Chế độ hỗ trợ người lao động mất việc làm trong nền kinh tế thị trường
2.1. Chế độ hỗ trợ người lao động mất việc làm trong nền kinh tế thị trường
2.1.1 Tình hình thất nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường, thất nghiệp là vấn đề mà tất cả các quốc gia đều phải đương đầu, dù là nước công nghiệp phát triển hay các nước đang phát triển. Trong những năm gần đây, tốc độ gia tăng số người đi tìm kiếm việc làm đã vượt xa số việc làm mới được tạo ra mỗi năm. Ngày 12/10/1999 được chọn là “Ngày dân số thế giới đạt 6 tỷ người”, thì cũng là lúc Chính phủ các nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hết sức bức xúc trong đó có vấn đề thất nghiệp. Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp theo khu vực trên thế giới có xu hướng gia tăng (xem phụ lục 4).
Khi chuyển sang cơ chế thị trường, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể, điểm nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và từng bước nâng cao…Tuy nhiên, những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã bộc lộ khá rõ, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp tăng lên nhiều, nếu năm 1989, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta là 5,73% thì đến năm 1999 là 7,40%. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, từ năm 2000 trở lại đây thất nghiệp ở nước ta có xu hướng giảm (xem phụ lục 5).
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cũng khác nhau giữa thành thị và nông thôn; đồng thời lại có sự chênh lệch lớn giữa các vùng trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nếu phân tích đầy đủ các hình thức thất nghiệp (như đã trình bày), tình trạng thất nghiệp ở nước ta có những hình thức và biểu hiện rất khác nhau. Nếu tính cả số lao động “thất nghiệp ẩn” như: về hưu non, trợ cấp một lần, thu nhập thấp của người lao động thì tỷ lệ thất nghiệp còn cao hơn nhiều. Có thể nói, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đang là vấn đề rất bức xúc hiện nay đối với nước ta. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và nước ta tham gia tự do hoá thương mại ở khu vực và tiến tới toàn cầu thì thị trường lao động của nước ta càng diễn biến phức tạp (xem phụ lục 6).
a) Thất nghiệp ở khu vực thành thị
Tình hình thất nghiệp ở thành thị diễn ra khá phức tạp (xem phụ lục 7). Tỷ lệ thất nghiệp có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Vùng đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất gần 7%; Tây Nguyên có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất xấp xỉ khoảng 5%. Mức chênh lệch về tỷ lệ thất nghiệp giữa hai vùng này khoảng 2%. Ngoài ra, một số thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, tình hình thất nghiệp khá nghiêm trọng. Năm 2004, trong số tám vùng trong cả nước, vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (6,03%); tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ (5,92%); Duyên hải Nam Trung Bộ (5,70%); thấp nhất là Tây nguyên (4,53%). Các vùng còn lại dao động từ 5,03% đến 5,30%. So với năm 2003, trừ vùng Tây Bắc và Duyên hải Nam Trung Bộ có tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị tăng nhẹ, còn các vùng khác đều giảm, nhưng mức giảm nói chung rất ít. Ở các tỉnh, thành phố lớn, tỷ lệ thất nghiệp đều giảm. Tuy nhiên, vẫn còn bốn tỉnh, thành phố [118, tr. 55] có tỷ lệ thất nghiệp khá cao (trên 6,0%) là Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số lao động thất nghiệp ở các thành thị, tỷ lệ cao nhất rơi vào nhóm người trẻ tuổi từ 15-24 tuổi và nhóm tuổi từ 25-34. Số người này chủ yếu là học sinh phổ thông chưa tốt nghiệp, sinh viên trung học và đại học ra trường muốn có việc nhưng không tìm được việc làm [1, tr. 51]. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng thất nghiệp này cũng được chỉ rõ trong báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2003), đó là số lượng người thất nghiệp ở độ tuổi 15-24 và 25- 34 chiếm tương ứng 74,9% và 62% số người thất nghiệp cả nước so với năm 2001 và 2002. Nói chung, tình hình thất nghiệp của thế hệ trẻ là mối quan tâm lớn đối với xã hội cũng như các nhà làm luật vì nó là nguyên nhân dẫn đến ma tuý, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác. Quá trình xây dựng pháp luật bảo hiểm thất nghiệp nên chăng phải chú ý đảm bảo sự chuyển đổi thông thoáng hơn từ đi học sang làm việc như học việc, học nghề, xây dựng các trung tâm giới thiệu việc làm có hiệu quả là rất cần thiết. Theo nghiên cứu của Phạm Xuân Nam: “Nếu như tỷ lệ chưa có việc làm của cả nước là 6,0% thì ở các khu vực thành thị, tỷ lệ này tăng lên tới 9 - 10%, thậm chí có nơi lên tới 12%. Trong số người chưa có việc làm thì 80% thuộc lứa tuổi thanh niên, mà phần lớn là những người chưa có tay nghề, thiếu vốn để tổ chức làm ăn. Một bộ phận người bị mất việc làm từ khu vực nhà nước (do tinh giảm biên chế), bộ đội xuất ngũ, lao động từ nước ngoài trở về…” [85, tr. 87 - 88]. Căn cứ vào sự đánh giá của các chuyên gia, một nước có tỷ lệ thất nghiệp dưới 3% là bình thường, từ 4% - 7% là cao và trên 9% là có xáo trộn nghiêm trọng, thì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị nước ta là đáng báo động. Bởi lẽ, trong khu vực thành thị, theo chúng tôi, thiếu việc làm tồn tại dưới dạng khác nhau như: làm công việc có năng suất thấp, hoặc làm việc chỉ nhằm có thu nhập để sống nhiều khi dưới mức sống tối thiểu, hoặc biên chế quá cồng kềnh trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Sức ép về việc làm và mặt trái của kinh tế thị trường đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp và bức xúc, ảnh hưởng không tốt đến phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá.
b) Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn
Ở nông thôn, tỷ lệ thời gian lao động được sử dụng của dân số hoạt động kinh tế thường xuyên mới đạt trên 70%. Năm cao nhất cả nước đạt 79,34% (2004), năm thấp nhất đạt 71,13% (1998) (xem phụ lục 8).
Vùng nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp rất thấp so với toàn quốc và cũng là thấp so với thành thị. Song, một đặc trưng nổi bật ở nông thôn là hiện tượng thiếu việc làm trở thành phổ biến, kéo dài và đáng lo ngại. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Hữu Dũng và Trần Hữu Trung cho thấy: chỉ có 28% lao động nông nghiệp làm 210 ngày/năm còn lại làm dưới 200 ngày/năm, trong đó, 2,1% chỉ làm việc 90 ngày/năm (mỗi ngày làm bình quân 4 - 5 giờ). Theo tính toán nếu căn cứ vào quĩ đất và làm thuần nông, lao động nông thôn dư thừa ít nhất khoảng 30% (tương đương 8 - 9 triệu người) [44, tr. 87]. Ngoài ra, theo số liệu thống kê Lao động - Việc làm ở Việt Nam 2003 còn cho thấy: toàn quốc có 2.817.144 người thiếu việc làm (chiếm 6,69% lực lượng lao động) và có 948.919 người thất nghiệp (chiếm 2,25%), trong đó khu vực thành thị có 429.471 người thiếu việc làm (chiếm 4,42% lực lượng lao động) và có 570.581 người thất nghiệp (chiếm 5,60%), còn khu vực nông thôn có 2.387.673 người thiếu việc làm (chiếm 7,48%) và 378.338 người thất nghiệp (chiếm 1,18%). Qua số liệu trên cho thấy: tình trạng thiếu việc làm là đặc trưng phổ biến của lao động nông thôn.
Hiện nay việc làm ở nông thôn phụ thuộc chủ yếu vào đất đai canh tác. Thiếu đất đai canh tác, ở mức độ nào đó đồng nghĩa với thiếu việc làm của lao động nông thôn và đặc biệt là lao động nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp, bình quân một hộ là 4.98 m2. Ở đồng bằng sông Cửu Long là 10.149m2. Tỷ lệ thấp nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ: 2.284m2, chênh lệch nhau tới 4,4 lần, nhiều hộ gia đình đã kết hợp phát triển nghề phụ hoặc đã chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp nhưng vẫn giữ lại đất nông nghiệp được giao và đăng ký là lao động nông nghiệp [117, tr. 51]. Dân số nước ta đứng thứ 13 trên thế giới, tốc độ tăng dân số tự nhiên là 1,4% [47, tr. 15] là một trong những nước có tỷ lệ tăng dân số vào loại cao. Do dân số tăng nhanh, diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp vì phải sử dụng vào mục đích dân sinh khác nên yêu cầu về lao động ở nông thôn còn rất yếu. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn diễn ra rất phổ biến trong cả nước. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động trong nông nghiệp ở nông thôn năm 2003 cao nhất ở vùng Tây Nguyên (80, 58%), song ngay tại vùng này vẫn còn 19,42% quĩ thời gian lao động chưa có đủ việc làm. Vùng Tây Bắc có tỷ lệ thời gian nhàn rỗi cao nhất cả nước, chiếm tới hơn 25% tổng qũi thời gian lao động. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc di cư của người nông thôn ra thành thị, không những làm cho dân số thành thị tăng nhanh (bình quân khoảng 4,3% năm) mà còn gia tăng sức ép về lao động.
