PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT MỘT SỐ QUỐC GIA VỀ TỘI BUÔN BÁN NGƯỜI
1.1. Pháp luật quốc tế và pháp luật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ quy định về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
1.1.1. Chuẩn mực quốc tế
Để đấu tranh phòng, chống bất cứ một tội phạm nào thì trước hết cần phải hiểu rõ bản chất của tội phạm cũng như cần có cách hiểu thống nhất về các dấu hiệu pháp lý cấu thành nên tội phạm đó. Đây là vấn đề quan trọng trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm này, đặc biệt là trong hoạt động hợp tác quốc tế. Chính vì thế, các dấu hiệu pháp lý cấu thành nên tội phạm buôn bán người, tội phạm buôn bán trẻ em được thể hiện tại các văn kiện quốc tế, mà cụ thể là tại Công ước TOC, NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Công ước ASEAN hay NĐT không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung Công ước về quyền trẻ em đưa ra dưới dạng khái niệm về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em và yêu cầu hình sự hoá hành vi mua bán người. Cụ thể:
(i) Về khách thể của tội phạm
Ngay tại Lời nói đầu của NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Công ước ASEAN hay NĐT không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em đều khẳng định, buôn bán người, buôn bán trẻ em là những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền cơ bản và nhân phẩm của con người thông qua các hành vi bóc lột mại dâm, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hay các hình thức nô lệ, khổ sai. Chính vì nhận thức rõ vấn đề này, cộng đồng quốc tế thống nhất rằng, để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản mọi người thì cần có những văn kiện quốc tế để ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị loại tội phạm này.
(ii) Về mặt khách quan của tội phạm
Xuất phát từ quan điểm cho rằng, buôn bán người là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Điều 3 của NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đưa ra khái niệm về buôn bán người, theo đó, “buôn bán người được hiểu là việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách đe doạ dùng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể”.
Từ khái niệm trên, Điều 5 NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đã yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp lập pháp hoặc biện pháp khác khi cần thiết để quy định các hành vi nêu tại khái niệm này là những tội phạm hình sự khi thực hiện có chủ ý.
Như vậy, mặt khách quan của tội phạm được thể hiện dưới 05 hành vi chủ đạo, đó là: (i) tuyển mộ, (ii) vận chuyển, (iii) chuyển giao, (iv) chứa chấp, hoặc (v) tiếp nhận người. Để hỗ trợ cho việc thực hiện một trong 05 hành vi này, người phạm tội đã sử dụng một hoặc một số phương thức, thủ đoạn, đó là dùng bạo lực hay đe dọa dùng bạo lực; các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá; các hình thức lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương của nạn nhân; đưa hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với những người khác.
Điều đáng lưu ý mà các chuẩn mực quốc tế đã nhấn mạnh, đó là sự đồng thuận của nạn nhân bị buôn bán đã trưởng thành là không có ý nghĩa khi người đó bị đe doạ dùng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với những người đó. Điều này có nghĩa rằng, nếu một người sử dụng một trong các phương thức, thủ đoạn này để thực hiện một trong các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người với mục đích bóc lột thì mặc dù có sự đồng ý của nạn nhân vẫn bị coi là buôn bán người. Vì thế, nếu một trong các dấu hiệu pháp lý của tội phạm buôn bán người, gồm các các phương thức, thủ đoạn nêu trên, nếu được chứng minh thì bất cứ sự biện minh nào đưa ra rằng nạn nhân bị buôn bán đã “đồng ý” đều là vô nghĩa, không được chấp nhận và không thể được coi như bào chữa, biện hộ cho thủ phạm khi xét xử104.
Đối với tội phạm buôn bán trẻ em, NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đưa ra một khái niệm khác. Theo đó, Điều 3(c) NĐT quy định,“việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận trẻ em nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là buôn bán người ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ một cách thức nào được nói đến trong khoản a Điều này”. Định nghĩa này cũng được cộng đồng các nước ASEAN sử dụng trong Công ước ASEAN.
