0888889366
Tra cứu thông tin hợp đồng
timeline_post_file648bdc8e67359-MỘT-SỐ-VẤN-ĐỀ-LÝ-LUẬN-PHÁP-LÝ-VỀ-CƠ-CHẾ-GIẢI-QUYẾT-TRANH-CHẤP-NGUỒN-NƯỚC-LIÊN-QUỐC-GIA-CHO-CÁC-MỤC-ĐÍCH-PHI-GIAO-THÔNG-THỦY.jpg.webp

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÁP LÝ VỀ CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP NGUỒN NƯỚC LIÊN QUỐC GIA CHO CÁC MỤC ĐÍCH PHI GIAO THÔNG THỦY

Do tầm quan trọng sống còn của nước ngọt đã dẫn tới sự hình thành và phát triển của pháp luật quốc tế về lĩnh vực này. Theo số liệu của UNEP, từ năm 1820 đến nay đã có khoảng 400 điều ước quốc tế về nước được thông qua. Những thập kỷ cuối thế kỷ XX, pháp luật quốc tế về nguồn nước liên quốc gia có nhiều bước tiến quan trọng, nhất là sự ra đời Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997. Sự hình thành và phát triển của pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế tạo khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng bền vững, công bằng, hợp lý và cơ chế giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước.

Chương này sẽ đi sâu nghiên cứu một số vấn đề lý luận pháp lý cơ bản về giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, bao gồm khái niệm, đặc điểm của tranh chấp và giải quyết tranh chấp, các nguyên tắc và biện pháp giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy.

1.1. Khái niệm, nguồn gốc, đặc điểm tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy

1.1.1. Khái niệm tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy

1.1.1.1.   Khái niệm nguồn nước liên quốc gia

Trong tiếng Việt có những tên gọi khác nhau để chỉ các nguồn nước được chia sẻ bởi từ hai quốc gia trở nên, như: “nguồn nước liên quốc gia”, “nguồn nước xuyên biên giới” hay “nguồn nước quốc tế”. Tương tự, trong tiếng Anh có các thuật ngữ “interstate water resources”, “transboundary water resources”, “transboundary fresh water resources”, “international water resources”, “shared waters” hay “shared fresh water resources”. Tương tự đối với sông là các thuật ngữ “sông liên quốc gia”, “sông xuyên biên giới”, “sông quốc tế”; trong tiếng Anh có các thuật ngữ “interstate river”, “transboundary river”, “international river”. Trong phạm vi luận án này, thuật ngữ “nguồn nước liên quốc gia” được ưu tiên sử dụng. Đây cũng là thuật ngữ được sử dụng trong Quyết định số 818/2014/QĐ-CTN ngày 15/4/2014 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Về việc gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy” và bản dịch chính thức Công ước đính kèm Quyết định. Bên cạnh đó, thuật ngữ “nguồn nước quốc tế” có ý nghĩa tương tự và sẽ được sử dụng thay thế cho thuật ngữ “nguồn nước liên quốc gia” trong một số trường hợp. Nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước xuyên biên giới hay nguồn nước quốc tế bao gồm cả hệ thống nước mặt và nước ngầm chảy xuyên qua biên giới của hai hay nhiều quốc gia. Trong phạm vi luận án này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu đối tượng là nguồn nước mặt của các sông liên quốc gia.

Theo Nguyễn Trường Giang, khái niệm “nguồn nước quốc tế” đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, từ cuối thế kỷ XVIII với cách hiểu đơn giản ban đầu là các con sông chảy qua lãnh thổ của hai hay nhiều quốc gia; sang thế kỷ XIX đã mở rộng để bao gồm cả các hồ được chia sẻ bởi hai hay nhiều quốc gia và khái niệm sông quốc tế trong thời kỳ này cũng chỉ hạn chế trong phạm vi dòng chính có thể giao thông được mà thôi. Cho đến những năm 60 của thế kỷ 20, thuật ngữ nguồn nước quốc tế được các tổ chức quốc tế phi chính phủ sử dụng tương đối rộng rãi trong các văn bản mà các tổ chức quốc tế này thông qua như Nghị quyết Salzburg ngày 11/9/1961 quy định về sử dụng các nguồn nước quốc tế.

Đặc biệt, trải qua quá trình gần nửa thế kỷ đấu tranh, đàm phán, thương lượng giữa nhiều quốc gia trên thế giới, ngày 21/5/1997, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy (Công ước về Nguồn nước năm 1997), đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế. Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 đã giải thích về “nguồn nước liên quốc gia” và các từ ngữ liên quan, nói cách khác là đưa ra khái niệm về “nguồn nước liên quốc gia” và một số khái niệm liên quan. Theo đó: “Nguồn nước” là một hệ thống nước mặt và nước ngầm, kết nối thành một thể thống nhất và thường chảy vào một điểm cuối chung trên cơ sở các mối quan hệ kết nối tự nhiên của chúng; và “Nguồn nước liên quốc gia” là một nguồn nước có các phần nằm trên các quốc gia khác nhau.

Gần đây, một số tổ chức quốc tế có đề cập đến khái niệm nguồn nước liên quốc gia, chẳng hạn UN-Water định nghĩa: Nguồn nước liên quốc gia bao gồm các mạch nước ngầm, hồ và các lưu vực sông được chia sẻ bởi từ hai quốc gia trở lên6.

Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm “nguồn nước liên quốc gia” được nêu trong Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 vẫn được đánh giá là tiến bộ và toàn diện nhất và được thừa nhận rộng rãi. Luận án này thừa nhận khái niệm nguồn nước liên quốc gia được ghi nhận trong Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997. Khái niệm này không chỉ phù hợp với thực tế thuỷ văn mà còn lưu ý các quốc gia về mối quan hệ qua lại của các phần khác nhau trong cùng hệ thống nguồn nước. Điều này có nghĩa là tác động vào một phần của hệ thống nguồn nước nhìn chung sẽ lan truyền tới những phần khác trong hệ thống. Trong các cuộc thương lượng và bỏ phiếu thông qua dự thảo Công ước này tại Đại Hội đồng LHQ năm 1997, đại diện các quốc gia đạt được nhất trí cao về khái niệm này, không có đại diện nào nêu ý kiến bảo lưu hoặc phản đối.

Về khái niệm “cho các mục đích phi giao thông thủy”, qua khảo sát, nghiên cứu, cho đến nay chưa thấy có tài liệu nào giải thích hay nêu rõ nội hàm khái niệm này. Tuy nhiên, tại Điều 1 Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 xác định phạm vi điều chỉnh của Công ước là “áp dụng cho việc sử dụng các nguồn nước và nước trong đó có tính liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy” (Khoản 1); và rằng “Việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích giao thông thủy không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này” (Khoản 2). Như vậy có thể hiểu rằng, các mục đích phi giao thông thủy được giới hạn trong các mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, không sử dụng cho mục đích giao thông đi lại.

1.1.1.2. Khái niệm tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy

Để đưa ra khái niệm về tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, ngoài việc công nhận và sử dụng khái niệm về nguồn nước liên quốc gia được nêu trong Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997, cần thiết phải tìm hiểu các khái niệm “tranh chấp”, “tranh chấp quốc tế”.

Theo Từ điển Tiếng Việt, tranh chấp thường là sự đấu tranh, giằng co khi có ý kiến bất đồng, thường là trong vấn đề quyền lợi giữa các bên. Theo khoa học luật quốc tế, tranh chấp quốc tế được xác định là “hoàn cảnh thực tế mà trong đó các chủ thể tham gia có quan điểm trái ngược hoặc mâu thuẫn nhau và có những yêu cầu, đòi hỏi cụ thể đối lập nhau. Đây là sự không thỏa thuận được với nhau về quyền hoặc sự kiện, đưa đến sự mâu thuẫn, đối kháng nhau về quan điểm pháp lý hoặc quyền của các bên chủ thể luật quốc tế với nhau”8. Đây là khái niệm phản ánh đầy đủ, toàn diện các khía cạnh của vấn đề tranh chấp quốc tế nói chung và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng khái niệm về tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. Do đó, luận án chấp nhận và sử dụng khái niệm này để phục vụ xây dựng khái niệm về tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy.

Nhiều phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế, nhất là ICJ cũng đã đưa ra giải thích về “tranh chấp quốc tế”, có thể gợi ý cách hiểu tranh chấp nguồn nước quốc tế là gì. Trong Vụ Mavrommatis Palestine Concessions giữa Hi Lạp và Anh, Toà Thường trực Công lý quốc tế (tiền thân của ICJ) đã định nghĩa “Một tranh chấp là một sự bất đồng về một vấn đề pháp lý hay thực tế, một sự xung đột về quan điểm pháp lý hay lợi ích giữa hai bên”9. ICJ cũng giải thích rõ hơn về khái niệm tranh chấp trong một số vụ việc như: Ý kiến tư vấn trong Vụ Giải thích Các điều ước hoà bình với Bulgaria, Hungary và Romania năm 1950, ICJ đã giải thích tranh chấp “là một tình huống mà hai bên có quan điểm trái ngược nhau rõ ràng về vấn đề thực hiện hay không thực hiện các nghĩa vụ theo điều ước”10. Trong Vụ Tây Nam Châu Phi năm 1962, ICJ đã bổ sung thêm rằng “Sự tồn tại của một tranh chấp cần được xác định một cách khách quan. Chỉ một sự khẳng định không đủ để chứng minh sự tồn tại của tranh chấp và cũng không hơn chỉ một sự từ chối để chứng minh sự không tồn tại của tranh chấp. Yêu sách của một bên phải bị phản đối thực sự bởi bên còn lại”11 thì tranh chấp mới được hình thành. Ngoài ra, ICJ cũng cho rằng bằng chứng về sự tồn tại tranh chấp cần cho thấy sự xung đột quan điểm giữa các bên và chúng có thể trực tiếp như thông qua thư tín ngoại giao hoặc gián tiếp, ngầm định thông qua suy luận.

Mặc dù khái niệm nguồn nước đã được nêu rõ ràng tại Điều 2 của Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 nhưng thuật ngữ tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy lại không được Công ước này đưa ra định nghĩa. Tuy nhiên, từ các khái niệm về nguồn nước liên quốc gia và các định nghĩa tranh chấp quốc tế trình bày ở trên, có thể hiểu: Tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy là sự bất đồng, mâu thuẫn, đấu tranh giữa các chủ thể, chủ yếu là các quốc gia, có quyền và nghĩa vụ trực tiếp đối với nguồn nước liên quốc gia về quan điểm pháp lý hoặc xung đột lợi ích rõ ràng trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy.

Như vậy, tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy xuất hiện, tồn tại khi: (i) quan điểm pháp lý của một trong các bên chia sẻ nguồn nước chung bị một hoặc các bên còn lại phản đối thực sự; hoặc (ii) xuất hiện bất đồng, xung đột rõ ràng về lợi ích giữa các bên liên quan trực tiếp tới nguồn nước liên quốc gia và bằng chứng về sự tồn tại tranh chấp nguồn nước liên quốc gia có thể trực tiếp từ các thư tín ngoại giao, tuyên bố, văn bản hoặc thông qua sự suy luận có cơ sở; hoặc (iii) xuất hiện cả sự bất đồng về quan điểm pháp lý và sự xung đột rõ ràng về lợi ích trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia chia sẻ nguồn nước chung mà sự bất đồng, xung đột này có thể tìm thấy trực tiếp từ hành động của các quốc gia hoặc gián tiếp thông qua sự suy luận có cơ sở.

1.1.2. Nguồn gốc, đặc điểm của tranh chấp nguồn nước liên quốc gia

1.1.2.1.   Nguồn gốc của tranh chấp

Nước ngọt là nguồn sống của con người, nhưng lại là một loại tài nguyên hữu hạn. Nước ngọt có thể khai thác, sử dụng được với chi phí thấp lại càng khan hiếm. Trên 97% lượng nước trên trái đất là nước mặn, chỉ hơn 2% là nước ngọt, trong đó chưa đến 1% nước ngọt là dễ tiếp cận, gồm nước sông, hồ, nước ngầm có khả năng khai thác với chi phí có thể chấp nhận. Trong khi đó, do phân bổ tự nhiên, phần lớn các nguồn nước ngọt lớn trên thế giới, gồm các hồ, mạch nước ngầm và nhất là các con sông, lại được chia sẻ bởi hai hay nhiều quốc gia. Theo số liệu của LHQ, có 263 hồ và lưu vực sông liên quốc gia; có 145 quốc gia có diện tích lãnh thổ nằm trong phạm vi các hồ và lưu vực sông này, trong đó có 30 quốc gia nằm trọn trong lưu vực; khoảng 300 mạch nước ngầm xuyên biên giới, phục vụ cho nhu cầu của hơn 02 tỷ dân trên thế giới.

Với nhu cầu, khả năng và ưu thế, nhất là ưu thế về địa lý, khác nhau nên việc khai thác, sử dụng nguồn nước chung giữa các quốc gia cũng khác nhau. Các quốc gia/cộng đồng dân cư nằm ở thượng nguồn thường chiếm ưu thế lớn hơn, có khả năng chi phối việc khai thác, sử dụng nước của quốc gia/cộng đồng dân cư ở hạ nguồn. Ngược lại, khu vực hạ nguồn các con sông thường là nơi sinh sống của những cộng đồng dân cư đông đúc, các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với nguồn nước của con sông, nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất rất lớn thì lại phụ thuộc vào các hành vi khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn. Việc khai thác, sử dụng không công bằng, hợp lý tài nguyên nước, vi phạm các cam kết quốc tế của một quốc gia, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia khác, là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh mâu thuẫn giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước sông chung. Bên cạnh đó, sự phát triển các ngành công nghiệp của các quốc gia ven sông gây ô nhiễm nguồn nước chung cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra mâu thuẫn, bất đồng giữa các quốc gia. Theo đánh giá của UNWater, các nguồn nước liên quốc gia bị suy thoái và xuống cấp có khả năng gây ra tình trạng bất ổn xã hội và gây ra xung đột trong và giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước.

Trong lịch sử, đã xuất hiện nhiều cuộc xung đột giữa các cộng đồng dân cư, các quốc gia tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới liên quan đến việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông chung. Ở những khu vực mà nước ngọt khan hiếm, không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân hoặc những nơi mà nguồn nước đóng vai trò quyết định đến các hoạt động sản xuất kinh tế, sự bảo tồn và phát triển văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa thì xung đột về nguồn nước càng dễ xảy ra và thường rất gay gắt, khốc liệt. Thống kê của LHQ cũng chỉ ra rằng, kể từ năm 1948 đến nay đã có 37 cuộc xung đột có nguyên nhân trực tiếp từ tranh chấp về khai thác, sử dụng nguồn nước ngọt. Cuộc chiến dai dẳng giữa người Israel và người Palestin được cho là một phần do tranh giành nguồn nước. Ai Cập cũng nhiều lần đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn xung quanh việc khai thác nguồn nước sông Nile, nhất là kể từ khi Ethiopia triển khai xây dựng hệ thống đập thủy điện Đại phục hưng Ethiopia.

Trong bối cảnh dân số thế giới gia tăng nhanh chóng khiến cho nhu cầu về nước ngọt ngày càng cao, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia khiến cho nguy cơ khan hiếm nước ngọt, cạn kiệt nguồn nước hoặc suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngọt càng thêm trầm trọng. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang và sẽ còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các nguồn nước ngọt cả về số lượng và chất lượng. Các yếu tố này được cộng hưởng với yếu tố chính trị quốc tế và nội tại của nhiều quốc gia khiến cho tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước ngọt nói chung, các con sông liên quốc gia nói riêng, sẽ diễn ra căng thẳng hơn, nguy cơ tạo thành các điểm nóng, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Nhiều cảnh báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, sau năm 2022, việc sử dụng nước làm vũ khí chiến tranh hoặc công cụ của chủ nghĩa khủng bố sẽ cao hơn 40% so với hiện nay, đặc biệt là ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi, những nơi thiếu nước trầm trọng. Tháng 4/2012, Cộng đồng Tình báo Mỹ (DNI) công bố một báo cáo cho rằng, tình trạng khai thác quá mức dẫn tới nguồn nước bị cạn kiệt, ngày càng bị ô nhiễm, nạn lụt lội, hạn hán và thiếu nước ngọt có thể gây ra bất ổn toàn cầu và xung đột vũ trang đáng kể trong các thập niên tới; các cuộc giao tranh vì nguồn dự trữ nước bắt đầu manh nha, tuy còn cục bộ.

1.1.2.2.   Đặc điểm của tranh chấp

Tranh chấp nguồn nước liên quốc gia được đánh giá là một trong những tranh chấp gay gắt nhất, phức tạp và khó giải quyết nhất bởi tính đặc thù của chủ thể tham gia tranh chấp và tầm quan trọng đặc biệt của đối tượng tranh chấp.

