0888889366
Tra cứu thông tin hợp đồng
timeline_post_file648be13c770d7-THỰC-TRẠNG-PHÁP-LUẬT-VÀ-THỰC-TIỄN-THỰC-HIỆN-PHÁP-LUẬT-HÔN-NH-N-VÀ-GIA-ĐÌNH-VỀ-BẢO-VỆ-QUYỀN-TRẺ-EM.jpg.webp

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT HÔN NH N VÀ GIA ĐÌNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM


 

3.1.   Quy định kết hôn trong việc bảo vệ quyền trẻ em và thực tiễn thực hiện

3.1.1. Bảo vệ quyền trẻ em trong quy định về điều kiện kết hôn

Kết hôn là quyền của mỗi người để xác lập quan hệ vợ chồng, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Đây là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân, là một trong các cơ sở để hình thành gia đình. Theo quy định của pháp luật, khi kết hôn nam, nữ phải thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định. Việc quy định điều kiện kết hôn xuất phát từ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân gia đình, trong đó có trẻ em, lợi ích của gia đình và trật tự công cộng. Bảo vệ trẻ em trong các quy định về điều kiện kết hôn thể hiện ở các nội dung sau:

Về tuổi kết hôn: Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định tuổi kết hôn tối thiểu của nam là từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên. Như vậy, tuổi kết hôn tối thiểu cao hơn tuổi trẻ em. Theo Luật Trẻ em năm 2016 thì “trẻ em là người dưới 16 tuổi” (Điều 1). Với quy định này, nhà làm luật loại trừ việc kết hôn ở độ tuổi trẻ em. Từ góc độ bảo vệ trẻ em với tư cách là người được hưởng quyền, được bảo vệ để phát triển, pháp luật của Việt Nam và của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định tuổi kết hôn tối thiểu cao hơn tuổi trẻ em. Quy định như vậy để bảo đảm nam, nữ trưởng thành về thể chất và trí tuệ, có thể thực hiện thiên chức và trách nhiệm của mình trong quan hệ hôn nhân. Khi trở thành cha, mẹ, họ nhận thức và có thể thực hiện được trách nhiệm của mình đối với con.

Một số quốc gia quy định nữ đủ 16 tuổi có thể được kết hôn52. Khi xây dựng Dự thảo Luật HN&GĐ năm 2014 cũng có ý kiến cho rằng cần hạ thấp tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 16 tuổi. Bởi trên thực tế, ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, có nhiều em gái chỉ 15, 16 tuổi đã làm đám cưới, sinh con theo phong tục địa phương và tham khảo quy định của các quốc gia trên thế giới cho thấy một số quốc gia đã quy định tuổi kết hôn của nữ dưới 18 tuổi. Tuy nhiên ý kiến này không được chấp nhận, bởi vì:

Một là, với tư cách là chủ thể thực hiện quyền, sau khi hết tuổi là trẻ em, các em sẽ tiếp tục bước sang giai đoạn trẻ vị thành niên. Đây là độ tuổi chưa thành niên, còn được hưởng những quy định pháp luật đặc thù cho lứa tuổi này. Độ tuổi từ 16 đến 18 là khoảng thời gian cần thiết để các em tiếp tục học tập, rèn luyện, trưởng thành hơn, bảo đảm khi đủ tuổi kết hôn thì đã phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý, có thể thực hiện được các chức năng xã hội của gia đình, để con sinh ra được khỏe mạnh, để khi làm cha mẹ họ nhận thức được trách nhiệm đối với con. Trên cơ sở khoa học về nhân chủng học và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta, sự phát triển sinh lý của con người đến giai đoạn này mới đầy đủ về thể lực, sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ để bảo đảm thực hiện chức năng sinh sản với những đứa trẻ trong tương lai khỏe mạnh, trí tuệ. Việc quy định độ tuổi tối thiểu kết hôn còn thể hiện sự đảm bảo về yếu tố tâm lý, sự vững vàng về tài chính của hai bên nam nữ, bởi đến giai đoạn này, sự phát triển tâm lý mới ổn định, có sự trưởng thành, chín chắn, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em và đã có thể lao động để đảm bảo phần nào tài chính nên sự lựa chọn của hai bên nam nữ sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững là nền tảng cho và mái ấm cho trẻ em.

Hai là, về mặt sinh học thì cơ thể người phụ nữ chưa phát triển hoàn thiện trước tuổi 18, nếu kết hôn và mang thai thì nguy cơ tai biến sản khoa sẽ gia tăng, đứa con còn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và dẫn đến hậu quả xa hơn là làm suy giảm chất lượng giống nòi. Việc quy định như vậy nhằm bảo vệ trực tiếp trẻ em gái. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Vy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định: Ở tuổi 16, 17, khung xương chậu của thiếu nữ chưa phát triển hoàn thiện, ít nhất phải đến 22 tuổi cơ thể phụ nữ mới phát triển đầy đủ cho việc sinh con, còn những trường hợp 16, 17 tuổi mà sinh con hầu hết phải mổ lấy thai. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo độ tuổi thích hợp để có thai lần đầu là 20 đến 22 tuổi53. Như vậy, việc hạ độ tuổi kết hôn sẽ trực tiếp xâm phạm đến quyền được phát triển toàn diện của trẻ em, ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.

Quy định tuổi kết hôn tối thiểu đối với nam là đủ 20 và đối với nữ là đủ 18 còn nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn đã và đang tồn tại ở Việt Nam. Tảo hôn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mà mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ cao. Tảo hôn khiến trẻ em khó có cơ hội đi học. Tảo hôn khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình thấp, dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao. Khi kết hôn sớm trẻ em sẽ không được vui chơi, giải trí, tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi. Điều này dẫn đến phần lớn các cặp “vợ chồng” tảo hôn thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh đói nghèo, chia rẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Tảo hôn còn dẫn đến những tác hại đối với trẻ sơ sinh bởi khi cơ thể người mẹ chưa hoàn thiện sẽ dẫn đến thai nhi không được phát triển đầy đủ dẫn tới trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, khó khăn trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và gây hậu quả xấu tới nguồn nhân lực của đất nước. Người mẹ còn nhỏ tuổi, chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm nuôi con, trong nhiều trường hợp còn là mối nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ em.

Như vậy, quy định tuổi kết hôn tối thiểu là nhằm bảo vệ nhóm quyền được phát triển, quyền đươc sống còn trẻ em khi người mẹ trong độ tuổi trẻ em.

Luật HN&GĐ hiện hành không quy định tuổi kết hôn tối đa. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt quyền của trẻ em, đặc biệt đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ em, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các nhà khoa học cũng có khuyến cáo với các gia đình và các bà mẹ về độ tuổi sinh nở, thời điểm mang thai để đảm bảo an toàn và tốt nhất cho cả mẹ và con. Theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Theo đó, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi... để đảm bảo mức sinh đồng thời bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trên cơ sở quy định pháp luật và các kiến thức y khoa mà mỗi gia đình xác định thời điểm mang thai và sinh em bé phù hợp nhất với điều kiện của mỗi người.

Qua tham khảo pháp luật một số nước cho thấy: Hầu hết các quốc gia quy định tuổi kết hôn lớn hơn tuổi trẻ em. Một số quốc gia quy định tuổi kết hôn ở độ tuổi trẻ em nhưng phải có sự đồng ý của cha, mẹ khi kết hôn54. Bên cạnh đó, các nước phát triển lại có khái niệm tuổi được quan hệ tình dục như ở Pháp cho phép người từ đủ 15 tuổi trở lên được quan hệ tình dục, trong khi ở Mỹ là 12 tuổi, Nhật Bản là 13 tuổi, Canada là 16 tuổi và ở Hàn Quốc phải là 20 tuổi55. Một số nước vẫn còn tình trạng tảo hôn như: Ấn Độ 47% các cô gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi, và 18% nam kết hôn khi chưa đủ 15 tuổi56. Việc quy định như vậy được đánh giá là phù hợp với văn hóa ở các nước có nền kinh tế phát triển, tuy nhiên chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam bởi quan niệm với tư tưởng Á Đông về hành vi quan hệ tình dục gắn với việc kết hôn.

Có thể nhận định rằng điều kiện về tuổi kết hôn có ý nghĩa trực tiếp đối với nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em, đặc biệt ngăn chặn trẻ em bị xâm hại và bóc lột tình dục và nhóm quyền được phát triển của trẻ em.

Thực tiễn thực hiện pháp luật về độ tuổi kết hôn cho thấy việc nam, nữ lấy vợ, lấy chồng khi chưa đến tuổi kết hôn mặc dù những năm gần đây đã giảm nhưng vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại trong xã hội Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014; bình quân mỗi năm giảm 0,94W. Trong đời sống xã hội cũng như nhận thức của đa số người dân đều thừa nhận đây là một tập tục lạc hậu, vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền trẻ em. Luật HN&GĐ, Luật Trẻ em và BLHS hiện hành nghiêm cấm và có chế tài xử phạt hành vi kết hôn ở độ tuổi trẻ em và tảo hôn nhưng thực tế tình trạng này vẫn xảy ra. Hiện tượng trẻ em “kết hôn”58 cũng đáng quan tâm khi kết quả thống kê cho thấy có khoảng 02% nam giới và 6.3% nữ giới từ 15 đến 19 tuổi đã kết hôn59. Theo số liệu thống kê, năm 2014 tại Việt Nam cứ 100 phụ nữ lại có 1 người lấy chồng trước khi 15 tuổi60. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu tại các vùng dân tộc thiểu số của các tỉnh như: Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Gia Lai... Với tỷ lệ này (0,01%), trẻ em không chỉ phải đối mặt với việc không được đi học, không được tham gia các hoạt động vui chơi mà còn phải chăm lo cho gia đình, phải chăm sóc, nuôi dưỡng con, phải làm kinh tế... Đồng thời, trẻ em gái lấy chồng sớm, mang thai, sinh đẻ khi chưa phát triển hoàn thiện về sinh lý, tâm lý cũng như thiếu hiểu biết và kinh nghiệm sẽ có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh.

Việc vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn có sự khác biệt cơ bản về giới và địa bàn dân cư. Kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 cho thấy 3,9% trẻ em gái ở độ tuổi từ 15 - 17 tuổi đã kết hôn so với tỷ lệ 0,9% trẻ em trai cùng nhóm tuổi61. Những khu vực có tỷ lệ nữ giới kết hôn trước 18 tuổi cao nhất là Trung du và miền núi Bắc Bộ (18,8%), Tây Nguyên (15,8%) và Đồng bằng sông Cửu Long (13,8%), thấp nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng (7,9%). Nếu so sánh tỷ lệ kết hôn trẻ em ở khu vực sinh sống thì ở khu vực nông thôn (13,3%) sẽ phổ biến hơn khu vực so với khu vực thành thị (7%)62.

Hệ lụy phát sinh từ việc trẻ em có nhận thức chưa đúng đắn về tuổi kết hôn, sinh hoạt tình dục ở Việt Nam còn tồn tại tỷ lệ phá thai ở trẻ em chiếm tỷ lệ lớn khoảng 1/3 số ca phá thai ở Việt Nam. Đây là tỷ lệ phá thai ở phụ nữ tuổi chưa thành niên cao nhất tại Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới63. Hiện tại, phá thai ở Việt Nam không bị pháp luật cấm, nên khi trẻ em mang thai ngoài ý muốn nếu không được quan tâm và chăm sóc đúng cách dẫn đến phá thai không an toàn là mối nguy hại đối với sức khỏe thể chất, sức khỏe sinh sản và tinh thần của trẻ em gái.

Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn tồn tại ở Việt Nam, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội kém phát triển, tồn tại những tập tục lạc hậu như Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên sinh con chiếm tỷ trọng 3,3‰, trong đó cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰), cao hơn 8,5 lần so với vùng Đồng bằng sông Hồng (1,1‰). Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 10 -17 tuổi sinh con cao thứ hai (6,8‰)64. Tỷ lệ phụ nữ sinh con ở độ tuổi chưa thành niên cao hơn hẳn so với các vùng khác một phần là do điều kiện sống khó khăn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng của kết hôn và sinh con sớm tới sức khỏe bà mẹ trẻ em còn hạn chế; một phần là do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số về việc lấy chồng và sinh con sớm. Tỷ lệ phụ nữ từ 10 -17 tuổi sinh con ở khu vực nông thôn là 4,2‰, cao hơn ba lần so với khu vực thành thị (1,3‰). Điều này chứng tỏ nữ chưa thành niên ở khu vực nông thôn có xu hướng sinh con sớm hơn khu vực thành thị.

Như vậy, tồn tại những vi phạm quy định pháp luật HN&GĐ về độ tuổi kết hôn khác nhau ở mỗi độ tuổi và vùng dân cư và giới tính. Đối với trẻ em gái các quyền trẻ em đều bị hạn chế như quyền phát triển, quyền tham gia... Sâu xa hơn, khi một người vẫn đang trong độ tuổi trẻ em làm mẹ thì khó có thể đảm bảo các điều kiện, kinh nghiệm để chăm sóc những đứa trẻ. Hậu quả của những vi phạm này nguy hiểm bởi các hệ lụy đó không thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thế hệ tương lai. Có thể thấy, trẻ em “kết hôn” là rào cản lớn đối với việc bảo vệ quyền trẻ em. Qua thực tế có thể nhận định rằng tình trạng này có sự tham gia trực tiếp hoặc có sự “tiếp tay” của cha, mẹ, người thân thích của trẻ em.

Về sự tự nguyện khi kết hôn: Theo điểm b khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 thì khi kết hôn, nam và nữ tự mình quyết định việc kết hôn. Quy định này một mặt thể hiện nguyên tắc tự do hôn nhân, mặt khác mang ý nghĩa đối với việc đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận, hạnh phúc. Nam nữ tự nguyện kết hôn và cùng hướng tới mục đích của hôn nhân cùng nhau xây dựng gia đình, vượt qua những khó khăn, tạo ra môi trường gia đình đầm ấm để trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển trong tình yêu thương và đùm bọc của cha mẹ. Sự tự nguyện kết hôn quyết định thái độ, tình cảm, trách nhiệm của hai bên nam, nữ với việc thực hiện các chức năng xã hội cơ bản của gia đình, tạo môi trường cho sự phát triển của con, là cơ sở đảm bảo quyền của trẻ em trong gia đình được thực hiện.

