Đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật về mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại
3.8. Đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật về mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại
Qua nghiên cứu hai trường hợp mua lại, sáp nhập NHTM đã thực hiện trong năm 2012 và năm 2015, đồng thời tìm hiểu, phân tích thêm một số trường hợp mua lại, sáp nhập NHTM trong thời gian gần đây, có thể đánh giá khái quát thực tiễn thực hiện pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM ở Việt Nam hiện nay như sau:
Một là, các trường hợp mua lại, sáp nhập tự nguyện đều thực hiện theo lộ trình tái cơ cấu ngân hàng của NHNN và định hướng phát triển của các NHTM. Các bên tham gia mua lại, sáp nhập đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, báo cáo đại hội đồng cổ đông. Phương án mua lại, sáp nhập của các NHTM được cơ quan quản lý ngân hàng chấp thuận. Các NHTM sau mua lại, sáp nhập đều hoạt động có hiệu quả, theo đúng lộ trình đề ra trong đề án mua lại, sáp nhập được phê duyệt. Việc vận dụng pháp luật về mua lại, sáp nhập bước đầu đáp ứng được yêu cầu để thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, tuy rằng một số quy định pháp lý còn thiếu, chưa đồng bộ và chặt chẽ.
Hai là, do việc vận dụng pháp luật phức tạp, thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên các NHTM thực hiện mua lại, sáp nhập không tự mình thực hiện được tất cả các nội dung, yêu cầu của pháp luật về mua lại, sáp nhập mà phải thông qua các công ty tư vấn, luật sư để xây dựng phương án mua lại, sáp nhập, thẩm định pháp lý, lập hồ sơ và tiến hành các trình tự, thủ tục để thực hiện thương vụ mua lại, sáp nhập.
Ba là, trên cơ sở tìm hiểu, trao đổi và nhận được sự đồng thuận của ban lãnh đạo các bên tham gia mua lại, sáp nhập, các bên mua lại, nhận sáp nhập đã có những thông tin liên quan đến ngân hàng mục tiêu, khẳng định được rằng, NHTM mục tiêu được hình thành, quản lý và sở hữu một cách hợp pháp, không là đối tượng của các thủ tục giải thể, phá sản… Các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà NHTM mục tiêu đã xác lập là phù hợp với pháp luật. Các ngân hàng mua lại, nhận sáp nhập đã hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ pháp lý, chế độ pháp lý đối với các loại tài sản, hợp đồng lao động, hồ sơ đất đai, đầu tư… của NHTM mục tiêu. Qua đó giúp nhận diện được các yếu tố rủi ro để có giải pháp loại trừ. Những vấn đề này được trình bày trong dự thảo đề án mua lại, sáp nhập; hợp đồng mua lại, sáp nhập; điều lệ của NHTM nhận sáp nhập.
Bốn là, các trường hợp mua lại, sáp nhập NHTM theo hình thức tự nguyện cơ bản đều tuân thủ quy định về nguyên tắc mua lại, sáp nhập; các hình thức mua lại, sáp nhập; bố cáo mua lại, sáp nhập; điều kiện để được mua lại, sáp nhập; trình tự, thủ tục mua lại, sáp nhập; hồ sơ đề nghị mua lại, sáp nhập; đề án mua lại, sáp nhập theo quy định hiện hành về việc mua lại, sáp nhập TCTD. Hợp đồng mua lại, sáp nhập đã được soạn thảo chặt chẽ, có các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, về tính hợp pháp và trách nhiệm của các bên đối với các giao dịch và nghĩa vụ xác lập trước thời điểm mua lại, sáp nhập; những rủi ro đã được nhận diện, khoanh vùng cùng phương án loại trừ và/hoặc chuyển giao một cách có điều kiện những rủi ro đó sang NHTM mua lại, nhận sáp nhập… Do việc chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình tư vấn pháp lý, thẩm định pháp lý được chú trọng đã giúp hoạt động mua lại, sáp nhập diễn ra thuận lợi và cũng là điều kiện để thương vụ mua lại, sáp nhập NHTM được công nhận tính hợp pháp và hợp lệ.
Năm là, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến mua lại, sáp nhập như NHNN, UBCKNN, UBND tỉnh, thành phố nơi có NHTM đặt trụ sở, chi nhánh đã thực hiện nhanh chóng, có trách nhiệm các nội dung phải thực thi theo quy định, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các NHTM trong quá trình mua lại, sáp nhập. NHNN và các cơ quan quản lý đã theo dõi chặt chẽ hoạt động của các NHTM sau mua lại, sáp nhập để có thể can thiệp, hỗ trợ, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của người dân và không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ ngân hàng. NHNN sẵn sàng hỗ trợ về mặt thanh khoản trong trường hợp ngân hàng sau mua lại, sáp nhập gặp khó khăn về thanh khoản. NHNN đã chỉ định công ty kiểm toán độc lập quốc tế để có số liệu khách quan, làm căn cứ ban hành quyết định mua lại, sáp nhập. Sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong quá trình mua lại, sáp nhập được cho là rất quan trọng dẫn đến thành công của các thương vụ mua lại, sáp nhập NHTM, giúp tiết tiệm thời gian, chi phí, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Sáu là, việc công bố thông tin khi thực hiện mua lại, sáp nhập NHTM theo hình thức tự nguyện bước đầu đã đáp ứng yêu cầu pháp luật, nhưng việc công bố thông tin khi NHNN buộc mua lại, sáp nhập NHTM yếu kém còn chưa kịp thời, không đầy đủ và liên tục đã gây ra những tranh luận không cần thiết đối với xã hội. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó cho thấy sự can thiệp của nhà nước đối với các ngân hàng yếu kém là mang tính khách quan, bình đẳng và minh bạch.
Trên thực tế, nhiều thông tin về mua lại, sáp nhập NHTM trong quá trình thực hiện được báo chí đăng tải, suy đoán, có trường hợp khi thực hiện đàm phán đã bị rò rỉ thông tin. Trách nhiệm pháp lý của các đối tượng cung cấp thông tin về việc đàm phán chưa rõ ràng. Thông tin về việc kiểm soát đặc biệt đối với VNCB được chính thức công bố tại đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng này [99], là một trong những hình thức công bố thông tin kiểm soát đặc biệt quy định tại Điều 7, Thông tư số 07/2013/TT-NHNN ngày 14/3/2013 của NHNN. Tuy nhiên do trên các phương tiện thông tin đại chúng không có thông tin chính thức nào về việc kiểm soát đặc biệt VNCB tại thời điểm này, những thông tin chính thức về cơ sở pháp lý, thực trạng VNCB còn thiếu, chưa kịp thời, rõ ràng, minh bạch trong khi vấn đề NHNN mua lại bắt buộc VNCB tại thời điểm này được dư luận đặc biệt quan tâm. Các NHTM không tuân thủ kỷ luật công bố thông tin nghiêm túc, nên chỉ khi NHNN tuyên bố mua lại thì các cổ đông nhỏ lẻ mới được biết.
Theo: Phạm Minh Sơn
Link luận án: Tại đây