MỘT SỐ BẤT CẬP, HẠN CHẾ CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 QUY ĐỊNH VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI, MUA BÁN NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI
2.1.1. Một số bất cập, hạn chế của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi
Có thể thấy rằng, quy định tại Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 đã khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế của Điều 119 và Điều 120 của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Điều này thể
125 Bộ Công an, (2018), Báo cáo số 358/BC-BCA-C02 về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật phòng, chống mua bán. Người. năm 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017, hiện ở một số điểm như: (i) Cấu thành tội phạm được mô tả rõ ràng, cụ thể hơn và tạo thuận lợi cho việc xác định chính xác tội danh cũng như phân định rõ ràng giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với một số tội danh khác của BLHS có cấu thành tương tự. Đồng thời, cũng phân định rạch ròi hơn giữa trường hợp phạm tội mua bán người, phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi với một số trường hợp vi phạm pháp luật khác như môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép, môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật hoặc đưa người đi lao động nước ngoài trái pháp luật; (ii) Tiệp cận gần hơn với các yêu cầu của chuẩn mực quốc tế về hình sự hóa hành vi buôn bán người, buôn bán trẻ em mà LHQ đặt ra với các quốc gia thành viên; (iii) Phân hoá trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi phạm tội một cách rõ ràng, minh bạch hơn, đảm bảo chính sách xử lý phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; và (iv) Chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh với tội phạm này trong thời gian qua, phù hợp với xu hướng phát triển của loại tội phạm này.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, phân tích các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm của một số quốc gia và vùng lãnh thổ, phân tích, đánh giá bản chất, đặc điểm, các dấu hiệu pháp lý của hai tội danh này thì có thể thấy rằng, quy định của BLHS năm 2015 về tội mua bán người tại Điều 150 và tội mua bán người dưới 16 tuổi tại Điều 151 vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế nhất định cần tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này trong thời gian tới. Thể hiện ở một số khía cạnh sau:
2.1.1.1. Chưa hoàn toàn tương thích, phù hợp với chuẩn mực quốc tế
Mặc dù quy định của BLHS năm 2015 về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các yêu cầu của chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là tiệp cận rất gần với các yêu cầu mà NĐT về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đặt ra cho các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, khi phân tích, so sánh cụ thể các quy định của BLHS năm 2015 với các yêu cầu của NĐT thì quy định của BLHS năm 2015 vẫn còn những điểm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của pháp luật quốc tế. Đó là: (i) quy định tại cấu thành tội phạm của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 có phần hẹp hơn so với yêu cầu của NĐT khi điểm c khoản 1 Điều 150 và điểm c khoản 1 Điều 151 BLHS quy định hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người để nhằm mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận người mới được coi là hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, còn trường hợp thực hiện hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột như quy định tại NĐT lại không được coi là hành vi mua bán người và (ii) quy định về độ tuổi nạn nhân bị mua bán là trẻ em tại Điều 151 BLHS năm 2015 là những người dưới 16 tuổi, trong khi pháp luật quốc tế quy định độ tuổi nạn nhân bị mua bán là trẻ em phải là những người dưới 18 tuổi.
2.1.1.2. Chưa quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151)
Theo quy định của BLHS năm 2015 thì chủ thể của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi chỉ là cá nhân. Mặc dù, trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm 2015, nhưng theo quy định tại Điều 76 BLHS thì pháp nhân thương mại chỉ là chủ thể của 33 tội danh cụ thể, tập trung vào ba nhóm tội phạm gồm: nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (22 tội danh); nhóm các tội phạm về môi trường (09 tội danh) và nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (02 tội danh). Như vậy, theo quy định của BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi. Trong khi đó, tội mua bán người, tội mua bán trẻ em có đặc trưng nổi bật của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trong khu vực cũng như trên thế giới, nhiều quốc gia và vũng lãnh thổ đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với loại tội phạm này như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, như Hoa Kỳ, Canada, Australia, New Zealand… và đây cũng là một trong những yêu cầu của Công ước TOC đối với các quốc gia thành viên. Việc Việt Nam không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với loại tội phạm này sẽ dẫn tới khả năng chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong quá trình hợp tác quốc tế đấu tranh với loại tội phạm này do xung đột về pháp luật với các quốc gia và vùng lãnh thổ.
2.1.1.3. Chưa có sự phân hoá rõ ràng về trách nhiệm hình sự giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với một số tội phạm khác trong Bộ luật hình sự
Mặc dù những sửa đổi, bổ sung tại Điều 150 và Điều 151 của BLHS năm 2015 về tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi đã khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế trong việc phân biệt giữa hai tội danh này với một số tội danh khác của BLHS có cấu thành tương tự hoặc giữa hai tội danh này với một số hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, việc phân biệt giữa tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi với một số tội phạm khác của BLHS năm 2015 như đã nêu tại tiết 2.2.1.3 tiểu mục 2.2.1 mục này mới chỉ căn cứ vào cấu thành cơ bản của các tội phạm này. Tuy nhiên, nếu kết hợp phân tích các dấu hiệu cấu thành cơ bản và các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 150 và Điều 151 BLHS năm 2015 thì thấy rằng, ở cả hai điều luật, một số tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự lại có sự tương đồng với cấu thành cơ bản của một số tội danh khác tại BLHS, như tình tiết đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (khoản 3) dẫn tới chết người với tội giết người thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 hoặc với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người quy định tại Điều 154. Bên cạnh đó, giữa các tình tiết là dấu hiệu định tội và định khung hình phạt như “để bóc lột tình dục”, “để cưỡng bức lao động”, “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” và “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” của tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi chưa thống nhất trong cách quy định. Những vấn đề này dẫn tới khó khăn trong việc xác định chính xác tội danh cũng như quyết định chế tài áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời chưa đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong chính sách hình sự.
2.1.1.4. Chưa hoàn toàn phù hợp và thống nhất với một số đạo luật khác
Sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu quả, khả thi của mỗi quy định trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, một số quy định tại Điều 150 và Điều 151 BLHS vẫn chưa thực sự đảm bảo tính phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đó là:
(i) tình tiết “lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” tại cấu thành cơ bản cũng như tại khung tăng nặng trách nhiệm hình sự của Điều 150 và Điều 151 BLHS chưa thực sự phù hợp với quy định tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006; (ii) quy định “trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo” tại cấu thành cơ bản của tội mua bán người dưới 16 tuổi “chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo” chưa đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với pháp luật về Nuôi con nuôi và pháp luật về Hôn nhân và gia đình.
Những bất cập, hạn chế nêu trên của Điều 150 và Điều 151 BLHS năm 2015 sẽ được nghiên cứu sinh phân tích, đánh giá kỹ hơn, sâu sắc hơn tại mục 3.2 Chương 3 của Luận án này.
2.3. Thực tiễn xét xử tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
2.3.1. Khái quát tình hình xét xử tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
Theo thống kê của Toà án nhân dân tối cao thì trong giai đoạn 10 năm, từ năm 2011 đến năm 2020, hệ thống toà án nhân dân trên cả nước đã thụ lý 1.617 vụ án mua bán người, mua bán trẻ em với 3.141 bị cáo, trong đó có 1.152 vụ án là mua bán người và 465 vụ án là mua bán trẻ em. Trong tổng số vụ án mua bán người và mua bán trẻ em giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 đã được thụ lý thì số vụ án mua bán người, mua bán trẻ em đã được toà án nhân dân các cấp xét xử là 1.536 vụ với 2.919 bị cáo, trong đó có 1.106 vụ án mua bán người với 2.086 bị cáo và 430 vụ án mua bán trẻ em với 833 bị cáo. Trong giai đoạn 04 năm, từ năm 2011 đến năm 2014, số vụ án mua bán người, mua bán trẻ em và số bị cáo đều tăng qua từng năm, đặc biệt trong hai năm 2012 và năm 2013 số vụ án mua bán người, mua bán trẻ em và số bị cáo tăng mạnh, cụ thể năm 2012 tăng 21 vụ và 71 bị cáo so với 2011 và năm 2013 tăng 29 vụ và 34 bị cáo so với năm 2012. Từ năm 2015 đến năm 2017 thì số vụ án mua bán người, mua bán trẻ em và số bị cáo có giảm nhẹ. Riêng 03 năm 2018, 2019 và 2020, số vụ án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi mà hệ thống Toà án nhân dân trên cả nước đã xét xử có giảm rõ rệt, năm sau ít hơn năm trước, trung bình mỗi năm giảm 15 đến 16 vụ án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Có nhiều nguyên nhân của việc giảm liên tục số vụ án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi trong giai đoạn này, trong đó có hai nguyên nhân liên quan trực tiếp đến sự thay đổi của chính sách pháp luật khi kể từ ngày 01/01/2018, BLHS năm 2015 chính thức có hiệu lực pháp luật, đó là : (i) Một là, quy định về cấu thành cơ bản của tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung dẫn tới những thay đổi trong việc định tội danh đối với hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi; và (ii) Hai là, BLHS năm 2015 đã tách tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em tại Điều 120 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thành 03 tội danh độc lập, là tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152) và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153).
