0888889366
Tra cứu thông tin hợp đồng
timeline_post_file648b28a35e876-HOÀN-THIỆN-HOẠT-ĐỘNG-GIẢI-THÍCH-VĂN-BẢN-QUY-PHẠM-PHÁP-LUẬT-CỦA-TÒA-ÁN.jpg.webp

HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIẢI THÍCH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA TÒA ÁN


 

4.2. Giải pháp hoàn thiện hoạt động giải thích văn bản quy phạm pháp luật của tòa án Việt Nam

4.2.1.   Thừa nhận thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật theo vụ việc của tòa án

Thực tiễn đã chứng minh một hoạt động mang tính pháp lý chỉ phát triển thực sự khi chủ thể thực hiện hoạt động đó có thẩm quyền và có cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai. Đối với hoạt động GTVBQPPL thì điều này cũng không ngoại lệ. Xuất phát từ câu châm ngôn “de minimis non curat lex”609 (luật pháp không tự thân quan tâm đến các tiểu tiết) nên giải thích của TANDTC qua các VBQPPL hướng dẫn áp dụng pháp luật hay công văn giải đáp cũng chỉ là các giải thích chung chung không gắn với kết quả áp dụng cho từng vụ việc, không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu giải thích và sản phẩm giải thích khó có thể đảm bảo công bằng.

Chức năng xét xử được thực hiện bởi thẩm phán, vì vậy khi đề cập đến thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án chính là đề cập đến thẩm quyền của thẩm phán vì thẩm phán luôn là thành phần chính là hiện thân của tòa án.610 Ciecero đã nhấn mạnh “đạo luật là một quan tòa câm, quan tòa là một đạo luật biết nói”.611 Montesquieu cũng đã từng ví “thẩm phán” không phải “tòa án” như “cái miệng của pháp luật”. Chính vì vậy, GTVBQPPL đúng nghĩa nhất phải là giải thích của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc cụ thể.

Nguyên tắc “bất khẳng thụ lý” nổi tiếng trong Bộ luật Dân sự Pháp cho thấy nghĩa vụ GTVBQPPL cũng thuộc về cá nhân thẩm phán: “nếu thẩm phán viện lý do rằng luật im lặng, không rõ ràng hoặc không đầy đủ để không phán quyết thì có thể bị kết tội trì hoãn công lý”.613 Nguyên tắc này từng được ghi nhận lại trong các bộ luật dân sự ở Việt Nam thời Pháp thuộc để cấm thẩm phán tạo ra các quy tắc chung trong quá trình phán quyết nhưng phải có nghĩa vụ GTVBQPPL.614 Đến năm 2015, nguyên tắc này được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự nước ta hiện hành nhưng rất tiếc rằng nghĩa vụ trong quy định được chuyển từ cá nhân thẩm phán sang tổ chức tòa án: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Từ đó những phân tích trên cho thấy Việt Nam nên thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án theo hướng đây là thẩm quyền của thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể không phải đặc quyền của TANDTC. Bất kỳ thẩm phán nào, thuộc tòa án cấp nào cũng có thẩm quyền giải thích tất cả các VBQPPL có liên quan trong quá trình xét xử. GTVBQPPL của thẩm phán tòa án cấp dưới sẽ được kiểm tra bởi thẩm phán tòa án cấp trên thông qua quá trình tố tụng và theo đó thẩm quyền GTVBQPPL cao nhất trong ngành tòa án thuộc về Hội đồng thẩm phán TANDTC. Kết quả giải thích có tính chuẩn mực trong việc định hướng áp dụng pháp luật sẽ được chọn lọc và công bố thành án lệ.

Về cách thức thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án, có quan điểm cho rằng nếu thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh của UBTVQH nước ta đã là quyền hiến định thì thẩm quyền GTVBQPPL mang tính vụ việc của tòa án cũng cần được ghi nhận rõ ràng trong Hiến pháp. Tuy nhiên, từ kết quả phân tích thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án ở các nước Thông luật và Dân luật cho thấy thẩm quyền GTVBQPPL (trừ hiến pháp ở một số nước) không được chính thức ghi nhận trong các VBQPPL mà được hiểu thông qua giải thích hoặc thông qua tập quán. Từ kinh nghiệm có được về vấn đề ghi nhận thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án các nước Thông luật và Dân luật, trong điều kiện chưa thể sửa đổi Hiến pháp như hiện nay thì UBTVQH cần triển khai thẩm quyền hiến định của mình để giải thích làm rõ nội hàm “quyền tư pháp” tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp năm 2013. Bằng phương pháp giải thích hệ thống (như đã được trình bày trong phần 4.1.1.1 của luận án) và bằng phương pháp so sánh cách hiểu quyền tư pháp ở các nước, kết hợp với quan điểm của các học giả trong nước hiện nay, UBTVQH hoàn toàn có thể công nhận tòa án có thẩm quyền giải thích tất cả các VBQPPL kể cả Hiến pháp trong quá trình áp dụng pháp luật.

Trong tương lai, quyền bảo hiến nếu được trao cho TANDTC hay một cơ quan chuyên trách khác như Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp thì cơ quan đó sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc giải thích Hiến pháp. Kinh nghiệm từ các nước Thông luật và cả Dân luật đều cho thấy, thẩm phán cần dựa vào Hiến pháp để làm rõ nghĩa các quy định thành văn khác trong cùng hệ thống pháp luật. Bản chất hiến pháp là giống nhau ở các nước, đều là luật gốc, có giá trị pháp lý tối thượng. Do đó, không ngoại lệ thẩm phán nước ta cũng cần có quyền giải thích Hiến pháp để lấy đó làm căn cứ cho việc giải thích các VBQPPL khác có liên quan nhằm đảm bảo tính hệ thống, tính hợp hiến trong quá trình tìm nghĩa của các quy định thành văn. Việc trao quyền GTVBQPPL theo vụ việc cho tòa án là hoàn toàn có cơ sở và có tính khả thi vì các lý do sau đây:

4.2.1.1. Thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhánh lập pháp đã được lịch sử chứng minh là không phù hợp

Là một nước xã hội chủ nghĩa, kế thừa từ pháp luật Xô Viết, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ trao quyền GTPL nói chung (Hiến pháp năm 1959) và trao quyền giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh (Hiến pháp năm 1980, 1992 và năm 2013) cho UBTVQH. Qua hơn nửa thế kỷ được trao quyền, UBTVQH dường như bỏ quên việc triển khai thẩm quyền giải thích các VBQPPL được giao. Đây chính là một minh chứng cho thấy tính không hợp lý và không hiệu quả của việc trao thẩm quyền GTVBQPPL cho nhánh lập pháp. Việc bỏ quên nhiệm vụ GTVBQPPL này không hẳn là lỗi của UBTVQH, mà còn ở cách thức hay mô hình tổ chức quyền lực nhà nước. Về bản chất, UBTVQH chủ yếu thực hiện chức năng của một cơ quan thường trực như triệu tập Quốc hội, điều hòa phối hợp hoạt động của các Ủy ban Quốc hội, hằng ngày UBTVQH không va chạm với các vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật nên không thể tự nhận ra nhu cầu giải thích.

4.2.1.2. Giải thích văn bản quy phạm pháp luật của tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật là hoạt động tất yếu, không thể phủ nhận

Tòa án là cơ quan xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, để giải quyết một vụ án từ lúc nhận đơn, đến lúc ra phán quyết tòa án phải trải qua nhiều công đoạn trong đó không thể thiếu việc phải tìm kiếm quy định có liên quan, giải thích làm rõ nghĩa và xác định được phạm vi áp dụng của các quy định đó. Nếu có nhiều quy định liên quan tòa án phải giải thích để chọn lựa quy định nào phù hợp hơn, nếu không có quy định điều chỉnh trực tiếp tòa án cũng phải giải thích để có thể áp dụng tương tự pháp luật hoặc lẽ công bằng. Chính vì GTVBQPPL gắn liền với hoạt động áp dụng VBQPPL nên GTVBQPPL không chỉ diễn ra trong quá trình xét xử mà còn diễn ra khi các chủ thể khác trong tòa án xem xét đơn khởi kiện; quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; giải quyết các khiếu nại trong quá trình tố tụng hay giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử …

Ví dụ, để nhận hay yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vụ án dân sự mà đơn này không có ghi quốc hiệu “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thẩm phán phải giải thích Điều 193 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015. Theo đó, thẩm phán chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 và khoản 4 Điều 189 trên không có đề cập đến quốc hiệu. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vì không đúng với mẫu đơn khởi kiện được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HDTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Đây chính là trường hợp thẩm phán cần GTVBQPPL, để có được quyết định đúng đắn thẩm phán phải cân nhắc nhiều yếu tố như tập quán viết đơn từ, mục đích của các nội dung cần phải có trong đơn khởi kiện, bản chất dân chủ của nhà nước, tính chất pháp lý của các mẫu do cơ quan nhà nước ban hành, giá trị hiệu lực pháp lý của Bộ luật và nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

Vì tính tất yếu của hoạt động GTVBQPPL của tòa án nên trao  thẩm quyền GTVBQPPL cho tòa án phù hợp với thực tế đã và đang diễn ra tại Việt Nam. Hàng chục năm nay, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã quen với việc hướng dẫn tòa án cấp dưới hiểu và áp dụng các quy định pháp luật thành văn một cách thống nhất thông qua các nghị quyết, báo cáo tổng kết đến các công văn và giải đáp. Không ít căn cứ, phương pháp GTVBQPPL được thẩm phán Thông luật và Dân luật sử dụng bước đầu đã được TANDTC sử dụng làm rõ nghĩa của các quy định thành văn. Trao quyền GTVBQPPL thông qua hoạt động xét xử thì Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ trở thành cơ quan có thẩm quyền GTVBQPPL cao nhất và cũng là cơ quan có thẩm quyền giải thích cuối cùng. Chỉ có điều kinh nghiệm giải thích của TANDTC trong điều kiện mới nên thể hiện tập trung trong các phán quyết tư pháp cá biệt của Hội đồng thẩm phán, góp phần phát triển án lệ và việc áp dụng thống nhất pháp luật sẽ được thực hiện thông qua án lệ.

4.2.1.3. Thừa nhận thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật theo vụ việc của tòa án phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta hiện nay

Bắt đầu từ việc tổng kết nhận thức và thực tiễn về tư pháp trong quá khứ, Đảng và nhà nước đã phát hiện ra những vấn đề có tính quy luật để từ đó đề xuất những thay đổi cần phải có về tư pháp trong tương lai. Theo đó, vấn đề cải cách tư pháp ở Việt Nam đã được Bộ chính trị đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 và gần đây nhất tiếp tục được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng như một điều kiện để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC thì nội dung đầu tiên cần cải cách tư pháp ở nước ta trong thời gian tới là phải làm rõ chủ thể thực hiện quyền tư pháp và nội hàm quyền tư pháp.621 Hiện nay, Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã phân định Quốc hội giữ quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiện quyền tư pháp.622 Như vậy, chỉ duy nhất “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” nhưng nội hàm quyền tư pháp bao gồm những quyền gì vẫn chưa được làm rõ. Theo tác giả Võ Khánh Vinh thì thẩm quyền GTPL của tòa án xuất phát từ quyền tư pháp được phân giao. Nội dung của quyền tư pháp bao gồm thẩm quyền xét xử và phán quyết về các tranh chấp, xây dựng và phát triển án lệ; kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định, hoạt động của các cơ quan nhà nước trong đó có thẩm quyền GTPL nói chung.623 Nhìn nhận quyền GTPL là một phần không thể thiếu của quyền tư pháp, tác giả Nguyễn Đăng Dung cho rằng trao quyền giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh cho UBTVQH là nhầm lẫn giữa quyền lập pháp và tư pháp.624 Mặc dù vậy, bên trên chỉ là quan điểm của các chuyên gia, để cải cách tư pháp hiệu quả cần có giải thích chính thức của UBTVQH để có cách hiểu thống nhất về nội hàm quyền tư pháp. Giải thích làm rõ nội hàm quyền tư pháp bao gồm quyền GTVBQPPL vừa phù hợp với cách hiểu của thông lệ quốc tế, của các nhà khoa học trong nước đồng thời sớm hoàn thành nội dung cốt lõi của cải cách tư pháp nước ta trong thời gian tới.

Tài sản quý giá nhất của nhánh tư pháp chính là niềm tin của công chúng. Để có được niềm tin của công chúng tòa án không chỉ cần phải công khai quyết định tư pháp mà từ lý lẽ nào để có được các quyết định đó cũng cần được công khai. Chính vì vậy, việc thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL theo vụ việc của tòa án là điều kiện cần thiết để pháp luật tố tụng có cơ sở yêu cầu thẩm phán công khai tư duy của mình trong các phán quyết tư pháp về cách hiểu các quy định được áp dụng. Để làm được điều này đòi hỏi các thẩm phán phải không ngừng cập nhật kiến thức pháp luật, kiến thức kinh tế - xã hội một cách toàn diện, trao dồi kỹ năng giải thích, áp dụng pháp luật, kỹ năng viết bản án hợp lý, đúng pháp luật và đủ sức thuyết phục. Công khai tư pháp là liều thuốc hiệu quả để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, xây dựng một nền tư pháp vừa chuyên nghiệp vừa trong sạch theo định hướng cải cách tư pháp.625 Như vậy, làm rõ thẩm quyền GTVBQPPL theo vụ việc của tòa án góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và độc lập của thẩm phán, là điều kiện tiên quyết để nâng cao uy tín của tòa án theo Chiến lược cải cách tư pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.626 Cho dù con đường đi đến việc xây dựng các phán quyết tư pháp công khai, minh bạch với đầy đủ các lập luận giải thích làm rõ lý do dẫn đến phán quyết không phải con đường ngắn và thuận tiện trong điều kiện hiện nay nhưng mục tiêu có đạt được hay không phụ thuộc vào quyết tâm và thời gian khởi động những điều cần thiết.

4.2.1.4. Thừa nhận thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật cho tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật tạo điều kiện cho án lệ phát triển

GTVBQPPL thông qua thực tiễn xét xử là điều kiện tiên quyết để án lệ được hình thành và phát triển. Để một phán quyết trở thành án lệ thì phán quyết đó phải chỉ rõ trong một vụ án cụ thể có những vấn đề pháp lý nào và các vấn đề đó được giải quyết ra sao. Đó có thể là các vấn đề mà pháp luật chưa quy định cụ thể, đầy đủ hoặc quy định được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Không có sự thể hiện yếu tố giải thích trong các bản án thì không thể có được các phán quyết mang tính án lệ, điều này được miêu tả theo lối so sánh của một luật sư nổi tiếng là “không có bột” làm sao “gột nên hồ”.627

Lý lẽ tạo lập án lệ là yếu tố cốt lõi tạo ra sức thuyết phục của án lệ, giá trị của án lệ phụ thuộc chủ yếu vào các lý lẽ đó.628 Một khi tòa án chưa có thẩm quyền GTVBQPPL trong quá trình áp dụng pháp luật thì cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý để thực hiện quyền giải thích đó chưa thể được hình thành và phát triển. Chính vì vậy mà giải pháp đưa ra trong các án lệ nước ta thiên về áp đặt, thiếu sức thuyết phục. Trong các án lệ ở Việt Nam hiện nay, lý lẽ của thẩm phán thường rất ngắn gọn, nội dung lý lẽ không thể hiện các quan điểm khác nhau. Có thể cho rằng án lệ ở nước ta hiện nay chưa thật sự là sản phẩn của hoạt động GTVBQPPL vì yếu tố “làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau” theo tiêu chí tuyển chọn án lệ còn mờ nhạt.629 Trong khi đó, án lệ ở các nước Thông luật và Dân luật đều là sản phẩm của hoạt động GTVBQPPL, là một chuỗi các suy luận trùng hợp về cách hiểu và áp dụng cùng một quy định thành văn, trong đó có cả yếu tố sáng tạo pháp luật. Thẩm phán các nước Thông luật không cho rằng họ vi phạm nguyên tắc phân quyền vì họ chỉ sáng tạo pháp luật trong quá trình họ thực hiện chức năng giải quyết các vụ việc cụ thể trên cơ sở đảm bảo công bằng, công lý. Qua hoạt động GTVBQPPL gắn với vụ việc cụ thể, tòa án không lạm quyền lập pháp, mà còn qua đó góp phần làm cho hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn thiện hơn bằng con đường án lệ.

Thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL theo vụ việc cho tòa án, thẩm phán có thể GTVBQPPL ngay trong quá trình giải quyết vụ việc cụ thể và tạo lập án lệ. Thực hiện điều này cả xã hội sẽ phải lấy kết quả giải thích của tòa án như mô hình mẫu để các cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước nhìn vào đó điều chỉnh cách hiểu và thực hiện các quy định đúng như cách hiểu của tòa án về các quy định trong VBQPPL.

Liên quan đến vấn đề này, tác giả Phạm Duy Nghĩa khẳng định rằng muốn cho pháp luật nước ta gần lại với cuộc sống thì cần tạo cơ hội cho quan tòa ung dung, độc lập mà giải thích pháp luật để sáng tạo ra án lệ theo cảm nhận của lương tâm.630 Như vậy, muốn án lệ phát triển đúng bản chất của nó thì trước hết cần công khai thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án, từ đó thiết lập các quy tắc, phương pháp GTVBQPPL.

4.2.2.   Thiết lập Bộ quy tắc giải thích văn bản quy phạm pháp luật cho tòa án

Phần này của luận án chuẩn bị hành trang cho trật tự giải thích mới của tòa án nước ta, GTVBQPPL thông qua xét xử. VBQPPL nói chung và văn bản luật nói riêng được ban hành theo quy trình pháp lý chặt chẽ, phản ánh nguyện vọng của nhân dân và chúng luôn có những điểm chung nhất định dẫn đến nhu cầu tất yếu cần được giải thích. Do đó, phương cách đi tìm nội dung, ý nghĩa của các quy định pháp luật thành văn có những điểm tương đồng nhất định, dù ở các quốc gia khác nhau với truyền thống pháp luật khác nhau. Nhìn chung các quy tắc GTVBQPPL ở các nước được thiết lập dựa trên đặc trưng cơ bản của VBQPPL, quy trình, kỹ thuật soạn thảo cũng như quy tắc sử dụng ngữ pháp thông thường trong giao tiếp.

Với truyền thống luật thành văn, nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam cần có Luật GTPL để quy định chủ thể có thẩm quyền giải thích, đối tượng giải thích, nguyên tắc, quy trình, phương pháp, căn cứ có thể dựa vào làm cơ sở cho việc giải thích…631 Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước Dân luật, dù đề cao vai trò của luật thành văn họ cũng không có luật riêng và cũng có rất ít quy định thành văn điều chỉnh hoạt động GTVBQPPL mang tính vụ việc của tòa án. Các nước Thông luật có ban hành luật riêng để điều chỉnh hoạt động GTVBQPPL của tòa án nhưng nhìn chung ở cả hai hệ thống, GTVBQPPL của tòa án đều được xem là vấn đề của kinh nghiệm thực tiễn, mang tính linh hoạt. Chính vì vậy, để tránh tình trạng văn bản được ban hành thiếu tính khoa học, không khả thi, đặc biệt đây là lĩnh vực khá mới mẻ và mang tính thực tiễn cao nên bước đầu Hội đồng thẩm phán TANDTC cần ban hành Bộ quy tắc hướng dẫn GTVBQPPL trong ngành tòa án. Thay vì ban hành nhiều nghị quyết hướng dẫn áp dụng các quy định pháp luật khác nhau, Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ ban hành một Nghị quyết đính kèm theo là Bộ quy tắc hướng dẫn GTVBQPPL.

Bộ quy tắc này chỉ mang tính hướng dẫn thẩm phán nhằm đảm bảo tính phù hợp, khách quan, công bằng cho kết quả có được trong từng vụ việc. Nội dung của Bộ quy tắc bao gồm quy tắc về sử dụng căn cứ, phương pháp giải thích, quy tắc về cấu trúc ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ cảnh, quy tắc giải quyết xung đột và các quy tắc suy luận trong GTVBQPPL. Việc thiết lập Bộ quy tắc này góp phần nâng cao hiệu quả giao tiếp giữa chủ thể ban hành và chủ thể GTVBQPPL, nâng cao tính độc lập của hoạt động xét xử. Sau một thời gian thi hành, TANDTC có thể chọn lựa và công nhận nhiều án lệ hơn liên quan đến GTVBQPPL tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

4.2.2.1. Thiết lập quy tắc về sử dụng căn cứ giải thích

●   Câu chữ của quy định luôn là căn cứ đầu tiên trong quá trình giải thích

Trên cơ sở học thuyết pháp quyền, so với tài liệu lịch sử lập pháp, ý định, mục đích lập pháp, đạo đức, truyền thống... thì chỉ có ngôn ngữ của quy định được thông qua theo thủ tục pháp lý chặt chẽ, có tính ràng buộc nên câu từ của quy định luôn là căn cứ đầu tiên trong quá trình giải thích quy định đó. Tuy nhiên, dùng câu từ để diễn đạt ý muốn của nhà làm luật không phải lúc nào cũng chính xác vì vậy thẩm phán cần xem xét đến sự hỗ trợ hoặc phản đối từ các căn cứ giải thích khác.

●   Các bộ phận cấu thành của văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ giải thích quy định trong văn bản đó

Về nguyên tắc, bất kỳ quy tắc pháp luật thành văn nào cũng gắn với ngữ cảnh của toàn thể VBQPPL, nghĩa của từ được nhận biết từ các từ xung quanh, nghĩa của quy định được nhận ra từ các quy định khác trong văn bản và tất cả các phần còn lại cấu thành nên văn bản. Do đó, tất cả các yếu tố cấu thành bên trong của VBQPPL đều có giá trị hỗ trợ làm rõ nghĩa của quy định pháp luật cần giải thích: trước hết là từ ngữ của quy định cần giải thích, kế đến là các từ ngữ xung quanh và các quy định khác trong cùng VBQPPL, kể cả tên của VBQPPL, tựa của chương, tiêu đề của điều luật, dấu câu, phụ lục, điều luật giải thích và điều luật quy định phạm vi áp dụng. Thẩm phán tiến hành giải thích tùy từng trường hợp cụ thể mà xem xét, phối hợp và cân nhắc yếu tố cấu thành nào trong VBQPPL giúp đem đến kết quả giải thích đúng đắn, phù hợp.

●   Toàn bộ hệ thống pháp luật là căn cứ để giải thích văn bản quy phạm pháp luật

Pháp luật luôn có tính hệ thống, vì vậy khi giải thích các quy định thành văn thẩm phán cần phải biết đặt quy định đó trong mối quan hệ tổng thể thống nhất của hệ thống pháp luật bao gồm án lệ, Hiến pháp, các VBQPPL khác có liên quan như văn bản thể hiện nguyên tắc chung của pháp luật; văn bản điều chỉnh cùng lĩnh vực trước và sau đó; văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành; văn bản có chứa đựng từ ngữ cần giải thích và cả các điều ước quốc tế có liên quan.

●   Các tài liệu chuẩn bị trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ hỗ trợ để giải thích văn bản đó

VBQPPL luôn được ban hành theo trình tự thủ tục nhất định, do đó có một niềm tin nhất quán rằng việc GTVBQPPL có thể được hỗ trợ bởi các tài liệu chuẩn bị như các tờ trình, bản thảo, các báo cáo, các góp ý thảo luận… Ở nước ta hiện nay, để hỗ trợ thẩm phán GTVBQPPL, các tài liệu liên quan đến quá trình hình thành một VBQPPL từ khi được đề xuất, soạn thảo đến khi công bố nên được thu thập, sắp xếp và công khai dưới

hình thức dễ tiếp cận và dễ tra cứu. Tuy nhiên, do chứa đựng các ý kiến thảo luận đa chiều, các ý kiến có thể mâu thuẫn nhau nên các tài liệu này chỉ có giá trị tham khảo.

●   Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng lãnh đạo nên được xem là căn cứ giải thích văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta

Khác với các nước Thông luật và Dân luật được xem xét, Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, với hệ thống chính trị nhất nguyên dưới sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền duy nhất là Đảng Cộng sản, với VBQPPL là công cụ để thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, muốn tìm nghĩa của quy định đòi hỏi thẩm phán phải nắm vững quan điểm chính trị của Đảng lãnh đạo như mục đích bao quát mà chủ thể ban hành VBQPPL muốn đạt được. Tư tưởng này hiện nay được thể hiện rõ qua việc Quốc hội nước ta điều chỉnh hoạt động giải thích mang tính quy phạm của UBTVQH như sau: Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh.632

Không hạn chế các căn cứ giải thích khác bên ngoài văn bản quy phạm pháp luật

Để bảo vệ công bằng, công lý, phát huy tính dân chủ thì GTVBQPPL của thẩm phán nên được thực hiện trong môi trường giàu thông tin để thẩm phán có thể xem xét đa dạng các quan điểm và cân nhắc các lợi ích khác nhau. Thẩm phán có thể tham khảo từ điển, sách ngữ pháp, các công trình nghiên cứu xoay quanh những vấn đề điều chỉnh trong văn bản, các bài viết bàn luận, góp ý cho VBQPPL trong quá trình ban hành, kể cả VBQPPL cùng lĩnh vực ở quốc gia khác, cách giải thích của luật sư các bên, các tài liệu phản ánh giá trị kinh tế, văn hóa, tôn giáo, học thuyết pháp lý tồn tại vào thời kỳ VBQPPL được ban hành hoặc được giải thích… Ngoài ra, khi thỏa mãn điều kiện cần thiết theo quy định của Bộ luật Dân sự nước ta hiện nay, thẩm phán có thể áp dụng đạo đức, lẽ công bằng để cập nhật, sáng tạo pháp luật.

GTVBQPPL là hoạt động mang tính thực tiễn cao nên rất khó liệt kê đầy đủ các căn cứ có thể dựa vào để giải thích, cũng như sắp xếp thứ bậc về tầm quan trọng của các căn cứ đó. Tùy theo từng vụ việc, thẩm phán sẽ cân nhắc, lựa chọn yếu tố nào quan trọng gắn với kết quả giải quyết của vụ việc nhằm đảm bảo khách quan và công bằng. Trong các căn cứ giải thích, thẩm phán có thể sử dụng kiến thức phổ thông, kiến thức chuyên môn, cả kiến thức về luật so sánh để có được các lập luận giải thích sắc bén, thuyết phục. Nhìn chung, các yếu tố cấu thành nên VBQPPL chính là ngữ cảnh gần hơn của văn bản,

4.2.2.2. Thiết lập quy tắc về việc sử dụng phương pháp giải thích

●   Thẩm phán cần kết hợp, cân nhắc nhiều phương pháp giải thích

Hoạt động GTVBQPPL là hoạt động không chắc chắn, thẩm phán không thể biết chính xác kết quả có được là đúng hay sai. Chính vì vậy, khi giải thích thẩm phán cần phải kết hợp và đối chiếu nhiều phương pháp để có được kết quả thuyết phục. Kết quả giải thích giống nhau có được từ các phương pháp giải thích khác nhau sẽ rất thuyết phục, nếu kết quả không giống nhau thẩm phán phải cân nhắc, lựa chọn kết quả phù hợp. Có quan điểm cho rằng khi nghĩa theo câu chữ của quy định rõ ràng thì phải dừng lại ở nghĩa đó. Tuy nhiên, tính rõ ràng của câu chữ chỉ là tương đối, càng lâu, càng nhiều sự tranh cãi về nghĩa của quy định, đối chiếu nhiều căn cứ, sử dụng nhiều phương pháp thẩm phán càng dễ nhận ra câu chữ mơ hồ.

Khi làm rõ quy định “nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi được đăng ký kết hôn”, trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện thì quy định này lấy lại nguyên văn của quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 và năm 1986. Thời kỳ 1959 - 1986 khi nhắc đến người “từ 18 tuổi” không chỉ người bình thường mà cả người có chuyên môn đều cho rằng đó là người trưởng thành. Tuy nhiên, đến khi xây dựng khái niệm người thành niên trong Điều 18 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì từ “đủ” được đặt trước cột mốc 18 tuổi: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên”. Hiểu theo cách giải thích hệ thống, gắn với quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 vô tình thừa nhận quyền đăng ký kết hôn của người phụ nữ chưa thành niên. Trong trường hợp này, giải thích theo lịch sử lập pháp và theo hệ thống đem đến kết quả khác nhau. Thực tế pháp lý nước ta đã chấp nhận kết quả giải thích hệ thống có tính cập nhật đồng thời vừa có được sự ủng hộ bởi nghĩa văn phạm từ câu từ. Hơn nữa, không phải người giải thích nào cũng có điều kiện nắm bắt được những thông tin thuộc về lịch sử lập pháp trong điều kiện chúng chưa được tập hợp và công bố công khai.

●   Không có thứ tự ưu tiên giữa các phương pháp giải thích

Hoạt động GTVBQPPL phức tạp và mang tính thực tiễn cao, do đó thẩm phán cần được quyền tự quyết về phương pháp giải thích trong từng vụ việc nhưng cần chú ý đến các gợi ý sau đây:

-          Đối với các văn bản mới quy định cụ thể hoặc được soạn thảo với kỹ thuật lập pháp cao thích hợp hơn với phương pháp giải thích văn phạm.

-          Đối với các VBQPPL cũ hoặc mang tính khái quát cao thẩm phán cần chú ý nhiều hơn tới phương pháp giải thích hệ thống, logic và giải thích thực tế để có thể khắc phục sự không đầy đủ, không rõ ràng hay lạc hậu của văn bản.633

-          Khi giải thích các VBQPPL về gia đình thẩm phán nên quan tâm nhiều hơn đến phương pháp thực tế, chú ý các giá trị đạo đức như lợi ích của trẻ em, mục đích của gia đình.634

-          Khi giải thích luật hình sự, các quy định khác hạn chế tự do hay áp đặt nghĩa vụ, các quy định mang tính ngoại lệ thẩm phán cần chú ý phương pháp văn phạm, hạn chế suy luận tương tự, hạn chế giải thích mở rộng quy định theo hướng bất lợi cho người dân.635

●   Cho phép thẩm phán giải thích theo hướng lấp lỗ hổng pháp lý

Học thuyết lập pháp tối thượng trong hoạt động GTVBQPPL đòi hỏi thẩm phán phải tôn trọng câu chữ của quy định được thông qua, đảm bảo tính dân chủ. Tuy nhiên, dân chủ nghị viện (hay quốc hội) là dân chủ đại diện cho đa số trong khi đó tòa án cũng có trách nhiệm đảm bảo và kiểm chứng dân chủ bằng cách bảo vệ lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức trong từng vụ việc. Hơn nữa, do VBQPPL không thể nào dự liệu đầy đủ, chính xác các vụ việc xảy ra nên khi giải quyết các vụ việc cụ thể thẩm phán phải lấp lỗ hổng pháp luật.

Theo quy định pháp luật nước ta hiện hành thì UBTVQH không được phép đặt ra quy tắc mới trong quá trình giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh, nhưng điều này không thể áp dụng đối với GTVBQPPL theo vụ việc của thẩm phán. Lấp lỗ hổng pháp luật không có nghĩa là thẩm phán phải đặt ra một quy tắc hoàn toàn mới mà có thể chỉ là sự thay đổi nghĩa văn phạm theo hướng rộng hoặc hẹp hơn so với nghĩa được thể hiện trên bề mặt câu chữ của quy định. Ở Việt Nam, giải thích mở rộng và giải thích thu hẹp được nhiều học giả xem là các phương pháp giải thích.637 Theo quan điểm của tác giả luận án, đây không phải là phương pháp giải thích mà chỉ là kết quả so sánh giữa giải thích văn phạm và giải thích bằng các phương pháp khác. Ví dụ, thẩm phán có thể giải thích người đứng trên xe gắn máy vẫn phải đội mũ bảo hiểm mặc dù theo câu chữ của quy định chỉ có người điều kiển và người ngồi trên xe đó phải đội mũ bảo hiểm. Để đạt được mục đích bảo vệ não bộ của người tham gia giao thông bằng xe gắn máy thì việc thay đổi kết quả theo sự diễn đạt của câu chữ là cần thiết. Hơn nữa, dùng phương pháp giải thích logic với kỹ thuật suy lý mạnh, khi luật đã ngăn cản hành vi ít nguy hiểm hơn (ngồi trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm) thì đồng thời luật ngăn cản hành vi nguy hiểm nhiều hơn (đứng trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm). Với phương pháp giải thích mục đích hoặc logic người giải thích bổ sung quy định yêu cầu người đứng trên xe gắn máy cũng phải đội mũ bảo hiểm, lấp khoảng trống pháp lý do nhà làm luật không trực tiếp diễn đạt hoặc không dự liệu được lúc ban hành.

Từ quy định của Hiến pháp: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người…”638 cho thấy luật học thực chứng ở nước ta đã ghi nhận tinh thần của lý thuyết luật học tự nhiên. Thẩm phán có thể lấp khoảng trống pháp lý bằng cách căn cứ vào các yếu tố hỗ trợ khác bên ngoài VBQPPL được giải thích như: mục đích của quy định hay của văn bản được giải thích, quy định của pháp luật các nước khác về cùng vấn đề, ý định của chủ thể ban hành, nguyên tắc chung của pháp luật, lẽ phải, tập quán, tôn giáo, lý thuyết pháp lý và sự thay đổi tình hình kinh tế xã hội… Khi không thể tìm thấy ý định của chủ thể ban hành qua câu chữ của quy định, thẩm phán vượt qua ngưỡng của giải thích văn phạm và tự tìm kiếm nghĩa của quy định bằng phương pháp giải thích logic, đặc biệt là giải thích thực tế hay giải thích phát triển. Khi đó, thẩm phán sẽ đóng vai trò là người hợp tác với nhà làm luật để sáng tạo pháp luật. Hiện tại, pháp luật dân sự nước ta cho phép thẩm phán lấp lỗ hổng pháp lý bằng cách áp dụng tập quán và tương tự pháp luật. Trong trường hợp không có quy phạm điều chỉnh vụ việc tương tự, thẩm phán áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ việc.

Kinh nghiệm từ các nước Dân luật cho thấy từ rất sớm thẩm phán đã tham khảo lý thuyết pháp lý được thể hiện qua các tác phẩm khảo luận, sách, giáo trình, bài tham luận, bài báo khoa học… để xây dựng giải pháp của riêng mình. Truyền thống pháp lý của Việt Nam từ trước đến nay không thừa nhận học thuyết pháp lý có giá trị bổ sung cho hệ thống các quy phạm pháp luật thực định. Tuy nhiên, điều này cần nhìn nhận lại trong thời đại ngày nay khi mà Bộ luật Dân sự và Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 đã thừa nhận nguyên tắc bất khẳng thụ lý và đa dạng hóa các nguồn của luật dân sự. Đây cũng chính là hai nguyên tắc mà trước đây đã được chính quyền Pháp biên soạn trong các Bộ luật dân sự của nước ta thời kỳ Pháp thuộc và ắt hẳn đã có cân nhắc sự phù hợp của các nguyên tắc đó với hoàn cảnh lý luận và thực tiễn của nước ta. Để có quan niệm đầy đủ về nguồn luật, đặc biệt là luật dân sự, lĩnh vực luật ít chịu ảnh hưởng về mặt chính trị thì cần thừa nhận vai trò của học thuyết pháp lý – một sản phẩm của quá trình nhận thức khoa học sáng tạo về hiện thực xã hội, sản phẩm của nghiên cứu khoa học tự do và dân chủ.640 Cụ thể, học thuyết pháp lý, quan điểm khoa học của các học giả nên được bổ sung trong Bộ luật Dân sự như một nguồn để thẩm phán dựa vào đó tìm giải pháp cho vụ việc đang giải quyết.

Phương pháp giải thích so sánh là một trong những phương pháp có khả năng lấp khoảng trống pháp lý. Theo đó, thẩm phán có thể xem xét, học hỏi các giải pháp pháp lý từ các VBQPPL quy định về cùng vấn đề, các phán quyết tư pháp nước ngoài, kể cả các bài viết học thuật nước ngoài. Nhược điểm của phương pháp giải thích này được cho là áp đặt pháp luật nước ngoài vào luật trong nước, ảnh hưởng đến dân chủ và bản chất giai cấp của pháp luật. Sử dụng phương pháp này có thể dẫn đến việc chọn lựa kết quả giải thích theo mong muốn chủ quan của thẩm phán. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hoá các nước phải giải quyết nhiều vấn đề pháp lý giống nhau vì thế kinh nghiệm hay nên được cầu thị. Để hạn chế nhược điểm nêu trên, phương pháp so sánh không nên được sử dụng như là phương pháp duy nhất đem đến kết quả giải thích, chỉ mang tính bỗ trợ cho các phương pháp giải thích khác. Tính thuyết phục của phương pháp này phụ thuộc vào mức độ hợp lý và khách quan của kết quả đem lại.

●   Không được lấp lỗ hổng pháp lý khi giải thích các quy định về tội phạm

Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự”.641 Do đó, khi giải thích các quy định về tội phạm, thẩm phán không thể lấp lỗ hổng pháp lý bằng cách áp dụng suy luận tương tự, suy lý mạnh, quy nạp, diễn dịch hay áp dụng phương pháp giải thích mục đích, giải thích so sánh, giải thích thực tế nhằm để mở rộng hành vi phạm tội. Sự thật rằng không một Bộ luật hình sự nào có thể dự liệu chuẩn xác các hành vi cần xem là tội phạm để phải chịu hình phạt. Tuy nhiên, việc không được phép suy luận tương tự, không giải thích theo hướng mở rộng hành vi phạm tội sẽ đảm bảo tính chắc chắn pháp lý của luật hình sự, bảo vệ nhân quyền, để lại quyền xác định hành vi phạm tội duy nhất thuộc về cơ quan lập pháp dân chủ được bầu chọn.

Đáng chú ý, ngoài các quy định về tội phạm và hình phạt, Bộ luật Hình sự nước ta còn có các quy định khác trong phần chung. Do đó, khi giải thích các quy định trong phần chung của bộ luật hình sự, liệu thẩm phán có được áp dụng tương tự pháp luật, hay áp dụng các phương pháp giải thích khác đem lại kết quả giải thích rộng hoặc hẹp hơn kết quả có được từ câu chữ của quy định.

4.2.2.3. Thiết lập quy tắc giải thích liên quan đến ngữ nghĩa của quy định

●   Tôn trọng nghĩa thông thường và nghĩa kỹ thuật của ngôn ngữ

Văn bản quy phạm pháp luật là công cụ giao tiếp bằng ngôn ngữ giữa chủ thể ban hành với chủ thể đọc VBQPPL đó. Về nguyên tắc, ngôn ngữ trong VBQPPL được viết theo nghĩa thông thường,643 phù hợp với ngữ cảnh, mục đích của văn bản, ý định của chủ thể ban hành và thống nhất cách sử dụng ngôn ngữ với các VBQPPL khác. Theo đó, khi GTVBQPPL thẩm phán cần chú ý nghĩa thông thường, phổ biến thể hiện trên bề mặt câu chữ của quy định vì những lý do sau:

-     Đảm bảo tính tối cao của cơ quan lập pháp và các giá trị dân chủ trong khi GTVBQPPL.

-     Hạn chế sự thay thế quan điểm của cá nhân thẩm phán cho quan điểm của chủ thể ban hành.

-     Đề cao trách nhiệm và tính cẩn trọng của chủ thể soạn thảo và ban hành VBQPPL.

-     Giúp tiết kiệm thời gian và chi phí của các bên có liên quan trong việc tìm kiếm các căn cứ giải thích khác.644

Bên cạnh nghĩa thông thường, khi thẩm phán giải thích các quy định trong lĩnh vực chuyên ngành cụ thể cần chú ý đến nghĩa kỹ thuật của lĩnh vực đó. Trong lĩnh vực chuyên ngành, nghĩa kỹ thuật có thể được ưu tiên hơn nghĩa thông thường nhưng thẩm phán chỉ nên chọn nghĩa nào sau khi đã xem xét yếu tố ngữ cảnh của quy định trong toàn thể VBQPPL được giải thích cũng như xem xét đến kết quả của vụ việc được giải quyết. Khi có cơ sở cho rằng nghĩa thông thường của quy định đem đến một kết quả giải thích máy móc, thiếu khách quan, thiếu công bằng thì với lý lẽ khác mạnh hơn thẩm phán được quyền rời bỏ nghĩa thông thường và chỉ rõ lý do của sự rời bỏ đó.

●   Nghĩa của quy định có thể thay đổi theo thời gian

Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian vì vậy TANDTC cần thừa nhận quy tắc rằng khi giải thích thẩm phán được quyền cập nhật nghĩa thay đổi theo thời gian. Quy tắc này giúp thẩm phán có được kết quả giải thích phù hợp với điều kiện, kinh tế xã hội hiện tại, đặc biệt đối với các quy định được soạn thảo theo cách thức chung chung khá bao quát và đã duy trì hiệu lực trong khoảng thời gian dài. Kinh nghiệm từ Úc và Đức, thẩm phán cần phân biệt giữa nghĩa của từ và sự biểu thị của từ theo nghĩa đó. Ví dụ nghĩa của từ “vũ khí” hay “phương tiện giao thông” không thay đổi theo thời gian nhưng những gì được xem là “vũ khí” hay “phương tiện giao thông” cần được cập nhật theo sự phát triển của thời đại.

4.2.2.4. Thiết lập quy tắc giải thích liên quan đến ngữ cảnh của quy định

Để đảm bảo cách hiểu thống nhất, đảm bảo mục đích giao tiếp chuẩn xác giữa chủ thể ban hành và GTVBQPPL, các quy ước sau đây cần được đặt ra:

●   Trong một văn bản quy phạm pháp luật, từ giống nhau nghĩa giống nhau, từ khác nhau nghĩa khác nhau

Để quy tắc này được áp dụng, trước tiên nhà soạn thảo cần chú ý sử dụng từ ngữ với nghĩa thống nhất trong toàn văn bản, trừ khi có định nghĩa riêng trước mỗi phần cụ thể. Hiện nay, quy tắc này chưa được thiết lập trong quá trình soạn thảo VBQPPL ở nước ta. Ngay trong chính điều đầu tiên nhằm xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Ban hành VBQPPL hiện hành lại sử dụng ba từ rất gần nhau về ngữ nghĩa: “Luật này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL…Luật này không quy định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.”

●   Từ ngữ trong quy định không được sử dụng một cách dư thừa

Khi ban hành VBQPPL, các chủ thể soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thảo luận và thông qua cần chú ý nguyên tắc không sử dụng từ ngữ trong VBQPPL một cách dư thừa. Mỗi từ trong văn bản đều cần thiết, có nghĩa và có vai trò riêng để khi giải thích thẩm phán không được bỏ qua nghĩa của từ nào đó, xem đó là các từ dư thừa.

●   Nghĩa của từ trong quy định được nhận ra qua các từ xung quanh nó

Các từ chung quanh là ngữ cảnh rất gần để hỗ trợ trong việc tìm nghĩa của từ ngữ cần giải thích. Từ điều khiển trong quy định nghiêm cấm “Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở” 645 có bao gồm hành vi dắt xe? Theo nghĩa thông thường thì dắt, dẫn xe cũng là điều khiển.646 Tuy nhiên, khi xem xét các quy định xung quanh như cấm “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, hoặc cấm “điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định”647 giúp chúng ta nhận ra rằng từ “điều khiển” được dùng trong Luật này có nghĩa là lái xe với một tốc độ nhất định.

●   Khi quy định được diễn đạt bằng sự liệt kê nhiều từ cùng đặc điểm thì từ theo sau bao quát hơn cần được hiểu trong giới hạn đặc điểm chung của các từ được liệt kê

Quy tắc này sẽ hỗ trợ đáng kể cho thẩm phán trong GTVBQPPL, đặc biệt trong điều kiện VBQPPL nước ta thường dùng các “cụm từ quét” để bao quát nhiều trường hợp nhất có thể. Theo Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011 thì “Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác…Có thể gọi tên đây là quy tắc từ cùng loại, theo đó lý do khách quan khác cần được hiểu là lý do liên quan đến thể chất gây khó khăn cho việc đi lại giống như ốm đau, già yếu; người khác là người có mối quan hệ gia đình thân thích như những người được liệt kê.

4.2.2.5. Thiết lập quy tắc giải thích liên quan đến cấu trúc ngữ pháp của quy định

Bên cạnh việc xem xét câu chữ thì việc phân tích cấu trúc ngữ pháp của quy định cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ngữ nghĩa của quy định. Các quy ước chung liên quan đến sử dụng dấu câu, sự bổ nghĩa giữa các từ, giữa các thành tố trong quy định cần được thiết lập để mục đích giao tiếp thông qua phương tiện là VBQPPL có thể đạt được một cách chuẩn xác. Sau khi thiết lập, các quy ước này sẽ trở thành căn cứ chung dựa vào đó để ban hành và cũng dựa vào đó để giải thích VBQPPL đã ban hành. Để xây dựng các quy tắc giải thích liên quan đến cấu trúc ngữ pháp một cách hợp lý và khoa học, TANDTC cần có trợ giúp của các chuyên gia soạn thảo VBQPPL dày dặn kinh nghiệm và các chuyên gia ngữ pháp tiếng Việt.

4.2.2.6. Thiết lập quy tắc suy luận trong giải thích văn bản quy phạm pháp luật

Dựa trên các nguyên tắc ban hành VBQPPL được ghi nhận hiện nay, TANDTC nên thiết lập các quy tắc mang tính suy luận liên quan đến ý chí của nhà làm luật khi GTVBQPPL như sau: chủ thể ban hành VBQPPL muốn hướng đến kết quả khả thi; phù hợp với VBQPPL cấp trên và điều ước quốc tế; đảm bảo bình đẳng giới, đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và dân chủ. Theo đó, thẩm phán cần giải thích các quy định mơ hồ theo hướng thuận tiện cho người dân trong thủ tục hành chính, đảm bảo bình đẳng giới, đảm bảo dân chủ, đảm bảo kết quả giải thích có được tính khả thi… Suy luận rằng chủ thể ban hành VBQPPL có nhận biết về các giải thích của tòa án hoặc án lệ hiện hành, nếu chủ thể ban hành sử dụng lại từ ngữ đã được tòa án giải thích xem như chủ thể ban hành đã chấp nhận cách giải thích đó. Ngược lại, khi một quy định đã được tòa án giải thích nhưng được diễn đạt khác đi trong quá trình sửa đổi, hoặc ban hành lại thì thẩm phán suy luận rằng nghĩa của quy định đó cũng khác đi. Dựa vào sự thay đổi cách diễn đạt của quy định thì khó có thể cho rằng chủ thể ban hành vẫn giữ nguyên nội dung của quy định.649 Thiết lập các nguyên tắc suy luận chung trong quá trình GTVBQPPL của tòa án hiện nay có ý nghĩa hỗ trợ cho việc thực hiện yêu cầu “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.650

4.2.2.7. Thiết lập quy tắc giải quyết xung đột khi giải thích văn bản quy phạm pháp luật

Khi GTVBQPPL, nếu phát hiện có dấu hiệu xung đột pháp luật, từ kinh nghiệm các nước Thông luật và Dân luật thẩm phán cần thông qua giải thích để hóa giải xung đột. Để hóa giải được xung đột, thường một trong hai hoặc cả hai quy tắc có dấu hiệu xung đột không được giải thích bằng phương pháp văn phạm. Trong trường hợp không thể hóa giải xung đột thẩm phán áp dụng quy tắc giải quyết xung đột. Pháp luật nước ta hiện hành chỉ đặt ra các quy tắc giải quyết xung đột sau: án lệ đương nhiên bị bãi bỏ vì không còn phù hợp do sự thay đổi của VBQPPL;651 ưu tiên áp dụng VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn hiệu lực thấp; nếu VBQPPL cùng cơ quan ban hành xung đột thì ưu tiên áp dụng văn bản ban hành sau.652 Còn nhiều giả định chưa được dự liệu như: xung đột giữa VBQPPL cùng giá trị pháp lý nhưng khác chủ thể ban hành, xung đột giữa các quy định trong cùng VBQPPL hay xung đột giữa các quy định trong VBQPPL chuyên ngành và VBQPPL quy định chung, kể cả xung đột giữa các nguyên tắc pháp lý.

Trong điều kiện pháp luật hiện hành chưa đưa ra giải pháp để giải quyết các trường hợp xung đột nêu trên, tác giả luận án xin đưa ra kiến nghị như sau:

Đối với quy định trong VBQPPL cùng giá trị pháp lý nhưng khác cơ quan ban hành (ví dụ thông tư của hai bộ trưởng) thì thẩm phán ưu tiên văn bản do cơ quan có thẩm quyền chính liên quan đến lĩnh vực của quan hệ xã hội được điều chỉnh.

Đối với các quy định trong cùng một VBQPPL thì thẩm phán nên ưu tiên áp dụng quy định cụ thể so với quy định chung vì khi ban hành quy định cụ thể, chủ thể ban hành đã có cơ hội suy nghĩ kỹ hơn về vấn đề ban hành. Điều 1, Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 định nghĩa “VBQPPL là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền” nhưng Điều 2 của Luật này lại liệt kê nhiều VBQPPL do cá nhân ban hành. Khi đó, chúng ta dễ dàng chấp nhận nghĩa theo nội dung của Điều 2 rằng VBQPPL còn được ban hành bởi cá nhân có thẩm quyền. Tương tự, VBQPPL quy định về lĩnh vực cụ thể được ưu tiên áp dụng so với các VBQPPL quy định chung vì với tính chất điều chỉnh chung các quan hệ xã hội, các VBQPPL không thể xem xét kỹ lưỡng, điều chỉnh chi tiết từng loại quan hệ xã hội mang đặc trưng riêng của từng lĩnh vực.653

Ngoài ra, xung đột pháp luật có thể diễn ra ở cấp độ xung đột giữa các nguyên tắc pháp luật. Ví dụ sự xung đột giữa nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư và nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin. Học tập kinh nghiệm từ Đức, thẩm phán cần được trao quyền đánh giá tầm quan trọng và mức độ ưu tiên giữa các nguyên tắc đặt trong mối quan hệ của từng vụ việc cụ thể. Hơn nữa, trong tương lai khi ban hành luật về GTVBQPPL Quốc hội cần chuyển các quy định về áp dụng VBQPPL trở thành một phần không thể thiếu trong các quy tắc về GTVBQPPL theo vụ việc.

4.2.3.   Công khai các lập luận giải thích văn bản quy phạm pháp luật

Để nâng cao tính dân chủ, tránh yếu tố tùy tiện, góp phần nâng cao kỹ năng GTVBQPPL của cá nhân thẩm phán trong các phán quyết tư pháp thì tất cả các văn bản có tính giải thích trong ngành tòa án cần chỉ ra con đường dẫn đến kết quả giải thích có được. Giải thích làm rõ nghĩa và phạm vi áp dụng của các quy định pháp luật thành văn có tầm quan trọng không kém hoạt động tạo ra các quy định đó. Một quy tắc chỉ là sự kết hợp của câu chữ, nó chỉ có ý nghĩa ràng buộc thật sự khi nó được giải thích và áp dụng vào vụ việc cụ thể. Chính vì vậy nếu các quy định được công khai thì hoạt động giải thích đem đến nghĩa của các quy định đó cũng cần phải được công khai. Có như vậy, công việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC cũng như công việc áp dụng pháp luật của thẩm phán vào vụ việc cụ thể mới trở nên rõ ràng, minh bạch và đủ sức thuyết phục.

Khi thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án được chính thức ghi nhận, lý thuyết về GTVBQPPL của tòa án được hình thành, các luật tố tụng cần quy định rõ cấu trúc của các phán quyết tư pháp phải có một phần riêng biệt chứa đựng các lập luận giải thích làm rõ nghĩa và phạm vi áp dụng của quy định được chọn. Trên thế giới, án lệ có xu hướng hình thành từ hoạt động GTVBQPPL của tòa án, các vụ việc có tình tiết giống nhau được giải quyết giống nhau nhờ vào việc thẩm phán sử dụng các công cụ giống nhau trong quá trình giải thích và áp dụng VBQPPL.654 Vì vậy, trong tương lai khi thẩm quyền GTVBQPPL theo vụ việc của tòa án được chính thức thừa nhận thì chỉ những bản án chứa đựng các lập luận giải thích thật hợp lý, rõ ràng, đủ thuyết phục mới được tuyển chọn và công bố thành án lệ.

4.2.4.   Tăng cường công tác giảng dạy, tập huấn kiến thức và kỹ năng giải thích văn bản quy phạm pháp luật

Như đã phân tích, hoạt động GTVBQPPL của tòa án mang tính kỹ thuật, tính chuyên môn cao. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả của hoạt động này cần chú trọng công tác đào tạo, giảng dạy, tập huấn các kiến thức và kỹ năng có liên quan. Kiến thức và kỹ năng GTVBQPPL nên được giảng dạy cho sinh viên luật bậc đại học qua các môn học có tính nhập môn, ngay từ khi tư duy pháp lý của sinh viên vừa mới hình thành. Bên cạnh đó, việc tăng cường phương pháp giảng dạy tình huống có thể góp phần nâng cao kỹ năng GTVBQPPL theo vụ việc. Thực hiện được điều này sẽ giúp các quan tòa tương lai hình thành thói quen tư duy theo hướng đưa ra các lý lẽ lập luận giải thích để bảo vệ kết quả phán quyết theo hướng này hay loại trừ kết quả phán quyết theo hướng khác. Theo đó, các phán quyết đạt được trong tương lai sẽ mang sắc thái của án lệ, để án lệ Việt Nam có điều kiện phát triển đúng hướng, tiến gần hơn đến thông lệ quốc tế.

Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả luận án chưa thể đánh giá một cách chính xác và toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động GTVBQPPL của tòa án bao gồm trình độ, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cũng như ý thức pháp luật của thẩm phán… Tuy nhiên, qua báo cáo tổng kết của ngành tòa án cho thấy tỷ lệ hủy, sửa án hành chính vẫn còn cao; tình trạng phán quyết tuyên không rõ chưa được khắc phục triệt để; số lượng biên chế chưa đáp ứng so với yêu cầu công việc; đặc biệt còn một số thẩm phán chưa thận trọng trong việc nghiên cứu, thiếu trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nên hiệu quả công tác chưa tốt, thậm chí bị kết án.655 Từ đó cho thấy sự e dè hay nghi ngờ về bản lĩnh và năng lực chuyên môn của thẩm phán để GTVBQPPL là có căn cứ. Chính vì vậy, TANDTC cần sớm triển khai các hoạt động đánh giá, nghiên cứu thực tiễn GTVBQPPL của thẩm phán, để từ đó đưa kiến thức, kỹ năng giải thích này vào chương trình đào tạo nghiệp vụ và tập huấn ngắn hạn cho thẩm phán cả nước. Các kiến thức cần bồi dưỡng cho thẩm phán bao gồm mục đích, căn cứ, quy tắc và phương pháp GTVBQPPL của thẩm phán. Thẩm phán cũng cần được bồi dưỡng các kỹ năng như kỹ năng vận dụng nguyên tắc chung của pháp luật, vận dụng các quyền hiến định vào hoạt động giải thích một cách phù hợp. Ngày nay, sự gia tăng tính phức tạp của xã hội khiến cho quy định của pháp luật không theo kịp và vì vậy vai trò khắc phục sự lạc hậu, thiếu hụt của pháp luật từ thẩm phán trong quá trình giải thích và áp dụng pháp luật thành văn ngày càng trở nên quan trọng. Do đó, để có được các kết luận được rút ra từ các thông tin đã biết, thẩm phán cần được tập huấn kỹ năng suy luận logic như suy luận tương tự, suy luận tất nhiên, suy luận quy nạp – diễn dịch…656

Việc tăng cường triển khai các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, tập huấn kiến thức và kỹ năng về GTVBQPPL của tòa án sẽ tạo điều kiện để tăng cường sự trao đổi chuyên môn qua lại giữa thẩm phán và giới học thuật. Trước hết, các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm có được từ các nước về hoạt động GTVBQPPL của tòa án sẽ có cơ hội được chuyển giao đến ngành tòa án. Khả năng rất cao thẩm phán có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu mang tính học thuật làm cơ sở để lập luận hay biện minh cho các lập luận dẫn đến phán quyết của mình. Mặt khác, với việc tăng cường giảng dạy, nghiên cứu các kiến thức và kỹ năng GTVBQPPL kết hợp với việc công khai các lập luận giải thích cùng với các bản án, tác giả luận án tin chắc rằng hoạt động bình luận án sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều. Chính điều này lại tiếp tục đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bản thân thẩm phán phải có đủ phẩm chất và năng lực để không GTVBQPPL một cách tùy tiện thay vì phải học hỏi, trao dồi kiến thức, kỹ năng về GTVBQPPL.

Theo: Huỳnh Thị Sinh Hiền

Link luận án: 

https://docs.google.com/document/d/1xFwgC6aacX69knvPfs3_XlM4r64mhWOW/edit

avatar
Đặng Quỳnh
490 ngày trước
HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIẢI THÍCH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA TÒA ÁN
 4.2. Giải pháp hoàn thiện hoạt động giải thích văn bản quy phạm pháp luật của tòa án Việt Nam4.2.1.   Thừa nhận thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật theo vụ việc của tòa ánThực tiễn đã chứng minh một hoạt động mang tính pháp lý chỉ phát triển thực sự khi chủ thể thực hiện hoạt động đó có thẩm quyền và có cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai. Đối với hoạt động GTVBQPPL thì điều này cũng không ngoại lệ. Xuất phát từ câu châm ngôn “de minimis non curat lex”609 (luật pháp không tự thân quan tâm đến các tiểu tiết) nên giải thích của TANDTC qua các VBQPPL hướng dẫn áp dụng pháp luật hay công văn giải đáp cũng chỉ là các giải thích chung chung không gắn với kết quả áp dụng cho từng vụ việc, không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu giải thích và sản phẩm giải thích khó có thể đảm bảo công bằng.Chức năng xét xử được thực hiện bởi thẩm phán, vì vậy khi đề cập đến thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án chính là đề cập đến thẩm quyền của thẩm phán vì thẩm phán luôn là thành phần chính là hiện thân của tòa án.610 Ciecero đã nhấn mạnh “đạo luật là một quan tòa câm, quan tòa là một đạo luật biết nói”.611 Montesquieu cũng đã từng ví “thẩm phán” không phải “tòa án” như “cái miệng của pháp luật”. Chính vì vậy, GTVBQPPL đúng nghĩa nhất phải là giải thích của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc cụ thể.Nguyên tắc “bất khẳng thụ lý” nổi tiếng trong Bộ luật Dân sự Pháp cho thấy nghĩa vụ GTVBQPPL cũng thuộc về cá nhân thẩm phán: “nếu thẩm phán viện lý do rằng luật im lặng, không rõ ràng hoặc không đầy đủ để không phán quyết thì có thể bị kết tội trì hoãn công lý”.613 Nguyên tắc này từng được ghi nhận lại trong các bộ luật dân sự ở Việt Nam thời Pháp thuộc để cấm thẩm phán tạo ra các quy tắc chung trong quá trình phán quyết nhưng phải có nghĩa vụ GTVBQPPL.614 Đến năm 2015, nguyên tắc này được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự nước ta hiện hành nhưng rất tiếc rằng nghĩa vụ trong quy định được chuyển từ cá nhân thẩm phán sang tổ chức tòa án: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.Từ đó những phân tích trên cho thấy Việt Nam nên thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án theo hướng đây là thẩm quyền của thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể không phải đặc quyền của TANDTC. Bất kỳ thẩm phán nào, thuộc tòa án cấp nào cũng có thẩm quyền giải thích tất cả các VBQPPL có liên quan trong quá trình xét xử. GTVBQPPL của thẩm phán tòa án cấp dưới sẽ được kiểm tra bởi thẩm phán tòa án cấp trên thông qua quá trình tố tụng và theo đó thẩm quyền GTVBQPPL cao nhất trong ngành tòa án thuộc về Hội đồng thẩm phán TANDTC. Kết quả giải thích có tính chuẩn mực trong việc định hướng áp dụng pháp luật sẽ được chọn lọc và công bố thành án lệ.Về cách thức thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án, có quan điểm cho rằng nếu thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh của UBTVQH nước ta đã là quyền hiến định thì thẩm quyền GTVBQPPL mang tính vụ việc của tòa án cũng cần được ghi nhận rõ ràng trong Hiến pháp. Tuy nhiên, từ kết quả phân tích thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án ở các nước Thông luật và Dân luật cho thấy thẩm quyền GTVBQPPL (trừ hiến pháp ở một số nước) không được chính thức ghi nhận trong các VBQPPL mà được hiểu thông qua giải thích hoặc thông qua tập quán. Từ kinh nghiệm có được về vấn đề ghi nhận thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án các nước Thông luật và Dân luật, trong điều kiện chưa thể sửa đổi Hiến pháp như hiện nay thì UBTVQH cần triển khai thẩm quyền hiến định của mình để giải thích làm rõ nội hàm “quyền tư pháp” tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp năm 2013. Bằng phương pháp giải thích hệ thống (như đã được trình bày trong phần 4.1.1.1 của luận án) và bằng phương pháp so sánh cách hiểu quyền tư pháp ở các nước, kết hợp với quan điểm của các học giả trong nước hiện nay, UBTVQH hoàn toàn có thể công nhận tòa án có thẩm quyền giải thích tất cả các VBQPPL kể cả Hiến pháp trong quá trình áp dụng pháp luật.Trong tương lai, quyền bảo hiến nếu được trao cho TANDTC hay một cơ quan chuyên trách khác như Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp thì cơ quan đó sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc giải thích Hiến pháp. Kinh nghiệm từ các nước Thông luật và cả Dân luật đều cho thấy, thẩm phán cần dựa vào Hiến pháp để làm rõ nghĩa các quy định thành văn khác trong cùng hệ thống pháp luật. Bản chất hiến pháp là giống nhau ở các nước, đều là luật gốc, có giá trị pháp lý tối thượng. Do đó, không ngoại lệ thẩm phán nước ta cũng cần có quyền giải thích Hiến pháp để lấy đó làm căn cứ cho việc giải thích các VBQPPL khác có liên quan nhằm đảm bảo tính hệ thống, tính hợp hiến trong quá trình tìm nghĩa của các quy định thành văn. Việc trao quyền GTVBQPPL theo vụ việc cho tòa án là hoàn toàn có cơ sở và có tính khả thi vì các lý do sau đây:4.2.1.1. Thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhánh lập pháp đã được lịch sử chứng minh là không phù hợpLà một nước xã hội chủ nghĩa, kế thừa từ pháp luật Xô Viết, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ trao quyền GTPL nói chung (Hiến pháp năm 1959) và trao quyền giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh (Hiến pháp năm 1980, 1992 và năm 2013) cho UBTVQH. Qua hơn nửa thế kỷ được trao quyền, UBTVQH dường như bỏ quên việc triển khai thẩm quyền giải thích các VBQPPL được giao. Đây chính là một minh chứng cho thấy tính không hợp lý và không hiệu quả của việc trao thẩm quyền GTVBQPPL cho nhánh lập pháp. Việc bỏ quên nhiệm vụ GTVBQPPL này không hẳn là lỗi của UBTVQH, mà còn ở cách thức hay mô hình tổ chức quyền lực nhà nước. Về bản chất, UBTVQH chủ yếu thực hiện chức năng của một cơ quan thường trực như triệu tập Quốc hội, điều hòa phối hợp hoạt động của các Ủy ban Quốc hội, hằng ngày UBTVQH không va chạm với các vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật nên không thể tự nhận ra nhu cầu giải thích.4.2.1.2. Giải thích văn bản quy phạm pháp luật của tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật là hoạt động tất yếu, không thể phủ nhậnTòa án là cơ quan xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, để giải quyết một vụ án từ lúc nhận đơn, đến lúc ra phán quyết tòa án phải trải qua nhiều công đoạn trong đó không thể thiếu việc phải tìm kiếm quy định có liên quan, giải thích làm rõ nghĩa và xác định được phạm vi áp dụng của các quy định đó. Nếu có nhiều quy định liên quan tòa án phải giải thích để chọn lựa quy định nào phù hợp hơn, nếu không có quy định điều chỉnh trực tiếp tòa án cũng phải giải thích để có thể áp dụng tương tự pháp luật hoặc lẽ công bằng. Chính vì GTVBQPPL gắn liền với hoạt động áp dụng VBQPPL nên GTVBQPPL không chỉ diễn ra trong quá trình xét xử mà còn diễn ra khi các chủ thể khác trong tòa án xem xét đơn khởi kiện; quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; giải quyết các khiếu nại trong quá trình tố tụng hay giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử …Ví dụ, để nhận hay yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vụ án dân sự mà đơn này không có ghi quốc hiệu “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thẩm phán phải giải thích Điều 193 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015. Theo đó, thẩm phán chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 và khoản 4 Điều 189 trên không có đề cập đến quốc hiệu. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vì không đúng với mẫu đơn khởi kiện được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HDTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Đây chính là trường hợp thẩm phán cần GTVBQPPL, để có được quyết định đúng đắn thẩm phán phải cân nhắc nhiều yếu tố như tập quán viết đơn từ, mục đích của các nội dung cần phải có trong đơn khởi kiện, bản chất dân chủ của nhà nước, tính chất pháp lý của các mẫu do cơ quan nhà nước ban hành, giá trị hiệu lực pháp lý của Bộ luật và nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC.Vì tính tất yếu của hoạt động GTVBQPPL của tòa án nên trao  thẩm quyền GTVBQPPL cho tòa án phù hợp với thực tế đã và đang diễn ra tại Việt Nam. Hàng chục năm nay, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã quen với việc hướng dẫn tòa án cấp dưới hiểu và áp dụng các quy định pháp luật thành văn một cách thống nhất thông qua các nghị quyết, báo cáo tổng kết đến các công văn và giải đáp. Không ít căn cứ, phương pháp GTVBQPPL được thẩm phán Thông luật và Dân luật sử dụng bước đầu đã được TANDTC sử dụng làm rõ nghĩa của các quy định thành văn. Trao quyền GTVBQPPL thông qua hoạt động xét xử thì Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ trở thành cơ quan có thẩm quyền GTVBQPPL cao nhất và cũng là cơ quan có thẩm quyền giải thích cuối cùng. Chỉ có điều kinh nghiệm giải thích của TANDTC trong điều kiện mới nên thể hiện tập trung trong các phán quyết tư pháp cá biệt của Hội đồng thẩm phán, góp phần phát triển án lệ và việc áp dụng thống nhất pháp luật sẽ được thực hiện thông qua án lệ.4.2.1.3. Thừa nhận thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật theo vụ việc của tòa án phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta hiện nayBắt đầu từ việc tổng kết nhận thức và thực tiễn về tư pháp trong quá khứ, Đảng và nhà nước đã phát hiện ra những vấn đề có tính quy luật để từ đó đề xuất những thay đổi cần phải có về tư pháp trong tương lai. Theo đó, vấn đề cải cách tư pháp ở Việt Nam đã được Bộ chính trị đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 và gần đây nhất tiếp tục được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng như một điều kiện để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC thì nội dung đầu tiên cần cải cách tư pháp ở nước ta trong thời gian tới là phải làm rõ chủ thể thực hiện quyền tư pháp và nội hàm quyền tư pháp.621 Hiện nay, Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã phân định Quốc hội giữ quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiện quyền tư pháp.622 Như vậy, chỉ duy nhất “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” nhưng nội hàm quyền tư pháp bao gồm những quyền gì vẫn chưa được làm rõ. Theo tác giả Võ Khánh Vinh thì thẩm quyền GTPL của tòa án xuất phát từ quyền tư pháp được phân giao. Nội dung của quyền tư pháp bao gồm thẩm quyền xét xử và phán quyết về các tranh chấp, xây dựng và phát triển án lệ; kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định, hoạt động của các cơ quan nhà nước trong đó có thẩm quyền GTPL nói chung.623 Nhìn nhận quyền GTPL là một phần không thể thiếu của quyền tư pháp, tác giả Nguyễn Đăng Dung cho rằng trao quyền giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh cho UBTVQH là nhầm lẫn giữa quyền lập pháp và tư pháp.624 Mặc dù vậy, bên trên chỉ là quan điểm của các chuyên gia, để cải cách tư pháp hiệu quả cần có giải thích chính thức của UBTVQH để có cách hiểu thống nhất về nội hàm quyền tư pháp. Giải thích làm rõ nội hàm quyền tư pháp bao gồm quyền GTVBQPPL vừa phù hợp với cách hiểu của thông lệ quốc tế, của các nhà khoa học trong nước đồng thời sớm hoàn thành nội dung cốt lõi của cải cách tư pháp nước ta trong thời gian tới.Tài sản quý giá nhất của nhánh tư pháp chính là niềm tin của công chúng. Để có được niềm tin của công chúng tòa án không chỉ cần phải công khai quyết định tư pháp mà từ lý lẽ nào để có được các quyết định đó cũng cần được công khai. Chính vì vậy, việc thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL theo vụ việc của tòa án là điều kiện cần thiết để pháp luật tố tụng có cơ sở yêu cầu thẩm phán công khai tư duy của mình trong các phán quyết tư pháp về cách hiểu các quy định được áp dụng. Để làm được điều này đòi hỏi các thẩm phán phải không ngừng cập nhật kiến thức pháp luật, kiến thức kinh tế - xã hội một cách toàn diện, trao dồi kỹ năng giải thích, áp dụng pháp luật, kỹ năng viết bản án hợp lý, đúng pháp luật và đủ sức thuyết phục. Công khai tư pháp là liều thuốc hiệu quả để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, xây dựng một nền tư pháp vừa chuyên nghiệp vừa trong sạch theo định hướng cải cách tư pháp.625 Như vậy, làm rõ thẩm quyền GTVBQPPL theo vụ việc của tòa án góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và độc lập của thẩm phán, là điều kiện tiên quyết để nâng cao uy tín của tòa án theo Chiến lược cải cách tư pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.626 Cho dù con đường đi đến việc xây dựng các phán quyết tư pháp công khai, minh bạch với đầy đủ các lập luận giải thích làm rõ lý do dẫn đến phán quyết không phải con đường ngắn và thuận tiện trong điều kiện hiện nay nhưng mục tiêu có đạt được hay không phụ thuộc vào quyết tâm và thời gian khởi động những điều cần thiết.4.2.1.4. Thừa nhận thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật cho tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật tạo điều kiện cho án lệ phát triểnGTVBQPPL thông qua thực tiễn xét xử là điều kiện tiên quyết để án lệ được hình thành và phát triển. Để một phán quyết trở thành án lệ thì phán quyết đó phải chỉ rõ trong một vụ án cụ thể có những vấn đề pháp lý nào và các vấn đề đó được giải quyết ra sao. Đó có thể là các vấn đề mà pháp luật chưa quy định cụ thể, đầy đủ hoặc quy định được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Không có sự thể hiện yếu tố giải thích trong các bản án thì không thể có được các phán quyết mang tính án lệ, điều này được miêu tả theo lối so sánh của một luật sư nổi tiếng là “không có bột” làm sao “gột nên hồ”.627Lý lẽ tạo lập án lệ là yếu tố cốt lõi tạo ra sức thuyết phục của án lệ, giá trị của án lệ phụ thuộc chủ yếu vào các lý lẽ đó.628 Một khi tòa án chưa có thẩm quyền GTVBQPPL trong quá trình áp dụng pháp luật thì cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý để thực hiện quyền giải thích đó chưa thể được hình thành và phát triển. Chính vì vậy mà giải pháp đưa ra trong các án lệ nước ta thiên về áp đặt, thiếu sức thuyết phục. Trong các án lệ ở Việt Nam hiện nay, lý lẽ của thẩm phán thường rất ngắn gọn, nội dung lý lẽ không thể hiện các quan điểm khác nhau. Có thể cho rằng án lệ ở nước ta hiện nay chưa thật sự là sản phẩn của hoạt động GTVBQPPL vì yếu tố “làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau” theo tiêu chí tuyển chọn án lệ còn mờ nhạt.629 Trong khi đó, án lệ ở các nước Thông luật và Dân luật đều là sản phẩm của hoạt động GTVBQPPL, là một chuỗi các suy luận trùng hợp về cách hiểu và áp dụng cùng một quy định thành văn, trong đó có cả yếu tố sáng tạo pháp luật. Thẩm phán các nước Thông luật không cho rằng họ vi phạm nguyên tắc phân quyền vì họ chỉ sáng tạo pháp luật trong quá trình họ thực hiện chức năng giải quyết các vụ việc cụ thể trên cơ sở đảm bảo công bằng, công lý. Qua hoạt động GTVBQPPL gắn với vụ việc cụ thể, tòa án không lạm quyền lập pháp, mà còn qua đó góp phần làm cho hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn thiện hơn bằng con đường án lệ.Thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL theo vụ việc cho tòa án, thẩm phán có thể GTVBQPPL ngay trong quá trình giải quyết vụ việc cụ thể và tạo lập án lệ. Thực hiện điều này cả xã hội sẽ phải lấy kết quả giải thích của tòa án như mô hình mẫu để các cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước nhìn vào đó điều chỉnh cách hiểu và thực hiện các quy định đúng như cách hiểu của tòa án về các quy định trong VBQPPL.Liên quan đến vấn đề này, tác giả Phạm Duy Nghĩa khẳng định rằng muốn cho pháp luật nước ta gần lại với cuộc sống thì cần tạo cơ hội cho quan tòa ung dung, độc lập mà giải thích pháp luật để sáng tạo ra án lệ theo cảm nhận của lương tâm.630 Như vậy, muốn án lệ phát triển đúng bản chất của nó thì trước hết cần công khai thừa nhận thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án, từ đó thiết lập các quy tắc, phương pháp GTVBQPPL.4.2.2.   Thiết lập Bộ quy tắc giải thích văn bản quy phạm pháp luật cho tòa ánPhần này của luận án chuẩn bị hành trang cho trật tự giải thích mới của tòa án nước ta, GTVBQPPL thông qua xét xử. VBQPPL nói chung và văn bản luật nói riêng được ban hành theo quy trình pháp lý chặt chẽ, phản ánh nguyện vọng của nhân dân và chúng luôn có những điểm chung nhất định dẫn đến nhu cầu tất yếu cần được giải thích. Do đó, phương cách đi tìm nội dung, ý nghĩa của các quy định pháp luật thành văn có những điểm tương đồng nhất định, dù ở các quốc gia khác nhau với truyền thống pháp luật khác nhau. Nhìn chung các quy tắc GTVBQPPL ở các nước được thiết lập dựa trên đặc trưng cơ bản của VBQPPL, quy trình, kỹ thuật soạn thảo cũng như quy tắc sử dụng ngữ pháp thông thường trong giao tiếp.Với truyền thống luật thành văn, nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam cần có Luật GTPL để quy định chủ thể có thẩm quyền giải thích, đối tượng giải thích, nguyên tắc, quy trình, phương pháp, căn cứ có thể dựa vào làm cơ sở cho việc giải thích…631 Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước Dân luật, dù đề cao vai trò của luật thành văn họ cũng không có luật riêng và cũng có rất ít quy định thành văn điều chỉnh hoạt động GTVBQPPL mang tính vụ việc của tòa án. Các nước Thông luật có ban hành luật riêng để điều chỉnh hoạt động GTVBQPPL của tòa án nhưng nhìn chung ở cả hai hệ thống, GTVBQPPL của tòa án đều được xem là vấn đề của kinh nghiệm thực tiễn, mang tính linh hoạt. Chính vì vậy, để tránh tình trạng văn bản được ban hành thiếu tính khoa học, không khả thi, đặc biệt đây là lĩnh vực khá mới mẻ và mang tính thực tiễn cao nên bước đầu Hội đồng thẩm phán TANDTC cần ban hành Bộ quy tắc hướng dẫn GTVBQPPL trong ngành tòa án. Thay vì ban hành nhiều nghị quyết hướng dẫn áp dụng các quy định pháp luật khác nhau, Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ ban hành một Nghị quyết đính kèm theo là Bộ quy tắc hướng dẫn GTVBQPPL.Bộ quy tắc này chỉ mang tính hướng dẫn thẩm phán nhằm đảm bảo tính phù hợp, khách quan, công bằng cho kết quả có được trong từng vụ việc. Nội dung của Bộ quy tắc bao gồm quy tắc về sử dụng căn cứ, phương pháp giải thích, quy tắc về cấu trúc ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ cảnh, quy tắc giải quyết xung đột và các quy tắc suy luận trong GTVBQPPL. Việc thiết lập Bộ quy tắc này góp phần nâng cao hiệu quả giao tiếp giữa chủ thể ban hành và chủ thể GTVBQPPL, nâng cao tính độc lập của hoạt động xét xử. Sau một thời gian thi hành, TANDTC có thể chọn lựa và công nhận nhiều án lệ hơn liên quan đến GTVBQPPL tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển phù hợp với xu hướng chung của thế giới.4.2.2.1. Thiết lập quy tắc về sử dụng căn cứ giải thích●   Câu chữ của quy định luôn là căn cứ đầu tiên trong quá trình giải thíchTrên cơ sở học thuyết pháp quyền, so với tài liệu lịch sử lập pháp, ý định, mục đích lập pháp, đạo đức, truyền thống... thì chỉ có ngôn ngữ của quy định được thông qua theo thủ tục pháp lý chặt chẽ, có tính ràng buộc nên câu từ của quy định luôn là căn cứ đầu tiên trong quá trình giải thích quy định đó. Tuy nhiên, dùng câu từ để diễn đạt ý muốn của nhà làm luật không phải lúc nào cũng chính xác vì vậy thẩm phán cần xem xét đến sự hỗ trợ hoặc phản đối từ các căn cứ giải thích khác.●   Các bộ phận cấu thành của văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ giải thích quy định trong văn bản đóVề nguyên tắc, bất kỳ quy tắc pháp luật thành văn nào cũng gắn với ngữ cảnh của toàn thể VBQPPL, nghĩa của từ được nhận biết từ các từ xung quanh, nghĩa của quy định được nhận ra từ các quy định khác trong văn bản và tất cả các phần còn lại cấu thành nên văn bản. Do đó, tất cả các yếu tố cấu thành bên trong của VBQPPL đều có giá trị hỗ trợ làm rõ nghĩa của quy định pháp luật cần giải thích: trước hết là từ ngữ của quy định cần giải thích, kế đến là các từ ngữ xung quanh và các quy định khác trong cùng VBQPPL, kể cả tên của VBQPPL, tựa của chương, tiêu đề của điều luật, dấu câu, phụ lục, điều luật giải thích và điều luật quy định phạm vi áp dụng. Thẩm phán tiến hành giải thích tùy từng trường hợp cụ thể mà xem xét, phối hợp và cân nhắc yếu tố cấu thành nào trong VBQPPL giúp đem đến kết quả giải thích đúng đắn, phù hợp.●   Toàn bộ hệ thống pháp luật là căn cứ để giải thích văn bản quy phạm pháp luậtPháp luật luôn có tính hệ thống, vì vậy khi giải thích các quy định thành văn thẩm phán cần phải biết đặt quy định đó trong mối quan hệ tổng thể thống nhất của hệ thống pháp luật bao gồm án lệ, Hiến pháp, các VBQPPL khác có liên quan như văn bản thể hiện nguyên tắc chung của pháp luật; văn bản điều chỉnh cùng lĩnh vực trước và sau đó; văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành; văn bản có chứa đựng từ ngữ cần giải thích và cả các điều ước quốc tế có liên quan.●   Các tài liệu chuẩn bị trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ hỗ trợ để giải thích văn bản đóVBQPPL luôn được ban hành theo trình tự thủ tục nhất định, do đó có một niềm tin nhất quán rằng việc GTVBQPPL có thể được hỗ trợ bởi các tài liệu chuẩn bị như các tờ trình, bản thảo, các báo cáo, các góp ý thảo luận… Ở nước ta hiện nay, để hỗ trợ thẩm phán GTVBQPPL, các tài liệu liên quan đến quá trình hình thành một VBQPPL từ khi được đề xuất, soạn thảo đến khi công bố nên được thu thập, sắp xếp và công khai dướihình thức dễ tiếp cận và dễ tra cứu. Tuy nhiên, do chứa đựng các ý kiến thảo luận đa chiều, các ý kiến có thể mâu thuẫn nhau nên các tài liệu này chỉ có giá trị tham khảo.●   Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng lãnh đạo nên được xem là căn cứ giải thích văn bản quy phạm pháp luật ở nước taKhác với các nước Thông luật và Dân luật được xem xét, Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, với hệ thống chính trị nhất nguyên dưới sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền duy nhất là Đảng Cộng sản, với VBQPPL là công cụ để thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, muốn tìm nghĩa của quy định đòi hỏi thẩm phán phải nắm vững quan điểm chính trị của Đảng lãnh đạo như mục đích bao quát mà chủ thể ban hành VBQPPL muốn đạt được. Tư tưởng này hiện nay được thể hiện rõ qua việc Quốc hội nước ta điều chỉnh hoạt động giải thích mang tính quy phạm của UBTVQH như sau: Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh.632● Không hạn chế các căn cứ giải thích khác bên ngoài văn bản quy phạm pháp luậtĐể bảo vệ công bằng, công lý, phát huy tính dân chủ thì GTVBQPPL của thẩm phán nên được thực hiện trong môi trường giàu thông tin để thẩm phán có thể xem xét đa dạng các quan điểm và cân nhắc các lợi ích khác nhau. Thẩm phán có thể tham khảo từ điển, sách ngữ pháp, các công trình nghiên cứu xoay quanh những vấn đề điều chỉnh trong văn bản, các bài viết bàn luận, góp ý cho VBQPPL trong quá trình ban hành, kể cả VBQPPL cùng lĩnh vực ở quốc gia khác, cách giải thích của luật sư các bên, các tài liệu phản ánh giá trị kinh tế, văn hóa, tôn giáo, học thuyết pháp lý tồn tại vào thời kỳ VBQPPL được ban hành hoặc được giải thích… Ngoài ra, khi thỏa mãn điều kiện cần thiết theo quy định của Bộ luật Dân sự nước ta hiện nay, thẩm phán có thể áp dụng đạo đức, lẽ công bằng để cập nhật, sáng tạo pháp luật.GTVBQPPL là hoạt động mang tính thực tiễn cao nên rất khó liệt kê đầy đủ các căn cứ có thể dựa vào để giải thích, cũng như sắp xếp thứ bậc về tầm quan trọng của các căn cứ đó. Tùy theo từng vụ việc, thẩm phán sẽ cân nhắc, lựa chọn yếu tố nào quan trọng gắn với kết quả giải quyết của vụ việc nhằm đảm bảo khách quan và công bằng. Trong các căn cứ giải thích, thẩm phán có thể sử dụng kiến thức phổ thông, kiến thức chuyên môn, cả kiến thức về luật so sánh để có được các lập luận giải thích sắc bén, thuyết phục. Nhìn chung, các yếu tố cấu thành nên VBQPPL chính là ngữ cảnh gần hơn của văn bản,4.2.2.2. Thiết lập quy tắc về việc sử dụng phương pháp giải thích●   Thẩm phán cần kết hợp, cân nhắc nhiều phương pháp giải thíchHoạt động GTVBQPPL là hoạt động không chắc chắn, thẩm phán không thể biết chính xác kết quả có được là đúng hay sai. Chính vì vậy, khi giải thích thẩm phán cần phải kết hợp và đối chiếu nhiều phương pháp để có được kết quả thuyết phục. Kết quả giải thích giống nhau có được từ các phương pháp giải thích khác nhau sẽ rất thuyết phục, nếu kết quả không giống nhau thẩm phán phải cân nhắc, lựa chọn kết quả phù hợp. Có quan điểm cho rằng khi nghĩa theo câu chữ của quy định rõ ràng thì phải dừng lại ở nghĩa đó. Tuy nhiên, tính rõ ràng của câu chữ chỉ là tương đối, càng lâu, càng nhiều sự tranh cãi về nghĩa của quy định, đối chiếu nhiều căn cứ, sử dụng nhiều phương pháp thẩm phán càng dễ nhận ra câu chữ mơ hồ.Khi làm rõ quy định “nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi được đăng ký kết hôn”, trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện thì quy định này lấy lại nguyên văn của quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 và năm 1986. Thời kỳ 1959 - 1986 khi nhắc đến người “từ 18 tuổi” không chỉ người bình thường mà cả người có chuyên môn đều cho rằng đó là người trưởng thành. Tuy nhiên, đến khi xây dựng khái niệm người thành niên trong Điều 18 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì từ “đủ” được đặt trước cột mốc 18 tuổi: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên”. Hiểu theo cách giải thích hệ thống, gắn với quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 vô tình thừa nhận quyền đăng ký kết hôn của người phụ nữ chưa thành niên. Trong trường hợp này, giải thích theo lịch sử lập pháp và theo hệ thống đem đến kết quả khác nhau. Thực tế pháp lý nước ta đã chấp nhận kết quả giải thích hệ thống có tính cập nhật đồng thời vừa có được sự ủng hộ bởi nghĩa văn phạm từ câu từ. Hơn nữa, không phải người giải thích nào cũng có điều kiện nắm bắt được những thông tin thuộc về lịch sử lập pháp trong điều kiện chúng chưa được tập hợp và công bố công khai.●   Không có thứ tự ưu tiên giữa các phương pháp giải thíchHoạt động GTVBQPPL phức tạp và mang tính thực tiễn cao, do đó thẩm phán cần được quyền tự quyết về phương pháp giải thích trong từng vụ việc nhưng cần chú ý đến các gợi ý sau đây:-          Đối với các văn bản mới quy định cụ thể hoặc được soạn thảo với kỹ thuật lập pháp cao thích hợp hơn với phương pháp giải thích văn phạm.-          Đối với các VBQPPL cũ hoặc mang tính khái quát cao thẩm phán cần chú ý nhiều hơn tới phương pháp giải thích hệ thống, logic và giải thích thực tế để có thể khắc phục sự không đầy đủ, không rõ ràng hay lạc hậu của văn bản.633-          Khi giải thích các VBQPPL về gia đình thẩm phán nên quan tâm nhiều hơn đến phương pháp thực tế, chú ý các giá trị đạo đức như lợi ích của trẻ em, mục đích của gia đình.634-          Khi giải thích luật hình sự, các quy định khác hạn chế tự do hay áp đặt nghĩa vụ, các quy định mang tính ngoại lệ thẩm phán cần chú ý phương pháp văn phạm, hạn chế suy luận tương tự, hạn chế giải thích mở rộng quy định theo hướng bất lợi cho người dân.635●   Cho phép thẩm phán giải thích theo hướng lấp lỗ hổng pháp lýHọc thuyết lập pháp tối thượng trong hoạt động GTVBQPPL đòi hỏi thẩm phán phải tôn trọng câu chữ của quy định được thông qua, đảm bảo tính dân chủ. Tuy nhiên, dân chủ nghị viện (hay quốc hội) là dân chủ đại diện cho đa số trong khi đó tòa án cũng có trách nhiệm đảm bảo và kiểm chứng dân chủ bằng cách bảo vệ lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức trong từng vụ việc. Hơn nữa, do VBQPPL không thể nào dự liệu đầy đủ, chính xác các vụ việc xảy ra nên khi giải quyết các vụ việc cụ thể thẩm phán phải lấp lỗ hổng pháp luật.Theo quy định pháp luật nước ta hiện hành thì UBTVQH không được phép đặt ra quy tắc mới trong quá trình giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh, nhưng điều này không thể áp dụng đối với GTVBQPPL theo vụ việc của thẩm phán. Lấp lỗ hổng pháp luật không có nghĩa là thẩm phán phải đặt ra một quy tắc hoàn toàn mới mà có thể chỉ là sự thay đổi nghĩa văn phạm theo hướng rộng hoặc hẹp hơn so với nghĩa được thể hiện trên bề mặt câu chữ của quy định. Ở Việt Nam, giải thích mở rộng và giải thích thu hẹp được nhiều học giả xem là các phương pháp giải thích.637 Theo quan điểm của tác giả luận án, đây không phải là phương pháp giải thích mà chỉ là kết quả so sánh giữa giải thích văn phạm và giải thích bằng các phương pháp khác. Ví dụ, thẩm phán có thể giải thích người đứng trên xe gắn máy vẫn phải đội mũ bảo hiểm mặc dù theo câu chữ của quy định chỉ có người điều kiển và người ngồi trên xe đó phải đội mũ bảo hiểm. Để đạt được mục đích bảo vệ não bộ của người tham gia giao thông bằng xe gắn máy thì việc thay đổi kết quả theo sự diễn đạt của câu chữ là cần thiết. Hơn nữa, dùng phương pháp giải thích logic với kỹ thuật suy lý mạnh, khi luật đã ngăn cản hành vi ít nguy hiểm hơn (ngồi trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm) thì đồng thời luật ngăn cản hành vi nguy hiểm nhiều hơn (đứng trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm). Với phương pháp giải thích mục đích hoặc logic người giải thích bổ sung quy định yêu cầu người đứng trên xe gắn máy cũng phải đội mũ bảo hiểm, lấp khoảng trống pháp lý do nhà làm luật không trực tiếp diễn đạt hoặc không dự liệu được lúc ban hành.Từ quy định của Hiến pháp: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người…”638 cho thấy luật học thực chứng ở nước ta đã ghi nhận tinh thần của lý thuyết luật học tự nhiên. Thẩm phán có thể lấp khoảng trống pháp lý bằng cách căn cứ vào các yếu tố hỗ trợ khác bên ngoài VBQPPL được giải thích như: mục đích của quy định hay của văn bản được giải thích, quy định của pháp luật các nước khác về cùng vấn đề, ý định của chủ thể ban hành, nguyên tắc chung của pháp luật, lẽ phải, tập quán, tôn giáo, lý thuyết pháp lý và sự thay đổi tình hình kinh tế xã hội… Khi không thể tìm thấy ý định của chủ thể ban hành qua câu chữ của quy định, thẩm phán vượt qua ngưỡng của giải thích văn phạm và tự tìm kiếm nghĩa của quy định bằng phương pháp giải thích logic, đặc biệt là giải thích thực tế hay giải thích phát triển. Khi đó, thẩm phán sẽ đóng vai trò là người hợp tác với nhà làm luật để sáng tạo pháp luật. Hiện tại, pháp luật dân sự nước ta cho phép thẩm phán lấp lỗ hổng pháp lý bằng cách áp dụng tập quán và tương tự pháp luật. Trong trường hợp không có quy phạm điều chỉnh vụ việc tương tự, thẩm phán áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ việc.Kinh nghiệm từ các nước Dân luật cho thấy từ rất sớm thẩm phán đã tham khảo lý thuyết pháp lý được thể hiện qua các tác phẩm khảo luận, sách, giáo trình, bài tham luận, bài báo khoa học… để xây dựng giải pháp của riêng mình. Truyền thống pháp lý của Việt Nam từ trước đến nay không thừa nhận học thuyết pháp lý có giá trị bổ sung cho hệ thống các quy phạm pháp luật thực định. Tuy nhiên, điều này cần nhìn nhận lại trong thời đại ngày nay khi mà Bộ luật Dân sự và Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 đã thừa nhận nguyên tắc bất khẳng thụ lý và đa dạng hóa các nguồn của luật dân sự. Đây cũng chính là hai nguyên tắc mà trước đây đã được chính quyền Pháp biên soạn trong các Bộ luật dân sự của nước ta thời kỳ Pháp thuộc và ắt hẳn đã có cân nhắc sự phù hợp của các nguyên tắc đó với hoàn cảnh lý luận và thực tiễn của nước ta. Để có quan niệm đầy đủ về nguồn luật, đặc biệt là luật dân sự, lĩnh vực luật ít chịu ảnh hưởng về mặt chính trị thì cần thừa nhận vai trò của học thuyết pháp lý – một sản phẩm của quá trình nhận thức khoa học sáng tạo về hiện thực xã hội, sản phẩm của nghiên cứu khoa học tự do và dân chủ.640 Cụ thể, học thuyết pháp lý, quan điểm khoa học của các học giả nên được bổ sung trong Bộ luật Dân sự như một nguồn để thẩm phán dựa vào đó tìm giải pháp cho vụ việc đang giải quyết.Phương pháp giải thích so sánh là một trong những phương pháp có khả năng lấp khoảng trống pháp lý. Theo đó, thẩm phán có thể xem xét, học hỏi các giải pháp pháp lý từ các VBQPPL quy định về cùng vấn đề, các phán quyết tư pháp nước ngoài, kể cả các bài viết học thuật nước ngoài. Nhược điểm của phương pháp giải thích này được cho là áp đặt pháp luật nước ngoài vào luật trong nước, ảnh hưởng đến dân chủ và bản chất giai cấp của pháp luật. Sử dụng phương pháp này có thể dẫn đến việc chọn lựa kết quả giải thích theo mong muốn chủ quan của thẩm phán. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hoá các nước phải giải quyết nhiều vấn đề pháp lý giống nhau vì thế kinh nghiệm hay nên được cầu thị. Để hạn chế nhược điểm nêu trên, phương pháp so sánh không nên được sử dụng như là phương pháp duy nhất đem đến kết quả giải thích, chỉ mang tính bỗ trợ cho các phương pháp giải thích khác. Tính thuyết phục của phương pháp này phụ thuộc vào mức độ hợp lý và khách quan của kết quả đem lại.●   Không được lấp lỗ hổng pháp lý khi giải thích các quy định về tội phạmBộ luật Hình sự hiện hành của nước ta quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” và “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự”.641 Do đó, khi giải thích các quy định về tội phạm, thẩm phán không thể lấp lỗ hổng pháp lý bằng cách áp dụng suy luận tương tự, suy lý mạnh, quy nạp, diễn dịch hay áp dụng phương pháp giải thích mục đích, giải thích so sánh, giải thích thực tế nhằm để mở rộng hành vi phạm tội. Sự thật rằng không một Bộ luật hình sự nào có thể dự liệu chuẩn xác các hành vi cần xem là tội phạm để phải chịu hình phạt. Tuy nhiên, việc không được phép suy luận tương tự, không giải thích theo hướng mở rộng hành vi phạm tội sẽ đảm bảo tính chắc chắn pháp lý của luật hình sự, bảo vệ nhân quyền, để lại quyền xác định hành vi phạm tội duy nhất thuộc về cơ quan lập pháp dân chủ được bầu chọn.Đáng chú ý, ngoài các quy định về tội phạm và hình phạt, Bộ luật Hình sự nước ta còn có các quy định khác trong phần chung. Do đó, khi giải thích các quy định trong phần chung của bộ luật hình sự, liệu thẩm phán có được áp dụng tương tự pháp luật, hay áp dụng các phương pháp giải thích khác đem lại kết quả giải thích rộng hoặc hẹp hơn kết quả có được từ câu chữ của quy định.4.2.2.3. Thiết lập quy tắc giải thích liên quan đến ngữ nghĩa của quy định●   Tôn trọng nghĩa thông thường và nghĩa kỹ thuật của ngôn ngữVăn bản quy phạm pháp luật là công cụ giao tiếp bằng ngôn ngữ giữa chủ thể ban hành với chủ thể đọc VBQPPL đó. Về nguyên tắc, ngôn ngữ trong VBQPPL được viết theo nghĩa thông thường,643 phù hợp với ngữ cảnh, mục đích của văn bản, ý định của chủ thể ban hành và thống nhất cách sử dụng ngôn ngữ với các VBQPPL khác. Theo đó, khi GTVBQPPL thẩm phán cần chú ý nghĩa thông thường, phổ biến thể hiện trên bề mặt câu chữ của quy định vì những lý do sau:-     Đảm bảo tính tối cao của cơ quan lập pháp và các giá trị dân chủ trong khi GTVBQPPL.-     Hạn chế sự thay thế quan điểm của cá nhân thẩm phán cho quan điểm của chủ thể ban hành.-     Đề cao trách nhiệm và tính cẩn trọng của chủ thể soạn thảo và ban hành VBQPPL.-     Giúp tiết kiệm thời gian và chi phí của các bên có liên quan trong việc tìm kiếm các căn cứ giải thích khác.644Bên cạnh nghĩa thông thường, khi thẩm phán giải thích các quy định trong lĩnh vực chuyên ngành cụ thể cần chú ý đến nghĩa kỹ thuật của lĩnh vực đó. Trong lĩnh vực chuyên ngành, nghĩa kỹ thuật có thể được ưu tiên hơn nghĩa thông thường nhưng thẩm phán chỉ nên chọn nghĩa nào sau khi đã xem xét yếu tố ngữ cảnh của quy định trong toàn thể VBQPPL được giải thích cũng như xem xét đến kết quả của vụ việc được giải quyết. Khi có cơ sở cho rằng nghĩa thông thường của quy định đem đến một kết quả giải thích máy móc, thiếu khách quan, thiếu công bằng thì với lý lẽ khác mạnh hơn thẩm phán được quyền rời bỏ nghĩa thông thường và chỉ rõ lý do của sự rời bỏ đó.●   Nghĩa của quy định có thể thay đổi theo thời gianNgôn ngữ thay đổi theo thời gian vì vậy TANDTC cần thừa nhận quy tắc rằng khi giải thích thẩm phán được quyền cập nhật nghĩa thay đổi theo thời gian. Quy tắc này giúp thẩm phán có được kết quả giải thích phù hợp với điều kiện, kinh tế xã hội hiện tại, đặc biệt đối với các quy định được soạn thảo theo cách thức chung chung khá bao quát và đã duy trì hiệu lực trong khoảng thời gian dài. Kinh nghiệm từ Úc và Đức, thẩm phán cần phân biệt giữa nghĩa của từ và sự biểu thị của từ theo nghĩa đó. Ví dụ nghĩa của từ “vũ khí” hay “phương tiện giao thông” không thay đổi theo thời gian nhưng những gì được xem là “vũ khí” hay “phương tiện giao thông” cần được cập nhật theo sự phát triển của thời đại.4.2.2.4. Thiết lập quy tắc giải thích liên quan đến ngữ cảnh của quy địnhĐể đảm bảo cách hiểu thống nhất, đảm bảo mục đích giao tiếp chuẩn xác giữa chủ thể ban hành và GTVBQPPL, các quy ước sau đây cần được đặt ra:●   Trong một văn bản quy phạm pháp luật, từ giống nhau nghĩa giống nhau, từ khác nhau nghĩa khác nhauĐể quy tắc này được áp dụng, trước tiên nhà soạn thảo cần chú ý sử dụng từ ngữ với nghĩa thống nhất trong toàn văn bản, trừ khi có định nghĩa riêng trước mỗi phần cụ thể. Hiện nay, quy tắc này chưa được thiết lập trong quá trình soạn thảo VBQPPL ở nước ta. Ngay trong chính điều đầu tiên nhằm xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Ban hành VBQPPL hiện hành lại sử dụng ba từ rất gần nhau về ngữ nghĩa: “Luật này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL…Luật này không quy định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.”●   Từ ngữ trong quy định không được sử dụng một cách dư thừaKhi ban hành VBQPPL, các chủ thể soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thảo luận và thông qua cần chú ý nguyên tắc không sử dụng từ ngữ trong VBQPPL một cách dư thừa. Mỗi từ trong văn bản đều cần thiết, có nghĩa và có vai trò riêng để khi giải thích thẩm phán không được bỏ qua nghĩa của từ nào đó, xem đó là các từ dư thừa.●   Nghĩa của từ trong quy định được nhận ra qua các từ xung quanh nóCác từ chung quanh là ngữ cảnh rất gần để hỗ trợ trong việc tìm nghĩa của từ ngữ cần giải thích. Từ điều khiển trong quy định nghiêm cấm “Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở” 645 có bao gồm hành vi dắt xe? Theo nghĩa thông thường thì dắt, dẫn xe cũng là điều khiển.646 Tuy nhiên, khi xem xét các quy định xung quanh như cấm “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, hoặc cấm “điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định”647 giúp chúng ta nhận ra rằng từ “điều khiển” được dùng trong Luật này có nghĩa là lái xe với một tốc độ nhất định.●   Khi quy định được diễn đạt bằng sự liệt kê nhiều từ cùng đặc điểm thì từ theo sau bao quát hơn cần được hiểu trong giới hạn đặc điểm chung của các từ được liệt kêQuy tắc này sẽ hỗ trợ đáng kể cho thẩm phán trong GTVBQPPL, đặc biệt trong điều kiện VBQPPL nước ta thường dùng các “cụm từ quét” để bao quát nhiều trường hợp nhất có thể. Theo Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011 thì “Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác…” Có thể gọi tên đây là quy tắc từ cùng loại, theo đó lý do khách quan khác cần được hiểu là lý do liên quan đến thể chất gây khó khăn cho việc đi lại giống như ốm đau, già yếu; người khác là người có mối quan hệ gia đình thân thích như những người được liệt kê.4.2.2.5. Thiết lập quy tắc giải thích liên quan đến cấu trúc ngữ pháp của quy địnhBên cạnh việc xem xét câu chữ thì việc phân tích cấu trúc ngữ pháp của quy định cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ngữ nghĩa của quy định. Các quy ước chung liên quan đến sử dụng dấu câu, sự bổ nghĩa giữa các từ, giữa các thành tố trong quy định cần được thiết lập để mục đích giao tiếp thông qua phương tiện là VBQPPL có thể đạt được một cách chuẩn xác. Sau khi thiết lập, các quy ước này sẽ trở thành căn cứ chung dựa vào đó để ban hành và cũng dựa vào đó để giải thích VBQPPL đã ban hành. Để xây dựng các quy tắc giải thích liên quan đến cấu trúc ngữ pháp một cách hợp lý và khoa học, TANDTC cần có trợ giúp của các chuyên gia soạn thảo VBQPPL dày dặn kinh nghiệm và các chuyên gia ngữ pháp tiếng Việt.4.2.2.6. Thiết lập quy tắc suy luận trong giải thích văn bản quy phạm pháp luậtDựa trên các nguyên tắc ban hành VBQPPL được ghi nhận hiện nay, TANDTC nên thiết lập các quy tắc mang tính suy luận liên quan đến ý chí của nhà làm luật khi GTVBQPPL như sau: chủ thể ban hành VBQPPL muốn hướng đến kết quả khả thi; phù hợp với VBQPPL cấp trên và điều ước quốc tế; đảm bảo bình đẳng giới, đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và dân chủ. Theo đó, thẩm phán cần giải thích các quy định mơ hồ theo hướng thuận tiện cho người dân trong thủ tục hành chính, đảm bảo bình đẳng giới, đảm bảo dân chủ, đảm bảo kết quả giải thích có được tính khả thi… Suy luận rằng chủ thể ban hành VBQPPL có nhận biết về các giải thích của tòa án hoặc án lệ hiện hành, nếu chủ thể ban hành sử dụng lại từ ngữ đã được tòa án giải thích xem như chủ thể ban hành đã chấp nhận cách giải thích đó. Ngược lại, khi một quy định đã được tòa án giải thích nhưng được diễn đạt khác đi trong quá trình sửa đổi, hoặc ban hành lại thì thẩm phán suy luận rằng nghĩa của quy định đó cũng khác đi. Dựa vào sự thay đổi cách diễn đạt của quy định thì khó có thể cho rằng chủ thể ban hành vẫn giữ nguyên nội dung của quy định.649 Thiết lập các nguyên tắc suy luận chung trong quá trình GTVBQPPL của tòa án hiện nay có ý nghĩa hỗ trợ cho việc thực hiện yêu cầu “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.6504.2.2.7. Thiết lập quy tắc giải quyết xung đột khi giải thích văn bản quy phạm pháp luậtKhi GTVBQPPL, nếu phát hiện có dấu hiệu xung đột pháp luật, từ kinh nghiệm các nước Thông luật và Dân luật thẩm phán cần thông qua giải thích để hóa giải xung đột. Để hóa giải được xung đột, thường một trong hai hoặc cả hai quy tắc có dấu hiệu xung đột không được giải thích bằng phương pháp văn phạm. Trong trường hợp không thể hóa giải xung đột thẩm phán áp dụng quy tắc giải quyết xung đột. Pháp luật nước ta hiện hành chỉ đặt ra các quy tắc giải quyết xung đột sau: án lệ đương nhiên bị bãi bỏ vì không còn phù hợp do sự thay đổi của VBQPPL;651 ưu tiên áp dụng VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn hiệu lực thấp; nếu VBQPPL cùng cơ quan ban hành xung đột thì ưu tiên áp dụng văn bản ban hành sau.652 Còn nhiều giả định chưa được dự liệu như: xung đột giữa VBQPPL cùng giá trị pháp lý nhưng khác chủ thể ban hành, xung đột giữa các quy định trong cùng VBQPPL hay xung đột giữa các quy định trong VBQPPL chuyên ngành và VBQPPL quy định chung, kể cả xung đột giữa các nguyên tắc pháp lý.Trong điều kiện pháp luật hiện hành chưa đưa ra giải pháp để giải quyết các trường hợp xung đột nêu trên, tác giả luận án xin đưa ra kiến nghị như sau:Đối với quy định trong VBQPPL cùng giá trị pháp lý nhưng khác cơ quan ban hành (ví dụ thông tư của hai bộ trưởng) thì thẩm phán ưu tiên văn bản do cơ quan có thẩm quyền chính liên quan đến lĩnh vực của quan hệ xã hội được điều chỉnh.Đối với các quy định trong cùng một VBQPPL thì thẩm phán nên ưu tiên áp dụng quy định cụ thể so với quy định chung vì khi ban hành quy định cụ thể, chủ thể ban hành đã có cơ hội suy nghĩ kỹ hơn về vấn đề ban hành. Điều 1, Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 định nghĩa “VBQPPL là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền” nhưng Điều 2 của Luật này lại liệt kê nhiều VBQPPL do cá nhân ban hành. Khi đó, chúng ta dễ dàng chấp nhận nghĩa theo nội dung của Điều 2 rằng VBQPPL còn được ban hành bởi cá nhân có thẩm quyền. Tương tự, VBQPPL quy định về lĩnh vực cụ thể được ưu tiên áp dụng so với các VBQPPL quy định chung vì với tính chất điều chỉnh chung các quan hệ xã hội, các VBQPPL không thể xem xét kỹ lưỡng, điều chỉnh chi tiết từng loại quan hệ xã hội mang đặc trưng riêng của từng lĩnh vực.653Ngoài ra, xung đột pháp luật có thể diễn ra ở cấp độ xung đột giữa các nguyên tắc pháp luật. Ví dụ sự xung đột giữa nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư và nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin. Học tập kinh nghiệm từ Đức, thẩm phán cần được trao quyền đánh giá tầm quan trọng và mức độ ưu tiên giữa các nguyên tắc đặt trong mối quan hệ của từng vụ việc cụ thể. Hơn nữa, trong tương lai khi ban hành luật về GTVBQPPL Quốc hội cần chuyển các quy định về áp dụng VBQPPL trở thành một phần không thể thiếu trong các quy tắc về GTVBQPPL theo vụ việc.4.2.3.   Công khai các lập luận giải thích văn bản quy phạm pháp luậtĐể nâng cao tính dân chủ, tránh yếu tố tùy tiện, góp phần nâng cao kỹ năng GTVBQPPL của cá nhân thẩm phán trong các phán quyết tư pháp thì tất cả các văn bản có tính giải thích trong ngành tòa án cần chỉ ra con đường dẫn đến kết quả giải thích có được. Giải thích làm rõ nghĩa và phạm vi áp dụng của các quy định pháp luật thành văn có tầm quan trọng không kém hoạt động tạo ra các quy định đó. Một quy tắc chỉ là sự kết hợp của câu chữ, nó chỉ có ý nghĩa ràng buộc thật sự khi nó được giải thích và áp dụng vào vụ việc cụ thể. Chính vì vậy nếu các quy định được công khai thì hoạt động giải thích đem đến nghĩa của các quy định đó cũng cần phải được công khai. Có như vậy, công việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC cũng như công việc áp dụng pháp luật của thẩm phán vào vụ việc cụ thể mới trở nên rõ ràng, minh bạch và đủ sức thuyết phục.Khi thẩm quyền GTVBQPPL của tòa án được chính thức ghi nhận, lý thuyết về GTVBQPPL của tòa án được hình thành, các luật tố tụng cần quy định rõ cấu trúc của các phán quyết tư pháp phải có một phần riêng biệt chứa đựng các lập luận giải thích làm rõ nghĩa và phạm vi áp dụng của quy định được chọn. Trên thế giới, án lệ có xu hướng hình thành từ hoạt động GTVBQPPL của tòa án, các vụ việc có tình tiết giống nhau được giải quyết giống nhau nhờ vào việc thẩm phán sử dụng các công cụ giống nhau trong quá trình giải thích và áp dụng VBQPPL.654 Vì vậy, trong tương lai khi thẩm quyền GTVBQPPL theo vụ việc của tòa án được chính thức thừa nhận thì chỉ những bản án chứa đựng các lập luận giải thích thật hợp lý, rõ ràng, đủ thuyết phục mới được tuyển chọn và công bố thành án lệ.4.2.4.   Tăng cường công tác giảng dạy, tập huấn kiến thức và kỹ năng giải thích văn bản quy phạm pháp luậtNhư đã phân tích, hoạt động GTVBQPPL của tòa án mang tính kỹ thuật, tính chuyên môn cao. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả của hoạt động này cần chú trọng công tác đào tạo, giảng dạy, tập huấn các kiến thức và kỹ năng có liên quan. Kiến thức và kỹ năng GTVBQPPL nên được giảng dạy cho sinh viên luật bậc đại học qua các môn học có tính nhập môn, ngay từ khi tư duy pháp lý của sinh viên vừa mới hình thành. Bên cạnh đó, việc tăng cường phương pháp giảng dạy tình huống có thể góp phần nâng cao kỹ năng GTVBQPPL theo vụ việc. Thực hiện được điều này sẽ giúp các quan tòa tương lai hình thành thói quen tư duy theo hướng đưa ra các lý lẽ lập luận giải thích để bảo vệ kết quả phán quyết theo hướng này hay loại trừ kết quả phán quyết theo hướng khác. Theo đó, các phán quyết đạt được trong tương lai sẽ mang sắc thái của án lệ, để án lệ Việt Nam có điều kiện phát triển đúng hướng, tiến gần hơn đến thông lệ quốc tế.Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả luận án chưa thể đánh giá một cách chính xác và toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động GTVBQPPL của tòa án bao gồm trình độ, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cũng như ý thức pháp luật của thẩm phán… Tuy nhiên, qua báo cáo tổng kết của ngành tòa án cho thấy tỷ lệ hủy, sửa án hành chính vẫn còn cao; tình trạng phán quyết tuyên không rõ chưa được khắc phục triệt để; số lượng biên chế chưa đáp ứng so với yêu cầu công việc; đặc biệt còn một số thẩm phán chưa thận trọng trong việc nghiên cứu, thiếu trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nên hiệu quả công tác chưa tốt, thậm chí bị kết án.655 Từ đó cho thấy sự e dè hay nghi ngờ về bản lĩnh và năng lực chuyên môn của thẩm phán để GTVBQPPL là có căn cứ. Chính vì vậy, TANDTC cần sớm triển khai các hoạt động đánh giá, nghiên cứu thực tiễn GTVBQPPL của thẩm phán, để từ đó đưa kiến thức, kỹ năng giải thích này vào chương trình đào tạo nghiệp vụ và tập huấn ngắn hạn cho thẩm phán cả nước. Các kiến thức cần bồi dưỡng cho thẩm phán bao gồm mục đích, căn cứ, quy tắc và phương pháp GTVBQPPL của thẩm phán. Thẩm phán cũng cần được bồi dưỡng các kỹ năng như kỹ năng vận dụng nguyên tắc chung của pháp luật, vận dụng các quyền hiến định vào hoạt động giải thích một cách phù hợp. Ngày nay, sự gia tăng tính phức tạp của xã hội khiến cho quy định của pháp luật không theo kịp và vì vậy vai trò khắc phục sự lạc hậu, thiếu hụt của pháp luật từ thẩm phán trong quá trình giải thích và áp dụng pháp luật thành văn ngày càng trở nên quan trọng. Do đó, để có được các kết luận được rút ra từ các thông tin đã biết, thẩm phán cần được tập huấn kỹ năng suy luận logic như suy luận tương tự, suy luận tất nhiên, suy luận quy nạp – diễn dịch…656Việc tăng cường triển khai các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, tập huấn kiến thức và kỹ năng về GTVBQPPL của tòa án sẽ tạo điều kiện để tăng cường sự trao đổi chuyên môn qua lại giữa thẩm phán và giới học thuật. Trước hết, các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm có được từ các nước về hoạt động GTVBQPPL của tòa án sẽ có cơ hội được chuyển giao đến ngành tòa án. Khả năng rất cao thẩm phán có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu mang tính học thuật làm cơ sở để lập luận hay biện minh cho các lập luận dẫn đến phán quyết của mình. Mặt khác, với việc tăng cường giảng dạy, nghiên cứu các kiến thức và kỹ năng GTVBQPPL kết hợp với việc công khai các lập luận giải thích cùng với các bản án, tác giả luận án tin chắc rằng hoạt động bình luận án sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều. Chính điều này lại tiếp tục đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bản thân thẩm phán phải có đủ phẩm chất và năng lực để không GTVBQPPL một cách tùy tiện thay vì phải học hỏi, trao dồi kiến thức, kỹ năng về GTVBQPPL.Theo: Huỳnh Thị Sinh HiềnLink luận án: https://docs.google.com/document/d/1xFwgC6aacX69knvPfs3_XlM4r64mhWOW/edit