0888889366
Tra cứu thông tin hợp đồng
timeline_post_file647f068a43076-hayffield-l-BirhKMoZEAU-unsplash.jpg.webp

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẠ LONG, TỈNH QUẢNG NINH

2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Thành phố Hạ Long và tổng quát về 

Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của Thành phố Hạ Long  - Điều kiện tự nhiên:  

Thành phố Hạ Long nằm ở trung tâm của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích đất tự nhiên là 27.195,03ha, có quốc lộ 18A chạy qua tạo thành chiều dài của thành phố, có cảng biển, có bờ biển dài 50km, có vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới với diện tích 434km2. 

Thành phố Hạ Long có địa hình đa dạng và phức tạp, là một trong những khu vực hình thành lâu đời nhất trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đồi núi, thung lũng, vùng ven biển và hải đảo, được chia thành 3 vùng rõ rệt: 

Vùng đồi núi bao bọc phía bắc và đông bắc (phía bắc quốc lộ 18A) chiếm 70% diện tích đất của Thành phố, có độ cao trung bình từ 150m đến 250m, chạy dài từ Yên Lập đến Hà Tu, đỉnh cao nhất là 504m. Dải đồi núi này thấp dần về phía biển, độ dốc trung bình từ 15-20%, xen giữa là các thung lũng nhỏ hẹp. 

Vùng ven biển ở phía nam quốc lộ 18A, độ cao trung bình từ 0,5m đến 5m. 

Vùng hải đảo là toàn bộ vùng vịnh, với gần hòn đảo lớn nhỏ, chủ yếu là đảo đá. Riêng đảo Tuần Châu, rộng trên 400ha nay đã có đường nối với quốc lộ 18A dài khoảng 2km. 

Thành phố Hạ Long thuộc khí hậu vùng ven biển, mỗi năm có 2 mùa rõ rệt, mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10. 

Nhiệt độ trung bình hằng năm là 23,70C, dao động không lớn, từ 16,70C đến 28,60C. Về mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là 34,90C, nóng nhất đến 380C. Về mùa đông, nhiệt độ trung bình thấp là 13,70C rét nhất là 50C. 

  • Dân cư: 

Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, bao gồm 20 phường: Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu, Hồng Hải, Cao Thắng, Cao Xanh, Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Hòn Gai, Bãi Cháy, Hồng Hà, Hà Khẩu, Giếng Đáy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Việt Hưng, Đại Yên. Năm 2017: Dân số của thành phố Hạ Long là 240.800 người, mật độ trung bình đạt 874,0 người/km2 (theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017). 

  • Tài nguyên khoáng sản: Đối với địa bàn thành phố Hạ Long bao gồm chủ yếu là than đá và nguyên vật liệu xây dựng. Tổng trữ lượng than đá đã thăm dò được đến thời điểm này là trên 530 triệu tấn, nằm ở phía bắc và đông bắc Thành phố trên địa bàn các phường Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu (Đại Yên và Việt Hưng nằm trong vùng cấm hoạt động khoáng sản.  
  • Tài nguyên rừng: Theo số liệu thống kê tính đến hết năm 2009, trên địa bàn thành phố có tổng diện tích đất rừng là 5.862,08ha/ tổng diện tích thành phố là 27.153,40ha. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt: 21,58 %. Trong đó rừng trồng 5.445,69ha và rừng tự nhiên 416,39ha (bao gồm: rừng gỗ 27,94ha, rừng tre nứa 17,31ha, rừng ngập mặn 371,14ha). Bên cạnh đó là tài nguyên rừng của Vịnh Hạ Long rất phong phú, đặc trưng với tổng số loài thực vật sống trên các đảo, núi đá khoảng trên 1.000 loài. Một số quần xã các loài thực vật khác nhau bao gồm các loài ngập mặn, các loài thực vật ở bờ cát ven đảo, các loài mọc trên sườn núi và vách đá, trên đỉnh núi hoặc mọc ở của hang hay khe đá.  
  • Tài nguyên biển: Do lợi thế có vịnh Hạ Long hai lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Với tổng diện tích 1.553km2 bao gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Với nhiều hang động đẹp và huyền ảo như hang Bồ Nâu, Trinh Nữ, Sửng Sốt, Đầu Gỗ, Thiên Cung, Tam Cung, Mê Cung đã đưa danh tiếng của vịnh Hạ Long là một trong những điểm du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới… 

 Đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long 

  • Tăng trưởng kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hạ Long giai đoạn 2015 - 2017 bình quân đạt 14,5%/ năm. Thu nhập bình quân đầu người tính riêng năm 2017 đã đạt trên 8.000 USD/người/năm. 
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Theo thống kê của Thành phố Hạ Long, những năm qua cơ cấu kinh tế của thành phố đã có sự chuyển dịch tích cực và đúng hướng, tỷ trọng khu vực dịch vụ năm 2017 đạt 55,7%; công nghiệp - xây dựng 43,5%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,8%. 

Sau 5 năm trở thành đô thị loại I, với quyết tâm xây dựng Hạ Long đi lên theo hướng hiện đại. Trong thời gian tới, cùng với việc xây dựng thành phố du lịch, mục tiêu xây dựng Thành phố Hạ Long trở thành thành phố thông minh cũng là chiến lược đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

2.1.2. Tổng quát về Tòa án nhân dân Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 

Toà án nhân dân Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là cơ quan xét xử cấp dưới của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Trong quá trình công tác, Toà án nhân dân thành phố Hạ Long có một số thuận lợi cơ bản như: là thành phố trung tâm của tỉnh, trình độ dân trí khá cao; gần các cơ quan, ban ngành của tỉnh, việc cập nhật thông tin, chính sách và pháp luật tương đối nhanh chóng; thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Toà án tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương; đội ngũ cán bộ có trình độ đồng đều và từng bước được nâng cao, nhiều cán bộ đảng viên có nhiều kinh nghiệm công tác, có phẩm chất và tinh thần trách nhiệm cao, biết khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. 

Toà án nhân dân thành phố Hạ Long hiện có 44 cán bộ công chức, trong đó có 19 thẩm phán, 22 thư ký và 03 cán bộ nghiệp vụ. Toàn bộ thẩm phán và thư ký 100% có trình độ đại học, có 12 đồng chí có trình độ cao học. Về tổ chức Đảng, cơ quan có Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy Hạ Long với 38 đảng viên, sinh hoạt tại 03 chi bộ trực thuộc. Về đoàn thể, có Công đoàn cơ sở, Chi đoàn thanh niên, Chi Hội luật gia. 

2.2. Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án  

2.2.1. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án 

Các vụ án giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng tại Tòa án được quy định 

theo BLTTDS đòi hỏi các đương sự tham gia và người tiến hành tố tụng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau: 

  • Thứ nhất, nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự (Điều 5, BLTTDS năm 2015). 
  • Thứ hai, nguyên tắc các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh (Điều 6, BLTTDS năm 2015). 
  • Thứ ba, nguyên tắc bình đẳng quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự (Điều 8, BLTTDS năm 2015). 
  • Thứ tư, nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 9, BLTTDS năm 2015). 
  • Thứ năm, nguyên tắc hoà giải (Điều 10, BLTTDS năm 2015). 
  • Thứ sáu, nguyên tắc xét xử vụ án dân sự phải có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 11, BLTTDS năm 2015). 

2.2.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án 

Thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng theo quy định của BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, BLTTDS năm 2015. Cụ thể thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết các tranh chấp HĐTD gồm thẩm quyền theo cấp tòa án, thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn.Thẩm quyền theo cấp tòa án gồm Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao; TAND cấp cao; TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện được quy định tại Điều 35,36,37,38 BLTTDS năm 2015; thẩm quyền theo vụ việc được quy định tại Điều 30, 31 BLTTDS năm 2015; thẩm quyền theo lãnh thổ được quy định tại Điều 39 BLTTDS năm 2015. 

Thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD được pháp luật quy định như sau: 

  • TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là TAND cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp phát sinh từ HĐTD mà không có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, tức là tranh chấp phát sinh từ HĐTD không có yếu tố nước ngoài (Điều 35, BLTTDS năm 2015). 
  • TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là TAND cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp phát sinh từ HĐTD mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài, tức là tranh chấp phát sinh từ HĐTD có yếu tố nước ngoài (Điều 37, BLTTDS năm 2015). Theo điểm a, Khoản 3, Điều 38, BLTTDS năm 2015 quy định: “Toà Kinh tế TAND cấp tỉnh giải quyết tranh chấp phát sinh HĐTD nếu tranh chấp này là tranh chấp kinh doanh thương mại”. Theo điểm a, Khoản 1, Điều 38, BLTTDS năm 2015 quy định: “Tòa dân sự TAND cấp tỉnh giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD nếu tranh chấp này là tranh chấp về hợp đồng dân sự. Trong trường hợp không xác định được đó là loại tranh chấp nào, có nghĩa là không xác định được tranh chấp đó thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa chuyên trách nào thì Chánh án TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phân công cho một Tòa chuyên trách giải quyết theo thủ tục chung”. 

Bên cạnh việc quy định thẩm quyền theo vụ việc thì BLTTDS năm 2015 còn quy định thẩm quyền theo lãnh thổ, theo sự lựa chọn của nguyên đơn để phân chia việc giải quyết án giữa Tòa án các cấp, giữa các Tòa chuyên trách với nhau được tương xứng. Để xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi giải quyết các tranh chấp phát sinh từ HĐTD, Tòa án phải xác định cho được yêu cầu của đương sự thuộc nhóm quan hệ tranh chấp kinh doanh thương mại hay tranh chấp về hợp đồng dân sự, từ đó có sự phân định thẩm quyền giữa Tòa án với nhau (Điều 40, BLTTDS năm 2015). 

Tuy nhiên, để xác định vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án hay không, trước hết Toà án phải xem xét thoả thuận giải quyết tranh chấp của các bên chọn ban đầu hoặc sau khi xảy ra tranh chấp là TAND hay trọng tài thương mại. 

Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được. Như vậy, nếu các bên đã có thoả thuận trọng tài hợp lệ thì việc giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Tòa án. 

2.2.3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án 

- Giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án: 

Khởi kiện vụ án tranh chấp HĐTD ngân hàng được hiểu là việc cá nhân, pháp nhân làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp HĐTD để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình đang bị tranh chấp hay vi phạm. 

Quyền khởi kiện vụ án: BLTTDS năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây  gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” (Điều 186, BLTTDS năm 2015). 

  Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, bên khởi kiện (nguyên đơn) phải chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và nộp tại TAND có thẩm quyền. Hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải đáp ứng đầy đủ hai yêu cầu về hình thức và nội dung: Về hình thức, đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện, tên Tòa án yêu cầu giải quyết và người ký trong đơn kiện phải đúng thẩm quyền. Về nội dung, đơn khởi kiện phải có đầy đủ các nội dung như: thông tin về nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tóm tắt nội dung vụ kiện, yêu cầu cụ thể của nguyên đơn. Nội dung của đơn khởi kiện phải trình bày đầy đủ, ngắn gọn, rõ ràng. Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Chính vì vậy, ngay từ khi nộp đơn kiện, kèm theo đơn khởi kiện thì nguyên đơn cần phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tòa án chỉ tự mình thu thập chứng cứ trong một số trường hợp nhất định. 

Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức như nộp trực tiếp tại Tòa án, theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện thử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (Khoản 1, Điều 190, BLTTDS năm 2015).  

Thụ lý vụ án được hiểu là việc Tòa án có thẩm quyền chấp nhận đơn của người khởi kiện và nghi vào sổ thụ lý vụ án để giải quyết. 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Sau khi xem xét thấy có đủ các điều kiện thụ lý vụ án như: Người khởi kiện có quyền khởi kiện, sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, sự việc không được các bên thoả thuận giải quyết bằng thủ tục trọng tài thương mại thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai nộp tạm ứng án phí.Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí và ghi vào sổ thụ lý. Như vậy vụ án đã được đưa vào quy trình giải quyết của Tòa án. Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (Điều 195, BLTTDS năm 2015). 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Có nghĩa là trong thời gian 03 ngày người nộp đơn xuất trình cho Tòa án biên lai nộp tạm ứng án phí thì Chánh án Toà án mới phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế thì khi nhận đơn khởi kiện Chánh án Tòa án phân công ngay cho Thẩm phán thụ lý.Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Văn bản thông báo phải đảm bảo các nội dung được quy định tại Khoản 2, Điều 196, BLTTDS năm 2015. 

- Giai đoạn hoà giải và chuẩn bị xét xử: 

Ở giai đoạn này, hồ sơ sẽ được Thẩm phán thụ lý nghiên cứu để tiến hành xét xử vụ án và Thẩm phán thụ lý có thể yêu cầu các bên thực hiện các công việc sau: yêu cầu các bên xuất trình thêm các giấy tờ, tài liệu cần thiết liên quan đến vụ việc; triệu tập lên Tòa án để lấy lời khai hoặc để đối chất; triệu tập các đương sự đến tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trước khi tiến hành phiên hoà giải, Tòa án phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, nội dung các vấn đề cần hòa giải. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc: tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. 

+ Thành phần phiên hòa giải gồm: Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải, thư ký tòa án ghi biên bản hòa giải, các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự, người phiên dịch (nếu đương sự không biết tiếng Việt). Trong một vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt trong phiên hòa giải, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc hòa giải đó không ảnh  hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hòa giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên hòa giải và việc mở lại phiên họp cho các đương sự (Điều 209, BLTTDS năm 2015). 

+ Trình tự tiến hành hòa giải: Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc hòa giải được thư ký Tòa án ghi vào biên bản và biên bản hòa giải phải có các nội dung chính quy định tại Điều 211, BLTTDS năm 2015. Biên bản hòa giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hòa giải, chữ ký của thư ký Tòa án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải. Khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải (Điều 211, BLTTDS năm 2015). 

Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy hầu hết các quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự do Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải ra quyết định. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Nếu như các bên hòa giải không thành thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử công khai hoặc xét xử kín để đảm bảo bí mật cho các bên khi các bên yêu cầu và được Tòa án chấp thuận (Điều 212, BLTTDS năm 2015). 

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng được quy định như sau: Đối với tranh chấp HĐTD ngân hàng là loại tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Ngoài ra, đối với các loại tranh chấp HĐTD mà có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 01 tháng. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tuỳ từng trường hợp, ngoài quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án ra một trong các quyết định sau đây: Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đưa vụ án ra xét xử. 

