Các giải pháp hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp liên quan tới công ty luật hợp danh
3.2.2. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp liên quan tới công ty luật hợp danh
3.2.1.1. Bổ sung loại hình công ty hợp danh hữu hạn trong Luật Doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tế của công ty luật hợp danh nước ngoài hoạt động ở Việt Nam
Như phân tích ở chương 3 của luận án, pháp luật hành nghề luật sư của nhiều quốc gia trên thế giới cho phép ngoài hình thức hành nghề luật sư mang tính truyền thống như công ty luật hợp danh thông thường, luật sư còn được hành nghề với hình thức công ty luật hợp danh hữu hạn.
Hình thức công ty hợp danh thông thường (general partnership), công ty hợp danh hữu hạn (limited partnership) được quy định tại các đạo luật về công ty. Theo đó công ty hợp danh thông thường thành viên hợp danh cùng nhau thành lập, điều hành công ty cũng như cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi nhuận thu được. Các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh thông thường chịu trách nhiệm cá nhân và liên đới đối với các nghĩa vụ của công ty. Công ty hợp danh hữu hạn do ít nhất hai thành viên trở lên thành lập, trong đó có ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ của công ty, còn thành viên góp vốn khác chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi góp vốn vào công ty. Hai loại hình công ty hợp danh này được áp dụng cho mô hình công ty luật hợp danh của các quốc gia đó trên thế giới.
Có thể thấy loại hình công ty hợp danh hữu hạn có những điểm tương đồng và khác biệt so với công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong công ty trách nhiệm hữu hạn, tất cả các thành viên đều được hưởng chế độ trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn họ cam kết góp đối với các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty. Còn trong mô hình công ty hợp danh hữu hạn, luôn có 1 thành viên phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình, và điều đó là phù hợp với kinh doanh dịch vụ pháp lý. Luật sư sáng lập sẽ là thành viên chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh và công ty có khả năng huy động vốn góp từ các thành viên khác được hưởng trách nhiệm hữu hạn.
Luật Doanh nghiệp 2020 hiện nay của Việt Nam chỉ quy định về mô hình công ty hợp danh, trong đó bao gồm cả thành viên hợp danh (tối thiểu là 2 cá nhân) và có thể có thành viên góp vốn (có thể là cá nhân hoặc tổ chức). Nếu áp dụng mô hình công ty hợp danh hữu hạn thì quy định tại Luật Doanh nghiệp không phù hợp vì yêu cầu luôn phải có 2 thành viên hợp danh cá nhân. Do đó, hiện nay có hai quan điểm liên quan tới mô hình công ty luật hợp danh thông thường và công ty luật hợp danh hữu hạn, đó là:
- Quan điểm thứ nhất, thừa nhận mô hình công ty luật hợp danh hữu hạn trong LLS nhưng có yêu cầu phải ít nhất có hai luật sư là thành viên hợp danh, có thể huy động vốn từ thành viên góp vốn là các luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư khác. Với sửa đổi như vậy thì không phải sửa đổi chế định về công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp, bởi vẫn phù hợp với những quy định đang có.
Tuy nhiên, nếu chỉ chỉnh sửa LLS, thừa nhận công ty luật hợp danh hữu hạn phải có tối thiểu hai luật sư thành viên hợp danh thì mô hình này chưa đáp ứng được cam kết mở của thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam, cho phép tổ chức luật sư nước ngoài được liên kết với công ty luật hợp danh của Việt Nam để thành lập công ty luật hợp danh mới (khoản 1, Điều 69 và khoản 2 Điều 72 LLS 2012.
- Quan điểm thứ hai, tách loại hình công ty hợp danh đang có trong LDN 2020 và bổ sung cụ thể loại hình công ty hợp danh hữu hạn. Theo đó công ty hợp danh – general partnership (theo đúng nghĩa hợp danh thông thường) chỉ bao gồm các thành viên hợp danh và công ty hợp danh hữu hạn - limited partnership (công ty hợp vốn đơn giản) - trong đó có ít nhất 1 thành viên chịu trách nhiệm vô hạn và còn lại là các thành viên góp vốn.
Khi bổ sung thêm loại hình công ty hợp danh hữu hạn vào chế định công ty hợp danh của LDN sẽ giải quyết hết các vấn đề liên quan tới thực tiễn, nhu cầu góp vốn của các luật sư vào công ty luật hợp danh và cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam về dịch vụ pháp lý, cũng như tính phù hợp, liên thông giữa LDN và LLS. Ở đây cũng có thể hiểu theo kỹ thuật lập pháp, đó là việc tách riêng hai loại hình công ty này, không gộp chung trong loại hình công ty hợp danh như quy định hiện nay của Luật Doanh nghiệp.
Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc trong vấn đề này. Luật Hợp danh Trung Quốc được ban hành năm 2006, bao gồm 6 chương với 109 điều khoản. Đây là Luật điều chỉnh hoạt động của hợp danh trong nước. Vấn đề đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc theo hình thức hợp danh được điều chỉnh bởi những Quy định về đầu tư nước ngoài theo hình thức hợp danh (Foreign Investment Partnership Regulations – FIPR), có hiệu lực từ ngày 01/03/2010.
Công ty hợp danh ở Trung Quốc được chia thành hai loại là: Công ty hợp danh thông thường (Common Partnership Enterprises) và Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn (Limited Liability Partnership Enterprises).
