GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ
1.2.11. Giải quyết tranh chấp
Thực tế khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói chung và hợp đồng nhập khẩu hàng hoá nói riêng, các bên thường chú trọng đến các điều khoản quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên như điều kiện giao hàng, chất lượng hàng hóa, giá cả, thanh toán,… mà không quan tâm nhiều đến điều khoản về giải quyết tranh chấp, một phần là do suy nghĩ chủ quan rằng tranh chấp sẽ ít khi xảy ra. Tuy nhiên, chính tâm lý này sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho các bên vì hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế là hoạt động tương đối phức tạp nên việc xảy ra tranh chấp là không thể tránh khỏi.
Khi phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài hoặc toà án. Một phương thức phổ biến hiện nay mà các bên tham gia vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường lựa chọn đó là sự kết hợp một số phương thức giải quyết theo trình tự sau: đầu tiên là các bên sẽ tự thương lượng trên tinh thần thiện chí, nếu thương lượng không thành thì các bên sẽ giải quyết tranh chấp bằng con đường hoà giải, nếu tranh chấp vẫn không thể giải quyết bằng con đường hoà giải thì các bên sẽ đưa tranh chấp ra cơ quan trọng tài hoặc toà án để xét xử.
Một điểm cần đặc biệt lưu ý khi soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp là phải ghi đúng tên cơ quan giải quyết tranh chấp và địa điểm giải quyết tranh chấp, chọn đúng quy tắc tố tụng hoặc luật tố tụng áp dụng để tránh rủi ro không xác định được cơ quan giải quyết tranh chấp, đồng thời, phải quy định rõ ngôn ngữ sử dụng trong giải quyết tranh chấp. Thực tế cho thấy rằng các doanh nghiệp nên lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp tại quốc gia mà doanh nghiệp đó đăng ký kinh doanh để có nhiều ưu thế hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp.
1.2.12. Vi phạm hợp đồng
Vi phạm hợp đồng, theo định nghĩa tại Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005 “là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”.
Khi có hành vi vi phạm hợp đồng, cần xác định xem đó là vi phạm cơ bản hay vi phạm không cơ bản vì đây là cơ sở để xác định trách nhiệm của bên vi phạm. Theo Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005 thì “vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Trường hợp sự vi phạm hợp đồng là vi phạm cơ bản thì bên bị vi phạm có quyền tạm ngừng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng theo các Điều 308, 310 và 312 Luật Thương mại 2005.
Vi phạm cơ bản hợp đồng theo định nghĩa tại Điều 25 CISG là “sự vi phạm làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”. Nếu một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền huỷ bỏ hợp đồng.
1.2.13. Các chế tài áp dụng khi vi phạm hợp đồng
Điều 292 Luật Thương mại 2005 quy định các chế tài đối với bên vi phạm hợp đồng bao gồm:
(i) Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng: được quy định trong cả CISG (Điều 46-48, 62, 63) và Luật Thương mại (Điều 297) và được nêu lên đầu tiên trong số các chế tài có thể áp dụng, cho thấy các hệ thống pháp luật luôn hướng đến việc duy trì quan hệ hợp đồng giữa các bên trong mọi chừng mực có thể.
(ii) Chế tài phạt vi phạm: được quy định tại Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 300, Điều 301 Luật thương mại 2005. Mức phạt vi phạm theo Luật dân sự là không giới hạn nhưng theo Luật thương mại thì không được quá 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm. Một điểm đáng lưu ý là việc phạt vi phạm phải được quy định trong hợp đồng, trường hợp các bên không có thoả thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền đòi bồi thường thiệt hại. CISG không có quy định về phạt vi phạm nhưng công nhận các thoả thuận về phạt vi phạm dựa trên nguyên tắc tự do thoả thuận giữa các bên.
(iii)Chế tài bồi thường thiệt hại: Khi một bên vi phạm hợp đồng gây tổn thất cho bên bị vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại được quy định trong cả CISG (Điều 74-77) và pháp luật Việt Nam (Luật Dân sự (Điều 584, 585) và Luật Thương mại (Điều 302, 303, 304)). Để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại theo pháp luật Việt Nam bao gồm “giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm” (Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005). Tuy nhiên, CISG không quy định rõ về tính chất trực tiếp của thiệt hại được bồi thường mà nhấn mạnh đến tính dự đoán trước được của thiệt hại “các thiệt hại được bồi thường không thể cao hơn những tổn thất và khoản lợi bỏ lỡ mà bên bị vi phạm có khả năng đã dự liệu được vào lúc giao kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra do vi phạm hợp đồng, có tính đến các tình tiết mà họ đã biết hoặc đáng lẽ phải biết” (Điều 74 CISG). Điều này sẽ giúp tránh được việc các thiệt hại yêu cầu bồi thường bị “thổi phồng” một cách vô lý.
Ngoài ra, để tránh thiệt hại phát sinh không đáng có và tránh phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bên bị vi phạm, cả CISG và pháp luật Việt Nam đều quy định bên bị vi phạm phải “áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra” (Điều 305 Luật Thương mại 2005 và Điều 77 CISG); nếu không thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
Một điểm cần lưu ý nữa đối với bồi thường thiệt hại theo Luật Thương mại 2005 là trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: i) Có hành vi vi phạm hợp đồng; ii) Có thiệt hại thực tế; iii) Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại (Điều 303 Luật Thương mại 2005).
(iv) Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng: “là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng hoặc khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” (Điều 308 Luật Thương mại 2005). Đây là chế tài không được quy định trong CISG. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng không làm mất đi hiệu lực của hợp đồng và bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.
(v) Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng cũng là chế tài mà CISG không quy định. Đình chỉ thực hiện hợp đồng theo Điều 310 Luật Thương mại 2005 “là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng được quy định tại Điều 311 Luật Thương mại 2005, theo đó “khi đình chỉ thực hiện hợp đồng thì hợp đồng sẽ chấm dứt từ thời điểm nhận được thông báo đình chỉ và các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng”. Ngoài ra, “bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định”.
(vi) Chế tài huỷ bỏ hợp đồng là chế tài nghiêm trọng nhất đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Theo Luật Thương mại 2005 (Điều 312), huỷ bỏ hợp đồng được áp dụng trong trường hợp “một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” hoặc khi “xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để huỷ bỏ hợp đồng”. Đối với CISG, điều kiện để huỷ bỏ hợp đồng là khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng hoặc một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn bổ sung mà bên kia cho phép (Điều 49, 64 CISG). Ngoài ra, theo Điều 72.1 CISG thì hợp đồng cũng có thể bị huỷ trong trường hợp trước ngày quy định thực hiện hợp đồng mà “hiển nhiên thấy rằng một bên sẽ gây ra một vi phạm chủ yếu đến hợp đồng”. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa CISG và pháp luật Việt Nam, cho phép một bên được tuyên bố huỷ hợp đồng ngay cả khi bên kia chưa đến hạn thực hiện hợp đồng nhưng đã có dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ sẽ vi phạm cơ bản hợp đồng.
Hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng là hợp đồng sẽ bị chấm dứt hiệu lực, hai bên được giải phóng khỏi những nghĩa vụ của nhau, trừ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có thể có (Điều 81 CISG và Điều 314 Luật Thương mại 2005). Sau khi huỷ bỏ hợp đồng, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và nghĩa vụ hoàn trả phải được thực hiện đồng thời.
1.2.14. Căn cứ miễn trách khi vi phạm hợp đồng
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có một số trường hợp các bên sẽ được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng. Theo Điều 294 Luật Thương mại 2005, các trường hợp này bao gồm: “i) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; ii) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; iii) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; iv) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”.
CISG quy định về miễn trách tại Điều 79 và 80. Theo đó, CISG không liệt kê các trường hợp được miễn trách mà quy định bằng cách mô tả, cụ thể: “một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó” (Điều 79.1 CISG). Có thể thấy khái niệm “trở ngại” trong CISG có cách hiểu tương tự với khái niệm “bất khả kháng” trong pháp luật Việt Nam (Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015). Ngoài ra, Điều 80 CISG cũng quy định một bên sẽ được miễn trách khi chứng minh được rằng việc không thực hiện nghĩa vụ là do hành vi hoặc thiếu sót của bên còn lại.
Một điểm khác biệt về quy định miễn trách trong CISG so với pháp luật Việt Nam đó là CISG quy định cả trường hợp miễn trách do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng. Cụ thể, theo Điều 79.2 CISG, bên vi phạm sẽ được miễn trách nếu: (i) bên vi phạm thuộc trường hợp được miễn trách theo Điều 79.1 ở trên (việc không thực hiện hợp đồng của bên thứ ba gây ra một trường hợp bất khả kháng đối với bên vi phạm); và (ii) bên thứ ba cũng được miễn trách theo quy định tại Điều 79.1 (bên thứ ba không thực hiện hợp đồng là do gặp bất khả kháng). Cả hai điều kiện nói trên phải đồng thời được đáp ứng. Tuy nhiên, trên thực tế để đáp ứng được hai điều kiện này không phải là một vấn đề đơn giản, chẳng hạn trường hợp bên thứ ba là nhà cung cấp của bên bán vi phạm hợp đồng do giao hàng trễ thì về nguyên tắc hợp đồng bên bán phải chịu trách nhiệm với bên mua do đã lựa chọn nhà cung cấp không đạt yêu cầu, trong trường hợp này bên bán hoàn toàn có thể lựa chọn nhà cung cấp khác thay thế để đảm bảo tiến độ giao hàng, do đó bên bán không được coi là thuộc trường hợp được miễn trách theo điều 79.1 ở trên. Bên bán chỉ thoả mãn điều kiện này nếu như nhà cung cấp đó là nhà cung cấp độc quyền trên thị trường và không có nhà cung cấp nào khác để thay thế, tức là bên bán rơi vào tình huống bất khả kháng, khi đó, nếu chính nhà cung cấp độc quyền đó cũng gặp tình huống bất khả kháng dẫn đến giao trễ hàng thì cả hai điều kiện trên mới được đáp ứng và bên bán mới được miễn trách nhiệm. Do đó, đối với hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, bên mua cần đặc biệt lưu ý vấn đề này để tránh bên bán lợi dụng quy định này trì hoãn nghĩa vụ giao hàng.
Theo tác giả: Ngô Thi Thu Hồng
Link tài liệu đính kèm: https://docs.google.com/document/d/17s66deukCAUO73T4YTz_wh17NFYrXl7m/edit?rtpof=true