  • Giai đoạn xét xử sơ thẩm: Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng theo luật định thì thời hạn này là 02 tháng. 

Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra theo trình tự thủ tục: chuẩn bị khai mạc phiên tòa, thủ tục hỏi tại phiên tòa, tranh tụng tại phiên tòa, nghị án và tuyên án được quy định từ Điều 222 đến Điều 269, BLTTDS năm 2015. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử gồm có: một Thẩm phán là Chủ tọa, hai Hội thẩm nhân dân. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.  

  • Giai đoạn xét xử phúc thẩm: Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. 

Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án (Điều 273, BLTTDS năm 2015). 

Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án (Điều 280, BLTTDS năm 2015). 

Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Toà án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm (Điều 274, BLTTDS năm 2015). 

Trong thời hạn 10 kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng (Điều 276, BLTTDS năm 2015). 

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có một Thẩm phán phân công làm chủ tọa phiên tòa và hai Thẩm phán (Điều 285, BLTTDS năm 2015). 

Trình tự thủ tục giống phiên toà sơ thẩm chỉ khác là quyết định của phiên toà 

phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định. Khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, các bên phải tự nguyện thi hành. Nếu một bên không tự nguyện thi hành, bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành. Bên được thi hành án làm đơn gửi tới cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh, thành phố đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do Tòa án cấp tỉnh, thành phố tuyên.Trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do Tòa án cấp quận, huyện tuyên thì bên được thi hành án làm đơn đề nghị thi hành án gửi tới đội thi hành án dân sự thuộc quận, huyện. Bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án cư trú (nếu người phải thi hành án là cá nhân) hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi bên phải thi hành án có trụ sở hoặc nơi có tài sản (nếu bên phải thi hành án là pháp nhân). 

- Giai đoạn xem xét lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực: gồm có thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Ngoài thủ tục sơ thẩm và thủ tục phúc thẩm, giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Toà án còn có hai thủ tục nữa đó là: Thủ tục Giám đốc thẩm và Thủ tục tái thẩm. 

+ Thủ tục Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 326, BLTTDS năm 2015. 

+ Thủ tục Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352, BLTTDS năm 2015. 

2.3. Thực trạng xét xử tranh chấp về hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 

2.3.1. Những kết quả đạt đƣợc trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 

Tranh chấp HĐTD ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tranh chấp liên quan đến hợp đồng tại TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ một trong những đặc trưng cơ bản của HĐTD là sự chứa đựng nguy cơ rủi ro rất lớn đối với quyền lợi của bên cho vay vì theo cam kết trong HĐTD bên cho vay chỉ có thể đòi tiền của bên vay sau một thời hạn nhất định, nếu thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro càng lớn, vì thế mà các tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng cũng thường xảy ra với số lượng và tỷ lệ lớn 

hơn so với các hợp đồng khác được giải quyết tại Tòa án. 

Dưới đây là số liệu thống kê các vụ án về tranh chấp HĐTD ngân hàng của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2019: 

Bảng số liệu thống kê các vụ án xét xử sở thẩm về tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: 

Năm 

Thụ lý 

(vụ) 

Số vụ án đã giải quyết Số vụ án còn lại 

Tỷ lệ  giải quyết 

(%) 

Tạm 

đình chỉ 

Chuyển Hồ sơ Đình chỉ Công nhận thỏa thuận Xét xử 
2015 50 02 01 02 25 15 05 90% 
2016 61 02 01 01 36 18 03 95% 
2017 70 03 01 02 34 25 05 93% 
2018 78 02 02 03 38 29 04 95% 
6T/2019 22 00 00 02 09 10 01 95% 

Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tổng kết hoạt động của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh năm 2015, năm 2016, năm 2017, năm 2018, 6 tháng đầu năm 2019. 

 Theo số liệu thống kê của TAND thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, từ 2015 đến năm 2018, các tranh chấp HĐTD ngân hàng có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Năm 2015 là 50 vụ, năm 2016 là 61 vụ (tăng 11 vụ), năm 2017 là 70 vụ (tăng 9 vụ); năm 2018 là 78 vụ (tăng 8 vụ). Thực tế các tranh chấp HĐTD ngân hàng càng ngày một tăng lên càng cao do tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều rủi ro. Điều này gây khó khăn đến kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đặc biệt là khu vực thành phố Hạ Long chịu ảnh hưởng sâu sác bởi các biến động về kinh tế, chính trị trong thời gian này. 

Nguyên nhân của sự gia tăng các tranh chấp phát sinh HĐTD ngân hàng này xuất phát từ một trong những đối tượng cơ bản của HĐTD ngân hàng nói chung đó là kinh doanh tiền tệ. Sự gia tăng này một mặt phản ánh đúng thực trạng tranh chấp hiện nay. Đây là một trong những đối tượng kinh doanh luôn tiềm ẩn những nguy  cơ rủi ro rất lớn đối với quyền lợi của các NHTM. Theo cam kết trong HĐTD ngân hàng thì ngân hàng chỉ có thể đòi tiền của khách hàng sau một thời hạn giải ngân nhất định, nếu thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro càng lớn, vì thế mà các tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng cũng thường xuyên xảy ra với số lượng và tỷ lệ lớn hơn so với các loại hợp đồng dân sự khác. 

Mặt khác, trong giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ giải quyết các vụ tranh HĐTD ngân hàng cũng tăng lên, cụ thể năm 2015, số vụ án được giải quyết 45 vụ trong tổng số số vụ án được thụ lý là 50 (chiếm 90%); trong năm 2016, số vụ án được giải quyết 58 vụ trong tổng số vụ án được thụ lý 61 (chiếm 95%); trong năm 2017, số vụ án được giải quyết 65 vụ trong tổng số thụ lý 70 vụ (chiếm  93%); trong năm 2018, số vụ án được giải quyết 74 vụ trong tổng số thụ lý 78 vụ (chiếm  95%). Điều này thể hiện, chất lượng giải quyết các tranh chấp HĐTD của TAND thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh ngày càng tăng cao, trong đó phải kể đến công tác hòa giải thành, năm cao nhất đạt 59% (2016), và thấp nhất 48,5% (năm 2017). Điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải ngày càng được chú trọng. 

Nhìn chung, các vụ án tranh chấp HĐTD ngân hàng tại TAND thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh là tranh chấp giữa ngân hàng và cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đi vay. HĐTD ngân hàng đảm bảo tính pháp lý, nội dung chặt chẽ nên thuận lợi cho việc giải quyết vụ án phù hợp với trình độ chuyên môn của thẩm phán, dễ dàng đưa ra đường lối giải quyết và ra bản án phù hợp với quy định của pháp luật. 

2.3.2. Hạn chế trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thông qua một số vụ 

việc tiêu biểu 

Thứ nhất: Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng ngân hàng thì tranh chấp đòi nợ số tiền gốc quá hạn và số tiền lãi vay là dạng tranh chấp phổ biến nhất tại Tòa án. 

Trên thực tế với những vụ án tranh chấp về số tiền gốc và tiền lãi của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khi xét xử Tòa án chỉ căn cứ chung vào thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng của hai bên mà tuyên buộc bên vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận ban đầu của hai bên. Do đó bên vay đã dựa việc quy định về lãi suất của BLDS khi xảy ra tranh chấp mà hai bên không tự thỏa thuận được phần lãi suất vay để được áp dụng mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm vay như hiện nay là điều kiện để bên vay lợi dụng phát sinh tranh chấp khi không còn khả năng thanh toán với TCTD. Sự kiện này không phù hợp với chủ trương tự do thỏa thuận lãi suất cho vay mà TCTD đang phấn đấu thực hiện và có thể vi phạm cơ chế lãi suất tự do thỏa thuận mà Chính phủ đã chỉ đạo các TCTD thực hiện. Dưới đây là các vụ án điển hình: 

Vụ án 1: Tranh chấp hợp đồng tín dụng về phần gốc phải trả giữa các đương sự: 

  • Nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; 
  • Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu; 
  • Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: ông Bùi Tiến Lưu, bà Hoàng Thị Châu, ông Bùi Văn Sáu, bà Hoàng Thị Vân. 

Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2013, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu đã ký kết 02 HĐTD với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Hoành Bồ Quảng Ninh để vay tổng số tiền 3.000.000.000VNĐ với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bắt đầu từ tháng 4 năm 2015 Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu đã không trả được nợ theo HĐTD và đã vi phạm hợp đồng, mặc dù đã được Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam- chi nhánh Hoành Bồ Quảng Ninh làm việc, đôn đốc nhắc nhở yêu cầu trả nợ nhiều lần. Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu đã đề nghị và được Ngân hàng chấp thuận cho Công ty điều chỉnh kỳ hạn nợ để kéo dài thời gian trả nợ nhưng Công ty vẫn không trả nợ. Nay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam khởi kiện yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo như HĐTD đã ký số tiền nợ gốc: 900.000.000VNĐ và nợ lãi tạm tính đến hết ngày 20/4/2016 là 236.412.019 VNĐ. Tổng cộng số tiền nợ gốc, lãi: 1.136.412.019 VNĐ. Nếu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu không trả được nợ, Ngân hàng đề nghị xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba đảm bảo cho việc thi hành án. 

TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành bản án sơ thẩm số 12/2016/KDTM – ST ngày 10/7/2016: Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc 

Minh Châu phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam số tiền nợ gốc 900.000.000VNĐ và số tiền nợ lãi tính đến hết ngày 20/4/2016 là 236.412.019 VNĐ. Tổng cộng số tiền nợ gốc, lãi tính đến hết ngày 20/4/2016 là 1.136.412.019 VNĐ. Duy trì các hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba để đảm bảo khoản vay của Ngân hàng. 

Sau đó, ngày 15/7/2016 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu đại điện là ông Bùi Tiến Lưu có đơn kháng cáo với nội dung: Không đồng ý với bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và đề nghị cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Quảng Ninh xem xét lại số tiền gốc và lãi phải trả với lý do: Do dịch bệnh năm 2015 nên đề nghị Ngân hàng xem xét giải quyết theo: “Nghị định 55/NĐCP ngày 09/6/2015 của Chính phủ do dịch bệnh tàn phá” giúp cho Công ty để Công ty có hướng trả nợ theo chính sách của Chính phủ, của Nhà nước. 

Tại cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xem xét chứng cứ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu cung cấp với Nghị định 55/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ do dịch bệnh tàn phá, thì năm 2015 tỉnh Quảng Ninh không nằm trong vùng dịch bệnh được công bố trên Toàn quốc nên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu sẽ không được áp dụng Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ để được hỗ trợ kinh phí về số lợn đã chết. Do đó, lý do kháng cáo không có căn cứ nên cấp phúc thẩm giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm mà TAND thành phố Hạ Long đã tuyên. 

Vụ án 2: Tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng về phần lãi phải trả giữa các đương sự: 

  • Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; 
  • Bị đơn: ông Lê Văn Đương, bà Đinh Thị In.  

Ngày 19/12/2014, ông Lê Văn Đương và bà Đinh Thị In đã ký HĐTD số 140110168/HĐTD với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam- chi nhánh tỉnh Quảng Ninh để vay số tiền 270.000.000VNĐ, mục đích vay để kinh doanh. Lý do Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam khởi kiện ông Lê Văn Đương, bà Đinh Thị In vì ông Đương, bà In không thực hiện đúng nghĩa vụ  trả nợ theo cam kết, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đề nghị TAND thành phố Hạ Long giải quyết theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng, quản lý  và thu hồi đầy đủ vốn vay của Nhà nước. 

TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Bản án sơ thẩm số 

06/2019/KDTM – ST ngày 10/4/2019. Áp dụng các điều Điều 463, khoản 1 Điều 466 BLDS năm 2015; khoản 2 Điều 91, Điều 95 Luật các TCTD năm 2010: Buộc ông Lê Văn Đương, bà Đinh Thị In phải có nghĩa vụ liên đới trả Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam số tiền tính đến ngày xét xử sơ thẩm là: 324.369.983VNĐ. Trong đó, số tiền nợ gốc là: 226.800.000VNĐ, tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là: 97.569.983 VNĐ. Kể từ ngày Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Lê Văn Đương và bà Đinh Thị In không trả hết số tiền nợ thì Ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 140110168/HĐTC ngày 19/12/2014 để thu hồi nợ. 

Sau đó, ngày 19/4/2019 ông Lê Văn Đương và bà Đinh Thị In có đơn kháng cáo với nội dung: Không nhất trí với cách tính lãi và lãi suất quá hạn của Ngân hàng. Đề nghị cấp Phúc thẩm xem xét lại phần tính lãi suất. 

Ở cấp Phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã phân tích: Khi vay, ông Lê 

Văn Đương và bà Đinh Thị In đã chấp nhận lãi suất Ngân hàng áp dụng tại thời điểm giải ngân là 12,5%/ năm nhưng hiện nay ông bà đã mất khả năng trả nợ và không có khả năng trả theo lãi suất tại thời điểm giải ngân, nên việc được áp dụng lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm đó là có cơ sở. Đồng thời, trong quá trình thực hiện HĐTD do ông bà đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ, nên phải chịu các loại lãi là lãi trong hạn và lãi quá hạn theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào khoản 5 điều 474 BLDS năm 2015 quy định: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn”. Chính vì thế kháng cáo của ông bà không có căn cứ để chấp nhận. 

Thứ hai: Tranh chấp hợp đồng tín dụng về việc xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực hay vô hiệu 

Tài sản thế chấp là tài sản dùng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của bên vay, đều bị xử lý để thu hồi nợ. Trong các vụ tranh chấp HĐTD này, TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thường xem xét rất kỹ đến hợp đồng thế chấp. Gần đây trên địa bàn Tỉnh Quảng Ninh nói chung và khu vực thành phố Hạ Long nói riêng, tranh chấp về HĐTD gia tăng đã làm xuất hiện nhiều tình huống gây tranh cãi giữa các cấp Tòa án khi giải quyết án, nhất là các tình huống có liên quan đến tài sản thế chấp. 

Nguyên nhân dẫn đến hợp đồng thế chấp vô hiệu được rút ra từ thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp HĐTD của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là: 

Một là: Thẩm định về chủ thể tham gia ký kết hợp đồng thế chấp tài sản 

Việc xác minh nhân thân của chủ thể ký kết hợp đồng thế chấp. Vấn đề tưởng là đơn giản nhưng trong thực tế lại rất phức tạp vì đã có trường hợp do cán bộ tín dụng, công chứng viên không làm hết trách nhiệm đã công chứng hợp đồng có chữ ký giả, công chứng không đúng nội dung. 

