Thực trạng quyền của người khuyết tật được ghi nhận trong pháp luật an sinh xã hội Việt Nam
3.1. Thực trạng quyền của người khuyết tật được ghi nhận trong pháp luật an sinh xã hội Việt Nam
3.1.1. Quyền được bảo vệ thu nhập
3.1.1.1. Quyền được tự do, bình đẳng và bảo vệ việc làm
Quyền được tự do, bình đẳng và bảo vệ việc làm của NKT được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Luật NKT năm 2010 quy định NKT được bảo đảm thực hiện quyền được tạo việc làm phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật (Điểm d Khoản 1 Điều 4).
Tháng 3 năm 2019 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký văn kiện phê chuẩn Việt Nam gia nhập Công ước số 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT (Công ước số 159). Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quyền được tạo việc làm cho NKT. Theo đó, các quốc gia thành viên phải có những biện pháp để tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT, có nghĩa là NKT có thể tìm được và duy trì được một việc làm thích hợp, có thể tiến bộ được về mặt nghề nghiệp và dễ dàng hoà nhập và tái hoà nhập xã hội. Tại điểm a Khoản 1 Điều 27 CRPD cũng ghi nhận cấm phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật trong mọi vấn đề liên quan đến việc làm như tuyển dụng, thăng tiến nghề nghiệp. Trong Luật NKT mới chỉ tập trung vào các giải pháp giải quyết việc làm cho NKT nhưng chưa đề cập đến duy trì việc làm và hỗ trợ NKT tiến bộ trong công việc. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến quyền được bảo vệ thu nhập của NKT.
3.1.1.2. Quyền được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
NKT có quyền bình đẳng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp59. NKT sẽ được hưởng 5 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất khi tham gia BHXH bắt buộc và NKT được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất khi tham gia BHXH tự nguyện. Dựa trên nguyên tắc có đóng có hưởng nên các quy định về đối tượng hưởng, điều kiện hưởng, mức hưởng, thời gian hưởng các chế độ BHXH đối với NKT không có sự khác biệt nhiều so với người không khuyết tật.
NKT đặc biệt nặng và NKT nặng không được coi là điều kiện để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức thấp hơn. Luật BHXH quy định NLĐ đóng BHXH đủ 20 năm trở lên; bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc 81% trở lên và đáp ứng điều kiện về độ tuổi và tính chất công việc sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng với mức thấp hơn. Như vậy, NKT nặng hoặc đặc biệt nặng nếu không chờ đến lúc đủ tuổi theo quy định để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức đầy đủ thì có thể hưởng chế độ tiền hưu trí hàng tháng với mức thấp hơn nhưng họ phải thực hiện thêm thủ tục giám định suy giảm khả năng lao động. Quy định này không cần thiết, bởi NKT nặng và NKT đặc biệt nặng là những người không thể thực hiện được một số hoặc tất cả hoạt động phục vụ nhu cầu cá nhân hàng ngày và cần có người theo dõi, chăm sóc và trợ giúp.
Khoản 1 Điều 51 Luật NKT năm 2010 quy định NKT đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng thì không được hưởng chính sách TCXH hàng tháng. Quy định này là không hợp lý bởi đây là hai nguồn tài chính độc lập nhau. Chế độ trợ cấp BHXH hàng tháng (bao gồm trợ cấp hưu trí hàng tháng và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng) được hưởng trên nguyên tắc có đóng, có hưởng. Còn chế độ TCXH hàng tháng là sự bảo trợ của nhà nước đối với những NKT nặng và đặc biệt nặng. Để đảm bảo thu nhập của NKT cũng như khuyến khích NKT nặng và đặc biệt nặng tham gia quan hệ lao động, tham gia BHXH thì không nên hạn chế việc hưởng đồng thời trợ cấp BHXH hàng tháng và TCXH hàng tháng.
3.1.2. Quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe
Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe đối với NKT được hiểu trong mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại giữa các yếu tố môi trường bên ngoài như thức ăn, nước uống, điều kiện vệ sinh… với các yếu tố môi trường bên trong như di truyền, gen, tế bào… giữa các hoạt động đề phòng sự phát sinh ra bệnh tật, phát hiện sớm bệnh tật... đến việc điều trị kịp thời và phục hồi sức khỏe cho NKT . Đây được coi là mô hình chăm sóc sức khỏe NKT theo quan điểm hiện đại, không chỉ tập trung vào chữa trị bệnh mà còn đề cao vai trò của phòng bệnh. Tham gia vào công tác chăm sóc sức khoẻ cho NKT không chỉ có cơ quan y tế mà còn có sự tham gia của gia đình NKT, tổ chức đoàn thể và cả cộng đồng xã hội.
Trong pháp luật Việt Nam, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của NKT được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 58 Hiến pháp 2013 “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân...”; trong Luật NKT năm 2010; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi năm 2014... cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành.
Quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của NKT trong pháp luật an sinh xã hội Việt Nam bao gồm quyền được chăm sóc sức khoẻ ban đầu; quyền được khám bệnh, chữa bệnh; quyền được phục hồi chức năng (PHCN); quyền tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
3.1.2.1. Quyền được chăm sóc sức khoẻ ban đầu
Chăm sóc sức khỏe ban đầu có ý nghĩa quan trọng đối với sức khoẻ của mọi người trong đó có NKT, thể hiện quan điểm y học hiện đại “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Do đó, sau khi tuyên ngôn Alma – Ata về chăm sóc sức khoẻ ban đầu ra đời, ngành y tế Việt Nam đẩy mạnh công tác xây dựng tuyến y tế cơ sở (trạm y tế cấp xã) để chăm sóc sức khỏe toàn dân.
NKT được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế cấp xã nơi mình cư trú (Khoản 1 Điều 21 Luật NKT). Chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm mục đích phòng ngừa khuyết tật xảy ra bằng việc hạn chế hoặc loại bỏ các yếu tố có hại cho sức khoẻ từ thức ăn, nước uống, môi trường... hay phát hiện điều trị bệnh kịp thời để hạn chế trở thành khuyết tật.
NKT có một số quyền chăm sóc sức khỏe ban đầu như: Quyền được dự phòng khuyết tật (gồm quyền được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh; được phòng chống bệnh; được hướng dẫn vệ sinh môi trường, phòng chống tai nạn thương thích; được đảm bảo an toàn thực phẩm); Quyền được khám bệnh, chữa bệnh, kết hợp ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh (được sơ cứu, cấp cứu ban đầu; được khám bệnh, chữa bệnh, PHCN tại trạm y tế cấp xã; khám bệnh, chữa bệnh bằng các phương pháp dùng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc...); Quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản; Quyền được cung ứng thuốc thiết yếu; Quyền được quản lý sức khoẻ; Quyền được giáo dục về sức khỏe (cung cấp các thông tin liên quan đến bệnh, dịch; tiêm chủng; quyền được tuyên truyền, tư vấn chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ...).
NKT có quyền được tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, PHCN phù hợp (Khoản 3 Điều 23 Luật NKT năm 2010). Quy định này hoàn toàn phù hợp với Điểm b Điều 25 CRPD“Cung cấp những dịch vụ y tế đặc biệt mà người khuyết tật cần do họ bị khuyết tật, như phát hiện sớm và can thiệp nếu cần và những dịch vụ nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa khuyết tật tăng thêm, kể cả cho trẻ em và người lớn”.
NKT được trạm y tế cấp xã lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khoẻ (điểm b khoản 1 Điều 21 Luật NKT 2010). Trạm y tế cấp xã phải có danh sách những NKT, được phân loại theo các nhóm NKT (vận động, nghe nói, nhìn, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, động kinh, mất cảm giác, khuyết tật khác), có các thông tin quản lý cần có, như đã được PHCN hay chưa, ở đâu, hình thức, mức độ và kết quả, họ có được sử dụng các dụng cụ trợ giúp không (dụng cụ tập, nạng, nẹp, xe lăn...); nếu có sự thay đổi (chỗ ở, tiến triển bệnh tật, các đợt PHCN...). Hiện nay, quản lý và chăm sóc sức khỏe NKT tại cộng đồng là nhiệm vụ bắt buộc của trạm y tế cấp xã và là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng trạm y tế cấp xã theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 về việc ban hành tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020.
Bên cạnh đó, sức khoẻ của NKT còn được quản lý trên hệ thống thông tin về sức khoẻ và PHCN của NKT được quản lý thống nhất trên toàn quốc. Theo Quyết định 3815/QĐ-BYT ngày 21/08/2017 về việc triển khai hệ thống thông tin quản lý sức khoẻ, PHCN NKT (Quyết định 3815/QĐ-BYT) thì mỗi NKT được cấp một mã số duy nhất và được quản lý thông tin về sức khoẻ và PHCN trên hệ thống được truy cập tại địa chỉ: http://nkt.qlbv.vn/nkt2.
NKT có quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản. Điểm a Điều 25 CRPD ghi nhận quyền của NKT được chăm sóc và chương trình y tế cùng loại, cùng chất lượng, cùng tiêu chuẩn miễn phí hoặc giá thành vừa phải như đối với những người khác, trong đó có chương trình giới và sức khỏe sinh sản. NKT nam và NKT nữ ở những dạng khuyết tật khác nhau sẽ có nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản khác nhau. Nhưng trong Luật NKT năm 2010 và các văn bản khác trong pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho NKT.
Khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận. Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, PHCN cho người bệnh.
NKT không bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong khám bệnh, chữa bệnh. Quyền này được ghi nhận Điều 25 CRPD quy định “NKT có quyền hưởng tiêu chuẩn y tế cao nhất đã đạt được mà không có sự phân biệt nào trên cơ sở khuyết tật” nhưng lại không được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam. Điều 9 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 ghi nhận người bệnh không bị kỳ thị, phân biệt đối xử; được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng; không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến tôn trọng yếu tố khuyết tật. Trong Luật NKT năm 2010 cũng không có điều luật nào ghi nhận trực tiếp quyền không bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc không ghi nhận quyền này trong pháp luật Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo cơ hội bình đẳng trong khám bệnh, chữa bệnh cho NKT.
Theo: Nguyễn Thị Thu Hường
Link luận án: Tại đây