Quy định về chế độ bảo hiểm thất nghiệp
1.2. Chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp
Rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm thất nghiệp là rủi ro nghề nghiệp, rủi ro việc làm. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. So với các chế độ bảo hiểm khác, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp phải thoả mãn các điều kiện cần và đủ tức là những điều kiện trước khi thất nghiệp, những điều kiện liên quan đến thất nghiệp và những điều kiện phải có trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là mức trợ cấp thay tiền lương cho người mất việc làm để họ ổn định cuộc sống và có điều kiện tham gia vào thị trường lao động. Chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: điều kiện hưởng trợ cấp, mức trợ cấp; thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
1.2.1. Điều kiện hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp
Là những qui định của pháp luật mà người lao động phải thoả mãn các điều kiện đặt ra mới được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; thông thường bao gồm:
+ Người tham gia bảo hiểm phải nộp phí bảo hiểm trong một thời gian nhất định. Để được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, thông thường người lao động phải có một quá trình làm việc nhất định và tham gia đóng bảo hiểm trong một thời gian tối thiểu. Việc qui định thời gian tối thiểu là bao nhiêu tuỳ thuộc vào mỗi nước. Ví dụ: Pháp qui định là 3 tháng trong 12 tháng cuối trước khi thất nghiệp; Nhật Bản có 6 tháng tham gia vào hệ thống bảo hiểm trong 12 tháng cuối cùng (hoặc 1 năm đóng bảo hiểm trong 2 năm cuối cho các đối tượng lao động bán thời gian). Hungari: người lao động đã có ít nhất 48 tháng làm việc trước khi mất việc. Trung Quốc tối thiểu 1 năm tham gia bảo hiểm việc làm, không tự nguyện thôi việc…
+ Phải đăng ký thất nghiệp, đăng ký tìm việc làm tại cơ quan lao động có thẩm quyền do Nhà nước qui định. Để được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, người lao động phải đăng ký với cơ quan dịch vụ việc làm hoặc cơ quan quản lý lao động. Chẳng hạn, ở Nhật, người thất nghiệp nhất thiết phải đăng ký tại cơ quan bảo đảm việc làm quốc gia, có khả năng và sẵn sàng đi làm nếu nhận được công việc. Việc đăng ký phải được làm thường xuyên 4 tuần một lần. Hoặc ở Anh đã đăng ký với văn phòng lao động, có năng lực và khả năng làm việc, tích cực tìm việc làm và có một bản hợp đồng tìm kiếm việc làm mới nhất [129] …Việc đăng ký này giúp cho cơ quan lao động theo dõi, quản lý, kiểm soát được số người thất nghiệp cũng như đảm bảo chi trả trợ cấp đúng đối tượng. Ngược lại, thông qua đăng ký thất nghiệp người lao động cũng phải chứng minh được họ có khả năng lao động và luôn sẵn sàng làm việc khi được giới thiệu việc làm. Thậm chí, người thất nghiệp còn phải tham dự các hoạt động tạo nghề mới hoặc đào tạo lại khi cơ quan quản lý lao động triệu tập. Một số nước cũng qui định rất cụ thể về việc điều tra thu nhập của người hưởng trợ cấp trong thời gian thất nghiệp. Nếu họ có nguồn thu nhập nào khác thì đương nhiên không được hưởng trợ cấp.
+ Thất nghiệp không phải do lỗi của người lao động: trong trường hợp này người lao động phải chứng minh được việc thất nghiệp không do lỗi của bản thân họ. Các nước đều đưa ra các tiêu chí xác định trường hợp mất quyền hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp với các lý do như: tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng, vi phạm kỷ luật lao động dẫn đến mất việc…
+ Có sổ bảo hiểm thất nghiệp. Sổ bảo hiểm thất nghiệp là cơ sở pháp lý chứng nhận sự tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động bao gồm mức đóng phí và thời hạn đóng.
Bốn điều kiện nêu trên là những yếu tố bắt buộc phải có đối với người lao động khi thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
1.2.2. Mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp
Qua nghiên cứu pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp của nhiều nước cho thấy: Mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là khoản tiền mà người lao động (khi mất việc làm) nhận được từ cơ quan bảo hiểm thất nghiệp hay cơ quan quản lý lao động chi trả trợ cấp. Mức trợ cấp thất nghiệp được hình thành trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng của người lao động.
