NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI, TỘI MUA BÁN TRẺ EM
1.1. Khái niệm tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
1.1.1. Khái niệm tội mua bán người, tội mua bán trẻ em theo pháp luật quốc tế
Liên quan đến khái niệm buôn bán người của cộng đồng quốc tế, trước khi có Công ước quốc tế về trấn áp việc buôn bán người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949 thì có thể kể tới bốn văn kiện pháp lý quốc tế, đó là Thoả thuận quốc tế năm 1904 về ngăn chặn buôn bán nô lệ da trắng54 (Thoả thuận 1904), Công ước quốc tế năm 1910 về ngăn chặn buôn bán nô lệ da trắng55 (Công ước 1910), Công ước quốc tế năm 1921 về trấn áp buôn bán phụ nữ và trẻ em56 (Công ước 1921) và Công ước quốc tế năm 1933 về trấn áp buôn bán phụ nữ trong mọi lứa tuổi57 (Công ước 1933). Có thể nhận thấy, ở bốn văn kiện quốc tế này đã có sự thay đổi khi khái niệm “buôn bán nô lệ da trắng” được đổi thành khái niệm “buôn bán phụ nữ/buôn bán trẻ em”. Thoả thuận 1904 chỉ đề cập tới các tình huống phụ nữ bị lừa dối hoặc ép buộc tham gia vào hoạt động mại dâm ở nước ngoài, Công ước 1910 đã mở rộng sang các tình huống mua bán và dụ dỗ phụ nữ và trẻ em gái đồng ý tham gia vào hoạt động mại dâm. Khái niệm “buôn bán nô lệ da trắng” được đề cập tại Điều 1 và Điều 2 của Công ước 1910, gồm sự mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo và đưa trẻ em gái (chưa đủ tuổi trưởng thành) đi ngay cả khi có sự đồng ý của người đó của vì mục đích vô nhân đạo; hoặc đã lừa gạt, dùng vũ lực, đe doạ, lạm dụng quyền lực hoặc bằng bất kỳ một phương thức cưỡng chế nào khác đối với phụ nữ đã trưởng thành và đưa họ đi vì mục đích vô nhân đạo.
Công ước 1921 và Công ước 1933 đã sử dụng khái niệm “buôn bán phụ nữ và trẻ em” và Điều 2 Công ước 1921 đã mở rộng phạm vi buôn bán trẻ em, bao gồm cả trẻ em trai và trẻ em gái. Công ước 1933 đã tiến xa hơn khi Điều 1 Công ước quy định sẽ trừng trị cả việc mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo và đưa phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào đi ngay cả khi có sự đồng thuận của họ. Như vậy, có thể thấy rằng, ở giai đoạn này khái niệm buôn bán phụ nữ, trẻ em (buôn bán người) chỉ tập trung vào vấn đề di cư quốc tế bất hợp pháp mà chưa chú trọng tới yếu tố bị ép buộc và bóc lột.
Công ước về trấn áp việc buôn bán người và bóc lột mại dâm người khác năm 194958 (Công ước1949) được LHQ thông qua ngay sau khi tổ chức này được thành lập vào năm 1945 đã mở rộng phạm vi áp dụng khi dùng khái niệm “buôn bán người” để bao gồm cả buôn bán phụ nữ và buôn bán nam giới. Mặc dù tên gọi của Công ước 1949 là “trấn áp việc buôn bán người và bóc lột mại dâm người khác”, nhưng Công ước lại không đưa ra định nghĩa thế nào là buôn bán người. Theo Điều 1 của Công ước thì các quốc gia thành viên cần trừng phạt hai nhóm hành vi, đó là (i) môi giới, dụ dỗ hoặc dẫn dắt người khác nhằm mục đích mại dâm, ngay cả khi có sự đồng ý của người đó; và (ii) bóc lột mại dâm người khác, ngay cả khi có sự đồng ý của người đó. Như vậy, cũng giống như Công ước 1933, Công ước 1949 coi buôn bán người là tội phạm và cần trừng trị ngay cả khi có sự đồng thuận của nạn nhân, hay nói cách khác, sự đồng ý hoặc không đồng ý của nạn nhân bị mua bán không có ý nghĩa trong việc xác định hành vi buôn bán người theo Công ước này. Theo Gallagher, Công ước 1949 được xem là công cụ pháp lý quốc tế đầu tiên về buôn bán người và giải quyết cả vấn đề về quá trình buôn bán người và kết quả của việc buôn bán người59.
Như vậy, tới trước năm 2000, mặc dù cộng đồng quốc tế đã thông qua một số văn kiện quốc tế để điều chỉnh vấn đề buôn bán người ở từng khía cạnh khác nhau, tuy nhiên, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về buôn bán người được thừa nhận. Ở giai đoạn này, buôn bán người được hiểu là việc đưa một người vào tình huống bị bóc lột và thực tế bóc lột người đó - đây là quá trình và kết quả của việc buôn bán người. Đến năm 2000, sau gần nửa thế kỷ nghiên cứu, xem xét vấn đề buôn bán người ở nhiều khía cạnh khác nhau, cộng đồng quốc tế đã đưa ra một định nghĩa thống nhất về buôn bán người tại Điều 3 NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em60 (bổ sung Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia), theo đó, “buôn bán người được hiểu là việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách đe doạ dùng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với những người khác”.
