Nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế trên thị trường
4.2.3. Nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế trên thị trường
Nhà nước đặt trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế thông qua sự phát triển của TĐKT nhà nước cũng như TĐKT tư nhân. Hệ thống chính sách tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của tập đoàn đang được triển khai, tuy nhiên nếu không có những biện pháp để giám sát hoạt động của TĐKT, Nhà nước sẽ chậm đưa ra những điều chỉnh phù hợp với sự biến động của thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Để giám sát hoạt động của TĐKT, Nhà nước cần hoàn thiện những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán nhằm kiểm soát hiệu quả hoạt động của các TĐKT. Tại Việt Nam, thông tin về doanh nghiệp thường không được minh bạch hoặc có minh bạch nhưng tính chính xác không cao. Nhà nước quản lý doanh nghiệp thông qua những báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh gửi tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên Nhà nước không có nhiều công cụ để kiểm chứng báo cáo, không có chế tài xử lý nghiêm những doanh nghiệp không thực hiện hoạt động này. Có thể thấy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán đang là một giải pháp hiệu quả trong thời điểm này. Trong TĐKT chế độ kế toán, kiểm toán rất phức tạp, vì vậy hệ thống các chuẩn mực kế toán phải được cập nhật trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý, đảm bảo khả năng dự báo cho tập đoàn. Chế độ kế toán doanh nghiệp cũng phải liên tục được cập nhật theo hướng cung cấp những thông tin tài chính trung thực và chính xác. Luật kiểm toán độc lập (2011) đã tạo ra hàng lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kiểm toán tại Việt Nam. Quá trình thực thi Luật này đã chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện như: bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của dịch vụ kiểm toán, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán.
Thứ hai, xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của TĐKT nhà nước. Đánh giá hiệu quả hoạt động của TĐKT nhà nước không đơn thuần như đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. TĐKT nhà nước bên cạnh mục tiêu thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh còn phải thực hiện những mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội mà Nhà nước giao. Thực tế cho thấy , khi Nhà nước không thực hiện việc đánh giá đúng đã gây nên những hệ quả nghiêm trọng tại hàng loạt TĐKT nhà nước lớn. Hệ thống tiêu chí đánh giá được xây dựng phải đảm bảo chi tiết, thông tin chính xác, có tính dự báo, có tác dụng ngăn ngừa những rủi ro. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá bao gồm: chỉ tiêu đánh giá về tài chính, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh tập đoàn, chỉ tiêu khai thác nguồn nhân lực.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính đối với TĐKT nhà nước. Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (2014), Nghị định 61/2013/NĐ-CP được ban hành là giải pháp hiệu quả trong quá trình xây dựng cơ chế giám sát tài chính tại DNNN nói chung và các TĐKT nhà nước nói riêng [20]. Chính phủ cũng đã thực hiện việc ban hành các Nghị định về quy chế tài chính trong TĐKT nhà nước nhằm tạo thêm công cụ, hành lang pháp lý để thực hiện việc giám sát tài chính. Hoạt động giám sát tài chính phải theo sát hoạt động kinh doanh của TĐKT từ huy động vốn, sử dụng vốn, phân chia lợi nhuận, phòng ngừa rủi ro. Hoạt động giám sát tài chính không phụ thuộc vào báo cáo của tập đoàn mà phải kết hợp với kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và hệ thống thông tin khác.
Theo: Vũ Phương Đông
Link luận án: Tại đây