CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG THƯƠNG MẠI BẰNG TRỌNG TÀI VÀ TRỌNG TÀI VỤ VIỆC
1.1. Tranh chấp trong thương mại và các hình thức giải quyết tranh chấp
1.1.1. Khái niệm tranh chấp trong thương mại
Tranh chấp trong thương mại, có thể được hiểu như sau:
Tranh chấp trong thương mại là những bất đồng, xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ
thể có liên quan đến lĩnh vực hợp đồng thương mại hoặc các hoạt động kinh tế khác mà theo quy định pháp luật là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tài phán kinh tế. Nội dung khái niệm tranh chấp trong thương mại bao hàm những nội dung:
- Thứ nhất, là những bất đồng, xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể có liên quan đến
lĩnh vực hợp đồng thương mại;
- Thứ hai, là tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực hợp đồng thương mại hoặc các hoạt động
kinh tế khác
- Thứ ba, theo quy định pháp luật những tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của
cơ quan tài phán kinh tế (Tòa án hoặc trọng tài).
1.1.2. Các hình thức giải quyết tranh chấp
- Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó, hai bên tranh chấp tự
mình đàm phán, thỏa thuận về các giải pháp nhằm dàn xếp, giải quyết ổn thỏa tranh chấp phát sinh giữa họ mà không có sự can thiệp, giúp đỡ của bên thứ ba dưới bất kỳ hình thức và mức độ nào.Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp xuất hiện sớm nhất, thông dụng và phổ biến nhất được các bên áp dụng rộng rãi để giải quyết mọi tranh chấp phát sinh trong đời sống đặc biệt là trong hoạt động thương mại.
- Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó, hai bên tranh chấp nhờ bên thứ
ba giúp đỡ để họ gặp gỡ, thảo luận và thỏa thuận về các giải pháp nhằm dàn xếp, giải quyết ổn thỏa tranh chấp phát sinh.
- Xét xử của tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó, một bên tranh chấp có
quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp mà không cần có sự đồng ý, thỏa thuận của bên kia. Tòa án, cụ thể là thẩm phán/hội đồng xét xử, thụ lý và giải quyết tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật, bản án do tòa án tuyên có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên
tranh chấp và với mọi cá nhân, tổ chức có liên quan.
- Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó, bên trung gian thứ ba (trọng tài
viên) do các bên lựa chọn sẽ đưa ra một quyết định sau khi hai bên tranh chấp đã có cơ hội
bình đẳng để trình bày các vấn đề liên quan đến tranh chấp. Nếu quá trình trọng tài bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công bằng thì quyết định của trọng tài viên có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên. Khoản 1, Điều 3, Luật TTTM năm 2010 quy định: "Trọng tài thương mại là
phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này".
1.1.3. Hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
i) Đặc điểm của trọng tài thương mại
- Thứ nhất, tính chung thẩm và hiệu lực của quyết định trọng tài đối với việc giải quyết
tranh chấp.
- Thứ hai, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp bí mật.
- Thứ ba, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp liên tục.
- Thứ tư, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mềm dẻo, nhanh chóng, linh hoạt cho
các bên.
- Thứ năm, tiết kiệm thời gian
- Thứ sáu, duy trì được quan hệ đối tác
- Thứ bảy, trọng tài cho phép các bên sử dụng được kinh nghiệm của các chuyên gia
- Thứ tám, tuy là giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài - một tổ chức phi chính phủ,
nhưng được hỗ trợ, bảo đảm về pháp lý của Tòa án.
(ii) Các hình thức tổ chức trọng tài thương mại
Trọng tài vụ việc
Trong trọng tài vụ việc, các bên tự chịu trách nhiệm thành lập hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp và phải quy định các quy tắc sẽ điều chỉnh cách thức tiến hành tố tụng trọng tài. Khi gặp khó khăn, đôi khi các bên có thể nhờ một tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp. Bởi các bên tự tiến hành trọng tài vụ việc nên họ phải thỏa thuận trực tiếp vấn đề thù lao và chi phí với trọng tài viên.
Trọng tài quy chế: Trong trọng tài quy chế, các bên nhờ một trung tâm trọng tài hoặc một tổ chức trọng tài
quy chế giám sát tố tụng theo quy tắc tố tụng trọng tài của tổ chức đó.
iii) Tố tụng trọng tài thương mại
Trọng tài quy chế và trọng tài vụ việc là những phương pháp khác biệt của quá trình tố tụng. Các bên trong trọng tài vụ việc thiết lập quy tắc tố tụng riêng mà họ cho là có thể phù hợp với diễn biến và sự việc của vụ tranh chấp, trong khi đó các bên trong trọng tài quy chế phải tiến hành trọng tài theo các trình tự của tổ chức trọng tài mà các bên lựa chọn.
1.2. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc
1.2.1. Trọng tài vụ việc (Trọng tài ad-hoc) là gì?
"Trọng tài vụ việc có nghĩa là trọng tài không được tiến hành theo quy tắc của một tổ chức trọng tài thường trực. Do các bên không bắt buộc phải tiến hành trọng tài theo quy tắc của một tổ chức trọng tài thường trực, họ có thể tự do quy định quy tắc tố tụng riêng. Nói cách khác, trọng tài vụ việc là trọng tài tự tiến hành (do it yourself arbitration)". Theo Khoản 7, Điều 3, Luật TTTM năm 2010 thì ‘Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo
quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận".
1.2.2. Đặc điểm của trọng tài vụ việc
- Trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động
(tự giải thể) khi giải quyết xong tranh chấp.
- Trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành (vì chỉ được
thành lập để giải quyết vụ tranh chấp theo sự thỏa thuận của các bên) và không có danh sách
trọng tài viên riêng.
- Trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng dành riêng cho mình.
1.2.3. Trọng tài vụ việc - ưu điểm và nhược điểm
i) Ưu điểm:
- Một là, ưu điểm cơ bản của hình thức Trọng tài vụ việc đó là quyền tự định đoạt của các
bên là rất lớn.
- Hai là, việc tiến hành Trọng tài vụ việc có chi phí thấp và thời gian giải quyết nhanh.
Ngoài ra, đối với trọng tài vụ việc, các bên có thể thỏa thuận bỏ qua một số thủ tục tố
tụng không cần thiết để rút ngắn thời gian giải quyết vụ tranh chấp.
ii) Nhược điểm:
- Nhược điểm lớn nhất của trọng tài vụ việc (có thể là yếu tố bất lợi nghiêm trọng) đó là
phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của các bên.
- Tiếp theo trong trọng tài vụ việc, không có tổ chức nào giám sát việc tiến hành trọng tài
và giám sát các Trọng tài viên.
Theo tác giả: Trần Thị Ngọc Liên
Link tài liệu đính kèm: https://docs.google.com/document/d/1Ej3YgJSRb2R_x2yMi62nIgeG2jH6Lx46/edit?usp=drive_web&ouid=102249775144483111159&rtpof=true