Như vậy, yếu tố phương thức, thủ đoạn không phải là dấu hiệu pháp lý bắt buộc về mặt khách quan để cấu thành nên tội danh này. Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay tiếp nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột bị coi là "buôn bán trẻ em" ngay cả khi hành vi này được thực hiện khi mà đứa trẻ đó không bị đe doạ dùng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với đứa trẻ đó. Hay nói cách khác, tội buôn bán trẻ em được hình thành ngay cả khi đứa trẻ đó đưa ra sự đồng ý đầy đủ và hoàn toàn tự nguyện về việc mình trở thành nạn nhân của buôn bán người, nếu người phạm tội thực hiện một trong các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột. Để lý giải vấn đề này, cộng đồng quốc tế đã căn cứ vào đặc điểm phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em, các em chưa thể có nhận thức đầy đủ, toàn diện như người đã trưởng thành, vì thế các em không thể đưa ra những quyết định đúng đắn105. Chính vì vậy, mặc dù việc thực hiện một trong các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em có sự đồng thuận hoàn toàn từ đứa trẻ đó cũng không có ý nghĩa và không được coi là lý lẽ, lập luận để bỏ qua trách nhiệm pháp lý của người phạm tội.
Một trong những dấu hiệu pháp lý quan trọng của tội buôn bán trẻ em mà các văn kiện pháp lý đưa ra đó chính là việc xác định độ tuổi của nạn nhân là trẻ em. Việc xác định đối tượng là trẻ em cũng được khẳng định rõ trong nhiều văn kiện quốc tế. Trước hết, Công ước của LHQ về quyền trẻ em khẳng định ngay tại Điều 1 trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi. Tiếp theo đó, một loạt các văn kiện quốc tế khác có liên quan, đặc biệt là NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và Công ước ASEAN đều khẳng định “trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi”.
Như vậy, điểm khác biệt cơ bản để phân biệt tội buôn bán người và tội buôn bán trẻ em theo các chuẩn mực quốc tế đó là dấu hiệu về nạn nhân bị buôn bán và dấu hiệu về phương thức, thủ đoạn. Với tội buôn bán trẻ em thì đối tượng bị buôn bán là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trong khi với tội buôn bán người thì nạn nhân là bất kỳ ai từ đủ 18 tuổi trở lên. Đồng thời, với tội buôn bán trẻ em thì chỉ cần có hai dấu hiệu pháp lý bắt buộc, đó là: (i) hành vi (là một trong các hành vi như tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, nhận người) và (ii) mục đích bóc lột (là một trong các mục đích như bóc lột mại dâm hay những hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay nhưng hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể). Trong khi đó, với tội buôn bán người thì cần có tới ba dấu hiệu pháp lý bắt buộc, đó là: (i) hành vi (là một trong các hành vi như tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, nhận người), (ii) thủ đoạn (là một trong ác thủ đoạn như dùng bạo lực hay đe dọa dùng bạo lực; các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá; các hình thức lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương của nạn nhân; đưa hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với những người khác) và (iii) mục đích bóc lột (là một trong các mục đích như bóc lột mại dâm hay những hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay nhưng hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể).
(iii) Về chủ thể của tội phạm
Nhóm tội phạm có tổ chức được Công ước TOC giải thích là một nhóm có cơ cấu gồm từ ba người trở lên, tồn tại trong một thời gian và hoạt động có phối hợp để thực hiện một hay nhiều tội phạm nghiêm trọng hoặc các hành vi phạm tội được quy định trong Công ước này, nhằm đạt được, trực tiếp hay gián tiếp, lợi ích về tài chính hay vật chất khác. Trong đó, tội phạm nghiêm trọng được đề cập tới trong Công ước này được cho là hành vi vi phạm có tính chất xuyên quốc gia và có liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức, có thể bị trừng phạt theo khung hình phạt tù ít nhất là 04 năm hoặc nặng hơn. Như vậy, với các đặc trưng này mà Công ước đề cập tới thì mua bán người và mua bán trẻ em bản chất chính là tội phạm nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Chính vì thế, để bổ sung cho Công ước này, LHQ đồng thời ban hành ba NĐT kèm theo, trong đó có NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Cùng với trách nhiệm hình sự của các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội, Điều 10 Công ước TOC yêu cầu các quốc gia thành viên nghiên cứu để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân, có thể là trách nhiệm hình sự, dân sự hay hành chính. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên sẽ ban hành những biện pháp cần thiết phù hợp với nguyên tắc pháp lý của họ, để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc tham gia thực hiện các tội phạm nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức. Việc quy định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân phải bảo đảm rằng các pháp nhân đó phải chịu các hình phạt hình sự hay phi hình sự có tính hiệu quả, tương xứng và có tác dụng ngăn ngừa. Việc xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân không ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, với yêu cầu này của Công ước TOC thì pháp nhân khi thực hiện tội mua bán người, mua bán trẻ em cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đó có thể là trách nhiệm hình sự, dân sự hoặc hành chính, nhưng cần đảm bảo những pháp nhân thực hiện hành vi buôn bán người phải bị trừng phạt tương xứng với vi phạm mà mình gây ra và việc trừng phạt này sẽ có tác dụng ngăn ngừa tội phạm tiếp tục xảy ra.
