MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM VÀ BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM THEO LUẬT HÔN NH N VÀ GIA ĐÌNH
2.1. Một số vấn đề lý luận về bảo vệ quyền trẻ em
2.1.1. Khái niệm trẻ em
Trẻ em là thuật ngữ được sử dụng thường xuyên trong đời sống xã hội cũng như trong các ngành khoa học. Tùy từng góc độ tiếp cận khác nhau mà có thể đưa ra những cách hiểu khác nhau về trẻ em.
Dưới góc độ triết học Mác - Lênin về bản chất con người, trẻ em được xem xét là con người trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển của tự nhiên và xã hội. Sự hình thành và phát triển của con người tuân theo các quy luật tự nhiên đồng, thời tác động vào tự nhiên nhằm cải biến tự nhiên theo mục đích của con người. Quá trình này tạo nên “tính xã hội của con người”15. Với tính chất là một thực thể sinh học, trẻ em có sự phát triển thống nhất, hài hòa giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội. Về mặt sinh học, đó là quá trình từ khi hình thành phôi thai, đến khi trẻ được sinh ra và trưởng thành, là quá trình phát triển theo quy luật sinh học tự nhiên của đời sống con người mà không thể thay đổi được. Trong quá trình phát triển tự nhiên theo quy luật sinh học đó, trẻ em luôn chịu tác động, ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, chính là môi trường sống của trẻ em. Về mặt xã hội, đó là quá trình phát triển tâm lý, tình cảm, nhận thức, ý thức, thái độ, đạo đức, nhân cách... của trẻ em thông qua các mối quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống hằng ngày, qua quá trình giáo dục, học tập, lao động của trẻ em với những người xung quanh, mà trước hết là với cha mẹ, người thân trong gia đình.
Dưới góc độ xã hội, trẻ em là một thành phần của cơ cấu xã hội, theo các tiêu chí như: nhân khẩu, giới tính, người già, người trẻ. Dưới góc độ này, trẻ em là một đối tượng của các hoạt động thống kê xã hội học, là lực lượng lao động quyết định sự phát triển xã hội sau này, là người đang trong quá trình tiếp nhận, học hỏi những chuẩn mực xã hội.
Dưới góc độ sinh học, dựa trên những quy luật, đặc điểm các giai đoạn phát triển của con người về thể chất trẻ em. Theo đó, trẻ em là con người, là thực thể đang phát triển, tự vận động theo quy luật tự nhiên của giai đoạn phát triển đầu trong vòng đời, bắt đầu từ trong bào thai và sinh ra đến trước tuổi trưởng thành. Có nghĩa “trẻ em” là con người từ khi mới sinh ra cho đến khi trưởng thành. Trên cơ sở nghiên cứu nhân chủng học sinh học hay nhân học thể chất đối với lịch sử phát triển của loài người thì hầu hết trẻ em đều tuân theo cùng một sơ đồ tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào nhân tố di truyền, bẩm sinh, vào hoàn cảnh sống và giáo dục của gia đình và cộng đồng mà mỗi trẻ em lại tăng trưởng và phát triển một cách riêng. Như vậy, dưới góc độ sinh học, trẻ em là con người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và các chức năng trong cơ thể đang tiếp tục được hình thành, thay đổi và phát triển ở từng giai đoạn theo quy luật sinh học tự nhiên.
Dưới góc độ tâm lý học, trẻ em chỉ giai đoạn đầu của sự phát triển tâm lý - nhân cách con người. Các nhà tâm lý học quan tâm nghiên cứu sự phát triển tâm lý của con người nói chung và trẻ em nói riêng trong độ tuổi từ lúc lọt lòng đến hết tuổi dậy thì. Tâm lý học trẻ em dựa trên triết học duy vật biện chứng. Phân tích cơ chế về sự phát triển của trẻ em có thể nhận ra những đặc điểm, những mối quan hệ giữa nền văn hoá với sự phát triển của trẻ em, giữa hoạt động của chính trẻ em với sự phát triển của nó, giữa giáo dục của người lớn với sự phát triển của trẻ em... Những mối quan hệ này mang tính phổ biến và tính tất yếu, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý trẻ em. Điều này chứng minh rằng tâm lý, ý thức con người do xã hội quyết định. Một trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, các khả năng riêng biệt của mỗi đứa trẻ đó chính là môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục của gia đình.
