Vai trò của hoạt động xuất khẩu hàng nông sản đối với Việt Nam và ý nghĩa của việc hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản xuất khẩu
2.3. Vai trò của hoạt động xuất khẩu hàng nông sản đối với Việt Nam và ý nghĩa của việc hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản xuất khẩu
2.3.1. Vai trò của hoạt động xuất khẩu hàng nông sản đối với Việt Nam
Lý thuyết tự do kinh tế cổ điển của Adam Smith đã chỉ ra rằng, tự do thương mại và hoạt động ngoại thương sẽ giúp cho một quốc gia trở nên thịnh vượng và có thể tích lũy nhiều tư bản. Hiện nay, Lý thuyết kinh tế mới về tự do kinh tế, mà điển hình là Lý thuyết về lợi thế cạnh của Michael Porter đã chứng minh được rằng thông qua hoạt động xuất khẩu, chất lượng của hàng hoá trong nước sẽ được nâng cao, sức cạnh tranh và sự phát triển của ngành sản xuất trong nước cũng được cải thiện, không chỉ ngành hàng xuất khẩu có sự phát triển mà các ngành sản xuất phụ trợ khác cũng có sự phát triển và kéo theo sự thay đổi về chính sách để đầu tư thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Thực tiễn thương mại quốc tế cũng đã chứng minh rằng nhiều quốc gia trên thế giới nhờ đẩy mạnh hoạt động ngoại thương mà thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, vốn, công nghệ, lao động cũng như chính sách phát triển của mỗi nước mà vai trò của ngành nông nghiệp có sự thay đổi tương ứng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia.
Ở Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đang là một trong những chính sách quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hoạt động xuất khẩu nông sản có vai trò cụ thể đối với Việt Nam như sau:
Một là, xuất khẩu và xuất khẩu nông sản góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực và lợi thế của quốc gia.
Thông qua hoạt động xuất khẩu (nông sản) sẽ cho phép mở rộng quy mô sản xuất, tạo phản ứng dây chuyền thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo, kết quả là làm tăng tổng sản phẩm xã hội và nền kinh tế phát triển nhanh. Ví dụ, xuất khẩu gạo sẽ kéo theo sự phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác như sản xuất bao bì, chăn nuôi, trồng trọt, vận chuyển… Bên cạnh đó, thông qua hoạt động xuất khẩu sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để cải tiến quy trình sản xuất trong nước, tăng năng xuất và chất lượng hàng hoá.
Hai là, hàng nông sản xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động và doanh nghiệp trong cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu.
Tính chung năm 2020, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, trong đó, lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 17,5 triệu người, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn hiện nay là khoảng 252. Hoạt động sản xuất và chế biến nông sản cần sử dụng nhiều lao động, đây là một ưu thế quan trọng hiện nay vì hàng năm Việt Nam phải giải quyết thêm việc làm cho hơn 1,4 triệu người bước vào tuổi lao động. Để nắm vững và làm chủ được công nghệ trong quá trình sản xuất, người lao động buộc phải nâng cao trình độ cả lý thuyết và thực hành. Như vậy, đẩy mạnh xuất khẩu sẽ có tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động cả về tính chất ngành nghề và cả về chất lượng lao động. Đồng thời, với việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sẽ góp phần tăng thu nhập của người lao động, tạo điều kiện để họ nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần . Kết hợp với thành quả từ Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khi người lao động có việc làm, thu nhập ổn định thì họ sẽ có xu hướng làm việc ngay tại quê hương, vừa giải quyết được tình trạng thiếu lao động nông nghiệp đang có xu hướng gia tăng hiện nay, vừa giảm tải được tình trạng di cư của lao động nông thôn vào các đô thị lớn để tìm việc làm.
Ba là, xuất khẩu nông sản góp phần giữ ổn định nền kinh tế của đất nước.
Nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trong nhiều giai đoạn phát triển của Việt Nam. Chẳng hạn như năm 1989, công nghiệp tăng trưởng âm nhưng sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp phát triển mạnh mẽ nên cứu được khủng hoảng; đến năm 1999 và giai đoạn 2008-2011 một lần nữa, công nghiệp - dịch vụ đều chững lại, chỉ có nông nghiệp tăng trưởng tốt nên đã làm trụ đỡ cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn nhất. Trong thời gian gần đây, với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, tuy bị ảnh hưởng lớn nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn được giữ vững và duy trì xuất khẩu tốt.
Bốn là, xuất khẩu nông sản góp phần mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường vị thế kinh tế của quốc gia trên thị trường thế giới.
Xuất khẩu và các quan hệ kinh tế đối ngoại có tác động qua lại phụ thuộc vào nhau, xuất khẩu cũng đồng thời là một hoạt động kinh tế đối ngoại. Hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng nông sản nói riêng có vai trò thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại khác. Bởi vì khi xuất khẩu hàng hóa phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các hoạt động dịch vụ quốc tế trong các lĩnh vực khác như: đầu tư tài chính - tín dụng, bảo hiểm, thanh toán quốc tế, phát triển vận tải quốc tế... Ngược lại, các hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng xuất khẩu. Ví dụ, hoạt động đầu tư quốc tế sẽ mang đến nguồn vốn và công nghệ tiên tiến để mở rộng sản xuất hàng nông sản xuất khẩu như việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, chuyển giao giống và kỹ thuật canh tác cây trồng có năng suất và chất lượng cao, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Việc ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương và gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu thâm nhập và mở rộng thị trường. Khi Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng nông sản có chất lượng cao, không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn cho doanh nghiệp, mà còn tạo dựng được uy tín và vị thế của quốc gia khi tham gia đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng là thước đo đánh giá kết quả của quá trình hội nhập quốc tế của một quốc gia. Để giữ được vị thế trên trường quốc tế, yêu cầu khách quan đặt ra là mỗi quốc gia phải lựa chọn cho mình một số hàng hóa có lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác để đầu tư sản xuất và cung cấp cho thị trường toàn cầu, đồng thời nhập khẩu trở lại các sản phẩm mà mình sản xuất không có hiệu quả bằng các quốc gia khác, từ đó hình thành sự phân công lao động quốc tế và sự gắn kết giữa các quốc gia trên thế giới.
Theo: Trần Vang Phủ
Link luận án: Tại đây