2.3.2. Thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
Trên cơ sở số liệu thống kê của Toà án nhân dân tối cao về từng tiêu chí cụ thể trong giai đoạn 10 năm đối với tội mua bán người và tội mua bán trẻ em, cùng với việc nghiên cứu 147 bản án mà Toà án nhân dân các cấp đã xét xử các bị cáo về tội mua bán người hoặc tội mua bán trẻ em/mua bán người dưới 16 tuổi, thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người, tội mua bán trẻ em có thể được phân tích, đánh giá như sau:
2.3.2.1. Thực tiễn định tội danh đối với tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
Định tội danh là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự nhằm xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp, chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được pháp luật hình sự quy định. Việc định tội danh đối với các tội phạm nói chung và tội mua bán người, tội mua bán trẻ em nói riêng đều cần thực hiện theo một quy trình chung để phân tích, đánh giá những hành vi mà người phạm tội thực hiện có phù hợp với cấu thành tội phạm của tội mua bán người hoặc tội mua bán trẻ em/mua bán người dưới 16 tuổi và các quy định khác của BLHS liên quan đến việc định tội danh đối với các tội phạm này hay không, từ đó đưa ra kết luận về tội danh mà người phạm tội đã thực hiện.
Qua nghiên cứu 147 vụ án đã được Toà án nhân dân các cấp đưa ra xét xử về tội mua bán người và tội mua bán trẻ em/mua bán người dưới 16 tuổi trong vòng 10 năm qua, có thể thấy thực tiễn định tội danh đối với tội mua bán người và tội mua bán trẻ em/mua bán người dưới 16 tuổi như sau:
(i) Trong số 147 vụ án được nêu tại Phụ lục 2 thì có 22 vụ án mua bán người có sự đồng thuận, tự nguyện hoàn toàn và đầy đủ của nạn nhân bị mua bán (số thứ tự từ 34 đến 55). Trong 22 vụ án này, nạn nhân đều là những phụ nữ đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Những bị cáo bị đưa ra xét xử trong 22 vụ án này không dùng bất cứ thủ đoạn nào để lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân, mà họ đều cho các nạn nhân biết là các nạn nhân sẽ bị đưa sang Trung Quốc để lấy chồng và sẽ có một khoản tiền để gửi về gia đình. Các nạn nhân nhận thức rõ và biết trước được hậu quả của việc bị bán là sang Trung Quốc lấy chồng nhưng họ hoàn toàn đồng tình và tự nguyện. Trong số 22 vụ án này thì có 21 vụ án xảy ra trước ngày 01/01/2018 và 01 vụ án xảy ra sau ngày 01/01/2018 (thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực). Với 21 vụ án xảy ra trước ngày 01/01/2018, cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để định tội danh đối với bị cáo, còn 01 vụ án xảy ra sau ngày 01/01/2018 (bản án số 154/2019/HS-ST ngày 31/10/2019), cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng BLHS năm 2015 để định tội danh bị cáo. Việc định tội danh đối với các bị cáo của 22 bản án này có một số đặc điểm sau:
- Việc 21 vụ án mua bán người xảy ra trước 01/01/2018 đã được các Toà án nhân dân áp dụng quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xét xử là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 là tất cả các điều khoản của BLHS năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018129. Theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì việc nạn nhân bị mua bán biết trước việc mình bị mua bán hoặc đồng tình với việc mình trở thành nạn nhân bị mua bán cũng không ảnh hưởng đến việc định tội danh mua bán người đối với bị cáo, bởi Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không đòi hỏi dấu hiệu về ý chí của nạn nhân bị mua bán tại cấu thành cơ bản của tội phạm, vì thế, việc nạn nhân có đồng thuận hay không đồng thuận với việc bị mua bán không có ý nghĩa trong việc định tội danh đối với bị cáo về tội mua bán người. Do đó, các bị cáo của 21 vụ án thuộc Phụ lục 2 của Luận án này đã bị Toà án xét xử về tội mua bán người quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là phù hợp với quy định của pháp luật, mặc dù các nạn nhân biết trước và hoàn toàn đồng tình, thậm chí là mong muốn được đưa sang Trung Quốc để lấy chồng. Tuy nhiên, do quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009) chưa thực sự rõ ràng dẫn đến việc định tội danh trong một số vụ án vẫn còn có quan điểm khác nhau.
Ví dụ tại vụ án Nguyễn Thị Hương và Trần Thị Nụ phạm tội mua bán người tại bản án số 67/2013/HSHT ngày 02/10/2013 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang. Theo nội dung bản án này thì Hương có em gái lấy chồng bên Trung Quốc nên thường xuyên sang Trung Quốc thăm em và biết cách làm các thủ tục, giấy tờ để đưa người sang Trung Quốc. Nguyễn Thị Hương đã cùng Trần Thị Nụ, thực hiện ba vụ mua bán người vào các năm 2011 và 2012. Cả ba vụ án này, các nạn nhân đều có mong muốn được sang Trung Quốc lấy chồng và đã nhờ Hương tìm cách đưa sang Trung Quốc để được lấy chồng. Khi sang đến Trung Quốc, các nạn nhân đã lấy được chồng, đều không bị đánh đập, ép buộc lao động, ép buộc bán dâm hoặc gánh chịu bất cứ hậu quả nào khác và hai trong số ba nạn nhân vẫn ở Trung Quốc. Những người chồng này đều trả cho Hương một khoản tiền nhất định. Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã kết luận hành vi của Nguyễn Thị Hương và Trần Thị Nụ đã cấu thành tội mua bán người quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Với vụ án trên, có thể thấy rằng, căn cứ vào quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội mua bán người tại Điều 119 thì việc Toà án định tội đối với Nguyễn Thị Hương và Trần Thị Nụ phạm tội mua bán người là hoàn toàn đủ căn cứ, cơ sở pháp lý và đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm khác nhau về vấn đề định tội danh trong vụ án này. Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của Nguyễn Thị Hương và Trần Thị Nụ chỉ đơn thuần là hành vi môi giới kết hôn với đàn ông Trung Quốc, vì các nạn nhân có mong muốn được lấy chồng Trung Quốc nên đã nhờ Hương và Nụ đưa sang và khi sang đến Trung Quốc thì đúng là họ được lấy chồng. Số tiền mà những người đàn ông Trung Quốc trả cho Hương thực chất là các khoản tiền “hoa hồng” hay còn gọi là tiền chi phí và tiền công đưa người sang. Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của Hương và Nụ đã đầy đủ yếu tố cấu thành tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 BLHS. Quan điểm thứ ba cho rằng, việc Toà án quyết định Hương và Nụ phạm tội mua bán người quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 là hoàn toàn chính xác, nhưng nếu Toà án kết án Hương và Nụ phạm tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 275 BLHS năm 1999 cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý.
Ví dụ trên chỉ là một vụ án điển hình trong số 22 vụ án được nêu tại Phụ lục 2 mà nạn nhân biết trước và đồng ý với việc bị mua bán, do vậy, có thể thấy rằng, quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội mua bán người dẫn tới khó phân biệt giữa hành vi mua bán người với một số hành vi phạm tội khác hoặc với những hành vi vi phạm pháp luật khác. Chính vì thế, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cấu thành cơ bản của tội mua bán người để giải quyết khó khăn, vướng mức trong việc định tội danh.
- Đối với 01 vụ án xảy ra sau ngày 01/01/2018 tại Phụ lục 2 (số thứ tự 37) - bản án số 154/2019/HS-ST ngày 31/10/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An - bị cáo Vi Thị H đã bị Toà án xét xử về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015 thì cần được suy nghĩ lại, bởi những lập luận mà Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra để quyết định tội danh đối với bị cáo chưa thực sự thuyết phục. Theo bản án này, Lô Thị H và Lô Thị Th muốn tìm việc làm nên đã hỏi Vi Thị H cho sang Trung Quốc làm việc. Vi Thị H nói với Lô Thị H và Lô Thị Th là sang Trung Quốc chỉ có lấy chồng, nếu hai chị đồng ý thì Vi Thị H sẽ đưa sang và sẽ cho Lô Thị H 80 triệu đồng và cho Lô Thị Th 100 triệu đồng khi hai người sang đến Trung Quốc. Cả H và Th đã đồng ý. Sau đó Vi Thị H gọi điện cho Lê Thị M đang ở Trung Quốc và M nói sẽ trả công cho H là 34 triệu đồng và trả cho hai gia đình Lô Thị H và Lô Thị Th mỗi nhà 102 triệu đồng. Vi Thị H đã đưa H và Th lên xe ô tô đi ra Móng Cái để sang Trung Quốc, nhưng xe chạy đến địa phận trị trấn A thì Vi Thị H bị cơ quan công an tỉnh Nghệ An phát hiện và bắt quả tang. Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An nhận định, hành vi của Vi Thị H đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của những người phụ nữ để đưa họ sang Trung Quốc bán nhằm thu lợi bất chính đã cấu thành tội mua bán người quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung là “đưa nạn nhân ra nước ngoài” và “đối với từ 02 người đến 05 người” tại điểm d và đ khoản 2 Điều 150.
Tuy nhiên, theo phân tích về dấu hiệu định tội của tội mua bán người tại tiểu mục 2.2.1.1 mục 2.2.1 của chương này thì để cấu thành nên tội mua bán người quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015 cần phải thoả mãn đầy đủ các yếu tố về khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm này. Nếu xét về mặt khách quan thì Điều 150 BLHS năm 2015 yêu cầu đầy đủ ba yếu tố là (i) thủ đoạn; (ii) hành vi và (iii) mục đích. Chỉ khi có đầy đủ ba yếu tố này ở mặt khách quan của tội phạm thì mới có thể cấu thành tội mua bán người. Tuy nhiên, trong vụ án này, Vi Thị H hoàn toàn không dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lừa gạt hoặc dùng bất cứ thủ đoạn nào khác đối với Lô Thị H và Lô Thị Th. Đồng thời, Vi Thị H đã nói rõ với Lô Thị H và Lô Thị Th là sang Trung Quốc lấy chồng và sẽ trả cho hai người một khoản tiền và được cả hai người đồng ý. Dù yếu tố về hành vi và mục đích của Vi Thị H đã thoả mãn với quy định tại Điều 150 BLHS, đó là Vi Thị H đang vận chuyển Lô Thị H và Lô Thị Th để nhằm lấy tiền qua việc đưa hai người sang Trung Quốc, nhưng yếu tố thủ đoạn không thoả mãn khi Vi Thị H không dùng bất cứ thủ đoạn nào với Lô Thị H và Lô Thị Th, trong khi đó hai người đều là những người đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi, khi được Vi Thị H nói là sẽ đưa sang Trung Quốc để lấy chồng, họ hoàn toàn nhận thức được việc mình sẽ bị đưa đi đâu và để làm gì, nhưng họ đồng ý. Như vậy, trường hợp này nếu vận dụng quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Vi Thị H thì hoàn toàn phù hợp, nhưng do vụ việc xảy ra vào tháng 5/2019 nên việc vận dụng quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015 để kết án đối Vi Thị H phạm tội mua bán người là chưa phù hợp với pháp luật, bởi những thay đổi về cấu thành tội phạm của tội mua bán người tại Điều 150 BLHS năm 2015 đã làm thay đổi cách thức định tội danh đối với hành vi phạm tội.
(ii) Trong tổng số 147 vụ án nêu tại Phụ lục 2, có 91 vụ án mua bán người đã được Toà án nhân dân các cấp xét xử (số thứ tự từ 56 đến 147) thì bị cáo đều sử dụng thủ đoạn để lừa gạt nạn nhân, mà chủ yếu là lừa gạt sang Trung Quốc tìm việc làm với mức lương cao hoặc sang Trung Quốc lấy chồng giàu sang… Tuy nhiên, mục đích của họ là bán các nạn nhân sang Trung Quốc để làm vợ những người đàn ông tàn tật, già yếu hoặc bán họ vào các tụ điểm mại dâm, khu khai thác khoáng sản…và thực tế khi sang Trung Quốc thì các nạn nhân bị ép buộc vào các ổ nhóm mại dâm và bị bắt buộc bán dâm, có người bị bán làm vợ cho những người đàn ông tật nguyền, người ốm đau, già yếu và họ bị bóc lột sức lao động hoặc bị ép phải phục vụ nhu cầu tình dục cho cả gia đình… Do vậy, đối với 91 vụ án này, Toà án nhân dân đã xét xử các bị cáo về tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hoặc BLHS năm 2015 là chính xác và phù hợp.
2.3.2.2. Thực tiễn quyết định hình phạt đối với tội mua bán người, tội mua bán trẻ em
Quyết định hình phạt là hoạt động rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, có vai trò quyết định sự đúng đắn, chính xác của bản án hình sự. Nếu hoạt động định tội danh nhằm làm rõ người thực hiện hành vi vi phạm có tội hay không có tội và nếu có tội thì phạm tội danh nào thì quá trình xem xét quyết định hình phạt chỉ ra mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, từ đó quyết định những biện pháp và hình phạt tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm mà hành vi phạm tội gây ra nhằm giáo dục, răn đe giúp người phạm tội cải tạo trở về với cộng đồng.
Quyết định hình phạt đối với tội mua bán người, tội mua bán trẻ em không nằm ngoại lệ của việc quyết định hình phạt đối với các tội phạm nói chung. Qua nghiên cứu 147 vụ án đã được Toà án nhân dân các cấp đưa ra xét xử về tội mua bán người và tội mua bán trẻ em/mua bán người dưới 16 tuổi trong vòng 10 năm qua, có thể thấy việc định quyết định hình phạt đối với người phạm tội mua bán người hoặc tội mua bán trẻ em/mua bán người dưới 16 tuổi như sau:
(i) Trong số 147 vụ án mua bán người, mua bán trẻ em/mua bán người dưới 16 tuổi được nêu tại Phụ lục 2 thì có 36 vụ án (tại các số thứ tự 2, 3, 4, 5, 8, 9, 10, 16, 18, 34, 35, 36, 51, 56, 59, 61, 63, 64, 77, 84, 85, 89, 91, 94, 95, 96, 102, 109, 118, 119, 125, 133, 138, 142, 145 và 147) đều xảy ra trước ngày 01/01/2018 nhưng một số Toà án nhân dân đã áp dụng pháp luật không thống nhất khi quyết định hình phạt. Trong số 36 vụ án này, có một số vụ án, dù xảy ra trước ngày 01/01/2018 nhưng Toà án lại căn cứ hoàn toàn vào quy định của BLHS năm 2015 để xét xử và quyết định hình phạt vì cho rằng quy định của BLHS năm 2015 là quy định có lợi cho người phạm tội theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015, mà theo quy định của Nghị quyết số 41/2017/QH14 thì các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015 sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01/7/2016. Nhưng cũng có một số vụ án xảy ra trước ngày 01/01/2018, Tòa án nhân dân vận dụng quy định của BLHS năm 2015 để định tội, nhưng khi tuyên án thì Toà án lại vận dụng quy định của BLHS năm 1999 để quyết định hình phạt vì cho rằng quy định về hình phạt của BLHS năm 1999 có lợi hơn cho người phạm tội.
Như vậy, có thể thấy, việc xác định quy định có lợi cho người phạm tội để quyết định hình phạt đối với người phạm tội cũng cần được cân nhắc hết sức thận trọng để đảm bảo quyền vào lợi ích của người đó. Bởi theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015 thì quy định tại khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015 là quy định có lợi hơn cho người phạm tội vì khoản này quy định mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù, trong khi khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 quy định mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Nhưng nếu xét mức tối thiểu của khung hình phạt thì quy định tại khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015 lại là quy định không có lợi khi mức tối thiểu của khung hình phạt tại Điều này là 08 năm tù, trong khi mức tối thiểu của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 lại chỉ là 05 năm tù. Điều này cho thấy rằng, việc áp dụng pháp luật trong xét xử và quyết định hình phạt của một số Toà án chưa có sự thống nhất và như vậy sẽ ảnh hưởng nhất định tới việc quyết định hình phạt một cách công bằng trong các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em/mua bán người dưới 16 tuổi.
Ví dụ 1: vụ án Phạm Thị H phạm tội Mua bán người tại Bản án số 33/2018/HS- ST ngày 30/11/2018 của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình. Theo đó, tháng 2/2000, Phạm Thị H đã lừa gạt chị Trương Thị Hồng N sang Trung Quốc và đã bán chị cho một người đàn ông Trung Quốc để lấy 3.000 nhân dân tệ. Tháng 5/2000, chị N đã viết thư về cho gia đình tố cáo hành vi phạm tội của H và đến tháng 8/2018, Phạm Thị H bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt giữ tại Lạng Sơn. Ngày 30/11/2018, Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình đã xét xử Pham Thị H về tội “Mua bán phụ nữ” với tình tiết định khung tăng nặng là “để đưa ra nước ngoài” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999. Trong quá trình xét xử, Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình lập luận rằng, do khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 có quy định mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, cao hơn mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015 là 15 năm tù, vì thế, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, Toà án đã vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015 để xét xử và tuyên bị cáo phạm tội “Mua bán người” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 150. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt thì Toà án lại nhận định rằng, do mức khởi điểm của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 thấp hơn mức khởi điểm của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 150 BHLS năm 2015 (06 năm so với 08 năm), nên Toà án lại áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội để tuyên hình phạt đối với bị cáo Phạm Thị H là 06 (sáu) năm tù. Như vậy, mặc dù căn cứ vào quy định tại điểm d khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015 để xét xử và tuyên bị cáo phạm tội Mua bán người, nhưng khi quyết định hình phạt thì hình phạt đối với bị cáo Phạm Thị H thì Toà án lại không căn cứ vào khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015 mà lại căn cứ vào khoản 2 Điều 199 BLHS năm 1999 để tuyên phạt về hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
Ví dụ 2: Vụ án Cứ A C và Cứ A M phạm tội Mua bán người tại Bản án số 109/2019/HSST ngày 13/6/2019 của Toà án nhân dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Theo Bản án, năm 2012 Cứ A C và Cứ A M đã lừa gạt để đưa chị Vàng Thị S sang Trung Quốc bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Đến tháng 01/2019 chị Vàng Thị S trốn về Việt Nam và trình báo với cơ quan Công an. Ngày 13/6/2019, Toà án nhân dân huyện Mộc Châu mở phiên toà xét xử Cứ A C và Cứ A M. Toà án đã căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015 về tội Mua bán người với tình tiết định khung tăng nặng “đưa nạn nhân ra khỏi biên giới nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BHLS năm 2015 về các tình tiết giảm nhẹ để xét xử và quyết định hình phạt với Cứ A C và Cứ A M. Theo đó, Cứ A C và Cứ A M đều bị tuyên phạt 08 (tám) năm tù. Như vậy, trong trường hợp này, nếu Toà án nhân dân căn cứ vào quy định tại tại khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để quyết định hình phạt thì hình phạt áp dụng đối với Cứ A C và Cứ A M có thể chỉ là 05 (năm) năm tù.
(ii) Với 111 vụ án còn lại trong tổng số 147 vụ án tại Phụ lục 2 thì với những vụ án xảy ra trước ngày 01/01/2018, Toà án nhân dân đã căn cứ quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xét xử và quyết định hình phạt, đối với những vụ án xảy ra sau ngày 01/01/2018, Toà án nhân dân căn cứ quy định của BLHS năm 2015 để xét xử và quyết định hình phạt. Nhìn chung, việc quyết định hình phạt trong các vụ án này đều được Toà án nhân dân căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; vai trò của người phạm tội trong mỗi vụ án, những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự; các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điều luật và các quy định khác của BLHS như quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, vấn đề tổng hợp hình phạt của nhiều bản án…Vì thế, việc quyết định hình phạt tại các bản án này đã phản ánh đầy đủ tính nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi phạm.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số vụ án mà việc quyết định hình phạt của Toà án cũng chưa thực sự phù hợp và chưa có tính thuyết phục. Ví dụ, vụ án Nguyễn Thị Kim Ngân và A Kim (Kim Eng Hoe) tại bản án số 20/2017/HS-ST ngày 17/8/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh (số thứ tự 94 tại Phụ lục 2). Qua đánh giá toàn bộ vụ án, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã nhận định về tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo. Theo đó, đối với bị cáo Nguyễn Kim Ngân, là người trực tiếp bàn bạc với A Kim, A Gỗ về việc đưa phụ nữ Việt Nam sang Malaysia làm việc tại quán bar của A Gỗ để nhận tiền công từ A Gỗ, vì thế Ngân có vai trò chủ yếu trong việc tuyển mộ, vận chuyển và chuyển giao các cô gái và nhận tiền. Do đó, bị cáo Ngân phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Đối với bị cáo A Kim, là người nước ngoài cùng với A Gỗ chỉ tiếp nhận các cô gái sang Malaysia và đưa vào quán bar ép bán dâm. Vì thế, A Kim phạm tội với vai trò tiếp nhận người và giúp sức cho bị cáo Ngân. Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng, nhưng có tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tác động gia đình để bồi thường một phần thiệt hại cho các nạn nhân. Trên cơ sở đó, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh căn cứ vào quy định tại các điểm a (vì mục đích mại dâm), điểm b (có tổ chức), điểm đ (để đưa ra nước ngoài), điểm e (đối với nhiều người) và điểm g (phạm tội nhiều lần) khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 tuyên phạt bị cáo Nguyễn Kim Ngân 05 năm tù và bị cáo A Kim 05 năm tù.
Nghiên cứu sinh nhận thấy, việc quyết định hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Kim Ngân và A Kim trong vụ án này còn nhiều băn khoăn. Một là, dù hai bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 và có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 (tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải), nhưng cả hai bị cáo đều bị truy tố ở khoản 2 là khoản tăng nặng trách nhiệm hình sự với 05/07 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, đó là vì mục đích mại dâm; có tổ chức; để đưa ra nước ngoài; đối với nhiều người và phạm tội nhiều lần. Trong khi đó, khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 là phạt tù từ 05 năm đến 20 năm. Như vậy, phạm tội thuộc trường hợp có tới 05 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự mà Toà án tuyên phạt các bị cáo mức án tối thiểu của khung hình phạt (05 năm tù) là không thoả đáng, chưa tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội dù các bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Hai là, Toà án nhận định vai trò của bị cáo Ngân và bị cáo A Kim là khác nhau, theo đó, bi cáo Ngân có vai trò chủ yếu (từ việc tìm người, tuyển mộ, lựa chọn người đến việc vận chuyển và chuyển giao các cô gái) và chịu trách nhiệm chính trong vụ án, bị cáo A Kim phạm tội với vai trò giúp sức cho bị cáo Ngân. Tuy nhiên, việc Toà án tuyên phạt bị cáo Ngân và bị cáo A Kim mức hình phạt như nhau (đều là 05 năm tù) có thể thấy là chưa thực sự phù hợp nếu xét tới vai trò của từng bị cáo trong vụ án.
Theo: Lê Thị Vân Anh
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1bAJCIP8lEBJjb5g5cSJq6ExZ7fNcQoTC/edit