hộ kinh doanh có thuê mướn lao động theo HĐLĐ thì có nghĩa vụ tham gia đóng BHXH với tư cách là NSDLĐ. Tuy nhiên, chủ hộ kinh doanh thì không thuộc trường hợp đóng BHXH bắt buộc. Việc chủ hộ kinh doanh có được hưởng lương hưu hay không phụ việc họ có tự nguyện tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó, hộ kinh doanh là chủ thể kinh doanh chiếm một số lượng, tỷ lệ lớn trong số những chủ thể kinh doanh ở nước ta.
- Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp, pháp luật chưa có quy định cụ thể hoặc chưa có cơ chế quản lý đối tượng tham gia BHXH. Chẳng hạn, một nông trại chăn nuôi X thuê người làm việc bán thời gian Y theo các ca trong ngày (ca buổi sáng làm 2 giờ; buổi trưa làm việc 2 giờ; và buổi chiều làm việc 2 giờ). Tổng số ngày làm việc hàng tháng của Y là 25 ngày. Vậy, NLĐ Y và chủ nông trại X trong trường hợp này có tham gia đóng BHXH không? Có cơ chế quản lý nào đối với những trường hợp này không?
Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành thì trong tình huống trên, NLĐ Y được xác định là người làm việc không trọn thời gian [87, Đ.34]. Mặt khác, căn cứ khoản 1 Điều 24 Luật BHXH năm 2014 thì NLĐ làm việc không trọn thời gian có các quyền và nghĩa vụ pháp lý giống như người làm việc trọn thời gian. Do đó, NLĐ Y và chủ nông trại X có nghĩa vụ tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, do những trường hợp tương tự thường không giao kết HĐLĐ nên gây khó khăn về mặt quản lý.
Thứ hai, nhiều quy định pháp luật chưa thể hiện được tính công bằng, bình đẳng giữa các nhóm đối tượng tham gia các loại hình CĐHT.
Một là, quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Như đã trình bày, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là đối tượng được bổ sung vào nhóm phải tham gia BHXH bắt buộc, góp phần vào mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, làm gia tăng độ bao phủ của BHXH ở nước ta. Tuy nhiên, quyền lợi được hưởng từ việc tham gia BHXH bắt buộc của nhóm đối tượng này chưa thực sự đảm bảo ở một số điểm sau đây:
- Quy định về quyền lợi, chế độ được hưởng:
Ngoài việc được hưởng CĐHT, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã còn được hưởng quyền lợi là chế độ tử tuất khi tham gia BHXH bắt buộc [89, Đ.24, Đ.30, Đ.42]. Theo đó, nhóm đối tượng này không được hưởng quyền lợi đối với các chế độ BHXH ngắn hạn như các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác (công chức, viên chức,...). Có thể thấy, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chịu thiệt thòi, chưa ngang bằng về mặt quyền lợi dù họ cũng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, các chế độ BHXH ngắn hạn như: ốm đau, thai sản chính là những quyền lợi sát sườn, có nhu cầu thường xuyên cần sử dụng của NLĐ, đặc biệt là lao động nữ. Điều này cũng chưa phù hợp với tinh thần bình đẳng, công bằng xã hội trong Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018.
Tương tự các chế độ khác của BHXH, CĐHT được thực hiện trên nguyên tắc có đóng - có hưởng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã muốn tự mình đóng góp (hoặc đơn vị nơi họ làm việc muốn hỗ trợ đóng góp) bổ sung với mục đích tạo điều kiện cho họ được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH ngắn hạn thì cũng không có căn cứ, cơ sở pháp lý để thực hiện.
- Quy định về mức lương hưu tối thiểu:
Theo quy định pháp luật hiện hành, khi cá nhân, NLĐ đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng thì mức lương hưu được xác định dựa trên khoản tiền đóng vào quỹ BHXH cũng như thời gian tham gia đóng góp. Thông thường, mức đóng góp vào quỹ hưu trí hàng tháng luôn tỷ lệ thuận với mức lương hưu được hưởng. Tuy nhiên, nếu sau khi tính toán, mức lương hưu được hưởng của cá nhân, NLĐ thấp hơn lương tối thiểu chung thì áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014. Theo đó, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Căn cứ quy định trên, tại thời điểm hưởng lương hưu mà mức lương hưu tạm tính của NLĐ thấp hơn mức lương cơ sở thì sẽ được “bù” thêm để đủ bằng mức lương cơ sở tại thời điểm nghỉ hưu. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng quyền lợi, “ưu đãi” này.
Mặc dù, cùng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách không được nhận quyền lợi này theo khoản 5 Điều 56. Nghĩa là, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ không được bù thêm khoản chênh lệch giữa mức lương hưu dự tính sẽ được hưởng với mức lương cơ sở để bằng mức lương cơ sở như các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác. Nên chăng pháp luật về BHXH cần hạn chế những trường hợp có sự phân biệt này để tạo tính bình đẳng, công bằng cho các đối tượng cùng tham gia loại hình BHXH bắt buộc.
Theo: Phạm Thị Thi
Link luận án: Tại đây