Vấn đề giải quyết việc làm cho người thất nghiệp
1.3.Vấn đề giải quyết việc làm cho người thất nghiệp
Dù xét ở góc độ nào đều thấy giữa chế độ bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết việc làm cómối quan hệ rất chặt chẽ. Đó là hai giai đoạn của một quá trình, hai mặt của sự thống nhất.
Giữa chế độ bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết việc làm mặc dù cách thức tổ chức thực hiện khác nhau nhưng đều có một mục tiêu chung là hướng về người lao động, tạo lập an sinh xã hội thông qua đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Nếu chế độ bảo hiểm thất nghiệp là việc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động thông qua các qui định về mức hưởng trợ cấp, thời gian hưởng và quyền của người lao động trong quá trình bảo hiểm, thì giải quyết việc làm chính là sự tiếp nối của bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm thất nghiệp còn là một trong những căn cứ quan trọng nhất có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách giải quyết việc làm của mỗi quốc gia. Trên cơ sở số lượng người thất nghiệp, mức đóng góp thất nghiệp, thời gian thụ hưởng để từ đó pháp luật bảo hiểm thất nghiệp có thể đưa ra các định hướng về tạo lập việc làm. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp thông qua những chỉ tiêu cụ thể đến cách thức tổ chức thực hiện, từ việc dạy nghề, tư vấn việc làm đến việc đưa người lao động trở lại thị trường lao động.
Mối quan hệ giữa chế độ bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết việc làm còn thể hiện ở chỗ, giai đoạn này là điều kiện của giai đoạn khác. Giải quyết tốt việc làm cho người lao động chính là góp phần giảm thiểu thất nghiệp. Và việc thực hiện đầy đủ những qui định về bảo hiểm thất nghiệp cũng góp phần phát triển một thị trường lao động lành mạnh.
Chế độ bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết việc làm xét ở góc độ pháp lý có cùng đối tượng đó là người lao động (ở trạng thái mất việc làm hoặc có việc làm). Chính vì thế, khi xây dựng các qui định về giải quyết việc làm cần đặc biệt chú ý đến các qui định về bảo hiểm thất nghiệp để có sự tiếp nối hài hoà giữa các nhóm qui định nhằm đạt được mục tiêu chung và tạo sự đồng bộ trong tổng thể các qui định pháp luật về lĩnh vực an sinh xã hội.
Ở các nước phát triển, bảo hiểm thất nghiệp chỉ được coi là một bộ phận của “ Bảo hiểm việc làm” và được hỗ trợ bằng những biện pháp “an ninh việc làm” qua hệ thống các cơ quan dịch vụ việc làm của Nhà nước. Mục đích của “bảo hiểm việc làm” là ngăn chặn thất nghiệp, ổn định điều kiện làm việc, tạo cơ hội việc làm, phát triển và hoàn thiện kỹ năng tay nghề của người lao động, đồng thời bù đắp thu nhập cho người thất nghiệp để họ duy trì cuộc sống và có điều kiện tìm việc làm mới phù hợp. Còn “an ninh việc làm” cung cấp dịch vụ tư vấn, hướng nghiệp, bố trí việc làm tạm thời, cung cấp lao động hoặc thông tin về chỗ làm trống.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của pháp luật về việc làm là quyền được làm việc của người dân. Người thất nghiệp thông qua việc vận dụng quyền này để có thể kiếm được việc làm và giải phóng khỏi sự lệ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp. Trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực này là rất quan trọng, nó giúp người thất nghiệp trở lại với thị trường lao động thông qua một số biện pháp cụ thể như: Hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho những người thất nghiệp; Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp nhận người thất nghiệp vào làm việc; Hỗ trợ kinh phí cho người thất nghiệp tự tạo việc làm; Tổ chức việc làm tạm thời cho người thất nghiệp; Thực hiện các hoạt động ngăn chặn thất nghiệp như đề xuất chỗ làm việc thêm trong các doanh nghiệp, giảm giờ làm, đào tạo nâng cao tay nghề, đào tạo lại, nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật và kỷ luật lao động.