  • Việc xác định người ký kết hợp đồng có đủ năng lực hành vi dân sự. Trong thực tế, công chứng viên rất khó xác định năng lực hành vi dân sự hơn đối với những người bị tâm thần phân liệt, có lúc bình thường và có lúc bị bệnh. Nên có trường hợp công chứng viên đã cho người có dấu hiệu của bệnh thần kinh vào lăn tay, điểm chỉ vào hợp đồng. 
  • Việc tài sản bảo đảm là đất cấp cho hộ gia đình không có đủ chữ ký thành viên khi ký hợp đồng thế chấp. Trong thực tế xét xử, đã có nhiều trường hợp do cán bộ tín dụng và công chứng viên “để sót” thành viên hộ gia đình không ký vào hợp đồng thế chấp, khi TCTD xử lý tài sản thì xuất hiện thành viên này khởi kiện. Tại Tòa thì hợp đồng thế chấp này bị vô hiệu một phần. 
  • Việc xác định thành viên trong hộ theo “sổ hộ khẩu” hay theo giấy tờ nào vẫn còn là đề tài tranh cãi trong quá trình thực hiện nghiệp vụ công chứng. Để tạo điều kiện nhanh chóng và thuận lợi thì đa số các công chứng viên tại phòng công chứng vẫn sử dụng “sổ hộ khẩu” để xác định số thành viên của hộ. Nhưng nếu, có người chứng minh được họ không có tên trong “sổ hộ khẩu” nhưng là thành viên của hộ theo quy định của BLDS năm 2015 mà không “được ký hợp đồng thế chấp” thì việc hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, rủi ro cho TCTD là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Hai là: Thẩm định về tài sản bảo đảm 

  • Việc thẩm định về tài sản không chính xác. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp cán bộ tín dụng chỉ dựa trên giấy tờ cung cấp của bên thế chấp mà không đi thẩm định tại chỗ. Dẫn đến nhiều trường hợp tài sản thế chấp có tài sản phát sinh mà không được ghi vào biên bản thẩm định. Khi xử lý tài sản thế chấp dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn. 
  • Việc các TCTD làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp, nhưng lại không đăng ký giao dịch bảo đảm kịp thời hạn, thậm chí không thực hiện việc đăng ký giao dịch đảm bảo dẫn đến khách hàng đi đăng ký thế chấp cho một giao dịch trước đó và TCTD trở nên mất quyền ưu tiên khi xử lý tài sản thế chấp, có thể mất luôn tài sản bảo đảm. 
  • Việc xác định tài sản bảo đảm là tài sản chung hay tài sản riêng. Qua thực tế cho thấy nhiều huyện đã áp dụng: Trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên một người thì chỉ cần một người ký hợp đồng. Như vậy, khi xảy ra tranh chấp thì tổ chức tín dụng sẽ rất khó xử lý tài sản bảo đảm vì người còn lại sẽ khiếu kiện theo quy định của pháp luật, bởi đây là tài sản chung của hai vợ chồng, nhưng chỉ đứng tên một người và chỉ có một người ký. 

Dưới đây là một vụ án điển hình về hợp đồng thế chấp bị Tòa án tuyên vô hiệu: 

 Vụ án: Tranh chấp hợp đồng tín dụng tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp do hợp đồng thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm sai thẩm quyền, hợp đồng thế chấp xác định sai chủ thể sử dụng đất: 

  • Nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; 
  • Bị đơn: ông Văn Đức Hải, bà Dương Thị Mến; 
  • Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị Viên, ông Văn Đức Lợi, bà Văn Thị Huệ, bà Văn Thị Song, bà Văn Thị Nhị, bà Văn Thị Hồng, bà Văn Thị Đông, bà Văn Thị Lan. 

Từ năm 2010 đến năm 2012, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam- chi nhánh huyện Hoành Bồ Quảng Ninh đã ký kết các HĐTD với ông Văn Đức Hải, bà Dương Thị Mến vay tổng số tiền 1.200.000.000VNĐ. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Hải bà Mến đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên buộc ông Văn Đức Hải, bà Dương Thị Mến trả nợ số tiền trên. Trong trường hợp ông Hải bà Mến không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền kê biên, phát mại tài sản thế chấp của bên thế chấp để thu hồi nợ. 

Ngày 02/8/2017, TAND thành phố Hạ Long ban hành bản án sơ thẩm số 04/2017/KDTM – ST tuyên: Buộc ông Văn Đức Hải, bà Dương Thị Mến phải trả cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam số tiền là: 1.372.593.611VNĐ, trong đó nợ gốc 855.000.000VNĐ, nợ lãi 517.593.611VNĐ, lãi trong hạn 398.331.251VNĐ, lãi quá hạn 119.262.360VNĐ . Tuyên bố hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 100208283 ngày 24/9/2010 giữa bà Trần Thị Viên và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và các phụ lục hợp đồng thế chấp kèm theo số 110108701 ngày 11/7/2011, số 120106200 ngày 23/5/2012 vô hiệu bởi: Về hình thức: Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Trần Thị Viên và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam ngày 24/9/2010 chỉ được chứng thực tại Ủy ban nhân dân phường Việt Hưng là vi phạm điều 47 Luật Công chứng năm 2006 và Quyết định số 4029/QĐ-UBND ngày 24/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Hợp đồng thế chấp không được đăng ký thế chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vi phạm điểm c khoản 1 điều 10 và điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ, tại Nghị định này quy định: “Việc thế chấp quyền sử dụng đất…có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp”, như vậy thấy rằng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Trần Thị Viên và Ngân hàng chưa phát sinh hiệu lực. Về nội dung: bà Trần Thị Viên thế chấp quyền sử dụng đất 269,5m2 đất mang tên hộ bà Trần Thị Viên (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và tài sản trên đất gồm 01 nhà xây ba tầng và toàn bộ các công trình xây trên đất (gồm 01 nhà cấp bốn và các công trình phụ khác). Về nguồn gốc của mảnh đất này là do vợ chồng bà Trần Thị Viên và ông Văn Đức Thuận khai hoang từ những năm 1972 và ông bà đã xây 01 nhà cấp bốn trên mảnh đất này để ở. Năm 1991 ông Thuận chết không để lại di chúc, bà Viên và ông Thuận có 08 người con gồm anh Văn Đức Lợi, chị Văn Thị Huệ, chị Văn Thị Hồng, anh Văn Đức Hải, chị Văn Thị Song, chị Văn Thị Nhị, chị Văn Thị Lan và chị Văn Thị Đông. Theo quy định tại Nghị quyết 02/1990, ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Luật đất đai năm 1987 thì quyền sử dụng đất không phải là di sản thừa kế như vậy phần đất mà ông Thuận khai hoang cùng với bà Viên không phải là di sản thừa kế của ông Thuận để lại mà phần đất này tiếp tục được chuyển cho những người trong hộ gia đình của ông Thuận tiếp tục sử dụng và đến năm 1998 bà Viên được cấp bìa đỏ. Qua xác minh thấy rằng những người có tên trong hộ bà Viên vào năm 1998 gồm có bà Viên, ông Hải, bà Mến và 02 con của ông Hải bà Mến còn nhỏ. Tuy nhiên do bà Viên và ông Thuận có xây 01 ngôi nhà cấp bốn và ngôi nhà này hiện nay vẫn còn và chính là một phần di sản của ông Thuận để lại và chưa được chia thừa kế nên ngôi nhà cấp bốn này chính là tài sản chung của bà Viên và 08 người con của bà Viên và ông Thuận. Nhưng khi thế chấp thì 07 người con khác của bà Viên không biết, không ký vào hợp đồng thế chấp và cũng không đồng ý thế chấp như vậy thấy rằng bà Viên đã mang tài sản chung là ngôi nhà cấp bốn đi thế chấp là vi phạm điều cấm của pháp luật, bà Viên không có quyền thế chấp ngôi nhà này. Ngoài ra khi thế chấp tài sản trên đất là ngôi nhà xây ba tầng trên đất thì ngôi nhà này chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu và theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 91 Luật nhà ở năm 2005 thì ngôi nhà này không đủ điều kiện để mang đi thế chấp. Đây là một vi phạm điều cấm của bà Viên khi mang ngôi nhà này đi thế chấp. Từ những đánh giá, nhận định phân tích trên thấy rằng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Trần Thị Viên và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam ngày 24/9/2010 là vi phạm cả về hình thức và vi phạm điều cấm của pháp luật. Buộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (chi nhánh Hoành Bồ) trả lại cho bà Trần Thị Viên: 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K918200 do UBND huyện Hoành Bồ cấp ngày 25/11/1998 đứng tên hộ bà Trần Thị Viên. 

Sau đó, ngày 16/8/2017 Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Không đồng ý với một phần quyết định có nội dung vô hiệu hợp đồng thế chấp. Và ở cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xem xét kỹ hợp đồng thế chấp tranh chấp trong vụ án, đồng quan điểm với với cấp sơ thẩm và thấy việc kháng cáo là không có căn và giữ nguyên bản án sơ thẩm. 

Thứ ba: Về sai sót trong thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án. 

Thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp về HĐTD của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong vài năm gần đây cũng còn một số tồn tại và thiếu sót trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án. Những sai sót đã được các Báo cáo tổng kết tại Tòa án hàng năm đề cập đến thường là: 

+ Thứ nhất, xác định sai thẩm quyền của Tòa án khi thụ lý, giải quyết vụ án;  Xác định sai tư cách người tham gia tố tụng hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng; Xây dựng hồ sơ vụ án không đủ, đánh giá chứng cứ còn thiếu toàn diện, chưa tuân thủ đúng quy định. 

+ Thứ hai, còn một số trường hợp Thẩm phán có sai sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến phán quyết của Hội đồng xét xử còn có lúc chưa chính xác. Trong quá trình giải quyết, do việc nghiên cứu tài liệu, đánh giá chứng cứ không đúng với sự thật khách quan...dẫn đến nhiều phiên tòa vi phạm thủ tục tố tụng và kết quả là bản án được tuyên hủy vì vi phạm thủ tục tố tụng. 

Có thể thấy rõ qua các ví dụ sau: 

Vụ án 1: Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các đương sự: 

  • Nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam; 
  • Bị đơn: Công ty TNHH Tuấn Dung; 
  • Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Đỗ Anh Thực, bà Nguyễn Thị Thu Thảo. 

Công ty TNHH Tuấn Dung, địa chỉ Khu 10, phường Việt Hưng, thành phố 

Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do ông Đặng Đức Hoan chức vụ Giám đốc công ty đã ký HĐTD số 100118237/HĐTD vay số tiền 2.000.000.000 VNĐ với Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- chi nhánh Bãi Cháy.Tài sản bảo đảm cho HĐTD trên là 02 Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba: 

  • Hợp đồng thế chấp ngày 14/3/2013 do ông Đỗ Anh Thực đứng ra bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất 217,8m2 và tài sản gắn liền trên đất tại Tổ 6, Khu 11, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Giấy chứng nhận quyền sử đất số K918704 do do UBND thành phố Hạ Long cấp ngày 10/9/2001). 
  • Hợp đồng thế chấp ngày 14/32013 do bà Nguyễn Thị Thu Thảo đứng ra bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất 595,1m2 và tài sản gắn liền với đất tại Khu 8, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Giấy chứng nhận quyền sử đất số  Đ446039 do UBND thành phố Hạ Long cấp ngày 25/10/2004). 

Trong quá trình vay vốn, do kinh doanh thua lỗ dẫn đến Công ty TNHH Tuấn Dung không còn khả năng trả nợ. Nay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam khởi kiện ra Tòa án buộc Công ty TNHH Tuấn Dung phải trả cho Ngân hàng số tiền gốc quá hạn là 900.000.000 VNĐ, số tiền lãi chưa trả tạm tính đến ngày 10/6/2016 là 432.008.796VNĐ, tổng cộng nợ gốc lãi là 

1.332.008.796VNĐ. Số tiền lãi phát sinh, lãi quá hạn và các khoản phí phát sinh (nếu có) từ sau ngày 10/6/2016  đến khi Công ty TNHH Tuấn Dung thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ đối với toàn bộ khoản vay. 

TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý vụ án trên mà không xác minh rõ địa chỉ hiện tại người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đến thủ tục hòa giải khi triệu tập các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Đỗ Anh Thực đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và chưa quay lại đã được Cục xuất nhập cảnh xác nhận bằng công văn. Do có yếu tố nước ngoài, nên theo quy định tại khoản 3 điều 33 BLTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011, thẩm quyền giải quyết phải là Tòa án nhân dân Tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy TAND thành phố Hạ Long đã phải chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh để giải quyết theo đúng thẩm quyền. 

Vụ án 2: Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các đương sự: 

  • Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam; 
  • Bị đơn: Bà Nguyễn Thu Hằng; 
  • Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn Trung. 

Ngày 20/07/2012, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt 

Nam – Chi nhánh Hạ Long đã ký hợp đồng tín dụng số 0305117/HĐTD cho bà Nguyễn Thu Hằng vay hạn mức tín dụng với dư nợ cao nhất là 500.000.000VNĐ, hạn trả là ngày 20/7/2013, lãi suất cho vay 15%/năm, lãi quá hạn 150% so với lãi vay đã thỏa thuận. Tài sản thế chấp là nhà và đất đứng trên chồng bà Hằng là ông  Nguyễn Văn Trung. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà Hằng đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Nay Ngân hàng  khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thu Hằng và ông Nguyễn 

Văn Trung thực hiện việc trả nợ HĐTD đã ký với số tiền gốc là 400.000.000 VNĐ và tiền lãi trong hạn phát sinh tính từ ngày 20/10/2013 đến 20/7/2015 là 212.916.666 VNĐ. Tổng số tiền cả gốc và lãi ông bà phải trả là 612.916.666 VNĐ. Nếu ông bà không trả nợ, Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê kiên xử lý tài sản thế chấp theo các hợp đồng thế chấp đã ký để thu hồi nợ. 

TAND thành phố Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý và ban hành bản án số 10/2015/KDTM-ST, ngày 20/07/2015 của TAND thành phố Hạ Long đã quyết định: Buộc bà Nguyễn Thu Hằng có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam. Tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp tài sản số 0305116/HĐBĐ ngày 19/07/2012 của vợ chồng ông Nguyễn Văn Trung và bà 

Nguyễn Thu Hằng thế chấp tài sản đảm bảo cho HĐTD số 0305117/HĐTD  ngày 20/07/2012. 

