QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI, TỘI MUA BÁN TRẺ EM VÀ THỰC TIỄN XÉT XỬ
2.1. Khái quát lịch sử lập pháp về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
2.1.1. Giai đoạn từ sau năm 1945 đến trước khi có BLHS năm 1985
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Ở thời điểm này, những tàn dư, hủ tục lạc hậu của xã hội phong kiến dần dần được thay đổi và xoá bỏ. Các quyền cơ bản của công dân lần đầu tiên được ghi nhận bởi Hiến pháp và pháp luật, cùng với đó, địa vị, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội được đề cao như nam giới trên tinh thần là mọi công dân bình đẳng trước pháp luật mà Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận “quyền bính trong nước là của toàn dân, không phân biệt nòi giống, trai, gái, giàu nghèo” và “đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”118. Tinh thần này của Hiến pháp năm 1946 tiếp tục được các bản Hiến pháp năm 1959 và 1980 kế thừa và phát triển hơn nữa về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân “công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể”; “công dân được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm…” và “phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”119. Tuy vậy, ở giai đoạn này, pháp luật Việt Nam chưa có quy định liên quan đến tội mua bán người, mà đến năm 1985, khi BLHS đầu tiên của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành thì cũng là thời điểm pháp luật Việt Nam ghi nhận mua bán phụ nữ và mua bán trẻ em là tội phạm hình sự cần được xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất - chế tài hình sự.
2.1.2. Giai đoạn từ năm 1985 đến trước năm 1999
Năm 1985, BLHS đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành với 280 điều luật quy định 95 tội danh. Trong số 95 tội danh được quy định tại 95 điều luật của BLHS năm 1985 thì có 2 điều luật liên quan đến tội mua bán người và mua bán trẻ em, đó là Điều 115 - Tội mua bán phụ nữ và Điều 149 - Tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em. Trong BLHS năm 1985, hai tội danh này được sắp xếp tại 02 chương khác nhau, trong khi tội mua bán phụ nữ được đặt tại Chương 2 - Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người thì tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em được quy định tại Chương 5 - Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình và các tội phạm đối với người chưa thành niên.
a) Tội mua bán phụ nữ (Điều 115)
Theo quy định tại Điều 115 BLHS năm 1985, người nào mua bán phụ nữ thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì sẽ bị áp dụng hình phạt tù từ 05 năm đến 20 năm, đó là: (i) Phạm tội có tổ chức; (ii) để đưa ra nước ngoài; (iii) mua bán nhiều người và (iv) tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, từ năm 1985, BLHS đã coi hành vi coi người phụ nữ như một món hàng có thể mua bán là tội phạm và cần bị trừng phạt. Hành vi khách quan của tội phạm này được điều luật mô tả là hành vi mua bán phụ nữ. Với quan niệm cho rằng, mua bán phụ nữ là xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, phẩm giá của người phụ nữ, vì thế, BLHS năm 1985 đã đặt tội danh này tại chương Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Người thực hiện hành vi mua bán phụ nữ ý thức được việc mua bán phụ nữ là xâm phạm đến nhân phẩm, phẩm giá của người phụ nữ nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi này để trục lợi.
b) Tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em (Điều 149)
Điều 149 BLHS năm 1985 quy định về tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em. Theo đó, người nào bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 20 năm, gồm: (i) có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp; (ii) để đưa ra nước ngoài; (iii) bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo nhiều trẻ em hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác và (iv) tái phạm nguy hiểm.
Tại thời điểm này, các nhà làm luật cho rằng, tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em xâm phạn đến quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái, tới sự phát triển lành mạnh của trẻ em về các mặt tư tưởng, tình cảm, thể chất120, vì thế tội phạm này đã tập hợp ba loại hành vi phạm tội đối với trẻ em gồm bắt trộm, mua bán và đánh tráo (tội phạm ghép) và đặt tại chương Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình và Các tội phạm đối với người chưa thành niên.