Với khái niệm này của NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thì buôn bán người gồm đầy đủ ba yếu tố cơ bản, gắn kết mật thiết với nhau, đó là: (i) hành vi gồm một trong các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận một người; (ii) thủ đoạn gồm một trong các thủ đoạn đe doạ dùng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với những người khác và (iii) mục đích bóc lột, và ở mức tối thiểu là bóc lột mại dâm hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể. Theo NĐT thì cả ba yếu tố này là cần thiết để hình thành nên định nghĩa buôn bán người đã trưởng thành (người từ đủ 18 tuổi trở lên), và nếu thiếu đi một trong ba yếu tố này thì sẽ không phải là buôn bán người. Tuy nhiên, với khái niệm về buôn bán trẻ em (người dưới 18 tuổi) thì NĐT lại không đòi hỏi yếu tố theo Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2000), mở ký ngày 15/11/2000, theo đó việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là "buôn bán người" ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ một cách thức, thủ đoạn nào được. Như vậy, buôn bán trẻ em được hiểu là việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột.
1.1.2. Khái niệm tội mua bán người, tội mua bán trẻ em theo pháp luật một số quốc gia và vùng lãnh thổ
- Cộng hòa Liên bang Đức: Theo BLHS của Cộng hòa Liên bang Đức thì buôn người là việc lợi dụng tình trạng khó khăn cấp bách hoặc tình trạng không có sự giúp đỡ liên quan đến việc lưu trú ở nước ngoài của nạn nhân để đẩy họ vào tình trạng bị bóc lột, có thể là bóc lột tình dục hoặc bóc lột sức lao động62.
- Canada: Theo BLHS Canada thì buôn bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, tiếp nhận, giam giữ, che giấu hoặc chứa chấp một người hoặc thực hiện việc kiểm soát, chỉ đạo, tạo ảnh hưởng đối với hành vi của một người nhằm mục đích bóc lột hoặc tạo thuận lợi cho việc bóc lột nạn nhân63.
- Cộng hoà Azerbaijan: Luật phòng, chống buôn bán người của Cộng hoà Azerbaijan đưa ra định nghĩa về buôn bán người, theo đó, buôn bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, cho hoặc nhận một người bằng cách sử dụng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, đe doạ hoặc các cách thức ép buộc khác, thông qua việc lừa gạt, dối trá, lạm dụng hoàn cảnh có thể bị ảnh hưởng hoặc dễ bị tổn thương của nạn nhân, hoặc thông qua việc cung cấp hoặc nhận lợi ích vật chất, mối lợi hoặc đặc quyền để đạt được sự đồng thuận của người có quyền kiểm soát người khác, nhằm mục đích bóc lột. Việc tuyển mộ, chứa chấp, thu nhận, vận chuyển, cho hoặc nhận trẻ vị thành niên cho mục đích bóc lột được coi là buôn bán người ngay cả khi không sử dụng các phương thức nêu trên
- Malaysia: Luật phòng, chống mua bán người và chống đưa người di cư trái phép năm 2007 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016) của Malaysia đã định nghĩa buôn bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người bằng việc cưỡng bức người đó nhằm mục đích bóc lột, gồm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc nô lệ, các hình thức tương tự nô lệ, bất cứ hoạt động bất hợp pháp nào hoặc lấy bộ phận cơ thể nạn nhân65.
- Philippines: khái niệm buôn bán người của Philippines được định nghĩa trong Luật phòng, chống buôn bán người năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), theo đó, buôn bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao hoặc chứa chấp, cung cấp hoặc tiếp nhận người có hoặc không có sự đồng thuận của người đó, trong phạm vi lãnh thổ quốc gia hoặc qua biên giới bằng việc dùng thủ đoạn đe doạ hoặc sử dụng vũ lực hoặc những thủ đoạn khác như lừa đảo, bắt cóc, lợi dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương của nạn nhân hoặc bằng cách đưa ra tiền hoặc lợi ích vật chất để đạt được sự đồng ý của người có quyền kiểm soát đối với người khác nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, các hình thức nô lệ, hoặc lấy bộ phận cơ thể.
Buôn bán trẻ em là việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, bắt giữ, nhận nuôi hoặc tiếp nhận một đứa trẻ với mục đích bóc lột ngay cả khi không có bất kỳ thủ đoạn nào nêu trên được sử dụng.
- Vương quốc Thái Lan: Theo Luật chống buôn bán người thì buôn bán người là việc tuyển mộ, mua, bán, buôn bán, mang từ hoặc chuyển giao, giam hoặc giữ, chứa chấp hoặc tiếp nhận bất kỳ người nào bằng cách đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm quyền hoặc cho tiền hoặc lợi ích để có được sự đồng ý của người đang kiểm soát người khác cho phép kẻ phạm tội khai thác người đang bị kiểm soát. chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận những người bị buôn bán, bằng cách đe doạ hoặc sử dụng bạo lực hoặc các hình thức ép buộc khác, bắt cóc, lừa gạt, gian dối, lạm dụng quyền lực hoặc hoàn cảnh dễ bị tổn thương hoặc bằng cách cho hoặc nhận tiền hoặc lợi ích để có được sự chấp thuận của người có quyền kiểm soát đối với người khác nhằm mục đích bóc lột nhằm mục đích bóc lột. Việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận trẻ em (người dưới 18 tuổi) nhằm mục đích bóc lột được coi là mua bán người ngay cả khi việc đó được thực hiện không sử dụng bất cứ thủ đoạn nào.
Như vậy, có thể thấy rằng, khái niệm về buôn bán người mà các quốc gia đưa ra chủ yếu dựa trên các yếu tố được nêu tại khái niệm về buôn bán người của NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy cũng có một số sự khác biệt nhất định do tình hình thực tiễn hoặc quan niệm của từng quốc gia, nhưng nhìn chung, các quốc gia đều cho rằng, buôn bán người được hình thành từ ba yếu tố, đó là thủ đoạn, hành vi và mục đích. Theo đó, buôn bán người là việc sử dụng thủ đoạn để thực hiện một trong các hành vi như tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận người nhằm kiểm soát người đó và đưa họ vào nguy cơ bị bóc lột, trong đó mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc lấy nội tạng cơ thể là những mục đích phổ biến nhất.
1.1.3. Khái niệm tội mua bán người, tội mua bán trẻ em theo pháp luật Việt Nam và đề xuất khái niệm mới về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
1.1.3.1. Sử dụng thuật ngữ “mua bán người” hay “buôn bán người”
Trong các văn kiện quốc tế và các công trình nghiên cứu quốc tế thì hầu hết đều sử dụng thuật ngữ “human trafficking”, khi dịch sang tiếng Việt là “buôn bán người”, chỉ duy nhất NĐT không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung Công ước về quyền trẻ em đã sử dụng thuật ngữ “sale of children”, khi dịch sang tiếng Việt là “mua bán trẻ em”. Cùng với việc sử Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ cung Công ước của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2000), mở ký ngày 15/11/2000; Công ước Asean về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (2015), mở ký ngày 21/12/2015. dụng thuật ngữ “sale of children”, NĐT không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em đã đưa ra khái niệm về “mua bán trẻ em” hẹp hơn rất nhiều so với khái niệm mà NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và Công ước ASEAN đã đưa ra. Theo NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và Công ước ASEAN thì “buôn bán trẻ em” là việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận một đưa trẻ (dưới 18 tuổi) nhằm mục đích bóc lột. Trong khi đó, NĐT không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em định nghĩa “mua bán trẻ em là bất kỳ hành động giao dịch nào mà qua đó trẻ em bị chuyển giao từ bất kỳ một người hay một nhóm người nào cho một người hoặc một nhóm người khác để lấy tiền hay giá trị trao đổi nào khác”. Như vậy, theo NĐT không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em thì mua bán trẻ em cũng được xác định căn cứ vào hai dấu hiệu là hành vi và mục đích. Tuy nhiên, so với NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hoặc Công ước ASEAN, hai dấu hiệu của tội mua bán trẻ em được NĐT này xác định đơn giản hơn và có phạm vi hẹp hơn rất nhiều. Với NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hoặc Công ước ASEAN thì hành vi buôn bán trẻ em gồm chuỗi các hành vi cụ thể, từ tuyển mộ, chứa chấp, vận chuyển đến chuyển giao và tiếp nhận người với nhiều mục đích khác nhau, từ bóc lột mại dâm hay những hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ tới các hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể. Trong khi đó, theo NĐT không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em thì hành vi mua bán trẻ em chỉ là hoạt động giao dịch mà qua đó trẻ em bị cho, bị chuyển giao từ một người hoặc một nhóm người này sang một người hoặc một nhóm người khác để lấy tiền hoặc giá trị trao đổi khác. Như vậy, có thể thấy, với việc khẳng định buôn bán người, buôn bán trẻ em là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tại Công ước TOC, cộng đồng quốc tế đã sử dụng thuật ngữ “buôn bán người” để đưa ra một khái niệm rộng, gồm cả quy trình buôn bán người, từ khâu tuyển mộ người, chứa chấp người, vận chuyển người đến khâu chuyển giao người hoặc tiếp nhập người.
Với Việt Nam, từ năm 2004, thuật ngữ “buôn bán phụ nữ, trẻ em”, “buôn bán người”, “mua bán người”, “mua bán trẻ em” đã được sử dụng tương đối phổ biến trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong giai đoạn này, việc sử dụng thuật ngữ chưa có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có một số văn bản quy phạm pháp luật sử dụng thuật ngữ “buôn bán người”70, cũng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác sử dụng thuật ngữ “mua bán người”, đặc biệt là các văn bản trong lĩnh vực pháp luật hình sự và kể từ khi ban hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 thì thuật ngữ “mua bán người” đã được thống nhất sử dụng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ nào cần xuất phát và bảo đảm nguyên tắc là thuật ngữ đó sẽ phản ánh đầy đủ, bao quát, toàn diện và đúng với bản chất việc coi con người như một món hàng hóa để mang ra trao đổi.
Trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, ngay từ BLHS năm 1985 đến BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã sử dụng thuật ngữ “mua bán” để quy định tội mua bán người và tội mua bán trẻ em. Để hướng dẫn quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP đã giải thích “mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hoá” và “mua bán trẻ em là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) 70 Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2014; Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg. Ngày 29/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tiếp nhận và hỗ trợ. Tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài về; Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BCA- BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 8/5/2008 hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài về; Nghị định số 89/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 về hoạt động đối ngoại biên phòng… 71 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC- VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.. Đến BLHS năm 2015 thì thuật ngữ “mua bán” vẫn tiếp tục được sử dụng trong nội dung quy định về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và khái niệm “mua bán người”, “mua bán người dưới 16 tuổi” đã được quy định khác rất nhiều, không chỉ đơn thuần là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi lấy người như một thứ hàng hóa, mà gồm các hành vi từ tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp đến chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất hoặc nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Có thể thấy rằng, từ năm 1985 và qua nhiều lần sửa đổi vào các năm 1999, 2009 và 2015, BHLS vẫn duy trì việc sử dụng thuật ngữ “mua bán” trong nội dung quy định về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em, nhưng nội hàm giải thích về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em đã thay đổi rõ rệt, từ việc chỉ tập trung vào hành vi trao đổi người lấy tiền, lợi ích vật chất đến việc mở rộng ra các hành vi liên quan đến quy trình thực hiện tội phạm này, gồm tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và tiếp nhận người để lấy tiền, lợi ích vật chất hoặc nhằm bóc lột. Điều này thể hiện rằng, mặc dù có sự khác nhau trong cách giải thích thuật ngữ “mua bán người” qua từng thời kỳ, nhưng dù với cách giải thích rộng hay hẹp khác nhau về thuật ngữ này thì hành vi trung tâm hay bản chất của “mua bán người” vẫn là việc coi con người như món hàng hóa để mang ra trao đổi lấy tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, kể cả hành vi đó được thực hiện một cách đơn lẻ, độc lập (được thực hiện bởi một người) hay hành vi đó được thực hiện theo một quy trình, có quy mô, tổ chức chặt chẽ (được thực hiện bởi một nhóm tội phạm có tổ chức).
Qua phân tích quy định của pháp luật quốc tế khi sử dụng thuật ngữ “buôn bán người” và pháp luật Việt Nam khi sử dụng thuật ngữ “mua bán người” có thể thấy rằng, về bản chất thì “buôn bán người” hay “mua bán người” đều là việc coi con người như một món hàng mang ra trao đổi, giao dịch với mục đích lấy tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ việc sử dụng người đó vào các ngành “công nghiệp tình dục”, mua bán nội tạng hay bóc lột lao động… Tuy nhiên, pháp luật quốc tế sử dụng thuật ngữ “buôn bán người” tại NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em khi muốn khẳng định buôn bán người là tội phạm có tổ chức với quy trình chặt chẽ, nối tiếp nhau từ khâu tuyển mộ người, chứa chấp người, vận chuyển người đến khâu chuyển giao người hoặc tiếp nhập người. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ “mua bán người” thì không chỉ khẳng định mua bán người là tội phạm có tổ chức mà còn là những tội phạm có tính chất đơn lẻ, không trong một quy trình khép kín từ giai đoạn tuyển mộ người, chứa chấp người, vận chuyển người đến chuyển giao người hoặc tiếp nhập người như quy định của pháp luật quốc tế. Do vậy, việc sử dụng thuật ngữ “mua bán người” của pháp luật Việt Nam sẽ vừa bao quát và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, vừa phản ánh được hết bản chất của loại tội phạm này.
1.1.3.2. Khái niệm tội mua bán người, tội mua bán trẻ em theo pháp luật Việt Nam
BLHS năm 1985 quy định hai tội danh liên quan đến mua bán người, mua bán trẻ em, đó là Tội mua bán phụ nữ quy định tại Điều 115 và Tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em quy định tại Điều 149. Mặc dù có hai tội danh quy định về vấn đề này nhưng không có định nghĩa thế nào là mua bán phụ nữ hoặc mua bán trẻ em được đưa ra ở thời điểm này. Để hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1985, trong đó có tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em, Nghị quyết số 04/HĐTPTANDTC/NQ ngày 19/11/198675 hướng dẫn hành vi mua bán trẻ em đã giải thích “mua bán trẻ em là mua hoặc bán trẻ em vì tư lợi, dù là mua của kẻ đã bắt trộm hoặc mua của chính người có con đem bán. Hành vi mua trẻ em khi biết rõ đứa trẻ bị bắt trộm để về làm con nuôi cũng bị xử lý về tội mua bán trẻ em”. Như vậy, Nghị quyết không hướng dẫn cách hiểu thế nào là “mua bán người” mà chỉ hướng dẫn cách hiểu về “mua bán trẻ em”. Với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hành vi mua bán trẻ em thì mục đích của hành vi mua mua bán trẻ em là vì tư lợi. Tư lợi ở đây có thể hiểu là vì lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần của bản thân người thực hiện hành vi phạm tội. Lợi ích vật chất có thể là tiền, tài sản hoặc phương tiện thanh toán để trao đổi lấy trẻ em, còn lợi ích tinh thần có thể là để nhằm thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, như gia đình không có con nên đã mua con của người khác về làm con mình. Đến BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) vẫn tiếp tục quy định hai tội danh liên quan đến mua bán người và có những sửa đổi, bổ sung tương đối cơ bản, tuy nhiên, vẫn chưa có định nghĩa chính thức về “mua bán người”.
Năm 2011, Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua, trong đó quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng như các biện pháp nhằm tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người. Đây được xem là đạo luật đầu tiên của Việt Nam về phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, đạo luật này cũng chưa đưa ra được định nghĩa chính thức, thống nhất về “mua bán người” mà chỉ quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống mua bán người.
Để hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội mua bán người và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, năm 2013, liên ngành Toà án, Kiểm sát, Công an, Tư pháp, Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch đã hướng dẫn “mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hoá” và “mua bán trẻ em là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hoá” 77. Như vậy, với cách giải thích này của liên ngành Toà án, Kiểm sát, Công an, Tư pháp, Quốc phòng thì mua bán người hoặc mua bán trẻ em là việc coi con người như một loại hàng hoá để trao đổi bằng tiền, tài sản, hoặc các lợi ích vật chất khác.
BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cơ bản và toàn diện tội mua bán người và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo quy định của BLHS năm 2015 thì tội mua bán người là việc “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạt khác để thực hiện một trong các hành vi: (a) chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; (b) chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; (c) tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này” và mua bán người dưới 16 tuổi là việc “thực hiện một trong các hành vi: (a) chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; (b) chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; (c) tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”.
1.1.3.3. Khái niệm mới về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
Ngay cả với cộng đồng quốc tế, khái niệm về buôn bán người, buôn bán trẻ em cũng thay đổi theo từng thời kỳ phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội về tình trạng xâm hại đến phẩm giá của con người, đưa con người vào tình trạng bị bóc lột hoặc có khả năng bị bóc lột. Căn cứ vào khái niệm “buôn bán người” được nêu tại NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em mà cộng đồng quốc tế đưa ra, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nội luật hoá trong pháp luật của quốc gia mình định nghĩa về hành vi mua bán người, mua bán trẻ em với nhiều yếu tố tương đồng và từ định nghĩa này, cộng đồng quốc tế cũng như nhiều quốc gia trên thế giới coi đây chính là nội hàm của tội mua bán người, tội mua bán trẻ em. Điều này thể hiện ở việc Điều 5 NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đã yêu cầu các quốc gia thành viên hình sự hoá các hành vi được nêu tại khái niệm “buôn bán người”. Với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam thì khái niệm “buôn bán người/mua bán người” hay “buôn bán trẻ em/mua bán trẻ em” đều gắn liền với khung hình phạt cụ thể với hành vi phạm tội được nêu tại khái niệm này. Như vậy, có thể hiểu, khái niệm của NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em cũng như khái niệm mà nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đưa ra là khái niệm có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành nên tội mua bán người, tội mua bán trẻ em, hay nói cách khác đây chính là khái niệm về “tội mua bán người”, “tội mua bán trẻ em”.
Từ những phân tích và lập luận trên, có thể khẳng định rằng, khi đưa ra khái niệm về “tội mua bán người” thì khái niệm này phụ thuộc vào từng thời kỳ phát triển xã hội, bởi nó sẽ thay đổi cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, sự hội nhập quốc tế khi hình thái, biểu hiện về loại tội phạm này có sự biến đổi. Nhưng nếu là khái niệm về hành vi “mua bán người” thì khái niệm này sẽ mãi không thay đổi, cho dù xã hội có phát triển như thế nào với sự biến đổi của các hình thái, phương thức, biểu hiện của tội phạm, bởi khái niệm này chỉ phản ánh bản chất của hành vi mua bán người. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sinh đưa ra khái niệm về hành vi “mua bán người” và “tội mua bán người”, “tội mua bán trẻ em” như sau:
- “Mua bán người là đưa người khác vào vị thế như một thứ hàng hoá mang ra trao đổi, giao dịch”.
- “Tội mua bán người là bất cứ hành vi nào được thực hiện thông qua việc sử dụng thủ đoạn (dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bất cứ thủ đoạn nào khác) đưa người khác vào vị thế như một thứ hàng hoá mang ra trao đổi, giao dịch nhằm thu được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc khai thác thu lợi từ họ thông qua việc bóc lột”.
- “Tội mua bán trẻ em là bất cứ hành vi nào đưa đứa trẻ vào vị thế như một thứ hàng hoá mang ra trao đổi, giao dịch nhằm thu được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc khai thác thu lợi từ các em thông qua việc bóc lột”.
1.2. Cơ sở quy định tội mua bán người, tội mua bán trẻ em trong pháp luật hình sự
1.2.1. Cơ sở lý luận
Ở thời kỳ phong kiến, nhà nước phong kiến đã ban hành pháp luật để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình và bóc lột người lao động. Người lao động hay còn gọi là nô lệ không được pháp luật bảo vệ quyền lợi, danh dự, nhân phẩm, họ không được phép rời bỏ ruộng đất của chủ phong kiến và có thể bị bắt, bị giết, giam cầm cho đến chết hoặc bị đem đến các chợ bán nô lệ để bày bán như một thứ hàng hoá. Pháp luật nhà nước phong kiến quy định, nếu chúa phong kiến chuyển nhượng ruộng đất thì cũng chuyển nhượng luôn những nông nô sống trên đất đó78. Chính những quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng và làm gia tăng mạnh mẽ nạn mua bán nô lệ - tiền thân của tình trạng mua bán người hiện nay.
Tới chế độ tư bản chủ nghĩa, để tạo ra khối lượng của cải khổng lồ, giai cấp tư sản đã ra sức bóc lột sức lao động từ giai cấp công nhân. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, người dân ngày càng nhận ra rằng việc bị giai cấp tư sản bóc lột sức lao động để tạo ra của cải không phải cho bản thân họ mà cho giai cấp tư sản là điều hết sức phi lý và họ nhận thấy quyền lợi của giai cấp mình bị xâm phạm nghiêm trọng. Từ đó, các cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tình hình này buộc giai cấp tư sản phải đàm phán và hoà giải với giai cấp công nhân bằng việc ban hành nhiều chính sách, thể chế mới về dân chủ như bình đẳng, quyền con người. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã nêu trong Tuyên ngôn độc lập ngày 04/7/1776 của mình rằng “tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã ban cho họ những quyền không thể tước bỏ, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Đây được xem là văn kiện pháp lý quan trọng ghi nhận các quyền cơ bản của con người. Tuy vậy, để tìm kiến lợi nhuận từ ngành công nghiệp tình dục, bóc lột sức lao động thì tình trạng buôn bán nô lệ đã được chuyển hoá sang hình thái khác là buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em mà xét về bản chất thì không thay đổi.
Tới đầu thế kỷ XX, sự ra đời của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đòi hỏi chấm dứt hoàn toàn tình trạng buôn bán nô lệ, bảo vệ quyền con người, tạo sự bình đẳng thực chất trong xã hội của người dân trên toàn thế giới. Đây chính là cơ sở, nền tảng cho sự ra đời của một loạt văn kiện quốc tế để bảo đảm quyền con người. Đầu tiên có thể kể tới bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của LHQ đã khẳng định “ai cũng có quyền được sống, tự do và an toàn thân thể” và “không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch, chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ”80. Tiếp đến, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện các cam kết nêu ra trong Công ước, trong đó có cam kết “không ai bị bắt làm nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm”; “không ai bị bắt làm nô dịch” hoặc “không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức”81. Với những văn kiện quốc tế này, các quốc gia thành viên đã nỗ lực ban hành những giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn và hướng tới loại bỏ tình trạng mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, thực tế thì tội mua bán người, mua bán trẻ em vẫn diễn ra và với những cách thức, thủ đoạn thay đổi ngày càng tinh vi hơn theo từng giai đoạn, từng thời kỳ.
Có thể thấy, thế giới văn minh, công bằng, bình đẳng nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của con người luôn là mục tiêu hướng tới của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đã đặt con người vào trung tâm của các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người là nhân tố cơ bản tạo nên động lực của sự phát triển đất nước. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp năm 1946 - đã ghi nhận người dân Việt Nam có nhiều quyền tự do, gồm các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội hop, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong và ra nước ngoài, quyền tài sản… Qua các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013, vấn đề quyền con người, quyền công dân ngày càng được đề cao và coi trọng. Bằng những quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn về quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 coi đây là vấn đề quan trọng thứ hai chỉ sau nội dung về chế độ chính trị khi nội dung về quyền con người, quyền công dân được đưa lên vị trí Chương II sau Chương về chế độ chính trị thay vì ở Chương V như Hiến pháp năm 1992. Việc thay đổi về vị trí của Chương về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự thay đổi nhận thức về quyền con người, quyền công dân với quan niệm rằng, quyền con người, quyền công dân phải được xác định ở vị trí quan trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Ngay tại điều đầu tiên của Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”82 và tiếp tục khẳng định tại các điều tiếp theo rằng, người dân không chỉ có quyền bất khả xâm phạm về thân thể mà còn được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại thì nhiều hình thức xâm phạm đến quyền con người cũng thay đổi với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, gây ra nỗi lo lắng, sợ hãi và hoang mang trong toàn xã hội, mà mua bán người, mua bán trẻ em là một trong các hình thức xâm phạm nghiêm trọng nhất đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, gây bất an cho mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Rõ ràng, mua bán người, mua bán trẻ em là một hiện tượng xã hội tiêu cực, có quá trình hình thành, phát triển và tồn tại trong xã hội cần phải được kiềm chế, kiểm soát và loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Đây chính là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia và của cả cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ quyền con người về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm - những giá trị nhân văn của xã hội loài người.
Như vậy, việc quy định mua bán người, mua bán trẻ em là tội phạm hình sự và có chế tài xử lý nghiêm khắc là yêu cầu tất yếu mà thực tiễn đặt ra không chỉ với một hoặc một vài quốc gia mà với tất cả các các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, quy định như thế nào cho phù hợp về mặt lý luận khi trẻ em cũng là con người và mua bán trẻ em cũng chính là mua bán người. Vậy quy định mua bán người và mua bán trẻ em trong cùng một tội danh hay quy định tại hai tội danh độc lập sẽ là phù hợp hơn?
Phân tích dưới góc độ ngữ nghĩa của câu từ thì “người” được hiểu là bất cứ người nào, không phân biệt giới tính, độ tuổi, tôn giáo, địa vị xã hội và như vậy “mua bán người” là hành vi mua bán bất cứ người nào, bao gồm cả mua bán phụ nữ, nam giới, người chuyển đổi giới tính, người đã trưởng thành, người già, trẻ em. Với cách hiểu và cách giải thích này thì BLHS chỉ cần quy định một tội danh về mua bán người, đó là tội mua bán người, trong đó bao gồm cả hành vi mua bán người từ đủ 16 tuổi trở lên và mua bán người dưới 16 tuổi (mua bán trẻ em), và mua bán người dưới 16 tuổi sẽ bị coi là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội mua bán người với chính sách xử lý nghiêm khắc hơn.
Thực tế, pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều quy định chính sách riêng, đặc thù đối với các em trong lứa tuổi này, từ các chính sách trong lĩnh vực an sinh xã hội như y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa… đến các chính sách trong lĩnh vực tư pháp như hình sự, tố tụng hình sự… Điều này xuất phát từ những nghiên cứu về mức độ phát triển trí tuệ, thể chất, nhân cách và xã hội trong từng giai đoạn trưởng thành của con người. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có mức độ và tốc độ phát triển của não bộ khác nhau và phải đến một độ tuổi nhất định thì sự phát triển về thể chất, trí tuệ, nhân cách ở mỗi con người được coi là đầy đủ và toàn diện84. Ở lứa tuổi chưa trưởng thành hay chưa phát triển đầy đủ và toàn diện về thể chất và trí tuệ, các em đang trong quá trình trải qua những thay đổi liên tục về nhận thức, ý thức và cảm xúc. Các yếu tố xã hội, cộng đồng như môi trường gia đình, bạn bè, trường học, các mối quan hệ xã hội… có những tác động, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, hành vi, cảm xúc của các em ở lứa tuổi này. Chính vì đang trong quá trình phát triển này mà các em chưa thể đủ nhận thức, đủ kinh nghiệm, đủ bản lĩnh để đưa ra những quyết định hoặc thực hiện hành vi đúng đắn trong cuộc sống. Vì thế, pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều quy định những chính sách riêng, đặc thù đối với các em trong lứa tuổi chưa trưởng thành và pháp luật hình sự cũng không là ngoại lệ. Việc BLHS Việt Nam quy định tội mua bán người, tội mua bán trẻ em ở hai tội danh độc lập cũng xuất phát từ quan điểm, nhận thức về sự phát triển của các em trong lứa tuổi này. Để một người đã trưởng thành trở thành nạn nhân của tội mua bán người, người phạm tội phải dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng bức họ, nhưng đối với người chưa trưởng thành, các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ, nhận thức thì việc biến các em thành nạn nhân của tội mua bán người dễ dàng hơn rất nhiều mà không cần dùng đến bất cứ thủ đoạn nào, bởi các em chưa được trang bị, tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm sống cũng như chưa được trải nghiệm nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống. Quy định mua bán trẻ em là một tội danh độc lập với tội mua bán người của BLHS không chỉ thể hiện sự khác biệt về chính sách hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội, mà còn là sự khác biệt từ cấu thành cơ bản của tội phạm đến chính sách hình sự đối với từng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán trẻ em. Đây cũng là cách thức mà pháp luật của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang quy định về loại tội phạm này, như Cộng hòa liên bang Đức, Malaysia, Philippine, Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa Sierra Leone hay Trung Quốc…
1.2.2. Cơ sở thực tiễn
Mua bán người, mua bán trẻ em là vấn đề không chỉ của một hoặc một số quốc gia mà đây là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức lao động thế giới, nếu năm 2005 trên toàn cầu có 12,3 triệu người trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người thì đến năm 2016 con số này đã là 40,3 triệu người. Thực tế này cho thấy cộng đồng quốc tế cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang đối mặt với tệ nạn này, đã và đang nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn và tiến tới xoá bỏ nạn mua bán người, mua bán trẻ em - trình trạng buôn bán nô lệ thời hiện đại. Việt Nam được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm không chỉ về mua bán người, mà còn là địa bàn trung chuyển nạn nhân bị mua bán người từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực sang nước thứ ba. Theo Báo cáo của Bộ Công an thì trong giai đoạn 2012-2017, cả nước đã phát hiện và khởi tố 1.021 vụ án mua bán người, mua bán trẻ em với 3.090 nạn nhân, liên quan đến 2.035 đối tượng95. Năm 2018, cả nước phát hiện 211 vụ án mua bán người, mua bán trẻ em với 386 nạn nhân96 và năm 2019 toàn quốc phát hiện 192 vụ án mua bán người, mua bán trẻ em với 309 nạn nhân, liên quan đến 256 đối tượng97. Tội mua bán người, mua bán trẻ em đã phát hiện xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước dưới hai dạng là mua bán người trong nước (chiếm khoảng 15% số vụ việc) và mua bán người ra nước ngoài (chiếm khoảng 85% số vụ việc, trong đó trên 75% là mua bán sang Trung Quốc, 11% mua bán sang Lào và Campuchia, còn lại là mua bán sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Thái Lan, Nga, Malaysia…)
Các Báo cáo toàn cầu về buôn bán người của Cơ quan LHQ về chống ma tuý và tội phạm các năm 2009, 2014, 2016, 2018 và 202099 cũng như các Báo cáo về kết quả điều tra, khảo sát tình hình tội mua bán người của Bộ Công an100 thì mua bán người, mua bán trẻ em để lại những hậu quả vô cùng nặng nề không chỉ về danh dự, nhân phẩm mà còn cả những hậu quả về tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân, những hậu quả này không chỉ xảy ra đối với bản thân các nạn nhân - những người bị lạm dụng về thể chất, tinh thần, bị cưỡng hiếp, đe doạ đến tính mạng, đến sự an toàn của bản thân họ và người thân trong gia đình họ - mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho toàn thể xã hội, khi nạn mua bán người, mua bán trẻ em gây ra những bất ổn về an ninh, an toàn cũng như những bất ổn về chính trị, gây hoang mang, lo sợ trong dân chúng, cản trở sự ổn định và phát triển của nhân loại. Theo thống kê của Cơ quan LHQ về chống ma tuý và tội phạm thì trong năm 2018, trong số các vụ án buôn bán người, buôn bán trẻ em được phát hiện, có tới 50% nạn nhân bị bóc lột tình dục, 38% nạn nhân bị cưỡng bức lao động và 12% nạn nhân bị các hình thức bóc lột khác101. Có thể nhận thấy khá rõ ràng là hành vi mua bán người, mua bán trẻ em sẽ kéo theo và làm gia tăng một loạt các hành vi phạm tội khác, như hành vi bắt cóc hoặc chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, cưỡng bức lao động; sửa chữa hoặc làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức (hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các giấy chứng nhận khác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền) và sử dụng các giấy tờ, tài liệu đã được sửa chữa hoặc đã làm giả để đưa nạn nhân bị mua bán sang quốc gia khác... Hơn nữa, với đặc thù của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và mang tính quốc tế, hoạt động mua bán người, mua bán trẻ em luôn gắn liền với các vấn đề kinh tế và là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Báo cáo toàn cầu về buôn bán người năm 2020, Cơ quan LHQ về chống ma tuý và tội phạm đã lấy Venezuela để minh chứng cho vấn đề này. Theo đó, kể từ năm 2014, GDP của Venezuela đã giảm đáng kể với các ước tính cho thấy nhiều bộ phận dân cư đã ở dưới mức nghèo khổ. Cùng với chỉ số kinh tế này thì số nạn nhân là người Venezuela bị buôn bán ra nước ngoài tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, với Liên bang Nga thì ngược lại khi mức tăng bình quân GDP đầu người của Liên bang Nga ghi nhận từ năm 1999 đến năm 2015 phù hợp với việc giảm số người Nga trở thành nạn nhân bị buôn bán tại Đức và Hà Lan cùng trong khoảng thời gian này. Từ những minh chứng này thì cộng đồng quốc tế đã coi mua bán người, mua bán trẻ em là hiểm hoạ của toàn cầu và đưa vào chương trình hành động toàn cầu của LHQ trong chống buôn bán người toàn cầu
Với thực trạng tình hình mua bán người, mua bán trẻ em trên phạm vi toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng như đã phân tích ở trên thì việc có chính sách hình sự đủ nghiêm, đủ mạnh, đủ quyết liệt đối với hành vi mua bán người, mua bán trẻ em trong hệ thống pháp luật mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết. Điều này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt trong nỗ lực việc bảo vệ quyền con người mà còn mang lại những lợi ích to lớn và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và sự ổn định về an ninh, kinh tế, chính trị trên toàn thế giới.
Theo: Lê Thị Vân Anh
Link luận án: