GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẠI VIỆT NAM
3.1 Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật Việt Nam về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thông qua hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu
Để hoạt động áp dụng pháp luật Việt Nam về chuyển chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu đạt hiệu quả, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, để có thể xây dựng được một văn bản hoàn chỉnh về phương pháp định giá nhãn hiệu để làm cơ sở cho việc xác định phí chuyển quyền sử dụng, cần thiết phải tập hợp và thống nhất lại các quy định nằm rải rác trong các văn bản quy phạm ban hành trước đây có liên quan đến vấn đề xác định giá quyền sở hữu trí tuệ nói chung và giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu nói riêng. Bên cạnh đó cũng cần phải có sự thống nhất giữa Bộ tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia về lĩnh vực định giá và sở hữu trí tuệ trong vấn đề xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về phương pháp định giá đối với nhãn hiệu nói riêng và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác trước khi ban hành văn bản quy phạm này, tránh sự chồng chéo về sau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những chính sách để xây dựng và phát triển đội ngũ các chuyên gia tư vấn về việc xác định, thẩm định, đánh giá về giá trị quyền sở hữu trí tuệ cũng như nhãn hiệu nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Hai là, về vấn đề giải quyết tranh chấp trong quan hệ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu: Thực tiễn cho thấy, một vụ việc về quyền sở hữu công nghiệp thường liên quan đến rất nhiều vấn đề như hành chính, kinh tế, dân sự và còn có thể là hình sự, đòi hỏi cần phải giải quyết vụ việc trong một tổng thể. Ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan…đều đã thành lập các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ để giải quyết mọi vấn đề liên quan trong cùng một vụ việc và rất có hiệu quả. Bởi lẽ, không ít các thẩm phán hiện nay đều chưa được trang bị kịp thời và đầy đủ các kiến thức liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ chứ chưa muốn nói là kiến thức chuyên sâu, do đó nếu thành lập tòa chuyên trách thì sẽ tăng độ chuyên nghiệp, tính chuyên sâu trong giải quyết. Do đó, trong thời gian đến, việc thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở nước ta là rất cần thiết. Ngoài ra, cần tăng cường giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu nói riêng và giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại, tranh chấp trong dân sự nói chung bằng phương thức tòa án trực tuyến, trọng tài trực tuyến, từ đó từng bước rút kinh nghiệm để xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh hai phương thức giải quyết tranh chấp này. Việt Nam hiện đang có những lợi thế để có thể từng bước áp dụng có hiệu quả phương thức tòa án trực tuyến, trọng tài trực tuyến trong giải quyết tranh chấp. Cụ thể: i) hạ tầng, thiết bị mạng viễn thông, dịch vụ internet đang rất được chú trọng đầu tư và phát triển vượt bậc; ii) các thiết bị như máy tính, điện thoại smartphone đang được người dân Việt Nam sử dụng khá phổ biến; iii) nhu cầu giảm tải các loại hồ sơ bằng giấy, việc giải quyết các loại giấy tờ trong thủ tục tố tụng ngày càng tăng cao; iv) pháp luật Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để mở đường cho việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trực tuyến như thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử (Luật GDĐT); thừa nhận chứng cứ có thể là dữ liệu điện tử (Điều 94, 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015); … v) sự quyết tâm cao độ của chính phủ trong việc xây dựng một Việt Nam số.
Ba là, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như giá trị to lớn của các tài sản sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng ý thức giữ gìn, phát triển nhãn hiệu Việt Nam, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật không nên chỉ dừng lại ở việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm mà nên thiết lập trang thông tin phát sóng theo khung giờ cố định trên Đài truyền hình Việt Nam và các đài địa phương, đài tiếng nói Việt Nam, các trang tin về sở hữu trí tuệ trên nền tảng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, ... Ngoài ra cần tổ chức các cuộc thi trực tiếp, trực tuyến tìm hiểu về pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu nói riêng. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Kế hoạch và Đầu tư, các trường đại học tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tổ chức các chương trình khởi nghiệp sáng tạo gắn với việc xây dựng và khai thác quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa thiết thực.
Bốn là, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động li – xăng nhãn hiệu để phát triển nhãn hiệu có hiệu quả từ khâu tư vấn đàm phán ký kết hợp đồng chuyển giao cho đến thủ tục đăng ký hợp đồng và cuối cùng là xây dựng chiến lược phát triển nhãn hiệu mang tính lâu dài.
