MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT THỪA KẾ VÀ THỪA KẾ THẾ VỊ
1.1. Một số vấn đề lý luận về pháp luật thừa kế
1.1.1. Khái niệm thừa kế, quyền thừa kế, pháp luật thừa kế
1.1.1.1. Khái niệm thừa kế
Dưới góc độ là một phạm trù kinh tế, thừa kế có mầm mống và xuất hiện ngay từ thời kỳ sơ khai của xã hội loài người - thời kì nhà nước chưa xuất hiện và pháp luật chưa ra đời. Sự kế thừa tài sản trong thị tộc, bộ lạc theo chế độ mẫu hệ đã đặt nền móng ban đầu cho sự hình thành và phản ánh tính tất yếu của việc thừa kế tài sản theo huyết thống. Theo tiến trình phát triển của xã hội, tương ứng với từng giai đoạn lịch sử phát triển nhất định là sự phát triển của lực lượng sản xuất, của hình thức gia đình, của sự thay đổi quan hệ sở hữu và theo đó việc thừa kế tài sản cũng thay đổi.
Theo Đại Từ điển Tiếng Việt thì Thừa kế là “Được hưởng tài sản, của người chết để lại cho: Thừa kế tài sản”2. Theo Từ điển Luật học thì "Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống"3. Từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại Học Luật Hà Nội định nghĩa: "Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống”4. Như vậy, theo cách hiểu, định nghĩa này thì bản chất của thừa kế chính là sự dịch chuyển tài sản và quyền sở hữu tài sản của người chết cho tổ chức, cá nhân có quyền hưởng thừa kế (gọi chung là người thừa kế) và người thừa kế trở thành chủ sở hữu của tài sản được hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật. Đó là sự tiếp nối giữa việc để lại di sản của người đã chết với việc nhận di sản của người còn sống và sự tiếp nối này luôn làm phát sinh các quan hệ sở hữu về tài sản. Thừa kế và sở hữu luôn tồn tại song song, gắn bó và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thừa kế là một phạm trù kinh tế vì nó luôn gắn với tài sản và quyền sở hữu tài sản. Thừa kế cũng là một phạm trù pháp luật vì nó phản ánh và điều chỉnh quan hệ xã hội trong việc dịch chuyển tài sản từ người chết sang người còn sống. Phạm trù pháp luật và kinh tế lại mang tính lịch sử, phản ánh đầy đủ bản chất của xã hội tư hữu có giai cấp, nên thừa kế xuất hiện và tồn tại cùng với sự xuất hiện, phát triển của xã hội có giai cấp, dựa trên cơ sở tư hữu về tài sản (từ chế độ chiếm hữu nô lệ đến xã hội hiện đại ngày nay), thể hiện quan điểm của một giai cấp nhất định trong xã hội có Nhà nước. Nhà nước điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong xã hội bằng pháp luật, trong đó có quan hệ thừa kế.
Theo góc độ thừa kế là một quan hệ pháp luật dân sự, trong đó có chủ thể của quan hệ thừa kế tham gia vào việc nhận di sản thừa kế. Người được hưởng tài sản của người chết để lại được gọi là người thừa kế. Người để lại di sản phải là cá nhân mà không bao giờ là pháp nhân, cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, nhưng người thừa kế có thể là cá nhân hoặc bất kỳ một chủ thể nào khác thỏa mãn các quy định của pháp luật được người có tài sản chỉ định hưởng di sản theo di chúc.