Về nguyên tắc mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp phải thấp hơn mức thu nhập của người lao động khi đang làm việc nhưng vẫn phải đảm bảo đời sống tối thiểu cho ngườithất nghiệp. Theo ILO, mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu bằng 45% thu nhập trước khi thất nghiệp. Thông thường, ở các nước thường thiết kế mức hưởng từ 50% đến 60% tiền lương trước khi thất nghiệp. Chẳng hạn:
Ở Mông Cổ, Luật về trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (1994) qui định: “Tỷ lệ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp được tính dựa trên % mức lương hoặc thu nhập bình quân 3 tháng cuối của người thất nghiệp và dựa vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nếu thời gian đóng: Từ 1 đến 5 nămtỷ lệ trợ cấp là 45%; Từ 5 đến 10 năm tỷ lệ trợ cấp là 50%; Từ 10 đến 15 năm tỷ lệ trợ cấp là 60%; Từ 15 năm trở lên tỷ lệ trợ cấp là 70%. Mức trợ cấp tối thiểu cũng không được thấp hơn 75% mức lương tối thiểu do chính phủ qui định” (Điều 3) [128, tr. 76-77]. Tại Nhật mức hưởng từ 60% đến 80% mức lương tiền công ngày (tỷ lệ này sẽ cao hơn đối với người có thu nhập thấp); 50% đến 80% cho người thất nghiệp trong khoảngđộ tuổi từ 60 đến 64. Mức trợ cấp tối thiểu ở mức 3.260 yên một ngày (2.610 yên cho đối tượng lao động lao động ngắn hạn) và tối đa là 10.900 Yên. Khoản trợ cấp này sẽ được trả sau 7 ngày cho đến từ 90 đến 300 ngày tuỳ thuộc vào độ dài của thời gian đóng bảo hiểm, tuổi tác, tương lai việc làm và các yếu tố khác [124, tr. 79 - 80].
Tuy nhiên, cũng có nước qui định mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở mức tiền lương tối thiểu. Như ở thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được cấp phát từ 70% đến 90% mức lương tối thiểu trong thành phố. Cụ thể là:
- Thời gian đóng tiền liên tục chưa tròn 5 năm sẽ hưởng 70% của mức lương tối thiểu;
- Thời gian đóng tiền liên tục tròn 5 năm nhưng chưa được 10 năm sẽ được hưởng 75% của mức lương tối thiểu;
- Thời gian đóng tiền liên tục tròn 10 năm nhưng chưa được 15 năm sẽ phát 80% của mức lương tối thiểu;
- Thời gian đóng tiền liên tục trên 15 năm nhưng chưa được 20 năm sẽ phát 85% của mức lương tối thiểu;
- Thời gian đóng tiền liên tục trên 20 năm sẽ phát 90% của mức lương tối thiểu (Điều 19).
Cũng như Bắc Kinh (Trung Quốc), ở Hà Lan trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp vừa căn cứ vào tiền lương tối thiểu vừa căn cứ vào mức lương cuối cùng trước khi bị thất nghiệp. Khác với các nước trên, một số nước mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp xác định theo tỷ lệ giảm dần so với tiền lương tháng cuối cùng như ở Cộng hoà Séc qui định: “Trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp được tính bằng 50% tiền lương tháng trong suốt 3 tháng làm việc đầu tiên; 40% cho 3 tháng tiếp theo; 60% trong trường hợp người lao động phải đào tạo lại”.
Ở Hungari mức trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp giảm dần theo thời gian thất nghiệp “Người thất nghiệp nhận được 70%lương thực lĩnh cho năm đầu tiên và 50% cho năm thứ hai” [129, tr. 167]. Chỉ riêng ở Anh là xác định một mức hưởng trợ cấp chung cho mọi đối tượng (32,75 bảng/tuần). Ngoài ra, một số nước cũng căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh gia đình để xác định mức hưởng trợ cấp như: Bỉ, Phần Lan...