Để áp dụng thống nhất quy định của điều luật này, Nghị quyết số 04/HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định trong phần các tội phạm của BLHS năm 1985 đã hướng dẫn cụ thể các hành vi khách quan của tội phạm này, theo đó: “Mua bán trẻ em là mua hoặc bán trẻ em vì tư lợi, dù là mua của kẻ đã bắt trộm hoặc mua của chính người có con đem bán. Hành vi mua trẻ em khi biết rõ là đứa trẻ bị bắt trộm để về làm con nuôi, cũng bị xử lý về tội mua bán trẻ em. Tuy nhiên cần phân biệt với trường hợp bố mẹ vì đông con hoặc vì khó khăn đặc biệt mà phải bán con mình (dưới hình thức cho làm con nuôi và nhận một số tiền giúp đỡ) cũng như trường hợp vì hiếm con mà mua của chính người có con đem bán để về nuôi thì không coi là phạm tội”.
Trên cơ sở hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hành vi mua bán trẻ em, có thể thấy rằng, mục đích của hành vi mua bán phụ nữ hoặc mua bán trẻ em là vì tư lợi. Tư lợi ở đây có thể hiểu là vì lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần của bản thân người thực hiện hành vi phạm tội. Lợi ích vật chất có thể là tiền, tài sản hoặc phương tiện thanh toán để trao đổi lấy phụ nữ, trẻ em, còn lợi ích tinh thần có thể là để nhằm thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, như gia đình không có con nên đã bắt trộm hoặc mua con của người khác về làm con mình121.
2.1.3. Giai đoạn từ năm 1999 đến trước năm 2015
2.1.3.1. Bộ luật hình sự năm 1999
Bộ luật Hình sự năm 1999 có 02 điều luật quy định về hai tội phạm trực tiếp liên quan đến việc buôn bán phụ nữ, trẻ em, đó là: Tội mua bán phụ nữ (Điều 119) và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120).
a) Tội mua bán phụ nữ (Điều 119)
Theo quy định tại BLHS năm 1999, người nào mua bán phụ nữ thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Phạm tội trong trường hợp có một trong các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì hình phạt có thể lên đến 20 năm tù, gồm:
(i) mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm; (ii) có tổ chức; (iii) có tính chất chuyên nghiệp; (iv) để đưa ra nước ngoài; (v) mua bán nhiều người; (vi) mua bán nhiều lần.
Điều luật không mô tả hành vi khách quan của tội mua bán phụ nữ mà chỉ quy định “người nào mua bán phụ nữ...”. Trong giai đoạn này, chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS năm 1999 về tội mua bán phụ nữ, tuy nhiên, theo Bình luận khoa học BLHS năm 1999 của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp do TS Uông Chu Lưu chủ biên thì mua bán phụ nữ được hiểu là hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác để trao đổi phụ nữ như một thứ hàng hóa122.
Tương tự như BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 coi khách thể xâm hại của tội phạm này là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ, do vậy, tội danh này vẫn được đặt ở chương Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Về cơ bản, tội mua bán phụ nữ của BLHS năm 1999 kế thừa cơ bản quy định về tội mua bán phụ nữ của BLHS năm 1985 về cấu thành tội phạm, khung hình phạt. Tuy nhiên, BLHS năm 1999 đã bỏ tình tiết định khung tăng nặng “tái phạm nguy hiểm” của BLHS năm 1985 và bổ sung thêm một số tình tiết định khung tăng nặng mới, đó là tình tiết “mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm”, “có tính chất chuyên nghiệp” và “mua bán nhiều lần”. Đồng thời, Điều 119 của BLHS năm 1999 cũng đã bổ sung một số hình phạt bổ sung mà người phạm tội có thể bị áp dụng, đó là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
b) Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120)
Điều 120 BLHS năm 1999 quy định về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, theo điều luật này, người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Phạm tội trong trường hợp có một trong các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: (i) có tổ chức; (ii) có tính chất chuyên nghiệp; (iii) vì động cơ đê hèn; (iv) mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em; (v) để đưa ra nước ngoài; (vi) để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; (vii) để sử dụng vào mục đích mại dâm; (viii) tái phạm nguy hiểm và (ix) gây hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị áp dụng hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Giống như tội mua bán phụ nữ, tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em quy định tại Điều 120 BHLS năm 1999 cũng không mô tả cụ thể hành vi khách quan của tội phạm này, mà chỉ sử dụng lại tên điều luật để diễn tả hành vi khách quan, đó là “mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt”.