Chủ thể chính tham gia các tranh chấp và cũng là chủ thể có vai trò quyết định trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung, tranh chấp nguồn nước liên quốc gia nói riêng chính là các quốc gia. Nhìn chung, với tư cách là chủ thể chính của quan hệ quốc tế và pháp luật quốc tế, các quốc gia vừa là chủ thể tham gia các tranh chấp quốc tế, vừa là chủ thể đàm phán, quyết định vấn đề giải quyết tranh chấp, đồng thời cũng là chủ thể thực hiện các nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ tranh chấp. Trong khi đó, hành vi của quốc gia bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng và vị thế quốc gia trong phạm vi lưu vực sông cũng như trên trường quốc tế. Nghiên cứu đặc điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình tìm kiếm giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất cho việc giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia.

Trong bối cảnh hiện nay, chính trị cường quyền đang chi phối đời sống chính trị quốc tế, vai trò của các tổ chức quốc tế đang ngày càng bị thách thức, việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước quốc tế mà trong đó có một quốc gia có sức mạnh chi phối thì tiến trình giải quyết tranh chấp sẽ cực kỳ khó khăn. Mặc dù là chủ thể chính của pháp luật quốc tế, có nghĩa vụ tôn trọng các quy định của pháp luật quốc tế, nhưng một quốc gia có sức mạnh vượt trội thì họ cũng có khả năng áp đặt ý chí của họ trong tiến trình đàm phán, giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung, tranh chấp nguồn nước liên quốc gia nói riêng. Trong trường hợp áp đặt lên quá trình giải quyết tranh chấp không thành công và việc giải quyết tranh chấp sẽ đe dọa đến lợi ích của mình, thậm chí lợi ích đó là trái với các quy định của pháp luật quốc tế, quốc gia đó có thể sẽ từ chối tham gia giải quyết tranh chấp, từ chối chấp nhận thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình. Trường hợp Trung Quốc trong vụ kiện của Philippine về vấn đề Biển Đông năm 2016 là một ví dụ điển hình. Tòa PCA được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 theo thẩm quyền đã ra phán quyết bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, và nước này cho đến nay vẫn nhất quán quan điểm “không công nhận, không chấp nhận, không thực hiện” phán quyết của PCA.

Bên cạnh chủ thể chính và có vai trò quyết định là các quốc gia, một số chủ thể khác ngày càng có vai trò quan trọng trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia, như các tổ chức kinh tế liên chính phủ được thành lập theo điều ước quốc tế giữa các quốc gia nằm trong lưu vực sông liên quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm hoạt động vì môi trường và đặc biệt là các cộng đồng dân cư ven các con sông liên quốc gia. Sự tham gia của các chủ thể này, nhất là các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường, các cộng đồng dân cư, vào các xung đột, tranh chấp nguồn nước trong nhiều trường hợp khiến cho việc giải quyết tranh chấp càng trở nên phức tạp, khó khăn hơn, nhất là trong trường hợp tranh chấp liên quan đến các quốc gia mà ở đó chủ nghĩa dân tộc đã bị đẩy lên quá cao, trong khi trình độ dân trí, nhận thức pháp luật của người dân còn thấp. Để hạ nhiệt căng thẳng, hóa giải xung đột góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực, nhà nước/chính phủ một quốc gia có thể tính đến sự nhượng bộ, thỏa hiệp nhằm tìm kiếm một giải pháp có thể hài hòa lợi ích của các bên liên quan tranh chấp. Tuy nhiên, điều này có khả năng bị coi là làm tổn hại, thậm chí là “phản bội” lợi ích quốc gia - dân tộc, đe dọa “tính chính danh” của nhà nước/chính phủ, có thể bị lợi dụng, xuyên tạc, kích động người dân biểu tình phản đối, gây mất an ninh, trật tự.

Khách thể của tranh chấp là nguồn nước sông liên quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh và phát triển của các quốc gia chia sẻ nguồn nước. Tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy biểu hiện rất đa dạng. Đó có thể là sự bất đồng, mâu thuẫn trong việc diễn đạt và áp dụng quy định pháp lý giữa các quốc gia là thành viên của một điều ước quốc tế về quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước sông chung mà chủ yếu là bất đồng cách diễn đạt các quy định về quyền và nghĩa vụ trong việc phân chia, sử dụng nguồn nước; hoặc đó là sự tranh chấp về lợi ích giữa các bên phát sinh từ các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước trên thực tế thông qua các hoạt động như: xây dựng đập, nhất là trên dòng chính; chuyển nước ra khỏi lưu vực; các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nhất là sản xuất công nghiệp, tác động đến chất lượng nguồn nước...

Do nguồn nước liên quốc gia có đặc điểm là sẽ bị tác động trên cả hệ thống khi một phần của nó bị tác động hay nói cách khác, việc một quốc gia tác động bất lợi, gây hại tới nguồn nước của một con sông quốc tế sẽ dẫn tới nguồn nước của con sông ấy ở những phần lãnh thổ của quốc gia khác nơi con sông chảy qua bị ảnh hưởng theo. Điều này đã dẫn tới những tranh chấp, xung đột giữa quốc gia gây tác động bất lợi tới nguồn nước và quốc gia chịu ảnh hưởng từ sự tác động đó. Tác động đến từ các hoạt động xây dựng các công trình trên dòng chính, dòng nhánh này có thể làm thay đổi dòng chảy và giảm lưu lượng nước chảy xuống hạ nguồn. Những tranh chấp này được nhóm chung lại thành loại tranh chấp về số lượng nguồn nước. Các công trình được xây dựng trên hệ thống sông còn làm giảm lượng phù sa trong nước, tác động tiêu cực đến các hoạt động nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc các quốc gia, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư sinh sống ven sông trong quá trình tổ chức sản xuất, sinh hoạt sử dụng các chất gây ô nhiễm môi trường và đổ thải xuống các dòng sông quốc tế, gây biến đổi nguồn nước của các con sông này cũng là nguyên nhân gây xung đột giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước. Loại tranh chấp này được gọi là tranh chấp về chất lượng nguồn nước.

Về hậu quả, tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội, an ninh của các nước liên quan, nhất là các nước nằm ở hạ nguồn các con sông; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng dân cư mà sinh kế của họ gắn với dòng sông. Cũng chính bởi tầm quan trọng của nguồn nước sông liên quốc gia, một khi nảy sinh tranh chấp sẽ này làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa các nước, thậm chí có thể châm ngòi cho xung đột vũ trang, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp, nguồn nước liên quốc gia có xu hướng được sử dụng như một “công cụ” quan trọng để triển khai chính sách đối ngoại của các nước, khiến cho việc giải quyết các tranh chấp đối với nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy càng trở nên khó khăn, phức tạp.

 

1.2. Cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy

1.2.1. Khái niệm cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy

Cho đến nay, trong các công trình khoa học pháp lý chưa có một định nghĩa nào được thừa nhận chung, rộng rãi về cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong các từ điển và các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý cũng đã có các cách hiểu chưa hoàn toàn thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp nói chung và cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế nói riêng. Tuy nhiên có thể khái quát lại như sau: cơ chế giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp quốc tế nói riêng là hệ thống các quy định về biện pháp, thủ tục, thiết chế được thực hiện hay áp dụng để giải quyết tranh chấp quốc tế.

Riêng trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về nguồn nước sông liên quốc gia cũng chưa có một văn bản pháp lý quốc tế hay một công trình nghiên cứu khoa học nào đưa ra định nghĩa thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, từ nội dung của các văn bản pháp lý quốc tế, các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý quốc tế và các khái niệm có liên quan được trình bày ở trên, chúng ta có thể hiểu rằng: Cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy là hệ thống các quy định về biện pháp, thủ tục, thiết chế được quy định sẵn hoặc được các quốc gia thoả thuận với nhau phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế sau khi phát sinh tranh chấp nhằm giúp các quốc gia giải quyết các tranh chấp về nguồn nước quốc tế.

Thực tiễn và các quy định của luật pháp quốc tế cho thấy các quốc gia có nhiều lựa chọn về cơ chế giải quyết các tranh chấp liên quan tới nguồn nước sông liên quốc gia. Đàm phán không còn là biện pháp duy nhất giúp các quốc gia giải quyết các tranh chấp về nguồn nước của mình. Từ khi Hội quốc liên được thành lập với sự ra đời của Toà án thường trực quốc tế năm 1929, sau này là Toà án công lý quốc tế, các quốc gia có thể sử dụng bên thứ ba như toà án hoặc trọng tài để giải quyết tranh chấp về nguồn nước với nhau. Các bên cũng có thể giải quyết tranh chấp thông qua các thể chế khu vực như được nhắc tới trong Hiến chương LHQ năm 1945.

Chính sự gia tăng về số lượng và tính chất quyết liệt của các tranh chấp về nguồn nước liên quốc gia đã khiến cho các nước phải tìm cách đàm phán, ký kết các các thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác, sử dụng và giải quyết các tranh chấp phát sinh. Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997, kết quả hơn 30 năm xây dựng của Uỷ ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhằm pháp điển hoá và phát triển luật về sử dụng nguồn nước quốc tế, đã đưa ra khung pháp lý đầy đủ và toàn diện hơn về các biện pháp giải quyết tranh chấp nguồn nước quốc tế, kèm theo đó là các thủ tục và thiết chế để giải quyết tranh chấp. Các điều khoản của Công ước được xem là phản ánh quy định luật tập quán quốc tế

1.2.2. Đặc điểm của cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy

Tương tự việc giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung, giải quyết các tranh chấp về nguồn nước liên quốc gia cũng có những cơ chế giải quyết mang tính ngoại giao, phi tài phán như đàm phán trực tiếp, trung gian, hòa giải… và cả những cơ chế giải quyết bằng tài phán, với kết quả có tính ràng buộc pháp lý như trọng tài, toà án. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia có những điểm đáng lưu ý.

Trước hết, giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia đề cao vai trò của cơ chế tìm kiếm sự thật (điều tra). Đặc điểm này bắt nguồn từ các nguyên tắc quan trọng nhất của pháp luật quốc tế về sử dụng nguồn nước quốc tế, bao gồm: nguyên tắc tôn trọng quyền của các quốc gia đối với nguồn nước quốc tế; nguyên tắc sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước quốc tế; nghĩa vụ không gây hại đáng kể cho nguồn nước quốc; nghĩa vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sử dụng nguồn nước quốc tế; và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của nguồn nước quốc tế20. Các nguyên tắc này có thể được ghi nhận trong các điều ước quốc tế phổ cập mà các quốc gia liên quan là thành viên, hoặc trong tập quán quốc tế phổ cập, hoặc trong điều ước quốc tế cụ thể về khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia được ký kết giữa các bên liên quan. Như vậy, để có cơ sở giải quyết tranh chấp nguồn nước, các bên phải tìm kiếm, cung cấp các bằng chứng xác thực về những gì đã xảy ra trên thực tế để chứng minh có sự vi phạm rõ ràng của một hay một số bên đối với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về sử dụng nguồn nước quốc tế. Ví dụ điển hình về việc xác định sự vi phạm đối với nguyên tắc tôn trọng quyền của các quốc gia đối với nguồn nước quốc tế là trong vụ tranh chấp giữa Pháp và Tây Ban Nha về việc Pháp chuyển nước hồ Lanoux đến sông Ariege. Trên cơ sở xem xét các bằng chứng về thực tế diễn ra và đối chiếu với nội dung trong Thỏa thuận bổ sung các hiệp ước về biên giới mà hai bên ký kết, Tòa Trọng tài năm 1957 phán quyết là Pháp có quyền tiến hành các công trình chuyển nước nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của mình nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ phải bảo đảm quyền lợi của Tây Ban Nha đối với việc sử dụng nguồn nước hồ Lanoux21. Có thể nói, việc xác định điều gì đã xảy ra trong thực tế có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với việc giải quyết tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước.

Thứ hai, việc lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia phải tuân thủ nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế. Khoản 1, Điều 38 Quy chế hoạt động của ICJ quy định cụ thể về nguồn của luật quốc tế, có thể chia thành hai loại là: Nguồn thành văn (điều ước quốc tế) và nguồn bất thành văn (tập quán quốc tế) với nội dung chứa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế, trực tiếp điều chỉnh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể quan hệ pháp luật quốc tế.

Theo Waseem Ahmad Qureshi: Hầu hết các trường hợp, luật áp dụng là điều ước song phương hoặc đa phương được ký kết giữa các bên, trong đó quy định về biện pháp giải quyết tranh chấp. Trong những trường hợp mà không có điều ước được ký kết giữa các bên, luật quốc tế về giải quyết tranh chấp được sử dụng với vai trò là khung pháp lý. Trong các trường hợp khác, tranh chấp thường được đệ trình lên các tòa trọng tài để làm trung gian hoặc được yêu cầu giải quyết thông qua các thủ tục giải quyết tranh chấp tài phán hoặc phi tài phán22. Như vậy, tương tự việc áp dụng luật trong giải quyết các loại tranh chấp quốc tế khác, giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế đối với việc áp dụng luật để giải quyết tranh chấp. Theo đó, điều ước quốc tế về nguồn nước mà các bên liên quan tranh chấp là thành viên được ưu tiên áp dụng. Điển hình như trong vụ Gabcikovo-Nagymaros, ICJ đã căn cứ vào Hiệp định Hợp tác về xây dựng và vận hành Hệ thống đập thủy lợi được Hungary và Czechoslovakia ký kết ngày 16/9/1977. Tuy nhiên, theo nguyên tắc đồng thuận, các bên cũng có thể cùng thỏa thuận lựa chọn viện dẫn một điều ước quốc tế khác hoặc một tập quán quốc tế hiện hành với điều kiện sự thỏa thuận đó không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của bên thứ ba hoặc lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Mặc dù hầu hết các cơ chế giải quyết đối với các loạitranh chấp quốc tế nói chung đều đã được nhắc đến trong các điều ước quốc tế song phương hoặc khu vực về quản lý nguồn nước, song cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia chưa bao quát và đầy đủ. Một phần nguyên nhân là do bản thân luật quốc tế về nguồn nước liên quốc gia cũng đang được phát triển, và do đó chưa có tính phổ quát.

Công ước về Nguồn nước quốc tế 1997 là một sự nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế để đưa ra một bộ quy tắc điều chỉnh chung cho vấn đề nguồn nước liên quốc gia, trong đó có các quy định về các biện pháp giải quyết tranh chấp đầy đủ và hệ thống hơn. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, Công ước mới chính thức có hiệu lực, tức là phải mất đến 17 năm kể từ khi được thông qua với số phiếu áp đảo23. Cho đến nay, Công ước cũng mới chỉ có 36 quốc gia đã phê chuẩn. Điều đáng nói là trong danh sách các quốc gia đã phê chuẩn Công ước, có thể dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng của các nước ở các khu vực mà nguồn nước ngọt khan hiếm hơn, tranh chấp giữa các bên gay gắt hơn, nhất là ở khu vực châu Á. Điều này phản ánh một thực tế là các quốc gia mặc dù nhận thấy sự cần thiết phải có một công ước quốc tế có tính phổ cập về nguồn nước quốc tế, nhưng lại lo ngại khả năng việc tham gia Công ước sẽ bị ràng buộc bởi các điều khoản có thể gây bất lợi cho quốc gia mình.

Nguyên nhân của thực trạng này là do: (i) thiếu lòng tin nên các nước trong khu vực vẫn giữ thế cảnh giác với nhau; (ii) vấn đề nguồn nước liên quốc gia trong khu vực được nhìn nhận theo hướng lợi ích cho nước này sẽ đồng nghĩa với thiệt hại cho nước khác và ngược lại; (iii) nguồn nước liên quốc gia bị “chính trị hóa”, nói cách khác là bị sử dụng như một công cụ chính trị để triển khai chính sách đối ngoại và có thể cả đối nội. Chính vì vậy, các quốc gia ít có khả năng tìm được tiếng nói chung trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia, nhất là trong giải quyết tranh chấp nảy sinh. Thay vào đó, các quốc gia chia sẻ nguồn nước sông chung chỉ tập trung tối đa hóa lợi ích cho riêng mình, bất chấp lợi ích của các nước khác cùng chia sẻ nguồn nước. Tranh chấp xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế, vì thế cơ chế giải quyết tranh chấp là yếu tố quan trọng của mọi định chế pháp lý. Tranh chấp nguồn nước liên quốc gia đã, đang và sẽ ngày càng gay gắt, trong khi pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này vẫn đang trong quá trình phát triển. Nhằm giúp pháp luật quốc tế về nước đạt được hiệu quả khi đi vào thực tiễn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước quốc tế có tính phổ quát; các quốc gia cần phải nhất trí về các cách thức giải 

quyết hòa bình các tranh chấp và cần các công cụ pháp lý thực sự hiệu lực để giải quyết những trường hợp không thể giải quyết bằng đàm phán trực tiếp.

1.3. Vai trò của việc giải quyết hòa bình tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy

Như đã trình bày ở trên, trong bối cảnh chịu tác động của nhiều yếu tố, các nguồn nước liên quốc gia, nhất là nguồn nước các con sông, ngày càng bị cạn kiệt và xuống cấp, trong khi nhu cầu nước ngọt lại gia tăng mạnh dẫn đến tranh chấp giữa các quốc gia có xu hướng trở nên căng thẳng hơn, có khả năng gây ra tình trạng bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia, thậm chí là nguy cơ xung đột giữa các cộng đồng dân cư và giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước sông chung. Để đối phó với rủi ro này đòi hỏi một cách tiếp cận tổng hợp, “siêu quốc gia” để quản lý việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước, sự chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích, cũng như chi phí chung. Đặc biệt, trong trường hợp xuất hiện bất đồng, tranh chấp giữa các bên về quyền và nghĩa vụ trong khai thác, sử dụng nguồn nước chung thì việc giải quyết tranh chấp phải được tiến hành càng sớm càng tốt, với sự thiện chí của các bên và bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của pháp luật quốc tế và kết quả giải quyết tranh chấp phải có tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên liên quan.

Việc giải quyết hòa bình các tranh chấp về nguồn nước quốc tế theo quy định của pháp luật quốc tế là nguyên tắc bắt buộc, đồng thời cũng là xu thế chung của thời đại, phù hợp với nhu cầu của số đông các quốc gia. Giá trị của việc giải quyết một cách hòa bình, hiệu quả các tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia trước hết sẽ bảo đảm cho việc khai thác, sử dụng nguồn nước công bằng, hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các quốc gia chia sẻ nguồn nước sông chung. Bên cạnh đó, tranh chấp được giải quyết sẽ góp phần củng cố lòng tin, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia và giảm thiểu nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế.

Thực tiễn đã chứng minh, mặc dù với tính chất phức tạp của vấn đề, nhưng các tranh chấp về nước có thể được kiểm soát thông qua đàm phán, ký kết các thỏa thuận về khai thác, sử dụng và giải quyết tranh chấp nảy sinh. Theo FAO, có hơn 3.600 hiệp ước liên quan đến các nguồn nước quốc tế đã được ký kết kể từ năm 805 sau Công nguyên. LHQ ghi nhận, trong 50 năm qua thế giới chỉ chứng kiến 37 vụ tranh chấp về nước có liên quan đến bạo lực, trong khi có tới 150 thỏa thuận đã được ký kết. Các quốc gia đánh giá cao các thỏa thuận này vì chúng khiến cho các mối quan hệ quốc tế trở nên ổn định và dễ dự báo hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các thỏa thuận về nước bộc lộ nhiều điểm bất cập, nhất là việc ràng buộc nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia thành viên. Nhiều chuyên gia cho rằng, các thỏa thuận quốc tế về nước cần phải chắc chắn hơn, xác định rõ các biện pháp để tăng cường hiệu lực của điều ước và xác định rõ các cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến nguồn nước24.

Cũng cần nhấn mạnh một lần nữa rằng, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng đến các nguồn nước ngọt, cùng với tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nước ngọt sẽ ngày càng trở nên khan hiếm. Thực trạng này sẽ khiến cho tranh chấp đối với các nguồn nước liên quốc gia sẽ càng gay gắt hơn, nguy cơ xung đột từ tranh chấp nguồn nước sẽ lớn hơn. Do đó, một khi xuất hiện tranh chấp nguồn nước liên quốc gia, việc tìm kiếm các biện pháp để giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để càng trở nên quan trọng. Kết quả của việc giải quyết tranh chấp phải đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan; đồng thời có một cơ chế giám sát và đảm bảo cho kết quả giải quyết tranh chấp được các bên liên quan thực thi một cách nghiêm túc.

1.4. Các nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy

1.4.1. Một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế chính là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ đạo, bao trùm và có giá trị bắt buộc chung (jus cogens) đối với mọi chủ thể của pháp luật quốc tế, được áp dụng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh và trong mọi lĩnh vực của quan hệ quốc tế. Hiến chương LHQ, Tuyên bố của Đại Hội đồng LHQ về các nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương LHQ ngày 24 tháng 10 năm 1970 (Nghị quyết 2625 năm 1970) và nhiều văn kiện pháp lý quốc tế khác đã ghi nhận 07 nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế đó là: Nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp; nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; nguyên tắc cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ; nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác; nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda); nguyên tắc các dân tộc có quyền tự quyết.

Với tư cách là chủ thể cơ bản và quan trọng nhất của pháp luật quốc tế, các quốc gia trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và giải quyết các tranh chấp phát sinh trước hết phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, trong đó, cần đặc biệt nhấn mạnh 04 nguyên tắc là: (i) Bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; (ii) hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế; (iii) các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác; và (iv) tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda).

1.4.1.1.   Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia

Đây là nguyên tắc được Hiến chương LHQ đề cập đầu tiên trong số bảy nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế (Điều 2.1), nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc các quốc gia phải tôn trọng chủ quyền của nhau trong quan hệ quốc tế. Nghị quyết 2625, ngày 24/10/1970 của Đại Hội đồng LHQ, được ICJ và các học giả quốc tế có uy tín xem là văn bản có giá trị giải thích Hiến chương LHQ25, đã giải thích nội dung của nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Theo đó, bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia bao gồm các nội dung: Các quốc gia bình đẳng về mặt pháp lý; có quyền tự quyết trong mọi vấn đề đối nội và đối ngoại, không bị sự áp đặt từ chủ thể khác của luật pháp quốc tế; độc lập, tự chủ, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia được tôn trọng; mỗi quốc gia đều có quyền tự do tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích của mình; khi các quốc gia ký kết điều ước với nhau phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

Thẩm phán James Crawford của Tòa ICJ từng giải thích nội hàm chủ quyền theo cách dễ hiểu như sau: “Luật pháp quốc tế xem mỗi quốc gia như một thực thể có chủ quyền, theo nghĩa rằng quốc gia mặc nhiên có toàn bộ thẩm quyền để hoạt động không chỉ bên trong quốc gia mà còn ở phạm vi quốc tế, để ký kết (hoặc không ký kết) các điều ước quốc tế và các cam kết khác, để quan hệ (hoặc không quan hệ) với quốc gia khác bằng nhiều cách thức, để đồng ý (hoặc không đồng ý) giải quyết các tranh chấp quốc tế” 

Trong pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia là nền tảng quan trọng nhất của nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế. Nguyên tắc này được hiểu là các quốc gia chia sẻ nguồn nước quốc tế có quyền bình đẳng về mặt pháp lý; bình đẳng trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế đó. Trong khi thực hiện quyền sử dụng nguồn nước quốc tế nằm trên lãnh thổ của mình, các quốc gia cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia khác đối với nguồn nước quốc tế mà họ cùng chia sẻ.

Việc xem xét các bên liên quan có tuân thủ nguyên tắc bình đẳng chủ quyền hay không trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan. Một quốc gia sử dụng ưu thế của mình để khai thác, sử dụng không công bằng, hợp lý, gây hại đáng kể cho các quốc gia khác sử dụng chung nguồn nước, làm phát sinh tranh chấp, được hiểu là một sự vi phạm đối với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền.

Nguyên tắc này cũng phải được áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia trong khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. Theo đó, một quốc gia không thể sử dụng ưu thế của mình để áp đặt quan điểm lên quốc gia khác nhằm giành được lợi ích lớn hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. Cũng trên cơ sở nguyên tắc này, không quốc gia nào được phép ép buộc hoặc bị ép buộc hành động hoặc không hành động bởi một quốc gia khác. Với cách hiểu như vậy, việc giải quyết tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia phải mang tính chất tự nguyện và tranh chấp chỉ có thể được giải quyết bằng việc các quốc gia là một bên tranh chấp đồng ý với việc giải quyết tranh chấp giữa họ. Tức là, để có thể tiến hành việc giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, các quốc gia liên quan tranh chấp, bằng một hình thức thể hiện cụ thể theo quy định của pháp luật quốc tế, đồng thuận với nhau về biện pháp, luật áp dụng và thiết chế sử dụng để giải quyết tranh chấp. Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền trong giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy thể hiện rất rõ khi các quốc gia sử dụng bên thứ ba để giải quyết tranh chấp bởi cơ sở để bên thứ ba, có thể là toà án, trọng tài, ban hoà giải có thẩm quyền giải quyết vụ việc là sự đồng ý của các bên về việc đệ trình tranh chấp ra bên thứ ba để giải quyết. Không quốc gia nào bị bắt buộc phải tham gia vào một tiến trình giải quyết tranh chấp mà quốc gia đó không đồng ý.

1.4.1.2.   Nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế

Hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, được quy định tại Điều 2(3) và Điều 33 của Hiến chương LHQ và đều được nhắc lại tại các văn bản thành lập các tổ chức khu vực quan trọng như Hiến chương ASEAN, Hiến chương của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Hiến chương thành lập Liên minh Châu Phi và các văn bản thành lập của Liên minh Châu Âu. Với tính phổ quát của Hiến chương LHQ, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế đã trở thành một quy định pháp luật quốc tế ràng buộc tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới. Không chỉ vậy, nguyên tắc này còn được công nhận là một tập quán quốc tế bởi ICJ trong Vụ giữa Nicaragua và Mỹ. Như vậy, hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế là nguyên tắc ràng buộc mọi quốc gia, dù là quốc gia thành viên hay không phải là quốc gia thành viên của LHQ.

Về nội dung, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp được giải thích cụ thể trong Nghị quyết số 2625, ngày 24/10/1970, của Đại Hội đồng LHQ. Tiếp theo đó, Đại Hội đồng đã thông qua một số nghị quyết khác về nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, bao gồm Tuyên bố Manila về Hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 1982 (Tuyên bố Manila) và Nghị quyết về Ngăn ngừa và hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 2003.

Nghị quyết số 2625 năm 1970 quy định các nghĩa vụ cụ thể của các quốc gia trong nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, như sau:

1.    Nghĩa vụ giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình theo cách thức không gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và công lý quốc tế;

2.    Nghĩa vụ tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp một cách nhanh chóng và công bằng thông qua đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, biện pháp tư pháp, sử dụng các tổ chức hay dàn xếp quốc tế hoặc các biện pháp hòa bình khác theo sự lựa chọn của các bên, phù hợp với hoàn cảnh và bản chất của tranh chấp;

3.    Nghĩa vụ tiếp tục tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình mà các bên chấp nhận trong trường hợp chưa thể giải quyết tranh chấp bằng bất kỳ biện pháp hòa bình nêu trên;

4.    Nghĩa vụ hạn chế có hành động có thể làm xấu đi tình huống gây nguy hiểm cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và phải hành động theo cách thức phù hợp với mục đích và nguyên tắc của LHQ.

Trong số các nghĩa vụ nêu trên, nghĩa vụ thứ nhất và thứ tư còn có những cách hiểu khác nhau. Cụ thể, với nghĩa vụ giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình, nguyên tắc này liệu có đặt ra cho quốc gia nghĩa vụ bắt buộc phải giải quyết tranh chấp hay không? Có ba nhóm quan điểm như sau: Nhóm thứ nhất cho rằng, các quốc gia không có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp quốc tế, nhưng nếu họ quyết định sẽ giải quyết tranh chấp thì bắt buộc phải tuân thủ nghĩa vụ sử dụng biện pháp hòa bình. Các học giả nổi tiếng trong lĩnh vực công pháp quốc ủng hộ quan điểm này30. Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, nghĩa vụ này nhấn mạnh vào sự nỗ lực tìm khiếm giải pháp. Nhóm thứ ba với quan điểm chặt chẽ hơn khi cho rằng, đây là nghĩa vụ phải giải quyết tranh chấp và giải quyết bằng biện pháp hoà bình. Đáng lưu ý là Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 dường như có cùng cách tiếp cận với nhóm quan điểm thứ 2 khi quy định tại Điều 33 rằng “các bên …phải tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình”. Cho dù nghĩa vụ này được hiểu theo nghĩa nào, thì một điều chắc chắn rằng biện pháp để giải quyết tranh chấp đều phải là biện pháp hoà bình.

Điều 33 (1) Hiến chương LHQ và cũng là nghĩa vụ thứ 2 được nêu trong Nghị quyết số 2625 của Đại Hội đồng LHQ đã liệt kê các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế, bao gồm: đàm phán, trung gian, hòa giải, điều tra, sử dụng các dàn xếp khu vực, các biện pháp tòa án, trọng tài và các biện pháp hòa bình khác. Trong số các biện pháp này, đàm phán là hình thức giải quyết tranh chấp được các quốc gia sử dụng phổ biến nhất, số lần sử dụng biện pháp này nhiều hơn tất cả số lần sử dụng các biện pháp khác cộng lại.

Nghĩa vụ thứ tư là không được làm phức tạp tranh chấp cũng đã được quy định tại một số điều ước quốc tế như Hiệp ước chung về Hòa bình giải quyết tranh chấp năm 1928, Hiệp ước sửa đổi về Giải quyết hòa bình các tranh chấp năm 1949, Công ước châu Âu về Hòa bình giải quyết tranh chấp năm 1957 với cách hiểu là các quốc gia không được làm phức tạp tranh chấp trong khi đang tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp đó. Trong án lệ quốc tế, nghĩa vụ này gắn liền với các biện pháp tạm thời của ICJ và ITLOS. Ngay từ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ICJ đã yêu cầu mỗi bên tranh chấp “nên bảo đảm không có bất kỳ hành vi nào có thể làm phức tạp hoặc mở rộng tranh chấp” 34. Trong các quyết định sau này, Tòa ghi nhận thêm yêu cầu “không làm cho tranh chấp trở nên khó giải quyết hơn” 35. Toà án quốc tế trong thụ lý các vụ việc gần đây có xu hướng coi đây là một “nghĩa vụ cứng” hơn là một “quy định mềm”. Thay vì sử dụng từ “should”, Toà đã sử dụng từ “shall” với tính chất ràng buộc pháp lý để nói về việc các quốc gia không nên mở rộng tranh chấp. Thậm chí, trong Vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 đã cho rằng, nghĩa vụ không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp là “nguyên tắc của luật pháp quốc tế” 37 áp dụng cho tất cả các bên tranh chấp khi tham gia vào một tiến trình giải quyết tranh chấp. Nghĩa vụ này không phụ thuộc vào một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà xuất hiện và tồn tại độc lập ngay khi các quốc gia tham gia vào một tiến trình giải quyết tranh chấp.

Mặc dù giải quyết tranh chấp về nguồn nước liên quốc gia chưa hình thành các nguyên tắc riêng để điều chỉnh, nhưng rõ ràng tranh chấp về nguồn nước liên quốc gia cũng là một loại tranh chấp quốc tế và vì thế, việc giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cũng chịu sự điều chỉnh của các nguyên tắc chung trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Đó là giải quyết tranh chấp bằng đồng thuận, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình và không làm phức tạp thêm tranh chấp.

1.4.1.3. Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda)

Nguyên tắc pacta sunt servanda được xem là “nguyên tắc lâu đời nhất của luật pháp quốc tế” 39. Hiện nay, nguyên tắc này được ghi nhận trong hầu hết các văn bản pháp lý quan trọng của luật quốc tế. Tại Lời mở đầu của Hiến chương LHQ khẳng định “Tạo điều kiện để đảm bảo công lý và sự tôn trọng các nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế đặt ra”; Điều 2 (2) Hiến chương LHQ cũng quy định: “Tất cả các quốc gia thành viên LHQ đều phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này để được đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi do tư cách thành viên mà có”. Nói cách khác, các quốc gia thành viên LHQ phải thực hiện một cách thiện chí các nghĩa vụ mà mình đã cam kết, phù hợp với Hiến chương LHQ.

Các điều ước quốc tế, nguồn cơ bản và chủ yếu của luật quốc tế, được xây dựng bởi các quốc gia và cũng chính các quốc gia xây dựng nên điều ước quốc tế đó tự thực hiện các nghĩa vụ mà mình đã cam kết, không có một cơ quan siêu quyền lực nào đứng trên quốc gia để cưỡng chế thi hành điều ước. Do đó, điều ước quốc tế chỉ phát huy được hiệu lực của nó khi và chỉ khi các quốc gia thành viên tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết của mình. Điều 26 của Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 nhắc lại nguyên tắc pacta sunt servanda như sau: “Mỗi điều ước quốc tế đang có hiệu lực đều ràng buộc các bên thành viên của điều ước đó và phải được các bên thực thi một các thiện chí”. Như vậy, các quốc gia khi đã nhất trí ký kết, tham gia một thỏa thuận quốc tế phù hợp với Hiến chương LHQ, được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật quốc tế thì sẽ phải tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết của mình. Nói cách khác, nội dung cơ bản của nguyên tắc pacta sunt servanda là: Các quốc gia có nghĩa vụ phải thực hiện một cách tận tâm, thiện chí, đầy đủ những nghĩa vụ của mình, trước hết là những nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế được ký kết một cách hợp pháp và có nội dung không trái với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Việc tuân thủ nguyên tắc pacta sunt servanda có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xác định việc tuân thủ cam kết của các quốc gia thành viên trong một điều ước về nguồn nước quốc tế, cũng như trong việc thực hiện một thỏa thuận hay một khuyến nghị của bên thứ ba, hoặc một phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết một vụ việc tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia. Thực tiễn giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng điều ước quốc tế về nguồn nước liên quốc gia, các cơ quan tài phán quốc tế đều nhấn mạnh đến việc các quốc gia phải tôn trọng, thực hiện cam kết của mình một cách tận tâm, thiện chí. Điển hình như trong vụ Gabcikovo-Nagymaros, ICJ kết luận rằng, Hiệp định hợp tác năm 1997 vẫn có hiệu lực ràng buộc đối với Hungary và Slovakia và các bên phải thực hiện với thái độ thiện chí.

Trong pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế, nguyên tắc pacta sunt servanda cần được hiểu như sau:

Một là, các quốc gia khi đã tham gia ký kết điều ước về nguồn nước quốc tế phải có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết của mình; bất kỳ hành vi thiếu thiện chí nào trong việc giải thích hoặc áp dụng điều ước dẫn đến gây tổn hại đáng kể cho quốc gia thành viên khác là vi phạm cam kết và quốc gia đó phải thiện chí thực hiện nghĩa vụ khắc phục, bồi thường hậu quả do hành vi của mình gây ra.

Hai là, khi phát sinh tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến việc áp dụng hoặc giải thích điều ước quốc tế, các quốc gia thành viên điều ước đều phải có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí hợp tác giải quyết bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của pháp luật quốc tế. Mọi hành vi tìm cách trốn tránh trách nhiệm giải quyết tranh chấp là vi phạm nguyên tắc pacta sunt servanda.

Ba là, khi đã đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp hoặc khi có khuyến nghị của bên thứ ba, hoặc phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền theo quy định, các bên liên quan phải có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện thỏa thuận/khuyến nghị/phán quyết đó.

Vấn đề đặt ra là hiểu như thế nào về phạm vi áp dụng nguyên tắc pacta sunt servanda? Nguyên tắc này chỉ áp dụng trong các điều ước quốc tế hay cho tất cả các cam kết quốc tế? Nhiều quan điểm cho rằng, nguyên tắc pacta sunt servanda là một nguyên tắc của luật điều ước quốc tế, chỉ áp dụng đối với điều ước quốc tế. Quan điểm này có thể xuất phát từ cách hiểu rằng từ “pacta” có nghĩa là thỏa thuận, điều ước, và vì nguyên tắc này được ghi nhận chính yếu trong Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969.

Tuy nhiên, nguyên tắc pacta sunt servanda cần được hiểu theo nghĩa rộng. Theo đó, nguyên tắc này phải được áp dụng cho tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế phát sinh từ tất cả cam kết quốc tế, bất kể nguồn chứa đựng. Trong Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế (Nghị quyết 2625 năm 1970 của ĐHĐ LHQ), nguyên tắc pacta sunt servanda được giải thích rõ ràng như sau: Mỗi Quốc gia có nghĩa vụ phải thực thi thiện chí các nghĩa vụ của mình “theo các nguyên tắc được công nhận rộng rãi và các quy định của luật pháp quốc tế”. Với cách hiểu này, khi đánh giá việc thực hiện nguyên tắc pacta sunt servanda của một quốc gia thì xem xét việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý trong phạm vi điều ước quốc tế về nguồn nước mà quốc gia đó là thành viên là trước hết, nhưng không phải duy nhất, mà còn cần phải xem xét đến nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ các cam kết quốc tế khác, các hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia... Đây là vấn đề đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế vẫn đang trong giai đoạn phát triển; nhiều quốc gia chưa tham gia Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 với ý nghĩa là Hiến chương toàn cầu về nguồn nước quốc tế, thậm chí chưa tham gia điều ước khu vực về nguồn nước chung mà họ chia sẻ với các quốc gia khác.

1.4.1.4.   Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác

Mặc dù Hiến chương LHQ không đề cập nguyên tắc này ngay tại Điều 2 với ý nghĩa là các nguyên tắc cơ bản, nhưng nội dung nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác được nhắc đến trong nhiều điều khoản của Hiến chương, điển hình như tại Điều 1, Điều 55, Điều 56. Theo đó, các quốc gia thành viên LHQ có nghĩa vụ thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo; nghĩa vụ hợp tác với nhau để thực hiện mục đích của Hiến chương và nghĩa vụ hợp tác với các tổ chức của LHQ để đạt được những mục đích trên. Nghĩa vụ hợp tác còn thể hiện ở việc các quốc gia phải hành động phù hợp với các nguyên tắc của LHQ. Điều này có nghĩa là các quốc gia phải có nghĩa vụ thể hiện nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua sự hợp tác, phối hợp với nhau. Ngay cả các quốc gia không phải là Thành viên của LHQ cũng phải tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương LHQ vì điều này cần thiết cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Nghị quyết 2625 năm 1970 của ĐHĐ LHQ đã giải thích cụ thể nội dung của nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác, trong đó bao gồm: (i) Quốc gia phải hợp tác với quốc gia khác trong việc quy trì hòa bình và an ninh quốc tế; (ii) các quốc gia thành viên LHQ phải thực hiện các hành động chung hoặc riêng trong việc hợp tác với LHQ theo quy định của Hiến chương; (iii) các quốc gia phải hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ nhằm khuyến khích sự tiến bộ về văn hóa, giáo dục, phát triển kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.

Trong lĩnh vực luật quốc tế về nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác được hiểu là các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác cả trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc theo các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Khi phát sinh tranh chấp về quyền và lợi ích giữa các quốc gia liên quan đối với nguồn nước liên quốc gia hoặc về tranh chấp liên quan đến giải thích và/hoặc áp dụng điều ước quốc tế mà các Bên là thành viên, các quốc gia phải nghĩa vụ hợp tác với nhau tìm kiếm các biện pháp hòa bình theo quy định của pháp luật quốc tế để giải quyết, không để các tranh chấp leo thang căng thẳng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Khi đạt được thỏa thuận về giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, các Bên liên quan phải có nghĩa vụ hợp tác thực hiện đầy đủ nội dung thỏa thuận đã đạt được.

1.4.2. Một số nguyên tắc của pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế liên quan trực tiếp đến việc giải quyết tranh chấp

Để hạn chế nguy cơ dẫn đến tranh chấp, các nguyên tắc của pháp luật quốc tế về khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy đã dần hình thành, phát triển và được pháp điển hoá trong các điều ước quốc tế về nguồn nước, nhất là Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997. Hai nguyên tắc quan trọng nhất trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia là: (i) nguồn nước phải được sử dụng công bằng và hợp lý; (ii) việc sử dụng hay phát triển một nguồn nước quốc tế bởi một quốc gia không được gây ra nguy hại đáng kể cho quốc gia ven sông khác. Đây cũng chính là các cơ sở thường được các quốc gia viện dẫn để cáo buộc sự vi phạm pháp luật quốc tế đối với một quốc gia khác cùng chia sẻ nguồn nước liên quốc gia dẫn đến tranh chấp tranh chấp nguồn nước. Việc làm rõ nội hàm của các nguyên tắc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xem xét giải quyết vấn đề tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia.

Nguyên tắc nguồn nước phải được sử dụng công bằng và hợp lý xuất phát từ học thuyết cộng đồng lợi ích được cho là bắt nguồn từ luật La Mã và được thể hiện trong tác phẩm De jure Belli ac Pacis (1625: On the Law of War and Peace) của Hugo Grotius. Ông nói rằng “một dòng sông, nếu nhìn từng khúc là tài sản của người dân trên toàn bộ lãnh thổ mà dòng sông ấy chảy qua… nếu nhìn liền mạch là tài sản chung mà bất kỳ ai cũng có thể uống hay lấy nước từ đó”. Quan điểm này của Grotius nhấn mạnh tính sở hữu chung của dòng sông liên quốc gia. Theo đó, các quốc gia chia sẻ nguồn nước đều có quyền sử dụng công bằng nguồn nước đó mà không một quốc gia nào có thể độc quyền kiểm soát, sử dụng. Trong quá trình sử dụng nguồn nước, các quốc gia có nghĩa vụ sử dụng hợp lý, tôn trọng quyền và lợi ích của các quốc gia ven sông khác.

Khái niệm cộng đồng lợi ích cũng được đề cập đến trong một số án lệ quốc tế41, và được pháp điển hoá thành các điều khoản quy định trong các điều ước liên quan tới nguồn nước quốc tế, đặc biệt là trong Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997, trở thành một nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế. Các điều ước về các sông quốc tế mặc dù không có sự đồng nhất về nội dung của quyền sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước, nhưng có một đặc điểm chung là đều công nhận quyền bình đẳng của các quốc gia thành viên trong việc sử dụng nguồn nước mà họ chia sẻ. Nguyên tắc về sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế cũng được ghi nhận trong các phán quyết của toàn trọng tài, tòa án quốc tế trong các vụ tranh chấp nguồn nước quốc tế; trong tài liệu của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, như Hội Luật quốc tế. Cộng đồng lợi ích nhưng không đồng nghĩa với việc quyền của các quốc gia là tương đương nhau đối với một nguồn nước quốc tế. Tương tự vậy, sử dụng công bằng nguồn nước không có nghĩa là phân chia nguồn nước thành các phần bằng nhau43. Việc sử dụng nguồn nước công bằng và hợp lý được quyết định khi xem xét nhiều yếu tố, bao gồm các điều kiện địa lý, thủy đồ, thủy văn, khí hậu, sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác; các nhu cầu kinh tế - xã hội của các quốc gia ven sông; số dân phụ thuộc vào dòng sông đó ở từng quốc gia ven sông; các nhu cầu sử dụng dòng sông hiện tại và tiềm tàng; việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và sự sẵn có của tài nguyên thay thế.

Nguyên tắc việc sử dụng hay phát triển một nguồn nước quốc tế bởi một quốc gia không được gây ra nguy hại đáng kể tới quốc gia ven sông khác xuất phát từ học thuyết chủ quyền hạn chế. Học thuyết này có nội hàm là chủ quyền quốc gia trên lãnh thổ của mình bị “hạn chế” bởi nghĩa vụ không được dùng lãnh thổ của mình theo cách gây phương hại đáng kể đến quốc gia khác. Khi áp dụng cho nguồn nước liên quốc gia, học thuyết này có ý nghĩa là mỗi quốc gia đều phải tôn trọng quyền của quốc gia khác đối với “tài sản chung” – chính là nguồn nước liên quốc gia và không được “tự tung tự tác” đối với phần của nguồn nước trong lãnh thổ của mình. Phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế cũng thừa nhận quan điểm rằng luật quốc tế đặt ra hạn chế về quyền tự do hành động của quốc gia đối với phần của nguồn nước nằm trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, “nguy hại đáng kể” là một khái niệm định tính, không có tiêu chí để các định nên quốc gia bị ảnh hưởng không dễ để chứng minh. Hơn thế, việc Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 quy định về nghĩa vụ giảm nhẹ thiệt hại hoặc thảo luận về việc đền bù đối với hành động gây hại đáng kể đã làm suy yếu đi nguyên tắc thứ hai này do quốc gia có thể sử dụng nguồn nước một cách gây hại cho quốc gia ven sông khác theo cách mình muốn bằng cách đền bù cho nước bị ảnh hưởng.

1.5. Các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy

1.5.1.  Các biện pháp giải quyết tranh chấp phi tài phán

Trong số các biện pháp được quy định tại Điều 33 của Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997, đàm phán, trung gian, hoà giải là các biện pháp được sử dụng khá phổ biến trong giải quyết tranh chấp nguồn nước. Đây cũng là các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế thông thường được nhắc tới tại Điều 33 (1) Hiến chương LHQ. Đàm phán trực tiếp luôn là biện pháp được ưu tiên sử dụng đối với mọi loại tranh chấp quốc tế và tranh chấp về nguồn nước quốc tế không phải là ngoại lệ. Tại Điều 33 (2) Công ước về nguồn nước quốc tế năm 1997 nhấn mạnh, đàm phán trực tiếp (hay thương lượng trực tiếp) là biện pháp đầu tiên và nếu không thể đạt được thỏa thuận bằng đàm phán trực tiếp thì tính đến các biện pháp khác. Biện pháp này được áp dụng phổ biến, dưới các hình thức như thương lượng (ở đó hai hay nhiều quốc gia cùng tham gia đối thoại với nhau) và tham vấn (ở đó một quốc gia sẽ theo đuổi một loạt các hành động và có sự thông báo với các bên liên quan.

Biện pháp đàm phán trực tiếp: Đây là biện pháp được đề cập đến đầu tiên trong các công ước quốc tế và thực tiễn cho thấy biện pháp này được áp dụng phố biến trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 cũng yêu cầu các quốc gia liên quan tranh chấp nguồn nước phải tiến hành đàm phán trực tiếp với nhau và chỉ khi “các bên liên quan không thể thỏa thuận được với nhau bằng đàm phán” thì mới cùng nhau thỏa thuận sử dụng đến các biện pháp khác như hòa giải, trung gian, hoặc khi cần thiết sử dụng các tổ chức nguồn nước do họ cùng thành lập, hoặc thỏa thuận đệ trình tranh chấp đó lên trọng tài hoặc tòa án quốc tế. Đàm phán trực tiếp cũng được đánh giá là biện pháp hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Thậm chí, trong trường không đạt được thỏa thuận cuối cùng để giải quyết tranh chấp thì biện pháp này cũng góp phần quan trọng vào kiểm soát tranh chấp và làm rõ được lập trường của các bên liên quan tranh chấp, từ đó có thể tìm kiếm các biện pháp hòa bình khác để giải quyết tranh chấp. Chính vì thế, đàm phán trực tiếp được tiến hành trong suốt tiến trình giải quyết tranh chấp, ngay cả khi tranh chấp đã được đưa ra giải quyết tại một cơ quan tài phán quốc tế thì biện pháp này vẫn có thể được tiến hành và vẫn là biện pháp được ưu tiên.

Biện pháp trung gian: Thực chất, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp trung gian là việc các bên tranh chấp đạt thỏa thuận với nhau về việc chấp nhận bên thứ ba tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp. Bên trung gian có thể là một hoặc một nhóm quốc gia, một hoặc một số tổ chức quốc tế, một hoặc một nhóm cá nhân có uy tín quốc tế. Nhiệm vụ của bên trung gian là động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp tiến hành giải quyết vụ tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, chủ yếu là đàm phán/thương lượng. Vai trò của bên trung gian thường sẽ kết thúc khi các bên tranh chấp ký kết được điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp. Bên trung gian cũng có thể tham gia ký kết điều ước này nếu có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Thực tiễn giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy cũng đã chứng minh vai trò của biện pháp này, mà trường hợp giải quyết tranh chấp nguồn nước sông Indus giữa Ấn Độ và Parkistan với vai trò trung gian của WB là ví dụ điển hình.

Việc lựa chọn bên trung gian tham gia vào tiến trình giải quyết tranh chấp là hết sức quan trọng. Về nguyên tắc, bên trung gian phải thực sự khách quan, tôn trọng ý chí và quyền tự quyết của các bên tranh chấp, chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa các bên tranh chấp được thuận lợi, đúng lộ trình để đi đến ký kết thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trong thực tế, các bên được lựa chọn làm trung gian thường là các cường quốc, các tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn về kinh tế đối với các quốc gia trong tranh chấp. Trong các trường hợp như vậy, bên trung gian, nhất là khi họ là những cường quốc hàng đầu thế giới, không chỉ tạo điều kiện cho các bên tiến hành đàm phán mà có thể tác động để các bên tranh chấp có thể chấp nhận một giải pháp nào đó, thường là ký kết một thỏa thuận hợp tác. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết tranh chấp sẽ trở nên rất phức tạp khi cùng tham gia vai trò trung gian là những cường quốc có lợi ích đối lập nhau, hoặc vai trò trung gian biến thành sự can thiệp theo ý đồ của bên trung gian, khiến tiến trình đàm phán có thể dẫn đến những kết quả không như mong đợi ban đầu.

Biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua thể chế khu vực: Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 cũng nhắc tới biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua các thể chế chung được thành lập theo điều ước quốc tế về nguồn nước mà các bên ký kết. Đây chính là các ủy hội/ủy ban quản lý các nguồn nước của các con sông liên quốc gia, được thành lập tại nhiều khu vực khác nhau, ví dụ như Uỷ hội sông Mê Công, Uỷ ban nguồn nước Trung Đông hay Uỷ ban thường trực Indus. Biện pháp này cũng có thể coi là biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua các thể chế khu vực như đã được nhắc tới tại Điều 33 của Hiến chương LHQ. Trong số các uỷ hội quản lý nguồn nước quốc tế hiện nay, thành công nhất trong việc giải quyết tranh chấp là Uỷ ban thường trực Indus, được thành lập theo Hiệp ước về nguồn nước Indus giữa Pakistan và Ấn Độ. Uỷ ban này đóng vai trò là nơi đầu tiên mà một xung đột giữa hai nước về nguồn nước Indus được đệ trình giải quyết và được trao cho quyền xem xét bất cứ câu hỏi nào phát sinh giữa hai nước liên quan tới việc giải thích và áp dụng Hiệp ước Indus hoặc câu hỏi về sự tồn tại của bất cứ một dữ kiện thực tế nào, mà nếu được xác lập có thể tạo thành sự vi phạm Hiệp ước.

Theo: Nguyễn Minh Sáng

Link luận án: 

https://docs.google.com/document/d/1j8dvkL1g_tSoRJNG3lMcBiGM5-0sEmMN/edit

avatar
Đặng Quỳnh
583 ngày trước
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÁP LÝ VỀ CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP NGUỒN NƯỚC LIÊN QUỐC GIA CHO CÁC MỤC ĐÍCH PHI GIAO THÔNG THỦY
Do tầm quan trọng sống còn của nước ngọt đã dẫn tới sự hình thành và phát triển của pháp luật quốc tế về lĩnh vực này. Theo số liệu của UNEP, từ năm 1820 đến nay đã có khoảng 400 điều ước quốc tế về nước được thông qua. Những thập kỷ cuối thế kỷ XX, pháp luật quốc tế về nguồn nước liên quốc gia có nhiều bước tiến quan trọng, nhất là sự ra đời Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997. Sự hình thành và phát triển của pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế tạo khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng bền vững, công bằng, hợp lý và cơ chế giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước.Chương này sẽ đi sâu nghiên cứu một số vấn đề lý luận pháp lý cơ bản về giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, bao gồm khái niệm, đặc điểm của tranh chấp và giải quyết tranh chấp, các nguyên tắc và biện pháp giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy.1.1. Khái niệm, nguồn gốc, đặc điểm tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy1.1.1. Khái niệm tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy1.1.1.1.   Khái niệm nguồn nước liên quốc giaTrong tiếng Việt có những tên gọi khác nhau để chỉ các nguồn nước được chia sẻ bởi từ hai quốc gia trở nên, như: “nguồn nước liên quốc gia”, “nguồn nước xuyên biên giới” hay “nguồn nước quốc tế”. Tương tự, trong tiếng Anh có các thuật ngữ “interstate water resources”, “transboundary water resources”, “transboundary fresh water resources”, “international water resources”, “shared waters” hay “shared fresh water resources”. Tương tự đối với sông là các thuật ngữ “sông liên quốc gia”, “sông xuyên biên giới”, “sông quốc tế”; trong tiếng Anh có các thuật ngữ “interstate river”, “transboundary river”, “international river”. Trong phạm vi luận án này, thuật ngữ “nguồn nước liên quốc gia” được ưu tiên sử dụng. Đây cũng là thuật ngữ được sử dụng trong Quyết định số 818/2014/QĐ-CTN ngày 15/4/2014 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Về việc gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy” và bản dịch chính thức Công ước đính kèm Quyết định. Bên cạnh đó, thuật ngữ “nguồn nước quốc tế” có ý nghĩa tương tự và sẽ được sử dụng thay thế cho thuật ngữ “nguồn nước liên quốc gia” trong một số trường hợp. Nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước xuyên biên giới hay nguồn nước quốc tế bao gồm cả hệ thống nước mặt và nước ngầm chảy xuyên qua biên giới của hai hay nhiều quốc gia. Trong phạm vi luận án này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu đối tượng là nguồn nước mặt của các sông liên quốc gia.Theo Nguyễn Trường Giang, khái niệm “nguồn nước quốc tế” đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, từ cuối thế kỷ XVIII với cách hiểu đơn giản ban đầu là các con sông chảy qua lãnh thổ của hai hay nhiều quốc gia; sang thế kỷ XIX đã mở rộng để bao gồm cả các hồ được chia sẻ bởi hai hay nhiều quốc gia và khái niệm sông quốc tế trong thời kỳ này cũng chỉ hạn chế trong phạm vi dòng chính có thể giao thông được mà thôi. Cho đến những năm 60 của thế kỷ 20, thuật ngữ nguồn nước quốc tế được các tổ chức quốc tế phi chính phủ sử dụng tương đối rộng rãi trong các văn bản mà các tổ chức quốc tế này thông qua như Nghị quyết Salzburg ngày 11/9/1961 quy định về sử dụng các nguồn nước quốc tế.Đặc biệt, trải qua quá trình gần nửa thế kỷ đấu tranh, đàm phán, thương lượng giữa nhiều quốc gia trên thế giới, ngày 21/5/1997, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy (Công ước về Nguồn nước năm 1997), đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế. Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 đã giải thích về “nguồn nước liên quốc gia” và các từ ngữ liên quan, nói cách khác là đưa ra khái niệm về “nguồn nước liên quốc gia” và một số khái niệm liên quan. Theo đó: “Nguồn nước” là một hệ thống nước mặt và nước ngầm, kết nối thành một thể thống nhất và thường chảy vào một điểm cuối chung trên cơ sở các mối quan hệ kết nối tự nhiên của chúng; và “Nguồn nước liên quốc gia” là một nguồn nước có các phần nằm trên các quốc gia khác nhau.Gần đây, một số tổ chức quốc tế có đề cập đến khái niệm nguồn nước liên quốc gia, chẳng hạn UN-Water định nghĩa: Nguồn nước liên quốc gia bao gồm các mạch nước ngầm, hồ và các lưu vực sông được chia sẻ bởi từ hai quốc gia trở lên6.Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm “nguồn nước liên quốc gia” được nêu trong Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 vẫn được đánh giá là tiến bộ và toàn diện nhất và được thừa nhận rộng rãi. Luận án này thừa nhận khái niệm nguồn nước liên quốc gia được ghi nhận trong Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997. Khái niệm này không chỉ phù hợp với thực tế thuỷ văn mà còn lưu ý các quốc gia về mối quan hệ qua lại của các phần khác nhau trong cùng hệ thống nguồn nước. Điều này có nghĩa là tác động vào một phần của hệ thống nguồn nước nhìn chung sẽ lan truyền tới những phần khác trong hệ thống. Trong các cuộc thương lượng và bỏ phiếu thông qua dự thảo Công ước này tại Đại Hội đồng LHQ năm 1997, đại diện các quốc gia đạt được nhất trí cao về khái niệm này, không có đại diện nào nêu ý kiến bảo lưu hoặc phản đối.Về khái niệm “cho các mục đích phi giao thông thủy”, qua khảo sát, nghiên cứu, cho đến nay chưa thấy có tài liệu nào giải thích hay nêu rõ nội hàm khái niệm này. Tuy nhiên, tại Điều 1 Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 xác định phạm vi điều chỉnh của Công ước là “áp dụng cho việc sử dụng các nguồn nước và nước trong đó có tính liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy” (Khoản 1); và rằng “Việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích giao thông thủy không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này” (Khoản 2). Như vậy có thể hiểu rằng, các mục đích phi giao thông thủy được giới hạn trong các mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, không sử dụng cho mục đích giao thông đi lại.1.1.1.2. Khái niệm tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủyĐể đưa ra khái niệm về tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, ngoài việc công nhận và sử dụng khái niệm về nguồn nước liên quốc gia được nêu trong Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997, cần thiết phải tìm hiểu các khái niệm “tranh chấp”, “tranh chấp quốc tế”.Theo Từ điển Tiếng Việt, tranh chấp thường là sự đấu tranh, giằng co khi có ý kiến bất đồng, thường là trong vấn đề quyền lợi giữa các bên. Theo khoa học luật quốc tế, tranh chấp quốc tế được xác định là “hoàn cảnh thực tế mà trong đó các chủ thể tham gia có quan điểm trái ngược hoặc mâu thuẫn nhau và có những yêu cầu, đòi hỏi cụ thể đối lập nhau. Đây là sự không thỏa thuận được với nhau về quyền hoặc sự kiện, đưa đến sự mâu thuẫn, đối kháng nhau về quan điểm pháp lý hoặc quyền của các bên chủ thể luật quốc tế với nhau”8. Đây là khái niệm phản ánh đầy đủ, toàn diện các khía cạnh của vấn đề tranh chấp quốc tế nói chung và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng khái niệm về tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. Do đó, luận án chấp nhận và sử dụng khái niệm này để phục vụ xây dựng khái niệm về tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy.Nhiều phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế, nhất là ICJ cũng đã đưa ra giải thích về “tranh chấp quốc tế”, có thể gợi ý cách hiểu tranh chấp nguồn nước quốc tế là gì. Trong Vụ Mavrommatis Palestine Concessions giữa Hi Lạp và Anh, Toà Thường trực Công lý quốc tế (tiền thân của ICJ) đã định nghĩa “Một tranh chấp là một sự bất đồng về một vấn đề pháp lý hay thực tế, một sự xung đột về quan điểm pháp lý hay lợi ích giữa hai bên”9. ICJ cũng giải thích rõ hơn về khái niệm tranh chấp trong một số vụ việc như: Ý kiến tư vấn trong Vụ Giải thích Các điều ước hoà bình với Bulgaria, Hungary và Romania năm 1950, ICJ đã giải thích tranh chấp “là một tình huống mà hai bên có quan điểm trái ngược nhau rõ ràng về vấn đề thực hiện hay không thực hiện các nghĩa vụ theo điều ước”10. Trong Vụ Tây Nam Châu Phi năm 1962, ICJ đã bổ sung thêm rằng “Sự tồn tại của một tranh chấp cần được xác định một cách khách quan. Chỉ một sự khẳng định không đủ để chứng minh sự tồn tại của tranh chấp và cũng không hơn chỉ một sự từ chối để chứng minh sự không tồn tại của tranh chấp. Yêu sách của một bên phải bị phản đối thực sự bởi bên còn lại”11 thì tranh chấp mới được hình thành. Ngoài ra, ICJ cũng cho rằng bằng chứng về sự tồn tại tranh chấp cần cho thấy sự xung đột quan điểm giữa các bên và chúng có thể trực tiếp như thông qua thư tín ngoại giao hoặc gián tiếp, ngầm định thông qua suy luận.Mặc dù khái niệm nguồn nước đã được nêu rõ ràng tại Điều 2 của Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 nhưng thuật ngữ tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy lại không được Công ước này đưa ra định nghĩa. Tuy nhiên, từ các khái niệm về nguồn nước liên quốc gia và các định nghĩa tranh chấp quốc tế trình bày ở trên, có thể hiểu: Tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy là sự bất đồng, mâu thuẫn, đấu tranh giữa các chủ thể, chủ yếu là các quốc gia, có quyền và nghĩa vụ trực tiếp đối với nguồn nước liên quốc gia về quan điểm pháp lý hoặc xung đột lợi ích rõ ràng trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy.Như vậy, tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy xuất hiện, tồn tại khi: (i) quan điểm pháp lý của một trong các bên chia sẻ nguồn nước chung bị một hoặc các bên còn lại phản đối thực sự; hoặc (ii) xuất hiện bất đồng, xung đột rõ ràng về lợi ích giữa các bên liên quan trực tiếp tới nguồn nước liên quốc gia và bằng chứng về sự tồn tại tranh chấp nguồn nước liên quốc gia có thể trực tiếp từ các thư tín ngoại giao, tuyên bố, văn bản hoặc thông qua sự suy luận có cơ sở; hoặc (iii) xuất hiện cả sự bất đồng về quan điểm pháp lý và sự xung đột rõ ràng về lợi ích trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia chia sẻ nguồn nước chung mà sự bất đồng, xung đột này có thể tìm thấy trực tiếp từ hành động của các quốc gia hoặc gián tiếp thông qua sự suy luận có cơ sở.1.1.2. Nguồn gốc, đặc điểm của tranh chấp nguồn nước liên quốc gia1.1.2.1.   Nguồn gốc của tranh chấpNước ngọt là nguồn sống của con người, nhưng lại là một loại tài nguyên hữu hạn. Nước ngọt có thể khai thác, sử dụng được với chi phí thấp lại càng khan hiếm. Trên 97% lượng nước trên trái đất là nước mặn, chỉ hơn 2% là nước ngọt, trong đó chưa đến 1% nước ngọt là dễ tiếp cận, gồm nước sông, hồ, nước ngầm có khả năng khai thác với chi phí có thể chấp nhận. Trong khi đó, do phân bổ tự nhiên, phần lớn các nguồn nước ngọt lớn trên thế giới, gồm các hồ, mạch nước ngầm và nhất là các con sông, lại được chia sẻ bởi hai hay nhiều quốc gia. Theo số liệu của LHQ, có 263 hồ và lưu vực sông liên quốc gia; có 145 quốc gia có diện tích lãnh thổ nằm trong phạm vi các hồ và lưu vực sông này, trong đó có 30 quốc gia nằm trọn trong lưu vực; khoảng 300 mạch nước ngầm xuyên biên giới, phục vụ cho nhu cầu của hơn 02 tỷ dân trên thế giới.Với nhu cầu, khả năng và ưu thế, nhất là ưu thế về địa lý, khác nhau nên việc khai thác, sử dụng nguồn nước chung giữa các quốc gia cũng khác nhau. Các quốc gia/cộng đồng dân cư nằm ở thượng nguồn thường chiếm ưu thế lớn hơn, có khả năng chi phối việc khai thác, sử dụng nước của quốc gia/cộng đồng dân cư ở hạ nguồn. Ngược lại, khu vực hạ nguồn các con sông thường là nơi sinh sống của những cộng đồng dân cư đông đúc, các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với nguồn nước của con sông, nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất rất lớn thì lại phụ thuộc vào các hành vi khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn. Việc khai thác, sử dụng không công bằng, hợp lý tài nguyên nước, vi phạm các cam kết quốc tế của một quốc gia, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia khác, là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh mâu thuẫn giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước sông chung. Bên cạnh đó, sự phát triển các ngành công nghiệp của các quốc gia ven sông gây ô nhiễm nguồn nước chung cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra mâu thuẫn, bất đồng giữa các quốc gia. Theo đánh giá của UNWater, các nguồn nước liên quốc gia bị suy thoái và xuống cấp có khả năng gây ra tình trạng bất ổn xã hội và gây ra xung đột trong và giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước.Trong lịch sử, đã xuất hiện nhiều cuộc xung đột giữa các cộng đồng dân cư, các quốc gia tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới liên quan đến việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông chung. Ở những khu vực mà nước ngọt khan hiếm, không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân hoặc những nơi mà nguồn nước đóng vai trò quyết định đến các hoạt động sản xuất kinh tế, sự bảo tồn và phát triển văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa thì xung đột về nguồn nước càng dễ xảy ra và thường rất gay gắt, khốc liệt. Thống kê của LHQ cũng chỉ ra rằng, kể từ năm 1948 đến nay đã có 37 cuộc xung đột có nguyên nhân trực tiếp từ tranh chấp về khai thác, sử dụng nguồn nước ngọt. Cuộc chiến dai dẳng giữa người Israel và người Palestin được cho là một phần do tranh giành nguồn nước. Ai Cập cũng nhiều lần đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn xung quanh việc khai thác nguồn nước sông Nile, nhất là kể từ khi Ethiopia triển khai xây dựng hệ thống đập thủy điện Đại phục hưng Ethiopia.Trong bối cảnh dân số thế giới gia tăng nhanh chóng khiến cho nhu cầu về nước ngọt ngày càng cao, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia khiến cho nguy cơ khan hiếm nước ngọt, cạn kiệt nguồn nước hoặc suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngọt càng thêm trầm trọng. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang và sẽ còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các nguồn nước ngọt cả về số lượng và chất lượng. Các yếu tố này được cộng hưởng với yếu tố chính trị quốc tế và nội tại của nhiều quốc gia khiến cho tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước ngọt nói chung, các con sông liên quốc gia nói riêng, sẽ diễn ra căng thẳng hơn, nguy cơ tạo thành các điểm nóng, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Nhiều cảnh báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, sau năm 2022, việc sử dụng nước làm vũ khí chiến tranh hoặc công cụ của chủ nghĩa khủng bố sẽ cao hơn 40% so với hiện nay, đặc biệt là ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi, những nơi thiếu nước trầm trọng. Tháng 4/2012, Cộng đồng Tình báo Mỹ (DNI) công bố một báo cáo cho rằng, tình trạng khai thác quá mức dẫn tới nguồn nước bị cạn kiệt, ngày càng bị ô nhiễm, nạn lụt lội, hạn hán và thiếu nước ngọt có thể gây ra bất ổn toàn cầu và xung đột vũ trang đáng kể trong các thập niên tới; các cuộc giao tranh vì nguồn dự trữ nước bắt đầu manh nha, tuy còn cục bộ.1.1.2.2.   Đặc điểm của tranh chấpTranh chấp nguồn nước liên quốc gia được đánh giá là một trong những tranh chấp gay gắt nhất, phức tạp và khó giải quyết nhất bởi tính đặc thù của chủ thể tham gia tranh chấp và tầm quan trọng đặc biệt của đối tượng tranh chấp.Chủ thể chính tham gia các tranh chấp và cũng là chủ thể có vai trò quyết định trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung, tranh chấp nguồn nước liên quốc gia nói riêng chính là các quốc gia. Nhìn chung, với tư cách là chủ thể chính của quan hệ quốc tế và pháp luật quốc tế, các quốc gia vừa là chủ thể tham gia các tranh chấp quốc tế, vừa là chủ thể đàm phán, quyết định vấn đề giải quyết tranh chấp, đồng thời cũng là chủ thể thực hiện các nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ tranh chấp. Trong khi đó, hành vi của quốc gia bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng và vị thế quốc gia trong phạm vi lưu vực sông cũng như trên trường quốc tế. Nghiên cứu đặc điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình tìm kiếm giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất cho việc giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia.Trong bối cảnh hiện nay, chính trị cường quyền đang chi phối đời sống chính trị quốc tế, vai trò của các tổ chức quốc tế đang ngày càng bị thách thức, việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước quốc tế mà trong đó có một quốc gia có sức mạnh chi phối thì tiến trình giải quyết tranh chấp sẽ cực kỳ khó khăn. Mặc dù là chủ thể chính của pháp luật quốc tế, có nghĩa vụ tôn trọng các quy định của pháp luật quốc tế, nhưng một quốc gia có sức mạnh vượt trội thì họ cũng có khả năng áp đặt ý chí của họ trong tiến trình đàm phán, giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung, tranh chấp nguồn nước liên quốc gia nói riêng. Trong trường hợp áp đặt lên quá trình giải quyết tranh chấp không thành công và việc giải quyết tranh chấp sẽ đe dọa đến lợi ích của mình, thậm chí lợi ích đó là trái với các quy định của pháp luật quốc tế, quốc gia đó có thể sẽ từ chối tham gia giải quyết tranh chấp, từ chối chấp nhận thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình. Trường hợp Trung Quốc trong vụ kiện của Philippine về vấn đề Biển Đông năm 2016 là một ví dụ điển hình. Tòa PCA được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 theo thẩm quyền đã ra phán quyết bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, và nước này cho đến nay vẫn nhất quán quan điểm “không công nhận, không chấp nhận, không thực hiện” phán quyết của PCA.Bên cạnh chủ thể chính và có vai trò quyết định là các quốc gia, một số chủ thể khác ngày càng có vai trò quan trọng trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia, như các tổ chức kinh tế liên chính phủ được thành lập theo điều ước quốc tế giữa các quốc gia nằm trong lưu vực sông liên quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm hoạt động vì môi trường và đặc biệt là các cộng đồng dân cư ven các con sông liên quốc gia. Sự tham gia của các chủ thể này, nhất là các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường, các cộng đồng dân cư, vào các xung đột, tranh chấp nguồn nước trong nhiều trường hợp khiến cho việc giải quyết tranh chấp càng trở nên phức tạp, khó khăn hơn, nhất là trong trường hợp tranh chấp liên quan đến các quốc gia mà ở đó chủ nghĩa dân tộc đã bị đẩy lên quá cao, trong khi trình độ dân trí, nhận thức pháp luật của người dân còn thấp. Để hạ nhiệt căng thẳng, hóa giải xung đột góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực, nhà nước/chính phủ một quốc gia có thể tính đến sự nhượng bộ, thỏa hiệp nhằm tìm kiếm một giải pháp có thể hài hòa lợi ích của các bên liên quan tranh chấp. Tuy nhiên, điều này có khả năng bị coi là làm tổn hại, thậm chí là “phản bội” lợi ích quốc gia - dân tộc, đe dọa “tính chính danh” của nhà nước/chính phủ, có thể bị lợi dụng, xuyên tạc, kích động người dân biểu tình phản đối, gây mất an ninh, trật tự.Khách thể của tranh chấp là nguồn nước sông liên quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh và phát triển của các quốc gia chia sẻ nguồn nước. Tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy biểu hiện rất đa dạng. Đó có thể là sự bất đồng, mâu thuẫn trong việc diễn đạt và áp dụng quy định pháp lý giữa các quốc gia là thành viên của một điều ước quốc tế về quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước sông chung mà chủ yếu là bất đồng cách diễn đạt các quy định về quyền và nghĩa vụ trong việc phân chia, sử dụng nguồn nước; hoặc đó là sự tranh chấp về lợi ích giữa các bên phát sinh từ các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước trên thực tế thông qua các hoạt động như: xây dựng đập, nhất là trên dòng chính; chuyển nước ra khỏi lưu vực; các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nhất là sản xuất công nghiệp, tác động đến chất lượng nguồn nước...Do nguồn nước liên quốc gia có đặc điểm là sẽ bị tác động trên cả hệ thống khi một phần của nó bị tác động hay nói cách khác, việc một quốc gia tác động bất lợi, gây hại tới nguồn nước của một con sông quốc tế sẽ dẫn tới nguồn nước của con sông ấy ở những phần lãnh thổ của quốc gia khác nơi con sông chảy qua bị ảnh hưởng theo. Điều này đã dẫn tới những tranh chấp, xung đột giữa quốc gia gây tác động bất lợi tới nguồn nước và quốc gia chịu ảnh hưởng từ sự tác động đó. Tác động đến từ các hoạt động xây dựng các công trình trên dòng chính, dòng nhánh này có thể làm thay đổi dòng chảy và giảm lưu lượng nước chảy xuống hạ nguồn. Những tranh chấp này được nhóm chung lại thành loại tranh chấp về số lượng nguồn nước. Các công trình được xây dựng trên hệ thống sông còn làm giảm lượng phù sa trong nước, tác động tiêu cực đến các hoạt động nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc các quốc gia, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư sinh sống ven sông trong quá trình tổ chức sản xuất, sinh hoạt sử dụng các chất gây ô nhiễm môi trường và đổ thải xuống các dòng sông quốc tế, gây biến đổi nguồn nước của các con sông này cũng là nguyên nhân gây xung đột giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước. Loại tranh chấp này được gọi là tranh chấp về chất lượng nguồn nước.Về hậu quả, tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội, an ninh của các nước liên quan, nhất là các nước nằm ở hạ nguồn các con sông; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng dân cư mà sinh kế của họ gắn với dòng sông. Cũng chính bởi tầm quan trọng của nguồn nước sông liên quốc gia, một khi nảy sinh tranh chấp sẽ này làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa các nước, thậm chí có thể châm ngòi cho xung đột vũ trang, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp, nguồn nước liên quốc gia có xu hướng được sử dụng như một “công cụ” quan trọng để triển khai chính sách đối ngoại của các nước, khiến cho việc giải quyết các tranh chấp đối với nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy càng trở nên khó khăn, phức tạp. 1.2. Cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy1.2.1. Khái niệm cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủyCho đến nay, trong các công trình khoa học pháp lý chưa có một định nghĩa nào được thừa nhận chung, rộng rãi về cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong các từ điển và các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý cũng đã có các cách hiểu chưa hoàn toàn thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp nói chung và cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế nói riêng. Tuy nhiên có thể khái quát lại như sau: cơ chế giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp quốc tế nói riêng là hệ thống các quy định về biện pháp, thủ tục, thiết chế được thực hiện hay áp dụng để giải quyết tranh chấp quốc tế.Riêng trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về nguồn nước sông liên quốc gia cũng chưa có một văn bản pháp lý quốc tế hay một công trình nghiên cứu khoa học nào đưa ra định nghĩa thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, từ nội dung của các văn bản pháp lý quốc tế, các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý quốc tế và các khái niệm có liên quan được trình bày ở trên, chúng ta có thể hiểu rằng: Cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy là hệ thống các quy định về biện pháp, thủ tục, thiết chế được quy định sẵn hoặc được các quốc gia thoả thuận với nhau phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế sau khi phát sinh tranh chấp nhằm giúp các quốc gia giải quyết các tranh chấp về nguồn nước quốc tế.Thực tiễn và các quy định của luật pháp quốc tế cho thấy các quốc gia có nhiều lựa chọn về cơ chế giải quyết các tranh chấp liên quan tới nguồn nước sông liên quốc gia. Đàm phán không còn là biện pháp duy nhất giúp các quốc gia giải quyết các tranh chấp về nguồn nước của mình. Từ khi Hội quốc liên được thành lập với sự ra đời của Toà án thường trực quốc tế năm 1929, sau này là Toà án công lý quốc tế, các quốc gia có thể sử dụng bên thứ ba như toà án hoặc trọng tài để giải quyết tranh chấp về nguồn nước với nhau. Các bên cũng có thể giải quyết tranh chấp thông qua các thể chế khu vực như được nhắc tới trong Hiến chương LHQ năm 1945.Chính sự gia tăng về số lượng và tính chất quyết liệt của các tranh chấp về nguồn nước liên quốc gia đã khiến cho các nước phải tìm cách đàm phán, ký kết các các thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác, sử dụng và giải quyết các tranh chấp phát sinh. Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997, kết quả hơn 30 năm xây dựng của Uỷ ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhằm pháp điển hoá và phát triển luật về sử dụng nguồn nước quốc tế, đã đưa ra khung pháp lý đầy đủ và toàn diện hơn về các biện pháp giải quyết tranh chấp nguồn nước quốc tế, kèm theo đó là các thủ tục và thiết chế để giải quyết tranh chấp. Các điều khoản của Công ước được xem là phản ánh quy định luật tập quán quốc tế1.2.2. Đặc điểm của cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủyTương tự việc giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung, giải quyết các tranh chấp về nguồn nước liên quốc gia cũng có những cơ chế giải quyết mang tính ngoại giao, phi tài phán như đàm phán trực tiếp, trung gian, hòa giải… và cả những cơ chế giải quyết bằng tài phán, với kết quả có tính ràng buộc pháp lý như trọng tài, toà án. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia có những điểm đáng lưu ý.Trước hết, giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia đề cao vai trò của cơ chế tìm kiếm sự thật (điều tra). Đặc điểm này bắt nguồn từ các nguyên tắc quan trọng nhất của pháp luật quốc tế về sử dụng nguồn nước quốc tế, bao gồm: nguyên tắc tôn trọng quyền của các quốc gia đối với nguồn nước quốc tế; nguyên tắc sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước quốc tế; nghĩa vụ không gây hại đáng kể cho nguồn nước quốc; nghĩa vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sử dụng nguồn nước quốc tế; và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của nguồn nước quốc tế20. Các nguyên tắc này có thể được ghi nhận trong các điều ước quốc tế phổ cập mà các quốc gia liên quan là thành viên, hoặc trong tập quán quốc tế phổ cập, hoặc trong điều ước quốc tế cụ thể về khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia được ký kết giữa các bên liên quan. Như vậy, để có cơ sở giải quyết tranh chấp nguồn nước, các bên phải tìm kiếm, cung cấp các bằng chứng xác thực về những gì đã xảy ra trên thực tế để chứng minh có sự vi phạm rõ ràng của một hay một số bên đối với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về sử dụng nguồn nước quốc tế. Ví dụ điển hình về việc xác định sự vi phạm đối với nguyên tắc tôn trọng quyền của các quốc gia đối với nguồn nước quốc tế là trong vụ tranh chấp giữa Pháp và Tây Ban Nha về việc Pháp chuyển nước hồ Lanoux đến sông Ariege. Trên cơ sở xem xét các bằng chứng về thực tế diễn ra và đối chiếu với nội dung trong Thỏa thuận bổ sung các hiệp ước về biên giới mà hai bên ký kết, Tòa Trọng tài năm 1957 phán quyết là Pháp có quyền tiến hành các công trình chuyển nước nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của mình nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ phải bảo đảm quyền lợi của Tây Ban Nha đối với việc sử dụng nguồn nước hồ Lanoux21. Có thể nói, việc xác định điều gì đã xảy ra trong thực tế có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với việc giải quyết tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước.Thứ hai, việc lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia phải tuân thủ nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế. Khoản 1, Điều 38 Quy chế hoạt động của ICJ quy định cụ thể về nguồn của luật quốc tế, có thể chia thành hai loại là: Nguồn thành văn (điều ước quốc tế) và nguồn bất thành văn (tập quán quốc tế) với nội dung chứa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế, trực tiếp điều chỉnh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể quan hệ pháp luật quốc tế.Theo Waseem Ahmad Qureshi: Hầu hết các trường hợp, luật áp dụng là điều ước song phương hoặc đa phương được ký kết giữa các bên, trong đó quy định về biện pháp giải quyết tranh chấp. Trong những trường hợp mà không có điều ước được ký kết giữa các bên, luật quốc tế về giải quyết tranh chấp được sử dụng với vai trò là khung pháp lý. Trong các trường hợp khác, tranh chấp thường được đệ trình lên các tòa trọng tài để làm trung gian hoặc được yêu cầu giải quyết thông qua các thủ tục giải quyết tranh chấp tài phán hoặc phi tài phán22. Như vậy, tương tự việc áp dụng luật trong giải quyết các loại tranh chấp quốc tế khác, giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế đối với việc áp dụng luật để giải quyết tranh chấp. Theo đó, điều ước quốc tế về nguồn nước mà các bên liên quan tranh chấp là thành viên được ưu tiên áp dụng. Điển hình như trong vụ Gabcikovo-Nagymaros, ICJ đã căn cứ vào Hiệp định Hợp tác về xây dựng và vận hành Hệ thống đập thủy lợi được Hungary và Czechoslovakia ký kết ngày 16/9/1977. Tuy nhiên, theo nguyên tắc đồng thuận, các bên cũng có thể cùng thỏa thuận lựa chọn viện dẫn một điều ước quốc tế khác hoặc một tập quán quốc tế hiện hành với điều kiện sự thỏa thuận đó không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của bên thứ ba hoặc lợi ích của cộng đồng quốc tế.Thứ ba, cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Mặc dù hầu hết các cơ chế giải quyết đối với các loạitranh chấp quốc tế nói chung đều đã được nhắc đến trong các điều ước quốc tế song phương hoặc khu vực về quản lý nguồn nước, song cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia chưa bao quát và đầy đủ. Một phần nguyên nhân là do bản thân luật quốc tế về nguồn nước liên quốc gia cũng đang được phát triển, và do đó chưa có tính phổ quát.Công ước về Nguồn nước quốc tế 1997 là một sự nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế để đưa ra một bộ quy tắc điều chỉnh chung cho vấn đề nguồn nước liên quốc gia, trong đó có các quy định về các biện pháp giải quyết tranh chấp đầy đủ và hệ thống hơn. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, Công ước mới chính thức có hiệu lực, tức là phải mất đến 17 năm kể từ khi được thông qua với số phiếu áp đảo23. Cho đến nay, Công ước cũng mới chỉ có 36 quốc gia đã phê chuẩn. Điều đáng nói là trong danh sách các quốc gia đã phê chuẩn Công ước, có thể dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng của các nước ở các khu vực mà nguồn nước ngọt khan hiếm hơn, tranh chấp giữa các bên gay gắt hơn, nhất là ở khu vực châu Á. Điều này phản ánh một thực tế là các quốc gia mặc dù nhận thấy sự cần thiết phải có một công ước quốc tế có tính phổ cập về nguồn nước quốc tế, nhưng lại lo ngại khả năng việc tham gia Công ước sẽ bị ràng buộc bởi các điều khoản có thể gây bất lợi cho quốc gia mình.Nguyên nhân của thực trạng này là do: (i) thiếu lòng tin nên các nước trong khu vực vẫn giữ thế cảnh giác với nhau; (ii) vấn đề nguồn nước liên quốc gia trong khu vực được nhìn nhận theo hướng lợi ích cho nước này sẽ đồng nghĩa với thiệt hại cho nước khác và ngược lại; (iii) nguồn nước liên quốc gia bị “chính trị hóa”, nói cách khác là bị sử dụng như một công cụ chính trị để triển khai chính sách đối ngoại và có thể cả đối nội. Chính vì vậy, các quốc gia ít có khả năng tìm được tiếng nói chung trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia, nhất là trong giải quyết tranh chấp nảy sinh. Thay vào đó, các quốc gia chia sẻ nguồn nước sông chung chỉ tập trung tối đa hóa lợi ích cho riêng mình, bất chấp lợi ích của các nước khác cùng chia sẻ nguồn nước. Tranh chấp xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế, vì thế cơ chế giải quyết tranh chấp là yếu tố quan trọng của mọi định chế pháp lý. Tranh chấp nguồn nước liên quốc gia đã, đang và sẽ ngày càng gay gắt, trong khi pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này vẫn đang trong quá trình phát triển. Nhằm giúp pháp luật quốc tế về nước đạt được hiệu quả khi đi vào thực tiễn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp nguồn nước quốc tế có tính phổ quát; các quốc gia cần phải nhất trí về các cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp và cần các công cụ pháp lý thực sự hiệu lực để giải quyết những trường hợp không thể giải quyết bằng đàm phán trực tiếp.1.3. Vai trò của việc giải quyết hòa bình tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủyNhư đã trình bày ở trên, trong bối cảnh chịu tác động của nhiều yếu tố, các nguồn nước liên quốc gia, nhất là nguồn nước các con sông, ngày càng bị cạn kiệt và xuống cấp, trong khi nhu cầu nước ngọt lại gia tăng mạnh dẫn đến tranh chấp giữa các quốc gia có xu hướng trở nên căng thẳng hơn, có khả năng gây ra tình trạng bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia, thậm chí là nguy cơ xung đột giữa các cộng đồng dân cư và giữa các quốc gia chia sẻ nguồn nước sông chung. Để đối phó với rủi ro này đòi hỏi một cách tiếp cận tổng hợp, “siêu quốc gia” để quản lý việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước, sự chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích, cũng như chi phí chung. Đặc biệt, trong trường hợp xuất hiện bất đồng, tranh chấp giữa các bên về quyền và nghĩa vụ trong khai thác, sử dụng nguồn nước chung thì việc giải quyết tranh chấp phải được tiến hành càng sớm càng tốt, với sự thiện chí của các bên và bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của pháp luật quốc tế và kết quả giải quyết tranh chấp phải có tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên liên quan.Việc giải quyết hòa bình các tranh chấp về nguồn nước quốc tế theo quy định của pháp luật quốc tế là nguyên tắc bắt buộc, đồng thời cũng là xu thế chung của thời đại, phù hợp với nhu cầu của số đông các quốc gia. Giá trị của việc giải quyết một cách hòa bình, hiệu quả các tranh chấp nguồn nước sông liên quốc gia trước hết sẽ bảo đảm cho việc khai thác, sử dụng nguồn nước công bằng, hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các quốc gia chia sẻ nguồn nước sông chung. Bên cạnh đó, tranh chấp được giải quyết sẽ góp phần củng cố lòng tin, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia và giảm thiểu nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế.Thực tiễn đã chứng minh, mặc dù với tính chất phức tạp của vấn đề, nhưng các tranh chấp về nước có thể được kiểm soát thông qua đàm phán, ký kết các thỏa thuận về khai thác, sử dụng và giải quyết tranh chấp nảy sinh. Theo FAO, có hơn 3.600 hiệp ước liên quan đến các nguồn nước quốc tế đã được ký kết kể từ năm 805 sau Công nguyên. LHQ ghi nhận, trong 50 năm qua thế giới chỉ chứng kiến 37 vụ tranh chấp về nước có liên quan đến bạo lực, trong khi có tới 150 thỏa thuận đã được ký kết. Các quốc gia đánh giá cao các thỏa thuận này vì chúng khiến cho các mối quan hệ quốc tế trở nên ổn định và dễ dự báo hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các thỏa thuận về nước bộc lộ nhiều điểm bất cập, nhất là việc ràng buộc nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia thành viên. Nhiều chuyên gia cho rằng, các thỏa thuận quốc tế về nước cần phải chắc chắn hơn, xác định rõ các biện pháp để tăng cường hiệu lực của điều ước và xác định rõ các cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến nguồn nước24.Cũng cần nhấn mạnh một lần nữa rằng, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng đến các nguồn nước ngọt, cùng với tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nước ngọt sẽ ngày càng trở nên khan hiếm. Thực trạng này sẽ khiến cho tranh chấp đối với các nguồn nước liên quốc gia sẽ càng gay gắt hơn, nguy cơ xung đột từ tranh chấp nguồn nước sẽ lớn hơn. Do đó, một khi xuất hiện tranh chấp nguồn nước liên quốc gia, việc tìm kiếm các biện pháp để giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để càng trở nên quan trọng. Kết quả của việc giải quyết tranh chấp phải đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan; đồng thời có một cơ chế giám sát và đảm bảo cho kết quả giải quyết tranh chấp được các bên liên quan thực thi một cách nghiêm túc.1.4. Các nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy1.4.1. Một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tếCác nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế chính là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ đạo, bao trùm và có giá trị bắt buộc chung (jus cogens) đối với mọi chủ thể của pháp luật quốc tế, được áp dụng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh và trong mọi lĩnh vực của quan hệ quốc tế. Hiến chương LHQ, Tuyên bố của Đại Hội đồng LHQ về các nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương LHQ ngày 24 tháng 10 năm 1970 (Nghị quyết 2625 năm 1970) và nhiều văn kiện pháp lý quốc tế khác đã ghi nhận 07 nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế đó là: Nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp; nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; nguyên tắc cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ; nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác; nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda); nguyên tắc các dân tộc có quyền tự quyết.Với tư cách là chủ thể cơ bản và quan trọng nhất của pháp luật quốc tế, các quốc gia trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và giải quyết các tranh chấp phát sinh trước hết phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, trong đó, cần đặc biệt nhấn mạnh 04 nguyên tắc là: (i) Bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; (ii) hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế; (iii) các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác; và (iv) tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda).1.4.1.1.   Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc giaĐây là nguyên tắc được Hiến chương LHQ đề cập đầu tiên trong số bảy nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế (Điều 2.1), nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc các quốc gia phải tôn trọng chủ quyền của nhau trong quan hệ quốc tế. Nghị quyết 2625, ngày 24/10/1970 của Đại Hội đồng LHQ, được ICJ và các học giả quốc tế có uy tín xem là văn bản có giá trị giải thích Hiến chương LHQ25, đã giải thích nội dung của nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Theo đó, bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia bao gồm các nội dung: Các quốc gia bình đẳng về mặt pháp lý; có quyền tự quyết trong mọi vấn đề đối nội và đối ngoại, không bị sự áp đặt từ chủ thể khác của luật pháp quốc tế; độc lập, tự chủ, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia được tôn trọng; mỗi quốc gia đều có quyền tự do tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích của mình; khi các quốc gia ký kết điều ước với nhau phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.Thẩm phán James Crawford của Tòa ICJ từng giải thích nội hàm chủ quyền theo cách dễ hiểu như sau: “Luật pháp quốc tế xem mỗi quốc gia như một thực thể có chủ quyền, theo nghĩa rằng quốc gia mặc nhiên có toàn bộ thẩm quyền để hoạt động không chỉ bên trong quốc gia mà còn ở phạm vi quốc tế, để ký kết (hoặc không ký kết) các điều ước quốc tế và các cam kết khác, để quan hệ (hoặc không quan hệ) với quốc gia khác bằng nhiều cách thức, để đồng ý (hoặc không đồng ý) giải quyết các tranh chấp quốc tế” Trong pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia là nền tảng quan trọng nhất của nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế. Nguyên tắc này được hiểu là các quốc gia chia sẻ nguồn nước quốc tế có quyền bình đẳng về mặt pháp lý; bình đẳng trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế đó. Trong khi thực hiện quyền sử dụng nguồn nước quốc tế nằm trên lãnh thổ của mình, các quốc gia cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia khác đối với nguồn nước quốc tế mà họ cùng chia sẻ.Việc xem xét các bên liên quan có tuân thủ nguyên tắc bình đẳng chủ quyền hay không trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan. Một quốc gia sử dụng ưu thế của mình để khai thác, sử dụng không công bằng, hợp lý, gây hại đáng kể cho các quốc gia khác sử dụng chung nguồn nước, làm phát sinh tranh chấp, được hiểu là một sự vi phạm đối với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền.Nguyên tắc này cũng phải được áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia trong khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. Theo đó, một quốc gia không thể sử dụng ưu thế của mình để áp đặt quan điểm lên quốc gia khác nhằm giành được lợi ích lớn hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. Cũng trên cơ sở nguyên tắc này, không quốc gia nào được phép ép buộc hoặc bị ép buộc hành động hoặc không hành động bởi một quốc gia khác. Với cách hiểu như vậy, việc giải quyết tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia phải mang tính chất tự nguyện và tranh chấp chỉ có thể được giải quyết bằng việc các quốc gia là một bên tranh chấp đồng ý với việc giải quyết tranh chấp giữa họ. Tức là, để có thể tiến hành việc giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, các quốc gia liên quan tranh chấp, bằng một hình thức thể hiện cụ thể theo quy định của pháp luật quốc tế, đồng thuận với nhau về biện pháp, luật áp dụng và thiết chế sử dụng để giải quyết tranh chấp. Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền trong giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy thể hiện rất rõ khi các quốc gia sử dụng bên thứ ba để giải quyết tranh chấp bởi cơ sở để bên thứ ba, có thể là toà án, trọng tài, ban hoà giải có thẩm quyền giải quyết vụ việc là sự đồng ý của các bên về việc đệ trình tranh chấp ra bên thứ ba để giải quyết. Không quốc gia nào bị bắt buộc phải tham gia vào một tiến trình giải quyết tranh chấp mà quốc gia đó không đồng ý.1.4.1.2.   Nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tếHoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, được quy định tại Điều 2(3) và Điều 33 của Hiến chương LHQ và đều được nhắc lại tại các văn bản thành lập các tổ chức khu vực quan trọng như Hiến chương ASEAN, Hiến chương của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Hiến chương thành lập Liên minh Châu Phi và các văn bản thành lập của Liên minh Châu Âu. Với tính phổ quát của Hiến chương LHQ, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế đã trở thành một quy định pháp luật quốc tế ràng buộc tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới. Không chỉ vậy, nguyên tắc này còn được công nhận là một tập quán quốc tế bởi ICJ trong Vụ giữa Nicaragua và Mỹ. Như vậy, hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế là nguyên tắc ràng buộc mọi quốc gia, dù là quốc gia thành viên hay không phải là quốc gia thành viên của LHQ.Về nội dung, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp được giải thích cụ thể trong Nghị quyết số 2625, ngày 24/10/1970, của Đại Hội đồng LHQ. Tiếp theo đó, Đại Hội đồng đã thông qua một số nghị quyết khác về nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, bao gồm Tuyên bố Manila về Hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 1982 (Tuyên bố Manila) và Nghị quyết về Ngăn ngừa và hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế năm 2003.Nghị quyết số 2625 năm 1970 quy định các nghĩa vụ cụ thể của các quốc gia trong nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, như sau:1.    Nghĩa vụ giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình theo cách thức không gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và công lý quốc tế;2.    Nghĩa vụ tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp một cách nhanh chóng và công bằng thông qua đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, biện pháp tư pháp, sử dụng các tổ chức hay dàn xếp quốc tế hoặc các biện pháp hòa bình khác theo sự lựa chọn của các bên, phù hợp với hoàn cảnh và bản chất của tranh chấp;3.    Nghĩa vụ tiếp tục tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình mà các bên chấp nhận trong trường hợp chưa thể giải quyết tranh chấp bằng bất kỳ biện pháp hòa bình nêu trên;4.    Nghĩa vụ hạn chế có hành động có thể làm xấu đi tình huống gây nguy hiểm cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và phải hành động theo cách thức phù hợp với mục đích và nguyên tắc của LHQ.Trong số các nghĩa vụ nêu trên, nghĩa vụ thứ nhất và thứ tư còn có những cách hiểu khác nhau. Cụ thể, với nghĩa vụ giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình, nguyên tắc này liệu có đặt ra cho quốc gia nghĩa vụ bắt buộc phải giải quyết tranh chấp hay không? Có ba nhóm quan điểm như sau: Nhóm thứ nhất cho rằng, các quốc gia không có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp quốc tế, nhưng nếu họ quyết định sẽ giải quyết tranh chấp thì bắt buộc phải tuân thủ nghĩa vụ sử dụng biện pháp hòa bình. Các học giả nổi tiếng trong lĩnh vực công pháp quốc ủng hộ quan điểm này30. Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, nghĩa vụ này nhấn mạnh vào sự nỗ lực tìm khiếm giải pháp. Nhóm thứ ba với quan điểm chặt chẽ hơn khi cho rằng, đây là nghĩa vụ phải giải quyết tranh chấp và giải quyết bằng biện pháp hoà bình. Đáng lưu ý là Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 dường như có cùng cách tiếp cận với nhóm quan điểm thứ 2 khi quy định tại Điều 33 rằng “các bên …phải tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình”. Cho dù nghĩa vụ này được hiểu theo nghĩa nào, thì một điều chắc chắn rằng biện pháp để giải quyết tranh chấp đều phải là biện pháp hoà bình.Điều 33 (1) Hiến chương LHQ và cũng là nghĩa vụ thứ 2 được nêu trong Nghị quyết số 2625 của Đại Hội đồng LHQ đã liệt kê các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế, bao gồm: đàm phán, trung gian, hòa giải, điều tra, sử dụng các dàn xếp khu vực, các biện pháp tòa án, trọng tài và các biện pháp hòa bình khác. Trong số các biện pháp này, đàm phán là hình thức giải quyết tranh chấp được các quốc gia sử dụng phổ biến nhất, số lần sử dụng biện pháp này nhiều hơn tất cả số lần sử dụng các biện pháp khác cộng lại.Nghĩa vụ thứ tư là không được làm phức tạp tranh chấp cũng đã được quy định tại một số điều ước quốc tế như Hiệp ước chung về Hòa bình giải quyết tranh chấp năm 1928, Hiệp ước sửa đổi về Giải quyết hòa bình các tranh chấp năm 1949, Công ước châu Âu về Hòa bình giải quyết tranh chấp năm 1957 với cách hiểu là các quốc gia không được làm phức tạp tranh chấp trong khi đang tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp đó. Trong án lệ quốc tế, nghĩa vụ này gắn liền với các biện pháp tạm thời của ICJ và ITLOS. Ngay từ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ICJ đã yêu cầu mỗi bên tranh chấp “nên bảo đảm không có bất kỳ hành vi nào có thể làm phức tạp hoặc mở rộng tranh chấp” 34. Trong các quyết định sau này, Tòa ghi nhận thêm yêu cầu “không làm cho tranh chấp trở nên khó giải quyết hơn” 35. Toà án quốc tế trong thụ lý các vụ việc gần đây có xu hướng coi đây là một “nghĩa vụ cứng” hơn là một “quy định mềm”. Thay vì sử dụng từ “should”, Toà đã sử dụng từ “shall” với tính chất ràng buộc pháp lý để nói về việc các quốc gia không nên mở rộng tranh chấp. Thậm chí, trong Vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 đã cho rằng, nghĩa vụ không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp là “nguyên tắc của luật pháp quốc tế” 37 áp dụng cho tất cả các bên tranh chấp khi tham gia vào một tiến trình giải quyết tranh chấp. Nghĩa vụ này không phụ thuộc vào một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà xuất hiện và tồn tại độc lập ngay khi các quốc gia tham gia vào một tiến trình giải quyết tranh chấp.Mặc dù giải quyết tranh chấp về nguồn nước liên quốc gia chưa hình thành các nguyên tắc riêng để điều chỉnh, nhưng rõ ràng tranh chấp về nguồn nước liên quốc gia cũng là một loại tranh chấp quốc tế và vì thế, việc giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cũng chịu sự điều chỉnh của các nguyên tắc chung trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Đó là giải quyết tranh chấp bằng đồng thuận, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình và không làm phức tạp thêm tranh chấp.1.4.1.3. Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda)Nguyên tắc pacta sunt servanda được xem là “nguyên tắc lâu đời nhất của luật pháp quốc tế” 39. Hiện nay, nguyên tắc này được ghi nhận trong hầu hết các văn bản pháp lý quan trọng của luật quốc tế. Tại Lời mở đầu của Hiến chương LHQ khẳng định “Tạo điều kiện để đảm bảo công lý và sự tôn trọng các nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế đặt ra”; Điều 2 (2) Hiến chương LHQ cũng quy định: “Tất cả các quốc gia thành viên LHQ đều phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này để được đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi do tư cách thành viên mà có”. Nói cách khác, các quốc gia thành viên LHQ phải thực hiện một cách thiện chí các nghĩa vụ mà mình đã cam kết, phù hợp với Hiến chương LHQ.Các điều ước quốc tế, nguồn cơ bản và chủ yếu của luật quốc tế, được xây dựng bởi các quốc gia và cũng chính các quốc gia xây dựng nên điều ước quốc tế đó tự thực hiện các nghĩa vụ mà mình đã cam kết, không có một cơ quan siêu quyền lực nào đứng trên quốc gia để cưỡng chế thi hành điều ước. Do đó, điều ước quốc tế chỉ phát huy được hiệu lực của nó khi và chỉ khi các quốc gia thành viên tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết của mình. Điều 26 của Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 nhắc lại nguyên tắc pacta sunt servanda như sau: “Mỗi điều ước quốc tế đang có hiệu lực đều ràng buộc các bên thành viên của điều ước đó và phải được các bên thực thi một các thiện chí”. Như vậy, các quốc gia khi đã nhất trí ký kết, tham gia một thỏa thuận quốc tế phù hợp với Hiến chương LHQ, được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật quốc tế thì sẽ phải tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết của mình. Nói cách khác, nội dung cơ bản của nguyên tắc pacta sunt servanda là: Các quốc gia có nghĩa vụ phải thực hiện một cách tận tâm, thiện chí, đầy đủ những nghĩa vụ của mình, trước hết là những nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế được ký kết một cách hợp pháp và có nội dung không trái với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.Việc tuân thủ nguyên tắc pacta sunt servanda có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xác định việc tuân thủ cam kết của các quốc gia thành viên trong một điều ước về nguồn nước quốc tế, cũng như trong việc thực hiện một thỏa thuận hay một khuyến nghị của bên thứ ba, hoặc một phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết một vụ việc tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia. Thực tiễn giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng điều ước quốc tế về nguồn nước liên quốc gia, các cơ quan tài phán quốc tế đều nhấn mạnh đến việc các quốc gia phải tôn trọng, thực hiện cam kết của mình một cách tận tâm, thiện chí. Điển hình như trong vụ Gabcikovo-Nagymaros, ICJ kết luận rằng, Hiệp định hợp tác năm 1997 vẫn có hiệu lực ràng buộc đối với Hungary và Slovakia và các bên phải thực hiện với thái độ thiện chí.Trong pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế, nguyên tắc pacta sunt servanda cần được hiểu như sau:Một là, các quốc gia khi đã tham gia ký kết điều ước về nguồn nước quốc tế phải có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết của mình; bất kỳ hành vi thiếu thiện chí nào trong việc giải thích hoặc áp dụng điều ước dẫn đến gây tổn hại đáng kể cho quốc gia thành viên khác là vi phạm cam kết và quốc gia đó phải thiện chí thực hiện nghĩa vụ khắc phục, bồi thường hậu quả do hành vi của mình gây ra.Hai là, khi phát sinh tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến việc áp dụng hoặc giải thích điều ước quốc tế, các quốc gia thành viên điều ước đều phải có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí hợp tác giải quyết bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của pháp luật quốc tế. Mọi hành vi tìm cách trốn tránh trách nhiệm giải quyết tranh chấp là vi phạm nguyên tắc pacta sunt servanda.Ba là, khi đã đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp hoặc khi có khuyến nghị của bên thứ ba, hoặc phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền theo quy định, các bên liên quan phải có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện thỏa thuận/khuyến nghị/phán quyết đó.Vấn đề đặt ra là hiểu như thế nào về phạm vi áp dụng nguyên tắc pacta sunt servanda? Nguyên tắc này chỉ áp dụng trong các điều ước quốc tế hay cho tất cả các cam kết quốc tế? Nhiều quan điểm cho rằng, nguyên tắc pacta sunt servanda là một nguyên tắc của luật điều ước quốc tế, chỉ áp dụng đối với điều ước quốc tế. Quan điểm này có thể xuất phát từ cách hiểu rằng từ “pacta” có nghĩa là thỏa thuận, điều ước, và vì nguyên tắc này được ghi nhận chính yếu trong Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969.Tuy nhiên, nguyên tắc pacta sunt servanda cần được hiểu theo nghĩa rộng. Theo đó, nguyên tắc này phải được áp dụng cho tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế phát sinh từ tất cả cam kết quốc tế, bất kể nguồn chứa đựng. Trong Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế (Nghị quyết 2625 năm 1970 của ĐHĐ LHQ), nguyên tắc pacta sunt servanda được giải thích rõ ràng như sau: Mỗi Quốc gia có nghĩa vụ phải thực thi thiện chí các nghĩa vụ của mình “theo các nguyên tắc được công nhận rộng rãi và các quy định của luật pháp quốc tế”. Với cách hiểu này, khi đánh giá việc thực hiện nguyên tắc pacta sunt servanda của một quốc gia thì xem xét việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý trong phạm vi điều ước quốc tế về nguồn nước mà quốc gia đó là thành viên là trước hết, nhưng không phải duy nhất, mà còn cần phải xem xét đến nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ các cam kết quốc tế khác, các hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia... Đây là vấn đề đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế vẫn đang trong giai đoạn phát triển; nhiều quốc gia chưa tham gia Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 với ý nghĩa là Hiến chương toàn cầu về nguồn nước quốc tế, thậm chí chưa tham gia điều ước khu vực về nguồn nước chung mà họ chia sẻ với các quốc gia khác.1.4.1.4.   Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tácMặc dù Hiến chương LHQ không đề cập nguyên tắc này ngay tại Điều 2 với ý nghĩa là các nguyên tắc cơ bản, nhưng nội dung nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác được nhắc đến trong nhiều điều khoản của Hiến chương, điển hình như tại Điều 1, Điều 55, Điều 56. Theo đó, các quốc gia thành viên LHQ có nghĩa vụ thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo; nghĩa vụ hợp tác với nhau để thực hiện mục đích của Hiến chương và nghĩa vụ hợp tác với các tổ chức của LHQ để đạt được những mục đích trên. Nghĩa vụ hợp tác còn thể hiện ở việc các quốc gia phải hành động phù hợp với các nguyên tắc của LHQ. Điều này có nghĩa là các quốc gia phải có nghĩa vụ thể hiện nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua sự hợp tác, phối hợp với nhau. Ngay cả các quốc gia không phải là Thành viên của LHQ cũng phải tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương LHQ vì điều này cần thiết cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.Nghị quyết 2625 năm 1970 của ĐHĐ LHQ đã giải thích cụ thể nội dung của nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác, trong đó bao gồm: (i) Quốc gia phải hợp tác với quốc gia khác trong việc quy trì hòa bình và an ninh quốc tế; (ii) các quốc gia thành viên LHQ phải thực hiện các hành động chung hoặc riêng trong việc hợp tác với LHQ theo quy định của Hiến chương; (iii) các quốc gia phải hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ nhằm khuyến khích sự tiến bộ về văn hóa, giáo dục, phát triển kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.Trong lĩnh vực luật quốc tế về nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác được hiểu là các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác cả trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc theo các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Khi phát sinh tranh chấp về quyền và lợi ích giữa các quốc gia liên quan đối với nguồn nước liên quốc gia hoặc về tranh chấp liên quan đến giải thích và/hoặc áp dụng điều ước quốc tế mà các Bên là thành viên, các quốc gia phải nghĩa vụ hợp tác với nhau tìm kiếm các biện pháp hòa bình theo quy định của pháp luật quốc tế để giải quyết, không để các tranh chấp leo thang căng thẳng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Khi đạt được thỏa thuận về giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, các Bên liên quan phải có nghĩa vụ hợp tác thực hiện đầy đủ nội dung thỏa thuận đã đạt được.1.4.2. Một số nguyên tắc của pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế liên quan trực tiếp đến việc giải quyết tranh chấpĐể hạn chế nguy cơ dẫn đến tranh chấp, các nguyên tắc của pháp luật quốc tế về khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy đã dần hình thành, phát triển và được pháp điển hoá trong các điều ước quốc tế về nguồn nước, nhất là Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997. Hai nguyên tắc quan trọng nhất trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia là: (i) nguồn nước phải được sử dụng công bằng và hợp lý; (ii) việc sử dụng hay phát triển một nguồn nước quốc tế bởi một quốc gia không được gây ra nguy hại đáng kể cho quốc gia ven sông khác. Đây cũng chính là các cơ sở thường được các quốc gia viện dẫn để cáo buộc sự vi phạm pháp luật quốc tế đối với một quốc gia khác cùng chia sẻ nguồn nước liên quốc gia dẫn đến tranh chấp tranh chấp nguồn nước. Việc làm rõ nội hàm của các nguyên tắc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xem xét giải quyết vấn đề tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia.Nguyên tắc nguồn nước phải được sử dụng công bằng và hợp lý xuất phát từ học thuyết cộng đồng lợi ích được cho là bắt nguồn từ luật La Mã và được thể hiện trong tác phẩm De jure Belli ac Pacis (1625: On the Law of War and Peace) của Hugo Grotius. Ông nói rằng “một dòng sông, nếu nhìn từng khúc là tài sản của người dân trên toàn bộ lãnh thổ mà dòng sông ấy chảy qua… nếu nhìn liền mạch là tài sản chung mà bất kỳ ai cũng có thể uống hay lấy nước từ đó”. Quan điểm này của Grotius nhấn mạnh tính sở hữu chung của dòng sông liên quốc gia. Theo đó, các quốc gia chia sẻ nguồn nước đều có quyền sử dụng công bằng nguồn nước đó mà không một quốc gia nào có thể độc quyền kiểm soát, sử dụng. Trong quá trình sử dụng nguồn nước, các quốc gia có nghĩa vụ sử dụng hợp lý, tôn trọng quyền và lợi ích của các quốc gia ven sông khác.Khái niệm cộng đồng lợi ích cũng được đề cập đến trong một số án lệ quốc tế41, và được pháp điển hoá thành các điều khoản quy định trong các điều ước liên quan tới nguồn nước quốc tế, đặc biệt là trong Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997, trở thành một nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về nguồn nước quốc tế. Các điều ước về các sông quốc tế mặc dù không có sự đồng nhất về nội dung của quyền sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước, nhưng có một đặc điểm chung là đều công nhận quyền bình đẳng của các quốc gia thành viên trong việc sử dụng nguồn nước mà họ chia sẻ. Nguyên tắc về sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế cũng được ghi nhận trong các phán quyết của toàn trọng tài, tòa án quốc tế trong các vụ tranh chấp nguồn nước quốc tế; trong tài liệu của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, như Hội Luật quốc tế. Cộng đồng lợi ích nhưng không đồng nghĩa với việc quyền của các quốc gia là tương đương nhau đối với một nguồn nước quốc tế. Tương tự vậy, sử dụng công bằng nguồn nước không có nghĩa là phân chia nguồn nước thành các phần bằng nhau43. Việc sử dụng nguồn nước công bằng và hợp lý được quyết định khi xem xét nhiều yếu tố, bao gồm các điều kiện địa lý, thủy đồ, thủy văn, khí hậu, sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác; các nhu cầu kinh tế - xã hội của các quốc gia ven sông; số dân phụ thuộc vào dòng sông đó ở từng quốc gia ven sông; các nhu cầu sử dụng dòng sông hiện tại và tiềm tàng; việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và sự sẵn có của tài nguyên thay thế.Nguyên tắc việc sử dụng hay phát triển một nguồn nước quốc tế bởi một quốc gia không được gây ra nguy hại đáng kể tới quốc gia ven sông khác xuất phát từ học thuyết chủ quyền hạn chế. Học thuyết này có nội hàm là chủ quyền quốc gia trên lãnh thổ của mình bị “hạn chế” bởi nghĩa vụ không được dùng lãnh thổ của mình theo cách gây phương hại đáng kể đến quốc gia khác. Khi áp dụng cho nguồn nước liên quốc gia, học thuyết này có ý nghĩa là mỗi quốc gia đều phải tôn trọng quyền của quốc gia khác đối với “tài sản chung” – chính là nguồn nước liên quốc gia và không được “tự tung tự tác” đối với phần của nguồn nước trong lãnh thổ của mình. Phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế cũng thừa nhận quan điểm rằng luật quốc tế đặt ra hạn chế về quyền tự do hành động của quốc gia đối với phần của nguồn nước nằm trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, “nguy hại đáng kể” là một khái niệm định tính, không có tiêu chí để các định nên quốc gia bị ảnh hưởng không dễ để chứng minh. Hơn thế, việc Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 quy định về nghĩa vụ giảm nhẹ thiệt hại hoặc thảo luận về việc đền bù đối với hành động gây hại đáng kể đã làm suy yếu đi nguyên tắc thứ hai này do quốc gia có thể sử dụng nguồn nước một cách gây hại cho quốc gia ven sông khác theo cách mình muốn bằng cách đền bù cho nước bị ảnh hưởng.1.5. Các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy1.5.1.  Các biện pháp giải quyết tranh chấp phi tài phánTrong số các biện pháp được quy định tại Điều 33 của Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997, đàm phán, trung gian, hoà giải là các biện pháp được sử dụng khá phổ biến trong giải quyết tranh chấp nguồn nước. Đây cũng là các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế thông thường được nhắc tới tại Điều 33 (1) Hiến chương LHQ. Đàm phán trực tiếp luôn là biện pháp được ưu tiên sử dụng đối với mọi loại tranh chấp quốc tế và tranh chấp về nguồn nước quốc tế không phải là ngoại lệ. Tại Điều 33 (2) Công ước về nguồn nước quốc tế năm 1997 nhấn mạnh, đàm phán trực tiếp (hay thương lượng trực tiếp) là biện pháp đầu tiên và nếu không thể đạt được thỏa thuận bằng đàm phán trực tiếp thì tính đến các biện pháp khác. Biện pháp này được áp dụng phổ biến, dưới các hình thức như thương lượng (ở đó hai hay nhiều quốc gia cùng tham gia đối thoại với nhau) và tham vấn (ở đó một quốc gia sẽ theo đuổi một loạt các hành động và có sự thông báo với các bên liên quan.Biện pháp đàm phán trực tiếp: Đây là biện pháp được đề cập đến đầu tiên trong các công ước quốc tế và thực tiễn cho thấy biện pháp này được áp dụng phố biến trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 cũng yêu cầu các quốc gia liên quan tranh chấp nguồn nước phải tiến hành đàm phán trực tiếp với nhau và chỉ khi “các bên liên quan không thể thỏa thuận được với nhau bằng đàm phán” thì mới cùng nhau thỏa thuận sử dụng đến các biện pháp khác như hòa giải, trung gian, hoặc khi cần thiết sử dụng các tổ chức nguồn nước do họ cùng thành lập, hoặc thỏa thuận đệ trình tranh chấp đó lên trọng tài hoặc tòa án quốc tế. Đàm phán trực tiếp cũng được đánh giá là biện pháp hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Thậm chí, trong trường không đạt được thỏa thuận cuối cùng để giải quyết tranh chấp thì biện pháp này cũng góp phần quan trọng vào kiểm soát tranh chấp và làm rõ được lập trường của các bên liên quan tranh chấp, từ đó có thể tìm kiếm các biện pháp hòa bình khác để giải quyết tranh chấp. Chính vì thế, đàm phán trực tiếp được tiến hành trong suốt tiến trình giải quyết tranh chấp, ngay cả khi tranh chấp đã được đưa ra giải quyết tại một cơ quan tài phán quốc tế thì biện pháp này vẫn có thể được tiến hành và vẫn là biện pháp được ưu tiên.Biện pháp trung gian: Thực chất, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp trung gian là việc các bên tranh chấp đạt thỏa thuận với nhau về việc chấp nhận bên thứ ba tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp. Bên trung gian có thể là một hoặc một nhóm quốc gia, một hoặc một số tổ chức quốc tế, một hoặc một nhóm cá nhân có uy tín quốc tế. Nhiệm vụ của bên trung gian là động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp tiến hành giải quyết vụ tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, chủ yếu là đàm phán/thương lượng. Vai trò của bên trung gian thường sẽ kết thúc khi các bên tranh chấp ký kết được điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp. Bên trung gian cũng có thể tham gia ký kết điều ước này nếu có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Thực tiễn giải quyết tranh chấp nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy cũng đã chứng minh vai trò của biện pháp này, mà trường hợp giải quyết tranh chấp nguồn nước sông Indus giữa Ấn Độ và Parkistan với vai trò trung gian của WB là ví dụ điển hình.Việc lựa chọn bên trung gian tham gia vào tiến trình giải quyết tranh chấp là hết sức quan trọng. Về nguyên tắc, bên trung gian phải thực sự khách quan, tôn trọng ý chí và quyền tự quyết của các bên tranh chấp, chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa các bên tranh chấp được thuận lợi, đúng lộ trình để đi đến ký kết thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trong thực tế, các bên được lựa chọn làm trung gian thường là các cường quốc, các tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn về kinh tế đối với các quốc gia trong tranh chấp. Trong các trường hợp như vậy, bên trung gian, nhất là khi họ là những cường quốc hàng đầu thế giới, không chỉ tạo điều kiện cho các bên tiến hành đàm phán mà có thể tác động để các bên tranh chấp có thể chấp nhận một giải pháp nào đó, thường là ký kết một thỏa thuận hợp tác. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết tranh chấp sẽ trở nên rất phức tạp khi cùng tham gia vai trò trung gian là những cường quốc có lợi ích đối lập nhau, hoặc vai trò trung gian biến thành sự can thiệp theo ý đồ của bên trung gian, khiến tiến trình đàm phán có thể dẫn đến những kết quả không như mong đợi ban đầu.Biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua thể chế khu vực: Công ước về Nguồn nước quốc tế năm 1997 cũng nhắc tới biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua các thể chế chung được thành lập theo điều ước quốc tế về nguồn nước mà các bên ký kết. Đây chính là các ủy hội/ủy ban quản lý các nguồn nước của các con sông liên quốc gia, được thành lập tại nhiều khu vực khác nhau, ví dụ như Uỷ hội sông Mê Công, Uỷ ban nguồn nước Trung Đông hay Uỷ ban thường trực Indus. Biện pháp này cũng có thể coi là biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua các thể chế khu vực như đã được nhắc tới tại Điều 33 của Hiến chương LHQ. Trong số các uỷ hội quản lý nguồn nước quốc tế hiện nay, thành công nhất trong việc giải quyết tranh chấp là Uỷ ban thường trực Indus, được thành lập theo Hiệp ước về nguồn nước Indus giữa Pakistan và Ấn Độ. Uỷ ban này đóng vai trò là nơi đầu tiên mà một xung đột giữa hai nước về nguồn nước Indus được đệ trình giải quyết và được trao cho quyền xem xét bất cứ câu hỏi nào phát sinh giữa hai nước liên quan tới việc giải thích và áp dụng Hiệp ước Indus hoặc câu hỏi về sự tồn tại của bất cứ một dữ kiện thực tế nào, mà nếu được xác lập có thể tạo thành sự vi phạm Hiệp ước.Theo: Nguyễn Minh SángLink luận án: https://docs.google.com/document/d/1j8dvkL1g_tSoRJNG3lMcBiGM5-0sEmMN/edit