Ngoài ra, mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp còn được xác định theo tỷ lệ lũy tiến điều hoà, có nghĩa là mức lương thấp thì được hưởng tỷ lệ trợ cấp cao và ngược lại. Phương pháp này nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người thất nghiệp và tránh tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Các nước thực hiện mức trợ cấp này có Áo, Canada và một số nước EU.
Như vậy, quá trình vận dụng của các nước tuy có sự khác nhau nhưng mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp thường không cao để khuyến khích người lao động tích cực tìm kiếm việc làm. Qua phân tích trên, cho thấy có 3 phương pháp xác định mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cơ bản hiện nay mà nước ta có thể tham khảo là:
- Phương pháp thứ nhất: Xác định theo một tỷ lệ đồng đều cho tất cả mọi người thất nghiệp căn cứ vào mức lương tối thiểu, mức lương bình quân cá nhân hay mức lương tháng cuối cùng.
- Phương pháp thứ hai: Xác định theo tỷ lệ lũy thoái; những tháng đầu được hưởng tỷ lệ cao, những tháng sau tỷ lệ thấp hơn.
- Phương pháp thứ ba: Xác định theo lũy tiến điều hoà, những người thuộc nhóm lương thấp thì được hưởng tỷ lệ cao và những người ở nhóm lương cao được hưởng tỷ lệ thấp.
Ngoài ra, có nước còn căn cứ vào số con trong gia đình, lao động trí óc, lao động chân tay, thành thị và nông thôn khi xác định mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
1.2.3. Thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp
Thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tối đa phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố tài chính, vào quỹ bảo hiểm và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ngoài ra còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế - xã hội khác. Trong các thời kỳ mà tỷ lệ thất nghiệp thấp, người lao động có khả năng tìm kiếm được việc làm và xuất hiện nhiều ngành nghề có mức cầu về lao động dễ hơn, thì thời hạn hưởng trợ cấp sẽ hạ thấp xuống. Ngược lại, vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, số người thất nghiệp gia tăng thì thời hạn hưởng được kéo dài, nhưng cũng chỉ có thể kéo dài trong phạm vi quĩ bảo hiểm thất nghiệp có thể chịu được.
Công ước số 102 của ILOqui định: “việcchi trả trợ cấp thất nghiệp có thể giới hạn ở 13 tuần trong thời kỳ 12 tháng, nếu người được bảo vệ là người làm công ăn lương; 26 tuần trong thời kỳ 12 tháng, nếu người được bảo vệ là người thường trú mà các phương tiện sinh sống trong khi trường hợp bảo vệ xảy ra không vượt quá giới hạn qui định” (khoản 1 Điều 24).
Còn theo Công ước số 168 của ILO thì có thể được “Giới hạn tới 26 tuần cho mỗi kỳ thất nghiệp, hoặc tới 39 tuần trong mỗi giai đoạn 24 tháng” (Điều 19). Tuy nhiên, ở các nước khác nhau thời gian trả trợ cấp có qui định khác nhau. Thông thường ở các nước, thời hạn hưởng khoảng từ 12 tuần đến 52 tuần lễ như: Cộng hoà liên bang Đức 13 tuần, Anh 24 tuần, Italia 180 ngày, Canada 36 tuần, Áo 20 tuần…Tuy nhiên, cũng có một số nước qui định thời gian để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp rất chặt chẽ. Chẳng hạn như: Trung Quốc qui định: trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trong vòng 12 tháng nếu người bị thất nghiệp đã đóng góp vào quĩ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ 1 đến 5 năm; những người đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 5 đến 10 năm thì hưởng trợ cấpthất nghiệp tối đa là 18 tháng. Những người đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 10 năm thì sẽ được nhận tối đa là 24 tháng. Khi người lao động lại bị thất nghiệp sau khi đã tìm được việc làm thì thời gian đóng góp cho quĩ sẽ được tính toán lại trên cơ sở xem xét khoảng thời gian họ đã nhận bảo hiểm thất nghiệp trước đây, tuy nhiên mức tối đa cũng không được vượt quá 24 tháng.
Theo: Lê Thị Hoài Thu
Link luận án: Tại đây