Có thể thấy rằng, vào thời điểm này, chính sách hình sự liên quan đến tội mua bán trẻ em đã có sự thay đổi đáng kể, thể hiện ở một số điểm sau:
- Thứ nhất, BLHS năm 1999 đã xác định lại khách thể xâm hại của tội mua bán trẻ em: Nếu BLHS năm 1985 quy định tội mua bán phụ nữ và tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em ở hai chương khác nhau với những khách thể xâm hại khác nhau, thì đến BLHS năm 1999, tội mua bán phụ nữ (Điều 119) và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120) đã cùng được đặt tại chương Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Như vậy, ở thời điểm này, nhận thức về khách thể bị xâm hại của tội mua bán trẻ em đã có sự thay đổi và các nhà làm luật cho rằng, khách thể bị xâm hại của tội danh này không chỉ là mối quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái hoặc sự phát triển lành mạnh của trẻ, mà quan trọng hơn đó chính là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, đặc biệt khi đối tượng bị xâm hại là trẻ em - đối tượng cần được bảo vệ đặt biệt.
- Thứ hai, chính sách xử lý của BLHS năm 1999 nghiêm khắc hơn so với BLHS năm 1985: BLHS năm 1999 đã tăng mức hình phạt đối với người thực hiện hành vi mua bán trẻ em so với BLHS năm 1985. Theo đó, khung hình phạt cơ bản từ 01 năm đến 07 năm của BLHS năm 1985 đã được nâng lên là từ 03 năm đến 10 năm của BLHS năm 1999, đồng thời, với trường hợp phạm tội có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự thì hình phạt của BLHS năm 1999 là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân thay vì khung hình phạt từ 05 năm đến 20 năm của BLHS năm 1985. Đồng thời, BLHS năm 1999 đã bổ sung một số hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người phạm tội này, gồm phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đòng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
- Thứ ba, BLHS năm 1999 đã bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự: so với BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “vì động cơ đê hèn”, “để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo” và “để sử dụng vào mục đích mại dâm”.
2.1.3.2. Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009
Để sửa đổi, bổ sung một số vấn đề mang tính cấp bách trước mắt nhất nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tại thời điểm này, vào năm 2009, BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó có Điều 119 về tội mua bán người và Điều 120 về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
a) Tội mua bán người (Điều 119)
Theo quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì người nào mua bán người sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Phạm tội trong trường hợp có một trong các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: (i) vì mục đích mại dâm; (ii) có tổ chức; (iii) có tính chất chuyên nghiệp; (iv) để lấy bộ phận cơ thể nạn nhân; (v) để đưa ra nước ngoài; (vi) đối với nhiều người;
(vii) phạm tội nhiều lần, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 20 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Để áp dụng thống nhất quy định tại Điều 119 về tội mua bán người, liên nghành Tòa án, Kiểm sát, Công an, Tư pháp, Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 hướng dẫn
việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Theo đó, hành vi mua bán người quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa, bao gồm một trong các hành vi: (i) Bán người cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; (ii) Mua người để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; (iii) Dùng người như là tài sản để trao đổi, thanh toán; (iv) Mua người để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì các mục đích trái pháp luật khác.
Như vậy, với quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP- BTP ngày 23/7/2013 thì dấu hiệu pháp lý của tội phạm này là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác như vàng, bạc, ngoại tệ,… trao đổi, mua, bán người như một thứ hàng hóa. Khi thực hiện hành vi mua bán người thì người bị mua bán có thể biết hoặc là không biết là mình bị mua, bán. Người bị mua bán có thể là đồng ý hoặc không đồng ý với việc mua, bán bản thân mình. Người phạm tội có thể là người mua, có thể là người bán hoặc có thể họ vừa là người mua, vừa là người bán.
b) Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120)
Theo quy định tại Điều 120 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào thì sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc trường hợp có một trong các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: (i) có tổ chức; (ii) có tính chất chuyên nghiệp; (iii) vì động cơ đê hèn; (iv) đối với nhiều trẻ em; (v) để lấy bộ phận cơ thể nạn nhân; (vi) để đưa ra nước ngoài; (vii) để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; (viii) để sử dụng vào mục đích mại dâm; (ix) tái phạm nguy hiểm; (x) gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
Tương tự như với tội mua bán người, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP BTP ngày 23/7/2013 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em đã hướng dẫn cụ thể về hành vi mua bán trẻ em, theo đó, mua bán trẻ em quy định tại Điều 120 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa, bao gồm một trong các hành vi:(i) Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuốc vào mục đích của người mua; (ii) Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; (iii) Dùng trẻ em như là tài sản để trao đổi, thanh toán; (iv) Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì các mục đích trái pháp luật khác.