Như vậy, thừa kế là phạm trù kinh tế phản ánh quan hệ kinh tế - xã hội nói chung và lịch sử phát triển kinh tế - xã hội nói riêng, xuất hiện và tồn tại cùng với sự xuất hiện và phát triển của xã hội có phân chia giai cấp dựa trên cơ sở tư hữu về tài sản được thể hiện ở sự dịch chuyển tài sản của người chết cho người còn sống, gắn chặt với lợi ích của cá nhân, gia đình, cộng đồng, dòng họ…
1.1.1.2. Khái niệm quyền thừa kế
Quyền thừa kế có mối quan hệ chặt chẽ với quyền sở hữu của cá nhân. Quyền sở hữu của cá nhân là cơ sở của việc thừa kế. Hình thức sở hữu quyết định việc thừa kế trong xã hội. Quyền sở hữu là cơ sở của quyền thừa kế, còn quyền thừa kế lại chính là căn cứ xác lập quyền sở hữu mới. Quyền sở hữu và quyền thừa kế song song tồn tại trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định, nhưng thông thường thì pháp luật quy định cá nhân có quyền sở hữu trước, sau đó pháp luật mới quy định cho họ quyền thừa kế. Trong chế độ xã hội phong kiến và tư bản, giai cấp bóc lột chiếm hữu tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội nên di sản họ truyền lại cho con cháu không những là quyền lực kinh tế mà còn cả quyền lực chính trị để duy trì sự áp bức bóc lột của giai cấp đó đối với giai cấp khác.
Theo nghĩa hẹp thì quyền thừa kế là quyền để lại di sản thừa kế của mình cho người khác, quyền nhận thừa kế di sản của người khác để lại cho mình. Theo đó, người có tài sản có quyền để lại di sản thừa kế cho người khác, nhận di sản thừa kế do người khác để lại, từ chối nhận di sản thừa kế do người khác để lại, khởi kiện hoặc không khởi kiện về thừa kế. Tuy nhiên, quyền thừa kế theo nghĩa hẹp này phải phù hợp với các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về thừa kế nói riêng.
Theo nghĩa chủ quan thì quyền thừa kế chính là quyền dân sự cụ thể của người được thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, quyền của người để lại di sản và quyền của người hưởng di sản. Người để lại di sản có quyền lập di chúc, chỉ định người hưởng di sản, còn người hưởng di sản có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản. Người thừa kế có quyền hưởng di sản, quyền từ chối nhận di sản, quyền khởi kiện hay không khởi kiện để yêu cầu bảo vệ quyền hưởng di sản của mình trong thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
Theo nghĩa khách quan thì quyền thừa kế được hiểu là một chế định pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh quan hệ giữa người để lại di sản với người hưởng di sản. Quyền thừa kế ở phương diện khách quan mang tính quyết định đối với quyền thừa kế ở phương diện chủ quan. Nghĩa là, pháp luật quy định cho các chủ thể trong quan hệ thừa kế được hưởng các quyền và phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định.
Ngoài ra, quyền thừa kế còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự giữa những người có quyền hưởng di sản với nhau và giữa những người thừa kế với người không có quyền hưởng di sản. Quan hệ thừa kế là một loại quan hệ pháp luật về di sản. Quan hệ này là hệ quả của quan hệ sở hữu và đồng thời cũng là căn cứ xác lập quyền sở hữu của người được thừa kế nhận di sản. Tính chất hai chiều của quan hệ thừa kế đã tạo điều kiện cho sự hình thành các quan hệ về tài sản khác của các chủ thể tham gia vào quan hệ thừa kế.
Mỗi Nhà nước có những quy định về vấn đề sở hữu và thừa kế khác nhau. Quy định về thừa kế do các quy định về sở hữu quyết định và các quy định này thường tồn tại một cách tương ứng với nhau. Mối quan hệ giữa sở hữu và thừa kế phát sinh trong xã hội có liên quan mật thiết với nhau, song song tồn tại cùng nhau. Do đó, quyền sở hữu và quyền thừa kế cũng có mối quan hệ hết sức mật thiết và chặt chẽ. Pháp luật quy định chế độ sở hữu về tài sản của cá nhân, quy định quyền của cá nhân đối với tài sản của mình, trong đó có quyền thừa kế. Vì vậy, các quy định về quyền thừa kế luôn là phương tiện để duy trì và củng cố quyền sở hữu, mang bản chất giai cấp sâu sắc.
Ở Việt Nam, quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận“Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”5. Ngoài ra, tại Điều 609 BLDS 2015 cũng quy định nội dung cụ thể về quyền thừa kế.
Như vậy, theo các quy định trên thì quyền thừa kế của cá nhân bao gồm: quyền để lại di sản theo di chúc, quyền để lại di sản theo pháp luật, quyền nhận di sản theo di chúc, quyền nhận di sản theo pháp luật. Pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân, trước khi chết họ có quyền định đoạt tài sản của mình theo ý chí của họ thông qua việc lập di chúc. Trường hợp người đó không thể hiện ý chí để định đoạt tài sản hoặc sự định đoạt đó không phù hợp pháp luật thì di sản sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Pháp luật quy định về quyền thừa kế như sau:
“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc” quy định quyền để lại thừa kế của cá nhân, đồng thời quy định bất kỳ một cá nhân nào cũng có quyền hưởng di sản thừa kế, trừ trường hợp pháp luật quy định không được hưởng thừa kế. Việc để lại di sản thừa kế và nhận di sản thừa kế là hai mặt đối lập nhưng thống nhất với nhau và là hai yếu tố cấu thành quyền thừa kế, phản ánh quá trình dịch chuyển tài sản của người chết sang người còn sống.
Bên cạnh quyền thừa kế của cá nhân, quy định này còn quy định quyền thừa kế của các chủ thể khác không phải là cá nhân, nhưng các chủ thể không phải là cá nhân chỉ có quyền quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc.
Như vậy, quyền thừa kế được hiểu là quyền của cá nhân và các chủ thể không phải là cá nhân liên quan đến việc dịch chuyển tài sản của người chết cho người còn sống theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định, trong đó cá nhân có quyền để lại di sản thừa kế của mình cho người khác hoặc hưởng di sản thừa kế của người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật, còn các chủ thể không phải là cá nhân chỉ có quyền quyền hưởng di sản theo di chúc.
1.1.1.3. Khái niệm pháp luật thừa kế
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự, là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Pháp luật luôn được coi là công cụ hữu hiệu để Nhà nước thực hiện vai trò quản lý xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do các quan hệ xã hội rất phong phú và đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và để thuận tiện trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội thì Nhà nước luôn có những quy phạm pháp luật tương ứng để điều chỉnh các quan hệ, nhóm quan hệ xã hội nhất định.
Tương tự như vậy, các quan hệ thừa kế liên quan đến việc dịch chuyển tài sản của người chết sang cho những người còn sống cũng có các quy phạm pháp luật thừa kế điều chỉnh. Do đó, pháp luật thừa kế là hệ thống những quy phạm pháp luật điều chỉnh việc dịch chuyển tài sản của người chết sang cho những người còn sống theo trình tự, thủ tục nhất định.
1.1.2. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật thừa kế
Pháp luật thừa kế là một bộ phận không thể tách rời của pháp luật nói chung và pháp luật dân sự nói riêng. Do đó, nguyên tắc của pháp luật thừa kế cũng phải phù hợp với những nguyên tắc chung của pháp luật nói chung và pháp luật dân sự nói riêng. Đây là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thừa kế, phản ánh bản chất, đặc trưng cơ bản của pháp luật thừa kế của mỗi quốc gia. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì pháp luật của mỗi quốc gia có thể có những nguyên tắc riêng biệt, song vẫn có những nguyên tắc pháp luật chung nhất và các nguyên tắc của pháp luật thừa kế của mỗi quốc gia sẽ phải phù hợp với các nguyên tắc pháp luật chung của quốc gia đó.
Ở Việt Nam, pháp luật thừa kế xuất hiện từ rất sớm và ở mỗi giai đoạn lịch sử tương ứng với mỗi Nhà nước thì pháp luật liên quan đến thừa kế cũng có những nguyên tắc riêng. Trong xã hội phong kiến, các nguyên tắc của pháp luật thừa kế do Nhà nước đặt ra chủ yếu bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, có sự bất bình đẳng trong quan hệ thừa kế giữa nam và nữ. Sau cách mạng tháng 8/1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, những nguyên tắc về quyền dân sự cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 1946, Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950 đã quy định những nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”7. Nguyên tắc này được coi như định hướng chủ đạo trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự nói chung và quan hệ thừa kế tài sản nói riêng trong các văn bản pháp luật sau này.
Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể khái quát những nguyên tắc cơ bản về pháp luật thừa kế như sau:
1.1.2.1. Nguyên tắc tôn trọng ý chí của người có quyền thừa kế
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì người có quyền thừa kế có thể là cá nhân và không phải là cá nhân. Người có quyền thừa kế là cá nhân thể hiện theo hai loại, cá nhân là người để lại di sản hoặc cá nhân là người được thừa kế di sản. Người có quyền thừa kế không phải là cá nhân có thể là cơ quan, tổ chức có quyền hưởng di sản theo di chúc.
- Đối với cá nhân người để lại di sản, với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp với những tài sản của mình thì cá nhân có quyền lựa chọn lập di chúc hoặc không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Nếu cá nhân chọn hình thức lập di chúc thì di chúc chính là hình thức thể hiện ý chí của người đó trong việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình sau khi họ chết. Người lập di chúc có các quyền: chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản được hưởng cho từng người thừa kế; dành một phần di sản trong khối di sản thừa kế để tặng cho, dùng vào việc thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản; chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, người phân chia di sản… Tuy nhiên, việc định đoạt tài sản của cá nhân bằng di chúc chỉ có hiệu lực khi di chúc đó thỏa mãn các điều kiện về di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 630 BLDS 2015, nếu không thỏa mãn các điều kiện này thì di chúc sẽ không hợp pháp. Ngoài ra, cá nhân cũng có quyền lựa chọn việc không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, sau khi người đó chết thì tài sản của người đó sẽ do những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản được hưởng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, ý chí của cá nhân trong việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình được pháp luật bảo vệ và tôn trọng. Việc lập di chúc hay không lập di chúc định đoạt tài sản của mình là tùy thuộc vào ý chí của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định thì quyền định đoạt này vẫn bị hạn chế theo quy định của pháp luật thừa kế, đó là quy định về quyền thừa kế của “Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc” là con chưa thành niên hay cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không có khả năng lao động; những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật và họ không phải là người từ chối nhận di sản theo Điều 620 BLDS 2015 hoặc người không có quyền hưởng di sản theo Điều 621 BLDS 2015.
- Đối với cá nhân có quyền nhận di sản, pháp luật thừa kế quy định cá nhân có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản thừa kế. Việc từ chối nhận di sản theo pháp luật hay theo di chúc của cá nhân được hưởng di sản là thể hiện ý chí của người đó, được pháp luật cho phép nếu việc từ chối nhận di sản phù hợp quy định tại Điều 620 BLDS 2015, không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình với người khác, được lập thành văn bản và việc từ chối nhận di sản phải thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Nguyên tắc tôn trọng ý chí của người có quyền thừa kế đã thể hiện đúng tinh thần tôn trọng tự do ý chí đã được thể hiện trong BLDS 2015, cụ thể là với vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật tư, BLDS 2015 được xây dựng trên nguyên lý tôn trọng tự do ý chí; khẳng định nguyên tắc “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”9.
1.1.2.2. Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng, công bằng của công dân về thừa kế
Không phải cá nhân nào trong diện thừa kế cũng được hưởng di sản thừa kế. Trên cơ sở xác định diện thừa kế, pháp luật quy định những người có thể được hưởng di sản thừa kế của người chết được xếp theo thứ tự các hàng thừa kế từ hàng thừa kế thứ nhất đến hàng thừa kế thứ ba và những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản (kỉ phần) bằng nhau. Theo Điều 651 BLDS 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Bên cạnh đó, quyền của người quản lý di sản cũng được pháp luật thừa kế quy định chặt chẽ hơn, theo hướng đảm bảo quyền lợi của họ thông qua việc được được thanh toán chi phí bảo quản di sản và được hưởng một khoản thù lao hợp lý. BLDS 2015 đã bổ sung 2 nội dung ghi nhận rõ hơn quyền lợi của người quản lý di sản, cụ thể:
- Người quản lý di sản được thanh toán chi phí bảo quản di sản: Điều 640 BLDS 2005 không quy định bảo quản di sản là một quyền của người quản lý di sản, trong khi đó tại khoản 9 Điều 683 BLDS 2005 lại quy định “chi phí cho việc bảo quản di sản” là một trong những chi phí được ưu tiên thanh toán, điều này tạo ra sự thiếu thống nhất. BLDS 2015 đã khắc phục hạn chế này bằng việc bổ sung điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 618 với quy định thêm về quyền của người quản lý di sản là “được thanh toán chi phí bảo quản di sản”.
Ngoài việc trực tiếp quy định quyền được thanh toán chi phí bảo quản di sản cho người quản lý di sản nêu trên, Điều 658 BLDS 2015 còn đưa chi phí bảo quản di sản lên vị trí ưu tiên thứ 3 trong các chi phí được ưu tiên thanh toán (thay vì thứ 9 theo quy định tại khoản 9 Điều 683 BLDS 2005). Việc sửa đổi này là xuất phát từ nguyên lý người quản lý di sản là người đã phải bỏ công sức, chi phí để duy trì hoặc làm gia tăng giá trị tài sản, bởi vậy họ xứng đáng được ưu tiên thanh toán.
- Người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý: nếu BLDS 2005 (điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 640) mới dừng ở việc quy định người quản lý di sản được hưởng thù lao theo di chúc hoặc theo thỏa thuận với những người thừa kế thì khoản 3 Điều 618 BLDS 2015 đã bổ sung “Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý”. Như vậy, BLDS 2015 đã ghi nhận quyền được hưởng thù lao của người quản lý di sản. Mức thù lao do người quản lý di sản thỏa thuận với những người thừa kế. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ từng trường hợp cụ thể quyết định mức thù lao hợp lý.
1.1.2.3. Nguyên tắc cá nhân người thừa kế phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế;
Xuất phát từ lý luận người đã chết không thể có năng lực chủ thể để tham gia vào bất kỳ quan hệ pháp luật nào nên pháp luật Việt Nam quy định người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp một người chưa sinh ra vào thời điểm mở thừa kế thì người đó phải là người đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế và phải sinh ra còn sống sau thời điểm mở thừa kế (Điều 613 BLDS 2015). Sự kiện “chết” ở đây được hiểu dưới hai góc độ: chết sinh học và chết pháp lý. Thuật ngữ “chết sinh học” chỉ sự kết thúc một sự sống trên thực tế, nó trùng với quan niệm về chữ “tử” trong “sinh, lão, bệnh, tử” trong dân gian. Còn dưới góc độ pháp lý, sự kiện “chết” được hiểu là trường hợp một người bị Tòa án tuyên bố là đã chết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là đã chết bằng Giấy chứng tử. Như vậy, có thể thấy điều kiện đầu tiên để một người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật là cá nhân người thừa kế phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Liên quan đến điều kiện này, BLDS 2015 quy định về một trường hợp đặc biệt hơn - trường hợp những người thừa kế “chết cùng một thời điểm” (Điều 652). Thực tế, có nhiều trường hợp người có quyền thừa kế di sản của nhau cùng chết trong một biến cố làm chết nhiều người (tai nạn, động đất, lũ lụt…) và việc xác định người nào chết trước, người nào chết sau là rất khó khăn. Trước đây, BLDS 1995 quy định những người được coi là chết trong cùng một thời điểm không được thừa kế di sản của nhau. Quy định này được nhận thấy là hợp lý và phù hợp với quy định “cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế”, bởi lẽ nếu thừa nhận những người chết cùng một thời điểm có quyền hưởng thừa kế của nhau thì di sản của mỗi người có thể phải chia mãi cho nhau mà không bao giờ chấm dứt. Tuy nhiên, quy định này lại kéo theo việc con, cháu của những người chết cùng thời điểm với nhau không được hưởng thừa kế thế vị phần di sản mà bố mẹ mình được hưởng nếu còn sống, nên đây lại là quy định không phù hợp với thực tiễn và đạo lý. Để khắc phục điểm thiếu sót này, Điều 641 BLDS 2005 và Điều 619 BLDS 2015 đã được sửa đổi theo hướng vẫn không thừa nhận quyền thừa kế của những người chết cùng thời điểm có quyền thừa kế di sản của nhau, di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị. Nghĩa là nếu con chết cùng thời điểm với cha, mẹ trong cùng một biến cố mà không xác định được người nào chết trước thì quyền thừa kế thế vị của cháu vẫn được đảm bảo và tương tự với quyền thừa kế thế vị của chắt cũng vậy.
Theo tác giả: Nguyễn Viết Giang