Hiện tượng trẻ em bị cưỡng ép kết hôn chủ yếu xảy ra ở vùng dân tộc thiểu số. Ở Việt Nam hiện nay có một số dân tộc thiểu số còn tồn tại những tục lệ lạc hậu liên quan đến việc cha, mẹ ép kết hôn. Một số tập tục áp đặt đối với trẻ em khiến trẻ em không có cơ hội để phát triển. Ở địa bàn xã Phình Giàng (Điện Biên) và Suối Giàng (Yên Bái), những trường hợp thanh niên tự tử bằng cách ăn lá ngón vì bị bố mẹ phản đối việc kết hôn không phải hiếm. Ở Tân Lạc, Hòa Bình, trong 10 nữ thanh niên người Mường kết hôn sớm được phỏng vấn, có một em đang đi học, chưa muốn cưới nhưng bố mẹ hai bên giục cưới vì thấy tình yêu của các con đã đủ độ chín. Một em khác lấy chồng năm 15 tuổi, chồng hơn 10 tuổi, bố mẹ chưa muốn gả con vì chưa đủ tuổi nhưng bố mẹ chồng giục nên phải cưới65. Việc cha mẹ ép gả con cái khi chưa đến tuổi kết hôn thường xảy ra đối với trẻ em gái bởi theo phong tục của người Mường thì nếu gia đình không có con trai thì một trong những người con rể sẽ phải ở rể tại nhà bố mẹ vợ. Người con rể này sẽ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình nhà vợ. Vì vậy, trong nhiều trường hợp khi có được chàng trai sẵn sàng ở rể, cha mẹ thường ép con gái cưới mặc dù tuổi còn nhỏ. Như vậy, việc ép gả trong hôn nhân trong những trường hợp cá biệt còn bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ của bố mẹ trẻ em. Việc cha mẹ ép, gả, gây sức ép con trong hôn nhân đã hạn chế quyền tự quyết định, tự chủ trong tình yêu và hôn nhân của thanh, thiếu niên đồng thời vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu trên thực tế, để bảo vệ quyền trẻ em ta sẽ tiếp cận Nhân học để nhìn nhận dưới góc độ xã hội hay nói cách khác tiếp cận khi đặt trọng tâm vào “tiếng nói của người trong cuộc” nhận thấy tình trạng kết hôn của các em tại các vùng dân tộc thiểu số không hoàn toàn do người lớn ép buộc hay xúi giục mà do các em “tự nguyện” đến với nhau vì nhiều nguyên nhân. Thanh niên chủ động tìm hiểu, hẹn hò và quyết định trở thành “vợ chồng”. Có nhiều trường hợp con xin ý kiến cha mẹ trước đó, cũng có những trường hợp cha mẹ chỉ biết đến quyết định hôn nhân của con mình khi nhà trai đến thông báo đã đưa cô gái về và xin hỏi cưới. Một phụ huynh nam 47 tuổi, Vân Kiều, Quảng Trị cho biết “Ý định của bố mẹ là thích dâu phải 18 là được, rồi con mình là 20 là được... nhưng mà theo sở thích của con, con nói thế nào thì bố mẹ phải theo thôi, không theo không được”66. Tuy nhiên, dù là tự nguyện nhưng việc lấy vợ, lấy chồng ở độ tuổi trẻ em và nữ mang thai ở độ tuổi trẻ em là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ suất chết mẹ, chết con hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân chiếm tỷ lệ lớn67. Với cách tiếp cận này, chúng ta nhận thấy cần tiếp tục phổ biến, giáo dục pháp luật HN&GĐ để tránh những hậu quả xấu với nhiều thế hệ trẻ em.

Như vậy, việc vi phạm quy định điều kiện kết hôn theo Luật HN&GĐ vẫn tồn tại do những phong tục, tập quán của một cộng đồng dân cư và hiện tượng thanh niên, nam nữ kết hôn trong độ tuổi trẻ em mà không do ép buộc, họ cũng tìm hiểu và lấy nhau vì những lý do giản đơn đều có thể giới hạn việc thực hiện quyền của trẻ em. Bên cạnh đó có những cặp vợ chồng chung sống không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà là để đạt được lợi ích nào đó cho các bên thì họ đã vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ sẽ có những tác động gián tiếp đến quá trình phát triển của trẻ em.

Về năng lực hành vi dân sự của người kết hôn: Theo điểm c khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 thì người kết hôn phải không bị mất năng lực hành vi dân sự. Quy định người kết hôn phải không bị mất năng lực hành vi dân sự có ý nghĩa trong bảo vệ trẻ em thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, một số nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho biết có sự liên quan tương đối giữa yếu tố di truyền với nguy cơ gây bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần là tình trạng rối loạn dẫn đến mất khả năng phân biệt và điều chỉnh suy nghĩ, hành vi, tâm trạng. Bệnh có nhiều dạng khác nhau có thể phân biệt và cụ thể hóa bằng các tên gọi như bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện. Thống kê chi tiết cho biết, trong mối quan hệ trực hệ gia đình, tỷ lệ di truyền bệnh tâm thần là khoảng 16,4% nếu có bố hoặc mẹ bị tâm thần, là khoảng 68% nếu có cả bố và mẹ bị tâm thần và là khoảng 14,3% nếu có anh chị em bị tâm thần. Nếu so sánh giữa các đối tượng có người thân trực hệ bị tâm thần với những người không có người thân trong gia đình bị tâm thần thì tỷ lệ mắc bệnh chênh lệch luôn là khoảng 10h. Cụ thể, đối với bệnh tâm thần phân liệt thì tỷ lệ cao hơn rất nhiều “Có tới bốn trong số năm trường hợp mắc bệnh tâm thần phân liệt là do gen di truyền từ cha mẹ của đứa trẻ”69. Nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng tâm thần phân liệt là bệnh di truyền. Theo đó, “nguy cơ bị tâm thần phân liệt chỉ phát hiện ở khoảng 10% anh chị em ruột, 12% con cái và 6% cha mẹ những người mắc bệnh tâm thần phân liệt; nếu cả cha lẫn mẹ đều bị tâm thần phân liệt thì nguy cơ bị bệnh ở các con cũng chỉ từ 30 - 40%”70. Những người bị bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi nhưng nếu kết hôn thì việc có con vẫn diễn ra theo quy luật sinh học. Như vậy, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ là người tâm thần sẽ dẫn đến nguy cơ mang gen, mầm bệnh tâm thần. Đứa trẻ sẽ khó khăn trong cuộc sống sau này, không có khả năng làm chủ hành vi và ứng xử thông thường. Việc xác định năng lực hành vi dân sự trước khi kết hôn là cần thiết nhằm bảo vệ gia đình và trẻ em.

Thứ hai, tiếp cận quy định pháp luật về điều kiện này dưới góc độ bảo vệ quyền và lợi ích của các con chung và các thành viên trong gia đình, nhận thấy: nếu người tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự kết hôn và có con thì sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con, trong đó cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ con. Tuy nhiên, những người mất năng lực hành vi dân sự thì không nhận thức và thực hiện được nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con, không đủ năng lực để giáo dục, chăm lo cho con. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục của trẻ em. Hơn nữa, nếu một bên, thậm chí là cả hai bên bị mất năng lực hành vi dân sự thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sẽ do thành viên khác của gia đình thực hiện. Khi đó, việc bảo vệ trẻ em trở lên khó khăn, sinh mạng của trẻ cũng không được đảm bảo an toàn, nguy cơ cao trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như bị bỏ rơi, bị bỏ mặc, thất học... Ở khía cạnh khác, có thể thấy, khi trẻ em có cha, mẹ bị bệnh tâm thần thì tính mạng và sức khỏe của trẻ em cũng có thể bị nguy hiểm bởi họ sẽ không làm chủ và kiểm soát được hành vi của mình, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của trẻ. Rõ ràng, nếu người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của con chung, trẻ em có thể bị tước đi quyền được yêu thương, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng và các quyền cơ bản khác. Như vậy, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định những người mất năng lực hành vi dân sự không được kết hôn góp phần bảo vệ quyền được sống và phát triển toàn diện của trẻ em. Trên thực tế, vẫn có những vướng mắc khi áp dụng việc tuyên bố mất mất năng lực hành vi. Theo quy định tại khoàn 1 Điều 22 BLDS năm 2015 thì một người chỉ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên người đó mất năng lực hành vi dân và phải căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần. Để thực hiện thủ tục cần từ 30 đến 45 ngày và các bước cụ thể theo quy định tại BLTTDS71. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp người có những dấu hiệu rõ ràng về khả năng nhận thức khi mắc những chứng bệnh di truyền dễ thấy như người mắc hội chứng Down thì cần xem xét thực hiện thủ tục tuyên bố mất NLHV không. Theo quan điểm của chúng tôi, đối với những trường hợp như vậy cần hướng dẫn cụ thể theo hướng hạn chế kết hôn.

Về cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ và những người khác có họ trong phạm vi ba đời:

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014 thì những người có cùng dòng máu về trực hệ, những người có họ trong phạm vi ba đời bị cấm kết hôn với nhau. Người có cùng dòng máu về trực hệ là người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau72. Pháp luật quy định cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần là nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thế hệ kế tiếp.

Theo kết quả nghiên cứu của ngành khoa học về huyết học và khảo sát thực tế cho thấy, những người có quan hệ huyết thống gần mà kết hôn với nhau thì con của họ sinh ra thường bị bệnh tật và những dị dạng, thậm chí có trường hợp con sẽ bị tử vong ngay sau khi sinh và tỷ lệ tử vong của những trẻ sơ sinh càng cao nếu quan hệ huyết thống của cha mẹ chúng càng gần. Theo thống kê, những đứa trẻ được sinh ra từ cha mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh về máu cao gấp 10 lần so với những trẻ bình thường khác. Điển hình của các bệnh máu này là Thalassemia (tan máu di truyền) và Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền). Theo TS. Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học di truyền, Bệnh viện nhi Trung ương, những đứa trẻ sinh ra từ các cặp có hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh73. Những đứa trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh có trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao. Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống là cơ sở cho những gen lặn bệnh lý tương đồng ở những ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau và kết quả là dù khoẻ mạnh, họ vẫn có thể sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời. Những đứa trẻ sinh ra từ các cặp có hôn nhân cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh bệnh tan máu bẩm sinh di truyền. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh tan máu bẩm sinh di truyền, người bệnh cần phải điều trị suốt cả cuộc đời với chi phí rất tốn kém, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, để lại những hậu quả rất nặng nề cho thế hệ tương lai. Để giải thích hiện tượng này, di truyền học cho biết, mọi đặc điểm trên cơ thể đều được quy định bởi gene, kể cả trường hợp bệnh lý. Cơ thể mỗi người có khoảng 500 - 600 nghìn gene, trong số đó không tránh khỏi có một số gene lặn bệnh lý, chưa có điều kiện bộc lộ gây tác hại. Gene lặn bệnh lý tồn tại dai dẳng trong dòng họ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu cuộc hôn nhân được tiến hành với người khác dòng họ thì nguy cơ bệnh bộc phát thường không cao. Trái lại, hôn nhân cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gene lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau, sinh ra những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền74.

Trên thực tế, tình trạng hôn nhân cận huyết thống chủ yếu là vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng có kinh tế xã hội khó khăn. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế- xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 cho thấy: Tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của 53 DTTS là 0,65%. Trong đó các DTTS có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru, Si La, Pu Péo, Mông, Rơ Măm, Brâu... có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống lên đến 10%, tức là cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Một số DTTS khác có tỷ lệ hô nhân cận huyết thống thấp hơn như: Dân tộc Mạ là 4,41%, dân tộc Mảng là 4.36%, dân tộc Mnông là 4,02%, dân tộc Xtiêng là 3,67%... Trong đó, phổ biến là kết hôn giữa con cô, con cậu, con chú, con bác, con dì với nhau75. Tình trạng này cho thấy, việc thực thi pháp luật về điều kiện kết hôn chưa thật nghiêm, còn những khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm này bởi sự công nhận và bảo vệ của một cộng đồng dân cư viện cớ đó là “lệ làng”. Đồng thời, việc vi phạm điều kiện kết hôn về những người trong cùng dòng máu về trực hệ thường đi liền cùng tảo hôn, không báo cáo chính quyền khi cưới, vì vậy rất khó để xử lý các hành vi vi phạm này.

Như vậy, việc kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần gây nguy cơ suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật trực tiếp lên chính trẻ em - người kế tục tương lai của đất nước, bệnh lại di truyền tiếp cho thế hệ sau gây suy thoái chất lượng giống nòi. Những trẻ em được sinh ra từ cha mẹ có quan hệ hôn nhân cận huyết thống mang gen bệnh sẽ không thể có cuộc sống bình thường, các em sẽ không được hưởng trọn vẹn quyền được sống, khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Vì vậy, pháp luật cấm những người có quan hệ huyết thống gần kết hôn với nhau để đảm bảo cho con sinh ra được khỏe mạnh, nòi giống phát triển lành mạnh, phù hợp với đạo đức, đảm bảo lợi ích gia đình và xã hội.

3.1.2. Bảo vệ quyền trẻ em trong quy định về hậu quả hủy việc kết hôn trái pháp luật và giải quyết nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn

Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn. Hủy việc kết hôn trái pháp luật được hiểu là một biệp pháp chế tài của Luật HN&GĐ đối với các cá nhân có hành vi phạm pháp luật về điều kiện kết hôn. Khi Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của con vì vậy, nếu giữa các bên có con chung thì phải giải quyết việc nuôi con. Luật HN&GĐ năm 2014 quy định khi hủy việc kết hôn trái pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con được giải quyết như khi vợ chồng ly hôn (khoản 2 Điều 12). Như vậy, khi Tòa án ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật mà các bên có con chung chưa thành niên thì việc nuôi con và cấp dưỡng cho con được thực hiện theo các quy định từ Điều 81 đến Điều 84 Luật HN&GĐ năm 2014. Theo đó, việc giao con cho một bên trực tiếp nuôi phải vì lợi ích tốt nhất về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, giáo dục con và cấp dưỡng cho con. Với các quy định về giải quyết việc nuôi con và cấp dưỡng cho con có thể nhận thấy quyền của trẻ em được bảo vệ, trẻ em được đảm bảo các điều kiện tốt nhất khi cha mẹ bị hủy việc kết hôn trái pháp luật. Bên cạnh việc giải quyết vấn đề con chung thì khi hủy việc kết hôn trái pháp luật còn giải quyết vấn đề tài sản. Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 và khoản 2 Điều 16 Luật HN&GĐ năm 2014 thì việc giải quyết quan hệ tài sản giữa hai bên phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của con. Có nghĩa là việc chia tài sản chung giữa các bên ngoài việc áp dụng nguyên tắc căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên thì còn phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của con. Chẳng hạn, chia tài sản chung là nhà ở thì cần ưu tiên người trực tiếp nuôi con để đảm bảo con chưa thành niên có chỗ ở ổn định, bảo vệ quyền của trẻ em.

Không công nhận quan hệ vợ chồng áp dụng đối với những trường hợp nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Theo quy định tại Điều 14, 15, 16, Luật HN&GĐ năm 2014, tuy không vi phạm điều cấm của pháp luật, nhưng việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, không được công nhận là hôn nhân hợp pháp, sẽ không phát sinh quan hệ vợ chồng, tuy nhiên quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con phải tuân thủ quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo Luật HN&GĐ năm 2014.

Trong thực tế, việc hủy kết hôn trái pháp luật là một loại vụ việc dân sự thuộc quyền giải quyết của Tòa án, tuy nhiên việc lựa chọn TAND nào giải quyết hiện nay còn hiện tượng chồng chéo liên quan đến thẩm quyền giải quyết giữa các Tòa án. Bởi theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 thì TAND nơi cư trú của một trong hai bên đương sự (điểm b khoản 2 Điều 35 BLTTDS), hoặc TAND nơi đã đăng ký kết hôn trái pháp luật có thẩm quyền (điểm g khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015) hoặc đương sự, người yêu cầu có quyền lựa chọn TAND nơi một trong các bên cư trú giải quyết (điểm g khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015) sẽ giải quyết vụ việc dân sự này. Sự chồng chéo này có thể ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền của trẻ em khi chưa được xác định thẩm quyền của Tòa án để giải quyết việc hủy kết hôn trái pháp luật của cha mẹ trẻ em.

Như vậy, các quy định pháp luật HN&GĐ trên đã bảo vệ được lợi ích hợp pháp của trẻ em là con chung của các cặp nam nữ kết hôn trái pháp luật hoặc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn, đảm bảo thực hiện nguyên tắc dành mọi điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, nhưng những vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục giải quyết có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền trẻ em.

3.2.   Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong việc bảo vệ quyền trẻ em và thực tiễn thực hiện

3.2.1.   Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng trong việc bảo vệ quyền trẻ em

Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng được quy định từ Điều 17 đến Điều 23 Luật HN&GĐ năm 2014. Theo đó, vợ chồng bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, nhằm duy trì sự tồn tại của gia đình. Các quyền và nghĩa vụ này đều nhằm thực hiện và thực hiện tốt nhất các chức năng của gia đình như: sinh đẻ nhằm tái sản xuất về sinh học, phát triển kinh tế gia đình, giáo dục con.

Vợ chồng có quyền bàn bạc, thống nhất để quyết định số con, lựa chọn thời điểm sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh. Sự bàn bạc, thống nhất giữa vợ và chồng về vấn đề này chứng tỏ vợ chồng đã có kế hoạch và sự chuẩn bị tốt nhất để đón những đứa con của mình về điều kiện vật chất cũng như tinh thần. Ngoài ra, vợ chồng phải thống nhất trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và lựa chọn các biện pháp tránh thai. Điều này rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền được sống của trẻ em.

Luật HN&GĐ năm 2014 quy định vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, cùng nhau chia sẻ và thực hiện công việc gia đình trong đó có mục đích để cùng nhau nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Quy định này một mặt khẳng định vai trò bình đẳng của vợ chồng trong việc nuôi dạy con, mặt khác nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện trẻ em. Các nhà khoa học của Ủy ban Nghiên cứu các khía cạnh tâm lý xã hội về Sức khỏe Trẻ em của Pháp cho biết, nếu người mẹ mang đến cho trẻ sự thoải mái và ổn định thì người cha lại thường tạo ra nhiều thử thách hơn trong các trò chơi, dẫn dắt định hướng trong các trò chơi khiến trẻ hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn. Điều này giúp trẻ giảm lo âu, tạo cho chúng sự hưng phấn vui vẻ, đồng thời phát triển khả năng sáng tạo76. Trong gia đình, tình thương yếu mềm của mẹ được bồi đắp bằng sự nghiêm nghị của cha. Sự lo lắng bồn chồn của mẹ được bồi đắp bằng lời động viên khích lệ của cha. Những kỹ năng thiên bẩm của cha, mẹ tuy rất quan trọng, rất cần thiết trong việc nuôi dạy con trẻ nhưng sẽ vẫn không toàn diện nếu thiếu vắng đi vai trò của một trong hai người77. Như vậy, nếu muốn trẻ em phát triển toàn diện, thì trong quá trình phát triển của trẻ không thể thiếu đi bóng dáng của người cha hoặc người mẹ. Người cha đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em mà người mẹ nhiều khi không thể thay thế được. Hơn nữa, khi trong gia đình, vợ chồng cùng chăm sóc, giáo dục con và chia sẻ các công việc gia đình thì gia đình đó đã đạt được bình đẳng giới, xóa bỏ phân công lao động theo giới. Bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em78. Khi bình đẳng giới trong gia đình đã đạt được thì không còn quan niệm công việc nội trợ là của phụ nữ và việc kiếm tiền là của nam giới.

Vợ chồng bình đẳng cùng nhau tham gia lao động tạo thu nhập và chia sẻ công việc gia đình chính là nền tảng bảo đảm cho gia đình tồn tại và phát triển, đồng thời là cái nôi ấm áp cho trẻ em nuôi dưỡng tâm hồn và định hình tính cách. Vợ chồng yêu thương, hòa thuận, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của nhau sẽ tạo môi trường sống lành mạnh để trẻ em phát triển trí tuệ và nhân cách góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền được phát triển của trẻ em. Thực tiễn cho thấy, thực hiện quyền bình đẳng của vợ chồng về quyền nhân thân còn gặp nhiều khó khăn liên quan trực tiếp đến thực hiện bình đẳng giới. Tổng hợp số liệu do TAND các cấp thực hiện từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, trong đó có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi... (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn)79. Trong các nguyên nhân đó thì bạo lực giới đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Do các hệ thống xã hội mang tính “phụ hệ” chiếm ưu thế ở Việt Nam, chưa coi trọng công việc nội trợ,... đã hạ thấp tiếng nói của phụ nữ trong gia đình, nên phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân của bạo lực giới. Với những định kiến giới và tư tưởng “trọng nam” vẫn tồn tại khá phổ biến trong gia đình và một bộ phận dân cư xã hội dẫn đến việc người chồng hoặc gia đình chồng gây áp lực với người vợ để có “con nối dõi”, “suất đinh”... dẫn đến thiếu bình đẳng trong gia đình và thiếu yêu thương đúng nghĩa với trẻ em gái khi được sinh ra, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và việc nuôi dạy trẻ em.

Như vậy, mặc dù Luật HN&GĐ đã có các quy định về thực hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, tạo nền tảng, cơ sở xây dựng gia đình hạnh phúc, tuy nhiên trong thực tế vẫn tồn tại tỷ lệ không nhỏ các vi phạm pháp luật giữa vợ chồng làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

3.2.2. Quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong việc bảo vệ quyền trẻ em

Trong quan hệ tài sản của vợ chồng, pháp luật quy định nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng. Dù vợ chồng thỏa thuận về chế độ tài sản hay theo chế độ tài sản luật định thì vợ chồng phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình80. Nhu cầu thiết yếu của gia đình là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình81. Nhu cầu thiết yếu của gia đình được bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp vợ chồng theo chế độ tài sản Luật định thì đương nhiên có tài sản chung82. Trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận về chế độ tài sản mà giữa họ không có tài sản chung thì trong văn bản thỏa thuận phải có nội dung về tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Đồng thời, pháp luật quy định vợ chồng bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung là nhằm bảo vệ khối tài sản chung, bảo đảm nguồn sống của các thành viên gia đình trong đó có trẻ em. Pháp luật quy định những giao dịch dân sự để phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của gia đình thì chỉ cần một bên vợ hoặc chồng thực hiện và đương nhiên coi là có sự đồng ý của bên kia. Quy định này có ý nghĩa tạo sự chủ động của vợ hoặc chồng trong việc giải quyết các nhu cầu cơ bản của gia đình. Đối với trẻ em, để đảm bảo các nhu cầu ăn, ở, học tập văn hóa, rèn luyện năng khiếu, kỹ năng mềm, vui chơi, giải trí... hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài chính của cha mẹ. Như vậy, để bảo vệ cho trẻ em trong gia đình được chăm sóc đầy đủ các nhu cầu thiết yếu tồn tại và phát triển toàn diện, không bị gián đoạn và bị ảnh hưởng, tác động xấu đến sự phát triển bình thường theo quy luật tự nhiên của trẻ em, thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng để đáp ứng nhu cầu chung. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho gia đình. Quy định này hoàn toàn phù hợp về mặt lý luận đảm bảo cho nguyên tắc “lợi ích chung của các thành viên gia đình phải được bảo vệ”, trong đó quyền, lợi ích hợp pháp của con luôn được đặt lên hàng đầu. Để bảo đảm nhu cầu thiết yếu về chỗ ở, vợ chồng sẽ bị hạn chế nhất định đối với tài sản riêng, có nghĩa quyền cá nhân lúc này sẽ phải không được bảo vệ cao nhất bởi sự bảo vệ này đã được ưu tiên cho điều kiện sống, ăn, ở của thành viên trong gia đình, đặc biệt là tính ổn định cần thiết cho sự phát triển bình thường của trẻ em. Như vậy, nhà làm luật đã dự liệu các tình huống để buộc vợ chồng thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với gia đình và con chung chưa thành niên.

Bảo vệ trẻ em trong các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng còn thể hiện trong quy định về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu. Xuất phát từ thực tế các quan hệ kinh tế, xã hội, vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chung, pháp luật quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi việc chia tài sản đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên hoặc nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho con chưa thành niên84. Quy định này nhằm đảm bảo không để các con chưa thành niên có nguy cơ bị rơi vào tình trạng không được đáp ứng đủ các nhu cầu thiết yếu, ngăn chặn trẻ em bị rơi vào tình trạng thiếu thốn và không đảm bảo điều kiện sống, học tập do việc chia tài sản chung của cha mẹ trong thời kỳ hôn nhân. Điều này có ý nghĩa trong việc ngăn chặn hành vi vô trách nhiệm của cha mẹ nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với con của mình.

Như vậy, pháp luật quy định chế độ tài sản của vợ chồng một mặt tôn trọng quyền sở hữu của vợ chồng, mặt khác là bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các thành viên gia đình, trong đó có các con đang ở độ tuổi trẻ em. Luật HN&GĐ năm 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong quan hệ tài sản một cách hài hòa, mở rộng các quyền của vợ chồng đối với tài sản nhưng phải đảm bảo tốt nhất quyền được phát triển của trẻ em trong gia đình, đáp ứng cấp độ phòng ngừa trong các cấp độ bảo vệ quyền trẻ em.

3.3. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ trong việc bảo vệ quyền trẻ em và thực tiễn thực hiện

3.3.1. Bảo vệ quyền trẻ em trong các quy định về quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con

Nội dung bảo vệ quyền trẻ em trong Luật HN&GĐ năm 2014 được thể hiện cụ thể tại Chương V, quy định về nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ đối với con. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định được quy định rõ ràng, từ Điều 68 đến Điều 87. Các quy định này thể hiện việc nội luật hóa nội dung Công ước về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể, bảo vệ quyền trẻ em thể hiện thông qua các quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.

3.3.1.1.  Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, tôn trọng thân thể, nhân phẩm của trẻ em

Xuất phát từ quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, giữa cha, mẹ với con là quan hệ tình cảm thiêng liêng, được hình thành và phát triển tự nhiên, vô điều kiện. Bởi vậy, quy định cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu con (khoản 1 Điều 69 Luật HN&GĐ năm 2014) nhằm “luật” hóa mối quan hệ tình cảm này đồng thời nhằm bảo vệ quyền được phát triển của trẻ em. Quá trình phát triển của trẻ em đi kèm các nhu cầu nhất định về thể chất, tinh thần và kỹ năng xã hội. Chỉ có cha mẹ, những người chăm sóc trẻ em hàng ngày mới có khả năng nhận biết rõ nhất về các thời điểm thay đổi của trẻ em. Cùng với việc nuôi dưỡng hàng ngày, cha mẹ còn phải chăm sóc đời sống về tinh thần của trẻ em, bởi trẻ em được nhìn nhận là một con người với những nhu cầu suy nghĩ, tình cảm vậy nên cha mẹ phải đảm bảo điều kiện nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con, chia sẻ và giúp đỡ con chưa thành niên (khoản 1 Điều 69 Luật HN&GĐ năm 2014). Nghĩa vụ thương yêu con là xuất phát từ sự gắn bó máu thịt, sự công nhận của pháp luật đối với mối quan hệ cha con, mẹ con. Cha mẹ phải bày tỏ tình yêu thương qua những hành động cụ thể, bằng sự chăm sóc, tạo mọi điều kiện tốt nhất về tài chính, thời gian, để tâm suy nghĩ cho con mình giúp trẻ em trưởng thành và là người con ngoan, công dân tốt. Trong suốt quá trình trưởng thành, cha mẹ cần luôn yêu thương, chăm lo hiểu và thực hiện đúng nghĩa vụ của cha mẹ.

Như vậy, yêu thương không chỉ dừng lại bằng lời nói mà phải bằng những việc làm cụ thể. Yêu thương cũng không có nghĩa là bao bọc, bảo vệ, hy sinh tất cả cho con mà phải giáo dục, định hướng, tôn trọng cá tính, ý kiến của con trong quá trình nuôi dạy. Yêu thương, chăm sóc con cái là điều kiện tiên quyết để hoàn thành trách nhiệm làm cha mẹ. Chính điều đó sẽ giúp trẻ em được lớn lên và phát triển một cách toàn diện. Vì vậy, cha mẹ yêu thương con một cách thích hợp sẽ tạo được đà hưng phấn, sáng tạo, khơi gợi tiềm năng để trẻ em có thể phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, hiện nay quy định yêu thương còn chung chung mà chưa quy định cụ thể yêu thương như thế nào, yêu thương được thể hiện ra sao nên dẫn đến nhiều cách hiểu, cách ứng xử của cha mẹ với con. Có những cách hiểu “yêu thương” là “yêu cho roi cho vọt”, yêu con mình, bỏ con người;... thiếu tôn trọng các quyền của trẻ em và vi phạm thô bạo các quyền trẻ em dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngược lại, quan điểm cha mẹ yêu thương con theo hướng đáp ứng mọi đòi hỏi của con vô điều kiện, cũng mang lại những hậu quả không tốt cho trẻ em.

Luật HN&GĐ năm 2014 quy định trẻ em có quyền được cha mẹ tôn trọng (khoản 1 Điều 70). Cha mẹ tôn trọng mọi vấn đề thuộc về trẻ em như: thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư... Cha mẹ không được có hành vi xâm phạm thân thể trẻ em; không được lạm dụng sức lao động của trẻ em.; không được xúi giục, ép buộc trẻ em làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội... Mọi hành vi bạo lực đối với trẻ em trong gia đình gồm bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục... đều bị xử lý theo pháp luật. Như vậy, Luật HN&GĐ năm 2014 đã bao quát, tương thích với các quy định các quyền cơ bản của trẻ em được ghi nhận trong Luật Trẻ em năm 2016. Cụ thể, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, không bị bỏ rơi, bỏ mặc... quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em; được bảo vệ bí mật đời sống riêng tư. Bên cạnh đó, cha mẹ có nghĩa vụ tôn trọng đời sống riêng tư của trẻ em. Đây là một trong những điểm mới, quan trọng để bảo vệ quyền nhân thân của chủ thể trong quan hệ pháp luật. Với tư cách là công dân, một con người, trẻ em cũng được bảo vệ và tôn trọng quyền bí mật đời sống riêng tư trên cơ sở quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư tại Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản pháp luật khác. Pháp luật quy định việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư của cá nhân phải được bản thân cá nhân đó đồng ý. Bí mật đời sống riêng tư

của trẻ em đa số gắn với gia đình và cha mẹ nên cần xác định bí mật đời sống riêng tư của trẻ em với bí mật của gia đình, cha mẹ trẻ em. Bảo vệ quyền trẻ em còn là bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của trẻ em. Nhân phẩm, danh dự của trẻ em cần được tôn trọng bởi đây chính tôn trọng sự phát triển về tinh thần, cần thiết song song với sự phát triển về thể chất của trẻ em.

Thực tiễn thực hiện pháp luật HN&GĐ về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ với trẻ em những năm gần đây có nhiều thành tựu. Đáng ghi nhận nhất đó chính là cha, mẹ có những thay đổi tích cực về nhận thức, ý thức pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và yêu thương trẻ em. Ngày càng nhiều các quyền của trẻ em được cha, mẹ, người thân và xã hội tôn trọng, bảo đảm thực hiện như: quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư... Quyền được khai sinh được cha, mẹ người thân thích quan tâm thực hiện. Theo số liệu thống kê công bố năm 2020, trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đã đạt 98,8%, trong đó có 95,6% số trẻ em được đăng ký trong thời gian 06 tháng đầu đời86. Kết quả này đã vượt mục tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017- 2024: “Đến năm 2020, đạt tỷ lệ 97% trẻ em, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được đăng ký khai sinh trước 05 tuổi”87. Việc đăng ký khai sinh đầy đủ là cơ sở pháp lý quan trọng để trẻ em có thể được hưởng các quyền cơ bản khác của trẻ em như: quyền có họ tên, dân tộc, quốc tịch; quyền được xác định cha mẹ; quyền được học tập...

Cha mẹ đã thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trong việc tạo điều kiện cho trẻ em được đi học. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học giảm mạnh trong 10 năm qua, từ 16,4% năm 2009 và đến năm 2019 còn 8,3%. Tính đến tháng 4 năm 2019, Việt Nam có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường. Đây là một trong những thành tựu rất đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam trong thập kỷ qua,.

Cha mẹ đã quan tâm, đảm bảo quyền được chăm sóc, sức khỏe của trẻ em tại gia đình cũng như tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận các dịch vụ y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trẻ em được tham gia tiêm chủng mở rộng nhiều loại vắc xin. Thành công trong tiêm chủng ở Việt Nam, bảo vệ hàng triệu mạng sống cũng như phòng, tránh cho nhiều trẻ em khỏi bệnh tật và khuyết tật, thanh toán thành công bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván trẻ sơ sinh và kiểm soát bệnh sởi... đã chứng minh phần nào trách nhiệm của cha mẹ đối với trẻ em trong việc tạo cơ hội để trẻ em được tiếp cận dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một bộ phận cha mẹ thiếu quan tâm, chăm sóc trẻ em để trẻ em tự bươn chải, kiếm sống, đặc biệt các vụ việc xâm hại, bạo lực với trẻ em vẫn tồn tại và ngày càng tăng mức độ nguy hiểm đối với trẻ em, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ có nhiều áp lực, thiếu hiểu biết về nghĩa vụ làm cha, mẹ của mình... nên đã làm tổn hại đến trẻ em cả về thể chất và tinh thần. Một trong những thực trạng vi phạm nghĩa vụ của cha mẹ với con thể hiện qua tình hình bạo lực với trẻ em đang diễn ra trong các gia đình, đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam.

Bạo lực gia đình đối với trẻ em là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần đối với trẻ em. Bạo lực đối với trẻ em không chỉ xảy ra trong các gia đình cha mẹ có trình độ học vấn thấp mà còn xảy ra cả trong gia đình cha mẹ có trình độ học vấn cao. Không chỉ những đứa trẻ “khó bảo” là nạn nhân của bạo lực gia đình mà ngay cả những đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi cũng chịu những hành vi bạo lực. Người có hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em có thể là cha, mẹ, cha dượng, mẹ kế, ông, bà, anh, chị, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ... Thông thường những người này lợi dụng hoàn cảnh bị lệ thuộc của trẻ em về hoàn cảnh kinh tế cũng như điều kiện sống mà sử dụng hình phạt trong trường hợp trẻ em phạm lỗi hoặc không làm đúng theo yêu cầu, đề nghị của họ. Hành vi bạo lực về thể chất có thể là tát, đấm, đá, véo, giật tóc hoặc bị đánh bằng đồ vật (như gậy, thắt lưng, roi , giầy...); trẻ em bị buộc phải đứng, ngồi, quỳ trong các tư thế khó chịu như đứng vào tổ kiến, quỳ trên vỏ mít,... Thậm chí còn có một số bị các hình phạt tàn bạo như: dí điện, tẩm xăng đốt, treo ngược lên cây,... Bên cạnh bạo lực về thể xác, trẻ em còn bị bạo lực về tinh thần. Phổ biến nhất là mắng nhiếc, đe dọa gây áp lực, bỏ mặc... Nếu bạo lực về thể xác dễ nhận biết khi thương tích trên cơ thể nạn nhân thì bạo lực về tinh thần rất khó nhận biết. Những đứa trẻ bị bị tổn thương về tinh thần rất nghiêm trọng, song người ta chỉ nhận biết được khi sự tổn thương đó dẫn đến nạn nhân có những hành vi như tự tử, bỏ nhà đi lang thang, bị kẻ xấu lợi dụng hoặc vi phạm pháp luật.

Trong nhiều gia đình, việc xử phạt của cha mẹ đối với con được cho là một biện pháp giáo dục, tuy nhiên biện pháp này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần của trẻ em. Theo Báo cáo điều tra, đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2014 (MICS) tại Việt Nam thì 68,4% trẻ em từ 01 - 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình. Trong đó có 2,1% trẻ em bị xử phạt thể xác nặng, 42,7% trẻ em bị xử phạt bằng thể xác, 58,2% trẻ bị xử phạt và áp lực tâm lý. Trẻ em bị xử phạt nặng về thể xác rơi vào trẻ em sống ở vùng thành thị (2,4%) tăng hơn so với các gia đình ở nông thôn (2,0) và chủ yếu là các trẻ em trai. Nhóm trẻ bị xử phạt thể xác nặng trong gia đình có cha mẹ trình độ học vấn thấp (5,5%) so với cha mẹ có trình độ tốt nghiệp THPT (1,4%). Có 16,1% người mẹ cho rằng nên xử phạt về thể xác và 13,1% người cha đồng ý với quan điểm này89. Tỷ lệ trẻ em bị xử phạt tinh thần cũng biến động tương tự, đặc biệt phụ thuộc vào trình độ học vấn của chủ hộ và mức sống của hộ gia đình. Thực tế cho thấy, cuộc sống thành thị với nhiều áp lực đã khiến các bậc làm cha mẹ có những hình phạt nặng không đáng có với con mình, mặc dù trình độ của cha mẹ không thấp.

Theo thống kê của Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 (trên cơ sở các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88% tổng số các vụ bạo lực trẻ em. Đồng thời, còn nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại từ người ngoài, nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, trong đó có trường hợp cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác. Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, sinh con;... có trường hợp trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong, bị giết hại mang tính chất dã man, mất nhân tính cụ thể: trong 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong). Các địa phương có số trẻ bị tử vong nhiều là Hà Nội (13 trẻ), Bắc Ninh (8 trẻ), Gia Lai (8 trẻ), Lào Cai (8 trẻ), Quảng Ninh (7 trẻ), Thanh Hóa (7 trẻ)90. Điển hình là các vụ việc dưới đây:

Năm 2014, tại Giá Rai, Bạc Liêu bà ngoại đánh cháu 2 tuổi gây thương tích nặng do cháu bé làm vỡ chai dầu gió. Kinh khủng hơn bà ta còn dùng dầu gió vung vãi trên đất do bị vỡ, bôi vào hai mắt cháu khiến mắt cháu sưng phù. Ngày 9/12/2014, Công an huyện Giá Rai, Bạc Liêu đã triệu tập bà Thạch Thị S (64 tuổi, ngụ ấp 3, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) để làm rõ thông tin bé Khương Nguyễn Minh K (2 tuổi, cháu ngoại bà S) bị đánh gây thương tích nặng. “Bước đầu bà S thừa nhận đã đánh K vì giận cháu làm bể chai dầu gió của bà”. Do mẹ cháu K lên Sài Gòn làm thuê, gửi con lại cho mẹ nuôi giúp nên việc chăm sóc cháu cũng khiến bà mệt mỏi, vất vả91.

Năm 2016, bố đẻ đánh đập dã man con gái ruột tại Quảng Bình. Cháu T (8 tuổi) bị cha đẻ đánh tím hai chân vì trên đường đi học về đến nhà bà ngoại để thăm mẹ (do bố mẹ bé đã ly hôn, cháu ở với bố) nhưng không gặp được mẹ. Sau đó, cháu về nhà thì bị bố ruột dùng roi đánh tới tấp vào người khiến trên cơ thể bé đầy các vết thương92 .

Năm 2017 vụ bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị cha ruột đánh rạn sọ não cháu Trần Gia K. (10 tuổi) về nhà ông bà nội ở Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình để cầu cứu, vì bị bố và mẹ kế bạo hành dã man với nhiều thương tích trên người, xương sườn bị gãy và trên đầu bị rạn sọ não. Vụ ông Trần Hoài N và vợ là Phạm Thị Tú T (đều 35 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã có hành vi đánh đập, hành hạ cháu Trần Nguyên K là con đẻ của N và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. N và T thường “đánh đòn để dạy” mỗi khi K không ngoan, không nghe lời. Nhiều lần N đá ngang mạng sườn, dồn cháu K vào góc tường rồi dùng chân đạp liên tiếp vào người, bắt cháu K uống nước mắm, nằm dưới đất khi không vừa ý... Khi cháu K trốn về nhà ông bà nội, kể lại toàn bộ sự việc bị bố và mẹ kế đánh đập cho ông bà nghe, ông nội cháu K đã đưa cháu đến cơ quan công an trình báo. N và T sau đó tới cơ quan điều tra đầu thú. Cáo trạng xác định, tổn hại sức khoẻ của cháu K do chính cha đẻ gây ra là 22%, còn mẹ kế trực tiếp đánh đã khiến cháu tổn hại 3%. N bị Toà án nhân dân quận Cầu Giấy tuyên phạt 6 năm 6 tháng tháng tù. T cũng bị tuyên phạt 5 năm tù93.

Tại Bản án số 59/2018/HS-ST ngày 14/8/2018. Ông C và bà Nguyễn Thị Xuân Đ kết hôn năm 2006 có con chung là cháu Võ Hiếu N. Năm 2011, C và Đ ly hôn, cháu N được bà Đ nuôi dưỡng. Từ đầu tháng 8/2017 đến giữa tháng 9/2017, chị Đ không cho cháu N đi học vì cho rằng N hiếu động, nghịch phá. Đ đã dùng roi tre dài 66cm, đường kính nơi nhỏ nhất là 0.8cm, nơi lớn nhất là 01cm để đánh cháu N nhiều lần, nhiều nơi trên cơ thể cháu gây ra nhiều vết thương hở, nhiều vết bầm... Sau khi bị tố giác, chị Đ đã bị cơ quan chức năng giải quyết theo pháp luật. Bị cáo Đ thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vĩnh Long và đồng ý với tội danh mà bị cáo bị truy tố. Tòa đã tuyên bố bị cáo Đ phạm “Tội hành hạ con”. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Xuân Đ 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 tháng. Thời hạn thử thách của bị cáo được tính từ ngày tuyên án 14/8/201894.

Gần đây, năm 2020, vụ án mẹ đẻ và cha dượng đã bạo hành bé gái 3 tuổi đến tử vong đã dấy lên tình trạng bạo hành trẻ em, mất tính người của các bị cáo. Theo đó, Tòa án đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh T (31 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tử hình về tội giết người và 30 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hình phạt là tử hình. Bị cáo Nguyễn Thị Lan A (29 tuổi) bị phạt tù chung thân về tội giết người, 18 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hợp hình phạt là chung thân. Đây là hình phạt thích đáng cho những kẻ vô nhân tính có những hành vi gây căm phẫn trong toàn xã hội95.

Cuối tháng 12/2021 nổi lên vụ việc bạo hành với con của nhân tình tại TP.HCM dẫn đến chết của bé gái 8 tuổi của bà Võ Quỳnh Trang (SN 1995). Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra theo đơn tố cáo của mẹ cháu bé là vợ đã ly hôn của cha ruột cháu A là ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985). Vụ việc gây bức xúc trong dư luận bởi sự vô tâm của người cha và thiếu quyết liệt của mẹ cháu bé khi cháu bị hành hạ, đánh đập dã man. Vụ việc đang trong quá trình điều tra nhưng cũng đã có những “giá như”… bởi cháu A đã tử vong.

Trên đây là những vụ việc gây chấn động trong dư luận, đã và đang giải quyết. Ngoài ra, còn nhiều hành vi của cha mẹ trong cuộc sống thường ngày nhưng đã để lại những hậu quả sâu sắc, ám ảnh suốt cuộc đời con trẻ. Việc trẻ em phải chứng kiến bạo lực giữa cha và mẹ là vấn đề cần xem xét ở nhiều góc độ. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cha mẹ sử dụng bạo lực với con mình để giải tỏa những vấn đề cha, mẹ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày lại đang được xã hội chấp nhận96. Đặt vấn đề, nếu cha mẹ bạo lực tinh thần cho con hoăc không quan tâm, chia sẻ giúp đỡ con dẫn đến việc con ức chế tâm lý, bế tắc đi đến tự tử, ai là người phải chịu trách nhiệm? Cha mẹ có vô can không khi trẻ em có những quyết định dại dột như vậy? Thực tế hiện nay, vẫn tồn tại việc cha, mẹ gây áp lực, la mắng, chửi bới, xúc phạm con cái dẫn đến hành vi tự tử của con đang đặt ra những bài toán trách nhiệm của cha mẹ, mặc dù họ không mong muốn con họ làm như vậy.

Như vậy, về mặt luật pháp, các quyền trẻ em đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ tương đối đầy đủ khi xác định nghĩa vụ của cha mẹ đối với trẻ em nhưng vẫn tồn tại bạo lực gia đình và ngày trở nên phổ biến, đáng lo ngại trong đời sống xã hội của nước ta hiện nay. Có thể thấy, trong mọi trường hợp trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình thì cha, mẹ đều chưa thực hiện đúng nghĩa vụ của họ. Bởi lẽ, một là hơn ai hết, cha mẹ phải là người có nghĩa vụ “tạo cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận” theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật HN&GĐ năm 2014. Không những không làm được điều này, cha mẹ chính là người có hành vi bạo lực đối với trẻ em hoặc làm ngơ khi người thân thích có hành vi bạo lực đối với con mình.

Theo: Nguyễn Thị Hạnh

Link luận án: 

https://docs.google.com/document/d/1HLstYqVahRReSa2YdJhVrAbNdOHfYy4z/edit

a

avatar
Đặng Quỳnh
317 ngày trước
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT HÔN NH N VÀ GIA ĐÌNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM
 3.1.   Quy định kết hôn trong việc bảo vệ quyền trẻ em và thực tiễn thực hiện3.1.1. Bảo vệ quyền trẻ em trong quy định về điều kiện kết hônKết hôn là quyền của mỗi người để xác lập quan hệ vợ chồng, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Đây là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân, là một trong các cơ sở để hình thành gia đình. Theo quy định của pháp luật, khi kết hôn nam, nữ phải thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định. Việc quy định điều kiện kết hôn xuất phát từ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân gia đình, trong đó có trẻ em, lợi ích của gia đình và trật tự công cộng. Bảo vệ trẻ em trong các quy định về điều kiện kết hôn thể hiện ở các nội dung sau:Về tuổi kết hôn: Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định tuổi kết hôn tối thiểu của nam là từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên. Như vậy, tuổi kết hôn tối thiểu cao hơn tuổi trẻ em. Theo Luật Trẻ em năm 2016 thì “trẻ em là người dưới 16 tuổi” (Điều 1). Với quy định này, nhà làm luật loại trừ việc kết hôn ở độ tuổi trẻ em. Từ góc độ bảo vệ trẻ em với tư cách là người được hưởng quyền, được bảo vệ để phát triển, pháp luật của Việt Nam và của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định tuổi kết hôn tối thiểu cao hơn tuổi trẻ em. Quy định như vậy để bảo đảm nam, nữ trưởng thành về thể chất và trí tuệ, có thể thực hiện thiên chức và trách nhiệm của mình trong quan hệ hôn nhân. Khi trở thành cha, mẹ, họ nhận thức và có thể thực hiện được trách nhiệm của mình đối với con.Một số quốc gia quy định nữ đủ 16 tuổi có thể được kết hôn52. Khi xây dựng Dự thảo Luật HN&GĐ năm 2014 cũng có ý kiến cho rằng cần hạ thấp tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 16 tuổi. Bởi trên thực tế, ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, có nhiều em gái chỉ 15, 16 tuổi đã làm đám cưới, sinh con theo phong tục địa phương và tham khảo quy định của các quốc gia trên thế giới cho thấy một số quốc gia đã quy định tuổi kết hôn của nữ dưới 18 tuổi. Tuy nhiên ý kiến này không được chấp nhận, bởi vì:Một là, với tư cách là chủ thể thực hiện quyền, sau khi hết tuổi là trẻ em, các em sẽ tiếp tục bước sang giai đoạn trẻ vị thành niên. Đây là độ tuổi chưa thành niên, còn được hưởng những quy định pháp luật đặc thù cho lứa tuổi này. Độ tuổi từ 16 đến 18 là khoảng thời gian cần thiết để các em tiếp tục học tập, rèn luyện, trưởng thành hơn, bảo đảm khi đủ tuổi kết hôn thì đã phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý, có thể thực hiện được các chức năng xã hội của gia đình, để con sinh ra được khỏe mạnh, để khi làm cha mẹ họ nhận thức được trách nhiệm đối với con. Trên cơ sở khoa học về nhân chủng học và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta, sự phát triển sinh lý của con người đến giai đoạn này mới đầy đủ về thể lực, sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ để bảo đảm thực hiện chức năng sinh sản với những đứa trẻ trong tương lai khỏe mạnh, trí tuệ. Việc quy định độ tuổi tối thiểu kết hôn còn thể hiện sự đảm bảo về yếu tố tâm lý, sự vững vàng về tài chính của hai bên nam nữ, bởi đến giai đoạn này, sự phát triển tâm lý mới ổn định, có sự trưởng thành, chín chắn, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em và đã có thể lao động để đảm bảo phần nào tài chính nên sự lựa chọn của hai bên nam nữ sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững là nền tảng cho và mái ấm cho trẻ em.Hai là, về mặt sinh học thì cơ thể người phụ nữ chưa phát triển hoàn thiện trước tuổi 18, nếu kết hôn và mang thai thì nguy cơ tai biến sản khoa sẽ gia tăng, đứa con còn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và dẫn đến hậu quả xa hơn là làm suy giảm chất lượng giống nòi. Việc quy định như vậy nhằm bảo vệ trực tiếp trẻ em gái. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Vy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định: Ở tuổi 16, 17, khung xương chậu của thiếu nữ chưa phát triển hoàn thiện, ít nhất phải đến 22 tuổi cơ thể phụ nữ mới phát triển đầy đủ cho việc sinh con, còn những trường hợp 16, 17 tuổi mà sinh con hầu hết phải mổ lấy thai. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo độ tuổi thích hợp để có thai lần đầu là 20 đến 22 tuổi53. Như vậy, việc hạ độ tuổi kết hôn sẽ trực tiếp xâm phạm đến quyền được phát triển toàn diện của trẻ em, ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.Quy định tuổi kết hôn tối thiểu đối với nam là đủ 20 và đối với nữ là đủ 18 còn nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn đã và đang tồn tại ở Việt Nam. Tảo hôn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mà mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ cao. Tảo hôn khiến trẻ em khó có cơ hội đi học. Tảo hôn khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình thấp, dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao. Khi kết hôn sớm trẻ em sẽ không được vui chơi, giải trí, tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi. Điều này dẫn đến phần lớn các cặp “vợ chồng” tảo hôn thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh đói nghèo, chia rẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Tảo hôn còn dẫn đến những tác hại đối với trẻ sơ sinh bởi khi cơ thể người mẹ chưa hoàn thiện sẽ dẫn đến thai nhi không được phát triển đầy đủ dẫn tới trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, khó khăn trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và gây hậu quả xấu tới nguồn nhân lực của đất nước. Người mẹ còn nhỏ tuổi, chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm nuôi con, trong nhiều trường hợp còn là mối nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ em.Như vậy, quy định tuổi kết hôn tối thiểu là nhằm bảo vệ nhóm quyền được phát triển, quyền đươc sống còn trẻ em khi người mẹ trong độ tuổi trẻ em.Luật HN&GĐ hiện hành không quy định tuổi kết hôn tối đa. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt quyền của trẻ em, đặc biệt đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ em, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các nhà khoa học cũng có khuyến cáo với các gia đình và các bà mẹ về độ tuổi sinh nở, thời điểm mang thai để đảm bảo an toàn và tốt nhất cho cả mẹ và con. Theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Theo đó, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi... để đảm bảo mức sinh đồng thời bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trên cơ sở quy định pháp luật và các kiến thức y khoa mà mỗi gia đình xác định thời điểm mang thai và sinh em bé phù hợp nhất với điều kiện của mỗi người.Qua tham khảo pháp luật một số nước cho thấy: Hầu hết các quốc gia quy định tuổi kết hôn lớn hơn tuổi trẻ em. Một số quốc gia quy định tuổi kết hôn ở độ tuổi trẻ em nhưng phải có sự đồng ý của cha, mẹ khi kết hôn54. Bên cạnh đó, các nước phát triển lại có khái niệm tuổi được quan hệ tình dục như ở Pháp cho phép người từ đủ 15 tuổi trở lên được quan hệ tình dục, trong khi ở Mỹ là 12 tuổi, Nhật Bản là 13 tuổi, Canada là 16 tuổi và ở Hàn Quốc phải là 20 tuổi55. Một số nước vẫn còn tình trạng tảo hôn như: Ấn Độ 47% các cô gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi, và 18% nam kết hôn khi chưa đủ 15 tuổi56. Việc quy định như vậy được đánh giá là phù hợp với văn hóa ở các nước có nền kinh tế phát triển, tuy nhiên chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam bởi quan niệm với tư tưởng Á Đông về hành vi quan hệ tình dục gắn với việc kết hôn.Có thể nhận định rằng điều kiện về tuổi kết hôn có ý nghĩa trực tiếp đối với nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em, đặc biệt ngăn chặn trẻ em bị xâm hại và bóc lột tình dục và nhóm quyền được phát triển của trẻ em.Thực tiễn thực hiện pháp luật về độ tuổi kết hôn cho thấy việc nam, nữ lấy vợ, lấy chồng khi chưa đến tuổi kết hôn mặc dù những năm gần đây đã giảm nhưng vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại trong xã hội Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014; bình quân mỗi năm giảm 0,94W. Trong đời sống xã hội cũng như nhận thức của đa số người dân đều thừa nhận đây là một tập tục lạc hậu, vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền trẻ em. Luật HN&GĐ, Luật Trẻ em và BLHS hiện hành nghiêm cấm và có chế tài xử phạt hành vi kết hôn ở độ tuổi trẻ em và tảo hôn nhưng thực tế tình trạng này vẫn xảy ra. Hiện tượng trẻ em “kết hôn”58 cũng đáng quan tâm khi kết quả thống kê cho thấy có khoảng 02% nam giới và 6.3% nữ giới từ 15 đến 19 tuổi đã kết hôn59. Theo số liệu thống kê, năm 2014 tại Việt Nam cứ 100 phụ nữ lại có 1 người lấy chồng trước khi 15 tuổi60. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu tại các vùng dân tộc thiểu số của các tỉnh như: Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Gia Lai... Với tỷ lệ này (0,01%), trẻ em không chỉ phải đối mặt với việc không được đi học, không được tham gia các hoạt động vui chơi mà còn phải chăm lo cho gia đình, phải chăm sóc, nuôi dưỡng con, phải làm kinh tế... Đồng thời, trẻ em gái lấy chồng sớm, mang thai, sinh đẻ khi chưa phát triển hoàn thiện về sinh lý, tâm lý cũng như thiếu hiểu biết và kinh nghiệm sẽ có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh.Việc vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn có sự khác biệt cơ bản về giới và địa bàn dân cư. Kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 cho thấy 3,9% trẻ em gái ở độ tuổi từ 15 - 17 tuổi đã kết hôn so với tỷ lệ 0,9% trẻ em trai cùng nhóm tuổi61. Những khu vực có tỷ lệ nữ giới kết hôn trước 18 tuổi cao nhất là Trung du và miền núi Bắc Bộ (18,8%), Tây Nguyên (15,8%) và Đồng bằng sông Cửu Long (13,8%), thấp nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng (7,9%). Nếu so sánh tỷ lệ kết hôn trẻ em ở khu vực sinh sống thì ở khu vực nông thôn (13,3%) sẽ phổ biến hơn khu vực so với khu vực thành thị (7%)62.Hệ lụy phát sinh từ việc trẻ em có nhận thức chưa đúng đắn về tuổi kết hôn, sinh hoạt tình dục ở Việt Nam còn tồn tại tỷ lệ phá thai ở trẻ em chiếm tỷ lệ lớn khoảng 1/3 số ca phá thai ở Việt Nam. Đây là tỷ lệ phá thai ở phụ nữ tuổi chưa thành niên cao nhất tại Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới63. Hiện tại, phá thai ở Việt Nam không bị pháp luật cấm, nên khi trẻ em mang thai ngoài ý muốn nếu không được quan tâm và chăm sóc đúng cách dẫn đến phá thai không an toàn là mối nguy hại đối với sức khỏe thể chất, sức khỏe sinh sản và tinh thần của trẻ em gái.Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn tồn tại ở Việt Nam, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội kém phát triển, tồn tại những tập tục lạc hậu như Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên sinh con chiếm tỷ trọng 3,3‰, trong đó cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰), cao hơn 8,5 lần so với vùng Đồng bằng sông Hồng (1,1‰). Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 10 -17 tuổi sinh con cao thứ hai (6,8‰)64. Tỷ lệ phụ nữ sinh con ở độ tuổi chưa thành niên cao hơn hẳn so với các vùng khác một phần là do điều kiện sống khó khăn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng của kết hôn và sinh con sớm tới sức khỏe bà mẹ trẻ em còn hạn chế; một phần là do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số về việc lấy chồng và sinh con sớm. Tỷ lệ phụ nữ từ 10 -17 tuổi sinh con ở khu vực nông thôn là 4,2‰, cao hơn ba lần so với khu vực thành thị (1,3‰). Điều này chứng tỏ nữ chưa thành niên ở khu vực nông thôn có xu hướng sinh con sớm hơn khu vực thành thị.Như vậy, tồn tại những vi phạm quy định pháp luật HN&GĐ về độ tuổi kết hôn khác nhau ở mỗi độ tuổi và vùng dân cư và giới tính. Đối với trẻ em gái các quyền trẻ em đều bị hạn chế như quyền phát triển, quyền tham gia... Sâu xa hơn, khi một người vẫn đang trong độ tuổi trẻ em làm mẹ thì khó có thể đảm bảo các điều kiện, kinh nghiệm để chăm sóc những đứa trẻ. Hậu quả của những vi phạm này nguy hiểm bởi các hệ lụy đó không thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thế hệ tương lai. Có thể thấy, trẻ em “kết hôn” là rào cản lớn đối với việc bảo vệ quyền trẻ em. Qua thực tế có thể nhận định rằng tình trạng này có sự tham gia trực tiếp hoặc có sự “tiếp tay” của cha, mẹ, người thân thích của trẻ em.Về sự tự nguyện khi kết hôn: Theo điểm b khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 thì khi kết hôn, nam và nữ tự mình quyết định việc kết hôn. Quy định này một mặt thể hiện nguyên tắc tự do hôn nhân, mặt khác mang ý nghĩa đối với việc đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận, hạnh phúc. Nam nữ tự nguyện kết hôn và cùng hướng tới mục đích của hôn nhân cùng nhau xây dựng gia đình, vượt qua những khó khăn, tạo ra môi trường gia đình đầm ấm để trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển trong tình yêu thương và đùm bọc của cha mẹ. Sự tự nguyện kết hôn quyết định thái độ, tình cảm, trách nhiệm của hai bên nam, nữ với việc thực hiện các chức năng xã hội cơ bản của gia đình, tạo môi trường cho sự phát triển của con, là cơ sở đảm bảo quyền của trẻ em trong gia đình được thực hiện.Hiện tượng trẻ em bị cưỡng ép kết hôn chủ yếu xảy ra ở vùng dân tộc thiểu số. Ở Việt Nam hiện nay có một số dân tộc thiểu số còn tồn tại những tục lệ lạc hậu liên quan đến việc cha, mẹ ép kết hôn. Một số tập tục áp đặt đối với trẻ em khiến trẻ em không có cơ hội để phát triển. Ở địa bàn xã Phình Giàng (Điện Biên) và Suối Giàng (Yên Bái), những trường hợp thanh niên tự tử bằng cách ăn lá ngón vì bị bố mẹ phản đối việc kết hôn không phải hiếm. Ở Tân Lạc, Hòa Bình, trong 10 nữ thanh niên người Mường kết hôn sớm được phỏng vấn, có một em đang đi học, chưa muốn cưới nhưng bố mẹ hai bên giục cưới vì thấy tình yêu của các con đã đủ độ chín. Một em khác lấy chồng năm 15 tuổi, chồng hơn 10 tuổi, bố mẹ chưa muốn gả con vì chưa đủ tuổi nhưng bố mẹ chồng giục nên phải cưới65. Việc cha mẹ ép gả con cái khi chưa đến tuổi kết hôn thường xảy ra đối với trẻ em gái bởi theo phong tục của người Mường thì nếu gia đình không có con trai thì một trong những người con rể sẽ phải ở rể tại nhà bố mẹ vợ. Người con rể này sẽ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình nhà vợ. Vì vậy, trong nhiều trường hợp khi có được chàng trai sẵn sàng ở rể, cha mẹ thường ép con gái cưới mặc dù tuổi còn nhỏ. Như vậy, việc ép gả trong hôn nhân trong những trường hợp cá biệt còn bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ của bố mẹ trẻ em. Việc cha mẹ ép, gả, gây sức ép con trong hôn nhân đã hạn chế quyền tự quyết định, tự chủ trong tình yêu và hôn nhân của thanh, thiếu niên đồng thời vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.Qua nghiên cứu, tìm hiểu trên thực tế, để bảo vệ quyền trẻ em ta sẽ tiếp cận Nhân học để nhìn nhận dưới góc độ xã hội hay nói cách khác tiếp cận khi đặt trọng tâm vào “tiếng nói của người trong cuộc” nhận thấy tình trạng kết hôn của các em tại các vùng dân tộc thiểu số không hoàn toàn do người lớn ép buộc hay xúi giục mà do các em “tự nguyện” đến với nhau vì nhiều nguyên nhân. Thanh niên chủ động tìm hiểu, hẹn hò và quyết định trở thành “vợ chồng”. Có nhiều trường hợp con xin ý kiến cha mẹ trước đó, cũng có những trường hợp cha mẹ chỉ biết đến quyết định hôn nhân của con mình khi nhà trai đến thông báo đã đưa cô gái về và xin hỏi cưới. Một phụ huynh nam 47 tuổi, Vân Kiều, Quảng Trị cho biết “Ý định của bố mẹ là thích dâu phải 18 là được, rồi con mình là 20 là được... nhưng mà theo sở thích của con, con nói thế nào thì bố mẹ phải theo thôi, không theo không được”66. Tuy nhiên, dù là tự nguyện nhưng việc lấy vợ, lấy chồng ở độ tuổi trẻ em và nữ mang thai ở độ tuổi trẻ em là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ suất chết mẹ, chết con hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân chiếm tỷ lệ lớn67. Với cách tiếp cận này, chúng ta nhận thấy cần tiếp tục phổ biến, giáo dục pháp luật HN&GĐ để tránh những hậu quả xấu với nhiều thế hệ trẻ em.Như vậy, việc vi phạm quy định điều kiện kết hôn theo Luật HN&GĐ vẫn tồn tại do những phong tục, tập quán của một cộng đồng dân cư và hiện tượng thanh niên, nam nữ kết hôn trong độ tuổi trẻ em mà không do ép buộc, họ cũng tìm hiểu và lấy nhau vì những lý do giản đơn đều có thể giới hạn việc thực hiện quyền của trẻ em. Bên cạnh đó có những cặp vợ chồng chung sống không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà là để đạt được lợi ích nào đó cho các bên thì họ đã vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ sẽ có những tác động gián tiếp đến quá trình phát triển của trẻ em.Về năng lực hành vi dân sự của người kết hôn: Theo điểm c khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 thì người kết hôn phải không bị mất năng lực hành vi dân sự. Quy định người kết hôn phải không bị mất năng lực hành vi dân sự có ý nghĩa trong bảo vệ trẻ em thể hiện ở các khía cạnh sau:Thứ nhất, một số nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho biết có sự liên quan tương đối giữa yếu tố di truyền với nguy cơ gây bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần là tình trạng rối loạn dẫn đến mất khả năng phân biệt và điều chỉnh suy nghĩ, hành vi, tâm trạng. Bệnh có nhiều dạng khác nhau có thể phân biệt và cụ thể hóa bằng các tên gọi như bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện. Thống kê chi tiết cho biết, trong mối quan hệ trực hệ gia đình, tỷ lệ di truyền bệnh tâm thần là khoảng 16,4% nếu có bố hoặc mẹ bị tâm thần, là khoảng 68% nếu có cả bố và mẹ bị tâm thần và là khoảng 14,3% nếu có anh chị em bị tâm thần. Nếu so sánh giữa các đối tượng có người thân trực hệ bị tâm thần với những người không có người thân trong gia đình bị tâm thần thì tỷ lệ mắc bệnh chênh lệch luôn là khoảng 10h. Cụ thể, đối với bệnh tâm thần phân liệt thì tỷ lệ cao hơn rất nhiều “Có tới bốn trong số năm trường hợp mắc bệnh tâm thần phân liệt là do gen di truyền từ cha mẹ của đứa trẻ”69. Nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng tâm thần phân liệt là bệnh di truyền. Theo đó, “nguy cơ bị tâm thần phân liệt chỉ phát hiện ở khoảng 10% anh chị em ruột, 12% con cái và 6% cha mẹ những người mắc bệnh tâm thần phân liệt; nếu cả cha lẫn mẹ đều bị tâm thần phân liệt thì nguy cơ bị bệnh ở các con cũng chỉ từ 30 - 40%”70. Những người bị bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi nhưng nếu kết hôn thì việc có con vẫn diễn ra theo quy luật sinh học. Như vậy, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ là người tâm thần sẽ dẫn đến nguy cơ mang gen, mầm bệnh tâm thần. Đứa trẻ sẽ khó khăn trong cuộc sống sau này, không có khả năng làm chủ hành vi và ứng xử thông thường. Việc xác định năng lực hành vi dân sự trước khi kết hôn là cần thiết nhằm bảo vệ gia đình và trẻ em.Thứ hai, tiếp cận quy định pháp luật về điều kiện này dưới góc độ bảo vệ quyền và lợi ích của các con chung và các thành viên trong gia đình, nhận thấy: nếu người tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự kết hôn và có con thì sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con, trong đó cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ con. Tuy nhiên, những người mất năng lực hành vi dân sự thì không nhận thức và thực hiện được nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con, không đủ năng lực để giáo dục, chăm lo cho con. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục của trẻ em. Hơn nữa, nếu một bên, thậm chí là cả hai bên bị mất năng lực hành vi dân sự thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sẽ do thành viên khác của gia đình thực hiện. Khi đó, việc bảo vệ trẻ em trở lên khó khăn, sinh mạng của trẻ cũng không được đảm bảo an toàn, nguy cơ cao trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như bị bỏ rơi, bị bỏ mặc, thất học... Ở khía cạnh khác, có thể thấy, khi trẻ em có cha, mẹ bị bệnh tâm thần thì tính mạng và sức khỏe của trẻ em cũng có thể bị nguy hiểm bởi họ sẽ không làm chủ và kiểm soát được hành vi của mình, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của trẻ. Rõ ràng, nếu người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của con chung, trẻ em có thể bị tước đi quyền được yêu thương, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng và các quyền cơ bản khác. Như vậy, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định những người mất năng lực hành vi dân sự không được kết hôn góp phần bảo vệ quyền được sống và phát triển toàn diện của trẻ em. Trên thực tế, vẫn có những vướng mắc khi áp dụng việc tuyên bố mất mất năng lực hành vi. Theo quy định tại khoàn 1 Điều 22 BLDS năm 2015 thì một người chỉ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên người đó mất năng lực hành vi dân và phải căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần. Để thực hiện thủ tục cần từ 30 đến 45 ngày và các bước cụ thể theo quy định tại BLTTDS71. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp người có những dấu hiệu rõ ràng về khả năng nhận thức khi mắc những chứng bệnh di truyền dễ thấy như người mắc hội chứng Down thì cần xem xét thực hiện thủ tục tuyên bố mất NLHV không. Theo quan điểm của chúng tôi, đối với những trường hợp như vậy cần hướng dẫn cụ thể theo hướng hạn chế kết hôn.Về cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ và những người khác có họ trong phạm vi ba đời:Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014 thì những người có cùng dòng máu về trực hệ, những người có họ trong phạm vi ba đời bị cấm kết hôn với nhau. Người có cùng dòng máu về trực hệ là người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau72. Pháp luật quy định cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần là nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thế hệ kế tiếp.Theo kết quả nghiên cứu của ngành khoa học về huyết học và khảo sát thực tế cho thấy, những người có quan hệ huyết thống gần mà kết hôn với nhau thì con của họ sinh ra thường bị bệnh tật và những dị dạng, thậm chí có trường hợp con sẽ bị tử vong ngay sau khi sinh và tỷ lệ tử vong của những trẻ sơ sinh càng cao nếu quan hệ huyết thống của cha mẹ chúng càng gần. Theo thống kê, những đứa trẻ được sinh ra từ cha mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh về máu cao gấp 10 lần so với những trẻ bình thường khác. Điển hình của các bệnh máu này là Thalassemia (tan máu di truyền) và Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền). Theo TS. Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học di truyền, Bệnh viện nhi Trung ương, những đứa trẻ sinh ra từ các cặp có hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh73. Những đứa trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh có trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao. Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống là cơ sở cho những gen lặn bệnh lý tương đồng ở những ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau và kết quả là dù khoẻ mạnh, họ vẫn có thể sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời. Những đứa trẻ sinh ra từ các cặp có hôn nhân cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh bệnh tan máu bẩm sinh di truyền. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh tan máu bẩm sinh di truyền, người bệnh cần phải điều trị suốt cả cuộc đời với chi phí rất tốn kém, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, để lại những hậu quả rất nặng nề cho thế hệ tương lai. Để giải thích hiện tượng này, di truyền học cho biết, mọi đặc điểm trên cơ thể đều được quy định bởi gene, kể cả trường hợp bệnh lý. Cơ thể mỗi người có khoảng 500 - 600 nghìn gene, trong số đó không tránh khỏi có một số gene lặn bệnh lý, chưa có điều kiện bộc lộ gây tác hại. Gene lặn bệnh lý tồn tại dai dẳng trong dòng họ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu cuộc hôn nhân được tiến hành với người khác dòng họ thì nguy cơ bệnh bộc phát thường không cao. Trái lại, hôn nhân cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gene lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau, sinh ra những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền74.Trên thực tế, tình trạng hôn nhân cận huyết thống chủ yếu là vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng có kinh tế xã hội khó khăn. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế- xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 cho thấy: Tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của 53 DTTS là 0,65%. Trong đó các DTTS có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru, Si La, Pu Péo, Mông, Rơ Măm, Brâu... có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống lên đến 10%, tức là cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Một số DTTS khác có tỷ lệ hô nhân cận huyết thống thấp hơn như: Dân tộc Mạ là 4,41%, dân tộc Mảng là 4.36%, dân tộc Mnông là 4,02%, dân tộc Xtiêng là 3,67%... Trong đó, phổ biến là kết hôn giữa con cô, con cậu, con chú, con bác, con dì với nhau75. Tình trạng này cho thấy, việc thực thi pháp luật về điều kiện kết hôn chưa thật nghiêm, còn những khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm này bởi sự công nhận và bảo vệ của một cộng đồng dân cư viện cớ đó là “lệ làng”. Đồng thời, việc vi phạm điều kiện kết hôn về những người trong cùng dòng máu về trực hệ thường đi liền cùng tảo hôn, không báo cáo chính quyền khi cưới, vì vậy rất khó để xử lý các hành vi vi phạm này.Như vậy, việc kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần gây nguy cơ suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật trực tiếp lên chính trẻ em - người kế tục tương lai của đất nước, bệnh lại di truyền tiếp cho thế hệ sau gây suy thoái chất lượng giống nòi. Những trẻ em được sinh ra từ cha mẹ có quan hệ hôn nhân cận huyết thống mang gen bệnh sẽ không thể có cuộc sống bình thường, các em sẽ không được hưởng trọn vẹn quyền được sống, khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Vì vậy, pháp luật cấm những người có quan hệ huyết thống gần kết hôn với nhau để đảm bảo cho con sinh ra được khỏe mạnh, nòi giống phát triển lành mạnh, phù hợp với đạo đức, đảm bảo lợi ích gia đình và xã hội.3.1.2. Bảo vệ quyền trẻ em trong quy định về hậu quả hủy việc kết hôn trái pháp luật và giải quyết nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hônKết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn. Hủy việc kết hôn trái pháp luật được hiểu là một biệp pháp chế tài của Luật HN&GĐ đối với các cá nhân có hành vi phạm pháp luật về điều kiện kết hôn. Khi Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của con vì vậy, nếu giữa các bên có con chung thì phải giải quyết việc nuôi con. Luật HN&GĐ năm 2014 quy định khi hủy việc kết hôn trái pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con được giải quyết như khi vợ chồng ly hôn (khoản 2 Điều 12). Như vậy, khi Tòa án ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật mà các bên có con chung chưa thành niên thì việc nuôi con và cấp dưỡng cho con được thực hiện theo các quy định từ Điều 81 đến Điều 84 Luật HN&GĐ năm 2014. Theo đó, việc giao con cho một bên trực tiếp nuôi phải vì lợi ích tốt nhất về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, giáo dục con và cấp dưỡng cho con. Với các quy định về giải quyết việc nuôi con và cấp dưỡng cho con có thể nhận thấy quyền của trẻ em được bảo vệ, trẻ em được đảm bảo các điều kiện tốt nhất khi cha mẹ bị hủy việc kết hôn trái pháp luật. Bên cạnh việc giải quyết vấn đề con chung thì khi hủy việc kết hôn trái pháp luật còn giải quyết vấn đề tài sản. Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 và khoản 2 Điều 16 Luật HN&GĐ năm 2014 thì việc giải quyết quan hệ tài sản giữa hai bên phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của con. Có nghĩa là việc chia tài sản chung giữa các bên ngoài việc áp dụng nguyên tắc căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên thì còn phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của con. Chẳng hạn, chia tài sản chung là nhà ở thì cần ưu tiên người trực tiếp nuôi con để đảm bảo con chưa thành niên có chỗ ở ổn định, bảo vệ quyền của trẻ em.Không công nhận quan hệ vợ chồng áp dụng đối với những trường hợp nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Theo quy định tại Điều 14, 15, 16, Luật HN&GĐ năm 2014, tuy không vi phạm điều cấm của pháp luật, nhưng việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, không được công nhận là hôn nhân hợp pháp, sẽ không phát sinh quan hệ vợ chồng, tuy nhiên quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con phải tuân thủ quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo Luật HN&GĐ năm 2014.Trong thực tế, việc hủy kết hôn trái pháp luật là một loại vụ việc dân sự thuộc quyền giải quyết của Tòa án, tuy nhiên việc lựa chọn TAND nào giải quyết hiện nay còn hiện tượng chồng chéo liên quan đến thẩm quyền giải quyết giữa các Tòa án. Bởi theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 thì TAND nơi cư trú của một trong hai bên đương sự (điểm b khoản 2 Điều 35 BLTTDS), hoặc TAND nơi đã đăng ký kết hôn trái pháp luật có thẩm quyền (điểm g khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015) hoặc đương sự, người yêu cầu có quyền lựa chọn TAND nơi một trong các bên cư trú giải quyết (điểm g khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015) sẽ giải quyết vụ việc dân sự này. Sự chồng chéo này có thể ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền của trẻ em khi chưa được xác định thẩm quyền của Tòa án để giải quyết việc hủy kết hôn trái pháp luật của cha mẹ trẻ em.Như vậy, các quy định pháp luật HN&GĐ trên đã bảo vệ được lợi ích hợp pháp của trẻ em là con chung của các cặp nam nữ kết hôn trái pháp luật hoặc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn, đảm bảo thực hiện nguyên tắc dành mọi điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, nhưng những vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục giải quyết có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền trẻ em.3.2.   Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong việc bảo vệ quyền trẻ em và thực tiễn thực hiện3.2.1.   Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng trong việc bảo vệ quyền trẻ emQuyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng được quy định từ Điều 17 đến Điều 23 Luật HN&GĐ năm 2014. Theo đó, vợ chồng bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, nhằm duy trì sự tồn tại của gia đình. Các quyền và nghĩa vụ này đều nhằm thực hiện và thực hiện tốt nhất các chức năng của gia đình như: sinh đẻ nhằm tái sản xuất về sinh học, phát triển kinh tế gia đình, giáo dục con.Vợ chồng có quyền bàn bạc, thống nhất để quyết định số con, lựa chọn thời điểm sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh. Sự bàn bạc, thống nhất giữa vợ và chồng về vấn đề này chứng tỏ vợ chồng đã có kế hoạch và sự chuẩn bị tốt nhất để đón những đứa con của mình về điều kiện vật chất cũng như tinh thần. Ngoài ra, vợ chồng phải thống nhất trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và lựa chọn các biện pháp tránh thai. Điều này rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền được sống của trẻ em.Luật HN&GĐ năm 2014 quy định vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, cùng nhau chia sẻ và thực hiện công việc gia đình trong đó có mục đích để cùng nhau nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Quy định này một mặt khẳng định vai trò bình đẳng của vợ chồng trong việc nuôi dạy con, mặt khác nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện trẻ em. Các nhà khoa học của Ủy ban Nghiên cứu các khía cạnh tâm lý xã hội về Sức khỏe Trẻ em của Pháp cho biết, nếu người mẹ mang đến cho trẻ sự thoải mái và ổn định thì người cha lại thường tạo ra nhiều thử thách hơn trong các trò chơi, dẫn dắt định hướng trong các trò chơi khiến trẻ hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn. Điều này giúp trẻ giảm lo âu, tạo cho chúng sự hưng phấn vui vẻ, đồng thời phát triển khả năng sáng tạo76. Trong gia đình, tình thương yếu mềm của mẹ được bồi đắp bằng sự nghiêm nghị của cha. Sự lo lắng bồn chồn của mẹ được bồi đắp bằng lời động viên khích lệ của cha. Những kỹ năng thiên bẩm của cha, mẹ tuy rất quan trọng, rất cần thiết trong việc nuôi dạy con trẻ nhưng sẽ vẫn không toàn diện nếu thiếu vắng đi vai trò của một trong hai người77. Như vậy, nếu muốn trẻ em phát triển toàn diện, thì trong quá trình phát triển của trẻ không thể thiếu đi bóng dáng của người cha hoặc người mẹ. Người cha đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em mà người mẹ nhiều khi không thể thay thế được. Hơn nữa, khi trong gia đình, vợ chồng cùng chăm sóc, giáo dục con và chia sẻ các công việc gia đình thì gia đình đó đã đạt được bình đẳng giới, xóa bỏ phân công lao động theo giới. Bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em78. Khi bình đẳng giới trong gia đình đã đạt được thì không còn quan niệm công việc nội trợ là của phụ nữ và việc kiếm tiền là của nam giới.Vợ chồng bình đẳng cùng nhau tham gia lao động tạo thu nhập và chia sẻ công việc gia đình chính là nền tảng bảo đảm cho gia đình tồn tại và phát triển, đồng thời là cái nôi ấm áp cho trẻ em nuôi dưỡng tâm hồn và định hình tính cách. Vợ chồng yêu thương, hòa thuận, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của nhau sẽ tạo môi trường sống lành mạnh để trẻ em phát triển trí tuệ và nhân cách góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền được phát triển của trẻ em. Thực tiễn cho thấy, thực hiện quyền bình đẳng của vợ chồng về quyền nhân thân còn gặp nhiều khó khăn liên quan trực tiếp đến thực hiện bình đẳng giới. Tổng hợp số liệu do TAND các cấp thực hiện từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, trong đó có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi... (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn)79. Trong các nguyên nhân đó thì bạo lực giới đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Do các hệ thống xã hội mang tính “phụ hệ” chiếm ưu thế ở Việt Nam, chưa coi trọng công việc nội trợ,... đã hạ thấp tiếng nói của phụ nữ trong gia đình, nên phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân của bạo lực giới. Với những định kiến giới và tư tưởng “trọng nam” vẫn tồn tại khá phổ biến trong gia đình và một bộ phận dân cư xã hội dẫn đến việc người chồng hoặc gia đình chồng gây áp lực với người vợ để có “con nối dõi”, “suất đinh”... dẫn đến thiếu bình đẳng trong gia đình và thiếu yêu thương đúng nghĩa với trẻ em gái khi được sinh ra, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và việc nuôi dạy trẻ em.Như vậy, mặc dù Luật HN&GĐ đã có các quy định về thực hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, tạo nền tảng, cơ sở xây dựng gia đình hạnh phúc, tuy nhiên trong thực tế vẫn tồn tại tỷ lệ không nhỏ các vi phạm pháp luật giữa vợ chồng làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.3.2.2. Quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong việc bảo vệ quyền trẻ emTrong quan hệ tài sản của vợ chồng, pháp luật quy định nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng. Dù vợ chồng thỏa thuận về chế độ tài sản hay theo chế độ tài sản luật định thì vợ chồng phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình80. Nhu cầu thiết yếu của gia đình là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình81. Nhu cầu thiết yếu của gia đình được bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp vợ chồng theo chế độ tài sản Luật định thì đương nhiên có tài sản chung82. Trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận về chế độ tài sản mà giữa họ không có tài sản chung thì trong văn bản thỏa thuận phải có nội dung về tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Đồng thời, pháp luật quy định vợ chồng bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung là nhằm bảo vệ khối tài sản chung, bảo đảm nguồn sống của các thành viên gia đình trong đó có trẻ em. Pháp luật quy định những giao dịch dân sự để phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của gia đình thì chỉ cần một bên vợ hoặc chồng thực hiện và đương nhiên coi là có sự đồng ý của bên kia. Quy định này có ý nghĩa tạo sự chủ động của vợ hoặc chồng trong việc giải quyết các nhu cầu cơ bản của gia đình. Đối với trẻ em, để đảm bảo các nhu cầu ăn, ở, học tập văn hóa, rèn luyện năng khiếu, kỹ năng mềm, vui chơi, giải trí... hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài chính của cha mẹ. Như vậy, để bảo vệ cho trẻ em trong gia đình được chăm sóc đầy đủ các nhu cầu thiết yếu tồn tại và phát triển toàn diện, không bị gián đoạn và bị ảnh hưởng, tác động xấu đến sự phát triển bình thường theo quy luật tự nhiên của trẻ em, thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng để đáp ứng nhu cầu chung. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho gia đình. Quy định này hoàn toàn phù hợp về mặt lý luận đảm bảo cho nguyên tắc “lợi ích chung của các thành viên gia đình phải được bảo vệ”, trong đó quyền, lợi ích hợp pháp của con luôn được đặt lên hàng đầu. Để bảo đảm nhu cầu thiết yếu về chỗ ở, vợ chồng sẽ bị hạn chế nhất định đối với tài sản riêng, có nghĩa quyền cá nhân lúc này sẽ phải không được bảo vệ cao nhất bởi sự bảo vệ này đã được ưu tiên cho điều kiện sống, ăn, ở của thành viên trong gia đình, đặc biệt là tính ổn định cần thiết cho sự phát triển bình thường của trẻ em. Như vậy, nhà làm luật đã dự liệu các tình huống để buộc vợ chồng thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với gia đình và con chung chưa thành niên.Bảo vệ trẻ em trong các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng còn thể hiện trong quy định về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu. Xuất phát từ thực tế các quan hệ kinh tế, xã hội, vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chung, pháp luật quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi việc chia tài sản đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên hoặc nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho con chưa thành niên84. Quy định này nhằm đảm bảo không để các con chưa thành niên có nguy cơ bị rơi vào tình trạng không được đáp ứng đủ các nhu cầu thiết yếu, ngăn chặn trẻ em bị rơi vào tình trạng thiếu thốn và không đảm bảo điều kiện sống, học tập do việc chia tài sản chung của cha mẹ trong thời kỳ hôn nhân. Điều này có ý nghĩa trong việc ngăn chặn hành vi vô trách nhiệm của cha mẹ nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với con của mình.Như vậy, pháp luật quy định chế độ tài sản của vợ chồng một mặt tôn trọng quyền sở hữu của vợ chồng, mặt khác là bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các thành viên gia đình, trong đó có các con đang ở độ tuổi trẻ em. Luật HN&GĐ năm 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong quan hệ tài sản một cách hài hòa, mở rộng các quyền của vợ chồng đối với tài sản nhưng phải đảm bảo tốt nhất quyền được phát triển của trẻ em trong gia đình, đáp ứng cấp độ phòng ngừa trong các cấp độ bảo vệ quyền trẻ em.3.3. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ trong việc bảo vệ quyền trẻ em và thực tiễn thực hiện3.3.1. Bảo vệ quyền trẻ em trong các quy định về quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và conNội dung bảo vệ quyền trẻ em trong Luật HN&GĐ năm 2014 được thể hiện cụ thể tại Chương V, quy định về nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ đối với con. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định được quy định rõ ràng, từ Điều 68 đến Điều 87. Các quy định này thể hiện việc nội luật hóa nội dung Công ước về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể, bảo vệ quyền trẻ em thể hiện thông qua các quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.3.3.1.1.  Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, tôn trọng thân thể, nhân phẩm của trẻ emXuất phát từ quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, giữa cha, mẹ với con là quan hệ tình cảm thiêng liêng, được hình thành và phát triển tự nhiên, vô điều kiện. Bởi vậy, quy định cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu con (khoản 1 Điều 69 Luật HN&GĐ năm 2014) nhằm “luật” hóa mối quan hệ tình cảm này đồng thời nhằm bảo vệ quyền được phát triển của trẻ em. Quá trình phát triển của trẻ em đi kèm các nhu cầu nhất định về thể chất, tinh thần và kỹ năng xã hội. Chỉ có cha mẹ, những người chăm sóc trẻ em hàng ngày mới có khả năng nhận biết rõ nhất về các thời điểm thay đổi của trẻ em. Cùng với việc nuôi dưỡng hàng ngày, cha mẹ còn phải chăm sóc đời sống về tinh thần của trẻ em, bởi trẻ em được nhìn nhận là một con người với những nhu cầu suy nghĩ, tình cảm vậy nên cha mẹ phải đảm bảo điều kiện nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con, chia sẻ và giúp đỡ con chưa thành niên (khoản 1 Điều 69 Luật HN&GĐ năm 2014). Nghĩa vụ thương yêu con là xuất phát từ sự gắn bó máu thịt, sự công nhận của pháp luật đối với mối quan hệ cha con, mẹ con. Cha mẹ phải bày tỏ tình yêu thương qua những hành động cụ thể, bằng sự chăm sóc, tạo mọi điều kiện tốt nhất về tài chính, thời gian, để tâm suy nghĩ cho con mình giúp trẻ em trưởng thành và là người con ngoan, công dân tốt. Trong suốt quá trình trưởng thành, cha mẹ cần luôn yêu thương, chăm lo hiểu và thực hiện đúng nghĩa vụ của cha mẹ.Như vậy, yêu thương không chỉ dừng lại bằng lời nói mà phải bằng những việc làm cụ thể. Yêu thương cũng không có nghĩa là bao bọc, bảo vệ, hy sinh tất cả cho con mà phải giáo dục, định hướng, tôn trọng cá tính, ý kiến của con trong quá trình nuôi dạy. Yêu thương, chăm sóc con cái là điều kiện tiên quyết để hoàn thành trách nhiệm làm cha mẹ. Chính điều đó sẽ giúp trẻ em được lớn lên và phát triển một cách toàn diện. Vì vậy, cha mẹ yêu thương con một cách thích hợp sẽ tạo được đà hưng phấn, sáng tạo, khơi gợi tiềm năng để trẻ em có thể phát triển toàn diện.Tuy nhiên, hiện nay quy định yêu thương còn chung chung mà chưa quy định cụ thể yêu thương như thế nào, yêu thương được thể hiện ra sao nên dẫn đến nhiều cách hiểu, cách ứng xử của cha mẹ với con. Có những cách hiểu “yêu thương” là “yêu cho roi cho vọt”, yêu con mình, bỏ con người;... thiếu tôn trọng các quyền của trẻ em và vi phạm thô bạo các quyền trẻ em dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngược lại, quan điểm cha mẹ yêu thương con theo hướng đáp ứng mọi đòi hỏi của con vô điều kiện, cũng mang lại những hậu quả không tốt cho trẻ em.Luật HN&GĐ năm 2014 quy định trẻ em có quyền được cha mẹ tôn trọng (khoản 1 Điều 70). Cha mẹ tôn trọng mọi vấn đề thuộc về trẻ em như: thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư... Cha mẹ không được có hành vi xâm phạm thân thể trẻ em; không được lạm dụng sức lao động của trẻ em.; không được xúi giục, ép buộc trẻ em làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội... Mọi hành vi bạo lực đối với trẻ em trong gia đình gồm bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục... đều bị xử lý theo pháp luật. Như vậy, Luật HN&GĐ năm 2014 đã bao quát, tương thích với các quy định các quyền cơ bản của trẻ em được ghi nhận trong Luật Trẻ em năm 2016. Cụ thể, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, không bị bỏ rơi, bỏ mặc... quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em; được bảo vệ bí mật đời sống riêng tư. Bên cạnh đó, cha mẹ có nghĩa vụ tôn trọng đời sống riêng tư của trẻ em. Đây là một trong những điểm mới, quan trọng để bảo vệ quyền nhân thân của chủ thể trong quan hệ pháp luật. Với tư cách là công dân, một con người, trẻ em cũng được bảo vệ và tôn trọng quyền bí mật đời sống riêng tư trên cơ sở quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư tại Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản pháp luật khác. Pháp luật quy định việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư của cá nhân phải được bản thân cá nhân đó đồng ý. Bí mật đời sống riêng tưcủa trẻ em đa số gắn với gia đình và cha mẹ nên cần xác định bí mật đời sống riêng tư của trẻ em với bí mật của gia đình, cha mẹ trẻ em. Bảo vệ quyền trẻ em còn là bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của trẻ em. Nhân phẩm, danh dự của trẻ em cần được tôn trọng bởi đây chính tôn trọng sự phát triển về tinh thần, cần thiết song song với sự phát triển về thể chất của trẻ em.Thực tiễn thực hiện pháp luật HN&GĐ về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ với trẻ em những năm gần đây có nhiều thành tựu. Đáng ghi nhận nhất đó chính là cha, mẹ có những thay đổi tích cực về nhận thức, ý thức pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và yêu thương trẻ em. Ngày càng nhiều các quyền của trẻ em được cha, mẹ, người thân và xã hội tôn trọng, bảo đảm thực hiện như: quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư... Quyền được khai sinh được cha, mẹ người thân thích quan tâm thực hiện. Theo số liệu thống kê công bố năm 2020, trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đã đạt 98,8%, trong đó có 95,6% số trẻ em được đăng ký trong thời gian 06 tháng đầu đời86. Kết quả này đã vượt mục tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017- 2024: “Đến năm 2020, đạt tỷ lệ 97% trẻ em, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được đăng ký khai sinh trước 05 tuổi”87. Việc đăng ký khai sinh đầy đủ là cơ sở pháp lý quan trọng để trẻ em có thể được hưởng các quyền cơ bản khác của trẻ em như: quyền có họ tên, dân tộc, quốc tịch; quyền được xác định cha mẹ; quyền được học tập...Cha mẹ đã thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trong việc tạo điều kiện cho trẻ em được đi học. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học giảm mạnh trong 10 năm qua, từ 16,4% năm 2009 và đến năm 2019 còn 8,3%. Tính đến tháng 4 năm 2019, Việt Nam có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường. Đây là một trong những thành tựu rất đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam trong thập kỷ qua,.Cha mẹ đã quan tâm, đảm bảo quyền được chăm sóc, sức khỏe của trẻ em tại gia đình cũng như tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận các dịch vụ y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trẻ em được tham gia tiêm chủng mở rộng nhiều loại vắc xin. Thành công trong tiêm chủng ở Việt Nam, bảo vệ hàng triệu mạng sống cũng như phòng, tránh cho nhiều trẻ em khỏi bệnh tật và khuyết tật, thanh toán thành công bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván trẻ sơ sinh và kiểm soát bệnh sởi... đã chứng minh phần nào trách nhiệm của cha mẹ đối với trẻ em trong việc tạo cơ hội để trẻ em được tiếp cận dịch vụ y tế.Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một bộ phận cha mẹ thiếu quan tâm, chăm sóc trẻ em để trẻ em tự bươn chải, kiếm sống, đặc biệt các vụ việc xâm hại, bạo lực với trẻ em vẫn tồn tại và ngày càng tăng mức độ nguy hiểm đối với trẻ em, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ có nhiều áp lực, thiếu hiểu biết về nghĩa vụ làm cha, mẹ của mình... nên đã làm tổn hại đến trẻ em cả về thể chất và tinh thần. Một trong những thực trạng vi phạm nghĩa vụ của cha mẹ với con thể hiện qua tình hình bạo lực với trẻ em đang diễn ra trong các gia đình, đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam.Bạo lực gia đình đối với trẻ em là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần đối với trẻ em. Bạo lực đối với trẻ em không chỉ xảy ra trong các gia đình cha mẹ có trình độ học vấn thấp mà còn xảy ra cả trong gia đình cha mẹ có trình độ học vấn cao. Không chỉ những đứa trẻ “khó bảo” là nạn nhân của bạo lực gia đình mà ngay cả những đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi cũng chịu những hành vi bạo lực. Người có hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em có thể là cha, mẹ, cha dượng, mẹ kế, ông, bà, anh, chị, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ... Thông thường những người này lợi dụng hoàn cảnh bị lệ thuộc của trẻ em về hoàn cảnh kinh tế cũng như điều kiện sống mà sử dụng hình phạt trong trường hợp trẻ em phạm lỗi hoặc không làm đúng theo yêu cầu, đề nghị của họ. Hành vi bạo lực về thể chất có thể là tát, đấm, đá, véo, giật tóc hoặc bị đánh bằng đồ vật (như gậy, thắt lưng, roi , giầy...); trẻ em bị buộc phải đứng, ngồi, quỳ trong các tư thế khó chịu như đứng vào tổ kiến, quỳ trên vỏ mít,... Thậm chí còn có một số bị các hình phạt tàn bạo như: dí điện, tẩm xăng đốt, treo ngược lên cây,... Bên cạnh bạo lực về thể xác, trẻ em còn bị bạo lực về tinh thần. Phổ biến nhất là mắng nhiếc, đe dọa gây áp lực, bỏ mặc... Nếu bạo lực về thể xác dễ nhận biết khi thương tích trên cơ thể nạn nhân thì bạo lực về tinh thần rất khó nhận biết. Những đứa trẻ bị bị tổn thương về tinh thần rất nghiêm trọng, song người ta chỉ nhận biết được khi sự tổn thương đó dẫn đến nạn nhân có những hành vi như tự tử, bỏ nhà đi lang thang, bị kẻ xấu lợi dụng hoặc vi phạm pháp luật.Trong nhiều gia đình, việc xử phạt của cha mẹ đối với con được cho là một biện pháp giáo dục, tuy nhiên biện pháp này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần của trẻ em. Theo Báo cáo điều tra, đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2014 (MICS) tại Việt Nam thì 68,4% trẻ em từ 01 - 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình. Trong đó có 2,1% trẻ em bị xử phạt thể xác nặng, 42,7% trẻ em bị xử phạt bằng thể xác, 58,2% trẻ bị xử phạt và áp lực tâm lý. Trẻ em bị xử phạt nặng về thể xác rơi vào trẻ em sống ở vùng thành thị (2,4%) tăng hơn so với các gia đình ở nông thôn (2,0) và chủ yếu là các trẻ em trai. Nhóm trẻ bị xử phạt thể xác nặng trong gia đình có cha mẹ trình độ học vấn thấp (5,5%) so với cha mẹ có trình độ tốt nghiệp THPT (1,4%). Có 16,1% người mẹ cho rằng nên xử phạt về thể xác và 13,1% người cha đồng ý với quan điểm này89. Tỷ lệ trẻ em bị xử phạt tinh thần cũng biến động tương tự, đặc biệt phụ thuộc vào trình độ học vấn của chủ hộ và mức sống của hộ gia đình. Thực tế cho thấy, cuộc sống thành thị với nhiều áp lực đã khiến các bậc làm cha mẹ có những hình phạt nặng không đáng có với con mình, mặc dù trình độ của cha mẹ không thấp.Theo thống kê của Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 (trên cơ sở các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88% tổng số các vụ bạo lực trẻ em. Đồng thời, còn nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại từ người ngoài, nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, trong đó có trường hợp cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác. Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, sinh con;... có trường hợp trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong, bị giết hại mang tính chất dã man, mất nhân tính cụ thể: trong 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong). Các địa phương có số trẻ bị tử vong nhiều là Hà Nội (13 trẻ), Bắc Ninh (8 trẻ), Gia Lai (8 trẻ), Lào Cai (8 trẻ), Quảng Ninh (7 trẻ), Thanh Hóa (7 trẻ)90. Điển hình là các vụ việc dưới đây:Năm 2014, tại Giá Rai, Bạc Liêu bà ngoại đánh cháu 2 tuổi gây thương tích nặng do cháu bé làm vỡ chai dầu gió. Kinh khủng hơn bà ta còn dùng dầu gió vung vãi trên đất do bị vỡ, bôi vào hai mắt cháu khiến mắt cháu sưng phù. Ngày 9/12/2014, Công an huyện Giá Rai, Bạc Liêu đã triệu tập bà Thạch Thị S (64 tuổi, ngụ ấp 3, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) để làm rõ thông tin bé Khương Nguyễn Minh K (2 tuổi, cháu ngoại bà S) bị đánh gây thương tích nặng. “Bước đầu bà S thừa nhận đã đánh K vì giận cháu làm bể chai dầu gió của bà”. Do mẹ cháu K lên Sài Gòn làm thuê, gửi con lại cho mẹ nuôi giúp nên việc chăm sóc cháu cũng khiến bà mệt mỏi, vất vả91.Năm 2016, bố đẻ đánh đập dã man con gái ruột tại Quảng Bình. Cháu T (8 tuổi) bị cha đẻ đánh tím hai chân vì trên đường đi học về đến nhà bà ngoại để thăm mẹ (do bố mẹ bé đã ly hôn, cháu ở với bố) nhưng không gặp được mẹ. Sau đó, cháu về nhà thì bị bố ruột dùng roi đánh tới tấp vào người khiến trên cơ thể bé đầy các vết thương92 .Năm 2017 vụ bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị cha ruột đánh rạn sọ não cháu Trần Gia K. (10 tuổi) về nhà ông bà nội ở Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình để cầu cứu, vì bị bố và mẹ kế bạo hành dã man với nhiều thương tích trên người, xương sườn bị gãy và trên đầu bị rạn sọ não. Vụ ông Trần Hoài N và vợ là Phạm Thị Tú T (đều 35 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã có hành vi đánh đập, hành hạ cháu Trần Nguyên K là con đẻ của N và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. N và T thường “đánh đòn để dạy” mỗi khi K không ngoan, không nghe lời. Nhiều lần N đá ngang mạng sườn, dồn cháu K vào góc tường rồi dùng chân đạp liên tiếp vào người, bắt cháu K uống nước mắm, nằm dưới đất khi không vừa ý... Khi cháu K trốn về nhà ông bà nội, kể lại toàn bộ sự việc bị bố và mẹ kế đánh đập cho ông bà nghe, ông nội cháu K đã đưa cháu đến cơ quan công an trình báo. N và T sau đó tới cơ quan điều tra đầu thú. Cáo trạng xác định, tổn hại sức khoẻ của cháu K do chính cha đẻ gây ra là 22%, còn mẹ kế trực tiếp đánh đã khiến cháu tổn hại 3%. N bị Toà án nhân dân quận Cầu Giấy tuyên phạt 6 năm 6 tháng tháng tù. T cũng bị tuyên phạt 5 năm tù93.Tại Bản án số 59/2018/HS-ST ngày 14/8/2018. Ông C và bà Nguyễn Thị Xuân Đ kết hôn năm 2006 có con chung là cháu Võ Hiếu N. Năm 2011, C và Đ ly hôn, cháu N được bà Đ nuôi dưỡng. Từ đầu tháng 8/2017 đến giữa tháng 9/2017, chị Đ không cho cháu N đi học vì cho rằng N hiếu động, nghịch phá. Đ đã dùng roi tre dài 66cm, đường kính nơi nhỏ nhất là 0.8cm, nơi lớn nhất là 01cm để đánh cháu N nhiều lần, nhiều nơi trên cơ thể cháu gây ra nhiều vết thương hở, nhiều vết bầm... Sau khi bị tố giác, chị Đ đã bị cơ quan chức năng giải quyết theo pháp luật. Bị cáo Đ thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vĩnh Long và đồng ý với tội danh mà bị cáo bị truy tố. Tòa đã tuyên bố bị cáo Đ phạm “Tội hành hạ con”. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Xuân Đ 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 tháng. Thời hạn thử thách của bị cáo được tính từ ngày tuyên án 14/8/201894.Gần đây, năm 2020, vụ án mẹ đẻ và cha dượng đã bạo hành bé gái 3 tuổi đến tử vong đã dấy lên tình trạng bạo hành trẻ em, mất tính người của các bị cáo. Theo đó, Tòa án đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh T (31 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tử hình về tội giết người và 30 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hình phạt là tử hình. Bị cáo Nguyễn Thị Lan A (29 tuổi) bị phạt tù chung thân về tội giết người, 18 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hợp hình phạt là chung thân. Đây là hình phạt thích đáng cho những kẻ vô nhân tính có những hành vi gây căm phẫn trong toàn xã hội95.Cuối tháng 12/2021 nổi lên vụ việc bạo hành với con của nhân tình tại TP.HCM dẫn đến chết của bé gái 8 tuổi của bà Võ Quỳnh Trang (SN 1995). Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra theo đơn tố cáo của mẹ cháu bé là vợ đã ly hôn của cha ruột cháu A là ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985). Vụ việc gây bức xúc trong dư luận bởi sự vô tâm của người cha và thiếu quyết liệt của mẹ cháu bé khi cháu bị hành hạ, đánh đập dã man. Vụ việc đang trong quá trình điều tra nhưng cũng đã có những “giá như”… bởi cháu A đã tử vong.Trên đây là những vụ việc gây chấn động trong dư luận, đã và đang giải quyết. Ngoài ra, còn nhiều hành vi của cha mẹ trong cuộc sống thường ngày nhưng đã để lại những hậu quả sâu sắc, ám ảnh suốt cuộc đời con trẻ. Việc trẻ em phải chứng kiến bạo lực giữa cha và mẹ là vấn đề cần xem xét ở nhiều góc độ. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cha mẹ sử dụng bạo lực với con mình để giải tỏa những vấn đề cha, mẹ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày lại đang được xã hội chấp nhận96. Đặt vấn đề, nếu cha mẹ bạo lực tinh thần cho con hoăc không quan tâm, chia sẻ giúp đỡ con dẫn đến việc con ức chế tâm lý, bế tắc đi đến tự tử, ai là người phải chịu trách nhiệm? Cha mẹ có vô can không khi trẻ em có những quyết định dại dột như vậy? Thực tế hiện nay, vẫn tồn tại việc cha, mẹ gây áp lực, la mắng, chửi bới, xúc phạm con cái dẫn đến hành vi tự tử của con đang đặt ra những bài toán trách nhiệm của cha mẹ, mặc dù họ không mong muốn con họ làm như vậy.Như vậy, về mặt luật pháp, các quyền trẻ em đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ tương đối đầy đủ khi xác định nghĩa vụ của cha mẹ đối với trẻ em nhưng vẫn tồn tại bạo lực gia đình và ngày trở nên phổ biến, đáng lo ngại trong đời sống xã hội của nước ta hiện nay. Có thể thấy, trong mọi trường hợp trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình thì cha, mẹ đều chưa thực hiện đúng nghĩa vụ của họ. Bởi lẽ, một là hơn ai hết, cha mẹ phải là người có nghĩa vụ “tạo cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận” theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật HN&GĐ năm 2014. Không những không làm được điều này, cha mẹ chính là người có hành vi bạo lực đối với trẻ em hoặc làm ngơ khi người thân thích có hành vi bạo lực đối với con mình.Theo: Nguyễn Thị HạnhLink luận án: https://docs.google.com/document/d/1HLstYqVahRReSa2YdJhVrAbNdOHfYy4z/edita