Thất nghiệp và thiếu việc làm trong nền kinh tế nói chung và đặc biệt là khu vực nông thôn đã dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Phần đông các hộ đói nghèo không có việc làm và thu nhập không ổn định. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm rộng khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo, đẩy nhanh tốc độ phân cực xã hội. Phân hoá giàu nghèo về thu nhập tất yếu sẽ dẫn đến phân tầng về văn hoá, giáo dục và nguy cơ mất việc làm, hoặc không có việc làm của các hộ đói nghèo ngày càng lớn. Thực trạng thiếu việc làm ở nông thôn đi liền với các tệ nạn xã hội như: rượu, chè, hút xách, cờ bạc, trộm cắp, buôn lậu, mại dâm…Do vậy, thiếu việc làm trong nông thôn không chỉ làm lãng phí sức lao động, kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế mà còn làm băng hoại các giá trị văn hoá truyền thống và đạo đức xã hội.Vì vậy, phấn đấu giảm thấp tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta nói chung và đặc biệt ở khu vực nông thôn nói riêng là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
c) Thất nghiệp ở các đơn vị sản xuất kinh doanh
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) với mục tiêu thực hiện sự nghiệp đổi mới trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp nhà nước là đổi mới cơ chế quản lý, chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, thực hiện cắt giảm bao cấp về việc làm, chuyển từ cơ chế tuyển dụng biên chế sang cơ chế tự do tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế này đã tạo ra sự thông thoáng cho các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp có quyền tự quyết định số lượng cũng như chất lượng lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh. Chính sự chuyển đổi này đã đem lại luồng sinh khí cho doanh nghiệp nhà nước nhưng đồng thời cũng dẫn đến dư thừa một bộ phận lao động khoảng 70 vạn người [82, tr.156] vào cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90.
Quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước được thực hiện từ năm 1990 và trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (1990 - 1993) sắp xếp lại những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, hình thành những tiêu chuẩn, điều kiện cho các doanh nghiệp. Giai đoạn thứ hai (1994 - 1997), thành lập mới các tổng công ty nhà nước 90 và 91 trong những ngành, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, cổ phần hoá một số doanh nghiệp thực hiện luật doanh nghiệp. Giai đoạn thứ ba (1998 đến nay) tiếp tục củng cố và hoàn thiện các tổng công ty nhà nước, hoàn thiện cơ chế quản lý doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tiếp tục tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp, giao bán, khoán và cho thuê doanh nghiệp.
Tính đến 31/12/2002 số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trong các ngành kinh tế là 62.908 doanh nghiệp, trong đó khu vực nhà nước có 5.364 doanh nghiệp, giảm bình quân 3,5%/năm (2 năm giảm 395 doanh nghiệp) [24, tr. 7]. Quá trình đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu như: cơ cấu các doanh nghiệp đã được điều chỉnh hợp lý theo hướng nâng cao hiệu quả kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mặt khác nó cũng tạo ra một áp lực về lao động dôi dư.
Trong quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm của người lao động có xu hướng ngày càng tăng. Theo báo cáo của 3.960 doanh nghiệp trong năm 1998 thì số lao động không bố trí được việc làm ở 1.946 doanh nghiệp là 92.274 người, chiếm khoảng 9,1% số lao động hiện có trong các doanh nghiệp báo cáo. Các doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ có tỷ lệ lao động dôi dư cao, chiếm tới khoảng 15% tổng số lao động, gấp khoảng 2,5 lần các doanh nghiệp có qui mô vốn trên 5 tỷ đồng [86, tr. 45]. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (năm 2000) cả nước có khoảng 100.000 lao động dôi dư từ quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, nhưng không thể bố trí được việc làm, cũng như vẫn chưa được giải quyết theo chế độ hiện hành, tương ứng với khoảng 5,9% tổng số lao động hiện có trong các doanh nghiệp nhà nước khoảng 1,7 triệu người, xấp xỉ bằng con số của năm 1991 (trong khi số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm đi hơn một nửa). Năm 2000, số lao động không có việc làm thường xuyên và mất việc làm chiếm khoảng 20% có doanh nghiệp lên đến 40%.
Chỉ tính riêng trong năm 2003, tổng số lao động dôi dư mà các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ kinh phí là 18.760 người (chiếm 21,13% trong tổng số lao động hiện có của doanh nghiệp). Điều cần quan tâm là trong số lao động này có đến 80% số người trong độ tuổi lao động [55, tr. 52]. Báo cáo của Dự án hỗ trợ kỹ thuật quỹ lao động dôi dư và ngân hàng Thế giới thì: “69% lao động dôi dư có trình độ học vấn cao” (báo cáo tại hội nghị ngày 26/11/2003 tại Hà Nội). Do vậy, việc đào tạo, đào tạo lại và hỗ trợ số lao động này tìm việc làm như thế nào để họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động cũng là một thách thức lớn. Nếu theo tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, năm 2005 sẽ có khoảng 25 vạn người lao động trong diện dôi dư cần được bố trí việc làm, ngoài ra còn phải kể đến bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường sẽ góp thêm vào số người cần giải quyết việc làm hàng năm. Đó là chưa thể lường hết được những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, chồng chất những món nợ quá lớn như công ty dệt Long An, một đơn vị có bề dày truyền thống, đã một thời được coi là niềm tự hào của địa phương nay phải đóng cửa, tan đàn sẻ nghé, đi kèm theo đó là bao nhiêu hệ lụy. Việc “khai tử “ công ty dệt Long An với gần 1.000 công nhân chới với [9] cùng với bao nhiêu doanh nghiệp khác đang là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Mặt khác, yêu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp khi bước vào hội nhập WTO, AFTA cũng sẽ tiếp tục làm cho lao động dôi dư trong khu vực sản xuất kinh doanh tăng lên. Như vậy, sức ép về lao động dôi dư sẽ ngày càng tăng.
Theo: Lê Thị Hoài Thu
Link luận án: Tại đây