Ngày 29/7/2015 Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh  Hạ Long, đại diện theo ủy quyền là ông Phạm Văn Hải có đơn kháng cáo một phẩn bản án số 10/2015/KDTM-ST, với lý do: Không nhất trí với bản án của TAND thành phố Hạ Long đưa ông Nguyễn Văn Trung là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ông Trung phải có nghĩa vụ trả nợ cùng với bà Nguyễn Thu Hằng. 

TAND tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý xét xử phúc thẩm vụ án này. Trong quá trình xác minh và thu thập chứng cứ thấy: Tại thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp HĐTD trên, TAND thành phố Hạ Long  cũng đồng thời thụ lý vụ án hôn nhân gia đình giữa ông Nguyễn Văn Trung và bà Nguyễn Thu Hằng nhưng không cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam- chi nhánh Hạ Long vào người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Sau khi bản án kinh doanh thương mại xét xử xong thì ngày 26/7/2015, TAND thành phố Hạ Long đã ra quyết định số 

42/2015/QĐST – HNGĐ công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự giữa ông Nguyễn Văn Trung và bà Nguyễn Thu Hằng. Các mối quan hệ khác hai  bên đều  thỏa thuận nhất trí. Về quan hệ tài sản thì ông Trung và bà Hằng đã cùng thống nhất tài sản chung có một ngôi nhà xây 2 tầng nhưng đã thế chấp Ngân hàng để vay tiền, tài sản này có liên quan đến công nợ chung thì cả hai ông bà đều thống nhất có nợ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam- chi nhánh Hạ Long, ông Trung với bà Hằng đều thỏa thuận đồng ý cho bà 

Hằng sở hữu số tài sản mà đã thế chấp cho Ngân hàng và bà Hằng phải chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng. 

Ở đây, TAND thành phố Hạ Long trong vụ án Hôn nhân gia đình đã không đưa Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam- chi nhánh Hạ Long vào người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì tài sản của ông Trung, bà Hằng đang được thế chấp tại Ngân hàng. Dẫn đến việc Ngân hàng kháng cáo là có căn cứ. Nhưng trong quá trình xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu TAND thành phố Hạ Long cung cấp thêm tài liệu cho hồ sơ vụ án do thiếu sót trong quá trình tố tụng và bổ sung vào bản án phúc thẩm nhằm giải quyết đúng quyền và lợi ích của các đương sự. 

2.4. Đánh giá về công tác xét xử các vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 

2.4.1. Nhận xét về thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Toà án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 

- Qua thực tiễn giải quyết các tranh chấp HĐTD ngân hàng tại TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định: 

Thứ nhất: Việc giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng đã được thống nhất theo trình tự thủ tục của BLTTDS. Điều này, đã tiết kiệm được thời gian cho các cơ 

quan tố tụng và các bên tranh chấp. 

Thứ hai: Pháp luật quy định chi tiết thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tranh chấp HĐTD ngân hàng là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Ngoài ra, đối với các loại tranh chấp HĐTD ngân hàng mà có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 01 tháng đối với vụ án tranh chấp HĐTD ngân hàng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 01 tháng. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng. Quy định này đã nâng cao trách nhiệm của các Toà án trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp HĐTD. 

Thứ ba: TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nâng cao chất lượng xét xử, làm rõ những yêu cầu của đương sự trong vụ án, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết vụ án. Công tác giải quyết tranh chấp về cơ bản được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. 

Thứ tư: HĐTD của các ngân hàng được lập theo một thủ tục chặt chẽ có giá trị pháp lý cao so với các hợp đồng dân sự khác nên việc tòa án giải quyết cũng khá nhanh và đơn giản, đa phần nhiều vụ án khi ngân hàng khởi kiện tòa án tiến hành thủ tục hòa giải thì các bên thỏa thuận đươc với nhau nên hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đối với giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khiến quá trình giải quyết còn chưa thực sự có hiệu quả. Theo báo cáo tổng kết của TAND thành phố Hạ Long thì tồn tại, hạn chế bởi các nguyên nhân sau đây: 

Thứ nhất: Pháp luật hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng tuy khá đầy đủ nhưng chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện. Pháp luật của Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung để dần dần hoàn thiện. Vì thế, nhiều bộ luật, luật được ban hành mà chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết thi hành, nhiều quy định chồng chéo không thực hiện được trên thực tế hoặc được áp dụng không thống nhất trong hệ thống cơ quan tư pháp. 

Một số văn bản pháp luật đã có hiệu lực thi hành trong một thời gian khá dài nhưng nhiều quy định trong các văn bản đó chưa được TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng các cơ quan hữu quan trong phạm vi thẩm quyền ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành nên có tình trạng TAND các cấp áp dụng không thống nhất và kết quả các bản án hoàn toàn trái ngược nhau giữa các cấp Toà. 

Thứ hai: Đối với công tác giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết khiếu nại vẫn chưa đảm bảo được những quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám đốc thẩm của TAND cấp tỉnh với TAND cấp huyện còn hạn chế, nên chưa kịp thời phát hiện các vi phạm để khắc phục và xử lý. 

Thứ ba: Trong quá trình giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng, nhiều 

Thẩm phán nghiên cứu tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, rõ ràng, đánh giá chứng cứ không đúng với sự thật khách quan, thậm chí còn xác định sai tư cách tố tụng của đương  sự hoặc triệu tập không đầy đủ những người bắt buộc phải tham gia phiên toà dẫn đến nhiều phiên toà vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và kết quả là bản án được tuyên bị huỷ vì vi phạm nghĩa vụ tố tụng. 

Thứ tư: Đội ngũ cán bộ Toà án hiện nay còn thiếu về số lượng và một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, có một số cán bộ Toà án có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp chưa cao nên đã có những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng tới kết quả của vụ án. 

Thứ năm: Việc ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cấp cơ sở vật chất vào hoạt động của Toà án còn nhiều hạn chế. Quá trình giải quyết các tranh chấp còn mất nhiều thời gian, nhiều loại chi phí, nhiều đầu mối trung gian trong khi đó lĩnh vực tài chính là lĩnh vực nhạy cảm yêu cầu giải quyết nhanh gọn để các bên có thể nhanh chóng tiến hành hoạt động trở lại bình thường. 

2.4.2. Các yếu tố cơ bản ảnh hƣởng tới chất lƣợng bản án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án 

* Hạn chế, bất cập của  pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án: 

  - Hạn chế bất cập từ phía các quy định của BLDS năm 2015: 

 + Cần phải xác định cụ thể các chủ thể thế chấp đối với quyền sử dụng đất thuộc sử dụng của Hộ gia đình: 

BLDS năm 2015 không quy định cụ thể các tiêu chí để xác lập địa vị pháp lý của hộ gia đình trên cơ sở đó phân định quyền về tài sản cho hộ gia đình. Điều kiện nào để xác định các thành viên trong hộ gia đình, điều kiện nào để xác định đại diện chủ hộ gia đình. Luật đất đai năm 2013 cần quy định rõ trong trường hợp nào cấp cho hộ giá đình, trong trường hợp nào cấp cho cá nhân. Vì thực tế điều này gây khó khăn cho ngân hàng vì ngân hàng chỉ căn cứ thông tin khách hàng cung cấp, hộ khẩu khách hàng cung cấp, khó có thể xác định các thành viên trong gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, dẫn đến tình trạng thiếu sót người ký trên hợp đồng thế chấp dẫn đến tình trạng Tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp. 

 + Quy định không thống nhất căn cứ tính lãi suất chậm trả trong BLDS và luật chuyên ngành liên quan: 

Hiện tại, khi căn cứ BLDS năm 2015, lãi suất chậm trả sẽ được tính như sau, căn cứ Điều 466, BLDS năm 2015, nghĩa vụ trả nợ của bên vay: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: “Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời  hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn  chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác ” (Điều 466, BLDS năm 2015). 

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 91, Luật các TCTD năm 2010 thì “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”, Luật các TCTD 

năm 2010, không đề cập đến lãi suất đối với khoản nợ quá hạn. 

Mặt khác, theo quy định tại Điều 13,Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì: “Trường hợp khoản vay bị chuyển nợ quá hạn thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn”. 

Như vậy có nhiều căn cứ áp dụng lãi suất nợ quá hạn đối với khoản nợ gốc quá hạn này, lại đặt ra mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành và giá trị pháp lý của các văn bản pháp luật. 

- Hạn chế bất cập từ phía các quy định của BLTTDS năm 2015 

 + Đánh giá chứng cứ trong trường hợp gửi đơn khởi kiện kèm tài liệu chứng cứ là trực tuyến: Theo quy định tại Điều 190, BLTTDS năm 2015 về việc gửi đơn khởi kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án.Việc quy định gửi đơn thông qua điện tử sẽ gây khó khăn cho thẩm phán trong việc đánh giá tính khách quan của chứng cứ, khó khăn khi đánh giá chứng cứ trên cơ sở tài liệu được sao chép lại, không phải là bản gốc. 

 + Chưa có văn bản hướng dẫn và cơ chế giám sát việc xét xử theo thủ tục rút gọn: Quy định thủ tục rút gọn từ Điều 316 đến Điều 324, BLTTDS năm 2015 góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp phát sinh, đảm bảo quyền lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, giam chi phí tố tụng. Tuy nhiên, chưa quy định rõ văn bản hướng dẫn và cơ chế giám sát chặt chẽ trình tự tố tụng này đảm bảo tính chính xác, đảm bảo quyền lợi của các bên tránh những sai sót xảy ra khi áp dụng các vụ án theo thủ tục này. 

 + Quy định về yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp chứng cứ: Theo Điều 106, BLTTDS năm 2015 thì :“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án và Viện kiểm sát trong vòng 15 ngày , nếu không cung cấp mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật...” (Điều 106, BLTTDS năm 2015). 

 Điều này quy định khá rõ nhưng việc thực hiện trong thực tế hết sức khó khăn. Thực tiễn có rất nhiều vụ phải tạm đình chỉ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm vì lý do cơ quan lưu giữ tài liệu, chứng cứ không cung cấp cho Tòa án theo yêu cầu mà đến nay vẫn chưa có phương án khắc phục tình trạng này một cách hữu hiệu. 

 Thực tế, có rất nhiều vụ án đang bị tạm đình chỉ do chưa xác định địa chỉ công ty tại thời điểm hiện tại, chờ công văn trả lời của sở kế hoạch và đầu tư hay trong quá trình thậm định có những thửa đất không xác định được mốc giới, vì vậy phải tạm đình chỉ để chờ công văn trả lời Văn phòng đăng ký quyền sử dụng  đất. 

 + Việc quy định không hợp lý về thẩm quyền của các cơ quan giải quyết tranh chấp có thể dẫn đến sự kém hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại nói chung và tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng nói riêng. Điều này thể hiện khá rõ trong pháp luật thực định ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể là, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng nói riêng và các tranh chấp trong kinh doanh thương mại nói chung cho TAND cấp quận/huyện đang gây nhiều áp lực cho tòa án cấp quận/huyện trong những năm gần đây. Hiện nay, ở tòa án cấp quận/huyện, thẩm phán đang một lúc gánh nhiều việc trên vai: từ việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình đến các vụ án kinh tế, kinh doanh thương mại…Chính vì thế đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoàn thiện kiến thức pháp luật và nghiệp vụ chuyên sâu của thẩm phán, hội thẩm nhân dân. 

  • Trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của Thẩm phán 

Thẩm phán thường có vai trò Chủ tọa trong các phiên tòa giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng, là người trực tiếp được giao nhiệm vụ xét xử, nhân danh Nhà nước để bảo vệ pháp luật. Do đó, để có một bản án có chất lượng đòi hỏi Thẩm phán cần phải có một vốn kiến thức vững chắc, am hiểu pháp luật và phải luôn cập nhập được kiến thức mới, thường xuyên được bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ. 

Phẩm chất đạo đức của Thẩm phán có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án tranh chấp HĐTD ngân hàng có được giải quyết. Cần phải rèn luyện và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của Thẩm phán để có bản án công tâm, khác quan và đúng pháp luật. 

  • Hoạt động cung cấp chứng cứ, tài liệu và việc chứng minh của các chủ thể liên quan, nhất là các đương sự 

Đối với việc giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng tại Toà án thì trách nhiệm cung cấp chứng cứ thuộc về các bên tranh chấp. Bản án được tuyên có đúng với sự thật khách quan hay không phụ thuộc nhiều vào chứng cứ mà các bên cung cấp. Trước Toà án, nếu các đương sự không chứng minh được sự tồn tại quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì không thể thuyết phục được Toà án bảo vệ quyền và lợi ích cho mình. Vì trên thực tế, các Toà án cũng có thể có sai lầm trong việc xác định các tình tiết, sự kiện của vụ tranh chấp. Do vậy, chứng minh không chỉ có ý nghĩa bảo đảm quyền cho đương sự mà còn có ý nghĩa giúp Hội đồng xét xử có những căn cứ pháp lý để giải quyết vụ án một cách chính xác và đúng luật. 

  • Khả năng hiểu biết pháp luật và trình độ nhận thức pháp luuật của các bên 

tranh chấp còn thiếu và yếu: đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tính hiểu quả của việc giải quyết tranh chấp từ HĐTD. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với bên cho vay là các NHTM, bởi lẽ, trong quá trình cấp tín dụng cho doanh nghiệp, việc thẩm định tín dụng đóng một vai trò tối quan trọng. Thẩm định tín dụng đòi hỏi phải có một cái nhìn tổng quát về mặt chuyên môn nghiệp vụ cũng như khối kiến thức xã hội rộng lớn để có thể xem xét một vấn đề trên nhiều khía cạnh, đánh giá được những rủi ro tiềm tàng có thể xẩy ra trong quá trình cho vay. Để chất lượng tín dụng được đảm bảo và nâng cao hay không đòi hỏi quá trình thẩm định phải được thực hiện nghiêm túc, những thông tin do cán bộ thẩm định nêu ra sẽ là cơ sở để các cấp có thẩm quyền đưa ra quyết định cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Năng lực và trình độ của cán bộ thẩm định sẽ quyết định đến chất lượng của các các thông tín tín dụng được phân tích từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô tín dụng cũng như chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Kết luận Chương II 

Đối với các Tổ chức tín dụng muốn tồn tại và phát triển các hoạt động tín dụng cũng phải quan tâm đến việc hạn chế những tranh chấp xảy ra trong hoạt động tín dụng. Pháp luật về giải quyết các tranh chấp xảy ra trong hợp đồng tín dụng tại Tòa án có vai trò hết sức to lớn giảm thiểu sự rủi ro trong việc giải quyết nợ xấu thu hồi vốn. Qua đó, giúp cho các tổ chức tín dụng tồn tại và phát triển, đồng thời còn góp phần giúp cho thị trường tiền tệ ổn định và phát triển. 

