0888889366
Tra cứu thông tin hợp đồng
timeline_post_file64897aee8d5d6-ĐÁNH-GIÁ-THỰC-TRẠNG-PHÁP-LUẬT-THUẾ-MÔI-TRƯỜNG-Ở-VIỆT-NAM-.jpg.webp

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện pháp luật thuế môi trường đã được xác định tại tiểu mục 1.3.2, trong Chương này người viết phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật thuế môi trường ở Việt Nam. Để phù hợp với đặc điểm nội dung của quy định pháp luật, mỗi nhóm quy định pháp luật được đánh giá dựa trên những tiêu chí không hoàn toàn đồng nhất. Ví dụ: quy định về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật thuế BVMT 2010 được đánh giá theo các tiêu chí về BVMT, tiêu chí đơn giản và ổn định tương đối, tiêu chí công bằng. Quy định về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được xem xét dựa trên các tiêu chí về BVMT, tiêu chí về hiệu quả kinh tế.

2.1.  Đánh giá các quy định pháp luật về nội dung thuế môi trường với yêu cầu nâng cao hiệu quả thực hiện

2.1.1.   Đánh giá các quy định pháp luật về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế môi trường

Như đã phân tích ở tiểu mục 1.1.2, Việt Nam hiện có ba sắc thuế được xếp vào thuế môi trường là: thuế BVMT ban hành theo Luật Thuế BVMT năm 2010, thuế tài nguyên ban hành theo Luật Thuế tài nguyên năm 2009 và thuế tiêu thụ đặc biệt ban hành theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008. Phần viết này sẽ đánh giá, phân tích đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo ba đạo luật trên.

2.1.1.1. Đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật Thuế bảo vệ môi trường

Đối tượng chịu thuế BVMT theo quy định của Luật Thuế BVMT năm 2010 bao gồm: xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC), túi nilông, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng (sau đây gọi tắt là thuốc bảo vệ thực vật thuộc loại hạn chế sử dụng). Người nộp thuế BVMT là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT.

Xét về tiêu chí BVMT, phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT của Việt Nam còn tương đối hẹp. Nhiều loại hàng hóa khi sử dụng cũng gây ô nhiễm môi trường nhưng pháp luật hiện hành chưa đưa vào diện chịu thuế BVMT như: phân bón hóa học, hóa chất tẩy rửa, pin, ắc quy, sơn, chất kích thích tăng trưởng, năng lượng điện...Trong quá trình xây dựng, soạn thảo Luật Thuế BVMT, cũng có rất nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích lý do quy định diện đối tượng chịu thuế BVMT hẹp như sau:

Thứ nhất, việc quy định đối tượng chịu thuế BVMT phải bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam, với khả năng tài chính của người nộp thuế, bảo đảm thu hút đầu tư và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi bước đầu áp dụng luật. Do vậy, cần có lộ trình từng bước mở rộng diện chịu thuế.

Thứ hai, việc ban hành quy định về đối tượng chịu thuế nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Trên thực tế, pháp luật về thuế BVMT của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước kinh tế phát triển, có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến cũng chỉ quy định một số sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng hoặc nhập khẩu có mức độ gây ô nhiễm lớn.144

Vào thời điểm xây dựng Dự án Luật Thuế BVMT, những lập luận trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là không hợp lý. Tuy nhiên, tính từ thời điểm đó đến nay, Luật Thuế BVMT năm 2010 đã ban hành được hơn 8 năm, việc nghiên cứu rà soát, bổ sung phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT là cần thiết, xuất phát từ những lý do sau:

Một là, sau một khoảng thời gian tương đối dài được ban hành và triển khai áp dụng trên thực tế, công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành Luật Thuế BVMT năm 2010 đã và đang được thực hiện. Qua đó, những kinh nghiệm về quản lý thuế BVMT được đúc kết, nhận thức của người dân đối với sắc thuế này cũng được nâng cao hơn. Đây chính là tiền đề quan trọng để nhà làm luật hướng đến phương án mở rộng diện chịu thuế BVMT trong thời gian tới.

Hai là, phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT theo pháp luật thực định còn hẹp, không đảm bảo công bằng giữa các hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Có thể nêu ra một số sản phẩm, hàng hóa có tác động xấu đến môi trường mà chưa thuộc diện điều chỉnh của Luật Thuế BVMT năm 2010 hiện hành như:

-  Phân bón hoá học là những hoá chất có chứa nguyên tố dinh dưỡng, dùng để bón cho cây trồng nhằm nâng cao năng suất. Có ba loại phân bón hóa học cơ bản là phân đạm, phân lân và phân kali.

Phân đạm cung cấp nitơ hoá hợp cho cây dưới dạng ion nitrat NO3- và ion amoni NH+4; phân lân cung cấp photpho hoá hợp cho cây dưới dạng ion phophat PO43-; phân kali cung cấp cho cây trồng nguyên tố kali dưới dạng ion K. Các chất này có thể gây hại cho sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường.

Lạm dụng phân hóa học đặc biệt là phân đạm, khiến tồn dư Nitrate trong rau xanh, có thể dẫn đến 2 bệnh hiểm nghèo là kìm hãm sự phát triển của trẻ dưới 1 tuổi, làm trẻ xanh xao, gầy yếu và gây ung thư dạ dày, vòm họng ở người lớn; phân bón hóa học tồn dư trong đất cũng là nguyên nhân làm suy thoái đất.

-  Khí than có nguồn gốc từ than đá. Thành phần chủ yếu trong khí than là khí metan (CH4), thường chiếm khoảng 94-95%, phần còn lại gồm etan, propan, butan, pentan, nitơ, cacbonđioxit, một ít lưu huỳnh (hoặc có thể không chứa lưu huỳnh). Các chất này cũng gây tác hại môi trường và sức khỏe con người.

-  Khí tự nhiên (khí thiên nhiên) là hỗn hợp chất khí cháy được, bao gồm phần lớn là các hydrocarbon (hợp chất hóa học chứa cacbon và hyđrô). Khí tự nhiên là nhiên liệu hóa thạch. Các chất có trong khí tự nhiên đều gây tác hại đến môi trường và sức khỏe con người.

-  Chất kích thích tăng trưởng bao gồm chất kích thích tăng trưởng cho thực vật và động vật:

Chất kích thích tăng trưởng dùng cho thực vật bao gồm các hoạt chất như NAA, Gibberellin, Xytokinin dưới nhiều tên gọi thương mại khác nhau được sử dụng trong nông nghiệp làm biến đổi gen giúp cây tăng tỉ lệ nẩy mầm, đổi màu hoa, tạo trái không hạt, kích thích cây mọc khỏe và nhanh. Chất kích thích tăng trưởng gây ra những biến đổi không bình thường cho cơ thể con người. Hiện nay, ở châu Âu đã tẩy chay các loại trái cây có sử dụng hóa chất tăng trưởng.

Trong ngành chăn nuôi, hiện có khoảng 10 loại chất kích thích tăng trưởng khác nhau được sử dụng, phổ biến nhất là Clenbuterol và Salbutamol. Các chất này có khả năng làm tăng nhanh trọng lượng của gia súc, gia cầm. Các chất này còn là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, liệt cơ, run cơ, phù nề, thậm chí dẫn đến ung thư cho người sử dụng thực phẩm có chứa chất kích thích tăng trưởng.

-  Năng lượng điện bao gồm: nhiệt điện, thủy điện và điện hạt nhân

Nhiệt điện: Ðốt than tạo ra khí SO2, CO2. Theo tính toán, một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.000 MW hàng năm thải ra môi trường 5 triệu tấn CO2,

18.00  tấn NOx, 11.000 tấn - 680.000 tấn phế thải rắn. Trong thành phần chất thải rắn, bụi, nước thải của nhà máy nhiệt điện thường chứa kim loại nặng và chất phóng xạ độc hại.

Thủy điện được gọi là năng lượng sạch. Ở Việt Nam tổng trữ lượng thủy điện là 30.970 MW, chiếm 1,4% tổng trữ lượng thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng các hồ chứa nước lớn tạo ra các tác động môi trường như động đất kích thích, thay đổi khí hậu thời tiết khu vực, mất đất canh tác, tạo ra lượng CH4 do phân huỷ chất hữu cơ lòng hồ, tạo ra các biến đổi thuỷ văn hạ lưu, tăng độ mặn nước sông, ảnh hưởng đến sự phát triển của các quần thể cá trên sông, tiềm ẩn tai biến môi trường.

Điện hạt nhân: Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng giải phóng trong quá trình phân huỷ hạt nhân các nguyên tố U, Th hoặc tổng hợp nhiệt hạch. Theo tính toán, năng lượng giải phóng ra từ 1g U235 tương đương với năng lượng do đốt 1 tấn than đá. Nguồn năng lượng hạt nhân có ưu điểm không tạo nên các loại khí nhà kính như CO2, bụi. Tuy nhiên, các nhà máy điện hạt nhân hiện nay là nguồn gây nguy hiểm lớn về môi trường do chất thải phóng xạ, khí, rắn, lỏng và các sự cố nhà máy. Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Checnobưn Liên Xô là một ví dụ điển hình.

-  Pin, ắc quy các loại: 

Pin có chứa chất Dioxide Mangan (MnO2), giấy tẩm hồ (có chứa thuỷ ngân), vỏ pin làm bằng kim loại và nhựa. Nếu công tác thu gom, xử lý pin thải không tốt cũng gây ô nhiễm đến môi trường.

Ắc quy chì gồm có các bản cực bằng chì và ô xít chì ngâm trong dung dịch A- xít Sun-phua-ríc; Ắc quy sắt kền gồm có bản cực làm bằng O-xy-hy-drat-kền, và các bản cực âm bằng sắt thuần ngâm trong dung dịch Hydrô-xít-kali, vỏ ắc quy làm bằng nhựa. Các chất có trong ắc quy phát tán ra môi trường trong quá trình sản xuất, thu gom, xử lý đã gây ô nhiễm không khí (bụi), nguồn nước, gây thoái hoá đất và tác động không tốt tới sức khoẻ con người.

-  Chất tẩy rửa như chất rửa chén, chất dùng để lau bàn, lau bếp; hay các chất dùng vệ sinh nhà tắm … thường có chứa hoá chất benzyl, polyetylen, sodium hypochlorite hoặc những chất chlorine, đó là những chất có hại cho sức khỏe. Mức độ độc hại nhiều hay ít tuỳ theo hàm lượng, nồng độ của hoá chất trong dung dịch chúng ta sử dụng. Hàm lượng, nồng độ càng cao thì tác hại càng nguy hiểm cho sức khỏe vả môi trường

-  Sơn có chứa nhiều chất độc hại, phổ biến là các chất VOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi); chì, asen, TBT (tributyltin)… Các chất VOC góp phần tạo ozone mặt đất, khói quang hóa, tăng hiệu ứng nhà kính; đối với con người, các chất VOC có thể gây dị ứng và các bệnh về hô hấp như hen xuyễn. Một số chất VOC còn được xếp vào nhóm chất gây ung thư. Theo thống kê của WHO, nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở thợ sơn cao hơn người thường 20%, đặc biệt ung thư phổi cao hơn 40%. Các kim loại độc hại trong sơn có thể gây ô nhiễm nguồn nước, cũng như gây các tác động có hại tới sức khỏe con người.

Những hàng hóa trên đều là các mặt hàng thông dụng, phổ biến, khả năng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường là rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu bổ sung các hàng hóa này vào diện chịu thuế BVMT là cần thiết nhằm hạn chế tiêu dùng các sản phẩm này. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã đánh thuế môi trường với phân bón hóa học (Bỉ), điện (các nước trong khối EU), thuốc lá (Estonia), khí than, khí thiên nhiên (Đức, Nhật Bản, Thụy Điển và một số nước Châu Âu khác) hoặc áp dụng phí môi trường đối với các sản phẩm gây ô nhiễm như Hàn Quốc. (Xem thêm Phụ lục 3 kinh nghiệm quốc tế về thuế, phí môi trường).

Xét về tiêu chí đơn giản và tiêu chí ổn định tương đối, pháp luật thuế BVMT vẫn còn có những bất cập cần khắc phục145, cụ thể là:

Khoản 9 Điều 3 Luật Thuế BVMT năm 2010 nêu: “Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định”. Điều 8 Luật Thuế BVMT năm 2010 quy định Biểu khung thuế, theo đó, loại thuế suất được áp dụng là mức thuế tuyệt đối. Đối với mỗi loại hàng hóa chịu thuế, biên độ dao động giữa mức thuế cao nhất và mức thuế thấp nhất là rất lớn, ví dụ: dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn có mức thuế từ 300 đồng đến 2.000 đồng/lít, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng có mức thuế từ 500 đồng đến 2.000 đồng/kg. Điều luật này cũng trao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thẩm quyền quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc: i) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; ii) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

Những quy định trên chưa thực sự phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội được nêu trong Hiến pháp năm 2013. Khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội liên quan đến thuế như sau: “quy định, sửa đổi, bãi bỏ các thứ thuế”. Trong số các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội được nêu tại Điều 74 Hiến pháp năm 2013 thì không có nội dung nào quy định về thẩm quyền của cơ quan này liên quan đến thuế. Để giải thích cho những quy định mở rộng thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế BVMT, cơ quan soạn thảo đưa ra lý do: căn cứ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ kịp thời bổ sung các đối tượng gây ô nhiễm khác vào diện chịu thuế để bảo đảm tính công bằng, phù hợp thực tiễn trong thực thi  chính sách; thuế BVMT là sắc thuế mới, việc quy định khung và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế sẽ tạo sự linh hoạt khi cần thiết điều chỉnh mức thuế, bảo đảm không phải sửa luật khi thay đổi mức thuế cụ thể.146

Những lý do trên chưa thật sự thuyết phục bởi:

Là một vấn đề rất nhạy cảm về chính trị - xã hội, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân nên việc ấn định loại thuế, biểu thuế phải do cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí của nhân dân quyết định. Đặc biệt, phạm vi đối tượng chịu thuế và mức thuế là những nội dung cốt lõi của một sắc thuế. Việc trao thẩm quyền bổ sung đối tượng chịu thuế và quy định mức thuế cụ thể đối với hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT cho Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khiến cho những quy định về quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực thuế trở thành hình thức, không có tính thực tiễn. Nguy cơ lạm quyền có thể xuất phát từ đây. Là một cơ quan thường trực của Quốc hội, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn luật định trong thời gian Quốc hội chưa họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể đại diện cho Quốc hội để quyết định những vấn đề có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng như thuế.

Xét về tiêu chí công bằng, quy định về đối tượng chịu thuế BVMT chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tế.

Khoản 4 Điều 2 Luật Thuế BVMT quy định: “Dung dịch hydro-chloro-flouro- carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh”. Theo Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT ngày 30/12/2011 của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô dôn:

“3. Các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được quản lý theo Thông tư này là:

a)   Các chất hydrochlorofluorocarbon (trong Thông tư gọi tắt là các chất HCFC) thuộc Phụ lục I của Thông tư này.

b)  Polyol trộn sẵn HCFC-141b (HCFC-141b Pre-blended polyol)”

Căn cứ các quy định nêu trên: Các chất hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) và Polyol trộn sẵn HCFC-141b được xác định là chất làm suy giảm tầng ô dôn.

Theo Luật thuế BVMT hiện hành thì dung dịch HCFC thuộc đối tượng chịu thuế BVMT. Trên thực tế, dung dịch HCFC còn tồn tại dưới dạng chất hỗn hợp có chứa HCFC (như chất Polyol có trộn sẵn HCFC-141b được sử dụng để sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt; tỷ lệ HCFC có trong Polyol trộn sẵn HCFC-141b chiếm khoảng từ 13% đến 30%) nhưng đối chiếu quy định tại Luật thuế BVMT thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chất hỗn hợp chứa dung dịch HCFC có thuộc đối tượng chịu thuế hay không. Như vậy, quy định về đối tượng chịu thuế tại Luật thuế BVMT là chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trên thực tế.

2.1.1.2.   Đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật Thuế tài nguyên

Bên cạnh tư bản (tiền), lao động (con người), đất đai và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên cũng được coi là một nguồn vốn quan trọng trong quá trình sản xuất (còn được gọi là nguồn vốn tự nhiên). Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng dân số, vai trò của nguồn vốn tự nhiên lại càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Ngân hàng thế giới (2012) đã phân loại tài nguyên thiên nhiên thành bốn nhóm như sau:

i)  Tài nguyên có thể khai thác và tái tạo như: ngư trường, rừng tự nhiên, đất, không khí và nước.

ii)  Tài nguyên có thể tái tạo nhờ nuôi trồng như: cây trồng, súc vật nuôi, thủy sản nuôi trồng và các lâm trường.

iii)  Tài nguyên không thể tái tạo như: khoáng sản kim loại và phi kim loại.

iv)   Các hệ sinh thái cung cấp chức năng điều tiết khí hậu như: các lưu vực nước, hệ sinh thái ven biển, vùng đất ngập nước ngọt và đồng bằng ngập lũ, đại dương, đất và hệ sinh vật.147

Cách phân loại như trên có ý nghĩa trong việc xây dựng các chính sách, giải pháp quản lý, bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn vốn tự nhiên để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa BVMT.

Luật Thuế tài nguyên năm 2009 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014), Nghị định số 50/2010/NĐ-CP, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Thông tư số 152/2015/TT-BTC và Thông tư số 174/2016/TT-BTC quy định đối tượng chịu thuế là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam nhưng không bao quát tất cả các loại tài nguyên như theo cách phân loại của Ngân hàng thế giới. Theo đó, đối tượng chịu thuế tài nguyên gồm 9 nhóm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển; nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; yến sào thiên nhiên; tài nguyên khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định148. Nhiều loại tài nguyên thiên nhiên không thể đánh thuế được (như các hệ sinh thái, không khí, súc vật nuôi ...) vì không thể kiểm soát được sản lượng tiêu thụ hoặc không thể xác định được giá cả của loại tài nguyên đó. Đối với các tài nguyên này cần phải thiết kế cơ chế đặc thù như: chi trả dịch vụ hệ sinh thái, thâm canh bền vững, thu phí môi trường ...

Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên149. Thuế tài nguyên của Việt Nam được thiết kế với tính chất là thuế gián thu nên những quy định trên về người nộp thuế là phù hợp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế cũng như công tác quản lý thuế.

Các quy định pháp luật Việt Nam về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế, về cơ bản, đã tương thích với pháp luật các quốc gia khác trên thế giới. Tùy thuộc vào đặc điểm nguồn tài nguyên của từng nước mà mỗi quốc gia quy định phạm vi đối tượng chịu thuế khác nhau. Luật Thuế tài nguyên năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) của Trung Quốc quy định các loại khoáng sản kim loại (quặng sắt, quặng thiếc, quặng nikel, vàng, chì, kẽm ...), khoáng sản phi kim loại (than, dầu thô, khí thiên nhiên, đất hiếm, ...) thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật150. Vương quốc Anh đánh thuế vật liệu trộn (Aggregates levy) đối với cát, đá, sỏi được khai thác hoặc nhập khẩu vào quốc gia này, người nộp thuế là các tổ chức, cá nhân khai thác hoặc nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế151.

Bên cạnh những ưu điểm trên, pháp luật thuế tài nguyên của Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế sau đây:

Xét về tiêu chí đơn giản, cách xây dựng Luật Thuế tài nguyên cũng có hạn chế tương tự như khi xây dựng Luật Thuế BVMT, đó là: Điều 2 Luật Thuế tài nguyên năm 2009 đã liệt kê các tài nguyên thiên nhiên thuộc đối tượng chịu thuế và người soạn luật vẫn nêu “tài nguyên khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định”. Những hạn chế của cách xây dựng luật này đã được phân tích ở trên, khi đánh giá về đối tượng chịu thuế BVMT.

Tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế tài nguyên cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế”. Trên thực tế, việc quản lý đối với các tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ, lẻ rất khó khăn, nhất là các trường hợp cá nhân khai thác thủ công, khai thác ở vùng sâu, vùng xa...Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua chỉ lập bảng kê thu mua chứ không cam kết nộp thuế thay hoặc không có hóa đơn chứng minh tài nguyên thu mua đã được nộp thuế tài nguyên. Vì không quy định điều kiện ràng buộc nộp thuế cũng không quy định chế tài xử lý nên không có cơ sở để thu thuế tài nguyên đối với các trường hợp này.

Điều 51 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định các chủ thể khai thác khoáng sản gồm:  Doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật hợp tác xã; Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản. Các chủ thể này đều phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, đều phải có Giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản (hoặc Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản)  trước khi tiến hành hoạt động này152. Rất ít hoạt động khai thác khoáng sản không cần giấy phép.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, để được phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện nhất định (có dự án đầu tư khai thác khoáng sản; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết BVMT; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản...)153. Theo đó, về cơ bản, chỉ có tổ chức mới đủ khả năng để được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Thực tế cũng cho thấy, các hoạt động khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ hầu hết là khai thác trái phép, không được cơ quan nhà nước cấp phép khai thác. Do đó, quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên nêu trên sẽ tạo điều kiện hợp thức hóa hoạt động khai thác trái phép nguồn tài nguyên.

Về tên gọi của các loại nước thiên nhiên chưa được quy định thống nhất trong Luật Thuế tài nguyên. Khoản 5 Điều 5 Luật Thuế tài nguyên quy định về sản lượng tài nguyên tính thuế: “Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (l) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.”

Tại Điều 2 và Điều 8 Luật Thuế tài nguyên về đối tượng chịu thuế và biểu khung thuế suất thuế tài nguyên chỉ quy định nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh, chứ không quy định nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 5 Điều 5 Luật Thuế tài nguyên về sản lượng tài nguyên tính thuế các loại nước thiên nhiên để thống nhất tên gọi đối với loại tài nguyên này Xét về tiêu chí BVMT và tiêu chí hiệu quả kinh tế, quy định về đối tượng chịu thuế theo phương pháp liệt kê như trên dẫn đến hệ quả vừa thừa, vừa thiếu, làm giảm tính minh bạch của đạo luật. Có thể nêu ra một số loại tài nguyên có giá trị kinh tế cao nhưng lại chưa phải chịu thuế như: san hô đỏ, đá bazan dạng cột có giá trị sử dụng làm đá xây dựng cao cấp, ... Điều này dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các loại tài nguyên thiên nhiên, tạo ra nguy cơ khai thác cạn kiệt tài nguyên.

2.1.1.3. Đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và năm 2016) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm các loại hàng hóa (thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia; xe ô tô dưới 24 chỗ; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; tàu bay, du thuyền; xăng các loại; điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã) và dịch vụ (kinh doanh vũ trường; kinh doanh massage, karaoke; kinh doanh casino; trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy jackpot, máy slot và các loại máy tương tự; kinh doanh đặt cược; kinh doanh golf; kinh doanh xổ số). Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Xét về tiêu chí BVMT, thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam cũng tương tự như các quốc gia khác, đều đánh vào các hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng vì những sản phẩm này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe con người hoặc là những sản phẩm xa xỉ. Ví dụ: Canada đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số loại xăng dầu, điều hòa nhiệt độ dùng trong xe ôtô, các loại xe ôtô tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch154. Các nước thuộc EU quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có cồn, năng lượng hóa thạch và điện, thuốc lá155. Thuế tiêu thụ đặc biệt của Trung Quốc đánh vào 14 nhóm hàng hóa như thuốc lá, đồ uống có cồn, mỹ phẩm cao cấp, xăng dầu.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ không có lợi cho môi trường và sức khỏe con người đã góp phần hướng dẫn tiêu dùng xã hội. Chính sách điều tiết này phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, góp phần hình thành một xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh và công bằng hơn, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của đất nước trong giai đoạn qua.157

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, pháp luật điều chỉnh đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có một số hạn chế sau:

Pháp luật thực định chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi dựa trên quan điểm cho rằng: việc đánh thuế này sẽ góp phần hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, từ đó giảm sử dụng năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu, quy định trên sẽ khuyến khích gia tăng số lượng xe ô tô trên 24 chỗ ngồi, điều này là không phù hợp với điều kiện giao thông của nước ta và do đó lại càng tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch hơn.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với xe ô tô, các quốc gia khác thường quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo dung tích xi lanh của xe, tức là theo mức độ tiêu thụ nhiên liệu của xe, chứ không căn cứ vào số chỗ ngồi của xe ô tô. Theo đó, xe tiêu thụ càng nhiều nhiên liệu, dung tích xi lanh càng lớn thì mức thuế càng cao. Chẳng hạn, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của Canada quy định ô tô tiêu thụ từ 13 đến dưới 14 lít xăng/ 100km chịu mức thuế 1000 đô la Canada (viết tắt là CAD), từ 14 đến dưới 15 lít xăng/ 100km chịu mức thuế 2000 CAD, từ 15 đến dưới 16 lít xăng/ 100km chịu mức thuế 3000 CAD, tiêu thụ từ trên 16 lít xăng/ 100km chịu mức thuế 4000 CAD.158

Đối với mặt hàng xăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ quy định 3 loại: xăng, xăng E5 và xăng E10 thuộc diện chịu thuế. Trong khi đó, dầu diesel, dầu khí hóa lỏng, nhiên liệu bay không phải chịu thuế. Hơn nữa, mặt hàng xăng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo cùng một mức thuế suất mà không có sự phân biệt theo chỉ số octan hoặc theo hàm lượng lưu huỳnh có trong xăng. Quy định như trên là không phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa tương thích với mức độ gây ô nhiễm của từng sản phẩm. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel, dầu khí hóa lỏng và nhiên liệu bay. Ở Austria, mức thuế tiêu thụ đặc biệt 0,397 EUR/ lít dầu diesel được áp dụng với loại dầu diesel chứa tối thiểu 6,6% nhiên liệu sinh học và có hàm lượng lưu huỳnh đến dưới 10mg/ kg, còn các loại dầu diesel khác chịu mức thuế là 0,425EUR/ lít.159

Xét về tiêu chí hiệu quả kinh tế, so với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014 và năm 2016 đã có những thay đổi đem lại những kết quả tích cực nhất định về mặt kinh tế như: pháp luật hiện hành không quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nap-ta, con- đen-sát, chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng nhằm đơn giản thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí hành chính cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế.

Trước đây, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, xăng các loại, nap-ta (naptha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, quy định này gây ra bất cập: trường hợp doanh nghiệp mua con-đen-sát thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để sản xuất ra xăng hoặc thuê doanh nghiệp khác gia công từ con-đen- sát thành nap-ta sau đó mới sản xuất ra xăng, mà xăng thuộc mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên khi tính số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đối với xăng thì được trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nap-ta, con-đen-sát và chế phẩm tái hợp (nguyên liệu đầu vào sản xuất xăng). Như vậy, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nap-ta, con-đen-sát và chế phẩm tái hợp không làm tăng số thu về thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng doanh nghiệp vừa phải ứng vốn để nộp thuế và làm thủ tục để được kê khai, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi đó cơ quan thuế phải quản lý khấu trừ đối với nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dùng để sản xuất ra xăng, làm tăng khối lượng công việc và chi phí quản lý.

Vì vậy, quy định không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nap-ta, con-đen-sát, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng vừa giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa giảm các thủ tục hành chính trong việc kê khai, khấu trừ thuế.

Đối với bài lá, vàng mã, hàng mã, theo ý kiến của nhiều luật gia, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên các mặt hàng này gây tốn kém chi phí quản lý thu thuế mà số thu lại không đáng kể, không đủ bù đắp những chi phí bỏ ra.161 Nhận định này có lẽ cần được cân nhắc thêm. Hiện nay, có không ít các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh trong lĩnh vực “phục vụ cõi âm” có lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ví dụ, Công ty vàng mã Yên Bái năm 2018 ghi nhận doanh thu bán hàng và dịch vụ gần 78 tỷ đồng, tăng 13 tỷ so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm thu hơn 388,6 tỷ đồng, trong đó 23% đến từ xuất khẩu. Như vậy, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này thu hơn 32,4 tỷ đồng và mỗi ngày hơn 1,08 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, ban lãnh đạo công ty cho rằng, là nhờ doanh thu bán hàng tăng và không phát sinh chi phí đột biến. Ba sản phẩm chủ lực vàng mã, giấy đế, tinh bột sắn đều tăng mạnh doanh thu, như vàng mã tăng 9 tỷ so với năm trước đó. Năm 2018, đại gia sản xuất vàng mã Yên Bái lãi trước thuế hơn 40,2 tỷ đồng, tăng 65% so với 2017. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản lãi công ty này nhận về hơn 34,3 tỷ đồng, gấp ba lần năm trước.

Đốt vàng mã gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với môi trường như khói bụi, thậm chí có thể dẫn đến hỏa hoạn, cháy nổ nếu bất cẩn, và cũng làm tiêu tốn nhiều tiền bạc của người dân. Nhiều loại vàng mã được làm từ các chất liệu giấy đặc biệt đốt cháy không hoàn toàn sẽ phát sinh ra khí dioxin (chất độc màu da cam). Bên cạnh đó, để sản xuất ra vàng mã, nhiều cánh rừng bị chặt hạ để phục vụ cho ngành sản xuất giấy.163 Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật dùng mua vàng mã để đốt lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Trung bình vào mỗi dịp lễ, Tết, mỗi đình phải bỏ ra từ 30.000-50.000 đồng mua tiền giấy, thậm chí có gia đình tiêu tốn vài triệu đồng mua vàng mã.

Những mặt trái của việc sử dụng hàng mã, vàng mã đều đã được nhìn nhận ra, nhưng đây là tập tục lâu đời thuộc về văn hóa tâm linh của người Việt nên việc cấm hoặc loại bỏ hoàn toàn tập tục này là điều không thể. Vì vậy, bên cạnh biện pháp truyền thông, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng mã, hàng mã cũng là một giải pháp tích cực góp phần hạn chế sức mua mặt hàng này.

2.1.2.   Đánh giá các quy định pháp luật điều chỉnh căn cứ tính thuế môi trường

2.1.2.1.   Căn cứ tính thuế theo Luật Thuế bảo vệ môi trường

Căn cứ tính thuế BVMT đang được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau mà đáng lưu ý nhất là Luật Thuế BVMT năm 2010, Nghị quyết số 579/2018/NQ-UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế BVMT. Trên cơ sở các văn bản này, Chính phủ và các Bộ liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau. Theo các qui định trong những văn bản này, căn cứ tính thuế BVMT bao gồm số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối. Số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hoặc số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu. Mức thuế tuyệt đối được quy định khác nhau theo từng loại hàng hóa.

Xét về tiêu chí BVMT, việc áp dụng mức thuế tuyệt đối đảm bảo thực hiện mục tiêu chủ yếu của thuế BVMT là nhằm thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường nên mức thuế BVMT được xác định không phụ thuộc vào giá của sản phẩm chịu thuế mà cân nhắc dựa trên mức độ gây ô nhiễm môi trường của sản phẩm chịu thuế. Mức thuế tuyệt đối cũng giúp đơn giản, minh bạch trong thực hiện, số thu NSNN không phụ thuộc vào sự biến động của giá hàng hoá. Khi giá hàng hóa tăng cao (xăng dầu phụ thuộc nhiều vào giá thế giới) thì số thu thuế BVMT không tăng. Quy định mức thuế BVMT của Việt Nam là thuế suất tuyệt đối cũng tương đồng với pháp luật thuế môi trường của các nước khác và thông lệ quốc tế (xem Phụ lục 3 kinh nghiệm quốc tế về thuế, phí môi trường).

Bên cạnh ưu điểm nêu trên, quy định về căn cứ tính thuế theo pháp luật thuế BVMT hiện hành vẫn tồn tại một số bất cập: Khung thuế suất thuế BVMT chưa hợp lý, chưa thể hiện sự phân hóa rõ về mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa chịu thuế.

Biểu khung thuế suất thuế BVMT được quy định tại Điều 8 Luật Thuế BVMT. Theo đó, các loại xăng (trừ etanol) có cùng một mức thuế (1.000 – 4.000 đồng/ lít) mà không phụ thuộc vào hàm lượng lưu huỳnh có trong xăng. Quy định này không phù hợp với mục tiêu đánh thuế và thông lệ quốc tế.

Than là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quá trình đốt cháy than tạo ra các loại bụi, khí CO2, SOx, NOx, thủy ngân… , hiện nay, châu Á chiếm tới 75% lượng tiêu thụ than toàn cầu. Trong khi các khu vực khác đang đẩy mạnh việc chuyển sang dùng các nguồn năng lượng "xanh" thì các nước châu Á vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng.Theo Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội, mỗi ngày người dân Hà Nội đốt 528 tấn than làm phát thải 1.870 tấn CO2 vào môi trường Tuy nhiên, mức thuế tuyệt đối cho than đá là rất thấp (15.000 đồng/tấn), thậm chí thấp hơn nhiều so với một số nước ở Châu Á khác (như Philippines thu ở mức 10 peso/tấn). Vì vậy, mức thuế tuyệt đối tối thiểu của than đá cần được điều chỉnh tăng nhằm hạn chế việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch, góp phần BVMT.

Luật Thuế BVMT quy định Biểu khung thuế suất tuyệt đối đối với thuốc bảo vệ thực vật thuộc loại hạn chế sử dụng (thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho) từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg, mức thuế suất áp dụng là 1.000 đồng/kg.

Theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 09/02/2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2018/TT-BNNPTNT), hiện nay không có danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng mà chỉ có Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Cũng theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT, trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng thì thuốc trừ mối có 14 hoạt chất với 23 tên thương phẩm, thuốc khử trùng kho có 4 hoạt chất với 10 tên thương phẩm, thuốc bảo quản lâm sản có 8 hoạt chất với 9 tên thương phẩm. Tuy nhiên, chỉ có một số hoạt chất và một số thương phẩm thuộc đối tượng chịu thuế BVMT theo quy định của Nghị quyết số 579/2018/NQ-UBTVQH14. Mặc dù mức độ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe con người của mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật này là khác nhau nhưng Biểu khung thuế suất tuyệt đối và mức thuế suất thuế BVMT đối với mỗi hàng hóa trên là như nhau. Quy định như vậy sẽ không đảm bảo được công bằng trong thu thuế giữa các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, đồng thời chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế tại Luật Thuế BVMT: “Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa”.

Luật Thuế BVMT quy định Biểu khung thuế đối với túi ni lông từ 30.000- 50.000 đồng/kg. Mức thuế cụ thể hiện hành đối với túi ni lông là 50.000 đồng/kg (1kg túi ni lông có thể có từ 100 - 200 túi), nghĩa là thuế BVMT chỉ thu khoảng 250-500 đồng/túi. Mức thuế này là rất thấp so với các quốc gia khác. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế BVMT cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông. Cụ thể như: Vương quốc Anh đánh thuế 15cent/túi, tương đương 4.500đ/túi; Ireland: 15cent/túi, tương đương 4.500đ/túi; Hồng Kông: 0,05USD/túi, tương đương 1.050đ/túi; Estonia đang dự kiến thu thuế đối với túi ni lông ở mức 2 kroons/túi, tương đương 3.000 đồng/túi. Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông mỏng, ví dụ như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông có độ dày nhỏ hơn 0,025mm.

Trên thực tế, số lượng túi nilông (hay còn gọi là túi nhựa) được tiêu thụ tăng theo từng năm. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lượng túi nhựa và nhựa thải ra môi trường mỗi ngày khoảng 80 tấn, ước tính mỗi người Việt Nam sử dụng khoảng 30 kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa mỗi năm. Để sản xuất túi nilông phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ, khí đốt và các chất phụ gia chủ yếu là chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu - những chất cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe và môi trường sống của con người. Để một chiếc túi nilông phân hủy tự nhiên phải mất hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm. Túi nilông lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm phát triển.

Như vậy, khung thuế và mức thuế BVMT đối với túi ni lông của Việt Nam rất thấp so với các nước trên thế giới nên chưa có tác động nhiều tới việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông. Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh khung thuế BVMT đối với túi ni lông để góp phần đảm bảo mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xét về tiêu chí hiệu quả kinh tế, pháp luật thuế BVMT điều chỉnh căn cứ tính thuế chưa đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế. Tài chính Nhóm hàng hóa có số thu thuế BVMT tăng liên tục là: xăng, dầu (trừ dầu hỏa), nhiên liệu bay, than đá. Nhóm hàng hóa có số thu thuế BVMT giảm dần là: túi nilông, dung dịch HCFC (thậm chí năm 2015 và 2016 không thu được thuế BVMT đối với dung dịch HCFC). Nhóm hàng hóa có số thu thuế BVMT bằng không là: thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng (sau đây gọi chung là thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng). Những con số trên đây liệu có phản ánh thực tế rằng: các hàng hóa không thu được thuế BVMT hoặc có số thu thuế BVMT giảm dần đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ giảm hoặc không có nhu cầu tiêu thụ? Câu trả lời được phân tích qua dữ liệu sử dụng các hàng hóa này.

Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát. Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm gần đây (từ năm 2014 đến năm 2018), mỗi năm Việt Nam chi từ 500 - 700 triệu USD để nhập thuốc bảo vệ thực vật (chủ yếu nhập từ Trung Quốc, chiếm 52,6% tổng giá trị mặt hàng này), trong đó, 48% là thuốc trừ cỏ, tương đương 19.000 tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh, khoảng trên 16.000 tấn. Nếu như trước năm 1985 khối lượng hóa chất bảo vệ thực vật dùng hàng năm khoảng 6.500 - 9.000 tấn thì trong 3 năm gần đây, Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn/năm, tăng gấp hơn 10 lần. Hiện có tới 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí. Lượng thuốc dư thừa này thẩm thấu xuống đất và nguồn nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo quy định của Nghị định thư Montreal (1987) về các chất làm suy giảm tầng ozon, đến năm 2030 các nước đang phát triển phải loại trừ hoàn toàn chất HCFC, một trong các chất gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Phê chuẩn Nghị định thư Montreal từ năm 1994, thời gian để Việt Nam thực hiện cam kết trên không còn nhiều. HCFC là hóa chất được sử dụng chủ yếu trong làm lạnh và điều hòa không khí, nhiều nhất là trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản, sản xuất xốp panel cách nhiệt và tấm lợp cách nhiệt. Theo thống kê của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, năm 2012 cả nước có hơn 400 cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh, phần lớn các doanh nghiệp này đang sử dụng môi chất lạnh HCFC-22 trong các thiết bị lạnh do có những ưu điểm như: không độc, không cháy, giá tiền thiết bị thấp, hiệu suất phát lạnh cao, chi phí ban đầu thấp, nhất là khi mua thiết bị đơn lẻ hoặc khi đầu tư ở quy mô nhỏ…Hạn ngạch nhập khẩu HCFC-22 giảm dần theo lộ trình, từ năm 2015 – 2019 Việt Nam được phép nhập 3.600 tấn, từ năm 2020 – 2024 được phép nhập khẩu 2.700 tấn, từ năm 2025 – 2029 sẽ có trên dưới 1.000 tấn HCFC-22 được phép nhập về nước.

Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất, chiếm tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), mỗi năm ngành nhựa Việt Nam nhập trên 4 triệu tấn nguyên liệu nhựa, trong đó có trên 1,3 triệu tấn nguyên liệu nhựa PE. Các chuyên gia phân tích rằng nếu chỉ cần 1/3 lượng PE nhập về để sản xuất túi ni lông thì sẽ có khoảng 500.000 tấn bao bì, túi ni lông tung ra thị trường. Nếu đánh thuế đầy đủ lượng bao bì/túi ni lông sản xuất theo quy định (50.000 đồng/kg) thì NSNN sẽ tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng/năm, tương đương 900 triệu USD/năm. Thế nhưng nghịch lý là việc thu thuế BVMT đối với túi ni lông lại rất nhỏ giọt. Năm 2017 số tiền thu thuế từ túi ni lông chỉ khoảng 54 tỉ đồng. Khi áp mức trần mới là 50.000 đồng/kg thì ngân sách dự kiến sẽ thu 67,5 tỉ đồng, tăng 13,5 tỉ đồng. Đây là con số quá nhỏ, chưa đến 0,3% số thuế BVMT tiềm năng. Như vậy thất thu thuế BVMT đối với túi ni lông có thể lên đến 99%.

Qua những phân tích trên đây, có thể thấy rằng, túi nilông, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng và dung dịch HCFC đều tăng về lượng tiêu thụ nhưng số thu thuế BVMT đối với các hàng hóa này lại giảm hoặc không thu được thuế. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế của quy định pháp luật:

Pháp luật thuế BVMT hiện hành quy định thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng là đối tượng chịu thuế BVMT nhưng trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành không có thuốc diệt cỏ mà chỉ có “thuốc trừ cỏ”. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng cũng liệt kê thuốc trừ cỏ với 248 hoạt chất và 732 tên thương phẩm nhưng Nghị quyết số 579/2018/NQ-UBTVQH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế BVMT đều không quy định rõ loại thuốc trừ cỏ nào phải chịu thuế BVMT hay tất cả các loại thuốc trừ cỏ đều chịu thuế BVMT. Sự thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ trong các quy định pháp lý khiến cho quy định về đối tượng chịu thuế là thuốc diệt cỏ không có tính khả thi.

(Những bất cập của pháp luật thuế BVMT đối với túi ni lông và dung dịch HCFC đã được phân tích ở trên).

2.1.2.2.   Căn cứ tính thuế theo Luật Thuế tài nguyên

Pháp luật thuế tài nguyên hiện hành quy định căn cứ tính thuế gồm: sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Cách tính sản lượng tài nguyên phụ thuộc vào việc tài nguyên có xác định được khối lượng, trọng lượng, số lượng hay không? Tài nguyên khai thác có được bán ra ngay dưới dạng tài nguyên thô hay được chế biến thành sản phẩm khác rồi mới bán? Tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau, phải qua sàng tuyển, phân loại để xác định từng chất?  Giá  tính thuế tài nguyên cũng được pháp luật quy định cho từng trường hợp cụ thể: trường hợp xác định được giá bán tài nguyên, trường hợp không xác định được giá bán tài nguyên do tài nguyên chứa nhiều chất khác nhau, trường hợp tài nguyên khai thác được xuất khẩu, ... Thuế suất thuế tài nguyên được quy định theo từng loại tài nguyên, có sự phân biệt giữa tài nguyên quý hiếm và tài nguyên thông thường, tài nguyên tái tạo và tài nguyên không tái tạo.

Theo kinh nghiệm quốc tế, có ba phương thức đánh thuế tài nguyên chủ yếu là:

(i)   Phương thức đánh thuế dựa vào sản lượng tài nguyên khai thác. Đây là phương pháp thu thuế theo mức thu tuyệt đối tính trên mỗi đơn vị tài nguyên khai thác. Đơn vị tài nguyên khai thác có thể tính theo trọng lượng hoặc thể tích tuỳ từng loại tài nguyên. Mức thu có thể là thống nhất hoặc phụ thuộc vào quy mô của việc khai thác, như khai thác càng nhiều mức thuế cho mỗi đơn vị tài nguyên càng lớn. Thuế tuyệt đối thường được áp dụng đối với các loại tài nguyên có đặc tính là có khối lượng khai thác lớn nhưng giá trị thương mại cho mỗi đơn vị tài nguyên không cao như than đá và đá xây dựng. Ví dụ: Trung Quốc áp dụng thuế suất tuyệt đối với đất sét và đá sa thạch.

(ii)   Phương pháp đánh thuế dựa vào giá trị tài nguyên. Đây là phương pháp được nhiều quốc gia áp dụng, nhất là các nước đang phát triển như: Philippines, Myanmar, Venezuela, Việt Nam, ... Theo phương pháp này thì cơ sở tính thuế là giá trị của tài nguyên khai thác và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm. Tuy nhiên, cách thức xác định giá trị tài nguyên làm cơ sở tính thuế và việc quy định thuế suất giữa các quốc gia cũng rất khác nhau.

(iii)   Phương thức đánh thuế dựa vào lợi nhuận từ việc khai thác tài nguyên. Theo phương pháp này thì số thuế tài nguyên được xác định dựa trên mức lợi nhuận hoặc thu nhập ròng của các dự án khai thác tài nguyên. Các quốc gia áp dụng phương pháp này chủ yếu là các nước phát triển như: Nam Phi và một số bang của Australia.176

Qua những phân tích trên đây, có thể nêu ra một số nhận xét về pháp luật Việt Nam điều chỉnh căn cứ tính thuế tài nguyên như sau:

Xét về tiêu chí đơn giản và tiêu chí ổn định tương đối, mặc dù nhà làm luật có nhiều nỗ lực song tình trạng luật thường xuyên thay đổi và khó tiên liệu vẫn còn tồn tại. Minh chứng cho nhận định này là việc các văn bản luật liên tục được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung: Năm 2009 Luật Thuế tài nguyên được ban hành thay thế cho Pháp lệnh Thuế tài nguyên năm 1990 (sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2008). Năm 2014 Luật Thuế tài nguyên tiếp tục được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Thuế suất thuế tài nguyên cũng thường xuyên thay đổi theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010, Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013, Nghị quyết hiện đang có hiệu lực là Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13. Tương tự như vậy, các văn bản hướng dẫn luật cũng liên tục được ban hành: Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên được thay thế bởi: Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 02/10/2015 hướng dẫn về thuế tài nguyên; Thông tư số 12/2016/TT- BTC ngày 20/01/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên; Thông tư số 174/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính ngày 28/10/2016 sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên. Giá tính thuế tài nguyên được quy định tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau. Ngày 20/01/2020 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 05/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 44/2017/TT-BTC.

Khai thác tài nguyên, đặc biệt là khai thác khoáng sản là ngành kinh doanh có đặc thù: thời gian thu hồi vốn dài, đầu tư vốn khá lớn, vì vậy, tình trạng không ổn định của hệ thống pháp luật thuế tài nguyên sẽ gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến quyết định đầu tư vào ngành khoáng sản của nhà đầu tư.

Theo : Đặng Kim Phương

Link tài liệu: 

https://docs.google.com/document/d/1q-aent9cpfrvKBz4a6TD8qMIp5g6srw2/edit

 

avatar
Đặng Quỳnh
451 ngày trước
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM
Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện pháp luật thuế môi trường đã được xác định tại tiểu mục 1.3.2, trong Chương này người viết phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật thuế môi trường ở Việt Nam. Để phù hợp với đặc điểm nội dung của quy định pháp luật, mỗi nhóm quy định pháp luật được đánh giá dựa trên những tiêu chí không hoàn toàn đồng nhất. Ví dụ: quy định về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật thuế BVMT 2010 được đánh giá theo các tiêu chí về BVMT, tiêu chí đơn giản và ổn định tương đối, tiêu chí công bằng. Quy định về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được xem xét dựa trên các tiêu chí về BVMT, tiêu chí về hiệu quả kinh tế.2.1.  Đánh giá các quy định pháp luật về nội dung thuế môi trường với yêu cầu nâng cao hiệu quả thực hiện2.1.1.   Đánh giá các quy định pháp luật về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế môi trườngNhư đã phân tích ở tiểu mục 1.1.2, Việt Nam hiện có ba sắc thuế được xếp vào thuế môi trường là: thuế BVMT ban hành theo Luật Thuế BVMT năm 2010, thuế tài nguyên ban hành theo Luật Thuế tài nguyên năm 2009 và thuế tiêu thụ đặc biệt ban hành theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008. Phần viết này sẽ đánh giá, phân tích đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo ba đạo luật trên.2.1.1.1. Đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật Thuế bảo vệ môi trườngĐối tượng chịu thuế BVMT theo quy định của Luật Thuế BVMT năm 2010 bao gồm: xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC), túi nilông, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng (sau đây gọi tắt là thuốc bảo vệ thực vật thuộc loại hạn chế sử dụng). Người nộp thuế BVMT là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT.Xét về tiêu chí BVMT, phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT của Việt Nam còn tương đối hẹp. Nhiều loại hàng hóa khi sử dụng cũng gây ô nhiễm môi trường nhưng pháp luật hiện hành chưa đưa vào diện chịu thuế BVMT như: phân bón hóa học, hóa chất tẩy rửa, pin, ắc quy, sơn, chất kích thích tăng trưởng, năng lượng điện...Trong quá trình xây dựng, soạn thảo Luật Thuế BVMT, cũng có rất nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích lý do quy định diện đối tượng chịu thuế BVMT hẹp như sau:Thứ nhất, việc quy định đối tượng chịu thuế BVMT phải bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam, với khả năng tài chính của người nộp thuế, bảo đảm thu hút đầu tư và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi bước đầu áp dụng luật. Do vậy, cần có lộ trình từng bước mở rộng diện chịu thuế.Thứ hai, việc ban hành quy định về đối tượng chịu thuế nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Trên thực tế, pháp luật về thuế BVMT của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước kinh tế phát triển, có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến cũng chỉ quy định một số sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng hoặc nhập khẩu có mức độ gây ô nhiễm lớn.144Vào thời điểm xây dựng Dự án Luật Thuế BVMT, những lập luận trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là không hợp lý. Tuy nhiên, tính từ thời điểm đó đến nay, Luật Thuế BVMT năm 2010 đã ban hành được hơn 8 năm, việc nghiên cứu rà soát, bổ sung phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT là cần thiết, xuất phát từ những lý do sau:Một là, sau một khoảng thời gian tương đối dài được ban hành và triển khai áp dụng trên thực tế, công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành Luật Thuế BVMT năm 2010 đã và đang được thực hiện. Qua đó, những kinh nghiệm về quản lý thuế BVMT được đúc kết, nhận thức của người dân đối với sắc thuế này cũng được nâng cao hơn. Đây chính là tiền đề quan trọng để nhà làm luật hướng đến phương án mở rộng diện chịu thuế BVMT trong thời gian tới.Hai là, phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT theo pháp luật thực định còn hẹp, không đảm bảo công bằng giữa các hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Có thể nêu ra một số sản phẩm, hàng hóa có tác động xấu đến môi trường mà chưa thuộc diện điều chỉnh của Luật Thuế BVMT năm 2010 hiện hành như:-  Phân bón hoá học là những hoá chất có chứa nguyên tố dinh dưỡng, dùng để bón cho cây trồng nhằm nâng cao năng suất. Có ba loại phân bón hóa học cơ bản là phân đạm, phân lân và phân kali.Phân đạm cung cấp nitơ hoá hợp cho cây dưới dạng ion nitrat NO3- và ion amoni NH+4; phân lân cung cấp photpho hoá hợp cho cây dưới dạng ion phophat PO43-; phân kali cung cấp cho cây trồng nguyên tố kali dưới dạng ion K. Các chất này có thể gây hại cho sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường.Lạm dụng phân hóa học đặc biệt là phân đạm, khiến tồn dư Nitrate trong rau xanh, có thể dẫn đến 2 bệnh hiểm nghèo là kìm hãm sự phát triển của trẻ dưới 1 tuổi, làm trẻ xanh xao, gầy yếu và gây ung thư dạ dày, vòm họng ở người lớn; phân bón hóa học tồn dư trong đất cũng là nguyên nhân làm suy thoái đất.-  Khí than có nguồn gốc từ than đá. Thành phần chủ yếu trong khí than là khí metan (CH4), thường chiếm khoảng 94-95%, phần còn lại gồm etan, propan, butan, pentan, nitơ, cacbonđioxit, một ít lưu huỳnh (hoặc có thể không chứa lưu huỳnh). Các chất này cũng gây tác hại môi trường và sức khỏe con người.-  Khí tự nhiên (khí thiên nhiên) là hỗn hợp chất khí cháy được, bao gồm phần lớn là các hydrocarbon (hợp chất hóa học chứa cacbon và hyđrô). Khí tự nhiên là nhiên liệu hóa thạch. Các chất có trong khí tự nhiên đều gây tác hại đến môi trường và sức khỏe con người.-  Chất kích thích tăng trưởng bao gồm chất kích thích tăng trưởng cho thực vật và động vật:Chất kích thích tăng trưởng dùng cho thực vật bao gồm các hoạt chất như NAA, Gibberellin, Xytokinin dưới nhiều tên gọi thương mại khác nhau được sử dụng trong nông nghiệp làm biến đổi gen giúp cây tăng tỉ lệ nẩy mầm, đổi màu hoa, tạo trái không hạt, kích thích cây mọc khỏe và nhanh. Chất kích thích tăng trưởng gây ra những biến đổi không bình thường cho cơ thể con người. Hiện nay, ở châu Âu đã tẩy chay các loại trái cây có sử dụng hóa chất tăng trưởng.Trong ngành chăn nuôi, hiện có khoảng 10 loại chất kích thích tăng trưởng khác nhau được sử dụng, phổ biến nhất là Clenbuterol và Salbutamol. Các chất này có khả năng làm tăng nhanh trọng lượng của gia súc, gia cầm. Các chất này còn là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, liệt cơ, run cơ, phù nề, thậm chí dẫn đến ung thư cho người sử dụng thực phẩm có chứa chất kích thích tăng trưởng.-  Năng lượng điện bao gồm: nhiệt điện, thủy điện và điện hạt nhânNhiệt điện: Ðốt than tạo ra khí SO2, CO2. Theo tính toán, một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.000 MW hàng năm thải ra môi trường 5 triệu tấn CO2,18.00  tấn NOx, 11.000 tấn - 680.000 tấn phế thải rắn. Trong thành phần chất thải rắn, bụi, nước thải của nhà máy nhiệt điện thường chứa kim loại nặng và chất phóng xạ độc hại.Thủy điện được gọi là năng lượng sạch. Ở Việt Nam tổng trữ lượng thủy điện là 30.970 MW, chiếm 1,4% tổng trữ lượng thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng các hồ chứa nước lớn tạo ra các tác động môi trường như động đất kích thích, thay đổi khí hậu thời tiết khu vực, mất đất canh tác, tạo ra lượng CH4 do phân huỷ chất hữu cơ lòng hồ, tạo ra các biến đổi thuỷ văn hạ lưu, tăng độ mặn nước sông, ảnh hưởng đến sự phát triển của các quần thể cá trên sông, tiềm ẩn tai biến môi trường.Điện hạt nhân: Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng giải phóng trong quá trình phân huỷ hạt nhân các nguyên tố U, Th hoặc tổng hợp nhiệt hạch. Theo tính toán, năng lượng giải phóng ra từ 1g U235 tương đương với năng lượng do đốt 1 tấn than đá. Nguồn năng lượng hạt nhân có ưu điểm không tạo nên các loại khí nhà kính như CO2, bụi. Tuy nhiên, các nhà máy điện hạt nhân hiện nay là nguồn gây nguy hiểm lớn về môi trường do chất thải phóng xạ, khí, rắn, lỏng và các sự cố nhà máy. Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Checnobưn Liên Xô là một ví dụ điển hình.-  Pin, ắc quy các loại: Pin có chứa chất Dioxide Mangan (MnO2), giấy tẩm hồ (có chứa thuỷ ngân), vỏ pin làm bằng kim loại và nhựa. Nếu công tác thu gom, xử lý pin thải không tốt cũng gây ô nhiễm đến môi trường.Ắc quy chì gồm có các bản cực bằng chì và ô xít chì ngâm trong dung dịch A- xít Sun-phua-ríc; Ắc quy sắt kền gồm có bản cực làm bằng O-xy-hy-drat-kền, và các bản cực âm bằng sắt thuần ngâm trong dung dịch Hydrô-xít-kali, vỏ ắc quy làm bằng nhựa. Các chất có trong ắc quy phát tán ra môi trường trong quá trình sản xuất, thu gom, xử lý đã gây ô nhiễm không khí (bụi), nguồn nước, gây thoái hoá đất và tác động không tốt tới sức khoẻ con người.-  Chất tẩy rửa như chất rửa chén, chất dùng để lau bàn, lau bếp; hay các chất dùng vệ sinh nhà tắm … thường có chứa hoá chất benzyl, polyetylen, sodium hypochlorite hoặc những chất chlorine, đó là những chất có hại cho sức khỏe. Mức độ độc hại nhiều hay ít tuỳ theo hàm lượng, nồng độ của hoá chất trong dung dịch chúng ta sử dụng. Hàm lượng, nồng độ càng cao thì tác hại càng nguy hiểm cho sức khỏe vả môi trường-  Sơn có chứa nhiều chất độc hại, phổ biến là các chất VOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi); chì, asen, TBT (tributyltin)… Các chất VOC góp phần tạo ozone mặt đất, khói quang hóa, tăng hiệu ứng nhà kính; đối với con người, các chất VOC có thể gây dị ứng và các bệnh về hô hấp như hen xuyễn. Một số chất VOC còn được xếp vào nhóm chất gây ung thư. Theo thống kê của WHO, nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở thợ sơn cao hơn người thường 20%, đặc biệt ung thư phổi cao hơn 40%. Các kim loại độc hại trong sơn có thể gây ô nhiễm nguồn nước, cũng như gây các tác động có hại tới sức khỏe con người.Những hàng hóa trên đều là các mặt hàng thông dụng, phổ biến, khả năng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường là rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu bổ sung các hàng hóa này vào diện chịu thuế BVMT là cần thiết nhằm hạn chế tiêu dùng các sản phẩm này. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã đánh thuế môi trường với phân bón hóa học (Bỉ), điện (các nước trong khối EU), thuốc lá (Estonia), khí than, khí thiên nhiên (Đức, Nhật Bản, Thụy Điển và một số nước Châu Âu khác) hoặc áp dụng phí môi trường đối với các sản phẩm gây ô nhiễm như Hàn Quốc. (Xem thêm Phụ lục 3 kinh nghiệm quốc tế về thuế, phí môi trường).Xét về tiêu chí đơn giản và tiêu chí ổn định tương đối, pháp luật thuế BVMT vẫn còn có những bất cập cần khắc phục145, cụ thể là:Khoản 9 Điều 3 Luật Thuế BVMT năm 2010 nêu: “Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định”. Điều 8 Luật Thuế BVMT năm 2010 quy định Biểu khung thuế, theo đó, loại thuế suất được áp dụng là mức thuế tuyệt đối. Đối với mỗi loại hàng hóa chịu thuế, biên độ dao động giữa mức thuế cao nhất và mức thuế thấp nhất là rất lớn, ví dụ: dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn có mức thuế từ 300 đồng đến 2.000 đồng/lít, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng có mức thuế từ 500 đồng đến 2.000 đồng/kg. Điều luật này cũng trao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thẩm quyền quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc: i) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; ii) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.Những quy định trên chưa thực sự phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội được nêu trong Hiến pháp năm 2013. Khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội liên quan đến thuế như sau: “quy định, sửa đổi, bãi bỏ các thứ thuế”. Trong số các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội được nêu tại Điều 74 Hiến pháp năm 2013 thì không có nội dung nào quy định về thẩm quyền của cơ quan này liên quan đến thuế. Để giải thích cho những quy định mở rộng thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế BVMT, cơ quan soạn thảo đưa ra lý do: căn cứ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ kịp thời bổ sung các đối tượng gây ô nhiễm khác vào diện chịu thuế để bảo đảm tính công bằng, phù hợp thực tiễn trong thực thi  chính sách; thuế BVMT là sắc thuế mới, việc quy định khung và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế sẽ tạo sự linh hoạt khi cần thiết điều chỉnh mức thuế, bảo đảm không phải sửa luật khi thay đổi mức thuế cụ thể.146Những lý do trên chưa thật sự thuyết phục bởi:Là một vấn đề rất nhạy cảm về chính trị - xã hội, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân nên việc ấn định loại thuế, biểu thuế phải do cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí của nhân dân quyết định. Đặc biệt, phạm vi đối tượng chịu thuế và mức thuế là những nội dung cốt lõi của một sắc thuế. Việc trao thẩm quyền bổ sung đối tượng chịu thuế và quy định mức thuế cụ thể đối với hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT cho Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khiến cho những quy định về quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực thuế trở thành hình thức, không có tính thực tiễn. Nguy cơ lạm quyền có thể xuất phát từ đây. Là một cơ quan thường trực của Quốc hội, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn luật định trong thời gian Quốc hội chưa họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể đại diện cho Quốc hội để quyết định những vấn đề có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng như thuế.Xét về tiêu chí công bằng, quy định về đối tượng chịu thuế BVMT chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tế.Khoản 4 Điều 2 Luật Thuế BVMT quy định: “Dung dịch hydro-chloro-flouro- carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh”. Theo Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT ngày 30/12/2011 của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô dôn:“3. Các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được quản lý theo Thông tư này là:a)   Các chất hydrochlorofluorocarbon (trong Thông tư gọi tắt là các chất HCFC) thuộc Phụ lục I của Thông tư này.b)  Polyol trộn sẵn HCFC-141b (HCFC-141b Pre-blended polyol)”Căn cứ các quy định nêu trên: Các chất hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) và Polyol trộn sẵn HCFC-141b được xác định là chất làm suy giảm tầng ô dôn.Theo Luật thuế BVMT hiện hành thì dung dịch HCFC thuộc đối tượng chịu thuế BVMT. Trên thực tế, dung dịch HCFC còn tồn tại dưới dạng chất hỗn hợp có chứa HCFC (như chất Polyol có trộn sẵn HCFC-141b được sử dụng để sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt; tỷ lệ HCFC có trong Polyol trộn sẵn HCFC-141b chiếm khoảng từ 13% đến 30%) nhưng đối chiếu quy định tại Luật thuế BVMT thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chất hỗn hợp chứa dung dịch HCFC có thuộc đối tượng chịu thuế hay không. Như vậy, quy định về đối tượng chịu thuế tại Luật thuế BVMT là chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trên thực tế.2.1.1.2.   Đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật Thuế tài nguyênBên cạnh tư bản (tiền), lao động (con người), đất đai và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên cũng được coi là một nguồn vốn quan trọng trong quá trình sản xuất (còn được gọi là nguồn vốn tự nhiên). Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng dân số, vai trò của nguồn vốn tự nhiên lại càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Ngân hàng thế giới (2012) đã phân loại tài nguyên thiên nhiên thành bốn nhóm như sau:i)  Tài nguyên có thể khai thác và tái tạo như: ngư trường, rừng tự nhiên, đất, không khí và nước.ii)  Tài nguyên có thể tái tạo nhờ nuôi trồng như: cây trồng, súc vật nuôi, thủy sản nuôi trồng và các lâm trường.iii)  Tài nguyên không thể tái tạo như: khoáng sản kim loại và phi kim loại.iv)   Các hệ sinh thái cung cấp chức năng điều tiết khí hậu như: các lưu vực nước, hệ sinh thái ven biển, vùng đất ngập nước ngọt và đồng bằng ngập lũ, đại dương, đất và hệ sinh vật.147Cách phân loại như trên có ý nghĩa trong việc xây dựng các chính sách, giải pháp quản lý, bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn vốn tự nhiên để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa BVMT.Luật Thuế tài nguyên năm 2009 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014), Nghị định số 50/2010/NĐ-CP, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Thông tư số 152/2015/TT-BTC và Thông tư số 174/2016/TT-BTC quy định đối tượng chịu thuế là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam nhưng không bao quát tất cả các loại tài nguyên như theo cách phân loại của Ngân hàng thế giới. Theo đó, đối tượng chịu thuế tài nguyên gồm 9 nhóm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển; nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; yến sào thiên nhiên; tài nguyên khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định148. Nhiều loại tài nguyên thiên nhiên không thể đánh thuế được (như các hệ sinh thái, không khí, súc vật nuôi ...) vì không thể kiểm soát được sản lượng tiêu thụ hoặc không thể xác định được giá cả của loại tài nguyên đó. Đối với các tài nguyên này cần phải thiết kế cơ chế đặc thù như: chi trả dịch vụ hệ sinh thái, thâm canh bền vững, thu phí môi trường ...Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên149. Thuế tài nguyên của Việt Nam được thiết kế với tính chất là thuế gián thu nên những quy định trên về người nộp thuế là phù hợp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế cũng như công tác quản lý thuế.Các quy định pháp luật Việt Nam về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế, về cơ bản, đã tương thích với pháp luật các quốc gia khác trên thế giới. Tùy thuộc vào đặc điểm nguồn tài nguyên của từng nước mà mỗi quốc gia quy định phạm vi đối tượng chịu thuế khác nhau. Luật Thuế tài nguyên năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) của Trung Quốc quy định các loại khoáng sản kim loại (quặng sắt, quặng thiếc, quặng nikel, vàng, chì, kẽm ...), khoáng sản phi kim loại (than, dầu thô, khí thiên nhiên, đất hiếm, ...) thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật150. Vương quốc Anh đánh thuế vật liệu trộn (Aggregates levy) đối với cát, đá, sỏi được khai thác hoặc nhập khẩu vào quốc gia này, người nộp thuế là các tổ chức, cá nhân khai thác hoặc nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế151.Bên cạnh những ưu điểm trên, pháp luật thuế tài nguyên của Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế sau đây:Xét về tiêu chí đơn giản, cách xây dựng Luật Thuế tài nguyên cũng có hạn chế tương tự như khi xây dựng Luật Thuế BVMT, đó là: Điều 2 Luật Thuế tài nguyên năm 2009 đã liệt kê các tài nguyên thiên nhiên thuộc đối tượng chịu thuế và người soạn luật vẫn nêu “tài nguyên khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định”. Những hạn chế của cách xây dựng luật này đã được phân tích ở trên, khi đánh giá về đối tượng chịu thuế BVMT.Tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế tài nguyên cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế”. Trên thực tế, việc quản lý đối với các tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ, lẻ rất khó khăn, nhất là các trường hợp cá nhân khai thác thủ công, khai thác ở vùng sâu, vùng xa...Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua chỉ lập bảng kê thu mua chứ không cam kết nộp thuế thay hoặc không có hóa đơn chứng minh tài nguyên thu mua đã được nộp thuế tài nguyên. Vì không quy định điều kiện ràng buộc nộp thuế cũng không quy định chế tài xử lý nên không có cơ sở để thu thuế tài nguyên đối với các trường hợp này.Điều 51 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định các chủ thể khai thác khoáng sản gồm:  Doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật hợp tác xã; Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản. Các chủ thể này đều phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, đều phải có Giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản (hoặc Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản)  trước khi tiến hành hoạt động này152. Rất ít hoạt động khai thác khoáng sản không cần giấy phép.Ngoài ra, theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, để được phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện nhất định (có dự án đầu tư khai thác khoáng sản; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết BVMT; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản...)153. Theo đó, về cơ bản, chỉ có tổ chức mới đủ khả năng để được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Thực tế cũng cho thấy, các hoạt động khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ hầu hết là khai thác trái phép, không được cơ quan nhà nước cấp phép khai thác. Do đó, quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên nêu trên sẽ tạo điều kiện hợp thức hóa hoạt động khai thác trái phép nguồn tài nguyên.Về tên gọi của các loại nước thiên nhiên chưa được quy định thống nhất trong Luật Thuế tài nguyên. Khoản 5 Điều 5 Luật Thuế tài nguyên quy định về sản lượng tài nguyên tính thuế: “Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (l) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.”Tại Điều 2 và Điều 8 Luật Thuế tài nguyên về đối tượng chịu thuế và biểu khung thuế suất thuế tài nguyên chỉ quy định nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh, chứ không quy định nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 5 Điều 5 Luật Thuế tài nguyên về sản lượng tài nguyên tính thuế các loại nước thiên nhiên để thống nhất tên gọi đối với loại tài nguyên này Xét về tiêu chí BVMT và tiêu chí hiệu quả kinh tế, quy định về đối tượng chịu thuế theo phương pháp liệt kê như trên dẫn đến hệ quả vừa thừa, vừa thiếu, làm giảm tính minh bạch của đạo luật. Có thể nêu ra một số loại tài nguyên có giá trị kinh tế cao nhưng lại chưa phải chịu thuế như: san hô đỏ, đá bazan dạng cột có giá trị sử dụng làm đá xây dựng cao cấp, ... Điều này dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các loại tài nguyên thiên nhiên, tạo ra nguy cơ khai thác cạn kiệt tài nguyên.2.1.1.3. Đối tượng chịu thuế và người nộp thuế theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và năm 2016) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm các loại hàng hóa (thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia; xe ô tô dưới 24 chỗ; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; tàu bay, du thuyền; xăng các loại; điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã) và dịch vụ (kinh doanh vũ trường; kinh doanh massage, karaoke; kinh doanh casino; trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy jackpot, máy slot và các loại máy tương tự; kinh doanh đặt cược; kinh doanh golf; kinh doanh xổ số). Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.Xét về tiêu chí BVMT, thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam cũng tương tự như các quốc gia khác, đều đánh vào các hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng vì những sản phẩm này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe con người hoặc là những sản phẩm xa xỉ. Ví dụ: Canada đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số loại xăng dầu, điều hòa nhiệt độ dùng trong xe ôtô, các loại xe ôtô tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch154. Các nước thuộc EU quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có cồn, năng lượng hóa thạch và điện, thuốc lá155. Thuế tiêu thụ đặc biệt của Trung Quốc đánh vào 14 nhóm hàng hóa như thuốc lá, đồ uống có cồn, mỹ phẩm cao cấp, xăng dầu.Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ không có lợi cho môi trường và sức khỏe con người đã góp phần hướng dẫn tiêu dùng xã hội. Chính sách điều tiết này phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, góp phần hình thành một xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh và công bằng hơn, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của đất nước trong giai đoạn qua.157Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, pháp luật điều chỉnh đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có một số hạn chế sau:Pháp luật thực định chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi dựa trên quan điểm cho rằng: việc đánh thuế này sẽ góp phần hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, từ đó giảm sử dụng năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu, quy định trên sẽ khuyến khích gia tăng số lượng xe ô tô trên 24 chỗ ngồi, điều này là không phù hợp với điều kiện giao thông của nước ta và do đó lại càng tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch hơn.Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với xe ô tô, các quốc gia khác thường quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo dung tích xi lanh của xe, tức là theo mức độ tiêu thụ nhiên liệu của xe, chứ không căn cứ vào số chỗ ngồi của xe ô tô. Theo đó, xe tiêu thụ càng nhiều nhiên liệu, dung tích xi lanh càng lớn thì mức thuế càng cao. Chẳng hạn, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của Canada quy định ô tô tiêu thụ từ 13 đến dưới 14 lít xăng/ 100km chịu mức thuế 1000 đô la Canada (viết tắt là CAD), từ 14 đến dưới 15 lít xăng/ 100km chịu mức thuế 2000 CAD, từ 15 đến dưới 16 lít xăng/ 100km chịu mức thuế 3000 CAD, tiêu thụ từ trên 16 lít xăng/ 100km chịu mức thuế 4000 CAD.158Đối với mặt hàng xăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ quy định 3 loại: xăng, xăng E5 và xăng E10 thuộc diện chịu thuế. Trong khi đó, dầu diesel, dầu khí hóa lỏng, nhiên liệu bay không phải chịu thuế. Hơn nữa, mặt hàng xăng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo cùng một mức thuế suất mà không có sự phân biệt theo chỉ số octan hoặc theo hàm lượng lưu huỳnh có trong xăng. Quy định như trên là không phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa tương thích với mức độ gây ô nhiễm của từng sản phẩm. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel, dầu khí hóa lỏng và nhiên liệu bay. Ở Austria, mức thuế tiêu thụ đặc biệt 0,397 EUR/ lít dầu diesel được áp dụng với loại dầu diesel chứa tối thiểu 6,6% nhiên liệu sinh học và có hàm lượng lưu huỳnh đến dưới 10mg/ kg, còn các loại dầu diesel khác chịu mức thuế là 0,425EUR/ lít.159Xét về tiêu chí hiệu quả kinh tế, so với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014 và năm 2016 đã có những thay đổi đem lại những kết quả tích cực nhất định về mặt kinh tế như: pháp luật hiện hành không quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nap-ta, con- đen-sát, chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng nhằm đơn giản thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí hành chính cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế.Trước đây, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, xăng các loại, nap-ta (naptha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, quy định này gây ra bất cập: trường hợp doanh nghiệp mua con-đen-sát thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để sản xuất ra xăng hoặc thuê doanh nghiệp khác gia công từ con-đen- sát thành nap-ta sau đó mới sản xuất ra xăng, mà xăng thuộc mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên khi tính số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đối với xăng thì được trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nap-ta, con-đen-sát và chế phẩm tái hợp (nguyên liệu đầu vào sản xuất xăng). Như vậy, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nap-ta, con-đen-sát và chế phẩm tái hợp không làm tăng số thu về thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng doanh nghiệp vừa phải ứng vốn để nộp thuế và làm thủ tục để được kê khai, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi đó cơ quan thuế phải quản lý khấu trừ đối với nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dùng để sản xuất ra xăng, làm tăng khối lượng công việc và chi phí quản lý.Vì vậy, quy định không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nap-ta, con-đen-sát, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng vừa giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa giảm các thủ tục hành chính trong việc kê khai, khấu trừ thuế.Đối với bài lá, vàng mã, hàng mã, theo ý kiến của nhiều luật gia, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên các mặt hàng này gây tốn kém chi phí quản lý thu thuế mà số thu lại không đáng kể, không đủ bù đắp những chi phí bỏ ra.161 Nhận định này có lẽ cần được cân nhắc thêm. Hiện nay, có không ít các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh trong lĩnh vực “phục vụ cõi âm” có lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ví dụ, Công ty vàng mã Yên Bái năm 2018 ghi nhận doanh thu bán hàng và dịch vụ gần 78 tỷ đồng, tăng 13 tỷ so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm thu hơn 388,6 tỷ đồng, trong đó 23% đến từ xuất khẩu. Như vậy, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này thu hơn 32,4 tỷ đồng và mỗi ngày hơn 1,08 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, ban lãnh đạo công ty cho rằng, là nhờ doanh thu bán hàng tăng và không phát sinh chi phí đột biến. Ba sản phẩm chủ lực vàng mã, giấy đế, tinh bột sắn đều tăng mạnh doanh thu, như vàng mã tăng 9 tỷ so với năm trước đó. Năm 2018, đại gia sản xuất vàng mã Yên Bái lãi trước thuế hơn 40,2 tỷ đồng, tăng 65% so với 2017. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản lãi công ty này nhận về hơn 34,3 tỷ đồng, gấp ba lần năm trước.Đốt vàng mã gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với môi trường như khói bụi, thậm chí có thể dẫn đến hỏa hoạn, cháy nổ nếu bất cẩn, và cũng làm tiêu tốn nhiều tiền bạc của người dân. Nhiều loại vàng mã được làm từ các chất liệu giấy đặc biệt đốt cháy không hoàn toàn sẽ phát sinh ra khí dioxin (chất độc màu da cam). Bên cạnh đó, để sản xuất ra vàng mã, nhiều cánh rừng bị chặt hạ để phục vụ cho ngành sản xuất giấy.163 Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật dùng mua vàng mã để đốt lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Trung bình vào mỗi dịp lễ, Tết, mỗi đình phải bỏ ra từ 30.000-50.000 đồng mua tiền giấy, thậm chí có gia đình tiêu tốn vài triệu đồng mua vàng mã.Những mặt trái của việc sử dụng hàng mã, vàng mã đều đã được nhìn nhận ra, nhưng đây là tập tục lâu đời thuộc về văn hóa tâm linh của người Việt nên việc cấm hoặc loại bỏ hoàn toàn tập tục này là điều không thể. Vì vậy, bên cạnh biện pháp truyền thông, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng mã, hàng mã cũng là một giải pháp tích cực góp phần hạn chế sức mua mặt hàng này.2.1.2.   Đánh giá các quy định pháp luật điều chỉnh căn cứ tính thuế môi trường2.1.2.1.   Căn cứ tính thuế theo Luật Thuế bảo vệ môi trườngCăn cứ tính thuế BVMT đang được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau mà đáng lưu ý nhất là Luật Thuế BVMT năm 2010, Nghị quyết số 579/2018/NQ-UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế BVMT. Trên cơ sở các văn bản này, Chính phủ và các Bộ liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau. Theo các qui định trong những văn bản này, căn cứ tính thuế BVMT bao gồm số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối. Số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hoặc số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu. Mức thuế tuyệt đối được quy định khác nhau theo từng loại hàng hóa.Xét về tiêu chí BVMT, việc áp dụng mức thuế tuyệt đối đảm bảo thực hiện mục tiêu chủ yếu của thuế BVMT là nhằm thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường nên mức thuế BVMT được xác định không phụ thuộc vào giá của sản phẩm chịu thuế mà cân nhắc dựa trên mức độ gây ô nhiễm môi trường của sản phẩm chịu thuế. Mức thuế tuyệt đối cũng giúp đơn giản, minh bạch trong thực hiện, số thu NSNN không phụ thuộc vào sự biến động của giá hàng hoá. Khi giá hàng hóa tăng cao (xăng dầu phụ thuộc nhiều vào giá thế giới) thì số thu thuế BVMT không tăng. Quy định mức thuế BVMT của Việt Nam là thuế suất tuyệt đối cũng tương đồng với pháp luật thuế môi trường của các nước khác và thông lệ quốc tế (xem Phụ lục 3 kinh nghiệm quốc tế về thuế, phí môi trường).Bên cạnh ưu điểm nêu trên, quy định về căn cứ tính thuế theo pháp luật thuế BVMT hiện hành vẫn tồn tại một số bất cập: Khung thuế suất thuế BVMT chưa hợp lý, chưa thể hiện sự phân hóa rõ về mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa chịu thuế.Biểu khung thuế suất thuế BVMT được quy định tại Điều 8 Luật Thuế BVMT. Theo đó, các loại xăng (trừ etanol) có cùng một mức thuế (1.000 – 4.000 đồng/ lít) mà không phụ thuộc vào hàm lượng lưu huỳnh có trong xăng. Quy định này không phù hợp với mục tiêu đánh thuế và thông lệ quốc tế.Than là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quá trình đốt cháy than tạo ra các loại bụi, khí CO2, SOx, NOx, thủy ngân… , hiện nay, châu Á chiếm tới 75% lượng tiêu thụ than toàn cầu. Trong khi các khu vực khác đang đẩy mạnh việc chuyển sang dùng các nguồn năng lượng "xanh" thì các nước châu Á vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng.Theo Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội, mỗi ngày người dân Hà Nội đốt 528 tấn than làm phát thải 1.870 tấn CO2 vào môi trường Tuy nhiên, mức thuế tuyệt đối cho than đá là rất thấp (15.000 đồng/tấn), thậm chí thấp hơn nhiều so với một số nước ở Châu Á khác (như Philippines thu ở mức 10 peso/tấn). Vì vậy, mức thuế tuyệt đối tối thiểu của than đá cần được điều chỉnh tăng nhằm hạn chế việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch, góp phần BVMT.Luật Thuế BVMT quy định Biểu khung thuế suất tuyệt đối đối với thuốc bảo vệ thực vật thuộc loại hạn chế sử dụng (thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho) từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg, mức thuế suất áp dụng là 1.000 đồng/kg.Theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 09/02/2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2018/TT-BNNPTNT), hiện nay không có danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng mà chỉ có Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Cũng theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT, trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng thì thuốc trừ mối có 14 hoạt chất với 23 tên thương phẩm, thuốc khử trùng kho có 4 hoạt chất với 10 tên thương phẩm, thuốc bảo quản lâm sản có 8 hoạt chất với 9 tên thương phẩm. Tuy nhiên, chỉ có một số hoạt chất và một số thương phẩm thuộc đối tượng chịu thuế BVMT theo quy định của Nghị quyết số 579/2018/NQ-UBTVQH14. Mặc dù mức độ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe con người của mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật này là khác nhau nhưng Biểu khung thuế suất tuyệt đối và mức thuế suất thuế BVMT đối với mỗi hàng hóa trên là như nhau. Quy định như vậy sẽ không đảm bảo được công bằng trong thu thuế giữa các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, đồng thời chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế tại Luật Thuế BVMT: “Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa”.Luật Thuế BVMT quy định Biểu khung thuế đối với túi ni lông từ 30.000- 50.000 đồng/kg. Mức thuế cụ thể hiện hành đối với túi ni lông là 50.000 đồng/kg (1kg túi ni lông có thể có từ 100 - 200 túi), nghĩa là thuế BVMT chỉ thu khoảng 250-500 đồng/túi. Mức thuế này là rất thấp so với các quốc gia khác. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế BVMT cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông. Cụ thể như: Vương quốc Anh đánh thuế 15cent/túi, tương đương 4.500đ/túi; Ireland: 15cent/túi, tương đương 4.500đ/túi; Hồng Kông: 0,05USD/túi, tương đương 1.050đ/túi; Estonia đang dự kiến thu thuế đối với túi ni lông ở mức 2 kroons/túi, tương đương 3.000 đồng/túi. Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông mỏng, ví dụ như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông có độ dày nhỏ hơn 0,025mm.Trên thực tế, số lượng túi nilông (hay còn gọi là túi nhựa) được tiêu thụ tăng theo từng năm. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lượng túi nhựa và nhựa thải ra môi trường mỗi ngày khoảng 80 tấn, ước tính mỗi người Việt Nam sử dụng khoảng 30 kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa mỗi năm. Để sản xuất túi nilông phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ, khí đốt và các chất phụ gia chủ yếu là chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu - những chất cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe và môi trường sống của con người. Để một chiếc túi nilông phân hủy tự nhiên phải mất hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm. Túi nilông lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm phát triển.Như vậy, khung thuế và mức thuế BVMT đối với túi ni lông của Việt Nam rất thấp so với các nước trên thế giới nên chưa có tác động nhiều tới việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông. Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh khung thuế BVMT đối với túi ni lông để góp phần đảm bảo mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế.Xét về tiêu chí hiệu quả kinh tế, pháp luật thuế BVMT điều chỉnh căn cứ tính thuế chưa đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế. Tài chính Nhóm hàng hóa có số thu thuế BVMT tăng liên tục là: xăng, dầu (trừ dầu hỏa), nhiên liệu bay, than đá. Nhóm hàng hóa có số thu thuế BVMT giảm dần là: túi nilông, dung dịch HCFC (thậm chí năm 2015 và 2016 không thu được thuế BVMT đối với dung dịch HCFC). Nhóm hàng hóa có số thu thuế BVMT bằng không là: thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng (sau đây gọi chung là thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng). Những con số trên đây liệu có phản ánh thực tế rằng: các hàng hóa không thu được thuế BVMT hoặc có số thu thuế BVMT giảm dần đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ giảm hoặc không có nhu cầu tiêu thụ? Câu trả lời được phân tích qua dữ liệu sử dụng các hàng hóa này.Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát. Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm gần đây (từ năm 2014 đến năm 2018), mỗi năm Việt Nam chi từ 500 - 700 triệu USD để nhập thuốc bảo vệ thực vật (chủ yếu nhập từ Trung Quốc, chiếm 52,6% tổng giá trị mặt hàng này), trong đó, 48% là thuốc trừ cỏ, tương đương 19.000 tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh, khoảng trên 16.000 tấn. Nếu như trước năm 1985 khối lượng hóa chất bảo vệ thực vật dùng hàng năm khoảng 6.500 - 9.000 tấn thì trong 3 năm gần đây, Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn/năm, tăng gấp hơn 10 lần. Hiện có tới 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí. Lượng thuốc dư thừa này thẩm thấu xuống đất và nguồn nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng.Theo quy định của Nghị định thư Montreal (1987) về các chất làm suy giảm tầng ozon, đến năm 2030 các nước đang phát triển phải loại trừ hoàn toàn chất HCFC, một trong các chất gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Phê chuẩn Nghị định thư Montreal từ năm 1994, thời gian để Việt Nam thực hiện cam kết trên không còn nhiều. HCFC là hóa chất được sử dụng chủ yếu trong làm lạnh và điều hòa không khí, nhiều nhất là trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản, sản xuất xốp panel cách nhiệt và tấm lợp cách nhiệt. Theo thống kê của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, năm 2012 cả nước có hơn 400 cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh, phần lớn các doanh nghiệp này đang sử dụng môi chất lạnh HCFC-22 trong các thiết bị lạnh do có những ưu điểm như: không độc, không cháy, giá tiền thiết bị thấp, hiệu suất phát lạnh cao, chi phí ban đầu thấp, nhất là khi mua thiết bị đơn lẻ hoặc khi đầu tư ở quy mô nhỏ…Hạn ngạch nhập khẩu HCFC-22 giảm dần theo lộ trình, từ năm 2015 – 2019 Việt Nam được phép nhập 3.600 tấn, từ năm 2020 – 2024 được phép nhập khẩu 2.700 tấn, từ năm 2025 – 2029 sẽ có trên dưới 1.000 tấn HCFC-22 được phép nhập về nước.Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất, chiếm tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), mỗi năm ngành nhựa Việt Nam nhập trên 4 triệu tấn nguyên liệu nhựa, trong đó có trên 1,3 triệu tấn nguyên liệu nhựa PE. Các chuyên gia phân tích rằng nếu chỉ cần 1/3 lượng PE nhập về để sản xuất túi ni lông thì sẽ có khoảng 500.000 tấn bao bì, túi ni lông tung ra thị trường. Nếu đánh thuế đầy đủ lượng bao bì/túi ni lông sản xuất theo quy định (50.000 đồng/kg) thì NSNN sẽ tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng/năm, tương đương 900 triệu USD/năm. Thế nhưng nghịch lý là việc thu thuế BVMT đối với túi ni lông lại rất nhỏ giọt. Năm 2017 số tiền thu thuế từ túi ni lông chỉ khoảng 54 tỉ đồng. Khi áp mức trần mới là 50.000 đồng/kg thì ngân sách dự kiến sẽ thu 67,5 tỉ đồng, tăng 13,5 tỉ đồng. Đây là con số quá nhỏ, chưa đến 0,3% số thuế BVMT tiềm năng. Như vậy thất thu thuế BVMT đối với túi ni lông có thể lên đến 99%.Qua những phân tích trên đây, có thể thấy rằng, túi nilông, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng và dung dịch HCFC đều tăng về lượng tiêu thụ nhưng số thu thuế BVMT đối với các hàng hóa này lại giảm hoặc không thu được thuế. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế của quy định pháp luật:Pháp luật thuế BVMT hiện hành quy định thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng là đối tượng chịu thuế BVMT nhưng trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành không có thuốc diệt cỏ mà chỉ có “thuốc trừ cỏ”. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng cũng liệt kê thuốc trừ cỏ với 248 hoạt chất và 732 tên thương phẩm nhưng Nghị quyết số 579/2018/NQ-UBTVQH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế BVMT đều không quy định rõ loại thuốc trừ cỏ nào phải chịu thuế BVMT hay tất cả các loại thuốc trừ cỏ đều chịu thuế BVMT. Sự thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ trong các quy định pháp lý khiến cho quy định về đối tượng chịu thuế là thuốc diệt cỏ không có tính khả thi.(Những bất cập của pháp luật thuế BVMT đối với túi ni lông và dung dịch HCFC đã được phân tích ở trên).2.1.2.2.   Căn cứ tính thuế theo Luật Thuế tài nguyênPháp luật thuế tài nguyên hiện hành quy định căn cứ tính thuế gồm: sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Cách tính sản lượng tài nguyên phụ thuộc vào việc tài nguyên có xác định được khối lượng, trọng lượng, số lượng hay không? Tài nguyên khai thác có được bán ra ngay dưới dạng tài nguyên thô hay được chế biến thành sản phẩm khác rồi mới bán? Tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau, phải qua sàng tuyển, phân loại để xác định từng chất?  Giá  tính thuế tài nguyên cũng được pháp luật quy định cho từng trường hợp cụ thể: trường hợp xác định được giá bán tài nguyên, trường hợp không xác định được giá bán tài nguyên do tài nguyên chứa nhiều chất khác nhau, trường hợp tài nguyên khai thác được xuất khẩu, ... Thuế suất thuế tài nguyên được quy định theo từng loại tài nguyên, có sự phân biệt giữa tài nguyên quý hiếm và tài nguyên thông thường, tài nguyên tái tạo và tài nguyên không tái tạo.Theo kinh nghiệm quốc tế, có ba phương thức đánh thuế tài nguyên chủ yếu là:(i)   Phương thức đánh thuế dựa vào sản lượng tài nguyên khai thác. Đây là phương pháp thu thuế theo mức thu tuyệt đối tính trên mỗi đơn vị tài nguyên khai thác. Đơn vị tài nguyên khai thác có thể tính theo trọng lượng hoặc thể tích tuỳ từng loại tài nguyên. Mức thu có thể là thống nhất hoặc phụ thuộc vào quy mô của việc khai thác, như khai thác càng nhiều mức thuế cho mỗi đơn vị tài nguyên càng lớn. Thuế tuyệt đối thường được áp dụng đối với các loại tài nguyên có đặc tính là có khối lượng khai thác lớn nhưng giá trị thương mại cho mỗi đơn vị tài nguyên không cao như than đá và đá xây dựng. Ví dụ: Trung Quốc áp dụng thuế suất tuyệt đối với đất sét và đá sa thạch.(ii)   Phương pháp đánh thuế dựa vào giá trị tài nguyên. Đây là phương pháp được nhiều quốc gia áp dụng, nhất là các nước đang phát triển như: Philippines, Myanmar, Venezuela, Việt Nam, ... Theo phương pháp này thì cơ sở tính thuế là giá trị của tài nguyên khai thác và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm. Tuy nhiên, cách thức xác định giá trị tài nguyên làm cơ sở tính thuế và việc quy định thuế suất giữa các quốc gia cũng rất khác nhau.(iii)   Phương thức đánh thuế dựa vào lợi nhuận từ việc khai thác tài nguyên. Theo phương pháp này thì số thuế tài nguyên được xác định dựa trên mức lợi nhuận hoặc thu nhập ròng của các dự án khai thác tài nguyên. Các quốc gia áp dụng phương pháp này chủ yếu là các nước phát triển như: Nam Phi và một số bang của Australia.176Qua những phân tích trên đây, có thể nêu ra một số nhận xét về pháp luật Việt Nam điều chỉnh căn cứ tính thuế tài nguyên như sau:Xét về tiêu chí đơn giản và tiêu chí ổn định tương đối, mặc dù nhà làm luật có nhiều nỗ lực song tình trạng luật thường xuyên thay đổi và khó tiên liệu vẫn còn tồn tại. Minh chứng cho nhận định này là việc các văn bản luật liên tục được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung: Năm 2009 Luật Thuế tài nguyên được ban hành thay thế cho Pháp lệnh Thuế tài nguyên năm 1990 (sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2008). Năm 2014 Luật Thuế tài nguyên tiếp tục được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Thuế suất thuế tài nguyên cũng thường xuyên thay đổi theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010, Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013, Nghị quyết hiện đang có hiệu lực là Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13. Tương tự như vậy, các văn bản hướng dẫn luật cũng liên tục được ban hành: Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên được thay thế bởi: Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 02/10/2015 hướng dẫn về thuế tài nguyên; Thông tư số 12/2016/TT- BTC ngày 20/01/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên; Thông tư số 174/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính ngày 28/10/2016 sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên. Giá tính thuế tài nguyên được quy định tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau. Ngày 20/01/2020 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 05/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 44/2017/TT-BTC.Khai thác tài nguyên, đặc biệt là khai thác khoáng sản là ngành kinh doanh có đặc thù: thời gian thu hồi vốn dài, đầu tư vốn khá lớn, vì vậy, tình trạng không ổn định của hệ thống pháp luật thuế tài nguyên sẽ gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến quyết định đầu tư vào ngành khoáng sản của nhà đầu tư.Theo : Đặng Kim PhươngLink tài liệu: https://docs.google.com/document/d/1q-aent9cpfrvKBz4a6TD8qMIp5g6srw2/edit