(iv) Về mặt chủ quan của tội phạm
Mặt chủ quan của tội buôn bán người, tội buôn bán trẻ em mà NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hoặc Công ước ASEAN đưa ra thể hiện ở định nghĩa về buôn bán người, buôn bán trẻ em khi đề cập tới mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội. Đối với tội buôn bán người, tội buôn bán trẻ em thì mục đích bóc lột là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội phạm, ít nhất phải bao gồm một trong các mục đích bóc lột như bóc lột mại dâm hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức bóc lột lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể. Ngoài ra, tùy thuộc vào mỗi quốc gia thành viên mà có thể mở rộng phạm vi của các hình thức bóc lột khác. Như vậy, với mục đích này của người phạm tội thì mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý.
Bên cạnh những văn kiện quốc tế quy định trực tiếp khuôn khổ pháp lý về tội buôn bán người, tội buôn bán trẻ em nêu trên, cộng đồng quốc tế cũng có một số các văn kiện pháp lý có liên quan khác.
Công ước LHQ về quyền dân sự và chính trị đã khẳng định tại Điều 8 và Điều 9 rằng, “không ai bị bắt làm nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm; không ai bị bắt là nô dịch; không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức. Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân, không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ”.
Đối với các đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em, cộng đồng quốc tế có những chuẩn mực quốc tế riêng. Đối với phụ nữ, Điều 6 Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 đã yêu cầu các quốc gia thành viên phải tiến hành tất cả các biện pháp thích hợp, kể cả về lập pháp, để xoá bỏ tất cả các hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột mại dâm phụ nữ. Đối với đối tượng là trẻ em, Công ước của LHQ về quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên cần phải thực hiện tất cả các biện pháp để bảo vệ trẻ em và đảm bảo rằng, lợi ích tốt nhất của trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Đồng thời, Công ước cũng kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện tất cả các biện pháp ở các cấp quốc gia, song phương và đa phương để ngăn ngừa việc bắt cóc, buôn bán trẻ em vì bất cứ mục đích gì hay dưới bất cứ hình thức nào (Điều 35). Các quốc gia thành viên cũng phải cam kết bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bóc lột như bóc lột tình dục, lạm dụng tình dục và các hình thức bóc lột khác làm phương hại đến trẻ (Các Điều 20, 34, 39).
Liên quan đến lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, Công ước số 29 về lao động cưỡng bức năm 1930 đã yêu cầu các thành viên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) khi phê chuẩn Công ước này phải cam kết huỷ bỏ việc sử dụng lao động vào những công việc hoặc dịch vụ mà người đó bị ép buộc phải thực hiện dưới sự đe doạ của một hình phạt và bản thân người đó không tự nguyện làm, trừ một số trường hợp nhất định, đó là nếu công việc hoặc dịch vụ đó buộc phải làm theo luật về nghĩa vụ quân sự; công việc hoặc dịch vụ đó thuộc nghĩa vụ của tất cả các công dân bình thường; công việc hoặc dịch vụ buộc phải làm do quyết định của toà án và đặt dưới sự giám sát và kiểm tra của cơ quan công quyền; công việc hoặc dịch vụ đó buộc phải làm trong những trường hợp khẩn cấp (chiến tranh, tại hoạ như động đất, cháy, lụt, đói, dịch bệnh…) hoặc công việc đó của thôn xã vì lợi ích trực tiếp của tập thể.
Nô lệ hay buôn bán nô lệ được coi là xuất phát điểm của tội phạm buôn bán người và là một hình thức của buôn bán người. Từ năm 1926, Cộng đồng quốc tế đã ban hành Công ước quốc tế về nô lệ để kêu gọi các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp cần thiết và cam kết ngăn chặn và trấn áp việc buôn bán nô lệ, bao gồm mọi hành vi liên quan đến việc buôn bán và vận chuyển nô lệ, điển hình như các hành vi liên quan đến việc đoạt được, giành được hay chuyển nhượng một người với mục đích bắt họ làm nô lệ; mọi hành vi liên quan đến việc kiếm được một nô lệ để bán hay trao đổi họ; mọi hành vi chuyển nhượng thông qua việc bán hay trao đổi một nô lệ có được với mục đích đem bán hoặc trao đổi họ.
1.1.2. Pháp luật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ
Nhận thức rõ tính chất, mức độ và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà nạn buôn bán người để lại, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã quy định buôn bán người là tội phạm hình sự trong hệ thống pháp luật của quốc gia mình. Theo Báo cáo về buôn bán người năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì tính đến ngày 31/3/2019 đã có 168 quốc gia đã quy định mua bán người là tội phạm hình sự trong hệ thống pháp luật quốc gia108. Từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2020 đã có thêm một quốc gia nữa tội phạm hóa buôn bán người trong hệ thống pháp luật. Như vậy, tính đến thời điểm tháng 8/2020, trên toàn thế giới đã có 169 quốc gia quy định buôn bán người là tội phạm hình sự và cần bị trừng trị bởi chế tài hình sự nghiêm khắc109. Có thể nghiên cứu pháp luật một số quốc gia sau:
- Liên bang Nga: BLHS Liên bang Nga110 chỉ quy định một điều duy nhất về tội buôn bán người tại Điều 127-1 thuộc Chương 17 - các tội xâm phạm tự do, danh dự và nhân phẩm của con người. Theo quy định tại điều luật này, được coi là phạm tội buôn người nếu thực hiện một trong ba hành vi: (i) mua, bán người; (ii) các giao dịch có liên quan đến mua, bán người và (iii) bóc lột những người được tuyển mộ, vận chuyển, giao nhận hoặc cất giấu. Người phạm tội buôn bán trẻ em hoặc buôn bán người lớn đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn người và có thể bị áp dụng hình phạt tù đến 06 năm.
Phạm tội thuộc trường hợp có tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự gồm: (i) đối với 02 người trở lên; (ii) đối với người chưa thành niên; (iii) lợi dụng công vụ;
(iv) để đưa nạn nhân qua biên giới quốc gia hoặc giữ họ trái phép bên ngoài biên giới;
(v) sử dụng các giấy tờ giả mạo cũng như thu giữ, cất giấy hay tiêu huỷ các loại giấy tờ, chứng minh nhân dân của nạn nhân; (vi) dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực; nhằm mục đích lấy các bộ phận cơ thể hay mô của nạn nhân; đối với phụ nữ mà biết là đang mang thai; (vii) đối với người mà người phạm tội biết là đang trong tình trạng không thể bảo vệ hay là người lệ thuộc vào người phạm tội; (viii) vô ý làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ hay những hậu qủa khác đối với người bị hại; (ix) việc thực hiện tội phạm bằng biện pháp gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của nhiều người; (x) tội phạm này do một nhóm người có tổ chức gây ra. Trong trường hợp này, khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội là phạt tù từ 03 năm đến 15 năm, có thể kèm theo hạn chế tự do đến 05 năm. Liên bang Nga chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Như vậy, pháp luật của Liên bang Nga chưa đưa ra được một định nghĩa thống về buôn bán người mà chỉ liệt kê các hành vi được coi là buôn bán người. Tuy nhiên, BLHS Liên bang Nga cũng không mô tả cụ thể cấu thành cơ bản của các hành vi phạm tội buôn bán người, đồng thời, hành vi buôn bán trẻ em cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán người và là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với chính sách xử lý nghiêm khắc hơn.