Qua nghiên cứu thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, luận văn đã phân tích cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế được rút ra trong quá trình xét xử từ đó làm cơ sở để đưa ra giải pháp cụ thể ở Chương III.

avatar
Vương Diệu Hồng
536 ngày trước
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẠ LONG, TỈNH QUẢNG NINH
2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Thành phố Hạ Long và tổng quát về Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của Thành phố Hạ Long  - Điều kiện tự nhiên:  Thành phố Hạ Long nằm ở trung tâm của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích đất tự nhiên là 27.195,03ha, có quốc lộ 18A chạy qua tạo thành chiều dài của thành phố, có cảng biển, có bờ biển dài 50km, có vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới với diện tích 434km2. Thành phố Hạ Long có địa hình đa dạng và phức tạp, là một trong những khu vực hình thành lâu đời nhất trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đồi núi, thung lũng, vùng ven biển và hải đảo, được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi bao bọc phía bắc và đông bắc (phía bắc quốc lộ 18A) chiếm 70% diện tích đất của Thành phố, có độ cao trung bình từ 150m đến 250m, chạy dài từ Yên Lập đến Hà Tu, đỉnh cao nhất là 504m. Dải đồi núi này thấp dần về phía biển, độ dốc trung bình từ 15-20%, xen giữa là các thung lũng nhỏ hẹp. Vùng ven biển ở phía nam quốc lộ 18A, độ cao trung bình từ 0,5m đến 5m. Vùng hải đảo là toàn bộ vùng vịnh, với gần hòn đảo lớn nhỏ, chủ yếu là đảo đá. Riêng đảo Tuần Châu, rộng trên 400ha nay đã có đường nối với quốc lộ 18A dài khoảng 2km. Thành phố Hạ Long thuộc khí hậu vùng ven biển, mỗi năm có 2 mùa rõ rệt, mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 23,70C, dao động không lớn, từ 16,70C đến 28,60C. Về mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là 34,90C, nóng nhất đến 380C. Về mùa đông, nhiệt độ trung bình thấp là 13,70C rét nhất là 50C. Dân cư: Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, bao gồm 20 phường: Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu, Hồng Hải, Cao Thắng, Cao Xanh, Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Hòn Gai, Bãi Cháy, Hồng Hà, Hà Khẩu, Giếng Đáy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Việt Hưng, Đại Yên. Năm 2017: Dân số của thành phố Hạ Long là 240.800 người, mật độ trung bình đạt 874,0 người/km2 (theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017). Tài nguyên khoáng sản: Đối với địa bàn thành phố Hạ Long bao gồm chủ yếu là than đá và nguyên vật liệu xây dựng. Tổng trữ lượng than đá đã thăm dò được đến thời điểm này là trên 530 triệu tấn, nằm ở phía bắc và đông bắc Thành phố trên địa bàn các phường Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu (Đại Yên và Việt Hưng nằm trong vùng cấm hoạt động khoáng sản.  Tài nguyên rừng: Theo số liệu thống kê tính đến hết năm 2009, trên địa bàn thành phố có tổng diện tích đất rừng là 5.862,08ha/ tổng diện tích thành phố là 27.153,40ha. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt: 21,58 %. Trong đó rừng trồng 5.445,69ha và rừng tự nhiên 416,39ha (bao gồm: rừng gỗ 27,94ha, rừng tre nứa 17,31ha, rừng ngập mặn 371,14ha). Bên cạnh đó là tài nguyên rừng của Vịnh Hạ Long rất phong phú, đặc trưng với tổng số loài thực vật sống trên các đảo, núi đá khoảng trên 1.000 loài. Một số quần xã các loài thực vật khác nhau bao gồm các loài ngập mặn, các loài thực vật ở bờ cát ven đảo, các loài mọc trên sườn núi và vách đá, trên đỉnh núi hoặc mọc ở của hang hay khe đá.  Tài nguyên biển: Do lợi thế có vịnh Hạ Long hai lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Với tổng diện tích 1.553km2 bao gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Với nhiều hang động đẹp và huyền ảo như hang Bồ Nâu, Trinh Nữ, Sửng Sốt, Đầu Gỗ, Thiên Cung, Tam Cung, Mê Cung đã đưa danh tiếng của vịnh Hạ Long là một trong những điểm du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới…  Đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long Tăng trưởng kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hạ Long giai đoạn 2015 - 2017 bình quân đạt 14,5%/ năm. Thu nhập bình quân đầu người tính riêng năm 2017 đã đạt trên 8.000 USD/người/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Theo thống kê của Thành phố Hạ Long, những năm qua cơ cấu kinh tế của thành phố đã có sự chuyển dịch tích cực và đúng hướng, tỷ trọng khu vực dịch vụ năm 2017 đạt 55,7%; công nghiệp - xây dựng 43,5%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,8%. Sau 5 năm trở thành đô thị loại I, với quyết tâm xây dựng Hạ Long đi lên theo hướng hiện đại. Trong thời gian tới, cùng với việc xây dựng thành phố du lịch, mục tiêu xây dựng Thành phố Hạ Long trở thành thành phố thông minh cũng là chiến lược đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 2.1.2. Tổng quát về Tòa án nhân dân Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh Toà án nhân dân Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là cơ quan xét xử cấp dưới của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Trong quá trình công tác, Toà án nhân dân thành phố Hạ Long có một số thuận lợi cơ bản như: là thành phố trung tâm của tỉnh, trình độ dân trí khá cao; gần các cơ quan, ban ngành của tỉnh, việc cập nhật thông tin, chính sách và pháp luật tương đối nhanh chóng; thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Toà án tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương; đội ngũ cán bộ có trình độ đồng đều và từng bước được nâng cao, nhiều cán bộ đảng viên có nhiều kinh nghiệm công tác, có phẩm chất và tinh thần trách nhiệm cao, biết khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Toà án nhân dân thành phố Hạ Long hiện có 44 cán bộ công chức, trong đó có 19 thẩm phán, 22 thư ký và 03 cán bộ nghiệp vụ. Toàn bộ thẩm phán và thư ký 100% có trình độ đại học, có 12 đồng chí có trình độ cao học. Về tổ chức Đảng, cơ quan có Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy Hạ Long với 38 đảng viên, sinh hoạt tại 03 chi bộ trực thuộc. Về đoàn thể, có Công đoàn cơ sở, Chi đoàn thanh niên, Chi Hội luật gia. 2.2. Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án  2.2.1. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án Các vụ án giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng tại Tòa án được quy định theo BLTTDS đòi hỏi các đương sự tham gia và người tiến hành tố tụng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau: Thứ nhất, nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự (Điều 5, BLTTDS năm 2015). Thứ hai, nguyên tắc các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh (Điều 6, BLTTDS năm 2015). Thứ ba, nguyên tắc bình đẳng quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự (Điều 8, BLTTDS năm 2015). Thứ tư, nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 9, BLTTDS năm 2015). Thứ năm, nguyên tắc hoà giải (Điều 10, BLTTDS năm 2015). Thứ sáu, nguyên tắc xét xử vụ án dân sự phải có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 11, BLTTDS năm 2015). 2.2.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án Thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng theo quy định của BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, BLTTDS năm 2015. Cụ thể thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết các tranh chấp HĐTD gồm thẩm quyền theo cấp tòa án, thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn.Thẩm quyền theo cấp tòa án gồm Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao; TAND cấp cao; TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện được quy định tại Điều 35,36,37,38 BLTTDS năm 2015; thẩm quyền theo vụ việc được quy định tại Điều 30, 31 BLTTDS năm 2015; thẩm quyền theo lãnh thổ được quy định tại Điều 39 BLTTDS năm 2015. Thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD được pháp luật quy định như sau: TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là TAND cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp phát sinh từ HĐTD mà không có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, tức là tranh chấp phát sinh từ HĐTD không có yếu tố nước ngoài (Điều 35, BLTTDS năm 2015). TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là TAND cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp phát sinh từ HĐTD mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài, tức là tranh chấp phát sinh từ HĐTD có yếu tố nước ngoài (Điều 37, BLTTDS năm 2015). Theo điểm a, Khoản 3, Điều 38, BLTTDS năm 2015 quy định: “Toà Kinh tế TAND cấp tỉnh giải quyết tranh chấp phát sinh HĐTD nếu tranh chấp này là tranh chấp kinh doanh thương mại”. Theo điểm a, Khoản 1, Điều 38, BLTTDS năm 2015 quy định: “Tòa dân sự TAND cấp tỉnh giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD nếu tranh chấp này là tranh chấp về hợp đồng dân sự. Trong trường hợp không xác định được đó là loại tranh chấp nào, có nghĩa là không xác định được tranh chấp đó thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa chuyên trách nào thì Chánh án TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phân công cho một Tòa chuyên trách giải quyết theo thủ tục chung”. Bên cạnh việc quy định thẩm quyền theo vụ việc thì BLTTDS năm 2015 còn quy định thẩm quyền theo lãnh thổ, theo sự lựa chọn của nguyên đơn để phân chia việc giải quyết án giữa Tòa án các cấp, giữa các Tòa chuyên trách với nhau được tương xứng. Để xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi giải quyết các tranh chấp phát sinh từ HĐTD, Tòa án phải xác định cho được yêu cầu của đương sự thuộc nhóm quan hệ tranh chấp kinh doanh thương mại hay tranh chấp về hợp đồng dân sự, từ đó có sự phân định thẩm quyền giữa Tòa án với nhau (Điều 40, BLTTDS năm 2015). Tuy nhiên, để xác định vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án hay không, trước hết Toà án phải xem xét thoả thuận giải quyết tranh chấp của các bên chọn ban đầu hoặc sau khi xảy ra tranh chấp là TAND hay trọng tài thương mại. Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được. Như vậy, nếu các bên đã có thoả thuận trọng tài hợp lệ thì việc giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Tòa án. 2.2.3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án - Giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án: Khởi kiện vụ án tranh chấp HĐTD ngân hàng được hiểu là việc cá nhân, pháp nhân làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp HĐTD để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình đang bị tranh chấp hay vi phạm. Quyền khởi kiện vụ án: BLTTDS năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây  gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” (Điều 186, BLTTDS năm 2015).   Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, bên khởi kiện (nguyên đơn) phải chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và nộp tại TAND có thẩm quyền. Hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải đáp ứng đầy đủ hai yêu cầu về hình thức và nội dung: Về hình thức, đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện, tên Tòa án yêu cầu giải quyết và người ký trong đơn kiện phải đúng thẩm quyền. Về nội dung, đơn khởi kiện phải có đầy đủ các nội dung như: thông tin về nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tóm tắt nội dung vụ kiện, yêu cầu cụ thể của nguyên đơn. Nội dung của đơn khởi kiện phải trình bày đầy đủ, ngắn gọn, rõ ràng. Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Chính vì vậy, ngay từ khi nộp đơn kiện, kèm theo đơn khởi kiện thì nguyên đơn cần phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tòa án chỉ tự mình thu thập chứng cứ trong một số trường hợp nhất định. Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức như nộp trực tiếp tại Tòa án, theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện thử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (Khoản 1, Điều 190, BLTTDS năm 2015).  Thụ lý vụ án được hiểu là việc Tòa án có thẩm quyền chấp nhận đơn của người khởi kiện và nghi vào sổ thụ lý vụ án để giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Sau khi xem xét thấy có đủ các điều kiện thụ lý vụ án như: Người khởi kiện có quyền khởi kiện, sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, sự việc không được các bên thoả thuận giải quyết bằng thủ tục trọng tài thương mại thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai nộp tạm ứng án phí.Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí và ghi vào sổ thụ lý. Như vậy vụ án đã được đưa vào quy trình giải quyết của Tòa án. Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (Điều 195, BLTTDS năm 2015). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Có nghĩa là trong thời gian 03 ngày người nộp đơn xuất trình cho Tòa án biên lai nộp tạm ứng án phí thì Chánh án Toà án mới phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế thì khi nhận đơn khởi kiện Chánh án Tòa án phân công ngay cho Thẩm phán thụ lý.Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Văn bản thông báo phải đảm bảo các nội dung được quy định tại Khoản 2, Điều 196, BLTTDS năm 2015. - Giai đoạn hoà giải và chuẩn bị xét xử: Ở giai đoạn này, hồ sơ sẽ được Thẩm phán thụ lý nghiên cứu để tiến hành xét xử vụ án và Thẩm phán thụ lý có thể yêu cầu các bên thực hiện các công việc sau: yêu cầu các bên xuất trình thêm các giấy tờ, tài liệu cần thiết liên quan đến vụ việc; triệu tập lên Tòa án để lấy lời khai hoặc để đối chất; triệu tập các đương sự đến tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trước khi tiến hành phiên hoà giải, Tòa án phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, nội dung các vấn đề cần hòa giải. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc: tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. + Thành phần phiên hòa giải gồm: Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải, thư ký tòa án ghi biên bản hòa giải, các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự, người phiên dịch (nếu đương sự không biết tiếng Việt). Trong một vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt trong phiên hòa giải, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc hòa giải đó không ảnh  hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hòa giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên hòa giải và việc mở lại phiên họp cho các đương sự (Điều 209, BLTTDS năm 2015). + Trình tự tiến hành hòa giải: Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc hòa giải được thư ký Tòa án ghi vào biên bản và biên bản hòa giải phải có các nội dung chính quy định tại Điều 211, BLTTDS năm 2015. Biên bản hòa giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hòa giải, chữ ký của thư ký Tòa án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải. Khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải (Điều 211, BLTTDS năm 2015). Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy hầu hết các quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự do Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải ra quyết định. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Nếu như các bên hòa giải không thành thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử công khai hoặc xét xử kín để đảm bảo bí mật cho các bên khi các bên yêu cầu và được Tòa án chấp thuận (Điều 212, BLTTDS năm 2015). Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng được quy định như sau: Đối với tranh chấp HĐTD ngân hàng là loại tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Ngoài ra, đối với các loại tranh chấp HĐTD mà có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 01 tháng. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tuỳ từng trường hợp, ngoài quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án ra một trong các quyết định sau đây: Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Giai đoạn xét xử sơ thẩm: Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng theo luật định thì thời hạn này là 02 tháng. Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra theo trình tự thủ tục: chuẩn bị khai mạc phiên tòa, thủ tục hỏi tại phiên tòa, tranh tụng tại phiên tòa, nghị án và tuyên án được quy định từ Điều 222 đến Điều 269, BLTTDS năm 2015. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử gồm có: một Thẩm phán là Chủ tọa, hai Hội thẩm nhân dân. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.  Giai đoạn xét xử phúc thẩm: Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án (Điều 273, BLTTDS năm 2015). Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án (Điều 280, BLTTDS năm 2015). Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Toà án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm (Điều 274, BLTTDS năm 2015). Trong thời hạn 10 kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng (Điều 276, BLTTDS năm 2015). Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có một Thẩm phán phân công làm chủ tọa phiên tòa và hai Thẩm phán (Điều 285, BLTTDS năm 2015). Trình tự thủ tục giống phiên toà sơ thẩm chỉ khác là quyết định của phiên toà phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định. Khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, các bên phải tự nguyện thi hành. Nếu một bên không tự nguyện thi hành, bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành. Bên được thi hành án làm đơn gửi tới cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh, thành phố đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do Tòa án cấp tỉnh, thành phố tuyên.Trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do Tòa án cấp quận, huyện tuyên thì bên được thi hành án làm đơn đề nghị thi hành án gửi tới đội thi hành án dân sự thuộc quận, huyện. Bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án cư trú (nếu người phải thi hành án là cá nhân) hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi bên phải thi hành án có trụ sở hoặc nơi có tài sản (nếu bên phải thi hành án là pháp nhân). - Giai đoạn xem xét lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực: gồm có thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Ngoài thủ tục sơ thẩm và thủ tục phúc thẩm, giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Toà án còn có hai thủ tục nữa đó là: Thủ tục Giám đốc thẩm và Thủ tục tái thẩm. + Thủ tục Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 326, BLTTDS năm 2015. + Thủ tục Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352, BLTTDS năm 2015. 2.3. Thực trạng xét xử tranh chấp về hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 2.3.1. Những kết quả đạt đƣợc trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh Tranh chấp HĐTD ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tranh chấp liên quan đến hợp đồng tại TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ một trong những đặc trưng cơ bản của HĐTD là sự chứa đựng nguy cơ rủi ro rất lớn đối với quyền lợi của bên cho vay vì theo cam kết trong HĐTD bên cho vay chỉ có thể đòi tiền của bên vay sau một thời hạn nhất định, nếu thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro càng lớn, vì thế mà các tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng cũng thường xảy ra với số lượng và tỷ lệ lớn hơn so với các hợp đồng khác được giải quyết tại Tòa án. Dưới đây là số liệu thống kê các vụ án về tranh chấp HĐTD ngân hàng của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2019: Bảng số liệu thống kê các vụ án xét xử sở thẩm về tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: Năm Thụ lý (vụ) Số vụ án đã giải quyết Số vụ án còn lại Tỷ lệ  giải quyết (%) Tạm đình chỉ Chuyển Hồ sơ Đình chỉ Công nhận thỏa thuận Xét xử 2015 50 02 01 02 25 15 05 90% 2016 61 02 01 01 36 18 03 95% 2017 70 03 01 02 34 25 05 93% 2018 78 02 02 03 38 29 04 95% 6T/2019 22 00 00 02 09 10 01 95% Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tổng kết hoạt động của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh năm 2015, năm 2016, năm 2017, năm 2018, 6 tháng đầu năm 2019.  Theo số liệu thống kê của TAND thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, từ 2015 đến năm 2018, các tranh chấp HĐTD ngân hàng có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Năm 2015 là 50 vụ, năm 2016 là 61 vụ (tăng 11 vụ), năm 2017 là 70 vụ (tăng 9 vụ); năm 2018 là 78 vụ (tăng 8 vụ). Thực tế các tranh chấp HĐTD ngân hàng càng ngày một tăng lên càng cao do tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều rủi ro. Điều này gây khó khăn đến kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đặc biệt là khu vực thành phố Hạ Long chịu ảnh hưởng sâu sác bởi các biến động về kinh tế, chính trị trong thời gian này. Nguyên nhân của sự gia tăng các tranh chấp phát sinh HĐTD ngân hàng này xuất phát từ một trong những đối tượng cơ bản của HĐTD ngân hàng nói chung đó là kinh doanh tiền tệ. Sự gia tăng này một mặt phản ánh đúng thực trạng tranh chấp hiện nay. Đây là một trong những đối tượng kinh doanh luôn tiềm ẩn những nguy  cơ rủi ro rất lớn đối với quyền lợi của các NHTM. Theo cam kết trong HĐTD ngân hàng thì ngân hàng chỉ có thể đòi tiền của khách hàng sau một thời hạn giải ngân nhất định, nếu thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro càng lớn, vì thế mà các tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng cũng thường xuyên xảy ra với số lượng và tỷ lệ lớn hơn so với các loại hợp đồng dân sự khác. Mặt khác, trong giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ giải quyết các vụ tranh HĐTD ngân hàng cũng tăng lên, cụ thể năm 2015, số vụ án được giải quyết 45 vụ trong tổng số số vụ án được thụ lý là 50 (chiếm 90%); trong năm 2016, số vụ án được giải quyết 58 vụ trong tổng số vụ án được thụ lý 61 (chiếm 95%); trong năm 2017, số vụ án được giải quyết 65 vụ trong tổng số thụ lý 70 vụ (chiếm  93%); trong năm 2018, số vụ án được giải quyết 74 vụ trong tổng số thụ lý 78 vụ (chiếm  95%). Điều này thể hiện, chất lượng giải quyết các tranh chấp HĐTD của TAND thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh ngày càng tăng cao, trong đó phải kể đến công tác hòa giải thành, năm cao nhất đạt 59% (2016), và thấp nhất 48,5% (năm 2017). Điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải ngày càng được chú trọng. Nhìn chung, các vụ án tranh chấp HĐTD ngân hàng tại TAND thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh là tranh chấp giữa ngân hàng và cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đi vay. HĐTD ngân hàng đảm bảo tính pháp lý, nội dung chặt chẽ nên thuận lợi cho việc giải quyết vụ án phù hợp với trình độ chuyên môn của thẩm phán, dễ dàng đưa ra đường lối giải quyết và ra bản án phù hợp với quy định của pháp luật. 2.3.2. Hạn chế trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thông qua một số vụ việc tiêu biểu Thứ nhất: Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng ngân hàng thì tranh chấp đòi nợ số tiền gốc quá hạn và số tiền lãi vay là dạng tranh chấp phổ biến nhất tại Tòa án. Trên thực tế với những vụ án tranh chấp về số tiền gốc và tiền lãi của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khi xét xử Tòa án chỉ căn cứ chung vào thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng của hai bên mà tuyên buộc bên vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận ban đầu của hai bên. Do đó bên vay đã dựa việc quy định về lãi suất của BLDS khi xảy ra tranh chấp mà hai bên không tự thỏa thuận được phần lãi suất vay để được áp dụng mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm vay như hiện nay là điều kiện để bên vay lợi dụng phát sinh tranh chấp khi không còn khả năng thanh toán với TCTD. Sự kiện này không phù hợp với chủ trương tự do thỏa thuận lãi suất cho vay mà TCTD đang phấn đấu thực hiện và có thể vi phạm cơ chế lãi suất tự do thỏa thuận mà Chính phủ đã chỉ đạo các TCTD thực hiện. Dưới đây là các vụ án điển hình: Vụ án 1: Tranh chấp hợp đồng tín dụng về phần gốc phải trả giữa các đương sự: Nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu; Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: ông Bùi Tiến Lưu, bà Hoàng Thị Châu, ông Bùi Văn Sáu, bà Hoàng Thị Vân. Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2013, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu đã ký kết 02 HĐTD với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Hoành Bồ Quảng Ninh để vay tổng số tiền 3.000.000.000VNĐ với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bắt đầu từ tháng 4 năm 2015 Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu đã không trả được nợ theo HĐTD và đã vi phạm hợp đồng, mặc dù đã được Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam- chi nhánh Hoành Bồ Quảng Ninh làm việc, đôn đốc nhắc nhở yêu cầu trả nợ nhiều lần. Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu đã đề nghị và được Ngân hàng chấp thuận cho Công ty điều chỉnh kỳ hạn nợ để kéo dài thời gian trả nợ nhưng Công ty vẫn không trả nợ. Nay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam khởi kiện yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo như HĐTD đã ký số tiền nợ gốc: 900.000.000VNĐ và nợ lãi tạm tính đến hết ngày 20/4/2016 là 236.412.019 VNĐ. Tổng cộng số tiền nợ gốc, lãi: 1.136.412.019 VNĐ. Nếu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu không trả được nợ, Ngân hàng đề nghị xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba đảm bảo cho việc thi hành án. TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành bản án sơ thẩm số 12/2016/KDTM – ST ngày 10/7/2016: Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam số tiền nợ gốc 900.000.000VNĐ và số tiền nợ lãi tính đến hết ngày 20/4/2016 là 236.412.019 VNĐ. Tổng cộng số tiền nợ gốc, lãi tính đến hết ngày 20/4/2016 là 1.136.412.019 VNĐ. Duy trì các hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba để đảm bảo khoản vay của Ngân hàng. Sau đó, ngày 15/7/2016 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu đại điện là ông Bùi Tiến Lưu có đơn kháng cáo với nội dung: Không đồng ý với bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và đề nghị cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Quảng Ninh xem xét lại số tiền gốc và lãi phải trả với lý do: Do dịch bệnh năm 2015 nên đề nghị Ngân hàng xem xét giải quyết theo: “Nghị định 55/NĐCP ngày 09/6/2015 của Chính phủ do dịch bệnh tàn phá” giúp cho Công ty để Công ty có hướng trả nợ theo chính sách của Chính phủ, của Nhà nước. Tại cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xem xét chứng cứ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu cung cấp với Nghị định 55/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ do dịch bệnh tàn phá, thì năm 2015 tỉnh Quảng Ninh không nằm trong vùng dịch bệnh được công bố trên Toàn quốc nên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh Châu sẽ không được áp dụng Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ để được hỗ trợ kinh phí về số lợn đã chết. Do đó, lý do kháng cáo không có căn cứ nên cấp phúc thẩm giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm mà TAND thành phố Hạ Long đã tuyên. Vụ án 2: Tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng về phần lãi phải trả giữa các đương sự: Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Bị đơn: ông Lê Văn Đương, bà Đinh Thị In.  Ngày 19/12/2014, ông Lê Văn Đương và bà Đinh Thị In đã ký HĐTD số 140110168/HĐTD với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam- chi nhánh tỉnh Quảng Ninh để vay số tiền 270.000.000VNĐ, mục đích vay để kinh doanh. Lý do Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam khởi kiện ông Lê Văn Đương, bà Đinh Thị In vì ông Đương, bà In không thực hiện đúng nghĩa vụ  trả nợ theo cam kết, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đề nghị TAND thành phố Hạ Long giải quyết theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng, quản lý  và thu hồi đầy đủ vốn vay của Nhà nước. TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Bản án sơ thẩm số 06/2019/KDTM – ST ngày 10/4/2019. Áp dụng các điều Điều 463, khoản 1 Điều 466 BLDS năm 2015; khoản 2 Điều 91, Điều 95 Luật các TCTD năm 2010: Buộc ông Lê Văn Đương, bà Đinh Thị In phải có nghĩa vụ liên đới trả Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam số tiền tính đến ngày xét xử sơ thẩm là: 324.369.983VNĐ. Trong đó, số tiền nợ gốc là: 226.800.000VNĐ, tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là: 97.569.983 VNĐ. Kể từ ngày Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Lê Văn Đương và bà Đinh Thị In không trả hết số tiền nợ thì Ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 140110168/HĐTC ngày 19/12/2014 để thu hồi nợ. Sau đó, ngày 19/4/2019 ông Lê Văn Đương và bà Đinh Thị In có đơn kháng cáo với nội dung: Không nhất trí với cách tính lãi và lãi suất quá hạn của Ngân hàng. Đề nghị cấp Phúc thẩm xem xét lại phần tính lãi suất. Ở cấp Phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã phân tích: Khi vay, ông Lê Văn Đương và bà Đinh Thị In đã chấp nhận lãi suất Ngân hàng áp dụng tại thời điểm giải ngân là 12,5%/ năm nhưng hiện nay ông bà đã mất khả năng trả nợ và không có khả năng trả theo lãi suất tại thời điểm giải ngân, nên việc được áp dụng lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm đó là có cơ sở. Đồng thời, trong quá trình thực hiện HĐTD do ông bà đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ, nên phải chịu các loại lãi là lãi trong hạn và lãi quá hạn theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào khoản 5 điều 474 BLDS năm 2015 quy định: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn”. Chính vì thế kháng cáo của ông bà không có căn cứ để chấp nhận. Thứ hai: Tranh chấp hợp đồng tín dụng về việc xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực hay vô hiệu Tài sản thế chấp là tài sản dùng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của bên vay, đều bị xử lý để thu hồi