Như vậy, có thể thấy rõ rằng, quy định về tội mua bán người và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em tại BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sug năm 2009) đã có những thay đổi nhất định so với quy định của BLHS năm 1999. Điều này thể hiện ở một số điểm lớn sau:
Một là, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã mở rộng hơn phạm vi đối tượng cần được bảo vệ khỏi hành vi mua bán người so với BLHS năm 1999. Theo đó, nếu Điều 119 BLHS năm 1999 quy định tội mua bán phụ nữ, tức là đối tượng cần bảo vệ của tội phạm này chỉ là phụ nữ từ đủ 16 tuổi trở lên thì Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã mở rộng đối tượng cần được bảo vệ của tội phạm này là cả nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên với tên tội danh là tội mua bán người. Như vậy, đối tượng bị mua bán được BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định không chỉ là phụ nữ mà là con người nói chung.
Hai là, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự: bên cạnh những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự mà BLHS năm 1999 đã quy định đối với hai tội danh này thì BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” vào tội mua bán người (điểm d khoản 2 Điều 119 BLHS) và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (điểm đ khoản 2 Điều 120 BLHS) cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
2.2. Quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi
BLHS năm 2015 quy định 02 tội danh liên quan đến mua bán người, đó là tội mua bán người tại Điều 150 và tội mua bán người dưới 16 tuổi tại Điều 151.
2.2.1. Dấu hiệu định tội của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi
2.2.1.1. Tội mua bán người (Điều 150)
Theo quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015, để cấu thành tội mua bán người thì cần có đầy đủ 03 dấu hiệu, gồm: (1) thủ đoạn; (2) hành vi và (3) mục đích.
(1) Về thủ đoạn: dấu hiệu về thủ đoạn của tội mua bán người gồm một trong các thủ đoạn sau:
- Dùng vũ lực: được hiểu là dùng sức mạnh thể chất tác động lên thân thể của người khác như trói, giữ chân tay; đánh, tát,... để họ không thể kháng cự được và bị buộc phải thực hiện theo mọi mệnh lệnh, yêu cầu của người dùng vũ lực.
- Đe doạ dùng vũ lực: là dùng lời nói, cử chỉ, thái độ, hành động làm cho người bị đe dọa có căn cứ tin rằng nếu họ không thực hiện theo lời nói, hướng dẫn của người đe doạ thì tính mạng, sức khoẻ của họ hoặc người thân của họ sẽ bị xâm phạm. Hành vi đe doạ có thể được thể hiện trực tiếp với người bị đe dọa hoặc gián tiếp như qua thư tín, điện thoại, internet, qua người khác... Trong khi thực hiện hành vi đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc uy hiếp tinh thần, người phạm tội lợi dụng tâm lý lo sợ của người bị đe dọa để ép họ thực hiện các yêu cầu của mình. Để đánh giá người bị đe dọa ở trạng thái tâm lý thế nào, cần phải căn cứ vào nội dung, hình thức và mức độ đe dọa, thời gian, hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa đó xảy ra, tương quan giữa người phạm tội và người bị đe dọa.
- Lừa gạt: thông qua hành động hoặc lời nói để người bị lừa gạt tin tưởng rằng những gì mà người lừa gạt nói là sự thật và từ đó làm theo những gì mà họ nói, ví dụ như hứa hẹn sẽ tìm cho họ một công việc nhàn hạ, có thu nhập cao hoặc hứa hẹn đưa họ đi lấy chồng giàu có… để họ đồng ý thực hiện theo yêu cầu của mình.
- Dùng bất cứ thủ đoạn nào khác: là không phải một trong ba thủ đoạn nêu trên mà là những thủ đoạn khác như: bắt cóc, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hoặc đầu độc nạn nhân, lợi dụng tình trạng quẫn bách của nạn nhân (như lợi dụng tình trạng nạn nhân có người thân bị bệnh hiểm nghèo, cần nhiều tiền để chữa trị ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng) để nạn nhân đồng ý thực hiện theo yêu cầu của mình. Như vậy, trong những trường hợp này, sự chấp thuận của nạn nhân là không có ý nghĩa và không được sử dụng sự chấp thuận này như lời biện hộ cho người phạm tội, kể cả khi có bằng chứng cho rằng nạn nhân đồng ý với việc bị mua bán thì người phạm tội cũng không thể đưa lý do bảo vệ mình rằng nạn nhân đã “đồng ý” với việc bị mua bán.