Năm là, hiệp hội doanh nghiệp, sở KH&CN ở các địa phương cần xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về nhãn hiệu nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung cho cán bộ thuộc tổ chức mình để hình thành nguồn nhân lực có chuyên môn vững vàng về sở hữu trí tuệ để kịp thời tư vấn, hiến kế tháo gỡ những vấn đề phát sinh liên quan đến hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương nói chung
Sáu là, các cơ quan có thẩm quyền như Bộ KH&CN, Sở KH&CN, Công an, hải quan, quản lý thị trường,… cần phối kết hợp chặt chẽ trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung góp phần quan trọng trong việc xây dựng và giữ gìn môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và phát triển bền vững.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Trong chương 3, tác giả đã xây dựng được 04 phương hướng cơ bản gồm: Hoàn thiện pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ; Hoàn thiện pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu phải đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; Hoàn thiện pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu phải được đặt trong mối tương quan với các văn bản luật có liên quan; Hoàn thiện pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu phải có những quy định mang tính dự liệu, bắt kịp và đón đầu xu thế phát triển để áp dụng lâu dài. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất 02 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó có nhóm giải pháp về mặt pháp luật gồm 14 giải pháp cơ bản, gắn liền với việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều luật một cách cụ thể, đột phá, sáng tạo, khoa học, có tính khả thi cao về các vấn đề then chốt như chủ thể giao kết hợp đồng, đối tượng hợp đồng, hình thức hợp đồng, nội dung hợp đồng, đăng kí hợp đồng chuyển giao, kiểm soát chất lượng sản phẩm, quyền khởi kiện,.. Cụ thể: i) về chủ thể có thẩm quyền chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu theo hợp đồng thứ cấp, có thể sửa khoản 3 điều 142 Luật SHTT theo hướng tương tự như quy định pháp luật về nhãn hiệu của Hoa Kỳ, theo đó: “Người được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu độc quyền có thể được chuyển quyền sử dụng lại nhãn hiệu cho bên thứ ba nếu được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép; người được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không độc quyền không có quyền ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng lại nhãn hiệu đó cho bên thứ ba”; ii) về đối tượng của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu: Luật SHTT nên bổ sung thêm quy định khẳng định việc cho phép chuyển giao quyền sử dụng của nhiều nhãn hiệu trong cùng một hợp đồng li – xăng nhãn hiệu để tăng tính minh thị của luật, đồng thời tránh tình trạng phải kí nhiều hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng các nhãn hiệu khác nhau với cùng một bên. Ngoài ra, Luật SHTT cũng cần bổ sung thêm quy định: “Người được phép chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu của mình phải chuyển giao quyền sử dụng đúng nhãn hiệu mà mình sở hữu cho người nhận chuyển quyền. Nếu bên chuyển quyền đã đồng ý với người nhận chuyển quyền chỉ sử dụng một dấu hiệu chỉ có vẻ giống hệt hoặc tương tự một cách ngẫu nhiên thì không được gọi là li– xăng nhãn hiệu. Quy định này nhằm để giải quyết trường hợp bên có thẩm quyền chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu chỉ chuyển giao cho bên nhận chuyển giao một dấu hiệu chỉ có vẻ giống hệt hoặc tương tự một cách ngẫu nhiên với nhãn hiệu mà mình có quyền; iii) Luật SHTT cần bổ sung thêm một dạng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu nữa đó là Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu duy nhất (sole license); iv) về cách xây dựng quy định về nội dung hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: cần bỏ cụm từ “phải có” trong quy định tại Khoản 1 Điều 144 Luật SHTT của Việt Nam vì nó mang tính chất bắt buộc, điều này là chưa phù hợp với nguyên tắc căn bản của việc giao kết hợp đồng là nguyên tắc tự do thỏa thuận, tự nguyện giao kết và quyền tự định đoạt của các bên trong hợp đồng; v) về cách quy định về những nội dung không cho phép thỏa thuận trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: Nội dung này đã được quy định tại Khoản 2 Điều 144 Luật SHTT của Việt Nam theo hướng liệt kê, song qua nghiên cứu pháp luật Liên minh châu Âu, tác giả nhận thấy việc quy định của Luật SHTT theo hướng liệt kê sẽ không đầy đủ được các vấn đề cần điều chỉnh, do đó Luật SHTT nên thay đổi quy định này theo hướng quy định của Liên minh châu Âu đã được đề cập ở mục 2.1.4 để đảm bảo tính khoa học và toàn diện của vấn đề, bảo vệ tối ưu quyền lợi của bên nhận chuyển quyền, đồng thời kiểm soát được hành vi lạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu trong hợp đồng; vi) về đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu: cần bổ sung thêm quy định tại Điều 148 Luật SHTT theo hướng: Không phải tiến hành đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng hợp đồng đó vẫn có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba. Trong