KINH NGHIỆM MỘT SỐ NƯỚC VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ TĂNG CƯỜNG ÁP DỤNG HÒA GIẢI TRỰC TUYẾN TẠI VIỆT NAM.
4.1. Tìm hiểu kinh nghiệm một số nước và bài học cho Việt Nam
4.1.1. Ấn Độ
Ở Ấn Độ, nơi các tòa án bị quá tải và tồn đọng các vụ kiện, các cơ chế GQTC rườm rà, tốn thời gian, đòi hỏi sự hiện diện của các bên liên quan và không đồng bộ với các nền tảng trực tuyến hiện đại đã tạo các tranh luận sôi nổi về GQTC trực tuyến. Chính phủ Ấn Độ đã lưu ý về điều này và lên kế hoạch phát triển một nền tảng GQTC trực tuyến theo xu hướng hướng phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu. Khi hệ thống HGTT ở Ấn Độ được đi vào hoạt động trên quy mô lớn, phù hợp và có thể đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, nền tảng trực tuyến sẽ góp phần làm tăng tốc độ GQTC. Do đó, Ấn Độ xác định HGTTlà một bước đi hợp lý và tự nhiên nhằm tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng các tranh chấp trong bối cảnh thương mại trong nước và quốc tế đang thúc đẩy cạnh tranh như hiện nay [106].
4.1.1.1. Cơ sở pháp lý để phát triển hòa giải trực tuyến ở Ấn Độ
HGTT không được qui định một cách trực tiếp trong hệ thống pháp luật của Ấn Độ. Tuy nhiên dựa trên nền tảng pháp lý có sẵn ở Ấn Độ, HGTT được thừa nhận một cách hợp pháp dựa trên các cơ sở pháp lý sau:
- Hợp đồng điện tử được thừa nhận hợp pháp tạo nền tảng phát triển cho các giao dịch trực tuyến: Pháp luật hợp đồng tại Ấn Độ được thiết lập từ những năm 1872 khi dựa trên các nguyên tắc chung của Luật Anh Quốc, theo đó Luật hợp đồng 1872 không loại trừ hợp đồng điện tử nhưng cũng không đề cập đến loại hợp đồng này. Chỉ khi Luật Công nghệ Thông tin năm 2000, được áp dụng cho toàn Ấn Độ, mới qui định cụ thể về loại hợp đồng này. Điều 10A Luật Công Nghệ thông tin 2000: Trong trường hợp hình thành hợp đồng, việc truyền đạt các đề xuất, chấp nhận các đề xuất, hủy bỏ các đề xuất và chấp nhận, như trường hợp có thể, được thể hiện dưới dạng điện tử hoặc bằng hồ sơ điện tử, hợp đồng đó sẽ không được coi là không thể thực hiện được chỉ vì hình thức hoặc phương tiện điện tử như vậy đã được sử dụng cho mục đích đó. Thông qua khái niệm này có thể thấy cách tiếp cận của Ấn Độ là khá tương đồng với qui định của UNCITRAL về thương mại điện tử năm 1996. Có được sự thay đổi này là Ấn Độ sớm nhận ra sự phụ thuộc ngày càng gia tăng vào các
phương tiện điện tử để đạt được các thỏa thuận thương mại. Bên cạnh đó, tại Chương 4 của Luật Công nghệ thông tin năm 2000 đã quy định tài liệu bằng văn bản bao gồm bất kỳ thông tin, vấn đề, tài liệu nào có sẵn ở dạng điện tử và có thể truy cập được bởi các bên đã giúp cho quá trình đàm phán giao kết hợp đồng thông qua phương tiện điện tử được chấp nhận. Tính hợp pháp của hồ sơ điện tử được công nhận như sau: "Trong trường hợp bất kỳ mà luật quy định rằng thông tin hoặc bất kỳ vấn đề nào khác được viết thành văn bản hoặc ở dạng đánh máy hoặc in, thì sau đó, với bất kể mọi nội dung trong luật, hồ sơ điện tử đó sẽ được coi là hợp pháp nếu thông tin trong đó (a) được hiển thị hoặc có sẵn ở dạng điện tử; và (b) có thể truy cập nhằm sử dụng để tham khảo tiếp theo.
- Chữ ký điện tử được thừa nhận: cùng với hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử cũng được qui định trong Chương 5 của Luật Công nghệ Thông tin năm 2000 (Chương 5 quy định về Công nhận tính hợp pháp chữ ký điện tử như sau: " Khi bất cứ luật nào yêu cầu thông tin hoặc vấn đề nào khác phải được xác thực bằng cách gắn chữ ký hoặc bất kỳ tài liệu nào sẽ được ký hoặc mang chữ ký của ai, kể cả trong trường hợp khi mà yêu cầu sẽ được coi là đã được thỏa mãn, nếu thông tin hoặc vấn đề đó được xác thực bằng chữ ký số được dán theo quy định bởi Chính phủ Trung ương."), có hiệu lực pháp lý tương tự như chữ ký giấy. Theo Luật này thì có 02 loại chữ ký điện tử được thừa nhận ở Ấn Độ, đó là chữ ký điện tử kết hợp với hệ thống Aadhaar (Aadhaar là một hệ thống định danh cá nhân bằng sinh trắc học ở Ấn Độ. Chương trình Aadhaar được đưa vào hoạt động từ những năm 2010, liên kết với chính quyền tất cả các bang và nhiều đối tác khác ở Ấn Độ. Aadhaar gần đây đã gần như trở thành một công cụ bắt buộc từ mọi hướng ở Ấn Độ) và dịch vụ eKYC (Electronics Know Your Customer - Người dùng có ID Aadhaar, số nhận dạng duy nhất do chính phủ Ấn Độ cấp cho tất cả cư dân Ấn Độ, được sử dụng dịch vụ chữ ký điện tử trực tuyến để ký tài liệu trực tuyến một cách an toàn. Trong trường hợp này, dịch vụ chữ ký điện tử trực tuyến tích hợp với Nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng để cung cấp cho người dùng giao diện ứng dụng di động hoặc web mà họ có thể tương tác) kết hợp với Chữ ký số được tạo bởi hàm băm và hệ thống mã hóa bất đối xứng. Một "hệ thống mật mã bất đối xứng" đề cập đến một cặp khóa an toàn: khóa riêng và khóa chung. Cả hai đều là duy nhất cho mỗi người dùng và có thể được tận dụng để xác minh và tạo chữ ký điện tử. Trong trường hợp này, người dùng có được chữ ký điện tử từ Cơ quan chứng nhận (CA) có uy tín dưới dạng chứng chỉ kỹ thuật số. Với việc thừa nhận chữ ký điện tử sẽ giúp cho việc xác thực trong các giao dịch trực tuyến, từ đó thúc đẩy sự phát triển của HGTT.
