Khái quát về dịch vụ pháp lý và tổ chức hành nghề luật sư
1.1.2. Khái quát về dịch vụ pháp lý và tổ chức hành nghề luật sư
1.1.2.1. Luật sư
Cùng với thương mại dịch vụ, dịch vụ pháp lý là lĩnh vực mới của thời đại ngày nay, trong khi đó, nghề luật và nghề luật sư đã có lịch sử lâu đời.
Trong thời kỳ cổ đại, các thủ lĩnh hoặc ông vua của các xã hội nhỏ đã thực hiện việc xét xử như một phần của vai trò lãnh đạo chính trị chung. Khi quyền lực của họ mở rộng, những nhà lãnh đạo này giao chức năng tư pháp cho các chuyên gia. Trong giai đoạn ban đầu, các công việc pháp lý được đảm nhiệm bởi các quan chức hoàng gia.
Một tầng lớp chuyên gia pháp lý không phải là thẩm phán lần đầu tiên xuất hiện trong nền văn minh Hy Lạp-La Mã từ năm 200 trước Công nguyên đến năm 600 sau Công nguyên. Tổ chức tòa án hình thành và việc xét xử có sự tham gia của mọi người dân. Nguyên cáo hoặc bị cáo có thể tự trình bày ý kiến, lý lẽ của mình trước Tòa hoặc nhờ người khác có tài hùng biện trình bày hộ ý kiến, lý lẽ trước Toà. Một loại “hiệp sỹ” đặc biệt xuất hiện, hiệp sỹ này không dùng khí giới hay cơ bắp mà sử dụng thiên tài ngôn ngữ và sự hiểu biết rộng rãi về cổ luật để đứng ra bênh vực cho kẻ nghèo nàn, yếu thế... Những người này thường đã trải qua thời kỳ làm thẩm phán hoặc là linh mục. Việc bào chữa xuất phát tự nhiên nhằm minh oan cho bạn bè hoặc người thân. Trong xã hội dần dần hình thành nhóm người chuyên sâu, am hiểu về pháp luật và việc diễn giải pháp luật của họ được xem xét như hoạt động nghề nghiệp, Họ được gọi là chuyên gia pháp lý (experts in the law, Jurist) hoặc luật sư (lawyer), hoạt động của các luật sư được chấp nhận và uy tín của họ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Bước sang thời kỳ Trung cổ, luật sư thời kỳ này cùng với tổ chức tòa án được xây dựng nhằm mục đích phục vụ tôn giáo.
Dưới chế độ tư bản, nghề luật sư được tổ chức chặt chẽ với những điều kiện khắt khe hơn thì “công lý” mà các luật sư bảo vệ không chỉ liên quan đến nhân phẩm và danh giá của con người, hoạt động của luật sư không chỉ là đại diện trước tòa mà còn là việc tư vấn những vấn đề liên quan đến giao dịch, quan hệ và tranh chấp, liên quan tới tài sản có giá trị thương mại lớn, có thể cân đong đo đếm và trả giá bằng tiền. Từ xuất phát điểm của những “hiệp sỹ” tự nguyện thực hiện việc bào chữa vì sự thật và công lý, nghề luật sư dần dần trở thành nghề dịch vụ, nghề làm để hưởng thù lao.
Tiêu chuẩn phổ biến để được công nhận luật sư và được cấp chứng chỉ hành nghề bao gồm: là công dân nước sở tại và có phẩm chất đạo đức tốt và mọi quốc gia đều có thêm những tiêu chuẩn liên quan tới đào tạo nghề luật sư, tập sự hành nghề cũng như các hình thức hành nghề… Ngoài tiêu chuẩn chung là phải có bằng cử nhân Luật còn phải qua một khóa đào tạo nghề (Anh, Pháp, Nhật Bản…), Pháp quy định thời gian đào tạo là 12 tháng (3 tháng lý thuyết, 9 tháng thực hành), trong khi Đức, Nhật quy định là 2 năm. Một số nước, việc thực tập có thể thực hiện tại Tòa án, viện công tố, văn phòng luật sư... Sau khi được đào tạo nghề, các luật sư tương lai phải trải qua kỳ thi công nhận luật sư. Nội dung chủ yếu của kỳ thi tập trung vào kiểm tra kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Có thể nói đây là điều kiện bắt buộc đánh giá khả năng hành nghề luật sư.
Ngoài ra, trước khi chính thức hành nghề, luật sư thường cần phải trải qua thời gian tập sự. Thời gian tập sự hành nghề của các nước quy định khác nhau. Một số quốc gia đòi hỏi thời gian tập sự là 2 năm (như Hy Lạp, Bỉ, Ý, Anh…), một số quốc gia khác lại quy định thời gian tập sự là 12 tháng như Thái Lan, có nước như Singapore chỉ đòi hỏi thời gian tập sự là 6 tháng. Về nơi tập sự, hầu hết các nước quy định luật sư phải tập sự tại văn phòng, công ty luật (như Hy Lạp, Bỉ, Anh, Nhật Bản, Pháp…), một số còn quy định Luật sư có thể tập sự tại Tòa án, Viện công tố (như Đức, Thuỵ Sĩ…).
Ở Việt Nam, Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012 (sau đây gọi tắt là Luật Luật sư 2012) quy định để có thể trở thành luật sư, hành nghề luật sư, một người phải đáp ứng đủ 2 điều kiện: (i) Điều kiện cần, được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp cấp – yêu cầu về chuyên môn và (ii) Điều kiện đủ, gia nhập một Đoàn luật sư – yêu cầu mang tính nghề nghiệp, thể hiện tính chất đặc thù của nghề luật sư. Như vậy, để trở thành luật sư, một người phải trải qua 3 giai đoạn đào tạo: đào tạo ở trường đại học để được cấp bằng cử nhân luật; đào tạo nghề luật sư để được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư... và đào tạo thực tiễn nghề nghiệp trong thời gian tập sự hành nghề luật sư để sau khi kết thúc, phải trải qua kỳ thi do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức để được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
1.1.2.2. Dịch vụ pháp lý của luật sư
Phạm vi cũng như lĩnh vực hành nghề của luật sư trong thời đại ngày nay càng ngày càng mở rộng, với các tổ chức hành nghề luật sư toàn cầu, các luật sư tham gia tư vấn cho Chính phủ các quốc gia về chính sách thương mại, đầu tư quốc tế. Đặc biệt, khi các quốc gia ký kết các hiệp định thương mại, gia nhập các tổ chức thương mại khu vực và quốc tế thì việc mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý là đòi hỏi tất yếu. Từ đó, đặt ra vấn đề cần phải đưa ra khái niệm cũng như phân loại dịch vụ pháp lý, làm căn cứ để các quốc gia đàm phán về mở cửa thị trường đối với dịch vụ này cho nhà đầu tư nước ngoài.
Có hai xu hướng quy định về dịch vụ pháp lý ở các quốc gia: Một số quốc gia như Đức, Úc, Trung Quốc… coi luật sư là nhà cung cấp dịch vụ pháp lý độc quyền và quy định hầu hết các dịch vụ pháp lý đều do luật sư cung cấp. Một số quốc gia khác lại liệt kê các loại hình của dịch vụ pháp lý với những điều kiện cụ thể khi cung ứng dịch vụ, theo đó, tùy thuộc vào loại dịch vụ pháp lý, sẽ do các chủ thể đáp ứng điều kiện cung ứng, ví dụ như luật sư, công chứng viên, thừa phát lại…
Theo: Nguyễn Minh Đức
Link luận án: Tại đây