Qua nghiên cứu của khoa học tâm lý và khoa học sinh học nhận thấy, mỗi giai đoạn phát triển về thể chất của trẻ em sẽ có sự phát triển tương ứng về tâm lý của trẻ em thông qua những nét tính cách, tâm lý luôn phù hợp với lứa tuổi. Khoa học di truyền đã chứng minh các điều kiện sinh học như các yếu tố cấu tạo cơ thể người, hệ thần kinh, bộ não người mà trẻ em nhận được từ cha mẹ mình... là tiền đề vật chất, là phương tiện để nảy sinh và phát triển tâm lý. Các yếu tố trên có khả năng trở thành các cơ quan hoạt động tâm lý cực kỳ phức tạp mà chỉ con người mới có. Bộ não của con người cùng với các cơ quan của cơ thể là tiền đề vật chất để một cá thể trở thành một con người. Cùng với tiền đề vật chất đó, trẻ em được hòa mình vào các quan hệ với những người khác để hình thành nhận thức, tình cảm, ý chí... Từ khi chỉ đơn giản là tiếng khóc, nụ cười, dần đến tiếp xúc, vận động, biết chơi và bắt chước, cao hơn nữa là biết phân biệt, thể hiện cá tính, hình thành nếp sống, thói quen, những hành vi có ý thức. Với mỗi lứa tuổi của trẻ em, các nhà tâm lý đã khái quát các đặc điểm tâm lý theo sự phát triển tương ứng với từng độ tuổi. Các đặc điểm tâm lý này là sự phát triển khách quan theo quy luật vận động và phát triển... với sự định hướng giáo dục của người lớn tạo nên những đặc điểm tính cách của trẻ. Những đặc điểm này mang tính phổ quát của từng lứa tuổi. Từ 0 đến 1 tuổi trẻ đã cảm nhận được tình cảm của người mẹ, của các thành viên trong gia đình. Từ 01 đến 03 tuổi trẻ phát triển ngôn ngữ, chủ động tiếp xúc với người lớn, hiểu lời nói trước khi biết nói. Từ 03 đến 06 tuổi, trẻ em nhận ra vị trí của mình giữa mọi người. Từ 06 đến 11 tuổi, nhân cách của trẻ em được hình thành với những nếp sống, thói quen, những hành vi có ý thức, tự khép mình vào quy tắc xã hội hoặc theo những giá trị bản thân đã chấp nhận. Từ quan hệ ruột thịt dần dần chuyển sang quan hệ xã hội, trẻ có sự thay đổi môi trường sống, không phải môi trường quen thuộc như trước đây mà vươn ra quan hệ ngoài xã hội như là quan hệ thầy cô, bạn bè. Từ 11 đến 16 tuổi, trẻ em có sự thay đổi cấu trúc nhân cách, từ trẻ em sang người lớn trưởng thành, các em cần có chỗ dựa tình cảm của người thân để tâm sự và chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, một số trẻ không tuân theo các quy luật chung bởi các khiếm khuyết hoặc tác động của môi trường bên ngoài, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Dưới góc độ luật học, các văn kiện pháp lý quốc tế và hệ thống pháp luật của các quốc gia đều xác định trẻ em căn cứ vào độ tuổi. Độ tuổi đó là mốc cơ bản phân biệt giữa trẻ em và người trưởng thành trên cơ sở nghiên cứu của các ngành khoa học như: tâm lý học, y học, giáo dục học... Thông qua độ tuổi sẽ xác định được những đặc tính chung tương ứng về các giai đoạn phát triển thể chất, nhận thức và tâm sinh lý của con người trong quá trình phát triển.
Trong các văn kiện pháp lý quốc tế như: Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em năm 1959, Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người năm 1948, Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em năm 1989 (sau đây gọi là Công ước về Quyền trẻ em), Công ước 138 của Tổ chức Lao động quốc tế về tuổi tối thiểu làm việc năm 1976... thì tuổi trẻ em được xác định tương đối thống nhất. Theo đó, các văn kiện pháp lý quốc tế đều thống nhất quan điểm trẻ em, do chưa trưởng thành về tinh thần và thể lực cần có sự bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, bao gồm sự bảo vệ về mặt pháp lý thích hợp, trước cũng như sau khi sinh và xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Theo Điều 1 Công ước về Quyền trẻ em, văn bản pháp lý được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới, ghi nhận: “Trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Ở các văn bản khác của các tổ chức quốc tế như: Liên Hiệp Quốc (LHQ), Quỹ Dân số (UNFPA), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) đều xác định độ tuổi của trẻ em là người dưới 18 tuổi và xác định độ tuổi tối thiểu để trẻ em có thể tham gia các hoạt động lao động khác.
Trên cơ sở các văn kiện pháp lý quốc tế, so sánh pháp luật của một số quốc gia trên thế giới nhận thấy, đa số quốc gia quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Điều 2 Luật Bảo vệ người chưa thành niên của Trung Quốc quy định: Trẻ em còn được gọi là trẻ chưa thành niên, là công dân dưới 18 tuổi,... Pháp luật Nhật Bản, tại Điều 4 Luật Phúc lợi trẻ em năm 1947 và pháp luật hiện hành quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. “Theo Luật Liên bang Nga số 124 - FZ ngày 21/7/1998 (sửa đổi), thì trẻ em được hiểu là người ở độ tuổi dưới 18 tuổi”17. Theo pháp luật Liên bang của Hoa Kỳ thì “trẻ em là người dưới 18 tuổi”. Tại một số quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan... là những nước có nền kinh tế phát triển ổn định, chú ý nhiều hơn đến vấn đề an sinh xã hội cho con người thì có quy định lớn hơn về độ tuổi trẻ em. Cụ thể, luật pháp các quốc gia này quy định trẻ em là người dưới hai mươi tuổi 18.