- Giá trị chứng cứ của hồ sơ điện tử được thừa nhận tại Ấn Độ: Các tòa án ở Ấn Độ đã phát triển các án lệ và thể hiện sự thay đổi nhận thức về bằng chứng điện tử thông qua việc công nhận các tài liệu điện tử. Trước khi có Luật Công nghệ Thông tin 2000 thì để được chấp nhận bằng chứng kỹ thuật số, tòa phải xác định mức độ liên quan, tính xác thực của loại bằng chứng này xem thực tế có phải là bản sao được ưu tiên so với bản gốc hay không, điều này cũng gây cản trở cho việc sử dụng bằng chứng điện tử. Nhận thấy rằng bằng chứng điện tử có xu hướng được sử dụng gia tăng [163], Ấn Độ đã tiến hành sửa đổi các qui định về bằng chứng trong Luật Chứng cứ 1872. Định nghĩa về bằng chứng được đưa ra trong Phần 3 của Luật Chứng cứ Ấn Độ 1872 bao gồm bằng chứng của nhân chứng tức là bằng chứng bằng miệng và bằng chứng tài liệu bao gồm hồ sơ điện tử được tạo ra để kiểm tra tòa án. Theo Mục 65-B của Luật Chứng cứ 1872, bất kỳ thông tin nào có trong hồ sơ điện tử được tạo ra bởi máy tính ở dạng in, lưu trữ hoặc sao chép sẽ được xem là một tài liệu và có thể được chấp nhận làm bằng chứng trong bất kỳ vụ kiện nào mà không cần tiếp tục bằng chứng của bản gốc. Để có sự chấp nhận này thì cần tuân thủ theo các điều kiện: tài liệu hoặc e-mail được tạo ra từ máy tính, phải được sử dụng thường xuyên bởi một người có quyền kiểm soát hợp pháp đối với hệ thống tại thời điểm tạo ra nó; tài liệu hoặc e-mail được lưu giữ hoặc nhận trong quá trình hoạt động thông thường; thông tin được đưa vào hệ thống một cách thường xuyên; máy tính đầu ra ở trong một điều kiện hoạt động thích hợp và không ảnh hưởng đến độ chính xác của dữ liệu được nhập; bản sao là bản sao của hồ sơ điện tử gốc [162]. Với việc qui định cụ thể về chứng cứ điện tử sẽ tạo thuận lợi cho quá trình GQTC trực tuyến phát triển ở Ấn Độ.
- Pháp luật về hòa giải là nền tảng để cho HGTT có thể phát triển ở Ấn Độ: Hòa giải không được xem là phương thức GQTC thương mại chủ đạo ở Ấn Độ nếu so sánh với tòa án và trọng tài. Cụ thể, tranh chấp thương mại chỉ chiếm một phần trong các phiên hòa giải được thực hiện bởi các tổ chức hiện có, trong đó chủ yếu là hòa giải tranh chấp gia đình, hôn nhân và tài sản. Chính vì vậy, Hòa giải thương mại ở Ấn Độ dù đã được ban hành vào năm 1996 khi quốc hội Ấn Độ sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự (CPC) và đưa ra mục 89, cho phép các tòa án GQTC trực tiếp bằng hòa giải nhưng cũng không hiệu quả bằng tòa án. Thậm chí năm 2004 Ấn độ đã ban hành Các Quy tắc Hòa giải nhưng qui tắc này không bao quát đầy đủ quy trình hòa giải. Hơn nữa, các quy tắc này đã được soạn thảo một cách qua loa vì chúng dường như ít nhiều được dỡ bỏ khỏi Luật Trọng tài và Hòa giải năm 1996, điều này tạo ra sự thiếu tự tin và không chắc chắn cho quy trình hòa giải ở Ấn Độ. Cho rằng các tranh chấp thương mại chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các tranh chấp liên quan đến các bên Ấn Độ, các cải cách lập pháp, thể chế với thái độ khẩn cấp được yêu cầu để thúc đẩy hòa giải thương mại [154]. Ấn Độ đã cụ thể hóa chủ trương này khi gần đây đã có sự gia tăng về sự công nhận của Hòa giải, bằng chứng là cơ quan lập pháp của Ấn Độ đã đưa nội dung hòa giải vào Luật Công ty năm 2013, Luật Phá sản năm 2016, cũng như Luật Tòa án Thương mại năm 2015, cùng với các luật khác. Mặc dù các đạo luật khác nhau đã trao cho các bên quyền tự chủ để GQTC của họ thông qua hòa giải và tồn tại các biện pháp tham gia phiên tòa cũng như tư nhân trong hòa giải, vẫn có sự khan hiếm hướng dẫn thủ tục rõ ràng về khía cạnh này, do đó việc ban hành Luật Tòa án Thương mại 2015 và được sửa đổi 2018 theo đề nghị của Tòa án tối cao thực sự là một đề xuất đầy hứa hẹn cho hoạt động hòa giải ở Ấn Độ, khi mà phần 12A của Luật này quy định bắt buộc tổ chức hòa giải trước khi khởi kiện theo các Quy tắc của Toà án Thương mại. Thực tiễn cho thấy Tòa án Ấn Độ thường xuyên thuyết phục luật sư và khách hàng lựa chọn hòa giải, với sự khéo léo của mình tòa án chỉ ra rằng việc bắt buộc các bên tham gia phiên hòa giải không làm phương hại đến 'sự tự nguyện' của hòa giải vì mức độ tham gia và kết quả hòa giải hoàn toàn thuộc về ý chí tự do của các bên [167].
- Các qui tắc hòa giải được áp dụng trong tranh chấp vể công ty và tiêu chuẩn của hòa giải viên được qui định cụ thể: Bộ Công ty (Ministry of corporate Affairs) đã sửa đổi và ban hành Quy tắc của các công ty có hiệu lực vào 9/9/ 2016, theo đó, Chính phủ phải duy trì một hội đồng chuyên gia được gọi là Hội đồng hòa giải để hòa giải giữa các bên trong thời hạn của bất kỳ thủ tục tố tụng nào theo Đạo luật công ty. Bên cạnh đó Quy tắc này qui định một số người đã có chức danh liên quan đến tư pháp như thẩm phán hoặc thực hành pháp lý … sẽ được xem là đủ trình độ để làm hòa giải viên, nếu không thì phải trải qua một quá trình đào tạo về hòa giải. Qui tắc này cũng qui định những trường hợp không được thi tuyển thành hòa giải viên cũng như qui định trong quá trình hòa giải không được ghi âm và ghi hình, đây có thể sẽ là vấn đề mà các nhà cung cấp dịch vụ HGTT ở Ấn Độ cần phải giải quyết [153].
- Chủ động tham gia vào Công ước hòa giải Singapore: Năm 2019, Ấn Độ là một trong 46 quốc gia đầu tiên ký kết Công ước Liên hợp quốc về các Hiệp định hòa giải quốc tế, thường được gọi là 'Công ước hòa giải Singapore' (Singapore Mediation Convention). Các quốc gia ký kết cam kết tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại và thương mại quốc tế bằng cách thiết lập các hệ thống hiệu quả để giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới. Đây sẽ là tiền đề tạo thuận lợi cho việc công nhận các quyết định HGTT xuyên biên giới.
4.1.1.2. Các nền tảng áp dụng hòa giải trực tuyến để giải quyết tranh chấp trực tuyến
Bắt đầu với việc GQTC qua email, Ấn Độ đang ở trong quá trình ươm tạo các nền tảng GQTC trực tuyến. GQTC trực tuyến ở Ấn Độ tuy còn ở giai đoạn sơ khai nhưng ngày càng có nhiều dấu ấn.
- Nhà nước khuyến khích phát triển các trung tâm hòa giải và trọng tài trực tuyến nhằm giảm tải công việc cho tòa án: với gần 30 triệu vụ việc vẫn đang được treo tại các hệ thống tòa án của Ấn Độ trong đó có 46% vụ việc có liên quan đến các cơ quan nhà nước, vì vậy Bộ tư pháp đã khuyến khích các cơ quan này sử dụng các phương pháp GQTC được thay thế, trực tuyến. Bộ tư pháp đã cung cấp danh sách của các trung tâm trọng tài, hòa giải trên website của mình để tạo niềm tin và hướng dẫn cho các bên có nhu cầu sử dụng các dịch vụ này [146].
- Nhiều trung tâm HGTT tư nhân được thành lập: nắm bắt xu thế phát triển của thương mại điện tử cũng như tiềm ẩn của các tranh chấp có thể xảy ra, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Nhà nước về các phương thức GQTC trực tuyến, nhiều doanh nhân ở Ấn Độ đã tham gia vào lĩnh vực này. Trung tâm Cadre (Center for Alternative Dispute Resolution Excellent) đã cung cấp dịch vụ GQTC trực tuyến thông quá nền tảng dựa trên website. Dù hiện tại số lượng vụ việc sử dụng nền tảng này khoảng 30 trường hợp nhưng các nhà sáng lập vẫn hy vọng con số này sẽ tăng lên [161]. Sau khi mua lại công ty ODR Modria thì Tyler Technologies vào năm 2019 đã ra mắt giải pháp công nghệ CREK ODR, là hệ thống GQTC trực tuyến tinh vi nhất từng được xây dựng ở Ấn Độ, có thể được truy cập bởi các khách hàng ở bất cứ đâu trên thế giới [142]. Những người sáng lập của CREK đã dẫn đầu việc mở rộng ODR trên toàn thế
giới, xây dựng các hệ thống ODR tiên tiến như ODRWorld.com, ODRIndia.com và Modria.com, cũng như dẫn đầu thiết kế ODR cho các thị trường toàn cầu như eBay và PayPal. Sama được thành lập năm 2015, một công ty khởi nghiệp, có thể giúp giải quyết nhiều loại tranh chấp với quy mô khác nhau ở hầu hết mọi nơi [142]. Mục tiêu của Sama là GQTC với các giải pháp thực tế mà không phải trả quá nhiều chi phí hay gặp rắc rối với tòa án và tốn nhiều thời gian. Sama đang giúp giải quyết gần 10.000 tranh chấp với giá trị lên tới 20 Rs sau khi thắng kiện [142].
- Thành lập các trung trâm HGTT trực thuộc quốc gia: Năm 2015-2018 Bộ nội Vụ và Chính phủ Ấn Độ đã thành lập (tạm dịch là Trung tâm Hòa giải Người tiêu dùng trực tuyến (Online Consumer Mediation Centre (OCMC) thuộc Đại học Luật quốc gia Ấn Độ được công nhận bởi Bộ Luật và Tư pháp Ấn Độ. OCMC cung cấp một nền tảng hoà giải trực tuyến với khả năng tiếp cận dễ dàng, tính bảo mật cao, trung lập và toàn vẹn [150].
4.1.1.3. Thách thức cho sự phát triển hòa giải trực tuyến ở Ấn Độ
- Ấn Độ đang thúc đẩy sử dụng hoà giải trực tuyến để giải quyết các vụ tranh chấp, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử và ngân hàng. Vấn đề này trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch bệnh COVID-19 đang lan ra khắp thế giới với mức độ nguy hiểm đáng báo động. Mọi hoạt động trao đổi, làm việc, học tập và cả các vụ GQTC đều bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức trực tuyến. Ấn Độ đã có được một số các nền tảng khá ổn định và thành công nhằm giải quyết nhu cầu trên. Bên cạnh những triển vọng phát triển kể trên, phương thức HGTT ở Ấn Độ cũng phải đối mặt với một số thách thức nhất định.
- Số lượng người dùng Internet và dân trí thấp ở Ấn Độ sẽ là rào cản cho sự phát triển của HGTT: khoảng 550 triệu dân số được tiếp với internet vào năm 2020 [171]. Với một quốc gia tỉ dân như Ấn Độ thì con số 42% còn chưa cao. Đồng thời, với chỉ 74,4% dân số biết chữ vào năm 2018 so với tỉ lệ trung bình của thế giới là 86%, trong đó là nam và thiếu nhận thức về HGTT cũng là một thách thức lớn, dẫn đến sự thiếu tin tưởng của người dân về phương thức hòa giải này.
- HGTT cũng làm dấy lên một số vấn đề về bảo mật. Trong khi hòa giải truyền thống tạo ra hồ sơ vật lý thì HGTT lại tạo ra hồ sơ điện tử. Điều này có khả năng dẫn đến việc bị tin tặc xâm nhập trong quá trình hòa giải, do đó sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tính trung thực của môi trường mạng. Trên thực tế, Ấn Độ đang phải đối mặt về tính bảo mật của chương trình Aadhaar, sau khi báo cáo của ZDNet đưa tin rằng một lỗi rò rỉ hệ thống tại một công ty do Nhà Nước điều hành có thể cho phép các hacker đột nhập và đánh cắp thông tin cá nhân của mọi người đăng ký Aadhaar tại Ấn Độ. Báo cáo này cũng đưa ra rằng việc rò rỉ dữ liệu có thể khiến cho mọi công dân đăng ký Aadhaar sẽ bị lộ thông tin cá nhân [122].
- Hòa giải chưa thực sự trở thành phương pháp được ưa chuộng trong GQTC thương mại: Hòa giải vẫn được sử dụng chủ yếu cho các tranh chấp gia đình, với hơn 70% các vụ việc hôn nhân được giải quyết mặc dù lĩnh vực này không bắt buộc hòa giải, trong khi đó những vụ tranh chấp thương mại phức tạp và có giá trị lớn chưa phổ biến [167]. Thương nhân Ấn Độ dường như có một chút miễn cưỡng trong việc chấp nhận bản chất đồng thuận của các quy trình hòa giải [149]. Ngoài ra, việc không thể có các cuộc đối thoại trực tiếp giữa tất cả các bên trong quá trình GQTC trực tuyến cũng là một vấn đề lớn khi thiếu đi những mối quan hệ được thiết lập hoặc sự kết nối giữa các cá nhân sẽ không phù hợp với văn hóa GQTC ở Ấn Độ [106].
- Cơ quan lập pháp vẫn chưa thực sự hiểu về hòa giải: dù ban hành các qui tắc về hòa giải trong Luật công ty, nhưng vẫn thấy được sự nhầm lẫn của nhà làm luật về phương thức và phong cách hòa giải với trọng tài. Theo Quy tắc của công ty 2016, trong số chín tiêu chí đủ điều kiện trở thành hòa giải viên, tám tiêu chí đầu tiên không yêu cầu đào tạo chính thức về hòa giải. Nhà làm luật cần phải nhận biết hòa giải là một khoa học và một nghệ thuật và các hòa giải viên được đào tạo sẽ biết rằng đó là một nghề có tay nghề cao. Sẽ tốt hơn nếu các nhà làm luật hiểu về khoa học hòa giải và xác định tiêu chuẩn hòa giải viên dựa trên chất lượng, kỹ năng và hiệu quả thay vì thành lập một hội đồng gồm các cán bộ Tư pháp và Tư pháp đã nghỉ hưu, đã được đào tạo về xét xử đối nghịch chứ không phải trên giải pháp hòa giải thuận lợi [178].
4.1.1.4. Một số kinh nghiệm rút ra từ việc xây dựng và phát triển hòa giải trực tuyến ở Ấn Độ.
Từ những phân tích, nhận định về HGTT, thực tiễn áp dụng HGTT ở Ấn Độ, chúng ta có thể rút ra một số đề bài học kinh nghiệm như sau.
Thứ nhất, để HGTT được củng cố và phát triển, trước hết cần phải kết xây dựng đồng bộ hành lang pháp lý. Ấn Độ đã nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật nhằm bổ trợ cho HGTT được phát triển, một trong những văn bản quan trọng liên quan đến chứng cứ điện tử, chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử.
Thứ hai, Chính phủ cần phải đưa ra các chủ trương cụ thể khuyến khích HGTT phát triển. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách phát triển của Chính phủ thì mới thúc đẩy sự tham gia của lực lượng tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Trong đó tăng cường viện trợ tài chính cho các dự án về HGTT, hỗ trợ nâng cao cơ sở hạ tầng hành chính và kĩ thuật là rất cần thiết để thiết lập HGTT
Thứ ba, chú trọng vào vấn đề bảo mật và quyền riêng tư trong quá trình sử dụng HGTT. Ấn Độ đã thành công trong việc sử dụng hệ thống định danh cá nhân bằng sinh trắc học Aadhaar, đã tạo thuận lợi cho các giao dịch trực tuyến, bao gồm cả quá trình GQTC, đây là một chương trình có thể học hỏi kinh nghiệm để phát triển nhằm tọa thuận lợi cho HGTT. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng gặp phải khó khăn khi vấn đề bảo mật và quyền riêng tư bị xâm phạm.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của cơ quan soạn thảo luật về hòa giải nói chung và HGTT nói riêng. Quá trình phát triển của các qui định hòa giải ở Ấn Độ cho thấy Hòa giải không được chú trọng phát triển, vì vậy việc nghiên cứu và hiểu về hòa giải chưa thực sự được các nhà soạn thảo quan tâm. Vì vậy để hiểu rõ được bản chất và những đặc điểm của phương thức này, các nhà làm luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh sự trùng lắp hòa giải với các phương thức khác.
Thứ năm, chủ động tham gia các công ước quốc tế về Hòa giải. với việc Ấn Độ chủ động tham gia công ước hòa giải Singapore cho thấy họ đã thể hiện quyết tâm phát triển hòa giải cũng như tạo tiền đề quan trọng cho HGTT phát triển.
Thứ sáu, tiếp tục gia tăng tỉ lệ người sử dụng internet và phổ biến về phương thức HGTT đến người sử dụng. Việt Nam có thuận lợi hơn ở Ấn Độ khi tỉ lệ người sử dụng internet là 70% (VNETWORK, 2020) cao hơn rất nhiều so với Ấn Độ, do đó Chính phủ cũng như các công ty tư nhân cần thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu phương thức này cho người sử dụng trong và ngoài nước. Điều này không chỉ giảm gánh nặng tư pháp cho các quốc gia mà còn là chìa khóa tạo sự thuận lợi cho việc duy trì và phát triển các mối quan hệ quốc tế.
4.1.2. Liên minh Châu âu
Số lượng người dùng internet ngày càng tăng ở Liên minh châu Âu (EU), với hơn một nửa dân số sử dụng mạng internet thường xuyên, đã tạo nên những ảnh hưởng đến sự phát triển của mô hình TMĐT từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại rào cản liên quan đến việc giải quyết khiếu nại trong các hoạt động TMĐT khi chưa có các biện pháp GQTC hiệu quả liên quan đến lĩnh vực này khi mà các mặt hàng hay đối tượng của khiếu nại trong TMĐT thường có giá trị nhỏ rất khó để giải quyết tại tòa án hay trọng tài vì chi phí GQTC thường lớn hơn hoặc thủ tục phức tạp. Chính vì vậy, các biện pháp GQTC trực tuyến lần lượt ra đời ở EU nhằm đáp ứng các điều kiện phát triển cho TMĐT
4.1.2.1. Cách xây dựng và triển khai hòa giải trực tuyến của Liên minh Châu âu
Với việc 57% người tiêu dùng sử dụng mua sắm trực tuyến và có tới 21% trong đó có vấn đề khi mua sắm trực tuyến trong đó chủ yếu các khiếu nại liên quan đến quần áo, giày dép, vé may bay và hàng công nghệ [186], nhưng có đến 78% người tiêu dùng ở EU đã không thực hiện bất kỳ hành động gì vì cho rằng sẽ mất nhiều chi phí, thời gian và phức tạp [74]. Điều này đã đòi hỏi Châu âu phải xây dựng những phương thức GQTC phù hợp, trong đó có HGTT.
- Xây dựng các qui định pháp lý của HGTT dựa trên nên tảng của hòa giải truyền thống: Chỉ thị hòa giải 2008/52/EC về một số khía cạnh hòa giải về dân sự và thương mại của Nghị viện và Hội đồng Châu âu là tiền đề cho EU triển khai HGTT. Áp dụng trong hòa giải dân sự và thương mại, nơi các bên ở tại các quốc gia thành viên khác nhau, ngoại trừ Đan Mạch (Chỉ thị hòa giải, Điều 1). Chỉ thị này bao gồm hòa giải người tiêu dung [70], đảm bảo rằng HGTT có thể được thực hiện, và văn kiện số 9 của Chỉ thị khẳng định rằng "Chỉ thị này không ngăn cản việc sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại trong quá trình hòa giải”. Chỉ thị cho phép các bên hòa giải đạt được một thỏa thuận giống như phán quyết của Tòa. Theo đó, các thỏa thuận đó sẽ được công nhận và thi hành trong EU theo các điều kiện giống nhau như phán quyết của tòa án và trọng tài. Điều này sẽ giúp cho các thỏa thuận trực tuyến sẽ được đối xử như nhau. Hơn nữa, Chỉ thị còn yêu cầu các quốc gia thành viên “đảm bảo rằng các bên chọn hòa giải không bị ngăn cản khi chọn toà án hoặc trọng tài liên quan đến tranh chấp đó khi quá trình hòa giải hết hạn” (Điều 8). Chỉ thị này là cơ sở quan trọng, nền tảng để xây dựng niềm tin cho người dân EU đối với phương pháp GQTC hòa giải nói chung và hòa giải bằng trực tuyến nói riêng.
- Ban hành qui định cụ thể về HGTT: Sau thời gian triển khai chỉ thị hòa giải năm 2008 đồng thời ban hành các qui định về bảo vệ người tiêu dùng (Directive
2009/22/EC of the European Parliament and of the Council of 23 April 2009 on injunctions for the protection of consumers' interests), đến năm 2013 EU đã ban hành qui định trực tiếp về GQTC trực tuyến cho người tiêu dùng khi tham gia TMĐT, Qui định số 524/2013, đồng thời kết hợp ban hành Chỉ thị số 2013/11 về phương thức GQTC ngoài tòa án (ADR) [97]. Việc ban hành hai văn bản này cho thấy sự nắm bắt xu thế kịp thời của EU để giải quyết những tranh chấp TMĐT cho người tiêu dùng khi thực tiễn cho thấy người tiêu dùng ngày càng thực hiện giao dịch trực tuyến và số lượng thương nhân tham gia vào TMĐT cũng gia tăng. EU nhận định người tiêu dùng và thương nhân cần phải cảm thấy tự tin khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, vì vậy việc phá bỏ các rào cản hiện có và tăng cường niềm tin là điều cần thiết. Việc thiết lập cơ chế GQTC trực tuyến đáng tin cậy và hiệu quả có thể giúp đạt được mục tiêu này [137]. Quy định này cũng cho phép thương nhân kiện lại người tiêu dùng tuy nhiên qui định này lại không được áp dụng để GQTC ngoại tuyến.
- Triển khai HGTT dựa trên nền tảng ODR: Dựa trên Qui định số 524/2013, Châu âu đã xây dựng nền tảng ODR vào thực tiễn với mục đích tạo ra một sân chơi bình đẳng, nền tảng này áp dụng cho cả giao dịch xuyên biên giới và giao dịch trực tuyến trong nước [172] với thời gian GQTC không quá 90 ngày [98]. Sự tham gia vào một tiến trình ODR diễn ra trên cơ sở tự nguyện và có 4 bên tham gia đó là: người tiêu dùng, thương nhân; một cơ quan được thông báo để GQTC được lựa chọn (ADR) và điểm tiếp xúc ODR. Trên thực tế, nền tảng ODR không chỉ thông báo về các phương thức ODR mà còn về các hình thức giải quyết khác, như thủ tục khiếu nại với qui mô nhỏ, thủ tục tòa án và chỉ thị thanh toán Châu Âu [98]. Nền tảng ODR có thể sử dụng bằng 25 ngôn ngữ với 31 quốc gia ở EU [186]. Mục tiêu chính của nó là để truyền tải những khiếu nại cho một nhà cung cấp dịch vụ ADR. Do đó, người tiêu dùng có thể chắc chắn rằng các nhà cung cấp ADR trên nền tảng ODR là một thể chế hợp pháp và các nguyên tắc về thủ tục được tôn trọng.
Nền tảng ODR hỗ trợ người tiêu dùng bằng cách cung cấp một mẫu đơn khiếu nại điện tử để điền thông tin. Ngoài ra, các tài liệu liên quan có thể được đính kèm với đơn khiếu nại được gửi (ví dụ: hình ảnh hoặc hóa đơn). Hơn nữa, nó cung cấp một công cụ quản lý hồ sơ điện tử, có thể được sử dụng bởi các nhà cung cấp ADR trên nền tảng tự nguyện. Nền tảng ODR sẽ liên hệ với người bán và thông báo về khiếu nại. Sau đó, người tiêu dùng và người bán hàng thỏa thuận về phương thức ADR nào sẽ GQTC của họ hoặc chính các bên có thể đề xuất cách thức GQTC.
Trong trường hợp các bên không thể đồng ý với một phương thức ADR, các bên sẽ liên hệ điểm liên lạc quốc gia của họ để được hỗ trợ. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thiết lập một điểm liên lạc quốc gia, với sự tham gia của ít nhất hai cố vấn ODR, để cung cấp sự hỗ trợ cho người dùng nền tảng ODR. Các điểm liên lạc quốc gia này được liệt kê trên nền tảng ODR [172]. Nền tảng ODR cho thấy hiệu quả của nó khi được chính thức triển khai vào năm 2015 thì trong 02 năm đầu đã có hơn 4 triệu người truy cập đồng thời số vụ khiếu nại lên đến hơn 50,000 vụ, trung bình hơn 2 ngàn vụ khiếu nại trên tháng [186].
- Chú trọng vào khâu kiểm tra về kỹ thuật và tính thân thiện của nền tảng: để đảm bảo tính kỹ thuật trong khi triển khai ví dụ như về đường truyền, dịch thuật tài liệu cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân thì EU đã tiến hành thực hiện kiểm tra đánh giá nền tảng này với sự hợp tác của các chuyên gia ODR ở nhiều quốc gia thành viên vào năm 2015 để tiếp tục cải thiện nền tảng này trước khi cho chính thức hoạt động vào năm 2016.
- Yêu cầu sự tham gia của các thương nhân tham gia thị trường trực tuyến: Để đảm bảo nhận thức rộng rãi của người tiêu dùng về sự tồn tại của nền tảng ODR, các thương nhân tham gia thương mại trực tuyến tại EU phải cung cấp một liên kết điện tử từ webstite của họ đến nên tảng ODR( ec.europa.eu/consumers/odr.). Lưu ý rằng, yêu cầu này không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của thương nhân phải thông báo cho người tiêu dùng biết về các thủ tục GQTC được lựa chọn. Ví trí đường liên kết điện tử này phải dễ dàng thấy và truy cập được trên website (Xem https://ec.europa.eu/consumers/odr/main/?event=main.trader.register). Thương nhân cũng phải cung cấp địa chỉ email của họ để người tiêu dùng có điểm liên lạc đầu tiên vì châu âu khuyến khích các bên tự GQTC trước khi sử dụng đến nền tảng ODR.
- Khuyến khích sự tham gia của hiệp hội người tiêu dùng và hiệp hội doanh nghiệp: để tăng sức mạnh cho nền tảng ODR của mình cũng như sự hiệu quả của công cụ này, Châu âu cũng đề xuất các quốc gia thành viên khuyến khích các hiệp hội người tiêu dùng và hiệp hội doanh nghiệp cung cấp một liên kết điện tử đến trang web của nền tảng ODR. Sự tham gia của hai hiệp hội này là rất cần thiết vì theo qui định mặc dù
các thương nhân tham gia bán hàng trực tuyến bắt buộc phải đăng ký nền tảng ODR nhưng họ cũng không bắt buộc phải xử lý khiếu nại (nếu như sau 30 ngày mà các thương nhân không trả lời khiếu nại thì xem như hết thời hạn đối với khiếu nại đó), nhưng vì có mặt của hai hiệp hội này sẽ tác động đến uy tín và danh dự của các thành viên vì vậy các thương nhân sẽ có xu hướng chủ động tham gia giải quyết khiếu nại.
- Chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân của các bên tham gia GQTC: Để triển khai hiệu quả hệ thống ODR của mình thì yếu tố bảo mật thông tin cũng được EU chú trọng tới. Vì ODR được áp dụng trên phạm vi toàn bộ EU, do đó các cơ quan, tổ chức tham gia vào nền tảng này đều phải đảm bảo nghiêm ngặt về bảo mật và phải tuân thủ các qui tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Các nguyên tắc này được quy định tại Chỉ thị 95/46/EC và Qui định số 45/2001). Các chủ thể tham gia nền tảng ODR cần được thông báo và đồng ý về việc sử dụng dữ liệu cá nhân cũng như quyền của họ liên quan đến việc xử lý đó.
- Khuyến khích xây dựng các nền tảng HGTT của tử nhân: Các nước EU đều khuyến khích thành lập các nhà cung cấp ODR tư nhân, chủ yếu nhằm vào các vấn đề và khiếu nại của người tiêu dùng và có liên kết với nền tảng ODR của EU, từ đó tăng tính hiệu quả cho hoạt động ODR
4.1.2.2. Bài học kinh nghiệm từ Liên minh Châu âu
Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn của EU, có thể rút ra một số kinh nghiệm nghiệm nhằm xây dựng và phát triển hoạt động hòa giài trực tuyến như sau:
- Thứ nhất, xây dựng niềm tin cho giao dịch trực tuyến: đằng sau các văn bản pháp luật cũng như thực tiễn mà EU đang triển khai liên quan đến hòa giả trực tuyến cũng nhằm mục đích tăng cường niềm tin cho cả khách hàng và thương nhân trong giao dịch trực tuyến. Họ xác định được nhu cầu khiếu nại, GQTC trực tuyến chủ yếu là giao dịch giữa người tiêu dùng và thương nhân với những tranh chấp có giá trị nhỏ, do đó việc xây dựng cơ chế HGTT phải đáp ứng được đặc điểm của loại hình tranh chấp này đó là linh hoạt, đơn giản và tiết kiệm thời gian, từ đó mới xây dựng được niềm tin cho các bên tham gia.
- Thứ hai, ban hành các qui định riêng cho HGTT dựa trên nền tảng có sẵn của pháp luật về hòa giải: dù ban hành với tên gọi là Chỉ thị về GQTC trực tuyến nhưng bản chất EU đã đưa một văn bản xây dựng cho HGTT với việc biến nền tảng ODR thành bên trung gian để GQTC.
- Thứ ba, làm chủ công nghệ là yếu tố quan trọng để triển khai HGTT: châu âu thể hiện sự thận trọng của mình đối với yếu tố công nghệ trong quá trình xây dựng nền tảng công nghệ ODR, nếu trong quá trình triển khai xây dựng nền tảng công nghệ này cần phải có sự kiểm tra, đánh giá của các chuyên gia nhằm đảm bảo nền tảng có thể hoạt động một cách chính xác và hiệu quả, cần gia tăng các chức năng của nền tảng này như dịch thuật, chuyển đổi các tập dữ liệu từ định dạng văn bản sang ảnh tránh trường hợp sửa chứng cứ v..v.
- Thư tư, bảo mật thông tin, dữ liệu của người tiêu dùng luôn được hướng tới. Thế giới đang thực sự phải đối mặt với vấn đề vi phạm thông tin, dữ liệu cá nhân vì vậy nếu xây dựng một nền tảng mới mà không đảm bảo được vấn đề này thì sẽ không tạo được niềm tin đối với các bên có liên quan. Do đó, cần phải xây dựng các qui định chặt chẽ về vấn đề bảo vệ thông tin trong giao dịch điện tử nói chung và GQTC trực tuyến nói riêng, tránh tạo ra những kẽ hở trong qui trình HGTT đẫn đến sự vi phạm về bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân.
- Thứ năm, cần thu hút sự quan tâm của các bên có liên quan: EU đã chủ động trong việc xây dựng liên kết của các bên liên quan từ các nước thành viên cho đến các hiệp hội doanh nghiệp, chính sự tham gia của các bên này sẽ tạo ra một sức ép vô hình cho các doanh nghiệp thương mại điện tử chủ động tham gia vào nền tảng ODR.
- Cuối cùng, thúc đẩy phát triển cơ chế GQTC tư nhân: Có thể nhìn nhận rằng nền tảng ODR mà EU phát triển chủ yếu là xây dựng cầu nối giữa cho người tiêu dung, thương nhân và nhà cung cấp dịch vụ GQTC. Chính vì vậy, khi xây dựng nên tảng ODR, EU đã thúc đẩy sự phát triển của các cơ chế GQTC được lựa chọn ADR để giúp cho người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn bên thứ 3 tham gia hỗ trợ GQTC cho mình.
4.1.3. Nhật Bản
Là một quốc gia đã xây dựng được hệ thống ADR, cũng như có những chính sách thúc đẩy hoạt động TMĐT, Nhật Bản cũng bắt đầu nghiên cứu và phát triển ODR nói chung và HGTT nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình này cũng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai ở Nhật Bản.
4.1.3.1. Cơ sở để xây dựng hòa giải trực tuyến ở Nhật Bản
- Xây dựng chính phủ điện tử là nền tảng thúc đẩy cho các giao dịch trực tuyến.
Từ năm 1999, Nhật Bản đã triển khai việc hiện thực hóa chính phủ điện tử - một dự án thiên niên kỷ do cố Thủ tướng Keizo Obuchi khởi xướng. Trước sự mở rộng nhanh chóng và lớn mạnh của mạng internet và kỹ thuật số, Chính phủ Nhật Bản cho rằng cần phải tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực để thúc đẩy sự phát triển đất nước. Dự án này được triển khai từ trong trường học, các ngành công nghiệp đến các dịch vụ của chính phủ với mong muốn xây dựng chính phủ điện tử vào năm 2003. Mục tiêu của dự án nhằm cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính từ khu vực tư nhân đến khu vực công và ngược lại. Dự án này cũng đề ra mục tiêu hoàn thành việc kết nối internet tốc độ cao tới mọi công dân, bất kể ở đâu vào năm 2005. Dự án này có vai trò nòng cốt để sau đó Nhật Bản phát triển thương mại điện trên cơ sở đồng bộ hóa ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời là nền tảng để triển khai các ứng dụng số sau này, trong đó có HGTT.
- Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản nhưng tiềm ẩn các tranh chấp. Trong số các thị trường thương mại điện tử trên thế giới, Nhật Bản đứng thứ tư (sau Mỹ, Trung Quốc và Anh) và là thị trường phát triển nhanh nhất [85]. Năm 2018, tổng quy mô của thị trường thương mại điện tử Nhật Bản là 166 tỷ USD. Năm 2017, ước tính có 82,59 triệu người dùng thương mại điện tử tại Nhật Bản; con số này được dự báo sẽ tăng thêm 6,33 triệu người dùng vào năm 2021. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các tranh chấp liên quan đến thương mại điện tử cũng gia tăng. Trong năm 2017, Trung tâm quốc gia về những vấn đề tiêu dùng (National Consumer Affairs Center - NCAC) đã nhận được 77.318 khiếu nại liên quan đến mua hàng thương mại điện tử của người tiêu dùng, gấp đôi số lượng khiếu nại nhận được trong 2012 (31.934 trường hợp) [188]. Các khiếu nại này bao gồm cả bán hàng trực tuyến và đấu giá trực tuyến, thường tập trung vào việc không giao hàng, lỗi sản phẩm hoặc không thanh toán.
- Các phương thức GQTC chưa đáp ứng yêu cầu của người yêu dùng. số lượng tranh chấp liên quan đến giao dịch trực tuyến tại Nhật Bản gia tăng. Mặc dù thực tế đã có những phương thức GQTC, nhưng các phương thức này chưa thật sự phù hợp. Cụ thể là Nhật Bản đã thiết lập một cơ quan GQTC cho những vụ việc tranh chấp có
giá trị nhỏ (SCT - Small Claims Trial) dưới 600.000 Yên, bao gồm cả những tranh chấp diễn ra trong giao dịch điện tử (Điều 368 (1) Bộ Luật tố tụng dân sự Nhật Bản). Thời gian cho quá trình GQTC là 2 tháng với phí dịch vụ được cho là quá cao (khoảng 4.00 yên [179]) và thực hiện bằng cách gặp mặt trực tiếp. Đối với các giao dịch xuyên biên giới thì cơ chế giải quyết bằng tòa án lại không thi hành được các phán quyết của mình. Bên cạnh đó, các phương thức ADR cũng được triển khai ở Nhật Bản, nổi bật là NCAC đã tiến hành tư vấn 75.000 vụ việc liên quan đến mua bán trực tuyến mỗi năm, tuy nhiên lời khuyên hay hỗ trợ của NCAC lại không ràng buộc được các bên. Trong trường hợp “tranh chấp tiêu dùng quan trọng”, người tiêu dùng có thể gửi đơn kiện thông qua NCAC để lựa chọn trọng tài hay tòa án (Điều 11, Luật NCAC). Quá trình này kéo dài khoảng 4 tháng, cơ chế này không phổ biến vì nó chỉ áp dụng trong trường hợp quan trọng, thường được hiểu là ảnh hưởng đến nhiều đối tượng.
- Thiếu cơ chế bảo vệ người tiêu dùng giao dịch trực tuyến ở Nhật Bản. Pháp luật có qui định về thời gian thử nghiệm khi mua sản phẩm để người tiêu dùng có quyền trả lại sản phẩm trong thời gian 7 ngày khi mua sản phẩm [165]. Tuy nhiên, khi triển khai bán hàng trực tuyến thì người bán có thể loại trừ vấn đề này trên trang web của mình. Người tiêu dùng có thể bảo vệ quyền lợi thông qua cơ chế kiểm soát thanh toán của ngân hàng. Tuy nhiên, việc dừng thanh toán này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt như không thực hiện việc mua hàng, thanh toán mà không được nhận hàng, mua hàng với thẻ tín dụng bị đánh cắp, người bán có lỗi trong quá trình bán hàng. Dường như cơ chế này không bảo vệ được quyền lợi cho người mua hàng. Việc thiếu vắng một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng đòi hỏi phải xây dựng được một cách thức giải quyết phù hợp với các giao dịch thương mại điện tử mà một bên có người tiêu dùng tham gia.
- Văn hóa niềm tin của Nhật Bản là động lực để cho các công ty cung cấp dịch vụ HGTT. Các nghiên cứu về các quy trình ODR tại eBay đã chứng minh rằng các doanh nghiệp sẽ có lợi ích kinh tế cũng như lợi thế cạnh tranh bền vững nếu đầu tư vào hệ thống ODR vì thu hút và giữ chân được khách hàng của mình [99]. Lợi thế này sẽ đặc biệt quan trọng ở thị trường Nhật Bản, vì người tiêu dùng ở Nhật Bản đã chỉ ra rằng họ quan tâm đến chữ tín hơn so với người tiêu dùng ở các quốc gia khác. Do đó, các thương nhân ở Nhật Bản sẽ có động lực để phát triển và triển khai các hệ
thống ODR độc lập với bất kỳ áp lực pháp lý nào [156].
4.1.3.2. Cơ sở pháp lý triển khai hòa giải trực tuyến ở Nhật Bản
Mặc dù không có qui định cụ thể về GQTC bằng HGTT nhưng Nhật Bản đã xây dựng các nền tảng pháp lý để phát triển loại hình GQTC này.
- Luật Khuyến khích hoạt động phi lợi nhuận xác định (Act on Promotion of Specified Non-profit Activities) là cơ sở để các tổ chức cung cấp dịch vụ HGTT phi lợi nhuận ra đời. Được ban hành vào năm 1998, luật này cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nhằm đóng góp các lợi ích cho xã hội trong những lĩnh vực được cho phép (có 20 lĩnh vực được qui định trong đạo luật này), trong đó có vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Điều 1 Luật khuyến khích hoạt động phi lợi nhuận xác định). Trên cơ sở luật này, đã có nhiều tổ chức được thành lập nhằm cung cấp thông tin cũng như dịch vụ ODR tại Nhật Bản.
- Luật cơ bản công nghệ thông tin (Basic IT Law) là nền tảng để xây dựng phát triển thương mại điện tử nói chung và HGTT nói riêng. Nhật Bản đã sớm ban hành Luật cơ bản công nghệ thông tin vào năm 2000, trong đó Điều 4 của luật này qui định rằng: “Sự hình thành một xã hội truyền thông thông tin tiên tiến phải tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển. Điều 19 của luật này cũng quy định rằng các biện pháp cần thiết để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử, gồm xem xét các quy định, đưa ra các quy tắc mới, cung cấp sự bảo vệ và thực hiện phù hợp với quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng. Một điểm thuận lợi về mặt pháp lý cho thương mại điện tử phát triển ở Nhật Bản đó là trong Luật cơ bản công nghệ thông tin đã yêu cầu chính quyền trung ương và địa phương tạo điều kiện cho thương mại điện tử.
- Luật hợp đồng thừa nhận giá trị giao dịch điện tử tạo điều kiện cho giao dịch trực tuyến phát triển. Tại Nhật Bản, các hợp đồng được điều chỉnh chủ yếu bởi luật dân sự và không qui định hình thức của hợp đồng. Tuy nhiên, một số luật cụ thể, chẳng hạn như Luật Bán hàng trả góp (Installment Sales Act) có qui định hình thức bằng văn bản nhằm bảo vệ cho người tiêu dùng (Điều 4.1), nhưng chính qui định này đã kìm hãm sự phát triển giao dịch trực tuyến khi các bên thực hiện giao dịch mà không cần giấy tờ. Năm 2000, Nhật Bản đã sửa đổi Luật dân sự (Civil Law) theo hướng tùy theo sự đồng ý của người nhận, người gửi hoặc người bán có thể sử dụng các phương tiện điện tử như e-mail thay vì giấy tờ.
- Luật về chữ ký điện tử giúp định danh các bên trong giao dịch trực tuyến. một trong những rào cản sự phát triển giao dịch trực tuyến đó là vấn đề xác nhận danh tính của các bên. Điều này có thể gặp khó khăn vì luôn có khả năng ai đó đưa ra danh tính giả bằng cách thay đổi dữ liệu qua internet. Từ năm 2000, Nhật Bản đã cho phép phát triển hoạt động kinh doanh và nhận dạng chữ ký điện tử. Theo Luật về Chữ ký điện tử và Nghiệp vụ xác nhận (The Act on Electronic Signatures and Certification Business), chữ ký điện tử sẽ có hiệu lực pháp lý tương tự như chữ ký hoặc con dấu trong một số điều kiện nhất định. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các giao dịch điện tử nói chung cũng như việc GQTC bằng HGTT nói riêng.
- Luật thương mại theo hướng yêu cầu định danh doanh nghiệp tạo cơ sở thúc đẩy niềm tin sử dụng GQTC bằng trực tuyến. Theo Luật Thương mại của Nhật Bản (Commercial Code), một công ty phải đăng ký con dấu công ty và thông tin quan trọng liên quan đến công ty bao gồm tên công ty và địa chỉ của trụ sở chính, việc thông tin cung cấp sai, một bên vẫn có thể dựa vào thông tin đó có thể được bảo vệ. Ngoài ra, nếu con dấu đã đăng ký được đóng vào tài liệu, tính xác thực của tài liệu sẽ được giả định là thật. Đối với con dấu chưa đăng ký, một bên phải chứng minh rằng con dấu đó là con dấu của bên kia để hưởng lợi từ giả định nêu trên theo điều 228, khoản 5 của Luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, nếu một con dấu đã đăng ký được đóng vào một tài liệu, có thể dễ dàng chứng minh rằng con dấu đó là của bên kia.Đặc điểm cơ bản của hệ thống nhận dạng điện tử mới là cơ quan đăng ký thương mại của chính phủ cung cấp bằng chứng về “khóa công khai” được gửi bởi một công ty và một số thông tin quan trọng trong sổ đăng ký thương mại. Bằng chứng như vậy có thể quan trọng đối với thương mại điện tử ở chỗ nó sẽ đảm bảo rằng một đại diện hợp pháp đã thực hiện một thỏa thuận hợp lệ. Điều này cũng hỗ trợ trong quá trình nộp hồ sơ vụ việc lên tổ chức HGTT, họ sẽ dễ dàng định danh được các bên.
- Xây dựng hệ thống pháp luật về ADR tạo nền tảng cho việc GQTC bằng trực tuyến phát triển. Nhật Bản đã xây dựng hệ thống pháp luật về ADR từ năm 1951 với Luật Hòa giải dân sự (Civil Conciliation Act) nhằm mục đích thực hiện GQTC bằng sự nhượng bộ lẫn nhau của các bên liên quan (Điều 1). Bên cạnh đó, Luật Trọng tài (Arbitration Law) của Nhật Bản được ban hành năm 2003 giúp thúc đẩy cơ chế ADR tại Nhật Bản, trước khi có Luật Trọng tài thì trọng tài đã được qui định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 1890. Để phát triển ADR, năm 2004 Nhật Bản đã ban hành Đạo luật
Khuyến khích sử dụng ADR (Act on Promotion of Use of Alternative Dispute Resolution) với mục đích cung cấp khái niệm cơ bản, trách nhiệm của chính phủ và các bên liên quan, thành lập một hệ thống cấp chứng nhận dịch vụ ADR và thiết lập các qui định về GQTC bằng ADR. Một trong những điểm nổi bật của luật này là qui định các tiêu chuẩn để tham gia cung cấp dịch vụ ADR (Điều 6), dựa vào tiêu chuẩn của Luật sư để đánh giá tiêu chuẩn của người tham gia cung cấp dịch vụ ADR, cũng như những trường hợp không được tham gia cung cấp dịch vụ này (Điều 7), Tiêu chuẩn này sẽ do những đánh giá viên do Bộ Tư pháp lựa chọn (Điều 11). Thông tin các tổ chức ADR sẽ được công bố trên thông báo chính thức của chính phủ (Điều 11).
4.1.3.3. Thực trạng hòa giải trực tuyến tại Nhật Bản
- Cơ quan HGTT đã xuất hiện từ sớm ở Nhật Bản nhưng không thành công. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật Bản đã thành lập ECOM (Hội đồng xúc tiến thương mại điện tử/Electronic Commerce Promotion Council of Japan) vào năm 2001 nhưng bị giải thể vào năm 2010. Đây là một dự án cung cấp ADR trực tuyến, trong đó đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng, thúc đẩy đàm phán giữa các bên và tiến hành HGTT một cách miễn phí. Tuy nhiên, thách thức đối với cơ quan này là cơ chế GQTC vẫn phụ thuộc ý chí của các bên, vì vậy hiệu quả không cao. Điều tích cực của hoạt động này là mang lại kinh nghiệm điều hành cho chính phủ.
- Các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ ODR được thành lập. dựa trên Luật Khuyến khích hoạt động phi lợi nhuận xác định (Act on Promotion of Specified Nonprofit Activities) năm 1998, tổ chức Jaconet (Japan Consumer Network) được thành lập vào năm 2003, là nơi tập hợp những cá nhân có niềm ưa thích với quyền lợi của người tiêu dùng thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn như ISO và JIS (Japan Industrial Standards) [187]. Ban giám đốc của tổ chức này là những người tự nguyện dành thời gian và kinh nghiệm nghề nghiệp của họ để điều hành tổ chức. Năm 2015, tổ chức đã bắt đầu nghiên cứu về ODR để phát triển dịch vụ HGTT nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cũng trong năm 2003, một dự án phi lợi nhuận khác là giải quyết các vấn đề trên internet tên là Shirogane-Cyberpol được thành lập bởi các luật sư và học giả nhằm hỗ trợ những nạn nhân trên internet. Luật sư của Cyberpol cung cấp lời khuyên miễn phí cũng như có những hành động can thiệp nhằm yêu cầu yêu cầu người gửi e-mail, người quản lý trang web và những người khác xóa hoặc sửa các tin nhắn làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Giáo sư Machimura, Là giáo sư tại Trường Đại học Seijo Nhật Bản, ông có nhiều công trình nghiên cứu về hòa giải trong hôn nhân gia đình, giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng và Luật Thương mại điện tử, ông tham gia nhiều nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước về luật người tiêu dùng, đã chỉ ra rằng những thách thức chính trong việc cung cấp ODR là chi phí, tài chính, tự động hóa và bảo mật dữ liệu [164]. Các dự án trên cuối cùng cũng không thành công khi không đủ chi phí để trả cho trọng tài, hòa giải viên mặc dù đã tiết kiệm được chi phí do áp dụng công nghệ thông tin.
- Thành lập cơ quan giải quyết các tranh chấp thương mại điện tử xuyên biên giới. Để GQTC xuyên biên giới, NCAC đã lập một chi nhánh được gọi là Trung tâm Tiêu dùng Xuyên biên giới Nhật Bản (Cross-border Consumer Centre Japan - CCJ) với 11 cơ quan ở nước ngoài, các yêu cầu chủ yếu đến từ ba thị trường là Anh, Mỹ và Trung Quốc, khi chiếm đến 70% yêu cầu [188]. Tuy nhiên, trung tâm này chỉ hiệu quả nếu các bên thiện chí hợp tác, kết quả là chỉ có 13% vụ việc được giải quyết theo báo cáo của CCJ [93].
4.1.3.4. Những thách thức khi triển khai hòa giải trực tuyến ở Nhật Bản
- Khó khăn trong việc xác định cơ quan quản lý ODR. Thúc đẩy sự phát triển của ODR tại Nhật Bản đòi hỏi phải trả lời câu hỏi trọng tâm: Ai sẽ phát triển và kiểm soát hệ thống? Có nên giao cho tòa án không? [156] Thực tiễn cho thấy các thành viên của ngành tư pháp thường bảo thủ trong cách quản lý, trái ngược với tốc độ đổi mới nhanh chóng cần thiết cho các dự án công nghệ hiệu quả như triển khai HGTT. Nếu giao cho chính phủ thì NCAC đề nghị Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng hoặc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp có thể thành lập một ủy ban chuyên gia để thảo luận về phát triển hệ thống HGTT. Cách tiếp cận này theo hướng chính phủ lãnh đạo với sự tham gia của khu vực tư nhân. Cách tiếp cận thứ ba sẽ được chủ động bởi khu vực tư nhân, đặc biệt là các thương nhân kinh doanh trực tuyến hoặc quản trị viên thị trường, như một phần dịch vụ của họ cho khách hàng. Các bên tư nhân này có thể phát triển các hệ thống ODR được tích hợp hoàn toàn vào các doanh nghiệp của riêng họ. Để phát triển được theo hướng tiếp cận này thì chính phủ cần khuyến khích, hỗ trợ về mặt cơ chế và kinh tế cho các chủ thể tư nhân. Tuy nhiên, luôn có những lo ngại về tính độc lập, vô tư và tuân thủ khi các chủ thể tư nhân giữ quyền kiểm soát các hệ thống ODR.
- Khó khăn cho sự phát triển dịch vụ HGTT nhằm thu lợi nhuận. Đạo luật Luật sư của Nhật Bản (Attorney Act) dường như trở thành rào cản cho hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm mục đích sinh lợi nhuận, khi luật này qui định cấm những người không phải là luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý vì lợi nhuận, ngoại trừ trợ lý luật sư trong trường hợp khiếu nại số tiền nhỏ (bằng hoặc ít hơn 1,4 triệu JPY (khoảng 12.727 USD) hoặc dịch vụ GQTC được chứng nhận (Điều 72 Luật Luật sư, Điều 3 đoạn 7 Luật Trợ lý luật sư, Điều 5, 6 Luật Khuyến khích Sử dụng ADR). Lưu ý rằng những người làm việc tại Viện Soạn thảo văn bản pháp luật, nhưng người làm việc ở đây có nhiệm vụ tương tự trợ lý luật sư. Đây là những người có vị trí ở trên thư ký pháp lý và ở dưới các luật sư, họ chịu sự quản lý của pháp luật và phải trải qua một kì thi để được hành nghề.
Theo: Hà Công Anh Bảo
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1cUcBbeSLG6eSCxXQVtzlW6ifXDLk7c_9/edit