Những phân tích trên cho thấy, chế độ bảo hiểm thất nghiệp có liên quan chặt chẽ đến giải quyết việc làm. Vì vậy, ngày nay các nước phát triển không coi chế độ bảo hiểm thất nghiệp chỉ là biện pháp giải quyết hậu quả của thất nghiệp một cách thụ động, mà coi bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách của thị trường lao động tích cực. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp không chỉ đơn thuần việc chi trả trợ cấp thất nghiệp mà còn thực hiện chức năng thúc đẩy, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, ngăn chặn thất nghiệp, bảo vệ việc làm, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho người lao động, tìm việc làm cho người thất nghiệp. Các hoạt động này gắn liền với thị trường lao động, với các hoạt động tạo việc làm
1.4. Mối quan hệ giữa chế độ bảo hiểm thất nghiệp với chế độ bảo hiểm xã hội
Khi nói về bảo hiểm xã hội, ILO cũng đưa ra Công ước 102 (1952) nhằm hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội trong đó có bảo hiểm xã hội, khuyến nghị các nước thành viên phải thực hiện một số chế độ bảo hiểm nhất định. Tại Điều 2 của công ước qui định: “Ít nhất là 3 phần trong 9 phần của bảo hiểm xã hội, bao gồm ít nhất là một trong các phần: trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tàn tật, trợ cấp tiền tuất”. Như vậy, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội. Với việc ban hành và thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp cho hệ thống bảo hiểm xã hội đầy đủ, toàn diện hơn, quyền lợi của người lao động được quan tâm hơn. Cũng có không ít quốc gia đã thành công với chế độ này từ rất sớm. Ví dụ như ở Vương quốc Anh, ngay từ năm 1911 đã thông qua Đạo luật quốc gia về bảo hiểm thất nghiệp theo loại hình bắt buộc, và là quốc gia đầu tiên áp dụng loại hình bảo hiểm này. Tiếp đến Italia, vào năm 1919, là nước thứ hai thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Sau đó, trong thập kỷ 20 có thêm một số nước châu Âu. Sang đến đầu năm 30 có thêm Canada, Hoa Kỳ, Thụy Điển…có thể nói, đây là những quốc gia đầu tiên nhận thức đúng đắn về vấn đề thất nghiệp. Họ đã nhanh chóng nghiên cứu để ban hành và thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp là một nhánh trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, ở một số nước phát triển không coi bảo hiểm thất nghiệp chỉ là một biện pháp giải quyết hậu quả của thất nghiệp một cách thụ động mà coi bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách của thị trường lao động tích cực, không chỉ đơn thuần việc chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp mà phải thực hiện các chức năng chủ yếu là thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, ngăn chặn thất nghiệp, bảo vệ việc làm, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho người lao động, tìm việc làm cho người thất nghiệp. Các hoạt động này gắn với thị trường lao động, với các hoạt động tạo việc làm.
Cũng như các chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành, chế độ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng khả năng khống chế và khắc phục hậu quả đối với các rủi ro, nó đảm bảo duy trì mức sống tối thiểu cho người lao động và ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các bên tham gia quan hệ lao động. Tuy thế bảo hiểm thất nghiệp còn là một chính sách nằm trong hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Xét về bản chất, cũng như các chế độ bảo hiểm xã hội khác, bảo hiểm thất nghiệp cũng bù đắp những rủi ro cho người lao động trong quan hệ lao động, nhưng bảo hiểm thất nghiệp có đối tượng, mục đích, cách thức giải quyết riêng so với bảo hiểm xã hội. Những điểm khác nhau cơ bản là:
- Về đối tượng, bảo hiểm thất nghiệp là những người trong độ tuổi lao động, có sức lao động, bị mất việc làm nhưng luôn sẵn sàng trở lại làm việc. Ngược lại, trong bảo hiểm xã hội, đối tượng được hưởng trợ cấp là những người đang làm việc và cả những người nghỉ hưu…
- Về mục đích, bảo hiểm thất nghiệp trợ giúp tài chính cho người lao động bị thất nghiệp để họ sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó mục đích thứ hai không kém phần quan trọng là tìm mọi cách đưa người thất nghiệp trở lại với thị trường lao động. Trong khi đó bảo hiểm xã hội có mục đích trợ cấp chủ yếu là nhằm bù đắp cho người lao động khi gặp phải các trường hợp bị ngừng hoặc bị mất thu nhập.
- Cách giải quyết, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ dừng ở việc thu và chi tiền bảo hiểm mà còn gắn liền với tình trạng cung cầu trên thị trường lao động, với các dòng di chuyển lao động. Bảo hiểm thất nghiệp đòi hỏi phải vừa nhận đăng ký thất nghiệp, kiểm tra các điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp của người đăng ký, vừa phải nắm chắc thông tin về thị trường lao động để môi giới, giới thiệu việc làm, đào tạo và đào tạo lại nghề hoặc tổ chức việc làm tạm thời cho người thất nghiệp. Bên cạnh đó còn thực hiện các chính sách hỗ trợ người thất nghiệp tự hành nghề, hỗ trợ các doanh nghiệp nhận người thất nghiệp vào làm việc. Chỉ khi đã làm đủ mọi biện pháp mà vẫn không bố trí được việc làm cho người lao động thì mới trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Đây là điểm khác biệt của hoạt động quản lý bảo hiểm thất nghiệp so với các loại hình bảo hiểm xã hội khác.
- Ngoài ra, bảo hiểm thất nghiệp còn liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác như: luật lao động, luật doanh nghiệp, luật phá sản, luật việc làm và chống thất nghiệp… khác với bảo hiểm xã hội tuy cùng xuất phát từ lĩnh vực xã hội, nhưng khi thực hiện lại chủ yếu thuộc lĩnh vực việc làm.
Chính vì sự khác nhau này mà hầu hết các nước trên thế giới, bảo hiểm thất nghiệp được tổ chức theo một hệ thống riêng độc lập với hệ thống bảo hiểm xã hội (các nước EU, OECD), chỉ có một số ít các nước thực hiện như một nhánh của bảo hiểm xã hội (Thái Lan, Cộng hoà liên bang Đức…). Một số nước như: Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đức, Italia, bên cạnh hệ thống bảo hiểm thất nghiệp còn có hệ thống trợ cấp thất nghiệp. Có những nước trợ cấp thất nghiệp do Tổ chức đại diện của người lao động (công đoàn) thực hiện, vừa do Nhà nước thực hiện.
Theo: Lê Thị Hoài Thu
Link luận án: Tại đây