Do điều kiện, chính sách pháp luật của mỗi quốc gia khác nhau và trên cơ sở quy định của Công ước về Quyền trẻ em, một số quốc gia trên thế giới xác định độ tuổi của trẻ em là thấp hơn so với quy định tại Điều 1 Công ước. Với tư cách là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới tham gia Công ước về Quyền trẻ em (vào năm 1990). Theo đó, Việt Nam nội luật hóa các qui định của Công ước trong văn bản pháp luật về trẻ em. Theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 thì “trẻ em là những người dưới 16 tuổi”. Cùng với khái niệm trẻ em, pháp luật Việt Nam còn có khái niệm “người chưa thành niên”. Theo đó, khái niệm “trẻ em” hẹp hơn khái niệm “người chưa thành niên”, bởi người chưa thành niên bao gồm cả trẻ em và những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Quy định này của pháp luật Việt Nam không trái với Công ước về Quyền trẻ em vì việc xác định độ tuổi của trẻ em được căn cứ vào các yếu tố nhân chủng học, các chỉ số phát triển tâm sinh lí, thể lực, trí lực của con người nói chung, cũng như các điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Như vậy, hầu hết các quốc gia đều nhìn nhận trẻ em dựa trên cơ sở độ tuổi và có sự khác nhau ở một số quốc gia. Việc qui định khác nhau như vậy dựa vào điều kiện lịch sử, văn hóa và kinh tế của mỗi đất nước. Do đó, có những quốc gia qui định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi, có quốc gia quy định tuổi trẻ em dưới 16 tuổi, có quốc gia lại quy định tuổi trẻ em dưới 20 tuổi.
Theo quan điểm của chúng tôi, xác định trẻ em theo độ tuổi là căn cứ phù hợp với thông lệ quốc tế, trên cơ sở khoa học sự phát triển về thể chất, tâm lý của trẻ em. Trẻ em dù ở độ tuổi nào theo cách xác định của các quốc gia được hưởng mọi quyền con người và quyền tự do đã được nêu ra trong các Công ước Quốc tế về quyền con người mà không bị bất cứ một sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc quan điểm khác, địa vị, nguồn gốc dân tộc và xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc mối tương quan khác. Bởi trẻ em là người chưa trưởng thành nên có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và tham gia mọi vấn đề liên quan đến bản thân mình để bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Tuy độ tuổi được coi là trẻ em ở mỗi quốc gia có khác nhau nhưng nhìn chung các quốc gia đều thống nhất quan điểm: trẻ em có đặc điểm thể chất và trí tuệ chưa trưởng thành nên cần có sự chăm sóc, giáo dục đặc biệt của gia đình, nhà trường, xã hội cả về mặt đạo đức và pháp lý.
Như vậy, có thể hiểu: Trẻ em là những người đang ở một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu phát triển của con người, có những đặc điểm về thể chất và tâm lý chưa hoàn thiện cần được pháp luật bảo vệ và điều chỉnh bằng quy chế pháp lý đặc biệt.
Kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học xác định trẻ em có những nét riêng biệt mang tính phổ quát chung về thể chất và tâm lý con người cụ thể như sau:
Về thể chất: Trẻ em là một thực thể chưa phát triển đầy đủ về thể chất, sẽ tiếp tục thay đổi, trưởng thành tuân theo quy luật chung về sinh học. tự vận động theo quy luật của bản thân nó. Sự vận động về thể chất mang tính tất yếu của trẻ em do quá trình phát triển bên trong của mỗi người. Mọi trẻ em đều tuân theo những giai đoạn tăng trưởng và phát triển nhất định về cơ thể (xương, răng, chiều cao, cân nặng, năng lực vận động, lẫy, bò, đi, chạy... ) và về tâm lí - xã hội (phát triển ngôn ngữ, tư duy, tình cảm, quan hệ bạn bè... ). Khoa học về nhân chủng học cũng chứng minh sự phát triển của các hoóc- môn tăng trưởng ở người (HGH- Human Growth Hormone) do tuyến yên tại não tiết ra có nhiệm vụ giúp bảo trì và tái tạo các tế bào sẽ đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sơ sinh và dậy thì của mỗi đứa trẻ. Các hóc-môn này tiết ra mạnh mẽ nhất khi trẻ em được hoạt động và ngủ đầy đủ. Như vậy, với sinh hoạt bình thường của mỗi đứa trẻ, các hóc-môn tăng trưởng sẽ tăng tiết theo sự phát triển một cách tự nhiên theo từng giai đoạn phát triển và điều kiện sống bình thường. Trẻ em là một cơ thể đang lớn và phát triển vì vậy tăng trưởng là một đặc điểm sinh học cơ bản của trẻ em. Tăng trưởng gồm hai quá trình: lớn và phát triển. Quá trình lớn chỉ sự tăng trưởng khối lượng do sự tăng sinh và phì đại của tế bào. Quá trình phát triển chỉ sự biệt hóa về hình thái và sự trưởng thành về chức năng của các bộ phận và hệ thống trong cơ thể19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em được tính từ 0 đến 18 tuổi và chia thành các giai đoạn sau: Sơ sinh từ 0 -1 tháng tuổi, trẻ bú mẹ từ 1- 23 tháng tuổi, trẻ em tiền học đường từ 2 - 5 tuổi, Trẻ nhi đồng từ 6 - 12 tuổi và trẻ vị thành niên từ 13 - 18 tuổi. Mỗi giai đoạn này đều gắn với những đặc điểm phát triển, hoàn thiện dần của các bộ phận, chức năng của các cơ quan trong cơ thể: Ví dụ: (i) Giai đoạn sơ sinh và nhũ nhi từ 0 đến 2 tuổi: là giai đoạn các cơ quan trong cơ thể đang dần hoàn thiện, hệ miễn dịch còn non yếu. (ii) Giai đoạn tiền học đường từ 2 đến 5 tuổi: Chức năng cơ bản của các bộ phận dần hoàn thiện, chức năng vận động và hệ cơ phát triển nhanh, trí tuệ trẻ phát triển nhanh, đặc biệt về ngôn ngữ. (iii) Thời kỳ nhi đồng từ 6 đến 12 tuổi: Các cơ quan cũng đã hoàn chỉnh về cấu tạo và chức năng. Vỏ não đã hoàn toàn biệt hóa, các chức năng phát triển mạnh và phức tạp hơn. Trẻ đã biết suy nghĩ, phán đoán và trí thông minh cũng dần phát triển. (iiii) Thời kỳ vị thành niên: Tuổi dậy thì được giới hạn khác nhau tùy theo giới tính, môi trường và hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Trẻ em gái thường bắt đầu từ lúc 13 - 14 tuổi, kết thúc vào 17 - 18 tuổi. Trẻ em trai thường bắt đầu từ 15 - 16 tuổi, kết thúc lúc 19 - 20 tuổi. Trong giai đoạn này, chức năng các tuyến sinh dục hoạt động mạnh., tâm sinh lý như cảm xúc giới tính, tính khí, nhân cách cũng thay đổi.
Như vậy, sự phát triển về thể chất của trẻ em qua các giai đoạn hoàn toàn tuân theo qui luật tự nhiên, đặc biệt sẽ phát triển tốt hơn khi được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu. Những biến động ở các lứa tuổi trong các giai đoạn phát triển thể chất nhất định sẽ kéo theo sự phát triển tâm lý và hình thành tính cách mà khó có thể tác động để kìm hãm hay kéo dài sự phát triển.
Về tâm lý, nhận thức: Mỗi trẻ em là một con người với tâm sinh lý chưa trưởng thành, tiếp tục hình thành và phát triển theo từng độ tuổi phù hợp với quá trình phát triển thể chất, chịu sự tác động lớn của môi trường xã hội. Trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ em, cơ thể đạt đến một độ chín nhất định thì năng lực, chức năng tương ứng mới có cơ sở để hình thành. Nguyên lý phát triển thừa nhận mọi sự vật đều vận động không ngừng và chuyển hoá lẫn nhau để luôn tạo ra cái mới. Cái mới chỉ có thể nảy sinh bằng cách phủ định cái trước đó, để rồi tự hình thành và hoàn thiện bản thân trên cơ sở của chính mình. Mỗi con người trưởng thành đều cần trải qua quá trình trẻ em lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử - xã hội được loài người sáng tạo ra và giữ lại trong nền văn hoá, bằng hoạt động của chính trẻ em và luôn luôn được người lớn hướng dẫn - tức là giáo dục. Đây chính là cơ chế về sự phát triển tâm lý của trẻ em. Phân tích cơ chế về sự phát triển của trẻ ta dễ nhận ra những đặc điểm, những mối quan hệ giữa nền văn hoá với sự phát triển tâm lý của trẻ em, giữa hoạt động của trẻ em với sự phát triển của chính nó, giữa giáo dục của người lớn với sự phát triển của trẻ em... Những mối quan hệ này mang tính phổ biến và tính tất yếu ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý trẻ em, đó chính là quy luật.
Cùng với quy luật phát triển của con người, mọi trẻ em đều trải qua những giai đoạn phát triển tâm lý đặc trưng giống nhau theo một trình tự nhất định. Trong giai đoạn sơ sinh (từ 0 đến 1 tuổi), các em chỉ cần được người lớn thỏa mãn những nhu cầu bản năng như ăn, ngủ, đi lại, chơi... Giai đoạn từ 1 tuổi đến 3 tuổi, các em đã đủ hiểu và biết để tò mò về thế giới xung quanh, có thể tự tiếp xúc bằng cảm giác và vận động. Cùng với sự phát triển ngôn ngữ, các em có thể chủ động giao tiếp với người lớn thông qua lời nói và hành vi. Giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi, các em đã biết tự mình khám phá thế giới xung quanh, , biết yêu cầu khi có mong muốn, hiểu người lớn nói gì, hay đặt câu hỏi tại sao và bắt đầu có ý kiến riêng, cái tôi được hình thành, bắt đầu nhận thức về giới tính. Giai đoạn từ 6 đến 11 tuổi là thời kỳ bắt đầu đi học. Suy nghĩ mở rộng, các hoạt động chuyển đổi qua lại, quan hệ với thầy cô và bạn bè trên tinh thần hợp tác và tự tin cá nhân. Nhân cách được hình thành, thể hiện nếp sống, thói quen, những hành vi có ý thức. Giai đoạn từ 11 đến 16 tuổi, đặc điểm tâm lý của các em rất phức tạp, tâm lý tự lập được phát triển, sự bắt chước đã mang tính chất lựa chọn, tính tự trọng cao, khá nhạy cảm với những đánh giá của mọi người xung quanh, có ý thức mạnh về giới tính của mình... Ở giai đoạn này, các em cần có sự quan tâm, hỗ trợ và hướng dẫn của người lớn, giúp các em từng bước tự chủ trong mọi hoạt động. Cha mẹ và các thành viên khác của gia đình là chỗ dựa tình cảm vững chắc, giúp các em thoải mái và có những suy nghĩ tích cực Những giai đoạn phát triển tâm lý trên đây của trẻ em có thể ví như những bậc thang, tuy nhiên các bậc thang này không giống nhau. Có những thời kỳ chuyển biến về thể chất và tâm lý tương đối chậm, từ từ trong suốt thời gian dài. Có những thời kỳ thay đổi rõ rệt, nhảy vọt về thể chất cũng như những nét tính cách của trẻ. Bên cạnh những khác biệt về nhịp độ và tốc độ phát triển, ở trẻ em còn bộc lộ những khác biệt trong các phẩm chất tâm lý cá nhân như tính cách, năng lực, hứng thú. Ngay cả trong cùng một điều kiện sống và giáo dục, cùng trong một gia đình thì những đứa trẻ cùng giới tính cũng vẫn không giống nhau về sự phát triển thể chất và tâm lý... Như vậy, có thể khẳng định rằng, mỗi trẻ em là cá thể riêng biệt, chưa hoàn thiện về thể chất, tinh thần có quá trình phát triển khác nhau tuân theo những quy luật phát triển nhất định của tự nhiên và xã hội theo hướng ngày càng hoàn thiện năng lực cá nhân.
2.1.2. Khái niệm và đặc điểm của quyền trẻ em
Lịch sử thế giới ghi nhận nhiều nhà tư tưởng quan tâm, đấu tranh cho quyền trẻ em. Thomas Spence (1750-1814), một nhà cách mạng cấp tiến hàng đầu của nước Anh cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, được coi là người đầu tiên đưa ra khái niệm về quyền con người (rights of man), quyền con người của trẻ sơ sinh (The rights of infants) để phản ánh về hiện thực xã hội lúc đó của những người nghèo, chống lại giới quý tộc. Qua những tác phẩm của ông đã thể hiện quan điểm về sự đấu tranh giành lại các quyền lợi về đất đai, tài sản của những người nông dân, thợ hầm mỏ nghèo và đặc biệt là việc không để trẻ sơ sinh sống trong đói nghèo và bị lạm dụng22. Đến đầu Thế kỷ thứ 20, thuật ngữ pháp lý “quyền trẻ em” mới được đề cập sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918). Cuộc chiến tranh đã khiến rất nhiều trẻ em ở châu Âu bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi không nơi nương tựa, đói khát, bệnh tật và thương tích... Tình cảnh đó đã thúc đẩy việc thành lập hai tổ chức cứu trợ trẻ em đầu tiên trên thế giới ở Anh và Thuỵ Điển vào năm 1919. Đến năm 1923, bà Eglantyne Jebb - người sáng lập Quỹ cứu trợ trẻ em của nước Anh đã soạn thảo một bản Tuyên bố gồm 7 điểm, trong đó kêu gọi thừa nhận và bảo vệ các quyền của trẻ em.
Lịch sử đã chứng minh, việc đấu tranh về quyền con người, đặc biệt là quyền con người của trẻ em bắt đầu từ hiện thực xã hội có những ứng xử thiếu công bằng đối với trẻ em. Năm 1924, Tuyên ngôn về Quyền trẻ em (Tuyên ngôn Giơ-ne-vơ) của Đại hội đồng quốc liên ra đời. Sự kiện này là mốc đánh dấu thời điểm thuật ngữ “quyền trẻ em” lần đầu tiên được nêu chính thức trong pháp luật quốc tế, tạo bước ngoặt trong nhận thức và hành động bảo vệ trẻ em trên thế giới. Từ đây, quyền trẻ em đã mở rộng cơ sở của các hoạt động bảo vệ trẻ em từ các khía cạnh đạo đức, xã hội sang khía cạnh pháp lý, bác bỏ hoàn toàn quan niệm trước đây coi trẻ em như là những đối tượng hoàn toàn phụ thuộc của các bậc cha mẹ. Điều này là bởi một khi trẻ em được coi là một chủ thể của quyền, các hành động liên quan đến trẻ em sẽ không còn đơn thuần đặt trên nền tảng của tình thương, lòng nhân đạo hay sự che chở nữa, mà còn là nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan, kể cả các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, Tuyên ngôn chưa sử dụng cách tiếp cận quyền để định nghĩa “quyền trẻ em” mà chỉ dừng lại ở việc yêu cầu trách nhiệm bảo đảm quyền trẻ em của các chủ thể. Năm 1948, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (sau đây gọi là Tuyên ngôn về quyền con người) ra đời. Ngay Lời nói đầu đã thể hiện tư tưởng tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Theo đó, con người sinh ra đều có quyền bình đẳng về phẩm giá và các quyền dân sự, chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa (Điều 1). Hai tuyên bố trên chính là cơ sở cho việc khẳng định quyền con người của trẻ em tại Tuyên ngôn về Quyền trẻ em (năm 1959) được thông qua tại Liên Hiệp Quốc. Tuyên ngôn này đã sử dụng cách tiếp cận quyền để đặt ra các nguyên tắc đối với trẻ em. Khái niệm “Quyền trẻ em” được xác định với nội dung đầy đủ và tiến bộ hơn. Với tính nhân văn và tinh thần nhân đạo, Tuyên ngôn kêu gọi “Hãy giành những gì tốt nhất cho trẻ em mà người lớn có”. Tuyên ngôn đã đưa ra yêu cầu không được phân biệt đối xử với trẻ em, cần tạo mọi cơ hội để trẻ em phát triển tự do trong nhân phẩm, được yêu thương và cảm thông, được học hành và vui chơi giải trí... Như vậy, trẻ em được thừa nhận là chủ thể bình đẳng với người lớn trong việc hưởng tất cả các quyền và tự do cơ bản được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế.
Năm 1989, Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em ra đời là một bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi nhận thức về địa vị của trẻ em. Giờ đây, vấn đề trẻ em không chỉ là vấn đề của riêng gia đình mà đã trở thành mối quan tâm chung của xã hội và toàn nhân loại. Trẻ em được khẳng định là chủ thể của quyền chứ không phải là đối tượng của các chính sách xã hội. Mục tiêu cơ bản mà Liên Hiệp Quốc hướng tới là xác lập một khuôn khổ pháp lý quốc tế, để các quốc gia xây dựng pháp luật sao cho tạo điều kiện cho sự bảo vệ và phát triển toàn diện trẻ em. Bên cạnh đó, Công ước còn thể hiện một khát khao lớn lao là những đứa trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự tôn trọng nhân phẩm sẽ là thế hệ con người tương lai xua đi mọi hận thù, bất công và bảo đảm cho hòa bình và an ninh con người trên toàn thế giới.
Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã ghi nhận quyền con người nhấn mạnh đến một số quyền cơ bản của con người như quyền được sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, quyền học tập, quyền được chăm sóc sức khỏe... Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội đã khẳng định rằng “Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết bảo đảm rằng các quyền được nêu trong công ước này sẽ được thực thi không có sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc xã hội, tài sản, dòng dõi hay các điều kiện khác” (Điều 2). Quy định này đã có cơ sở để đảm bảo quyền của mọi cá nhân nói chung và quyền của trẻ em nói riêng trong điều kiện xã hội hiện nay khi mà những người (gồm cả trẻ em) ở giới tính thứ ba (những người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới gọi tắt là nhóm “LGBT”) đang tồn tại như một thực tế khách quan, họ cũng cần được bảo vệ, được hưởng thụ những quyền cơ bản của con người nói chung như những người khác.
Như vậy, có thể khẳng định, quyền trẻ em xuất phát từ quyền con người hay nói cách khác là quyền con người của trẻ em theo tiến trình lịch sử. Bắt đầu từ việc coi trẻ em là đối tượng của sự thương hại, yếu thế nên cần bảo vệ (Các cuộc đấu tranh về quyền con người; Tuyên ngôn Giơ-ne-vơ 1924) chuyển sang cách tiếp cận trẻ em là một con người có tư cách chủ thể (Tuyên bố về Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc năm 1959; Công ước Quyền trẻ em). Cách tiếp cận này cho thấy trẻ em có đầy đủ các quyền của con người và là chủ thể đặc biệt của quyền con người. Vì vậy, trẻ em cần được ghi nhận các quyền đặc thù như được chăm sóc, bảo vệ đồng thời xác lập nghĩa vụ của các chủ thể khác. Cha mẹ yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con không đơn thuần là tình cảm tự nhiên mà đó còn là nghĩa vụ đối với con khi con chưa phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Trẻ em chưa thể tự mình thực hiện và bảo vệ các quyền của mình, do đó cần có sự bảo trợ, hướng dẫn, chỉ bảo của người lớn. Mặc dù vậy, cần nhìn nhận rằng trẻ em là một chủ thể độc lập, có quyền tự quyết, chủ động thực hiện quyền của mình, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chủ thể khác.
Trên cơ sở Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, Việt Nam quy định các quyền của trẻ em phù hợp với điều kiện của đất nước trong Luật Chăm sóc, Giáo dục và Bảo vệ trẻ em năm 2004 trước đây và Luật Trẻ em năm 2016 hiện hành. Dưới góc độ là các lợi ích mà trẻ em hướng tới, các đặc quyền tự nhiên của trẻ em... được pháp luật ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện nhằm bảo vệ sự sống còn, quyền được tham gia và phát triển toàn diện của trẻ em tại Luật Trẻ em 2016.
Có thể thấy ở mỗi độ tuổi khác nhau thì trẻ em được hưởng quyền và có những nghĩa vụ khác nhau. Việc xem xét quy định và thực hiện quyền trẻ em phải xuất phát từ đặc của trẻ em, vì vậy quyền trẻ em là những đặc lợi mà trẻ em được hưởng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, quyền trẻ em là những quyền con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em, là những đặc quyền tự nhiên mà trẻ em được hưởng, được tôn trọng, được công nhận và được bảo đảm thực hiện trên cơ sở pháp luật phù hợp với sự phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý xã hội của trẻ em.
Qua phân tích ở trên, quyền trẻ em có một số đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, quyền trẻ em xuất phát từ quyền con người, mang tính tự nhiên gắn với quá trình phát triển của trẻ em.
Những đặc điểm và tính chất cơ bản của quyền con người được nghiên cứu và ghi nhận trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử. Tiếp cận dưới góc độ quyền con người, quyền trẻ em trước hết phải được ghi nhận từ các quyền cơ bản của con người.
Quyền trẻ em là các quyền tự nhiên gắn liền với quá trình phát triển về thể chất, tâm lý, sinh lý của trẻ em. Đồng thời, các quyền của trẻ em có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc thực hiện tốt quyền này sẽ là tiền đề để thực hiện các quyền khác. Ngược lại, khi một quyền nào đó bị xâm phạm thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện và thụ hưởng các quyền khác. Chẳng hạn, khi quyền được sống của trẻ em được đảm bảo thì quyền được tham gia, được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em mới được đảm bảo. Mặc dù mọi trẻ em đều được hưởng quyền nhưng mức độ thụ hưởng quyền có sự khác biệt, phụ thuộc vào năng lực cá nhân của mỗi đứa trẻ và pháp luật của mỗi quốc gia. Năng lực cá nhân bao hàm năng lực chủ thể của trẻ em khi tham gia vào mối quan hệ xã hội nhất định theo sự điều chỉnh của pháp luật ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ. Năng lực cá nhân của trẻ em ảnh hưởng rất lớn từ sự chăm sóc, điều kiện sống và hoàn cảnh của mỗi quốc gia, nền giáo dục và gia đình nơi trẻ sinh sống. Bên cạnh đó, chế độ chính trị, văn hóa, gia đình, xã hội... có ảnh hưởng đến quyền của trẻ em. Ở mỗi vùng, mỗi quốc gia khác nhau, quyền trẻ em mang những sắc thái, đặc trưng riêng gắn liền với trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực đó. Bởi vậy, mỗi quốc gia quy định về quyền trẻ em có khác nhau, song vẫn phải phù hợp với đặc thù phát triển của trẻ em về thể chất, tâm lý, sinh lý thì các qui định về quyền trẻ em mới đạt được mục đích là bảo vệ quyền trẻ em. Khi các quyền của trẻ em đã được pháp luật ghi nhận thì không thể tùy tiện bị tước bỏ hay hạn chế bởi bất cứ chủ thể nào, kể cả các cơ quan nhà nước. Các quyền này tồn tại một cách tự nhiên như vốn dĩ đã có đối với sự ra đời và phát triển của trẻ em, nhưng cần được pháp luật ghi nhận mới trở thành quyền trẻ em.
Thứ hai, quyền trẻ em mang tính phổ biến và tính đặc thù.
Quyền trẻ em không chỉ là các quyền tự nhiên, vốn có mà còn mang tính phổ biến, tính đặc thù. Tính phổ biến của quyền trẻ em thể hiện ở chỗ: Quyền con người của trẻ em là quyền bẩm sinh, gắn liền với bản chất của con người, được áp dụng chung cho tất cả trẻ em, không phân biệt màu da, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần xuất thân và đặc biệt là không phân biệt quốc gia, lãnh thổ. Trẻ em có quyền được hưởng đầy đủ các quyền con người như một chủ thể trong xã hội. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc điểm về thể chất, tinh thần chưa phát triển đầy đủ mà trẻ em còn được hưởng các đặc quyền, đó là quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, quyền được bảo vệ. Vì vậy, dù ở trong những chế độ xã hội riêng biệt, thuộc những nền văn hóa và kinh tế khác nhau, những thể chế chính trị khác nhau, trẻ em vẫn được công nhận là con người, là một chủ thể bình đẳng và được hưởng những quyền và tự do cơ bản của con người.
Là con người nhưng “do chưa trưởng thành về tinh thần và thể lực cần có sự bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, bao gồm sự bảo vệ về pháp lý thích hợp, trước cũng như sau khi sinh”26, nên pháp luật quy định các quyền trẻ em cũng dựa trên đặc điểm của trẻ em. Vì vậy, các quyền trẻ em mang tính đặc thù. Các quyền của trẻ em đều hướng tới mục tiêu là: (1) Trẻ em phải được phát triển một cách bình thường cả về thể chất và tinh thần; (2) Trẻ đói phải được cho ăn, trẻ ốm phải được chữa trị, trẻ lạc hậu phải được giúp đỡ, trẻ phạm tội phải được giáo dục, trẻ mồ côi và lang thang phải có nơi trú ẩn và phải được chăm sóc; (3) Khi xảy ra tai họa, trẻ em là người đầu tiên được cứu trợ; (4) Trong đời sống, trẻ em có quyền được kiếm sống và phải được bảo vệ chống lại mọi hình thức bóc lột; (5) Trẻ em phải được nuôi dưỡng theo nhận thức rằng, tài năng của chúng phải phục vụ cho đồng bào mình. Hầu hết các quyền của trẻ em đều gắn với nghĩa vụ của các chủ thể khác và được bảo đảm thực hiện bởi các chủ thể khác. Tính đặc thù của quyền trẻ em là đặc điểm để phân biệt với các quyền con người của các nhóm người khác trong xã hội. Sự thừa nhận tính đặc thù của quyền trẻ em cho phép các quốc gia có quyền đưa ra các quy định pháp luật cụ thể, không trái với các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em. Tính đặc thù của quyền trẻ em được ghi nhận nhưng các quốc gia là thành viên của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em sẽ không thể viện lý do về chế độ chính trị, điều kiện kinh tế để tùy tiện nội luật hóa pháp luật trái với nội dung của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, cũng như Công ước quốc tế về Quyền con người.
Thứ ba, quyền trẻ em mang tính pháp lý và được công nhận và đảm bảo bởi các quy phạm pháp luật, được quyết định bởi trình độ phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa quốc gia, khu vực.
Với đặc điểm chung của khái niệm quyền, (i) đó là phải có sự ghi nhận về mặt pháp lý và được bảo đảm thực hiện bởi các quy định pháp luật; (ii) là phải có sự thừa nhận về mặt xã hội, gắn liền với chủ thể cá nhân, được thể hiện cụ thể trong thực tế đời sống thông qua các quan hệ xã hội của cá nhân trong cộng đồng nhất định28. Theo đó, quyền của trẻ em được pháp luật ghi nhận trong các quy định pháp luật là như nhau, bảo đảm bình đẳng và không phân biệt giữa các chủ thể là trẻ em. Tuy nhiên, các điều kiện xã hội này rất đa dạng thể hiện rõ tính giai cấp, chế độ chính trị, môi trường sống tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa, lịch sử của quốc gia... tạo nên hệ sinh thái đặc trưng của quyền trẻ em trong xã hội loài người.
Thứ tư, quyền trẻ em không chỉ được thực hiện bởi trẻ em mà còn được đảm bảo thực hiện bởi các chủ thể khác.
Để thực hiện các quyền trẻ em một cách hiệu quả, Công ước về Quyền trẻ em quy định mang tính nguyên tắc: Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu. Có thể thấy, quyền trẻ em được ghi nhận và đảm bảo thực hiện thông qua các thiết chế xã hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của trẻ em như: gia đình, nhà trường, các cơ quan nhà nước, các cơ sở dịch vụ xã hội... Trong đó, gia đình có nghĩa vụ trước tiên trong việc thực hiện và bảo đảm quyền của trẻ em bởi gia đình là môi trường xã hội đầu tiên, là nơi phần quan trọng nhất trong việc xã hội hóa cá nhân ngay từ khi cá nhân được sinh ra. Vì vậy, các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm chăm sóc cho các em lớn khôn về thể chất và trí tuệ, đồng thời có trách nhiệm giáo dục các em những điều tốt đẹp, đạo nghĩa, để các em biết quan tâm, chăm sóc cuộc sống của mình và những người khác trong gia đình và cộng đồng xã hội
Việc các quyền của trẻ em được thực hiện không chỉ bởi trẻ em chính là đặc điểm riêng có của bảo vệ quyền trẻ em. Điều này tạo sự phụ thuộc giữa chủ thể hưởng quyền với chủ thể thực hiện nghĩa vụ. Khi chủ thể hưởng quyền là trẻ em có sự phụ thuộc rất lớn vào các chủ thể có nghĩa vụ, nên việc bảo đảm quyền trẻ em ngoài việc quy định rõ ràng, chặt chẽ nghĩa vụ của các chủ thể khác thì còn cần phải có sự giám sát chặt chẽ của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện quyền trẻ em.
Như vậy, với các đặc điểm về quyền trẻ em có thể nhận thấy: Các quyền này là thống nhất không thể tách rời, có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, việc thực hiện tốt quyền này sẽ là cơ sở đảm bảo các quyền khác cũng được thực hiện tốt, tạo sự bình đẳng đối với trẻ em trên toàn thế giới.
Theo: Nguyễn Thị Hạnh
Link luận án: