THỰC TIỄN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẠI VIỆT NAM
2.2 Thực tiễn thực hiện pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thông qua hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam.
2.2.1 Một số kết quả đạt được trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thông qua hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam
Từ năm 2006 đến nay, hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu ở nước ta đã và đang thực sự trở nên khá sôi động, điều này được minh chứng cụ thể thông qua sự biến động về số lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Thông qua bảng số liệu trên, chúng ta có thể nhận thấy, số lượng đơn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cũng như số lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được đăng ký lẫn số lượng nhãn hiệu được chuyển giao quyền sử dụng đều có những biến động theo các năm. Từ năm 2006 đến năm 2021 đã có 2.715 hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và chuyển giao được 10.029 nhãn hiệu kèm theo. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2016, ngay sau khi Luật SHTT năm 2005 có hiệu lực thì số lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được đăng ký lẫn số lượng nhãn hiệu được chuyển giao quyền sử dụng có xu hướng tăng nhanh. Điều này chứng tỏ Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có vai trò quan trọng trong việc thiết lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, tạo động lực cho các chủ thể an tâm tiến hành thực hiện hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu trên thực tế. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cũng được diễn ra, song số lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được đăng ký lẫn số lượng nhãn hiệu được chuyển giao quyền sử dụng có biến động theo hướng giảm dần sau thời gian cao trào ở giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý rằng, số liệu do Cục sở hữu trí tuệ thống kê ở trên không phải là minh chứng cho việc trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2021 chỉ có chừng đó hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được ký kết và số lượng nhãn hiệu được chuyển giao, mà con số hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được ký kết và số lượng nhãn hiệu được chuyển giao trên thực tế có thể nhiều hơn do việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu là không bắt buộc (chỉ bắt buộc khi các bên trong hợp đồng muốn hợp đồng đó có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba (Luật SHTT năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009)). Ngoài ra, khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019, theo quy định của Luật SHTT năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì quy định hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu chỉ có hiệu lực với bên thứ ba khi được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ đã bị bãi bỏ. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến số lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ có xu hướng giảm trong năm 2019 và năm 2021.
Bên cạnh đó, một điều chúng ta dễ nhận thấy là các hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được diễn ra theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và hạn chế được các rủi ro pháp lý. Sở dĩ có được điều này là do khi Luật SHTT năm 2005 có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 thì các hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đều được dẫn dắt bởi các quy định của Luật SHTT cùng các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành và các văn bản luật khác có liên quan. Điều này được thể hiện thông qua việc các vấn đề từ đối tượng chuyển giao, hình thức chuyển giao, nội dung chuyển giao, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu,… đều được quy định trong Luật SHTT và các chủ thể thực hiện hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đều có nghĩa vụ phải tuân thủ theo. Đây cũng là nguyên nhân giúp cho hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu giữa các chủ thể có thể hạn chế được các rủi ro pháp lý.
Mặt khác, việc ban hành và không ngừng sửa đổi Luật SHTT theo hướng ngày càng tiến bộ và phù hợp hơn với pháp luật quốc tế đã tạo hành lang pháp lý hữu ích để các chủ thể trong và ngoài nước yên tâm ký kết và thực hiện các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu ở Việt Nam 98. Ngoài ra, việc Việt Nam ngày càng chú trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT, doanh nghiệp, thương mại và tố tụng đã giúp cho các vấn đề phát sinh từ hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu phần nào được giải quyết thấu đáo hơn.
2.2.2 Một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thông qua hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam
2.2.2.1 Vấn đề xác định giá trị của nhãn hiệu trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu
Trong hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thì việc xác định giá trị của nhãn hiệu là vô cùng quan trọng bởi nó liên quan mật thiết đến việc đảm bảo quyền lợi cho cả bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao. Theo lẽ thường, nhãn hiệu có giá trị cao thì khi chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó phí chuyển giao cũng cao. Tuy nhiên, việc xác định giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu trong thực tế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể kể đến một số văn bản như: Luật SHTT là văn bản pháp lý chuyên ngành về SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT chưa có một quy định nào quy định về phương pháp định giá quyền SHTT. Mặt khác, trước đây, quy định có liên quan đến việc định giá quyền SHTT vẫn còn nằm rải rác trong các văn bản pháp luật như Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chuẩn mực kế toán số 04, Thông tư 146/2007/TT-BTC, Thông tư 203/2009/TT-BTC. Đến nay, để phần nào khắc phục tình trạng này, Việt Nam đã ban hành Thông tư số 06/2014/TT-BTC (để ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá tài sản vô hình để phục vụ cho các mục đích mua, bán, chuyển nhượng, thế chấp, hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp, góp vốn, phân chia lợi nhuận, tranh chấp và tố tụng phá sản và các mục đích khác theo quy định của pháp luật) đã quy định có 03 nhóm phương pháp được áp dụng để thẩm định giá: (i) Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận chi phí; (ii) Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận thị trường; (iii) Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận thu nhập. Tuy nhiên, mặc dù quy định như vậy nhưng những phương pháp này chỉ mang tính định hướng chứ không mang tính bắt buộc rằng các chủ thể phải thực hiện theo phương pháp nào, điều đó có thể dẫn đến tình trạng mỗi chủ thể áp dụng mỗi phương pháp khác nhau. Mặt khác, dù Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 ban hành theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC đã cố gắng đưa ra hướng dẫn khá chi tiết cách định giá nhãn hiệu cho mỗi phương pháp nhưng vẫn còn nhiều nội dung mang tính định tính nên không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách áp dụng chúng. Bên cạnh đó, cũng không lấy gì làm đảm bảo khi cùng một nhãn hiệu nếu dùng cả 03 phương pháp định giá nêu trên để tính thì sẽ cho ra kết quả giống nhau. Chính vì những lý do đó nên dẫn đến sự tùy tiện khi ấn định giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu. Điển hình của vấn đề này là Tổng công ty Sông Đà, cụ thể: báo cáo kiểm toán 2007 khoản góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu của Tổng công ty Sông Đà tại Công ty cổ phần Sông Đà 99 (S99) là 250 triệu đồng, khấu hao lũy kế đến hết năm 2007 là 28 triệu đồng; tại Công ty cổ phần Sông Đà 10 (SDT) là 4,93 tỉ đồng, khấu hao luỹ kế đến hết 2007 là 1,214 tỉ đồng. Rõ ràng cùng một cái “mác” Sông Đà nhưng tại các doanh nghiệp khác nhau lại được ghi nhận giá trị vốn góp khác nhau. Có vẻ như việc áp giá này mang tính chủ quan do nội bộ công ty tự tạo ra mà không dựa trên phương pháp tính toán nào. Nếu xét về mặt nguyên tắc, do hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu là sự thỏa thuận của các bên và pháp luật hiện hành cũng không yêu cầu bắt buộc các bên phải tuân thủ theo phương pháp định giá nào, đồng thời cũng không có quy định nào quy định giá tối thiểu lẫn tối đa cho nhãn hiệu, vì vậy các bên có thể tự thỏa thuận để định đoạt giá trị của nhãn hiệu mà không phải bắt buộc tuân theo một phương pháp nào, miễn sao là “thuận mua vừa bán”. Tuy nhiên, điều này vừa có thể gây thiệt hại kinh tế cho bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu (nếu chuyển giao với giá thấp hơn giá trị thực tế của nhãn hiệu) hoặc cho bên nhận chuyển giao (nếu nhận chuyển giao với giá cao hơn so với giá trị thực tế của nhãn hiệu), đồng thời tác động trực tiếp đến số tiền thuế phải nộp của chủ thể có thu nhập phải chịu thuế từ hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân lẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức (trong đó có cả doanh nghiệp) là thu nhập chịu thuế.100 Theo công thức tính thuế thu nhập cá nhân lẫn công thức tính thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp, thì: số tiền thuế phải nộp = (thu nhập tính thuế) x (thuế suất). Do đó, nếu việc định giá nhãn hiệu thấp hơn so với giá trị thực tế của nhãn hiệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền thuế phải nộp của chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế. Nếu nhãn hiệu được định giá thấp hơn so với giá trị thực tế thì lẽ đương nhiên phí chuyển giao cũng thấp kéo theo thu nhập tính thuế cũng sẽ thấp và số tiền thuế phải nộp cũng sẽ thấp. Điều này có thể dẫn đến việc xảy ra hiện tượng thông đồng giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao trong việc cố tình lập ra hai (02) bản hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho cùng một nhãn hiệu nhưng lại có 02 mức giá chuyển giao khác nhau, theo đó sẽ có một (01) hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu “ngầm” và 01 hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được công khai. Theo đó, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được công khai sẽ được các bên ghi mức giá chuyển giao thấp hơn giá trị thực tế của hợp đồng và hợp đồng này được bên chuyển giao dùng để tính thuế với cơ quan thuế. Còn hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu “ngầm” sẽ ghi mức giá thực tế chuyển giao, hợp đồng này chỉ có các bên biết và không công khai, bên nhận chuyển giao sẽ thanh toán giá chuyển giao theo mức giá được ghi trong hợp đồng này. Đây là nguyên nhân dẫn đến thực trạng thất thu thuế của Nhà nước đối với thu nhập từ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu.
2.2.2.2 Về việc dùng quyền sử dụng nhãn hiệu để góp vốn vào công ty khác
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật DN) thì quyền sở hữu trí tuệ được xem là một loại tài sản được góp vốn vào công ty101. Nếu theo quy định này, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu cũng được phép sử dụng để góp vốn vào công ty. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 34 Luật DN quy định: “Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, điểm a khoản 1 Điều 35 LDN cũng quy định: “Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật”. Như vậy, nếu căn cứ vào những quy định trên của Luật DN thì các thành viên, cổ đông chỉ có thể sử dụng quyền sở hữu nhãn hiệu để góp vốn vào công ty (tức là chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu sang cho công ty) chứ không được sử dụng quyền sử dụng nhãn hiệu để góp vốn bởi đối với tài sản có đăng kí quyền ở hữu thì bắt buộc người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang công ty, theo đó chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu được sử dụng để góp vốn, đồng thời quyền sở hữu nhãn hiệu sẽ thuộc về công ty khi các bên hoàn tất xong các thủ tục mà pháp luật quy định. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu sang công ty để góp vốn cũng phải đáp ứng hai điều kiện cơ bản, đó là: i) Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; ii) Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, những quy định trên của Luật DN là chưa phù hợp với thuộc tính đặc trưng của quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng cũng như nhu cầu của thực tiễn. Bởi lẽ, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là một loại tài sản vô hình không tồn tại dưới một hình thái vật chất cụ thể, do đó chủ sở hữu nhãn hiệu vừa có thể sử dụng nhãn hiệu nhưng cũng có thể đồng thời chuyển giao cho người khác sử dụng. Bên cạnh đó, quyền sử dụng được xem là một thuộc tính hữu ích nhất trong quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, bởi giá trị của nhãn hiệu chỉ được phát huy thông qua hành vi sử dụng nhãn hiệu. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Dân sự Pháp, việc góp vốn bằng quyền sử dụng thì bên góp vốn được ví như bên cho thuê và công ty nhận góp vốn được ví như bên thuê trong quan hệ cho thuê tài sản, bên góp vốn sẽ chỉ chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cho công ty nhận góp vốn để công ty sử dụng và khai thác nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của bên góp vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Khi thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu thì quyền sở hữu nhãn hiệu vẫn thuộc về bên góp vốn, do đó trong thời gian quyền sử dụng nhãn hiệu được góp vào công ty thì bên góp vốn vẫn có thể được sử dụng, thế chấp, để thừa kế, tặng cho nhãn hiệu. Thời hạn góp vốn phải phù hợp và không được vượt quá so với thời hạn đăng kí bảo hộ nhãn hiệu. Nếu thời hạn đăng kí bảo hộ nhãn hiệu đã hết thì việc góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu đó cũng phải chấm dứt, nếu chủ sở hữu nhãn hiệu đó đăng kí gia hạn thời hạn bảo hộ nhãn hiệu thì có thể dùng quyền sử dụng nhãn hiệu đó để tiếp tục góp vốn. Mặc dù pháp luật Việt Nam chưa cho phép thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu, song trên thực tế hoạt động góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu không phải là không diễn ra. Vào ngày 25 tháng 2 năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 2349/BTC-TCDN hướng dẫn thực hiện thí điểm về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu đối với tập đoàn Vinashin. Theo báo cáo của Vinashin thì số lượng công ty nhận góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu của Công ty mẹ Vinashin là 60, số lượng công ty nhận góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu của các công ty con Vinashin là 38. Tổng giá trị góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu của cả 98 công ty này là 1.926 tỉ đồng. Tương tự, việc góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu cũng diễn ra tại Tổng Công ty Sông Đà. Theo báo cáo kiểm toán năm 2007 của doanh nghiệp này thì khoản góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu “Sông Đà” tại công ty cổ phần Sông Đà 909 (S99) là 250 triệu đồng, tại công ty cổ phần Sông Đà 10 (SDT) là 4,93 tỷ đồng104. Thông qua những vụ việc trên chúng ta có thể nhận thấy nhu cầu được góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu đã hiện hữu trên thực tế và có thể có xu hướng gia tăng, bởi quyền sử dụng nhãn hiệu thực sự đã đưa lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp, trong khi đó pháp luật Việt Nam lại chưa có quy định cho phép thực hiện việc này, công văn số 2349 nêu trên của Bộ Tài Chính chỉ là một văn bản áp dụng pháp luật cá biệt, dưới luật và không còn phù hợp với quy định của Luật DN hiện hành.
2.2.2.3 Về việc kiểm soát chất lượng của sản phẩm đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 144 Luật SHTT, nội dung chính của hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải có các nội dung sau:
+ Các bên ký kết hợp đồng
+ Căn cứ chuyển quyền sử dụng
+ Dạng hợp đồng (dạng chuyển quyền sử dụng)
+ Phạm vi chuyển quyền sử dụng
+ Thời hạn chuyển quyền sử dụng
+ Giá chuyển quyền sử dụng và phương thức thanh toán
+ Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên
+ Chữ ký của người đại diện cho các bên
Theo đó, nội dung về việc kiểm soát chất lượng của sản phẩm đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu chưa được Luật SHTT ghi nhận là một trong những nội dung chính phải có của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, trong khi đây là một nội dung rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến uy tín của bên chuyển giao lẫn quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì Luật SHTT không xem đây là nội dung bắt buộc cần phải có trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu nên việc nội dung này có tồn tại trong hợp đồng này hay không là tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Lỗ hỏng pháp lý này mang đến sự bất lợi cho người tiêu dùng, đồng thời cũng có thể khiến cho bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu lơ là trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm (điều mà có thể khiến cho họ phải trả giá đắt).
Như chúng ta đã biết, chất lượng của sản phẩm là yếu tố quyết định để tạo nên niềm tin của người tiêu dùng, nhãn hiệu là yếu tố quan trọng giúp người tiêu dùng nhận biết và phân biệt các sản phẩm của các chủ thể tạo ra sản phẩm đồng thời cũng là công cụ để quảng bá sản phẩm. Nếu chất lượng của sản phẩm không tốt thì cho dù nhãn hiệu có được thiết kế bài bản, bắt mắt, dễ nhớ đến đâu cũng không chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, trước khi gắn nhãn hiệu lên sản phẩm, các nhà sản xuất chân chính luôn chú ý đến chất lượng của sản phẩm trước. Và lẽ dĩ nhiên, khi họ chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu của mình cho bên nhận chuyển giao để bên nhận chuyển giao gắn nhãn hiệu đó lên sản phẩm cùng loại mà bên nhận chuyển giao sản xuất ra thì họ phải có quyền kiểm soát chất lượng của sản phẩm đó. Theo đó, bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu có quyền yêu cầu bên nhận chuyển giao trong suốt quá trình sản xuất đến đóng gói bao bì, bảo quản sản phẩm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng giống như sản phẩm do chính bên chuyển giao sản xuất ra. Đồng thời, bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cũng có quyền kiểm tra bất cứ khi nào và bất cứ khâu nào trong quá trình bên nhận chuyển giao sản xuất ra sản phẩm để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, vì đây không phải là nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng nên các bên có quyền ghi nhận nội dung này vào hợp đồng hay không là quyền của họ. Từ đây, một vấn đề đặt ra là nếu như các bên không đưa điều khoản thỏa thuận về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu vào trong hợp đồng, khi bên nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu sản xuất ra sản phẩm có gắn nhãn hiệu được chuyển giao đó bị khuyết tật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng thì bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người tiêu dùng hay không? Nếu căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành thì trừ trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trong trường hợp này chỉ được đặt ra đối với tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa, còn bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu không phải chịu trách nhiệm gì105. Điều này đã vô tình giúp bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu rũ bỏ hết trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng trong khi người tiêu dùng vì tin tưởng vào nhãn hiệu của bên chuyển giao được gắn trên sản phẩm để mua và sử dụng. Nếu đứng trên lập trường của người tiêu dùng trong trường hợp này thì không khác gì niềm tin của người tiêu dùng đã bị phản bội. Nguy hiểm hơn, khi lợi nhuận thu được từ hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu trở nên hấp dẫn thì bên chuyển giao nhãn hiệu không ngại ký nhiều hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu không độc quyền cho nhiều bên nhận quyền khác nhau trong khi chất lượng sản phẩm không được bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu kiểm soát thì nguy cơ hàng hóa khuyết tật xâm hại đến người tiêu dùng lại càng gia tăng. Về vấn đề này, theo Luật Nhãn hiệu Trung Quốc thì “bất kỳ người sử dụng nhãn hiệu nào cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa mà nhãn hiệu đó được sử dụng”. Nói cách khác, cả chủ sở hữu nhãn hiệu và người được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải có nghĩa vụ đảm bảo chất lượng hàng hóa miễn là nhãn hiệu được sử dụng với hàng hóa đó. Bên cạnh đó, luật này cũng quy định, bên chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ giám sát chất lượng của hàng hóa khi bên nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó và bên nhận quyền sử dụng sẽ phải đảm bảo chất lượng của hàng hóa sử dụng nhãn hiệu đó.
2.2.2.4 Về việc thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu trong trường hợp bên chuyển quyền là doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản, giải thể Trong khi hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đang có hiệu lực pháp luật thì một nguyên tắc bắt buộc là quyền sở hữu nhãn hiệu vẫn phải đang thuộc về bên chuyển giao. Tuy nhiên, trên thực tế rất có khả năng trong quá trình thực hiện hợp đồng chuyển giao, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển giao bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản và bị tuyên bố phá sản. Mà theo quy định tại điểm c
khoản 1 Điều 95 Luật SHTT thì văn bằng bảo hộ chấm dứt hiệu lực khi “chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp”. Do đó, vấn đề đặt ra là số phận của hợp đồng chuyển giao đang còn thực hiện ở trên sẽ như thế nào khi doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển giao bị phá sản? Liệu bên nhận chuyển giao có được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu đó của bên chuyển giao không?... Tuy nhiên, hiện nay pháp luật về phá sản, giải thể doanh nghiệp, hợp tác xã lẫn pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước ta chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề này. Vì thế, bên nhận chuyển giao sẽ gặp khó khăn khi lâm vào tình huống oái ăm này.
Về vấn đề này, theo quy định tại Điều 101 của Luật Phá sản Đức, nếu bên chuyển quyền bị phá sản thì người quản lý của doanh nghiệp bị phá sản đó có quyền lựa chọn: tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc không. Đa phần họ chấp nhận tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng nếu như họ không bị khánh kiệt về tài sản do trả nợ. Điều này có nghĩa là bên nhận quyền gần như không có bất cứ sự bảo vệ nào cả nếu như người quản lý của bên chuyển quyền từ chối việc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với lý do bị phá sản. Các nhà lập pháp của Đức đã nhận thấy được điều này và họ đã nỗ lực 02 lần trong việc soạn thảo các quy định để điều chỉnh nhưng đều thất bại. Do đó, hiện nay ở Đức cũng không có giải pháp nào an toàn cho bên nhận quyền trong trường hợp này nếu như bên chuyển quyền chứng minh được họ bị phá sản.
2.2.2.5 Về vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu
Cũng giống như các hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại khác, trong quá trình thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, tranh chấp hợp đồng rất có thể sẽ xảy ra. Và việc giải quyết tranh chấp trong hợp đồng chuyển giao không phải là vấn đề đơn giản thậm chí là có phần phức tạp hơn so với các loại hợp đồng thông thường bởi đối tượng của loại hợp đồng này khá đặc biệt, là tài sản vô hình, khó xác định. Điều này đòi hỏi việc giải quyết tranh chấp phải chuyên nghiệp, cẩn trọng, chính xác. Thực tế cho thấy, khi xảy ra tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, các bên tranh chấp thường tìm đến luật sư tư vấn pháp lý, sau đó tiến hành thương lượng với nhau để giải quyết tranh chấp bởi phương thức thương lượng này ít tốn kém chi phí, các bên lại giữ được bí mật kinh doanh, giữ được hòa khí trong kinh doanh và tránh gặp phải những thủ tục pháp lý phức tạp khi tiến hành tố tụng tại trọng tài hoặc tòa án. Do đó trên thực tế, qua khảo cứu, chúng ta rất khó để tìm được một vụ tranh chấp nào được tòa án hoặc trọng tài thương mại giải quyết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu không xảy ra.
Theo bản án phúc thẩm số 02/2018/KDTM-PT ngày 26/01/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu và tuyên hủy thư bảo lãnh do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2017/KDTM-ST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo, đã đưa ra nhận định: Tranh chấp giữa Công ty P và Công ty V phát sinh từ “Hợp đồng thuê thương hiệu và vật dụng quán bar” số 10/HĐKT/2016 ngày 28/3/2016, theo đó Công ty P được sử dụng nhãn hiệu “SSL” và vật dụng quán Bar theo danh mục tài sản đính kèm. Nhãn hiệu “SSL” là đối tượng sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 63021, Công ty V nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu theo Quyết định số 1227/QĐ- SHTT ngày 22/3/2016. Do đó, “Hợp đồng thuê thương hiệu và vật dụng quán bar” về bản chất là hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009. Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Toà án nhân dân xác định tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (điểm m khoản 3 mục I phần A Thông tư) là tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Như vậy tranh chấp phát sinh giữa Công ty P và Công ty V về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là tranh chấp kinh doanh thương mại về sở hữu trí tuệ được quy định tại khoản 2 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo điểm a khoản 1 Điều 37 và điểm a khoản 3 Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự, tranh chấp nói trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Nguyên đơn khởi kiện tại Tòa án nơi thực hiện hợp đồng theo điểm g khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Do vậy Tòa án nhân dân quận Sơn Trà thụ lý giải quyết là không đúng thẩm quyền. Xét thấy việc thụ lý giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, do vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết theo thẩm quyền.
Qua việc giải quyết vụ án trên, chúng ta có thể nhận thấy công tác xét xử các tranh chấp này ở một số tòa án nước ta hiện nay còn có biểu hiện lúng túng, chưa đạt được hiệu quả cao, mà việc Tòa xác định sai thẩm quyền thụ lý giải quyết tranh chấp trong vụ án trên là một trong những minh chứng cụ thể.
2.2.2.6 Về vấn đề xác định quyền sở hữu đối với “giá trị vô hình” tăng lên của nhãn hiệu sau khi các bên chấm dứt hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu
Vấn đề này được đặt ra xuất phát từ thực tế tranh chấp xảy ra giữa các bên trong hợp đồng chuyển giao chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu. Công ty A chuyên kinh doanh các loại mè xửng tại một tỉnh miền Trung với nhãn hiệu TH (đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu). Trong quá trình hoạt động, công ty này có kí hợp đồng không độc quyền chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu TH cho công ty B có trụ sở đóng tại một tỉnh khác ở khu vực miền trung và kinh doanh cùng mặt hàng với công ty A. Tại thời điểm giao kết hợp đồng vào năm 2010, nhãn hiệu TH được tổ chức có chuyên môn cấp chứng thư định giá là 3 tỉ đồng. Sau quá trình hợp tác kinh doanh cùng nhau được 8 năm, hai bên thống nhất chấm dứt hợp đồng. Tại thời điểm chấm dứt hợp đồng, nhãn hiệu TH đã trở thành nhãn hiệu có danh tiếng trên thị trường cả nước, giá trị của nhãn hiệu TH được tổ chức có chuyên môn cấp chứng thư định giá là 14,5 tỉ đồng. Biết được điều này, công ty B yêu cầu công ty A phải trả cho mình 04 tỉ đồng với lý do: sở dĩ nhãn hiệu TH có được danh tiếng rộng lớn như vậy là nhờ trong suốt quá trình 8 năm sử dụng nhãn hiệu TH, công ty B đã luôn kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu TH một cách nghiêm túc, thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại như quảng cáo, khuyến mại, đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, từ đó góp phần đưa danh tiếng của nhãn hiệu TH vươn xa hơn, nhờ đó mà có được giá trị cao sau 08 năm. Khi xảy ra tranh chấp, các bên đều thuê luật sư tư vấn để giải quyết tranh chấp, song các luật sư đều cho rằng, Luật SHTT hiện hành chưa có quy định về việc “giá trị vô hình” tăng lên của nhãn hiệu sau khi các bên chấm dứt hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu sẽ thuộc về ai, điều đó gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp này, khiến thời gian giải quyết tranh chấp bị kéo dài.
2.2.2.7 Về việc áp dụng quy định không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền
Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, Luật SHTT đã có những quy định liên quan đến việc hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trên thực tế vẫn còn bất cập, hạn chế, điều này thể hiện thông qua một vụ tranh chấp điển hình như sau: Công ty C có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyên sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan gắn nhãn hiệu MTM đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2009. Năm 2019, công ty C kí hợp đồng chuyển giao không độc quyền chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu MTM cho công ty D kinh doanh cùng mặt hàng có trụ sở tại Gia Lai. Khi ký hợp đồng chuyển giao, do lo ngại về chất lượng sản phẩm cà phê hòa tan mà công ty D sản xuất có thể không đảm bảo như cà phê của mình sản xuất nên hai bên có thỏa thuận điều khoản kiểm soát chất lượng hàng hóa trong hợp đồng với nội dung: Bên chuyển giao có quyền yêu cầu bên nhận chuyển giao phải mua toàn bộ nguyên liệu sản xuất cà phê hòa tan tại công ty F (đối tác của công ty C, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh), đồng thời phải nhập linh kiện xay cà phê tại công ty M (đối tác của công ty C, có trụ sở tại Đức) nhằm bảo đảm chất lượng của cà phê. Tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng, công ty D phát hiện nguyên liệu và linh kiện mua của công ty F và công ty M có giá thành cao hơn 20% so với giá thị trường nên đã không đồng ý giao dịch với công ty F và công ty M, yêu cầu công ty C phải chỉ định các công ty khác có giá thành thấp hơn nhưng công ty C không đồng ý với lí do nếu mua của những công ti khác thì sản phẩm cà phê hòa tan làm ra không đảm bảo chất lượng như của công ty C sản xuất. Do đó, hai bên phát sinh mâu thuẫn và thuê luật sư tư vấn để các bên thương lượng giải quyết vụ việc, song sau nhiều lần thương lượng không thành công do công ty C cho rằng mình đưa ra yêu cầu đó là vì đảm bảo chất lượng hàng hóa nên đúng luật, còn công ty D thì cho rằng việc họ phải mua nguyên liệu và linh kiện theo chỉ định của công ty C là bất hợp lí, gây thiệt hại kinh tế cho công ty D.
Khi tìm hiểu tranh chấp trên, tác giả nhận thấy nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do pháp luật chưa đưa ra định nghĩa và tiêu chí để hiểu thế nào là “vì mục đích đảm bảo chất lượng” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 144 Luật SHTT
Theo: Nguyễn Thanh Tùng
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1IqZZc23icSQ_cCwJk_Pur563yqc9Fq2n/edit?rtpof=true