(2) Về hành vi: Dấu hiệu về hành vi của tội phạm mua bán người gồm một trong 05 hành vi sau:
- Chuyển giao người;
- Tiếp nhận người;
- Tuyển mộ người;
- Vận chuyển người;
- Chứa chấp người.
(3) Về mục đích: Mục đích của tội mua bán người sẽ là khác nhau phụ thuộc vào từng hành vi cụ thể:
* Đối với hành vi chuyển giao người hoặc tiếp nhận người sẽ gắn với một trong các mục đích sau:
- Để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác: người thực hiện hành vi chuyển giao người sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp thu được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác như nhận được một khoản tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ), tài sản (vàng, bạc, kim khí quý, đá quý), các loại động sản (như ô tô, tàu thuyền…), bất động sản (như quyền sở hữu nhà, đất…) hoặc lợi ích vật chất khác (tiền thu được hàng tháng thông qua chia lợi nhuận, các chuyến du lịch trong và ngoài nước, được chữa bệnh, làm đẹp, được chơi thể thao không mất phí…). Người thực hiện hành vi tiếp nhận người sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trên.
- Để bóc lột tình dục: ép buộc nạn nhân phải bán dâm hoặc đưa họ vào các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm hoặc sử dụng họ để sản xuất các ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục, phục vụ nhu cầu tình dục cho một người hoặc nhiều người.
- Để cưỡng bức lao động: ép buộc nạn nhân phải lao động trái ý muốn, buộc họ làm những công việc mà họ không muốn làm.
- Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: như lấy đi một quả thận, một phần của lá gan, giác mạc…; hoặc
- Vì mục đích vô nhân đạo khác, như sử dụng nạn nhân làm các thí nghiệm, lấy máu, ép buộc mang thai, ép buộc đi ăn xin, sử dụng nạn nhân vào việc thực hiện tội phạm như lừa đảo, trộm cắp, buôn bán, vận chuyển ma tuý…
* Đối với hành vi tuyển mộ người, vận chuyển người hoặc chứa chấp người sẽ gắn với một trong các mục đích sau:
- Để chuyển giao người nhằm giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Để tiếp nhận người nhằm giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Như vậy, với 03 hành vi là tuyển mộ người, vận chuyển người và chứa chấp người sẽ có đồng thời 02 loại mục đích, đó là mục đích trực tiếp và mục đích gián tiếp. Mục đích trực tiếp là nhằm chuyển giao người hoặc tiếp nhận người, nhưng đi cùng với mục đích trực tiếp đó là mục đích gián tiếp, đó là để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Trường hợp người thực hiện một trong 03 hành vi tuyển mộ người, vận chuyển người hoặc chứa chấp người chỉ nhằm mục đích trực tiếp là chuyển giao người hoặc tiếp nhận người, mà không có mục đích gián tiếp đi cùng thì sẽ không cấu thành tội mua bán người, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ cấu thành tội phạm khác với vai trò chính phạm hoặc đồng phạm, như tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157); tội môi giới mại dâm (Điều 328); tội chứa mại dâm (Điều 327); tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348); tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349); tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 350) hoặc thuộc trường hợp vi phạm pháp luật khác như môi giới kết hôn trái pháp luật, cho nhận con nuôi trái pháp luật…
Với những phân tích trên thì để cấu thành tội mua bán người bắt buộc phải có đầy đủ 03 dấu hiệu: dấu hiệu về thủ đoạn, dấu hiệu về hành vi và dấu hiệu về mục đích. Với mỗi dấu hiệu pháp lý này chỉ đòi hỏi thuộc một trong các trường hợp nêu trên thuộc từng dấu hiệu là đủ. Ví dụ: với dấu hiệu về thủ đoạn thì chỉ cần có một trong các thủ đoạn như dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc lừa gạt hoặc lợi dụng tình trạng quẫn bách của nạn nhân; với dấu hiệu hành vi chỉ cần thực hiện một trong các hành vi chuyển giao người hoặc tiếp nhận người hoặc tuyển mộ người hoặc vận chuyển người hoặc chứa chấp người; với dấu hiệu mục đích thì chỉ cần có một trong các mục đích là để lấy tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục hoặc để cưỡng bức lao động hoặc để lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác phù hợp với từng loại hành vi cụ thể.
Như vậy, theo quy định của BLHS năm 2015, người nào dùng thủ đoạn thực hiện một trong các hành vi như tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người khác để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người. Trong khi đó, theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người thực hiện một trong các hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò người đồng phạm trong vụ án mua bán người nếu họ không phải là người trực tiếp thực hiện hành vi mua bán người; trường hợp hành vi mua bán người chưa xảy ra thì người thực hiện một trong các hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người khác cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.2.1.2. Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151)
Điểm khác biệt duy nhất thể hiện ngay ở tên gọi của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi đó chính là đặc điểm về độ tuổi của nạn nhân bị mua bán. Đối với tội mua bán người thì nạn nhân là những người từ đủ 16 tuổi trở lên, còn đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi thì nạn nhân là những người chưa đủ 16 tuổi. Chính điểm khác biệt về nạn nhân của tội phạm dẫn tới khác biệt duy nhất về dấu hiệu định tội của tội phạm này với tội phạm mua bán người. Theo đó, nếu cấu thành cơ bản của tội mua bán người đòi hỏi phải có đầy đủ 03 dấu hiệu về thủ đoạn, hành vi và mục đích thì với tội mua bán người dưới 16 tuổi, để cấu thành nên tội danh này, Điều 151 BLHS năm 2015 chỉ đòi hỏi phải có đủ 02 dấu hiệu, đó là: (1) dấu hiệu về hành vi và (2) dấu hiệu về mục đích, với lập luận cho rằng, người dưới 16 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, các em trong lứa tuổi này không thể đưa ra những phán xét hoặc những quyết định đúng đắn. Hai dấu hiệu định tội này của tội mua bán người dưới 16 tuổi được quy định giống hoàn toàn với tội mua bán người đã được phân tích tại tiểu mục 2.2.1.1 nên trên. Tuy nhiên, đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi thì có 02 vấn đề cần lưu ý sau:
- Một là, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 151 thì riêng đối với hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi, nếu người thực hiện một trong hai hành vi này có mục đích trực tiếp là để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhưng kèm theo đó họ có mục đích gián tiếp là vì mục đích nhân đạo, như: một người thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn nhiều năm hoặc có lòng yêu trẻ), đã được môi giới để xin con nuôi của người có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con và muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có giao hoặc nhận một khoản tiền từ việc cho, nhận con nuôi thì sẽ không bị coi là thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác tại điểm a khoản 1 Điều 151 và trường hợp này sẽ không cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi. Chính vì thế, điểm a khoản 1 Điều 151 BLHS năm 2015 khi quy định một trong các cấu thành của tội phạm này là “chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” đã có quy định loại trừ là“trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo”.
Mặc dù quy định trường hợp vì mục đích nhân đạo mà thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 151 BLHS năm 2015 là xuất phát từ thực tiễn cuộc sống khi có những hoàn cảnh gia đình sinh nhiều con mà không có khả năng nuôi dưỡng, trong khi có những gia đình hiếm muộn, họ mong muốn tìm được một người con nuôi nên đã nhờ người tìm giúp và đã đưa cho người đó cũng như cha mẹ của đứa trẻ một khoản tiền gọi là “bồi dưỡng”. Tuy nhiên, nếu đặt quy định này trong tổng thể các quy định khác của hệ thống pháp luật, đặc biệt là quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, pháp luật về hôn nhân gia đình thì thấy rằng, quy định này của Điều 151 BLHS năm 2015 chính là kẽ hở của pháp luật dễ bị lợi dụng. Bởi cùng với các quy định của BLHS, hệ thống pháp luật của chúng ta còn có Luật Hôn nhân và Gia đình khi quy định cụ thể về quan hệ cha mẹ và con cái, những quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con cái và ngược lại; Luật Nuôi con nuôi quy định cụ thể, rõ ràng các điều kiện cũng như trình tự, thủ tục của việc cho, nhận con nuôi. Mọi trường hợp cho, nhận con nuôi cần phải tuân thủ các quy định của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành thì mới được coi là hợp pháp và ngược lại, nếu không tuân thủ các quy định này thì việc cho, nhận con nuôi đều là trái pháp luật. Nghiên cứu sinh cho rằng, quy định loại trừ tại điểm a khoản 1 Điều 151 BLHS dễ tạo ra cách hiểu lầm rằng, những trường hợp cho, nhận con nuôi không tuân thủ các quy định của Luật Nuôi con nuôi cũng được pháp luật chấp nhận. Đây chính là kẽ hở rất dễ bị lợi dụng bởi những đối tượng xấu khi muốn biện minh cho hành vi mua bán người dưới 16 tuổi của mình.
- Hai là, đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi, Điều 151 BLHS không đòi hỏi người thực hiện hành vi mua bán người phải biết được nạn nhân là người chưa đủ 16 tuổi. Theo đó, trong mọi trường hợp, nếu người thực hiện hành vi mua bán người mà nạn nhân được xác định là người dưới 16 tuổi thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Trường hợp xác định nạn nhân là người từ đủ 16 tuổi trở lên thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người nếu có đầy đủ dấu hiệu cấu thành của tội phạm này. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi hay tội mua bán người cần phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội. Trường hợp người phạm tội không biết nạn nhân là người dưới 16 tuổi mà cho rằng họ đã trên 16 tuổi thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người nếu có đầy đủ dấu hiệu cấu thành của tội phạm này, nếu không sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghiên cứu sinh cho rằng, quan điểm này sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trước nạn mua bán người, mua bán trẻ em khi loại tội phạm này đã trở thành vấn nạn toàn cầu, là một trong những loại tội phạm phi truyền thống nguy hiểm nhất xâm phạm tới quyền cơ bản của con người, đó là quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm. Bên cạnh đó, nếu việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh nào phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội về độ tuổi của nạn nhân sẽ dẫn tới tình trạng người phạm tội luôn cho rằng họ không biết nạn nhân là người chưa đủ 16 tuổi (trừ một số trường hợp quá rõ ràng), bởi với điều kiện phát triển về thể lực như hiện nay thì nhiều trẻ em ở độ tuổi từ 13 tuổi đến gần 16 tuổi sẽ có vẻ bề ngoài như những người đã đủ 16 tuổi trở lên. Chính vì thế, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội về độ tuổi của nạn nhân mà chỉ phụ thuộc vào sự thật khách quan như quy định tại Điều 151 BLHS là hoàn toàn chính đáng.
2.2.1.3. Phân biệt tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với một số tội danh khác của Bộ luật hình sự
Qua phân tích các dấu hiệu định tội của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi, có thể thấy rằng, hành vi khách quan của 02 tội phạm này có nhiều điểm tương đồng với một số tội phạm khác như tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154), tội cưỡng bức lao động (Điều 297), tội chứa mại dâm (Điều 327), tội môi giới mại dâm (Điều 328), tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348) hay tội tổ chức hoặc môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349) khi giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với các tội danh này đều xuất hiện một trong các hành vi tuyển mộ người, vận chuyển người, chứa chấp người, chuyển giao người hoặc tiếp nhận người. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa tội mua bán người với các tội danh này chính là ở mục đích của tội phạm. Để cấu thành tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi thì bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc mục đích vô nhân đạo khác mới chỉ dừng lại ở ý định, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội mà chưa được thực hiện trong thực tiễn. Trong khi đó, với các tội danh khác, thì việc bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hay lấy bộ phận cơ thể nạn nhân phải đã được thực hiện trên thực tế mà không dừng lại ở trong mục đích, ý định của người phạm tội. Đây chính là đặc điểm quan trọng để phân biệt tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với các tội danh trên của BLHS năm 2015. Cụ thể:
- Với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154) và tội cưỡng bức lao động (Điều 297): để cấu thành nên một trong hai tội danh này thì việc lấy mô hoặc bộ phận cơ thể người hay việc cưỡng bức lao động phải đã được thực hiện trong thực tế mà không còn nằm trong ý định, mục đích của người phạm tội như với tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi. Trường hợp vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người phạm tội chưa lấy được mô hoặc bộ phận cơ thể người của nạn nhân hoặc chưa cưỡng bức lao động đối với nạn nhân thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người hoặc của tội cưỡng bức lao động.
- Với tội chứa mại dâm (Điều 327): giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chứa mại dâm có điểm chung là đều có hành vi chứa chấp người. Tuy nhiên, với tội chứa mại dâm thì hành vi chứa chấp người là để thực hiện hành vi mua bán dâm, trong khi đó, với tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi thì hành vi chứa chấp người là để chuyển giao người đó cho một người hoặc nhóm người khác và người chứa chấp biết được mục đích của người tiếp nhận nạn nhân là để bóc lột tình dục (cưỡng ép bán dâm), nhưng hành vi bóc lột tình dục (cưỡng ép bán dâm) chưa xảy ra trên thực tế mà mới chỉ ở mục đích, ý định của người tiếp nhận người. Như vậy, với tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chứa mại dâm thì vấn đề bóc lột tình dục, mà cụ thể là cưỡng ép bán dâm đều nằm trong ý định, mục đích của người phạm tội. Nhưng điểm khác biệt giữa hai tội danh này chính là mục đích bóc lột tình dục ở tội chứa mại dâm là mục đích trực tiếp của người thực hiện hành vi chứa chấp người, còn với tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi thì mục đích bóc lột tình dục chỉ là mục đích gián tiếp, bởi người thực hiện hành vi chứa chấp người là để nhằm mục đích trực tiếp là chuyển giao người và sau đó mới là để bóc lột tình dục. Mặc dù vậy, để phân định rạch ròi giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với tội chứa mại dâm cũng là vấn đề khó khăn trong thực tiễn khi hành vi khách quan của cả hai tội danh này đều là chứa chấp người và bóc lột tình dục đều là mục đích của hành vi phạm tội.
- Với tội môi giới mại dâm (Điều 328): giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội môi giới mại dâm có cùng điểm chung đó là hành vi tìm kiếm, dụ dỗ, dẫn dắt người. Tuy nhiên, với tội môi giới mại dâm thì người thực hiện hành vi tìm người, dụ dỗ, dẫn dắt người là để bán dâm hoặc mua dâm và thông thường, người bán dâm và người mua dâm đều biết trước và đồng ý với việc mình sẽ mua dâm và bán dâm. Trong khi đó, đối với tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi thì người bị dụ dỗ, bị dẫn dắt không hề biết trước về mục đích của người dụ dỗ, dẫn dắt mà họ bị lừa gạt, đồng thời, việc ép buộc nạn nhân bán dâm chưa xảy ra trên thực tế mà chỉ dừng lại ở mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội này.
- Với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348) và tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349): giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép và tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép có nhiều biểu hiện của hành vi khách quan tương đồng nhau, như cùng có hành vi vận chuyển người, chuyển giao người hoặc đưa người vượt qua biên giới quốc gia với mục đích là thu tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tuy nhiên, giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép và tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép có hai điểm khác biệt rõ rệt để làm căn cứ phân biệt, đó là (i) sự đồng thuận của nạn nhân và (ii) mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội.
(i) Sự đồng thuận của nạn nhân: nạn nhân hay người bị hại của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348) và tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349) luôn đồng ý trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện về việc đưa mình xuất cảnh, nhập cảnh hoặc trốn đi nước ngoài, hay nói cách khác, người bị hại hoàn toàn tình nguyện, mong muốn và thậm chí bỏ ra một khoản tiền để được người khác tổ chức cho họ xuất cảnh, nhập cảnh trái phép (Điều 348) hoặc trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349). Trong khi đó, với tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi thì các nạn nhân hoàn toàn không biết về việc mình bị mua bán và không đồng ý về việc bị mua bán hoặc nếu ban đầu họ có đồng ý thì sự đồng ý này là vô nghĩa vì nó đạt được bằng sự cưỡng ép, lừa gạt, dụ dỗ hoặc các hành động lạm dụng của những kẻ mua bán người.
(ii) Mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội: Người thực hiện hành vi mua bán người (Điều 150), mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348) hay tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349) đều có chung mục đích là thu được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tuy nhiên, với người thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348) và hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349) thì đây là mục đích duy nhất của họ và họ chỉ quan tâm đến việc đưa người khác đến địa điểm đã được hai bên thoả thuận trước mà không quan tâm đến việc sau đó người này sẽ đi đâu và làm gì. Trong khi đó, người thực hiện hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi thì ngoài mục đích thu được tiền hoặc lợi ích vật chất khác, họ còn có mục đích khác nữa là bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Vì thế, sau khi đưa nạn nhân qua biên giới nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nạn nhân sẽ tiếp tục bị khống chế để bóc lột theo một số phương thức khác nhau để tạo ra những nguồn lợi nhuận bất hợp pháp cho những kẻ mua người (bán dâm, làm nô lệ tình dục, bóc lột sức lao động, bán bộ phận cơ thể…).
Theo: Lê Thị Vân Anh
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1bAJCIP8lEBJjb5g5cSJq6ExZ7fNcQoTC/edit