HOẠT ĐỘNG GIẢI THÍCH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA TÒA ÁN CÁC NƯỚC THUỘC HỆ THỐNG THÔNG LUẬT VÀ D N LUẬT
3.1. Khái quát về hệ thống Thông luật, Dân luật và tòa án các nước thuộc hai hệ thống này
Phần này giới thiệu về hệ thống Thông luật và Dân luật đồng thời khái quát cấu trúc của hệ thống tòa án ở Anh, Mỹ và Úc đại diện cho các nước thuộc hệ thống Thông luật; Pháp, Đức và Ý đại diện cho hệ thống Dân luật. Việc giới thiệu này tập trung vào các tòa án ở cấp cao thay vì liệt kê chi tiết cấu trúc tòa án từng quốc gia với mục đích giúp cho người đọc dễ hiểu hơn hoạt động GTVBQPPL của tòa án trong quá trình trích dẫn và phân tích các bản án ở các nước này.
Thuật ngữ “Thông luật” hay “Common law” đề cập tới một hệ thống hay đúng hơn là một gia đình pháp luật trên thế giới, bao gồm hệ thống pháp luật của nước Anh và hệ thống pháp luật các nước chịu ảnh hưởng bởi pháp luật Anh như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand và Nam Phi… Xét về nguồn gốc, “common law” còn có nghĩa là luật chung hay thông luật được tạo ra bởi các thẩm phán nước Anh, là một bộ phận của hệ thống pháp luật Anh, phân biệt với luật của các giáo hội và đặc biệt là với luật thành văn.268 Trong luận án, thuật ngữ “common law” hay “thông luật” được hiểu theo hai nghĩa: là một gia đình hay hệ thống pháp luật trên thế giới để phân biệt với hệ thống Dân luật, đồng thời là một hình thức pháp luật do thẩm phán tạo ra, phân biệt với VBQPPL gọi là thông luật hay án lệ.
Trước khi án lệ hình thành, mỗi vùng của nước Anh tồn tại các tập quán khác nhau. Khi đó, thẩm phán Tòa án Hoàng gia Anh được phân công đi khắp các vùng để xét xử và khi trở lại trụ sở ở Westminster, họ trao đổi về kinh nghiệm xét xử, cách thức áp dụng tập quán địa phương. Bằng cách đó, Tòa án Hoàng gia đã tạo ra thông luật - một hình thức pháp luật thống nhất chung trong toàn Vương quốc Anh, giảm bớt sự khác biệt giữa áp dụng tập quán vùng miền.269 Như vậy, hệ thống Thông luật là hệ thống pháp luật có truyền thống từ tập quán và sau đó hình thành nên các án lệ, ra đời từ yếu tố sáng tạo pháp luật của các thẩm phán. Trong hệ thống này, án lệ đóng vai trò quan trọng làm cơ sở cho các phán quyết của tòa án, trong khi đó đến đầu thế kỉ XX, VBQPPL mới phát triển và không có tính pháp điển hóa cao. Nhìn chung, VBQPPL ở các nước này được giải thích theo một hệ thống thống nhất các quy tắc và các suy luận được thiết kế và sử dụng qua hàng thế kỉ bởi thẩm phán. Thẩm phán Thông luật thường đưa ra lý lẽ rất chi tiết làm cơ sở thuyết phục cho phán quyết của mình, các quan điểm ủng hộ và phản đối đều được ghi nhận rõ trong bản án.
Ở các nước thuộc hệ thống Thông luật, tòa án không phải là nhánh quyền lực thấp hơn hai nhánh còn lại. Với vai trò là người hợp tác với nghị viện, thẩm phán hiểu rằng một số luật thành văn đòi hỏi các phán quyết mang tính đánh giá lại và sáng tạo khác với việc chỉ nhận thức và áp dụng pháp luật đơn thuần. Hệ thống tòa án các nước Thông luật nhìn chung được tổ chức thành ba cấp, cấp thấp nhất là cấp sơ thẩm, cấp thứ hai đóng vai trò là cấp phúc thẩm trung gian, cấp thứ ba là tòa án tối cao có thẩm quyền đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ việc, cụ thể:
Vương quốc Anh có ba hệ thống pháp luật, hệ thống của Anh và xứ Wales; Bắc Ireland; và Scotland. Cao nhất trong hệ thống tòa án Anh là Tòa án tối cao Vương quốc Anh được thành lập vào tháng 10 năm 2009 thay thế cho Ủy ban tư pháp của Thượng nghị viện Anh (The house of Lords) để thực hiện chức năng xét xử. Tòa án tối cao Vương quốc Anh gồm 12 thẩm phán, xét xử bởi một hội đồng gồm ba hoặc năm thẩm phán, có quyền phúc thẩm các vấn đề dân sự, hình sự quan trọng nhất từ cả ba hệ thống, trừ các vụ án hình sự của Scotland vì Tòa án cấp cao ở Scotland (High Court of Justiciary) hoạt động như tòa phúc thẩm hình sự cuối cùng. Bên dưới Tòa án tối cao Vương quốc Anh có tòa án Phúc thẩm (Court of Appeal), Tòa án Cấp cao (High Court) và Tòa án Hoàng gia (Crown Court). Cấp thấp nhất trong hệ thống tòa án là Anh là tòa sơ thẩm (Magistrates’ Court), tòa hạt (County Court) và tòa gia đình (Family court) chịu trách nhiệm xét xử sơ thẩm lần lượt là phần lớn các vụ việc hình sự ít nghiêm trọng, các vụ việc dân sự và gia đình.
Hệ thống tòa án Úc cũng bao gồm hệ thống tòa án liên bang và tiểu bang, cao nhất là Tòa án tối cao Liên bang (The Hight Court) xét xử các tranh chấp về nghĩa của Hiến pháp liên bang, đưa ra các phán quyết cuối cùng về dân sự và hình sự. Dưới Tòa án tối cao liên bang có Tòa án liên bang xét xử các vấn đề khác nhau liên quan đến công ty, phá sản, thuế cũng như phúc thẩm các quyết định từ tòa án bên dưới. Thấp nhất trong hệ thống tòa án liên bang là Tòa án khu vực liên bang. Mỗi bang và vùng lãnh thổ đều có hệ thống tòa án riêng, cao nhất vẫn là Tòa án tối cao (Sumpreme court) của tiểu bang hay vùng lãnh thổ.
Hệ thống Dân luật là hệ thống pháp luật của các nước Châu Âu lục địa bao gồm Pháp, Đức, Ý và Áo... So với truyền thống Thông luật, truyền thống Dân luật chú trọng hình thức VBQPPL, chủ yếu nhất vẫn là các bộ luật do Nghị viện ban hành. Quá trình pháp điển hóa các bộ luật trong hệ thống Dân luật chịu ảnh hưởng lớn của Luật La Mã, cùng với vai trò quan trọng của các học giả trong việc xây dựng và giải thích các bộ luật tạo nên đặc trưng riêng của hệ thống này. Nếu ở các nước Thông luật tên tuổi trong lĩnh vực luật là thẩm phán thì ở các nước Dân luật đó là các học giả. Trong hệ thống Dân luật, VBQPPL có tính khái quát và trừu tượng cao, đặc biệt các bộ luật có đời sống pháp lý lâu dài nên thường lạc hậu và cần đến sự giải thích.
Ở các nước Dân luật, ý tưởng về sự hoàn chỉnh của pháp luật thông qua pháp điển hóa dẫn đến quan điểm giới hạn vai trò tư pháp nghiêm ngặt trong việc giải quyết các tranh chấp cụ thể. Công việc của thẩm phán chỉ đơn giản là xác nhận sự phù hợp giữa sự kiện với quy định được dự liệu bởi luật thành văn để có được giải pháp. Vì tư pháp không có quyền sáng tạo pháp luật nên án lệ dù được sử dụng nhưng không phải là hình thức pháp luật chính thức. Thẩm phán Dân luật nhìn chung có phong cách thể hiện ý kiến tư pháp ngắn gọn. Phán quyết tư pháp ở các nước này thể hiện quan điểm thống nhất của hội đồng xét xử, ý kiến bất đồng của các cá nhân thẩm phán chỉ mang tính nội bộ, không được đưa vào trong từng phán quyết. Vì vậy, trong quá trình phân tích các căn cứ hay phương pháp GTVBQPPL, tác giả luận án khó đưa ra các minh chứng rõ ràng, cụ thể giống như cách minh chứng trong hệ thống Thông luật.
Hệ thống tòa án Ý cũng được cấu trúc từ nhiều nhánh. Trong nhánh tòa án tư pháp thông thường thì Tòa phá án là tòa án tối cao, có trách nhiệm đảm bảo rằng luật tố tụng và luật nội dung được áp dụng đúng bởi tòa sơ thẩm và các tòa phúc thẩm trung gian.290 Bên cạnh tòa án thông thường, hệ thống tòa án Ý có các tòa án đặc biệt, quan trọng nhất là tòa án hành chính có chức năng xem xét tính chính đáng của quyết định và hành vi hành chính. Tòa án cao nhất trong nhánh tòa án hành chính là Hội đồng nhà nước (The Consiglio di Stato). Bên cạnh chức năng tư vấn, Hội đồng nhà nước chủ yếu phúc thẩm và đưa ra phán quyết cuối cùng về tính đúng đắn hay chính đáng của các VBQPPL trong lĩnh vực hành chính dưới danh nghĩa tòa án.291 Ngoài ra, Ý còn có Tòa án Hiến pháp với 15 thành viên có chức năng kiểm tra tính hợp hiến và tuyên vô hiệu đối với các luật thành văn vi hiến.
Đức là một quốc gia liên bang nhưng chỉ có một hệ thống tòa án được thiết lập theo chiều thẳng đứng, được chia làm ba cấp trong đó cấp cao nhất thuộc liên bang, 2 cấp còn lại thuộc bang. Cấp liên bang có năm tòa án cao nhất gồm Tòa án tư pháp tối cao liên bang xét xử các vụ dân sự và hình sự; Tòa án hành chính liên bang; Tòa án lao động liên bang; Tòa án xã hội liên bang và Tòa án tài chính liên bang. Các tòa án bên dưới của năm tòa này đều ở cấp bang. Tòa án Hiến pháp liên bang có vị trí đặc biệt và chỉ quyết định các vấn đề hiến pháp. Các bang cũng có tòa án Hiến pháp, độc lập với tòa án Hiến pháp liên bang nên Tòa án này không có quyền phúc thẩm bản án của Tòa án Hiến pháp bang.
Như vậy, cấu trúc hệ thống tòa án ở các nước Dân luật, cũng tương tự như cấu trúc tòa án các nước Thông luật, nhìn chung cũng được chia làm ba cấp: Sơ thẩm, phúc thẩm và tối cao. Tuy nhiên, tòa án tối cao của các nước thuộc hệ thống Dân luật thường không trực tiếp đưa ra phán quyết cuối cùng mà chỉ thực hiện vai trò “phá án” để chuyển cho tòa án cấp dưới xét xử lại. So với hệ thống Thông luật, hệ thống tòa án các nước Dân luật còn thể hiện ở sự tách riêng giữa hệ thống tòa án tư pháp và tòa án hành chính cũng như sự có mặt của Hội đồng Hiến pháp hay Tòa án Hiến pháp chuyên làm nhiệm vụ bảo hiến.
3.2. Thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật của tòa án các nước thuộc hệ thống Thông luật và Dân luật
Trong hệ thống VBQPPL của mỗi quốc gia, Hiến pháp có vị trí đặc biệt, là đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất nên thẩm quyền giải thích Hiến pháp thường tách biệt so với thẩm quyền GTVBQPPL khác. Trong các nước Thông luật được nghiên cứu thì nước Anh không có hiến pháp thành văn. Do phạm vi nghiên cứu của luận án chỉ giới hạn ở hoạt động giải thích đối với VBQPPL hay giải thích pháp luật thành văn, nên vấn đề giài thích hiến pháp Anh không được phân tích trong luận án này. Để thực hiện cơ chế bảo hiến, tòa án Anh vẫn giải thích Hiến pháp và đối với các luật vi hiến tòa án Anh sẽ đưa ra kiến nghị sửa đổi luật cho hợp hiến thay vì tuyên bố chúng vô hiệu.
Ở Mỹ, các tòa án đều có quyền giải thích Hiến pháp nhưng quyền cao nhất thuộc về Tòa án tối cao. Tuy nhiên, thẩm quyền giải thích Hiến pháp và tuyên bố luật vi hiến của Tòa án tối cao không được ghi nhận rõ trong Hiến pháp Mỹ. Qua vụ Marbury kiện Madison, chánh án John Marshall khẳng định rằng trách nhiệm của Tòa án tối cao trong việc tuyên bố luật vi hiến là hệ quả cần thiết của nhiệm vụ bảo hiến được thẩm phán tuyên thệ và lời tuyên thệ đó không thể được thực hiện bằng bất kỳ cách nào khác. Ngoài ra, từ các thảo luận của các nhà sáng lập Hiến pháp Mỹ tại các hội nghị đã cho thấy nghĩa gốc của quyền tư pháp đã bao gồm quyền giải thích Hiến pháp và quyền làm vô hiệu các luật vi hiến. Riêng ở Úc, Điều 76 Hiến pháp Liên bang Úc và Điều 30 Luật Tư pháp của Liên bang Úc đều ghi nhận rõ ràng rằng Tòa án tối cao có thẩm quyền giải thích hiến pháp.
Thẩm quyền giải thích các VBQPPL còn lại trừ Hiến pháp cũng được các nước Thông luật trao cho tòa án. Tuy nhiên, thẩm quyền này không được ghi nhận trực tiếp mà thường được nhận ra theo tập quán hoặc giải thích hiến pháp.
Theo Hiến pháp Anh, thẩm quyền để xác định nghĩa pháp lý của một quy định trong VBQPPL được trao cho nhánh tư pháp và Tòa án tối cao nước này có quyền đưa ra kết quả giải thích cuối cùng. Mặc dù không có sự phân chia quyền lực chính thức trong Hiến pháp Anh nhưng vẫn có thể nhận ra các cơ quan nắm giữ các nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước. Theo đó, tòa án có thẩm quyền tuyên bố nghĩa của luật (delare the law), luật là gì do Nghị viện quyết nhưng nghĩa của luật là gì do tòa án quyết
Trong khi đó, thẩm quyền giải thích hiến pháp ở Pháp, Đức và Ý đều thuộc về cơ quan bảo hiến chuyên trách. Cụ thể ở Pháp thì thuộc về Hội đồng Hiến pháp (The Conseil Constitutionel),306 ở Đức và Ý thuộc về các Tòa án Hiến pháp. Nếu ở Pháp vấn đề vi hiến không được đặt ra sau khi luật được ban hành thì ở Đức, không chỉ Tòa án Hiến pháp Đức, tất cả các tòa án khác ở Đức đều có quyền từ chối áp dụng các VBQPPL dưới luật ngày 27/10/2021).
Về thẩm quyền giải thích các VBQPPL còn lại trừ Hiến pháp, ở các nước Dân luật cũng tương tự như ở Mỹ và Úc, quyền này ở Đức thuộc về tòa án dù không có văn bản ghi nhận rõ ràng. Căn cứ để củng cố thẩm quyền này là tuyên bố của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức: “Trong giải thích và áp dụng pháp luật, đặc biệt đối với những điều khoản chung chung, tòa án phải xem xét đến những giá trị chuẩn mực của Luật cơ bản”. Theo đó, các tòa án Đức đều có thẩm quyền GTVBQPPL khi xét xử, nhưng giá trị pháp lý của kết quả giải thích còn phụ thuộc vào sự công nhận của tòa án cấp trên, cao nhất vẫn là Tòa án Hiến pháp Liên bang.
Ở Pháp, quyền GTVBQPPL dù không được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng vẫn thuộc về cả hai hệ thống Tòa án tư pháp và Tòa án hành chính và được phân biệt với hoạt động làm luật bởi quan điểm “Thẩm phán chỉ có thiên chức đọc luật, không được tạo ra luật”. Điều 5 Bộ luật Dân sự Pháp quy định trong quá trình giải quyết các vụ việc, thẩm phán không được tạo ra các quy tắc pháp lý chung. Tuy nhiên, theo Điều 4 của Bộ luật này thẩm phán từ chối phán quyết dựa trên lý do luật im lặng, mơ hồ, hoặc không đầy đủ thì có thể bị kết tội trì hoãn công lý. Như vậy, thẩm phán Pháp có nghĩa vụ giải thích Bộ luật Dân sự nhưng thông qua giải thích họ không được sáng tạo ra các quy tắc chung. có lập pháp mới có quyền làm luật cùng với niềm tin về sự hoàn hảo của các bộ luật nên GTVBQPPL của tòa án không còn là vấn đề quan trọng ở Ý và khi cần giải thích, thẩm phán sẽ được chỉ dẫn bởi các học thuyết. Sự thay đổi bắt đầu từ thế kỉ XVIII, khi niềm tin về sự hoàn thiện của luật thành văn không còn. Đặc biệt, từ năm 1865 vì nhiều phán quyết liên quan đến GTVBQPPL của các tòa án bị hủy, kết quả thường đảo ngược hoặc đi quá xa nên sự phân quyền theo tập quán truyền thống về GTVBQPPL được xem lại. Ngày nay, mặc dù không có quy định rõ ràng, Tòa án tư pháp tối cao Ý có vai trò kiểm tra tính đúng đắn, thống nhất trong áp dụng pháp luật của các tòa án bên dưới, giải quyết các câu hỏi pháp lý hoài nghi, thú vị và phức tạp liên quan đến GTVBQPPL.
Từ các phân tích trên, tác giả luận án nhận thấy tòa án các nước Thông luật và Dân luật đều có thẩm quyền giải thích Hiến pháp nhưng thẩm quyền này ở các nước Dân luật do cơ quan bảo hiến chuyên trách đảm nhiệm còn ở các nước Thông luật thường do tòa án tối cao đảm nhiệm. Ở cả hai hệ thống, thẩm quyền giải thích các VBQPPL còn lại trừ hiến pháp đều thuộc về tòa án nhưng không phải luôn được ghi nhận rõ ràng mà thay vào đó có thể được thừa nhận thông qua thực tiễn, qua tập quán hoặc qua hoạt động giải thích các quy định có liên quan.
3.3. Căn cứ giải thích văn bản quy phạm pháp luật của tòa án các nước thuộc hệ thống Thông luật và Dân luật
3.3.1. Căn cứ vào các yếu tố cấu thành bên trong văn bản quy phạm pháp luật
Các thẩm phán Thông luật quan niệm rằng toàn thể VBQPPL là nguồn cơ bản trong GTVBQPPL. Các bộ phận cấu thành nên VBQPPL từ tựa của văn bản, lời nói đầu, điều luật hay mệnh đề giải thích, tiêu đề của chương, của phần, của mục và tiểu mục, dấu câu, ví dụ đến phụ lục đều có vai trò nhất định trong việc hỗ trợ thẩm phán Thông luật để GTVBQPPL. Mặc dù vậy, các thẩm phán Thông luật thường không dùng các yếu tố cấu thành trên để áp đặt một nghĩa khác với nghĩa mà câu từ của quy định thể hiện.
3.3.2.2. Án lệ
Trong GTVBQPPL, tòa án Thông luật có được sự hướng dẫn, chịu ảnh hưởng hoặc bị ràng buộc bởi án lệ. Ở Anh, ảnh hưởng của án lệ đối với GTVBQPPL được thiết lập bởi Thượng viện qua vụ Barras v. Aberdeen Steam Trawling and Finishing Co Ltd rằng: “…khi một từ hoặc cụm từ nhận được sự giải thích rõ ràng từ tòa án, quy định sau đó sử dụng cùng một từ hoặc cụm từ trong ngữ cảnh tương tự phải được giải thích như đã giải thích bởi tòa án trước đó”. Các thẩm phán Úc cũng tin rằng, khi ban hành luật Nghị viện đã biết đến các quyết định tư pháp có liên quan trước đó, nếu cơ quan lập pháp sử dụng lại từ ngữ đã được tòa án giải thích là chấp nhận cách giải thích của tòa án. Ngược lại, nếu cơ quan lập pháp sửa đổi lại quy định đã được tòa án giải thích, tòa án sẽ suy luận rằng từ ngữ đó có nghĩa khác đi. Ngoài ra, thẩm phán Mỹ và Úc còn xem xét đến các bản án của bang khác có giải thích cùng một từ ngữ, cùng quy định. Thực hiện điều này vì có sự tham khảo lẫn nhau giữa các bang trong nước khi ban hành VBQPPL, kể cả luật của liên bang cũng có thể chứa từ ngữ hoặc khái niệm xuất phát từ luật của tiểu bang.
Nếu thẩm phán Thông luật có truyền thống lấy án lệ làm lý do để GTVBQPPL, xem đây là hình thức tranh luận chính trong giải thích, thì ở hệ thống Dân luật dù án lệ không được chính thức thừa nhận là nguồn pháp luật, thẩm phán vẫn sử dụng án lệ làm căn cứ để giải thích. Thẩm phán Pháp tuy căn cứ vào án lệ nhưng không xem đây là lý do duy nhất hay lý do chính dẫn đến kết quả giải thích. Khác với Pháp, án lệ được xem xét rất thường xuyên trên khắp các tòa án nước Ý. Thẩm phán ý có thể lấy án lệ làm lý do chính hoặc thậm chí là lý do duy nhất dẫn đến kết quả giải thích.352 Mặc dù án lệ Ý chỉ có tính thuyết phục, nhưng trong phần lớn các trường hợp Thẩm phán Ý có một hệ thống án lệ thống nhất được tuân theo. Phần lớn án lệ Ý hình thành từ phán quyết của Tòa án tối cao và đó cũng chính là nền tảng cho GTVBQPPL của thẩm phán Ý.
Xem xét án lệ như là căn cứ GTVBQPPL, tác giả luận án nhận thấy án lệ đều là căn cứ quan trọng được thẩm phán Thông luật và Dân luật sử dụng. Nhìn chung, không có sự khác biệt lớn về vai trò của án lệ trong GTVBQPPL giữa hai hệ thống. Thẩm phán Thông luật có thể tham khảo, thậm chí bị ràng buộc bởi án lệ nhưng về nguyên tắc thẩm phán cũng không được xem pháp luật thành văn chính là những gì được trình bày qua quá trình giải thích từ án lệ. Trong khi đó, án lệ không được thừa nhận là nguồn pháp luật chính thức trong hệ thống Dân luật nhưng trên thực tế vẫn có sự phụ thuộc không nhỏ vào án lệ khi thẩm phán GTVBQPPL.
3.3.2.3. Lịch sử lập pháp
Lịch sử lập pháp đều được tòa án ở cả hai hệ thống làm căn cứ trong GTVBQPPL cho dù việc sử dụng căn cứ này còn gây nhiều tranh luận. Ở Anh, các báo cáo chính thức của Chính phủ, của các Ủy ban Nghị viện và các cơ quan nhà nước khác trước Nghị viện được dẫn chiếu khi giải thích. Bản thảo của dự luật có chứa đựng các lời bình luận đi kèm, sự khác biệt giữa bản thảo và luật chính thức, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt cũng là căn cứ để giải thích luật ở Anh. Đáng chú ý, trước năm 1992 thẩm phán Anh không được phép sử dụng các tranh luận tại Nghị viện làm căn cứ giải thích, nhưng với vụ Pepper v. Hart Thượng viện đã cho phép viện dẫn chúng.
Tương tự, các tài liệu lịch sử lập pháp đều được thẩm phán Dân luật xem xét khi GTVBQPPL. Ở Pháp, tuyên bố của Chính phủ về lý do ban hành dự luật; các báo cáo thẩm tra kèm theo đề xuất chỉnh sửa được chấp nhận hoặc bị từ chối bởi các Ủy ban của Thượng viện và Hạ viện; các thảo luận tại hai viện đều được xem xét trong quá trình giải thích. Nhìn chung, các nước Thông luật và Dân luật sử dụng tài liệu lịch sử lập pháp như là căn cứ chỉ có tính tham khảo, thậm chí thận trọng khi GTVBQPPL. Lịch sử lập pháp thể hiện quan điểm cá nhân, tài liệu cũ, tài liệu không được công khai, hay mâu thuẫn với quy định của VBQPPL thường được các thẩm phán cân nhắc kỹ nhằm tránh việc ngầm giữ lấy một quy tắc không hợp pháp.
3.3.2.4. Học thuyết pháp lý
Ở các nước Dân luật, pháp luật luôn thể hiện rõ mối quan hệ qua lại giữa luật được ban hành bởi nhà nước và luật được hiểu bởi các học giả. Ở Pháp, do rất ít quy định liên quan đến GTVBQPPL nên thẩm phán thường tìm cách giải thích qua các bài viết học thuật. Trên thực tế, thỉnh thoảng các ý kiến học thuật cũng được thẩm phán Pháp trích dẫn trong quá trình giải thích nhưng nó chưa bao giờ được cho là mang tính quyết định. Bản án cũng sẽ không hợp lệ nếu chỉ sử dụng ý kiến giải thích của các nhà chuyên môn như lý do chính để phán quyết.
Quá trình phán quyết tất yếu phải trải qua quá trình biện luận phức tạp. Khi không thể tìm thấy án lệ liên quan, thẩm phán Dân luật thường tìm đến bài viết của các học giả để có được sự biện minh cho quyết định của mình.Ở các nước này, các giáo sư mới thật sự là người xây dựng pháp luật, họ tạo ra các khái niệm khúc chiết, ngắn gọn, các thuật ngữ pháp lý mang tính kỹ thuật cao trong các VBQPPL.
So với các nước Dân luật, vai trò của học thuyết pháp lý trong GTVBQPPL ở các nước Thông luật ít quan trọng hơn. Các ý kiến khoa học được thể hiện trong giáo trình, sách tham khảo, các bình luận được viết trong quá trình soạn thảo cũng được thẩm phán Thông luật quan tâm.
3.3.2.5. Mục đích của quy định và của văn bản quy phạm pháp luật được giải thích
Tin rằng bất kỳ quy định nào cũng có mục đích của nó nên khi GTVBQPPL thẩm phán tìm nghĩa của quy định phù hợp với mục đích đó. Như đã trình bày trong phần căn cứ bên trong thì tựa dài hay lời nói đầu của VBQPPL ở các nước Thông luật thường nêu lên mục đích của VBQPPL và các thẩm phán nước này có thể xem xét đến mục đích như là căn cứ có tính hỗ trợ nhằm tìm nghĩa phù hợp của quy định cần giải thích. Tương tự, các VBQPPL ở Đức gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính thường chứa đựng mục đích chung của văn bản trong lời nói đầu hoặc trong phần giới thiệu để chúng được xem xét đến trong khuôn khổ của phương pháp giải thích mục đích luận. Ở Pháp, mục đích trong GTVBQPPL có thể là mục đích chủ quan theo ý định của nhà làm luật được nhận ra qua các bằng chứng về lịch sử lập pháp, cũng có thể là mục đích khách quan xuất phát từ tình hình kinh tế, xã hội nhằm cập nhật các luật lâu đời.382 Thẩm phán quan tâm đến mục đích khách quan trong GTVBQPPL đồng nghĩa với việc quan tâm đến các yếu tố như sự thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội hay kỹ thuật.
3.3.2.6. Từ điển và sách ngữ pháp
Ở các nước Thông luật, từ điển và sách ngữ pháp là tài liệu hữu ích cho GTVBQPPL, đặc biệt đối với thẩm phán theo trường phái văn phạm. Sách ngữ pháp có chức năng hỗ trợ thẩm phán tìm nghĩa văn phạm hợp lý dựa trên các quy ước về dấu, cấu trúc câu, phong cách diễn đạt. Từ điển cung cấp nghĩa của từ (nghĩa thông thường hoặc nghĩa kỹ thuật) hoặc cung cấp ngữ cảnh sử dụng từ nên thẩm phán Thông luật thường xuyên xem xét từ điển để tự nhắc họ về nghĩa của từ. Ở Anh, từ điển được sử dụng phải là từ điển được nhiều người biết đến, các từ điển tiếng Anh được xuất bản ở quốc gia khác không đáng tin cậy. Ở Úc, từ điển Macquarie được sử dụng khá phổ biến.387 Trong khi đó ở Mỹ, thẩm phán sử dụng các từ điển khác nhau như Webster’s New International Dictionary và Black’s Law Dictionary.388 Nhìn chung, đối với thẩm phán Thông luật từ điển không có giá trị ràng buộc, thẩm phán cũng không bị ràng buộc bởi việc xem xét tự điển nhất định nào và luôn có thể thoát khỏi nghĩa của từ điển để chấp nhận nghĩa theo ngữ cảnh hoặc theo tập quán. Trong vụ án nổi tiếng ở Mỹ, mặc dù theo từ điển cà chua là trái cây nhưng thẩm phán cho ra kết quả cà chua là rau quả. Thẩm phán Pháp cũng dùng từ điển để hỗ trợ trong GTVBQPPL. Thẩm phán Đức sử dụng từ điển thông thường để tìm kiếm nghĩa văn phạm và trong một số trường hợp thẩm phán cũng xác định theo nghĩa văn phạm chuyên ngành của từ cần giải thích.
3.3.2.7. Các yếu tố về tập quán, đạo đức, tôn giáo, chính trị, kinh tế và bản chất của sự vật và hiện tượng có liên quan
Một VBQPPL chỉ có thể hiểu rõ khi gắn nó với ngữ cảnh kinh tế, chính trị, đạo đức, văn hóa, tôn giáo vào thời gian văn bản được ban hành. Vì vậy, tất cả các yếu tố trên đều có giá trị hỗ trợ trong việc tìm nghĩa pháp lý của các quy định mơ hồ. Trong hệ thống Thông luật, các lập luận liên quan đến các giá trị bên trong như đạo đức, kinh tế, tôn giáo… thường được đề cập trong ý kiến của các tòa án tối cao, chủ yếu nhằm ủng hộ kết quả giải thích có được từ các căn cứ khác như câu chữ, mục đích hay giải thích của cơ quan hành chính. Trong quá trình giải thích thẩm phán Thông luật cũng căn cứ vào bản chất của đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định giải thích. Ví dụ với quy định “Không có phương tiện nào được đưa vào công viên”, thì nghĩa của nó nên được hiểu tùy theo tính chất của công viên trong vụ việc cụ thể. Nếu công viên để nghỉ ngơi và thư giãn, một số phương tiện khác như máy bay đồ chơi chạy bằng xăng cũng không được đưa vào, nhưng nếu đây là một công viên giải trí thì phương tiện trên không bị loại trừ.
Tập quán của địa phương và tính chất pháp lý của sự vật, hiện tượng có liên quan cũng được các thẩm phán Dân luật viện dẫn để bảo vệ kết quả giải thích của mình. Ví dụ tòa án Pháp dựa trên tập quán địa phương để giải thích quy định trao quyền cho thị trưởng hướng dẫn các vấn đề liên quan đến ma chay mang tính tôn giáo hoặc dựa trên tính chất pháp lý của cơ quan cảnh sát để cho rằng cảnh sát không có nghĩa vụ bảo vệ nhà riêng của người dân, nơi đó một bác sĩ bị bắn trọng thương. Đạo đức cũng được thừa nhận rộng rãi như là căn cứ trong GTVBQPPL của các tòa án Dân luật, cho dù còn nhiều tranh luận liên quan đến tầm quan trọng của đạo đức so với các căn cứ có giá trị pháp lý khác. Ở Đức, thể hiện qua các nguyên tắc của luật thực chứng là sự liên quan đến đạo đức và công lý. Thẩm phán Đức vì vậy có chức năng xem xét đến yếu tố đạo đức khi đưa ra câu trả lời cho các vấn đề pháp luật, chủ yếu nhằm làm rõ mục đích khách quan của quy định được giải thích. Đặc biệt, thẩm phán phải xem xét đến các yếu tố đạo đức, kinh tế hay xã hội khi quy định được giải thích có đề cập đến các yếu tố trên.
Theo: Huỳnh Thị Sinh Hiền
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1xFwgC6aacX69knvPfs3_XlM4r64mhWOW/edit