nợ. Trong các vụ tranh chấp HĐTD này, TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thường xem xét rất kỹ đến hợp đồng thế chấp. Gần đây trên địa bàn Tỉnh Quảng Ninh nói chung và khu vực thành phố Hạ Long nói riêng, tranh chấp về HĐTD gia tăng đã làm xuất hiện nhiều tình huống gây tranh cãi giữa các cấp Tòa án khi giải quyết án, nhất là các tình huống có liên quan đến tài sản thế chấp. Nguyên nhân dẫn đến hợp đồng thế chấp vô hiệu được rút ra từ thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp HĐTD của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là: Một là: Thẩm định về chủ thể tham gia ký kết hợp đồng thế chấp tài sản Việc xác minh nhân thân của chủ thể ký kết hợp đồng thế chấp. Vấn đề tưởng là đơn giản nhưng trong thực tế lại rất phức tạp vì đã có trường hợp do cán bộ tín dụng, công chứng viên không làm hết trách nhiệm đã công chứng hợp đồng có chữ ký giả, công chứng không đúng nội dung. Việc xác định người ký kết hợp đồng có đủ năng lực hành vi dân sự. Trong thực tế, công chứng viên rất khó xác định năng lực hành vi dân sự hơn đối với những người bị tâm thần phân liệt, có lúc bình thường và có lúc bị bệnh. Nên có trường hợp công chứng viên đã cho người có dấu hiệu của bệnh thần kinh vào lăn tay, điểm chỉ vào hợp đồng. Việc tài sản bảo đảm là đất cấp cho hộ gia đình không có đủ chữ ký thành viên khi ký hợp đồng thế chấp. Trong thực tế xét xử, đã có nhiều trường hợp do cán bộ tín dụng và công chứng viên “để sót” thành viên hộ gia đình không ký vào hợp đồng thế chấp, khi TCTD xử lý tài sản thì xuất hiện thành viên này khởi kiện. Tại Tòa thì hợp đồng thế chấp này bị vô hiệu một phần. Việc xác định thành viên trong hộ theo “sổ hộ khẩu” hay theo giấy tờ nào vẫn còn là đề tài tranh cãi trong quá trình thực hiện nghiệp vụ công chứng. Để tạo điều kiện nhanh chóng và thuận lợi thì đa số các công chứng viên tại phòng công chứng vẫn sử dụng “sổ hộ khẩu” để xác định số thành viên của hộ. Nhưng nếu, có người chứng minh được họ không có tên trong “sổ hộ khẩu” nhưng là thành viên của hộ theo quy định của BLDS năm 2015 mà không “được ký hợp đồng thế chấp” thì việc hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, rủi ro cho TCTD là hoàn toàn có thể xảy ra. Hai là: Thẩm định về tài sản bảo đảm Việc thẩm định về tài sản không chính xác. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp cán bộ tín dụng chỉ dựa trên giấy tờ cung cấp của bên thế chấp mà không đi thẩm định tại chỗ. Dẫn đến nhiều trường hợp tài sản thế chấp có tài sản phát sinh mà không được ghi vào biên bản thẩm định. Khi xử lý tài sản thế chấp dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn. Việc các TCTD làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp, nhưng lại không đăng ký giao dịch bảo đảm kịp thời hạn, thậm chí không thực hiện việc đăng ký giao dịch đảm bảo dẫn đến khách hàng đi đăng ký thế chấp cho một giao dịch trước đó và TCTD trở nên mất quyền ưu tiên khi xử lý tài sản thế chấp, có thể mất luôn tài sản bảo đảm. Việc xác định tài sản bảo đảm là tài sản chung hay tài sản riêng. Qua thực tế cho thấy nhiều huyện đã áp dụng: Trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên một người thì chỉ cần một người ký hợp đồng. Như vậy, khi xảy ra tranh chấp thì tổ chức tín dụng sẽ rất khó xử lý tài sản bảo đảm vì người còn lại sẽ khiếu kiện theo quy định của pháp luật, bởi đây là tài sản chung của hai vợ chồng, nhưng chỉ đứng tên một người và chỉ có một người ký. Dưới đây là một vụ án điển hình về hợp đồng thế chấp bị Tòa án tuyên vô hiệu:  Vụ án: Tranh chấp hợp đồng tín dụng tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp do hợp đồng thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm sai thẩm quyền, hợp đồng thế chấp xác định sai chủ thể sử dụng đất: Nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Bị đơn: ông Văn Đức Hải, bà Dương Thị Mến; Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị Viên, ông Văn Đức Lợi, bà Văn Thị Huệ, bà Văn Thị Song, bà Văn Thị Nhị, bà Văn Thị Hồng, bà Văn Thị Đông, bà Văn Thị Lan. Từ năm 2010 đến năm 2012, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam- chi nhánh huyện Hoành Bồ Quảng Ninh đã ký kết các HĐTD với ông Văn Đức Hải, bà Dương Thị Mến vay tổng số tiền 1.200.000.000VNĐ. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Hải bà Mến đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên buộc ông Văn Đức Hải, bà Dương Thị Mến trả nợ số tiền trên. Trong trường hợp ông Hải bà Mến không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền kê biên, phát mại tài sản thế chấp của bên thế chấp để thu hồi nợ. Ngày 02/8/2017, TAND thành phố Hạ Long ban hành bản án sơ thẩm số 04/2017/KDTM – ST tuyên: Buộc ông Văn Đức Hải, bà Dương Thị Mến phải trả cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam số tiền là: 1.372.593.611VNĐ, trong đó nợ gốc 855.000.000VNĐ, nợ lãi 517.593.611VNĐ, lãi trong hạn 398.331.251VNĐ, lãi quá hạn 119.262.360VNĐ . Tuyên bố hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 100208283 ngày 24/9/2010 giữa bà Trần Thị Viên và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và các phụ lục hợp đồng thế chấp kèm theo số 110108701 ngày 11/7/2011, số 120106200 ngày 23/5/2012 vô hiệu bởi: Về hình thức: Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Trần Thị Viên và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam ngày 24/9/2010 chỉ được chứng thực tại Ủy ban nhân dân phường Việt Hưng là vi phạm điều 47 Luật Công chứng năm 2006 và Quyết định số 4029/QĐ-UBND ngày 24/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Hợp đồng thế chấp không được đăng ký thế chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vi phạm điểm c khoản 1 điều 10 và điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ, tại Nghị định này quy định: “Việc thế chấp quyền sử dụng đất…có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp”, như vậy thấy rằng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Trần Thị Viên và Ngân hàng chưa phát sinh hiệu lực. Về nội dung: bà Trần Thị Viên thế chấp quyền sử dụng đất 269,5m2 đất mang tên hộ bà Trần Thị Viên (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và tài sản trên đất gồm 01 nhà xây ba tầng và toàn bộ các công trình xây trên đất (gồm 01 nhà cấp bốn và các công trình phụ khác). Về nguồn gốc của mảnh đất này là do vợ chồng bà Trần Thị Viên và ông Văn Đức Thuận khai hoang từ những năm 1972 và ông bà đã xây 01 nhà cấp bốn trên mảnh đất này để ở. Năm 1991 ông Thuận chết không để lại di chúc, bà Viên và ông Thuận có 08 người con gồm anh Văn Đức Lợi, chị Văn Thị Huệ, chị Văn Thị Hồng, anh Văn Đức Hải, chị Văn Thị Song, chị Văn Thị Nhị, chị Văn Thị Lan và chị Văn Thị Đông. Theo quy định tại Nghị quyết 02/1990, ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Luật đất đai năm 1987 thì quyền sử dụng đất không phải là di sản thừa kế như vậy phần đất mà ông Thuận khai hoang cùng với bà Viên không phải là di sản thừa kế của ông Thuận để lại mà phần đất này tiếp tục được chuyển cho những người trong hộ gia đình của ông Thuận tiếp tục sử dụng và đến năm 1998 bà Viên được cấp bìa đỏ. Qua xác minh thấy rằng những người có tên trong hộ bà Viên vào năm 1998 gồm có bà Viên, ông Hải, bà Mến và 02 con của ông Hải bà Mến còn nhỏ. Tuy nhiên do bà Viên và ông Thuận có xây 01 ngôi nhà cấp bốn và ngôi nhà này hiện nay vẫn còn và chính là một phần di sản của ông Thuận để lại và chưa được chia thừa kế nên ngôi nhà cấp bốn này chính là tài sản chung của bà Viên và 08 người con của bà Viên và ông Thuận. Nhưng khi thế chấp thì 07 người con khác của bà Viên không biết, không ký vào hợp đồng thế chấp và cũng không đồng ý thế chấp như vậy thấy rằng bà Viên đã mang tài sản chung là ngôi nhà cấp bốn đi thế chấp là vi phạm điều cấm của pháp luật, bà Viên không có quyền thế chấp ngôi nhà này. Ngoài ra khi thế chấp tài sản trên đất là ngôi nhà xây ba tầng trên đất thì ngôi nhà này chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu và theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 91 Luật nhà ở năm 2005 thì ngôi nhà này không đủ điều kiện để mang đi thế chấp. Đây là một vi phạm điều cấm của bà Viên khi mang ngôi nhà này đi thế chấp. Từ những đánh giá, nhận định phân tích trên thấy rằng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Trần Thị Viên và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam ngày 24/9/2010 là vi phạm cả về hình thức và vi phạm điều cấm của pháp luật. Buộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (chi nhánh Hoành Bồ) trả lại cho bà Trần Thị Viên: 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K918200 do UBND huyện Hoành Bồ cấp ngày 25/11/1998 đứng tên hộ bà Trần Thị Viên. Sau đó, ngày 16/8/2017 Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Không đồng ý với một phần quyết định có nội dung vô hiệu hợp đồng thế chấp. Và ở cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xem xét kỹ hợp đồng thế chấp tranh chấp trong vụ án, đồng quan điểm với với cấp sơ thẩm và thấy việc kháng cáo là không có căn và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Thứ ba: Về sai sót trong thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án. Thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp về HĐTD của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong vài năm gần đây cũng còn một số tồn tại và thiếu sót trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án. Những sai sót đã được các Báo cáo tổng kết tại Tòa án hàng năm đề cập đến thường là: + Thứ nhất, xác định sai thẩm quyền của Tòa án khi thụ lý, giải quyết vụ án;  Xác định sai tư cách người tham gia tố tụng hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng; Xây dựng hồ sơ vụ án không đủ, đánh giá chứng cứ còn thiếu toàn diện, chưa tuân thủ đúng quy định. + Thứ hai, còn một số trường hợp Thẩm phán có sai sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến phán quyết của Hội đồng xét xử còn có lúc chưa chính xác. Trong quá trình giải quyết, do việc nghiên cứu tài liệu, đánh giá chứng cứ không đúng với sự thật khách quan...dẫn đến nhiều phiên tòa vi phạm thủ tục tố tụng và kết quả là bản án được tuyên hủy vì vi phạm thủ tục tố tụng. Có thể thấy rõ qua các ví dụ sau: Vụ án 1: Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các đương sự: Nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam; Bị đơn: Công ty TNHH Tuấn Dung; Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Đỗ Anh Thực, bà Nguyễn Thị Thu Thảo. Công ty TNHH Tuấn Dung, địa chỉ Khu 10, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do ông Đặng Đức Hoan chức vụ Giám đốc công ty đã ký HĐTD số 100118237/HĐTD vay số tiền 2.000.000.000 VNĐ với Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- chi nhánh Bãi Cháy.Tài sản bảo đảm cho HĐTD trên là 02 Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba: Hợp đồng thế chấp ngày 14/3/2013 do ông Đỗ Anh Thực đứng ra bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất 217,8m2 và tài sản gắn liền trên đất tại Tổ 6, Khu 11, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Giấy chứng nhận quyền sử đất số K918704 do do UBND thành phố Hạ Long cấp ngày 10/9/2001). Hợp đồng thế chấp ngày 14/32013 do bà Nguyễn Thị Thu Thảo đứng ra bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất 595,1m2 và tài sản gắn liền với đất tại Khu 8, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Giấy chứng nhận quyền sử đất số  Đ446039 do UBND thành phố Hạ Long cấp ngày 25/10/2004). Trong quá trình vay vốn, do kinh doanh thua lỗ dẫn đến Công ty TNHH Tuấn Dung không còn khả năng trả nợ. Nay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam khởi kiện ra Tòa án buộc Công ty TNHH Tuấn Dung phải trả cho Ngân hàng số tiền gốc quá hạn là 900.000.000 VNĐ, số tiền lãi chưa trả tạm tính đến ngày 10/6/2016 là 432.008.796VNĐ, tổng cộng nợ gốc lãi là 1.332.008.796VNĐ. Số tiền lãi phát sinh, lãi quá hạn và các khoản phí phát sinh (nếu có) từ sau ngày 10/6/2016  đến khi Công ty TNHH Tuấn Dung thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ đối với toàn bộ khoản vay. TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý vụ án trên mà không xác minh rõ địa chỉ hiện tại người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đến thủ tục hòa giải khi triệu tập các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Đỗ Anh Thực đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và chưa quay lại đã được Cục xuất nhập cảnh xác nhận bằng công văn. Do có yếu tố nước ngoài, nên theo quy định tại khoản 3 điều 33 BLTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011, thẩm quyền giải quyết phải là Tòa án nhân dân Tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy TAND thành phố Hạ Long đã phải chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh để giải quyết theo đúng thẩm quyền. Vụ án 2: Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các đương sự: Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam; Bị đơn: Bà Nguyễn Thu Hằng; Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn Trung. Ngày 20/07/2012, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hạ Long đã ký hợp đồng tín dụng số 0305117/HĐTD cho bà Nguyễn Thu Hằng vay hạn mức tín dụng với dư nợ cao nhất là 500.000.000VNĐ, hạn trả là ngày 20/7/2013, lãi suất cho vay 15%/năm, lãi quá hạn 150% so với lãi vay đã thỏa thuận. Tài sản thế chấp là nhà và đất đứng trên chồng bà Hằng là ông  Nguyễn Văn Trung. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà Hằng đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Nay Ngân hàng  khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thu Hằng và ông Nguyễn Văn Trung thực hiện việc trả nợ HĐTD đã ký với số tiền gốc là 400.000.000 VNĐ và tiền lãi trong hạn phát sinh tính từ ngày 20/10/2013 đến 20/7/2015 là 212.916.666 VNĐ. Tổng số tiền cả gốc và lãi ông bà phải trả là 612.916.666 VNĐ. Nếu ông bà không trả nợ, Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê kiên xử lý tài sản thế chấp theo các hợp đồng thế chấp đã ký để thu hồi nợ. TAND thành phố Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý và ban hành bản án số 10/2015/KDTM-ST, ngày 20/07/2015 của TAND thành phố Hạ Long đã quyết định: Buộc bà Nguyễn Thu Hằng có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam. Tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp tài sản số 0305116/HĐBĐ ngày 19/07/2012 của vợ chồng ông Nguyễn Văn Trung và bà Nguyễn Thu Hằng thế chấp tài sản đảm bảo cho HĐTD số 0305117/HĐTD  ngày 20/07/2012. Ngày 29/7/2015 Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh  Hạ Long, đại diện theo ủy quyền là ông Phạm Văn Hải có đơn kháng cáo một phẩn bản án số 10/2015/KDTM-ST, với lý do: Không nhất trí với bản án của TAND thành phố Hạ Long đưa ông Nguyễn Văn Trung là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ông Trung phải có nghĩa vụ trả nợ cùng với bà Nguyễn Thu Hằng. TAND tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý xét xử phúc thẩm vụ án này. Trong quá trình xác minh và thu thập chứng cứ thấy: Tại thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp HĐTD trên, TAND thành phố Hạ Long  cũng đồng thời thụ lý vụ án hôn nhân gia đình giữa ông Nguyễn Văn Trung và bà Nguyễn Thu Hằng nhưng không cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam- chi nhánh Hạ Long vào người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Sau khi bản án kinh doanh thương mại xét xử xong thì ngày 26/7/2015, TAND thành phố Hạ Long đã ra quyết định số 42/2015/QĐST – HNGĐ công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự giữa ông Nguyễn Văn Trung và bà Nguyễn Thu Hằng. Các mối quan hệ khác hai  bên đều  thỏa thuận nhất trí. Về quan hệ tài sản thì ông Trung và bà Hằng đã cùng thống nhất tài sản chung có một ngôi nhà xây 2 tầng nhưng đã thế chấp Ngân hàng để vay tiền, tài sản này có liên quan đến công nợ chung thì cả hai ông bà đều thống nhất có nợ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam- chi nhánh Hạ Long, ông Trung với bà Hằng đều thỏa thuận đồng ý cho bà Hằng sở hữu số tài sản mà đã thế chấp cho Ngân hàng và bà Hằng phải chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng. Ở đây, TAND thành phố Hạ Long trong vụ án Hôn nhân gia đình đã không đưa Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam- chi nhánh Hạ Long vào người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì tài sản của ông Trung, bà Hằng đang được thế chấp tại Ngân hàng. Dẫn đến việc Ngân hàng kháng cáo là có căn cứ. Nhưng trong quá trình xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu TAND thành phố Hạ Long cung cấp thêm tài liệu cho hồ sơ vụ án do thiếu sót trong quá trình tố tụng và bổ sung vào bản án phúc thẩm nhằm giải quyết đúng quyền và lợi ích của các đương sự. 2.4. Đánh giá về công tác xét xử các vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 2.4.1. Nhận xét về thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Toà án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - Qua thực tiễn giải quyết các tranh chấp HĐTD ngân hàng tại TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định: Thứ nhất: Việc giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng đã được thống nhất theo trình tự thủ tục của BLTTDS. Điều này, đã tiết kiệm được thời gian cho các cơ quan tố tụng và các bên tranh chấp. Thứ hai: Pháp luật quy định chi tiết thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tranh chấp HĐTD ngân hàng là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Ngoài ra, đối với các loại tranh chấp HĐTD ngân hàng mà có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 01 tháng đối với vụ án tranh chấp HĐTD ngân hàng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 01 tháng. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng. Quy định này đã nâng cao trách nhiệm của các Toà án trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp HĐTD. Thứ ba: TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nâng cao chất lượng xét xử, làm rõ những yêu cầu của đương sự trong vụ án, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết vụ án. Công tác giải quyết tranh chấp về cơ bản được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Thứ tư: HĐTD của các ngân hàng được lập theo một thủ tục chặt chẽ có giá trị pháp lý cao so với các hợp đồng dân sự khác nên việc tòa án giải quyết cũng khá nhanh và đơn giản, đa phần nhiều vụ án khi ngân hàng khởi kiện tòa án tiến hành thủ tục hòa giải thì các bên thỏa thuận đươc với nhau nên hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đối với giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khiến quá trình giải quyết còn chưa thực sự có hiệu quả. Theo báo cáo tổng kết của TAND thành phố Hạ Long thì tồn tại, hạn chế bởi các nguyên nhân sau đây: Thứ nhất: Pháp luật hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng tuy khá đầy đủ nhưng chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện. Pháp luật của Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung để dần dần hoàn thiện. Vì thế, nhiều bộ luật, luật được ban hành mà chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết thi hành, nhiều quy định chồng chéo không thực hiện được trên thực tế hoặc được áp dụng không thống nhất trong hệ thống cơ quan tư pháp. Một số văn bản pháp luật đã có hiệu lực thi hành trong một thời gian khá dài nhưng nhiều quy định trong các văn bản đó chưa được TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng các cơ quan hữu quan trong phạm vi thẩm quyền ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành nên có tình trạng TAND các cấp áp dụng không thống nhất và kết quả các bản án hoàn toàn trái ngược nhau giữa các cấp Toà. Thứ hai: Đối với công tác giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết khiếu nại vẫn chưa đảm bảo được những quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám đốc thẩm của TAND cấp tỉnh với TAND cấp huyện còn hạn chế, nên chưa kịp thời phát hiện các vi phạm để khắc phục và xử lý. Thứ ba: Trong quá trình giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng, nhiều Thẩm phán nghiên cứu tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, rõ ràng, đánh giá chứng cứ không đúng với sự thật khách quan, thậm chí còn xác định sai tư cách tố tụng của đương  sự hoặc triệu tập không đầy đủ những người bắt buộc phải tham gia phiên toà dẫn đến nhiều phiên toà vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và kết quả là bản án được tuyên bị huỷ vì vi phạm nghĩa vụ tố tụng. Thứ tư: Đội ngũ cán bộ Toà án hiện nay còn thiếu về số lượng và một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, có một số cán bộ Toà án có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp chưa cao nên đã có những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng tới kết quả của vụ án. Thứ năm: Việc ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cấp cơ sở vật chất vào hoạt động của Toà án còn nhiều hạn chế. Quá trình giải quyết các tranh chấp còn mất nhiều thời gian, nhiều loại chi phí, nhiều đầu mối trung gian trong khi đó lĩnh vực tài chính là lĩnh vực nhạy cảm yêu cầu giải quyết nhanh gọn để các bên có thể nhanh chóng tiến hành hoạt động trở lại bình thường. 2.4.2. Các yếu tố cơ bản ảnh hƣởng tới chất lƣợng bản án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án * Hạn chế, bất cập của  pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án:   - Hạn chế bất cập từ phía các quy định của BLDS năm 2015:  + Cần phải xác định cụ thể các chủ thể thế chấp đối với quyền sử dụng đất thuộc sử dụng của Hộ gia đình: BLDS năm 2015 không quy định cụ thể các tiêu chí để xác lập địa vị pháp lý của hộ gia đình trên cơ sở đó phân định quyền về tài sản cho hộ gia đình. Điều kiện nào để xác định các thành viên trong hộ gia đình, điều kiện nào để xác định đại diện chủ hộ gia đình. Luật đất đai năm 2013 cần quy định rõ trong trường hợp nào cấp cho hộ giá đình, trong trường hợp nào cấp cho cá nhân. Vì thực tế điều này gây khó khăn cho ngân hàng vì ngân hàng chỉ căn cứ thông tin khách hàng cung cấp, hộ khẩu khách hàng cung cấp, khó có thể xác định các thành viên trong gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, dẫn đến tình trạng thiếu sót người ký trên hợp đồng thế chấp dẫn đến tình trạng Tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp.  + Quy định không thống nhất căn cứ tính lãi suất chậm trả trong BLDS và luật chuyên ngành liên quan: Hiện tại, khi căn cứ BLDS năm 2015, lãi suất chậm trả sẽ được tính như sau, căn cứ Điều 466, BLDS năm 2015, nghĩa vụ trả nợ của bên vay: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: “Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời  hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn  chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác ” (Điều 466, BLDS năm 2015). Theo quy định tại Khoản 2, Điều 91, Luật các TCTD năm 2010 thì “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”, Luật các TCTD năm 2010, không đề cập đến lãi suất đối với khoản nợ quá hạn. Mặt khác, theo quy định tại Điều 13,Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì: “Trường hợp khoản vay bị chuyển nợ quá hạn thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn”. Như vậy có nhiều căn cứ áp dụng lãi suất nợ quá hạn đối với khoản nợ gốc quá hạn này, lại đặt ra mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành và giá trị pháp lý của các văn bản pháp luật. - Hạn chế bất cập từ phía các quy định của BLTTDS năm 2015  + Đánh giá chứng cứ trong trường hợp gửi đơn khởi kiện kèm tài liệu chứng cứ là trực tuyến: Theo quy định tại Điều 190, BLTTDS năm 2015 về việc gửi đơn khởi kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án.Việc quy định gửi đơn thông qua điện tử sẽ gây khó khăn cho thẩm phán trong việc đánh giá tính khách quan của chứng cứ, khó khăn khi đánh giá chứng cứ trên cơ sở tài liệu được sao chép lại, không phải là bản gốc.  + Chưa có văn bản hướng dẫn và cơ chế giám sát việc xét xử theo thủ tục rút gọn: Quy định thủ tục rút gọn từ Điều 316 đến Điều 324, BLTTDS năm 2015 góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp phát sinh, đảm bảo quyền lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, giam chi phí tố tụng. Tuy nhiên, chưa quy định rõ văn bản hướng dẫn và cơ chế giám sát chặt chẽ trình tự tố tụng này đảm bảo tính chính xác, đảm bảo quyền lợi của các bên tránh những sai sót xảy ra khi áp dụng các vụ án theo thủ tục này.  + Quy định về yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp chứng cứ: Theo Điều 106, BLTTDS năm 2015 thì :“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án và Viện kiểm sát trong vòng 15 ngày , nếu không cung cấp mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật...” (Điều 106, BLTTDS năm 2015).  Điều này quy định khá rõ nhưng việc thực hiện trong thực tế hết sức khó khăn. Thực tiễn có rất nhiều vụ phải tạm đình chỉ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm vì lý do cơ quan lưu giữ tài liệu, chứng cứ không cung cấp cho Tòa án theo yêu cầu mà đến nay vẫn chưa có phương án khắc phục tình trạng này một cách hữu hiệu.  Thực tế, có rất nhiều vụ án đang bị tạm đình chỉ do chưa xác định địa chỉ công ty tại thời điểm hiện tại, chờ công văn trả lời của sở kế hoạch và đầu tư hay trong quá trình thậm định có những thửa đất không xác định được mốc giới, vì vậy phải tạm đình chỉ để chờ công văn trả lời Văn phòng đăng ký quyền sử dụng  đất.  + Việc quy định không hợp lý về thẩm quyền của các cơ quan giải quyết tranh chấp có thể dẫn đến sự kém hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại nói chung và tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng nói riêng. Điều này thể hiện khá rõ trong pháp luật thực định ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể là, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng nói riêng và các tranh chấp trong kinh doanh thương mại nói chung cho TAND cấp quận/huyện đang gây nhiều áp lực cho tòa án cấp quận/huyện trong những năm gần đây. Hiện nay, ở tòa án cấp quận/huyện, thẩm phán đang một lúc gánh nhiều việc trên vai: từ việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình đến các vụ án kinh tế, kinh doanh thương mại…Chính vì thế đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoàn thiện kiến thức pháp luật và nghiệp vụ chuyên sâu của thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của Thẩm phán Thẩm phán thường có vai trò Chủ tọa trong các phiên tòa giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng, là người trực tiếp được giao nhiệm vụ xét xử, nhân danh Nhà nước để bảo vệ pháp luật. Do đó, để có một bản án có chất lượng đòi hỏi Thẩm phán cần phải có một vốn kiến thức vững chắc, am hiểu pháp luật và phải luôn cập nhập được kiến thức mới, thường xuyên được bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ. Phẩm chất đạo đức của Thẩm phán có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án tranh chấp HĐTD ngân hàng có được giải quyết. Cần phải rèn luyện và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của Thẩm phán để có bản án công tâm, khác quan và đúng pháp luật. Hoạt động cung cấp chứng cứ, tài liệu và việc chứng minh của các chủ thể liên quan, nhất là các đương sự Đối với việc giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng tại Toà án thì trách nhiệm cung cấp chứng cứ thuộc về các bên tranh chấp. Bản án được tuyên có đúng với sự thật khách quan hay không phụ thuộc nhiều vào chứng cứ mà các bên cung cấp. Trước Toà án, nếu các đương sự không chứng minh được sự tồn tại quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì không thể thuyết phục được Toà án bảo vệ quyền và lợi ích cho mình. Vì trên thực tế, các Toà án cũng có thể có sai lầm trong việc xác định các tình tiết, sự kiện của vụ tranh chấp. Do vậy, chứng minh không chỉ có ý nghĩa bảo đảm quyền cho đương sự mà còn có ý nghĩa giúp Hội đồng xét xử có những căn cứ pháp lý để giải quyết vụ án một cách chính xác và đúng luật. Khả năng hiểu biết pháp luật và trình độ nhận thức pháp luuật của các bên tranh chấp còn thiếu và yếu: đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tính hiểu quả của việc giải quyết tranh chấp từ HĐTD. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với bên cho vay là các NHTM, bởi lẽ, trong quá trình cấp tín dụng cho doanh nghiệp, việc thẩm định tín dụng đóng một vai trò tối quan trọng. Thẩm định tín dụng đòi hỏi phải có một cái nhìn tổng quát về mặt chuyên môn nghiệp vụ cũng như khối kiến thức xã hội rộng lớn để có thể xem xét một vấn đề trên nhiều khía cạnh, đánh giá được những rủi ro tiềm tàng có thể xẩy ra trong quá trình cho vay. Để chất lượng tín dụng được đảm bảo và nâng cao hay không đòi hỏi quá trình thẩm định phải được thực hiện nghiêm túc, những thông tin do cán bộ thẩm định nêu ra sẽ là cơ sở để các cấp có thẩm quyền đưa ra quyết định cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Năng lực và trình độ của cán bộ thẩm định sẽ quyết định đến chất lượng của các các thông tín tín dụng được phân tích từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô tín dụng cũng như chất lượng tín dụng của ngân hàng.Kết luận Chương II Đối với các Tổ chức tín dụng muốn tồn tại và phát triển các hoạt động tín dụng cũng phải quan tâm đến việc hạn chế những tranh chấp xảy ra trong hoạt động tín dụng. Pháp luật về giải quyết các tranh chấp xảy ra trong hợp đồng tín dụng tại Tòa án có vai trò hết sức to lớn giảm thiểu sự rủi ro trong việc giải quyết nợ xấu thu hồi vốn. Qua đó, giúp cho các tổ chức tín dụng tồn tại và phát triển, đồng thời còn góp phần giúp cho thị trường tiền tệ ổn định và phát triển. Qua nghiên cứu thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, luận văn đã phân tích cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế được rút ra trong quá trình xét xử từ đó làm cơ sở để đưa ra giải pháp cụ thể ở Chương III.