- Cộng hoà Liên bang Đức: Liên quan đến loại tội phạm này, BLHS Cộng hoà Liên bang Đức111 quy định 04 tội danh với từng mục đích cụ thể ở từng tội danh riêng biệt, gồm: (1) tội buôn người nhằm mục đích bóc lột tình dục (Điều 232); (2) tội buôn người nhằm mục đích bóc lột sức lao động (Điều 233); (3) tội hỗ trợ buôn người (Điều 233a); (4) tội buôn trẻ em (Điều 236). Theo quy định tại Điều 232 về tội buôn bán người nhằm mục đích bóc lột tình dục và Điều 233 về tội buôn người nhằm mục đích bóc lột sức lao động thì buôn người được hiểu là hành vi lợi dụng tình trạng khó khăn cấp bách hoặc tình trạng không có sự giúp đỡ liên quan đến việc lưu trú ở nước ngoài của nạn nhân đã đẩy họ vào tình trạng bị bóc lột, có thể là bóc lột tình dục hoặc bóc lột sức lao động. Người phạm tội buôn người nhằm mục đích bóc lột tình dục hoặc tội buôn người nhằm mục đích bóc lột sức lao động đều bị áp dụng khung hình phạt như nhau, đó là phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm. Trường hợp phạm tội buôn người nhằm mục đích bóc lột tình dục hoặc buôn người nhằm mục đích bóc lột sức lao động nếu thuộc một trong các trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự thì bị phạt tù từ 01 năm đến 10 năm, gồm: (i) nạn nhân là trẻ em dưới 14 tuổi; (ii) hành hạ nghiêm trọng thân thể nạn nhân hoặc làm nạn nhân có nguy cơ thiệt hại tính mạng;
(iii) người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hoặc là thành viên của băng nhóm thực hiện tội phạm này.
Đối với tội hỗ trợ buôn người, Điều 233a BLHS quy định người nào tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận một người để hỗ trợ thực hiện hành vi quy định tại tội buôn người vì mục đích bóc lột tình dục (Điều 232) và tại tội buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động (Điều 233) thì bị trưy cứu trách nhiệm hình sự về tội hỗ trợ buôn người với khung hình phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm, gồm: (i) nạn nhân là trẻ em dưới 14 tuổi; (ii) hành hạ nghiêm trọng thân thể nạn nhân hoặc làm nạn nhân có nguy cơ thiệt hại tính mạng; (iii) người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hoặc là thành viên của băng nhóm thực hiện tội phạm này.
Đối với tội buôn trẻ em, Điều 236 BLHS quy định người nào mà trong thời gian dài cho người khác con của mình chưa đủ 18 tuổi hoặc đứa trẻ do mình bảo trợ hoặc nuôi dưỡng chưa đủ 18 tuổi vì thù lao hoặc với mục đích thu lợi cho mình hoặc cho một người thứ ba thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn trẻ em với hình phạt tù đến 05 năm và phạt tiền. Cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này với khung hình phạt tương tự đối với người tiếp nhận đứa trẻ đó về ở với mình và trả thù lao cho việc tiếp nhận đó.
Cũng giống với Liên bang Nga, Cộng hoà Liên bang Đức chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Như vậy, theo quy định của BLHS Liên bang Đức thì cấu thành cơ bản của tội buôn người cũng bao gồm 03 yếu tố cơ bản, đó là thủ đoạn, hành vi và mục đích, cụ thể là lợi dụng tình trạng khó khăn, cấp bách hoặc tình trạng không có sự giúp đỡ của nạn nhân về việc lưu trú ở nước ngoài đã đẩy họ vào tình trạng bị bóc lột, gồm bóc lột tình dục hoặc bóc lột sức lao động. Việc thực hiện hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận một người để thực hiện hành vi nêu trên chỉ cấu thành tội hỗ trợ buôn người mà không phải tội buôn người. Trường hợp nạn nhân là trẻ em dưới 14 tuổi được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội buôn người. Đối với tội buôn trẻ em, BHLS Cộng hoà liên bang Đức không yêu cầu dấu hiệu về thủ đoạn và mục đích và coi việc vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, dậy dỗ, nuôi dưỡng đứa trẻ dưới 18 tuổi qua hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em dưới 18 tuổi là con hoặc là người được bảo trợ, được nuôi dưỡng để nhận thù lao hoặc có trả thù lao là phạm tội buôn trẻ em. Có thể thấy, cách quy định về tội buôn người và buôn trẻ em của Cộng hoà liên bang Đức tương đối hẹp và khác biệt so với pháp luật quốc tế và pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới.
- Canada: BLHS Canada quy định một tội danh về buôn bán người tại Điều 279.01. Người phạm tội buôn bán trẻ em hoặc buôn bán người lớn đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán người. Theo quy định tại điều luật này thì một người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán người nếu vì mục đích bóc lột hoặc tạo thuận lợi cho việc bóc lột nạn nhân mà thực hiện một trong hai loại hành vi: (i) tuyển mộ, vận chuyển, tiếp nhận, giam giữ, che giấu hoặc chứa chấp một người, hoặc (ii) thực hiện việc kiểm soát, chỉ đạo hoặc tạo ảnh hưởng đối với hành vi của một người. Người phạm tội này sẽ bị phạt tù tới 14 năm.
Trường hợp người phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng là: (i) bắt cóc;
(ii) thực hiện việc hành hung; (iii) cưỡng dâm hoặc gây ra cái chết cho nạn nhân trong khi thực hiện tội phạm thì bị phạt tù chung thân. Sự đồng ý đối với hành vi buôn bán người nêu trên đều không có ý nghĩa trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Theo quy định của BLHS Canada (được sửa đổi năm 2004) thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó có tội mua bán người.
- Australia: Liên quan đến tội buôn bán người và buôn bán trẻ em, BLHS năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) 113 của Australia quy định 06 tội danh liên quan, gồm tội buôn bán người tại Điều 271.2; tội buôn bán người có tình tiết tăng nặng tại Điều 271.3; tội buôn bán trẻ em tại Điều 271.4; tội buôn bán người trong nước tại Điều 271.5; tội buôn bán người trong nước có tình tiết tăng nặng tại Điều 271.6 và tội buôn bán trẻ em trong nước tại Điều 271.7. Theo quy định của BLHS Australia thì buôn bán người gồm một trong các hành vi: (i) dùng thủ đoạn đe dọa, lừa dối, ép buộc, cưỡng bức người khác hoặc tổ chức để người khác nhập cảnh vào Australia hoặc xuất cảnh khỏi Australia hoặc đưa người đó từ nơi này đến nơi khác trong đất nước Australia; (ii) tổ chức hoặc tạo điều kiện cho người khác nhập cảnh vào Australia hoặc xuất cảnh khỏi Australia hoặc đưa người đó từ nơi này đến nơi khác trong đất nước Australia mà không quan tâm tới việc người đó có bị bóc lột, lạm dụng sau khi nhập cảnh hoặc xuất cảnh hay không; (iii) tổ chức hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho người khác nhập cảnh vào Australia hoặc xuất cảnh khỏi Australia hoặc đưa người đó từ nơi này đến nơi khác trong đất nước Australia và lừa dối họ để họ tham gia vào dịch vụ tình dục hoặc bóc lột họ hoặc tịch thu giấy tờ tùy thân của họ sau khi nhập cảnh vào hoặc xuất cảnh khỏi Australia; (iv) tổ chức hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho người khác nhập cảnh vào Australia hoặc xuất cảnh khỏi Australia hoặc đưa người đó từ nơi này đến nơi khác trong đất nước Australia và sắp xếp, bố trí cho người đó tham gia vào việc cung cấp dịch vụ tình dục với thủ đoạn lừa dối về bản chất thật của việc cung cấp dịch vụ tình dục, về việc họ được tự do trong hoạt động cung cấp dịch vụ tình dục hoặc họ được tự do lựa chọn không tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ tình dục. Người thực hiện hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bị phạt tù đến 12 năm.
Trường hợp phạm tội thuộc trường hợp có tình tiết tăng nặng gồm: (i) có mục đích bóc lột nạn nhân ngay từ ban đầu; (ii) nạn nhân bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục; (iii) nạn nhân bị gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc có nguy cơ tử vong thì bị áp dụng hình phạt đến 20 năm tù.
Đối với tội buôn bán trẻ em, BLHS Australia quy định các hành vi phạm tội tương tự như với tội mua bán người và có hai điểm khác biệt, đó là hành vi phạm tội thực hiện đối với nạn nhân là người dưới 18 tuổi và người thực hiện hành vi phạm tội không cần dùng các thủ đoạn như đe dọa, lừa gạt, cưỡng bức, ép buộc. Hình phạt đối với người phạm tội buôn bán trẻ em là 25 năm tù. BLHS Australia không quy định chính sách xử lý đối với các trường hợp phạm tội có tình tiết tăng nặng đối với tội buôn bán trẻ em.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù về cơ bản pháp luật hình sự Australia quy định cấu thành cơ bản của tội buôn bán người có những điểm tương đồng với pháp luật quốc tế và một số quốc gia khác, gồm 03 yếu tố là hành vi, thủ đoạn và mục đích, tuy nhiên, phạm vi của tội buôn bán người theo quy định của BLHS Australia có phần rộng so với pháp luật quốc tế khi quy định tội buôn bán người bao gồm cả những hành vi có tính chất đưa người di cư trái phép.
- Malaysia: Tội buôn bán người, buôn bán trẻ em và hình phạt đối với các tội phạm này được Malaysia quy định tại Luật phòng, chống mua bán người và chống đưa người di cư trái phép được sửa đổi, bổ sung năm 2016. Theo đó, Malaysia quy định một số tội danh liên quan đến buôn bán người, buôn bán trẻ em, gồm: (i) tội buôn bán người (Điều 12); tội buôn bán người bằng những thủ đoạn đe doạ hoặc dùng vũ lực (Điều 13); tội buôn bán trẻ em (Điều 14); tội thu lợi từ việc bóc lột người bị buôn bán (Điều 15). Theo quy định tại Điều 12 về tội buôn bán người thì bất kỳ người nào buôn bán một người không phải là trẻ em nhằm mục đích bóc lột thì sẽ bị phạt tù tới 15 năm và còn có thể bị phạt tiền. Trường hợp buôn bán người có một trong các tình tiết tăng nặng như: (i) dùng thủ đoạn như đe doạ, sử dụng vũ lực hoặc hình thức cưỡng bức khác; (ii) bắt cóc, lừa gạt, man trá; (iii) lạm dụng quyền lực; (iv) lạm dụng vị thế dễ bị tổn thương của một người để thực hiện hành vi buôn người; (v) đưa hoặc nhận tiền hoặc lợi ích để đạt được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát đối với người bị buôn bán thì sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 20 năm và còn có thể bị phạt tiền (Điều 13).
Trường hợp buôn bán trẻ em (người dưới 18 tuổi) nhằm mục đích bóc lột thì sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 20 năm và còn có thể bị phạt tiền (Điều 14). Người thu lợi từ việc bóc lột người bị buôn bán bị phạt tù đến 15 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 50.000 ringgit đến 500.000 ringgit.
Cùng với trách nhiệm hình sự của cá nhân, Luật phòng, chống mua bán người và chống đưa người di cư trái phép năm 2007 được sửa đổi năm 2016 còn quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội này (Điều 64).
- Philippines: Luật phòng, chống buôn bán người của Philippines năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) 115 quy định tội buôn bán người và hình phạt đối với tội phạm này tại Điều 4. Theo đó, người thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị xử lý về tội buôn bán người, gồm: (i) tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao hoặc chứa chấp, cung cấp hoặc nhận người bằng bất cứ thủ đoạn nào, kể cả với lý do tìm kiếm việc làm hoặc đào tạo nghề trong hoặc ngoài nước nhằm mục đích mại dâm, khiêu dâm, khai thác tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ, trừ nợ; (ii) giới thiệu hoặc tác thành để kết hôn vì tiền, lợi nhuận hoặc lợi ích vật chất, kinh tế đối với bất kỳ một người nào cho một người nước ngoài với mục đích mua, bán hoặc buộc người đó tham gia hoạt động mại dâm, khiêu dâm, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ hoặc trừ nợ;
(iii) mời hoặc ký hợp đồng kết hôn thật hoặc giả nhằm mục đích mua, bán hoặc buộc họ tham gia vào hoạt động mại dâm, khiêu dâm, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ hoặc trừ nợ; (iv) nhận làm con nuôi hoặc tạo điều kiện cho việc nhận làm con nuôi bằng bất cứ hình thức nào với mục đích bóc lột hoặc để tạo điều kiện cho hoạt động mại dâm, khiêu dâm, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ hoặc trừ nợ; (v) đảm nhận hoặc tổ chức các chuyến du lịch và kế hoạch du lịch nhằm các mục đích sử dụng và cung cấp người cho hoạt động mại dâm, khiêu dâm hoặc bóc lột tình dục; (vi) giữ hoặc thuê một người để thực hiện mại dâm hoặc khiêu dâm; (vii) tuyển mộ, thuê, nhận làm con nuôi, vận chuyển hoặc bắt cóc một người, bằng cách đe doạ hoặc dùng vũ lực, gian lận, lừa dối, bạo lực, áp bức hoặc đe doạ nhằm mục đích lấy đi hoặc bán các bộ phận cơ thể của người đó; (viii) tuyển mộ, vận chuyển hoặc nhận làm con nuôi một đứa trẻ để đứa trẻ đó tham gia vào các hoạt động vũ trang tại Philippines hoặc nước ngoài; (ix) tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận một đứa trẻ (dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng không có khả năng chăm sóc hoặc bảo vệ bản thân do bị khuyết tật hoặc tâm thần) nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ khổ sai, sản xuất, buôn bán ma túy, thực hiện các hoạt động phạm pháp hoặc bán họ mà không cần bất cứ thủ đoạn nào.
Hình phạt áp dụng đối với người thực hiện một trong các hành vi nêu trên là phạt tù 20 năm và phạt tiền từ 01 triệu Peso đến 02 triệu Peso. Trường hợp thực hiện một trong các hành vi nêu trên đối với trẻ em (người dưới 18 tuổi hoặc người dù trên 18 tuổi nhưng không thể tự bảo vệ bản thân do bị khuyết tật hoặc tâm thần) thì bị phạt tù chung thân và phạt tiền từ 2 triệu Peso đến 5 triệu Peso. Hình phạt này cũng áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội buôn bán có tình tiết tăng nặng, như tội phạm được thực hiện bởi một tổ chức hoặc có quy mô lớn hoặc khi người phạm tội là ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột, người giám hộ hoặc một người có quyền lực với người bị buôn bán, thành viên của quân đội hoặc cơ quan thi hành pháp luật.
Cùng với trách nhiệm hình sự của cá nhân, Luật Phòng, chống buôn bán người của Philippines còn quy định trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với pháp nhân khi phạm tội buôn bán người.
Như vậy, Luật phòng, chống buôn bán người của Philippines đã liệt kê một loạt các hành vi được coi là phạm tội buôn bán người tại một điều luật (Điều 4) tương đối cụ thể, rõ ràng và bao quát, bao gồm cả các trường hợp phạm tội có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và quy định hình phạt áp dụng cho từng hành vi phạm tội tại một điều luật khác. Theo quy định tại Điều 4 Luật phòng, chống buôn bán người của Philippines thì cấu thành cơ bản của tội buôn bán người được quy định xuất phát từ định nghĩa về buôn bán người tại Điều 3 của Luật này, gồm ba dấu hiệu pháp lý, đó là hành vi, thủ đoạn và mục đích, riêng đối với hành vi buôn bán trẻ em thì không cần dấu hiệu thủ đoạn.
- Trung Quốc: BLHS Trung Quốc117 quy định 02 tội danh liên quan đến mua bán người, gồm tội mua bán phụ nữ và trẻ em tại Điều 240 và tội mua phụ nữ và trẻ em bị đem bán tại Điều 241. Theo quy định tại Điều 240 BLHS thì mua bán phụ nữ, trẻ em là việc thực hiện một trong các hành vi lừa gạt, bắt cóc, mua, bán, chuyển giao phụ nữ, trẻ em để đem bán.
Phạm tội thuộc trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự gồm: (i) người cầm đầu tổ chức mua bán phụ nữ, trẻ em; (ii) mua bán phụ nữ, trẻ em từ 03 người trở lên;
(iii) hiếp dâm phụ nữ bị đem bán; (iv) lừa gạt, cưỡng bức phụ nữ bị đem bán phải bán dâm hoặc bán những phụ nữ đó cho người khác để cưỡng bức họ phải bán dâm; (v) dùng bạo lực, ép buộc hoặc dùng thuốc mê để bắt cóc phụ nữ, trẻ em đem đi bán; (vi) bắt trộm trẻ sơ sinh để đem bán; (vii) gây ra cho phụ nữ và trẻ em bị đem bán hoặc những người thân trong gia đình họ bị chết hoặc những hậu quả khác; (viii) đưa phụ nữ, trẻ em đem bán ra nước ngoài.
Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em là phạt tù tối thiểu là 05 năm và tối đa là tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.
Cùng với tội mua bán phụ nữ, trẻ em tại Điều 240, BLHS Trung Quốc còn quy định tội mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán tại Điều 241. Trường hợp mua phụ nữ, trẻ em bị lừa bán nhưng sau đó không ngăn cản họ trở về nơi cư trú cũ theo nguyện vọng của họ, không có hành vi lạm dụng trẻ em bị bán, không ngăn cản nỗ lực giải thoát cho họ thì có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
BLHS Trung Quốc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân khi phạm tội này. Theo quy định tại Điều 30 và Điều 31 thì pháp nhân phạm tội này sẽ bị phạt tiền.
Theo: Lê Thị Vân Anh
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1bAJCIP8lEBJjb5g5cSJq6ExZ7fNcQoTC/edit