trường hợp, một hoặc các bên trong hợp đồng có nhu cầu đăng ký thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cho đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định của pháp luật; vii) cần sửa đổi khoản 2 Điều 142 Luật SHTT theo hướng “Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó trừ trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đồng ý chuyển giao nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích của tập thể đó”; viii) về quyền khởi kiện hành vi vi phạm quyền đối với nhãn hiệu của bên nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: Đối với bên nhận chuyển quyền trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu độc quyền: có quyền tự thực hiện biện pháp khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình phát sinh trong khuôn khổ của hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu sau khi đã thông báo cho chủ sở hữu nhãn hiệu. Đối với bên nhận chuyển quyền trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không độc quyền: chỉ được thực hiện biện pháp khởi kiện nếu như được chủ sở hữu nhãn hiệu đồng ý và điều đó phải được ghi nhận rõ trong hợp đồng. Đối với bên nhận chuyển quyền trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu theo hợp đồng thứ cấp: chỉ có quyền kiến nghị với bên chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cho mình mà không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu để xử lý hành vi vi phạm; ix) quy định về kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ của bên chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu đối với bên nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: theo tác giả, Luật SHTT cần quy định vấn đề này theo hướng bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu bắt buộc phải có trách nhiệm kiểm tra chất lượng của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu của bên nhận để đảm bảo hàng hóa được sản xuất, dịch vụ được cung cấp có chất lượng như hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ mình cung cấp, bên nhận chuyển quyền sử dụng phải có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho bên chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tiến hành kiểm tra; x) cần hoàn thiện văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp định giá nhãn hiệu để có cơ sở tính phí chuyển quyền sử dụng một cách hợp lý. Trong đó cố gắng xây dựng các phương thức định giá mang tính đặc thù của nhãn hiệu và chỉ rõ: “Các bên có quyền thỏa để thống nhất ấn định giá trị của nhãn hiệu cũng như phí chuyển quyền sử dụng. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được hoặc việc thỏa thuận bị cơ quan có thẩm quyền chứng minh được có dấu hiệu cố ý nhằm hạ thấp phí chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu để giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế thì sẽ áp dụng theo phương pháp định giá do pháp luật quy định”; xi) về việc thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu trong trường hợp bên chuyển giao quyền là doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản, giải thể: Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Luật SHTT cần thống nhất cho phép bên nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu sau khi bên doanh nghiệp chuyển giao bị phá sản, giải thể nếu hợp đồng đó đang còn thời hạn thực hiện. Điều kiện là bên nhận chuyển giao sẽ phải thanh toán đầy đủ các khoản phí quy định trong hợp đồng li – xăng nhãn hiệu cho bên chuyển giao nếu điều này là có lợi cho doanh nghiệp bị phá sản, giải thể. Các khoản phí này cũng được gộp vào tài sản phá sản, tài sản giải thể của bên doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản, giải thể để thanh toán cho các chủ nợ. Điều này góp phần tối đa hóa giá trị của tài sản phá sản và lợi ích của bên nhận chuyển giao; xii) về quyền sở hữu đối với “giá trị tăng lên vô hình” của nhãn hiệu sau khi các bên chấm dứt hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: Luật SHTT cần bổ sung thêm quy định theo hướng: sau khi chấm dứt hợp đồng, quyền sở hữu nhãn hiệu đó vẫn thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu, do đó những giá trị vô hình gia tăng của nhãn hiệu cũng phải thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu; xiii) cần bổ sung quy định để định nghĩa và xây dựng các dấu hiệu để nhận biết thế nào là “vì mục đích đảm bảo chất lượng” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 144 Luật SHTT, tránh việc bên chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu có hành vi tùy tiện, lạm dụng quy định mập mờ này để gây phương hại đến quyền và lợi ích chính đáng của bên nhận chuyển quyền.
Đồng thời tác giả cũng đề xuất 06 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam, gồm vấn đề xây dựng phương pháp định giá nhãn hiệu; vấn đề giải quyết tranh chấp, công tác truyền thông pháp luật về sở hữu trí tuệ; công tác đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến li - xăng nhãn hiệu nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung.
Theo: Nguyễn Thanh Tùng
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1IqZZc23icSQ_cCwJk_Pur563yqc9Fq2n/edit