Công ty hợp danh thông thường (Common Partnership Enterprises) được định nghĩa tại Điều 2, Luật công ty hợp danh 2006 thì đây là doanh nghiệp chỉ bao gồm các thành viên hợp danh. Những thành viên này chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với mọi nghĩa vụ phát sinh của công ty. Để thành lập một công ty hợp danh thông thường, Điều 14 quy định cần đáp ứng các điều kiện sau đây: có tối thiểu là hai thành viên; thỏa thuận thành lập hợp danh bằng văn bản; đăng ký vốn đóng góp của các thành viên hoặc có số vốn thực góp của các thành viên; đăng ký tên doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động và trụ sở hoạt động của doanh nghiệp; các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, một công ty hợp danh thông thường đòi hỏi có ít nhất hai thành viên. Thành viên của loại công ty hợp danh này có thể là cá nhân, pháp nhân hoặc các tổ chức khác theo quy định pháp luật (Điều 2). Các cơ quan nhà nước, công ty nhà nước, công ty niêm yết hay các tổ chức xã hội… không thể trở thành thành viên hợp danh. Qua đây, có thể thấy sự khác biệt trong các quy định về công ty hợp danh của Việt Nam, như đã phân tích, thành viên hợp danh chỉ có thể là cá nhân, con người cụ thể. Trải qua 3 lần sửa đổi kể từ Luật Doanh nghiệp 1999, đến hiện nay, quy định trên vẫn không thay đổi. Điều này có lẽ được lý giải bởi các nhà làm luật Việt Nam dựa vào tính trách nhiệm vô hạn, chỉ con người cụ thể mới có khả năng trả nợ đến hết. Kể cả số tài sản hiện có không còn đủ để trả nợ, thì trong tương lai, bằng khả năng lao động, công sức, người đó hoàn toàn phải chịu trách nhiệm tới tận cùng đối với khoản nợ, không được xóa.
3.2.1.2. Quy định thống nhất về tiếp nhận thành viên mới của công ty hợp danh và hạn chế chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp danh
Theo quy định của LDN 2020, trong trường hợp thành viên hợp danh chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của họ cho người khác thì cũng đồng nghĩa với việc người nhận chuyển nhượng sẽ là thành viên hợp danh mới của công ty. Để làm được điều đó, việc chuyển nhượng này phải được sự chấp thuận của tất cả các thành viên hợp danh còn lại.
Điều 186; điểm c, Khoản 3 Điều 182 LDN 2020 quy định việc tiếp nhận thành viên hợp danh mới phải được hội đồng thành viên chấp thuận, có số phiếu tán thành của ít nhất ba phần tư (3/4) tổng số thành viên hợp danh.
Hai quy định trên không thống nhất, gây khó khăn trong quá trình thực thi. Do đó, tác giả kiến nghị thống nhất việc tiếp nhận thành viên hợp danh mới, cũng như cho phép thành viên hợp danh chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người ngoài phải được chấp thuận của tất cả các thành viên hợp danh còn lại. Bởi lẽ loại hình công ty hợp danh là loại hình công ty “đối nhân” điển hình, các thành viên tin tưởng, chấp nhận hợp tác để tạo lên “hợp danh”. Đối với công ty luật hợp danh, đó là việc tên các luật sư thành viên hợp danh được gắn lên bảng hiệu của hãng luật hợp danh. Do đó, khi tiếp nhận thành viên, khi người nhận chuyển nhượng có thể trở thành thành viên hợp danh thì phải được sự chấp thuận của tất cả các thành viên hợp danh còn lại trong công ty.
3.2.1.3. Thống nhất cơ quan đăng ký doanh nghiệp đối với công ty luật hợp danh
Hiện nay vẫn còn có sự chưa hợp lý, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật về đăng ký, cấp phép đối với công ty luật hợp danh. Theo quy định hiện hành, thẩm quyền xem xét, ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập công ty luật hợp danh thuộc Sở Tư pháp (cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn cấp tỉnh).
Điều này chưa nhất quán với pháp luật doanh nghiệp về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tạo ra sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn và khó thực hiện cho nhà đầu tư cũng như hoạt động quản lý nhà nước.
Tác giả kiến nghị LLS cần quy định thống nhất với LDN là công ty luật (bao gồm công ty luật TNHH và công ty luật hợp danh) thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo các quy định của LDN, sau đó làm thủ tục đáp ứng các điều kiện của LLS về công ty luật hợp danh hoặc công ty luật TNHH. Quy định như vậy sẽ tạo sự thống nhất về các yêu cầu thuế, lao động, kế toán, kiểm toản, bảo đảm được tính thống nhất trong các quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp.
Nói cách khác, dịch vụ pháp lý là một dịch vụ thương mại, được đặt trên bàn đàm phán khi mở cửa thị trường dịch vụ của các quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, các công ty luật nước ngoài với tư cách của các nhà đầu tư nước ngoài tới đầu tư tại Việt Nam, họ cũng cần được đối xử bình đẳng về thủ tục pháp lý như các ngành dịch vụ khác. Chúng ta có thể quan niệm dịch vụ pháp lý của công ty luật hợp danh, các tổ chức hành nghề luật sư khác như một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các điều kiện này được kiểm soát bởi Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi công ty luật đặt trụ sở.
Theo: Nguyễn Minh Đức
Link luận án: Tại đây